Tiêu Chuẩn Nghiệp Vụ Các Ngạch Thanh Tra Viên - Bộ Giao Thông Vận Tải

Tiêu chuẩn các ngạch thanh tra phải phù hợp với tiêu chuẩn chung của các ngạch công chức và có những đặc thù riêng của công chức thanh tra, thể hiện được các yêu cầu về chức trách, nhiệm vụ phù hợp với nội dung và mục đích của hoạt động thanh tra. Ở mỗi ngạch thanh tra viên gắn với mức độ chức trách sẽ xác định được các yêu cầu về nhiệm vụ của ngạch, độ khó và phức tạp của nhiệm vụ tăng dần theo từng ngạch. Tương ứng với độ khó về chức trách, nhiệm vụ đó mà định ra các tiêu chuẩn về năng lực, trình độ, kinh nghiệm công tác cho phù hợp, đảm bảo thực thi có hiệu quả chức trách, nhiệm vụ của ngạch. Tiêu chuẩn các ngạch thanh tra viên phải giải quyết một cách khoa học giữa các yếu tố định tính và định lượng, đảm bảo có thể lượng hóa và gắn với chỉ số đánh giá cụ thể. Tiêu chuẩn cũng phải phù hợp với yêu cầu của việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ đối với cơ quan thanh tra trong từng giai đoạn khác nhau. Khi xây dựng tiêu chuẩn cần phải cân nhắc tính hợp lý giữa khả năng đáp ứng tiêu chuẩn của thực tế với yêu cầu phát triển đội ngũ trong tương lai nhằm đưa ra được các tiêu chuẩn phù hợp. Điều này nhằm tránh hạ thấp tiêu chuẩn của các ngạch thanh tra viên, làm giảm ra động lực phấn đấu nhưng cũng tránh tình trạng đặt ra tiêu chuẩn quá cao so với mặt bằng trình độ công chức nói chung. Việc thiết kế tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch thanh tra viên phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng đến khả năng áp dụng của chúng vào thực tế tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng, thực hiện chế độ, chính sách cho thanh tra viên.

Tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch thanh tra viên hiện nay được quy định tại Nghị định 97/2011/NĐ-CP ngày 21/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra và Quyết định số 04/2008/QĐ-BNV ngày 17/11/2008 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về Ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức ngành Thanh tra. Theo đó, thanh tra viên có các ngạch từ thấp đến cao như sau: Thanh tra viên; Thanh tra viên chính; Thanh tra viên cao cấp. Mỗi ngạch thanh tra viên có những tiêu chuẩn nghiệp vụ khác nhau bao gồm tiêu chuẩn về chức trách, tiêu chuẩn về nhiệm vụ, tiêu chuẩn về năng lực, tiêu chuẩn về trình độ, thâm niên công tác. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch thanh tra viên của sỹ quan công an nhân dân và sỹ quan quân đội nhân dân được quy định riêng tại hai văn bản là Quyết định số 09/2010/QĐ-TT ngày 08 tháng 02 năm 2010 quy định tiêu chuẩn các ngạch thanh tra viên công an nhân dân, Quyết định số 31/2016/QĐ-TTg ngày 05 tháng 08 năm 2016 quy định tiêu chuẩn các ngạch thanh tra viên quốc phòng, bởi đây là hai ngành mang tính chất đặc thù, đòi hỏi những tiêu chuẩn mang tính chặt chẽ hơn.

