Tiếng Việt Hôm Nay Có Còn Trong Sáng? - Báo Tuổi Trẻ

Chữ
Chữ "cứu cánh" đang được truyền thông dùng chủ yếu với nghĩa “chỗ dựa, để thoát khỏi một tình trạng không hay”

Những bức xúc như vậy không phải không có căn cứ. Đó là hiện tượng nói và viết tiếng Việt tùy tiện, bừa bãi trong đời sống hằng ngày và cả trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Sách báo thì in sai, in lỗi hoặc để cho nhiều phát ngôn kém văn hóa ngang nhiên tồn tại (ngày xưa báo, nhất là sách, lỗi in sai rất ít). Nhưng ngôn ngữ trên mạng mới thật sự đáng sợ. Từ chuyện nói năng văng mạng (nói cho hả, nói lấy được) đến chuyện viết văng mạng, bất chấp các chuẩn mực chính tả tối thiểu.

Vay mượn sáng tạo làm giàu tiếng Việt

Trên thực tế, cách hiểu “thế nào là trong sáng?” đang có sự phân hóa, chưa thống nhất. Thể hiện rõ nhất là thái độ đối với việc sử dụng từ nước ngoài.

Nhiều người cho rằng phải căn cứ vào nguồn gốc của nguyên ngữ mà dùng từ cho chuẩn. Như vậy có nhiều từ Hán - Việt ta mượn và dùng đúng theo nghĩa Hán (cả âm và nghĩa).

Chẳng hạn, theo quan điểm của một số tác giả, phải dùng cứu cánh với nghĩa là “mục đích cuối cùng” chứ không dùng như hiện nay là “chỗ dựa, để thoát khỏi một tình trạng không hay”; phải dùng trầm kha (hay bệnh nặng) chứ không được dùng “bệnh trầm kha”, tham quan chứ không phải “thăm quan”, Hợp Chúng Quốc Mỹ chứ không phải “Hợp Chủng Quốc Mỹ”... Nhưng có rất nhiều trường hợp trong quá trình thu nhận và sử dụng, tiếng Việt đã có điều chỉnh, sai lệch.

Chẳng hạn, “vô tình” ít dùng nghĩa “không có tình, bất nghĩa” như tiếng Hán, mà dùng “ngẫu nhiên, không chủ định, không cố ý”; “khiêm tốn” không chỉ với nghĩa chỉ “ý thức và thái độ đúng mực”, mà còn dùng chỉ sự “ít ỏi, nhỏ bé” (đồng lương khiêm tốn, chiều cao khiêm tốn...); lẽ ra viết “thống kế” nhưng từ trước đến nay vẫn viết là “thống kê”; “trụ ngụ” lại viết là “trú ngụ”; “trú sở” viết thành “trụ sở...

Đó là những lỗi quy về gốc là “sai”. Nhưng hiện tại chúng ta sử dụng trong giao tiếp đã hết sức quen thuộc đến mức không nhận ra lỗi sai và những cái sai đó đã được bình thường hóa (do không có sự hiểu lệch lạc, phù hợp với hiện tại).

“Khi ta mượn một từ nước ngoài thì với một ý nghĩa nào đó, chúng ta đã “tạo” một từ mới của ta: từ tiếng Việt này sẽ có một đời sống riêng của nó” (Hoàng Phê, Tuyển tập ngôn ngữ học, 2008). Tiếng Việt vay mượn khá nhiều.

Có từ do áp lực ta phải dùng. Có từ ta chưa có mà phải “vay” (vay mượn thuật ngữ là rõ rệt nhất). Hoặc nhiều từ ta có rồi nhưng vẫn mượn thêm để làm phong phú hơn cách sử dụng (tiếng Nga, tiếng Pháp là một ví dụ, vẫn mượn thêm từ tiếng Anh, sử dụng song song).

Khi ta mượn, có nhiều từ, dựa trên cơ sở âm và nghĩa gốc, người Việt đã uốn nắn lại (la plat = lập là, la clé = lắc lê, mangouste = măng cụt, casserol = xoong, caporal = cặp rằng, club = câu lạc bộ...). Từ show (sô) trong tiếng Anh có nghĩa là “buổi trình diễn nghệ thuật, suất diễn” nhưng hiện tại sô tiếng Việt còn thêm nhiều nghĩa: một phi vụ làm ăn (bể sô), một công việc nào đó đòi hỏi luân phiên, nhiều lần (chạy sô đi dạy, chạy sô đám cưới, chạy sô thuyết trình...). Từ “hủ hóa” nghĩa gốc tiếng Hán là “thối nát”, dùng để chỉ sự “hư hỏng, biến chất, sa đọa”, nhưng trong dân gian hay dùng để chỉ chuyện nam nữ “quan hệ bất chính, buông thả” (Anh ta mắc tội hủ hóa, làm cô hàng xóm mang bầu).

