Tiêu Chuẩn TCVN 7958:2017 Phòng Chống Mối Cho Công Trình Xây ...
Có thể bạn quan tâm
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 7958:2017
BẢO VỆ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG - PHÒNG CHỐNG MỐI CHO CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG MỚI
Protection of buildings - Termite prevention for new building
Mục lục
Lời nói đầu
1. Phạm vi áp dụng
2. Tài liệu viện dẫn
3. Thuật ngữ và định nghĩa
4. Phân loại yêu cầu phòng chống mối bảo vệ công trình
5. Quy định chung
6. Khảo sát phát hiện mối và thiết kế phòng chống mối
7. Các biện pháp phòng chống mối cho công trình
8. Hướng dẫn an toàn khi sử dụng thuốc
PHỤ LỤC A
PHỤ LỤC B
Lời nói đầu
TCVN 7958:2017 thay thế TCVN 7958:2008.
TCVN 7958:2017 do Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) biên soạn, Bộ Xây dựng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
BẢO VỆ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG - PHÒNG CHỐNG MỐI CHO CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG MỚI
Protection of buildings - Termite prevention for new building
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật của các biện pháp phòng chống mối cho công trình xây dựng mới sử dụng vật liệu có thể bị mối phá hại (xen-lu-lô, chất dẻo tổng hợp...) làm kết cấu hoặc có chứa đựng, lưu trữ các vật liệu, tài liệu có chứa xen-lu-lô.
Tiêu chuẩn này không áp dụng cho công trình đê đập và cây trồng.
2 Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau đây là rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này:
TCVN 8268:2017, Bảo vệ công trình xây dựng - Diệt và phòng chống mối cho công trình xây dựng đang sử dụng.
TCVN 7493:2005, Bitum - Yêu cầu kỹ thuật.
3 Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau:
3.1
Công trình xây dựng mới (New building)
Công trình dạng nhà được xây mới hoặc có cải tạo phần nền.
3.2
Phòng chống mối cho công trình xây dựng mới (Termite prevention for new building)
Áp dụng các biện pháp xử lý nhằm phòng chống, không cho mối phá hoại công trình ngay từ khi bắt đầu xây dựng.
3.3
Thuốc phòng chống mối (Termiticide)
Thương phẩm chứa hoạt chất có nguồn gốc hóa học hoặc sinh học có tác dụng diệt, ngăn ngừa, không cho mối phá hại để bảo vệ vật liệu, sản phẩm hoặc công trình.
3.4
Trạm nhử (Lure station)
Một cấu trúc dạng hình khối nhất định, bên trong rỗng để chứa nguyên liệu là thức ăn hấp dẫn mối, có các khe hở ở xung quanh để mối xâm nhập được.
3.5
Bả mối (Termite bait)
Hỗn hợp gồm hai thành phần chính: thức ăn ưa thích của mối và chất độc tác động chậm gây chết mối.
3.6
Trạm bả (Bait station)
Trạm nhử có chứa bả mối.
4 Phân loại yêu cầu phòng chống mối bảo vệ công trình
4.1 Yêu cầu phòng chống mối cho công trình
Yêu cầu phòng chống mối cho công trình xây dựng mới được xác định bằng điểm dựa theo các tiêu chí được nêu trong bảng 4.1.