Các văn bản hiện nay đã đưa ra được các điều kiện, tiêu chuẩn cơ bản làm căn cứ phân loại, đánh giá giữa các ngạch thanh tra viên khác nhau. Sự phân biệt này được thể hiện qua mức độ khác nhau về chức trách, nhiệm vụ, năng lực, yêu cầu trình độ và thâm niên công tác. Các tiêu chuẩn cơ bản có sự phù hợp, thống nhất với nhau, năng lực, trình độ, thâm niên công tác đảm bảo cho từng ngạch thực hiện được các yêu cầu về chức trách, nhiệm vụ được giao, mức độ chức trách, nhiệm vụ mà của các ngạch là tương đối phù hợp, đảm bảo giải quyết được các chức năng, nhiệm vụ của ngành Thanh tra. Tuy nhiên, việc quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch thanh tra viên như hiện nay là để phù hợp với các quy định về quản lý, sử dụng công chức theo mô hình chức nghiệp của Việt Nam nên nó cũng mang đầy đủ những hạn chế chung của mô hình chức nghiệp, quản lý, sử dụng, thực hiện chế độ, chính sách đối với công chức theo ngạch bậc của Việt Nam. Việc phân chia thành cấp, ngạch và bậc chỉ mang tính tượng trưng, đơn thuần về mặt học vấn (bằng cấp), ít xét đến kỹ năng, chuyên môn cụ thể. Chế độ, chính sách theo ngạch, bậc, cùng ngạch, bậc như nhau khi làm việc khác nhau thì lương vẫn như nhau; cùng làm việc như nhau nhưng ngạch, bậc khác nhau thì lương khác nhau, công chức càng có thâm niên thì mức lương và chế độ đãi ngộ càng cao... Những hạn chế này để được khắc phục thì phải chờ đến những cải cách chung của tổng thể nền hành chính. Chính vì vậy, trong bài viết này sẽ tập trung đánh giá trực tiếp những hạn chế trong quy định của pháp luật về tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch thanh tra viên trong khuôn khổ thể chế, chính sách chung của nhà nước hiện nay:

1. Những hạn chế trong quy định của pháp luật về tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch thanh tra viên

Thứ nhất, nội dung tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch thanh tra viên thiếu toàn diện, không bao quát hết được các chức năng, nhiệm vụ công tác hiện nay của ngành Thanh tra

Nội dung tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch thanh tra viên hiện nay chủ yếu thiên về công tác thanh tra, một số nội dung chưa bao quát được hết cả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng, chưa đảm bảo được yêu cầu tiêu chuẩn nghiệp vụ phải gắn chặt với chức năng, nhiệm vụ được giao của cơ quan thanh tra. Ví dụ như trong tiêu chuẩn về năng lực của thanh tra viên chính lại chỉ yêu cầu nắm vững chính sách, pháp luật… để tổ chức thực hiện có hiệu quả các cuộc thanh tra được giao mà không nhắc tới công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, tiêu chuẩn về năng lực chỉ đề cập đến việc nắm được quy trình nghiệp vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo mà không nhắc tới phòng, chống tham nhũng… Trong một số nội dung tiêu chuẩn khác cũng chỉ thấy đề cập đến các kỹ năng nghiệp vụ của hoạt động thanh tra. Tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch thanh tra viên công an và quốc phòng đã phần nào khắc phục được điều này bằng việc đưa thêm một số nhiệm vụ, năng lực liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng như giúp thủ trưởng đơn vị xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nắm vững quy trình, nghiệp vụ công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng, xây dựng văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng…

Thứ hai, nội dung các tiêu chuẩn về nhiệm vụ và năng lực của các ngạch thanh tra viên chưa hướng vào trọng tâm hiện nay của hoạt động thanh tra là phát hiện sở hở trong cơ chế, chính sách, phát luật để kiến nghị hoàn thiện.

Nhiệm vụ về thanh tra được Nghị định 97 quy định ở các ngạch là lập biên bản, viết báo cáo kết quả thanh tra, làm rõ từng nội dung đã thanh tra, xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm; kiến nghị biện pháp giải quyết; xây dựng báo cáo kết quả thanh tra, kết luận thanh tra, làm rõ từng nội dung đã thanh tra; xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm; kiến nghị biện pháp giải quyết để chấn chỉnh hoạt động quản lý. Như vậy, ở đây chỉ nhấn mạnh đến yếu tố phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật và kiến nghị biện pháp xử lý. Thời kỳ trước đây, theo quy định của Quyết định 818-TCCP/VP ngày 21/10/1993 của Bộ trưởng, Trưởng ban tổ chức - cán bộ của Chính phủ về việc ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức ngành Thanh tra Nhà nước, bên cạnh nhiệm vụ phát hiện sai phạm, kiến nghị biện pháp giải quyết, thanh tra viên còn có nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện về công tác quản lý của các ngành” (đối với thanh tra viên chính) và “phát hiện những sơ hở trong quản lý của các ngành, lĩnh vực hoặc một cấp quản lý để đề xuất những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định về quản lý của Nhà nước” (đối với thanh tra viên cao cấp). Quy định này giúp đảm bảo thực hiện đầy đủ các trọng tâm của công tác thanh tra. Quy định của Nghị định 97 bỏ qua nội dung quan trọng này là thiếu xót, không đảm bảo tính toàn diện trong nhiệm vụ các ngạch và thiếu phù hợp với mục đích của hoạt động thanh tra theo Luật thanh tra năm 2010 (đưa mục đích phát hiện sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật và kiến nghị hoàn thiện lên hàng đầu).