Như vậy nếu so sánh nhiều từ, ta thấy âm và nghĩa gốc có khi đã bị “mờ” đi. Đó là sự phát triển tự nhiên của ngôn ngữ vay mượn. Khi mượn đúng mức và có phần sáng tạo, người Việt đã thực hiện công cuộc Việt hóa triệt để nhiều từ ngữ, cách nói từ tiếng nước ngoài để làm phong phú vốn từ của mình.

Phải nói rằng tiếng Việt đã “giàu”, sinh động hơn nhờ vay mượn và Việt hóa một cách tuyệt vời một số lượng đáng kể từ ngữ gốc Hán và gốc Pháp.

Nguy cơ bị vẩn đục

Phát triển đúng hướng là tôn trọng những chuẩn mực (từ vựng, ngữ âm, chính tả...). Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt không thể thoát ly vấn đề chuẩn hóa. Mà chuẩn hóa có nghĩa là “lựa chọn một biến thể hợp lý trong những biến thể đang tồn tại”. Nhưng thế nào là chuẩn? Chuẩn ngôn ngữ là một quá trình kiểm nghiệm, sàng lọc, chọn lựa.

Có những chuẩn cũ bị phá bỏ để thay bằng chuẩn mới và nhiều khi cả hai chuẩn này song song tồn tại trong một thời gian (lưỡng khả). Chuẩn là cái đã được định hình, truyền thống, nhưng có khi nó lại hình thành từ một “sự vi phạm chuẩn”. Sự sáng tạo ngôn từ của các nhà văn, nhà thơ là một ví dụ. Không ít những lối nói “phá cách” của các nhà văn đã đem lại hiệu ứng bất ngờ và trở thành một nhân tố mới, giúp ngôn ngữ phát triển đa dạng hơn.

Chuẩn luôn tôn trọng tính cộng đồng và dân chủ. Tuy nhiên, chính từ cách hiểu “dân chủ” kia mà hiện tại tiếng Việt đang đứng trước nguy cơ của sự vi phạm. Điển hình là cách nói lóng trong học đường. Rồi nói tiếp âm các từ với các tên nổi tiếng: yết kiêu vừa chứ, lỗ tấn to rồi, chớ hồng lâu mộng, vô lý thường kiệt...

Đáng ngạc nhiên (và đáng sợ) hơn cả là ngôn ngữ chat (tán gẫu trên mạng). Nếu ai từng vào mạng, xem các trang blog, email... sẽ thấy chính tả tiếng Việt biến dạng như thế nào. Có thể nói là bát nháo, thiên hình vạn trạng.

Cái lạ nhiều khi bị giới trẻ nhầm lẫn với cái tôi và “cái sáng tạo”, “cái hay”. Những cái mới lạ đó rất dễ lây lan, khi đã lây nhiễm rồi, nó cứ như một “con đỉa” bám rất chặt, rất khó gỡ bỏ.

Nhìn lại cả quá trình lịch sử, tiếng Việt hôm nay đã thay đổi rất nhiều về diện mạo: giàu hơn và đa năng hơn trong việc thể hiện công cụ giao tiếp ở mọi lĩnh vực. Tiếng Việt chưa đến nỗi rung chuông báo động, giương “đèn đỏ” về sự “mất trong sáng trầm trọng”. Nhưng rõ ràng tiếng Việt có nhiều vấn đề phải quan tâm, nếu không thì ngôn ngữ yêu quý này có nguy cơ bị vẩn đục do chính thái độ của chúng ta.

Lỗi ngày càng tăng

Thực tế vừa qua, trong một đợt khảo sát bài viết và bài thi của một số trường THPT tại Hà Nội, chúng tôi phát hiện rất nhiều lỗi được cho là “nằm ngoài kiến thức”. Đó là việc viết tắt, viết hoa, viết kèm tiếng nước ngoài vô lối, viết theo ngôn ngữ biến dạng xuất hiện (nhiều ít khác nhau) ở các văn bản học đường đòi hỏi phải tuân thủ các nguyên tắc trường quy. Và mức độ vi phạm ngày một tăng.

Từ khóa » Ví Dụ Về Sử Dụng Tiếng Việt