Bảng 4.1. Bảng tính điểm xác định mức độ cần phòng chống mối
Theo vị trí địa lý và cao độ xây dựng | Kết cấu vật liệu | Số điểm để phân loại yêu cầu phòng mối | ||
Dưới 2200m ở Nam đèo Hải Vân và dưới 2000m ở Bắc đèo Hải Vân | Kết cấu gỗ trong công trình | Có kết cấu chịu lực bằng gỗ: 6 điểm | Có kết cấu bằng gỗ nhưng không phải là các kết cấu chịu lực: 4 điểm | Không có kết cấu bằng gỗ: 2 điểm |
Hệ thống cáp điện, thông tin trong công trình | Hệ thống cáp thông tin và điện ngầm với vỏ cáp bằng chất dẻo tổng hợp: 3 điểm | Hệ thống cáp thông tin và điện nối với vỏ cáp bằng chất dẻo tổng hợp: 2 điểm | Hệ thống cáp thông tin và điện với vỏ cáp kim loại: 1 điểm | |
Hiện vật, tài liệu lưu trữ trong công trình | Hiện vật, tài liệu là di tích, tài liệu trong kho lưu trữ, thư viện hoặc các thành phẩm quý hiếm có chứa xen-lu-lô cần được bảo quản lâu dài: 6 điểm | Hiện vật, tài liệu được quy định cần được bảo quản lưu trữ có thời hạn (theo quy định của nhà nước): 4 điểm | Hiện vật, tài liệu thông thường được bảo quản lưu trữ không quy định thời hạn: 2 điểm | |
Trên 2200m ở Nam đèo Hải Vân và trên 2000m ở Bắc đèo Hải Vân | Vùng không có mối gây hại: 0 điểm |
4.2 Phân loại công trình xây dựng theo yêu cầu phòng mối
4.2.1 Công trình xây dựng có yêu cầu phòng mối loại A
Công trình có yêu cầu phòng chống mối ở mức đặc biệt cao, gồm các công trình có tổng điểm từ 12 điểm trở lên, là loại công trình phải thực hiện các biện pháp phòng chống mối ngay từ khi bắt đầu thi công xây dựng.
4.2.2 Công trình xây dựng có yêu cầu phòng mối loại B
Công trình có yêu cầu phòng chống mối ở mức cao, gồm các công trình có tổng điểm từ 8 đến 11 điểm, là loại công trình phải thực hiện các biện pháp phòng chống mối ngay từ khi bắt đầu thi công xây dựng.
4.2.3 Công trình xây dựng có yêu cầu phòng mối loại C
Công trình có yêu cầu phòng chống mối ở mức thấp, gồm các công trình có tổng điểm từ 4 đến 7 điểm, là loại công trình có thể xem xét cân nhắc áp dụng một phần các biện pháp chống mối trước khi xây dựng.
4.2.4 Công trình xây dựng có yêu cầu phòng mối loại D
Công trình có yêu cầu phòng chống mối ở mức rất thấp, gồm các công trình có tổng điểm dưới 4 điểm, là loại công trình không cần áp dụng các biện pháp phòng chống mối trước khi xây dựng.
5 Quy định chung
5.1 Việc khảo sát phát hiện mối, tư vấn thiết kế và thi công phòng chống mối phải do người có hiểu biết cơ bản về các đặc tính sinh học, sinh thái học và kỹ thuật phòng chống mối chủ trì thực hiện.
5.2 Khi thi công xử lý phòng chống mối cho công trình xây dựng mới, phải thu dọn hết các mảnh ván, gỗ vụn, mùn cưa, dăm bào, giấy, bao xi măng, gốc cây, rễ cây và các vật liệu có chứa xen-lu-lô khác ở trong nền, mặt nền, tường, sàn, xung quanh móng, các khe lún hoặc khe co giãn để hạn chế nguồn thức ăn, nơi trú ngụ và đường xâm nhập của mối.
5.3 Đối với các công trình có xây dựng các cấu trúc như lớp đệm bằng đất, cát, sạn dưới lớp lát nền hoặc các bồn đất để trồng cây ở các tầng cao hơn mặt nền thì phải có biện pháp phòng chống mối để chống mối làm tổ và sinh trưởng trong các cấu trúc này (trừ các chậu đất trồng cây).
5.4 Việc dùng thuốc và bả phải tuân thủ chặt chẽ những chỉ dẫn của nhà sản xuất.
6 Khảo sát phát hiện mối và thiết kế phòng chống mối
6.1 Khảo sát phát hiện mối
6.1.1 Khi khảo sát, phải xác định có hay không có sự hoạt động của mối trong các công trình hiện có trên cùng khu đất hoặc các công trình có điều kiện tương tự thông qua những dấu hiệu như: đường mui, vết ăn của mối, lỗ bay giao hoan, nắp phòng đợi bay, phân mối, cánh mối, (xem Phụ lục A).