Thứ ba, quy định về thâm niên công tác của các ngạch thanh tra viên còn nhiều điểm thiếu chặt chẽ, bất hợp lý

Quy định của Nghị định 97 về thâm niên công tác của các ngạch thanh tra viên có điểm chưa hợp lý, gây thiệt thòi khi người mới được tuyển dụng vào ngành Thanh tra đòi hỏi sau 2 năm mới bổ nhiệm thanh tra viên, trong khi đó đối với những người đang giữ ngạch khác tương đương 5 năm trở lên ở cơ quan khác chuyển sang lại không đòi hỏi số năm làm công tác thanh tra, được bổ nhiệm ngay vào ngạch thanh tra viên. Ngạch thanh tra viên chính, thanh tra viên cao cấp cũng không đòi hỏi số năm kinh nghiệm làm công tác thanh tra với người giữ ngạch tương đương từ cơ quan khác chuyển về. Quy định về thâm niên cũng thiếu công bằng với những người chưa đủ 5 năm giữ ngạch tương đương ở cơ quan khác chuyển sang, bởi họ sẽ phải đợi thêm 2 năm giống như những người mới được tuyển dụng để được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên (có trường hợp gần 7 năm mới được bổ nhiệm).

Quy định thanh tra viên chính cần có thời gian công tác ở ngạch thanh tra viên và tương đương tối thiểu là 09 năm, thanh tra viên cao cấp cần có thời gian công tác ở ngạch thanh tra viên chính và tương đương tối thiểu là 06 năm thiếu chặt chẽ. Nó sẽ dẫn đến trường hợp có người giữ ngạch tương đương ngạch thanh tra viên đủ 9 năm từ các cơ quan khác chuyển sang, chưa có kinh nghiệm công tác gì về công tác thanh tra lại có thể được dự thi nâng ngạch, bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên chính trong khi người đang giữ ngạch thanh tra viên phải sau 9 năm giữ ngạch cộng thêm 2 năm đợi bổ nhiệm sau tập sự là 11 năm mới được xem xét thi, bổ nhiệm lên ngạch thanh tra viên chính. Quy định chung về thâm niên công tác đối với các ngạch công chức hiện nay cũng đòi hỏi phải có số năm nhất định giữ ngạch chuyên viên mới được dự thi, giữ ngạch tương đương không thể dự thi ngay (chuyên viên cao cấp phải có 5 năm giữ ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương, trong đó ít nhất 2 năm giữ ngạch chuyên viên chính, chuyên viên chính có 5 năm giữ ngạch chuyên viên hoặc tương đương, trong đó ít nhất 3 năm giữ ngạch chuyên viên).

Quy định về thâm niên công tác cũng chưa tính hết những tác động có thể xảy ra trên thực tế để tránh thiệt thòi cho cán bộ, công chức. Ví dụ như một số trường hợp đã được bổ nhiệm thanh tra viên, sau khi chuyển sang cơ quan, tổ chức, đơn vị khác lại được chuyển về cơ quan thanh tra nhà nước thì nên xem xét, đề nghị bổ nhiệm ngay khi tiếp nhận là phù hợp nhưng cũng không có quy định cụ thể để thực hiện.

Thứ tư, đòi hỏi về cùng một loại tiêu chuẩn nghiệp vụ giữa các ngạch thanh tra viên còn thiếu logic, thống nhất

Riêng thanh tra viên chính có nội dụng quy định tiêu chuẩn về năng lực là nắm vững thực tiễn hoạt động quản lý nhà nước và quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội, đề xuất và tổ chức thực hiện có hiệu quả các cuộc thanh tra được giao trong khi đó thanh tra viên và thanh tra viên cao cấp lại không đặt ra yêu cầu này ở các mức độ khác. Điều này gây khó hiểu và ảnh hưởng đến việc xác định nội dung thi, đào tạo, bồi dưỡng đối với các ngạch. Qua nghiên cứu các tiêu chuẩn cho thấy, rất hiếm các tiêu chuẩn mang tính chất đặc thù của từng ngạch (ví dụ như tiêu chuẩn lý luận chính trị cao cấp chỉ áp dụng đối với ngạch thanh tra viên cao cấp) nhưng đối với tiêu chuẩn này không thể coi là tiêu chuẩn đặc thù của ngạch thanh tra viên chính vì ở ngạch nào cũng cần có hiểu biết về thực tiễn hoạt động quản lý trên các lĩnh vực, hiểu biết về chính sách, quy định là chưa đủ. Vì thế, nếu đã đưa ra tiêu chuẩn này với ngạch thanh tra viên chính thì các ngạch còn lại cũng cần phải có tiêu chuẩn này ở các mức độ nhất định.

