Tiếp Tục Phát Triển Mô Hình Trồng Cây Dược Liệu Dưới Tán Rừng Năm ...

Võ Nhai là huyện miền núi nằm ở phía đông bắc của tỉnh Thái Nguyên có tổng diện tích 839,43 km2, địa hình phức tạp, phần lớn diện tích là đất đồi núi thấp và núi đá vôi, những vùng đất bằng phẳng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nhỏ, chủ yếu theo các khe suối, triền sông và thung lũng. Do nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nên hệ thực vật phong phú, trong đó có nhiều loài thực vật gỗ và lâm sản ngoài gỗ (cây dược liệu) quý hiếm sẵn có trong tự nhiên. Nguồn dược liệu trước đây được người dân thu hái một phần dùng làm thuốc chữa các bệnh thông thường hoặc bán cho các thương nhân từ nơi khác đến. Qua quá trình khai thác, sử dụng nguồn dược liệu ngày càng suy giảm, nhiều loài còn lại rất ít hoặc không còn trong tự nhiên. Trước nhu cầu lớn của thị trường về nguồn nguyên liệu sản xuất các sản phẩm phục vụ sức khỏe có nguồn gốc từ tự nhiên, một số mô hình trồng dược liệu trên địa bàn đã hình thành như: Kim tiền thảo, Ba kích, Cát sâm, Hà thủ ô,… bước đầu cho thấy những tín hiệu lạc quan. Tuy nhiên, trồng dược liệu là một loại hình sản xuất mới, yêu cầu vốn đầu tư lớn, kỹ thuật,… nên việc xây dựng các mô hình để kiểm tra, đánh giá hiệu quả kinh tế, phục vụ tham quan học tập nhân rộng mô hình là rất cần thiết.

Khu rừng đặc dụng Thần Sa - Phượng Hoàng có tổng diện tích 19.913,54 ha, là khu vực có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất tỉnh Thái Nguyên, nằm vị trí tiếp giáp với 2 tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn. Khu rừng có hệ sinh thái rừng núi đá với nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ cùng hệ thống hang động độc đáo, nhiều di tích lịch sử - khảo cổ học, là cái nôi của người Việt Cổ. Bao quanh phủ quanh khu rừng là hệ thực vật tự nhiên phong phú và đa dạng với nhiều loài động vật, trong đó có nhiều loài trong sách đỏ Việt Nam và thế giới thuộc đối tượng phải bảo tồn và phát triển.

Nhằm làm giảm sức ép đối với tài nguyên rừng và góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội, nâng cao ý thức về quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng của người dân sống xung quanh khu rừng đặc dụng, trong những năm qua Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ đã tổ chức cho cộng đồng dân cư vùng đệm tham gia các hoạt động bảo vệ, bảo tồn, phát triển các mô hình trồng cây dược liệu góp phần nâng cao thu nhập và gắn sinh kế của người dân với các hoạt động của khu bảo tồn. Kết quả năm 2020 đã thực hiện trồng 6,0 ha cây Ba Kích và Cát Sâm với 7 hộ gia đình tham gia tại xã Sảng Mộc; năm 2021, tiếp tục triển khai mô hình với 09 hộ gia đình tham gia với diện tích 6,0 ha tại 03 xã: Thần Sa, Cúc Đường và Phú Thượng. Qua quá trình theo dõi sinh trưởng, phát triển nhận hai loài cây dược liệu này phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và hứa hẹn cho thu nhập cao hơn những loài cây trồng khác tại địa phương. Những hộ gia đình được lựa chọn tham gia thực hiện mô hình được Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tổ chức tập huấn kỹ thuật, cấp cây giống, phân bón và cử cán bộ theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật các mô hình. Kết quả, cây trồng đúng quy trình kỹ thuật, sinh trưởng phát triển tốt.

Qua quá trình triển khai thực hiện các mô hình vừa giúp bảo tồn cây dược liệu trong tự nhiên, vừa tận dụng được không gian dưới tán rừng, tạo nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc chữa bệnh từ đó tạo sinh kế cho người dân vùng cao. Điều này khẳng định phát triển dược liệu theo hướng cung cấp sản phẩm hàng hóa là một hướng đi đúng để khai thác bền vững tài nguyên rừng, vừa góp phần nâng cao thu nhập cho người dân vừa là giải pháp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ bàn giao cây giống cho các hộ dân

Lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây dược liệu dưới tán rừng năm 2021

Giảng viên trao đổi về kỹ thuật trồng cây Ba Kích, cây Cát Sâm

Từ khóa » Trồng Cây đặc Sản Dưới Tán Rừng