6.1.2 Sau khi khảo sát, phải có báo cáo đầy đủ về tình hình mối ở khu vực xây dựng công trình, các đặc điểm môi trường liên quan đến hoạt động, sinh trưởng và phát triển của mối, xác định các loài mối sẽ xâm hại công trình và chỉ ra những nguyên nhân sẽ gây có mối trong công trình.
6.2 Thiết kế phòng chống mối
6.2.1 Hồ sơ thiết kế phải có đủ bản vẽ thiết kế; thuyết minh kỹ thuật và biện pháp thi công phòng chống mối.
6.2.2 Bản thiết kế phòng chống mối phải có đủ các biện pháp đảm bảo phòng chống được tất cả các khả năng mối xâm nhiễm vào công trình. Trường hợp bất khả kháng, bên tư vấn thiết kế không đưa ra được những biện pháp phù hợp để diệt và phòng chống được tất cả các khả năng mối xâm nhập vào công trình thì phải thuyết minh rõ cho chủ công trình biết các hạn chế đó.
6.2.3 Căn cứ vào điều kiện và yêu cầu phòng chống mối của công trình cụ thể để thiết kế các biện pháp phòng chống mối phù hợp, tiết kiệm và đạt hiệu quả cao. Sử dụng kết hợp tối thiểu các biện pháp phòng chống mối cho một công trình như sau:
- Với công trình loại A: sử dụng tối thiểu ba biện pháp tại điều 7.1; 7.2; 7.4 và kết hợp với ít nhất một trong các biện pháp tại điều 7.5; 7.6.
- Với công trình loại B: sử dụng tối thiểu hai biện pháp tại điều 7.1, 7.4 và kết hợp với ít nhất một trong các biện pháp tại điều 7.3, 7.5, 7.6. Khuyến khích áp dụng biện pháp tại điều 7.2 để nâng cao hiệu quả phòng mối.
- Với công trình loại C: chỉ sử dụng hai biện pháp tại điều 7.1 và 7.4.
- Với công trình loại D: không phải sử dụng bất kỳ biện pháp phòng chống mối nào.
6.2.4 Kế hoạch thực hiện thi công phòng chống mối phải phối hợp với kế hoạch thi công xây dựng công trình, nhất là tại các thời điểm: phá dỡ công trình cũ (nếu có), thi công móng tường, mặt nền tầng trệt hoặc tầng hầm (nếu có).
7 Các biện pháp phòng chống mối cho công trình xây dựng mới
7.1 Biện pháp diệt các tổ mối trong nền đất và công trình cũ
7.1.1 Mục đích
Diệt các tổ mối sẵn trong nền và thân công trình.
7.1.2 Yêu cầu
Loại bỏ tất cả các tổ mối có sẵn trong nền công trình cũ và các tổ mối mới hình thành trong quá trình xây dựng nền, móng.
7.1.3 Tiến hành
Trước khi xây dựng công trình mới trên nền đất mới hay nền công trình cũ có mối phải áp dụng các biện pháp theo quy định tại điều 7.1; 7.2 trong TCVN 8268 : 2017, sau đó mới được thi công xây dựng công trình mới.
7.2 Biện pháp xây dựng
7.2.1 Mục đích
Tạo lớp ngăn cách, không cho mối xâm nhập từ nền lên thân công trình, từ trong ra ngoài công trình và ngược lại.
7.2.2 Yêu cầu
Mối không đục xuyên qua được lớp ngăn cách
7.2.3 Tiến hành
7.2.3.1 Nền tầng trệt và móng
Toàn bộ mặt tường móng trước khi đổ đất, cát làm nền phải được trát kín bằng một lớp vữa xi măng cát vàng có mác không nhỏ hơn 100 với chiều dày không nhỏ hơn 3 cm.