Thứ năm, tiêu chuẩn về trình độ ngoại ngữ và tin học không phù hợp với các ngạch công chức hành chính nói chung, bất hợp lý và thiếu chặt chẽ

Tiêu chuẩn yêu cầu về trình độ, thâm niên công tác của Nghị định 97 có nội dung về “sử dụng thành thạo tin học văn phòng hoặc có chứng chỉ tin học văn phòng”. Đây là một quy định bất hợp lý. Điều gì sẽ được đưa ra để chứng minh cho việc một người sử dụng thành thạo tin học văn phòng trong trường hợp họ không có chứng chỉ, bằng cấp? Quy định về trình độ ngoại ngữ theo các bậc A, B, C hiện nay đã trở nên lạc hậu và thấp hơn tiêu chuẩn so với quy định về tiêu chuẩn đối với các ngạch công chức tương ứng (đòi hỏi trình độ tương đương bậc 2, 3, 4 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam). Quy định này cũng không đảm bảo công bằng cho các đối tượng khác nhau bởi đối với những người đã từng theo học và có bằng cấp tại các cơ sở đào tạo ở nước ngoài được pháp luật Việt Nam thừa nhận thì không cần phải có chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C… Hơn nữa, nó còn không phù hợp đối với đối tượng là những người quá tuổi 50, những người mà trong thời gian dài trước đây ngoại ngữ không thực sự là một nhu cầu cấp bách cho công tác thanh tra, do đó họ không có sự chuẩn bị và được đào tạo, khó lòng đáp ứng được một cách thực chất.

Thứ sáu, yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên là chưa phù hợp

Quy định các ngạch thanh tra viên phải có văn bằng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp bên cạnh việc phải có văn bằng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên, thanh tra viên chính, thanh tra viên cao cấp là nội dung quy định thiếu hợp lý bởi hiện nay hầu hết các ngạch khác ngoài chuyên viên như kiểm toán viên, kế toán viên, kiểm tra viên thuế, kiểm tra viên hải quan…[1] đều chỉ yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ của ngạch đó mà không yêu cầu song song phải có cả chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước các ngạch chuyên viên. Hơn nữa, trong chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ của các ngạch thanh tra cũng có các nội dung tương tự với chương trình bồi dưỡng chuyên viên, chỉ cần thiết kế thêm một số nội dung cùng với các nội dung bồi dưỡng trực tiếp kiến thức, nghiệp vụ công tác của ngành là đủ, không cần thiết phải đòi hỏi chứng chỉ bồi dưỡng các ngạch chuyên viên.

Thứ bảy, Nghị định 97 được ban hành từ năm 2011 cho đến nay đã 05 năm nhưng Quyết định 04/2008/QĐ-BNV có một số điểm mâu thuẫn với quy định của Nghị định 97 vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ hiệu lực thi hành

Nghị định 97 không quy định tiêu chuẩn phải có trình độ trung cấp lý luận chính trị đối với ngạch thanh tra viên chính trong khi Quyết định 04/2008/QĐ-BNV lại quy định tiêu chuẩn này. Quy định về điều kiện bổ nhiệm ngạch thanh tra viên đối với trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan Quân đội nhân dân, sỹ quan Công an nhân dân công tác ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác chuyển sang giữa các văn bản có hiệu lực hiện nay không thống nhất. Quyết định số 04/2008/QĐ-BNV quy định tiêu chuẩn công chức được bổ nhiệm thanh tra viên phải: có ít nhất 02 (hai) năm làm công tác thanh tra đối với người mới được tuyển dụng vào ngành Thanh tra (không kể thời gian tập sự); nếu là cán bộ, công chức ngạch chuyên viên hoặc tương đương công tác ở cơ quan, tổ chức khác chuyển sang cơ quan thanh tra nhà nước thì phải có ít nhất 01 (một) năm làm công tác thanh tra trong khi Nghị định số 97/2011/NĐ-CP quy định phải có thời gian ít nhất 05 năm giữ ngạch công chức, viên chức, cấp hàm tương đương ngạch thanh tra viên.