Mặt nền công trình sau khi đã được đầm chặt và phải được trát kín bằng một lớp vữa xi măng cát vàng có mác không nhỏ hơn 100 với chiều dày không nhỏ hơn 3cm, sau đó mới lát nền.
Đối với các công trình có yêu cầu phòng chống mối ở mức A, trước khi lát nền phải tăng cường thêm một lớp bê tông đá dăm có mác không nhỏ hơn 200, dày tối thiểu 7cm, trải kín trên lớp vữa xi măng cát vàng ở mặt nền đã nêu ở trên.
Lớp vữa xi măng cát vàng phải được miết chặt hạn chế kẽ hở giữa mặt nền và thân công trình.
7.2.3.2 Sàn và tường tầng hầm
Phải xây dựng một lớp cách ly bằng bê tông có mác không nhỏ hơn 200, dày tối thiểu 7cm cho toàn bộ sàn tầng hầm và tường tầng hầm.
7.2.3.3 Chân khung cửa tầng trệt
Tại các chân khung cửa bằng gỗ ở tầng trệt, khi chôn xuống nền phải đảm bảo có lớp bê tông có mác không nhỏ hơn 200 bao kín xung quanh và bên dưới chân khung cho tới mặt nền, chiều dày của lớp bê tông không nhỏ hơn 5 cm.
7.2.3.4 Nhà sàn
Tầng chân cột phải có chiều cao thông thoáng kể từ mặt nền cứng dạng xi măng cát, gạch lát hoặc bê tông đến mặt dưới của kết cấu sàn không nhỏ hơn 80 cm để có thể tới kiểm tra mọi điểm dưới nền nhà.
7.2.3.5 Khe lún, khe co giãn
Các khe giữa hai đơn nguyên, nếu đổ bê tông tường đôi hoặc cột đôi tại chỗ phải dùng các vật liệu không có chứa xen-lu-lô để chèn (như tấm vữa, chất dẻo tổng hợp v.v...) phòng khi không lấy ra được sẽ không tạo thành nơi trú ngụ và đường đi của mối. Trong trường hợp phải dùng ván gỗ để chèn thì phải xử lý theo quy định tại điều 7.4 trước khi sử dụng.
7.2.3.6 Các loại đường ống trong công trình
Các đường ống kỹ thuật đi xuyên qua mặt nền hoặc tường móng phải được chèn kín xung quanh bằng vữa bê tông có mác không nhỏ hơn 200. Riêng đường cáp điện, cáp thông tin phải được đặt trong đoạn ống cứng, bên trong đoạn ống cứng đó phải được bịt kín bằng nút nhựa đường (bitum) dày tối thiểu 5 cm và có mác nằm trong khoảng từ 60 đến 70 theo TCVN 7943:2005.
7.3 Biện pháp phòng chống mối bằng hệ thống lưới thép không gỉ
7.3.1 Mục đích
Tạo lớp ngăn cách, không cho mối xâm nhập từ nền lên thân công trình, từ thân công trình liền kề xâm nhập vào công trình cần bảo vệ.
7.3.2 Yêu cầu
Mối không chui qua được lớp hệ thống lưới thép.
7.2.3 Tiến hành
Chỉ sử dụng lưới thép chuyên dụng với độ bền không thấp hơn loại inox 304. Các sợi thép đan lưới phải có đường kính tối thiểu là 0,16 mm; cỡ lớn tối đa của mắt lưới là 0,72 mm × 0,49 mm.
Hệ thống lưới thép không gỉ được bố trí trong quá trình xây dựng công trình và phải tạo ra tấm ngăn liên tục giữa nền với thân công trình, giữa thân công trình này với thân công trình liền kề để phòng chống mối di chuyển từ nền lên thân công trình hoặc từ thân các công trình liền kề sang và ngược lại. Lưới thép không gỉ cũng có thể gắn kết với tấm bê tông mác 200 để tạo thành lớp ngăn cách liên tục. Không để lưới thép không gỉ tiếp xúc với các kim loại có thể gây ăn mòn tĩnh điện.