Thứ tám, các tiêu chuẩn, điều kiện thiên về định tính, thiếu tiêu chuẩn định lượng rõ ràng và cơ chế để đánh giá

Ngoài những tiêu chí “cứng” về trình độ và thâm niên công tác, thể hiện qua các chứng chỉ bằng cấp, các yêu cầu về chức trách, nhiệm vụ, năng lực của các ngạch thanh tra viên chủ yếu là định tính, không có tiêu chí để xác định. Trên thực tế cũng chưa có bất cứ một quy định hay cơ chế nào để đánh giá năng lực của thanh tra viên để quyết định việc họ có đủ điều kiện tham gia vào kỳ thi nâng ngạch và được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên cao hơn. Vì thế mà, việc lựa chọn để cho thi và xếp ngạch thanh tra viên hầu như chỉ có thể căn cứ vào văn bằng, chứng chỉ, thâm niên công tác mà thôi. Do đó, các quy định ít có tác dụng thúc đẩy quá trình phấn đấu rèn luyện nâng cao trình độ nghiệp vụ thanh tra mà chủ yếu khiến thanh tra viên thu xếp thời gian để đi học nhằm “hoàn thiện hồ sơ”. Tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch thanh tra viên công an, quốc phòng đã đưa thêm một số tiêu chí cụ thể hơn để xác định trên thực tế năng lực, trình độ của từng ngạch, tăng tính rõ ràng.

Thứ chín, nhiệm vụ của các ngạch thanh tra viên chưa đảm bảo để họ có thể thực hiện hiệu quả chức trách được giao nói riêng và mục đích của hoạt động thanh tra nói chung

Nội dung tiêu chuẩn về nhiệm vụ của các ngạch thanh tra viên có sự hạn hẹp hơn so với trước đây, nếu trước đây các ngạch thanh tra viên được đình chỉ việc làm xét thấy đang hoặc sẽ gây tác hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, công dân hoặc gây cản trở đến cuộc thanh tra, chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định của mình đồng thời báo cáo ngay cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì hiện nay để phù hợp với quy định mới của Luật thanh tra năm 2010 (không trao thẩm quyền đình chỉ, tạm đình chỉ cho thanh tra viên, người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành khi tiến hành thanh tra độc lập nữa mà chỉ giao quyền tạm đình chỉ và kiến nghị đình chỉ cho trưởng đoàn thanh tra), các ngạch thanh tra viên không còn nhiệm vụ được đình chỉ các việc làm trái phép như trước đây. Các quyền hạn khác trong quá trình thanh tra cũng rất hạn chế. Điều này cũng phần nào gây ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện chức trách và các nhiệm vụ khác của các ngạch thanh tra viên.

2. Kiến nghị hoàn thiện

Để khắc phục các hạn chế nói trên, thời gian tới cần hoàn thiện quy định của pháp luật về tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch thanh tra viên như sau:

Một là, sửa đổi, bổ sung nội dung tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch thanh tra viên theo hướng bao quát được hết yêu cầu của công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng, đảm bảo được yêu cầu tiêu chuẩn nghiệp vụ phải gắn chặt với chức năng, nhiệm vụ được giao của cơ quan thanh tra: bổ sung tiêu chuẩn về năng lực của thanh tra viên chính, thay “tổ chức thực hiện hiệu quả các cuộc thanh tra được giao” bằng “tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng”, đưa thêm một số nhiệm vụ, năng lực liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng như giúp thủ trưởng đơn vị xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nắm vững quy trình, nghiệp vụ về cả công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng, xây dựng văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng…

Hai là, sửa đổi, bổ sung nội dung các tiêu chuẩn về nhiệm vụ và năng lực của các ngạch thanh tra viên hướng vào trọng tâm hiện nay và sắp tới đã được xác định của hoạt động thanh tra là phát hiện sở hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị hoàn thiện, chuyển mạnh sang xem xét, đánh giá hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan và người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước bằng cách: bổ sung nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện về công tác quản lý của các ngành hay phát hiện những sơ hở trong quản lý của các ngành, lĩnh vực hoặc một cấp quản lý để đề xuất những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định về quản lý của Nhà nước vào nhiệm vụ của các ngạch thanh tra viên ở các mức độ khác nhau … Qua đó góp phần đảm bảo các tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch thanh tra viên giúp họ thực hiện tốt được mục đích hàng đầu của Luật thanh tra 2010.

Ba là, sửa đổi, bổ sung quy định về thâm niên công tác của các ngạch thanh tra viên cho phù hợp: Bỏ quy định 02 năm kinh nghiệm công tác trong ngành Thanh tra, bổ nhiệm ngạch thanh tra viên ngay sau khi hết thời gian tập sự, thử việc để tương thích với quy định đối với các ngạch công chức hành chính, thuế, hải quan ở các ngành có tính chất tương tự... và tránh thiệt thòi về số năm giữ ngạch, thời gian nâng ngạch, chế độ, chính sách cho người được tuyển dụng vào ngành Thanh tra (nếu không bỏ quy định này thì phải quy định số năm kinh nghiệm công tác trong ngành Thanh tra cho người mới vào ngành ở tất cả các ngạch). Trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan Quân đội nhân dân, sỹ quan Công an nhân dân công tác ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác chuyển sang cơ quan thanh tra nhà nước thì phải có thời gian công tác ít nhất 05 năm (gồm thời gian ở cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ và thời gian ở cơ quan thanh tra nhà nước, không kể thời gian tập sự, thử việc) và phải đang giữ ngạch công chức, viên chức, cấp hàm tương đương ngạch thanh tra viên. Trường hợp đã được bổ nhiệm thanh tra viên, sau đó điều động chuyển sang cơ quan, tổ chức, đơn vị khác, khi điều động chuyển về cơ quan thanh tra nhà nước, thì được xem xét bổ nhiệm ngay khi tiếp nhận.

Bốn là, bổ sung nội dung tiêu chuẩn nghiệp vụ tương ứng giữa các ngạch thanh tra viên cho cân đối, thống nhất: Xem xét bổ sung nội dung tiêu chuẩn về năng lực hiểu biết thực tiễn hoạt động quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội” cho cả thanh tra tra viên, thanh tra viên chính và thanh tra viên cao cấp ở các mức độ khác nhau từ thấp đến cao thay vì chỉ quy định cho thanh tra viên chính như hiện nay. Bởi hiểu biết về quy định thôi chưa đủ, các ngạch thanh tra viên còn phải có hiểu biết liên quan đến thực tiễn các hoạt động này. Quy định này sẽ là cơ sở, căn cứ để bổ sung nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng, thi nâng ngạch nhằm nâng cao trình độ của các ngạch thanh tra viên, đặt ra đòi hỏi cao hơn đối với việc các ngạch thanh tra viên phải tích cực tìm hiểu, tích lũy các kiến thức và kinh nghiệm liên quan đến thực tiễn hoạt động quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội… Bổ sung nhiệm vụ tổng kết, đánh giá đúc rút kinh nghiệm về công tác thanh tra và nghiên cứu đề xuất những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung, nhằm hoàn thiện các văn bản pháp luật của nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng.

Năm là, sửa đổi tiêu chuẩn về trình độ ngoại ngữ và tin học cho phù hợp với các ngạch công chức hành chính nói chung

Về tiêu chuẩn về chứng chỉ tin học: thay thế tiêu chuẩn hiện hành bằng tiêu chuẩn “Có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin” cho phù hợp với tiêu chuẩn chung của các ngạch công chức và yêu cầu hiện nay.

Về tiêu chuẩn chứng chỉ ngoại ngữ: nâng tiêu chuẩn ngoại ngữ đối với các ngạch thanh tra viên cho phù hợp với tiêu chuẩn chung của các ngạch công chức và yêu cầu hiện nay như sau: “Có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 2 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc” đối với thanh tra viên; “Có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc” đối với thanh tra viên chính; “Có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 4 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam” đối với thanh tra viên cao cấp. Bổ sung quy định loại trừ yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ tin học đối với một số trường hợp nhất định như có bằng cấp tại các cơ sở đào tạo ở nước ngoài được pháp luật Việt Nam thừa nhận, người quá tuổi 50 để phù hợp hơn với thực tế.

Sáu là, loại bỏ yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên: Bãi bỏ quy định các ngạch thanh tra viên phải có văn bằng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp cho phù hợp với tình hình chung của các ngành có tính chất tương tự và phù hợp với thực tế hiện nay khi chương trình bồi dưỡng chứng chỉ thanh tra viên, thanh tra viên chính và thanh tra viên cao cấp cũng có những nội dung tương tự như chương trình bồi dưỡng chuyên viên, giảm thiểu thời gian công chức ngành Thanh tra phải học quá nhiều loại chứng chỉ mà không thực sự cần thiết.

Bảy là, ban hành văn bản bãi bỏ hiệu lực thi hành của Quyết định số 04/2008/QĐ-BNV: Sau khi Nghị định 97 có hiệu lực, Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ đã phối hợp để sửa đổi, bổ sung, thay thế Quyết định số 04/2008/QĐ-BNV cho thống nhất với các quy định của Nghị định 97 bởi theo quy định của Luật cán bộ, công chức thì Bộ Nội vụ có thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn cụ thể của các ngạch công chức (trong đó có ngạch công chức ngành Thanh tra), theo đề nghị của các Bộ quản lý ngành. Nhưng sau khi xem xét Điều 32, Luật thanh tra lại quy định: “Căn cứ vào tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này, Chính phủ quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với Thanh tra viên của từng ngạch thanh tra” nên việc sửa đổi, ban hành văn bản thay thế Quyết định số 04/2008/QĐ-BNV dừng lại ngang chừng. Tuy vậy, hiệu lực của Quyết định 04/2008/NĐ-BNV chưa bị bãi bỏ nên còn gây hiểu lầm và bị cho rằng là chậm sửa đổi, bổ sung để phù hợp với Nghị định 97, gây thiếu thống nhất trong áp dụng các quy định liên quan đến tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch thanh tra viên.

Tám là, bổ sung các tiêu chuẩn mang tính định lượng và cơ chế để đánh giá tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch thanh tra viên

Bổ sung các quy định mang tính chất định lượng để dễ dàng đánh giá năng lực của các ngạch thanh tra viên. Bổ sung các tiêu chuẩn định lượng về năng lực của các ngạch thanh tra viên hoặc các tiêu chí để xác định các tiêu chuẩn mang tính định tính. Điều chỉnh một số tiêu chuẩn không chỉ ở dạng khả năng mà phải là kinh nghiệm bắt buộc đối với các ngạch thanh tra viên. Chẳng hạn, một người muốn được tham gia thi nâng ngạch thì phải đã từng thực hiện một số nhiệm vụ nào đó trên thực tế.

Tạo ra một cơ chế đánh giá năng lực của cán bộ thanh tra theo các tiêu chuẩn nghiệp vụ để có cơ sở đào tạo, bồi dưỡng theo đúng chuyên môn, vừa gắn với ngạch thanh tra viên vừa gắn với vị trí, lĩnh vực cụ thể đang đảm nhận, hình thành một đội ngũ thanh tra viên thực sự có năng lực để có thể hoàn thành tốt các chức trách nhiệm vụ trong hoạt động thanh tra. Cơ chế đánh giá này phải bảo đảm tính minh bạch, cạnh tranh, thực sự lựa chọn được người phù hợp. Nói một cách cụ thể hơn, ngoài việc xét duyệt hồ sơ theo những tiêu chuẩn về trình độ, bằng cấp, chứng chỉ thì cần phải có thêm các cơ chế đánh giá khác.

Bên cạnh đó, thời gian tới cần xem xét bổ sung quy định của Luật thanh tra về nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra viên, đoàn thanh tra để bổ sung nhiệm vụ của các ngạch thanh tra viên trong tiêu chuẩn cụ thể của từng ngạch tại Nghị định 97 nhằm làm cho các ngạch thanh tra viên có thể thực hiện hiệu quả chức trách được giao nói riêng và mục đích của hoạt động thanh tra nói chung. Đó là quyền hạn được tạm đình chỉ, đình chỉ việc làm xét thấy đang hoặc sẽ gây tác hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, công dân hoặc gây cản trở đến cuộc thanh tra, chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định của mình đồng thời báo cáo ngay cơ quan có thẩm quyền giải quyết, quyền xử lý các hành vi vi phạm phát hiện qua hoạt động thanh tra như nội dung Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đã đề ra.

CN. Nguyễn Thị Thu Nga - Viện Khoa học Thanh tra

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

[1] Thông tư 09/2010/TT-BNV ngày 11 tháng 9 năm 2010 ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ

Từ khóa » Tiêu Chuẩn Ngạch Thanh Tra Viên Cao Cấp