Các vị trí được bố trí lưới thép không gỉ bao gồm: mặt nền tầng trệt hoặc tầng hầm; bề mặt tường tiếp giáp với các công trình bên cạnh; các đường ống kỹ thuật đi xuyên qua tường và nền; tiếp giáp giữa chân tường với nền móng.
7.4 Biện pháp bảo quản các kết cấu gỗ và vật liệu chứa xen-lu-lô
7.4.1 Mục đích
Ngăn không cho mối tiếp cận nguồn thức ăn để hạn chế sự sinh trưởng và phát triển của quần tộc mối có trong công trình đồng thời bảo vệ cấu kiện gỗ.
7.4.2 Yêu cầu
Tẩm kín toàn bộ bề mặt cấu kiện gỗ một lớp thuốc bảo quản gỗ.
7.4.3 Tiến hành
Đối với các công trình có dùng gỗ, tre hoặc các vật liệu có chứa xen-lu-lô khác làm kết cấu chịu lực hoặc làm bộ phận trang trí, cửa và khung cửa, những bộ phận đó phải được xử lý bằng thuốc bảo quản gỗ có hiệu lực phòng chống mối cho tất cả các bề mặt của kết cấu.
Đối với kết cấu gỗ thuộc nhóm cần xử lý bảo quản theo quy định tại Phụ lục B thì thành phẩm sau khi gia công phải được xử lý thuốc bảo quản gỗ có hiệu lực phòng chống mối trước khi sơn hoặc quét vécni. Trường hợp có cắt, gọt, gia công thêm khi lắp đặt thì các diện tích bị cắt gọt đó phải được xử lý bổ sung.
Đối với kết cấu gỗ thuộc nhóm không cần xử lý bảo quản theo quy định tại Phụ lục B nhưng có lẫn gỗ dác hoặc sẽ sử dụng ở nơi ẩm ướt, nhất thiết phải được xử lý bảo quản cho toàn bộ cấu kiện này.
7.5 Biện pháp phòng chống mối bằng hàng rào thuốc
7.5.1 Mục đích
Tạo lớp ngăn cách, không cho mối xâm nhập từ ngoài vào trong công trình, từ nền lên thân công trình và ngược lại.
7.5.2 Yêu cầu
Mối không đục xuyên qua được hàng rào.
7.5.3 Tiến hành
7.5.3.1 Hàng rào ngầm phòng mối xung quanh tường móng
Tạo hỗn hợp thuốc với đất lập thành hàng rào phòng mối theo phương thẳng đứng bao quanh liên tục sát bên trong và bên ngoài tường móng công trình nhằm phòng chống mối xâm nhập từ ngoài vào trong và từ trong nền đi vào tường móng của công trình (còn gọi là hào ngăn mối).
Hàng rào phòng mối bên trong công trình phải rộng tối thiểu 30 cm và sâu tối thiểu 40 cm; hàng rào phòng mối bên ngoài phải rộng từ 40 cm đến 50 cm và sâu từ 60 cm đến 80 cm. Để hàng rào đủ kín, thành phần hạt của đất phải có đường kính dưới 8 cm, thành phần hạt có kích thước nhỏ hơn 0,2 mm trong đất phải lớn hơn 50% về khối lượng. Hỗn hợp đất thuốc phải được đầm chặt và có lớp bảo vệ ở bề mặt để tránh mưa nắng.
7.5.3.2 Hàng rào phòng mối mặt nền tầng trệt
Hỗn hợp thuốc phòng chống mối trộn với đất ở mặt nền tầng trệt tạo thành hàng rào ngăn mối theo phương nằm ngang phải dày tối thiểu 10 cm nhằm phòng chống mối cánh xâm nhập làm tổ hay mối xâm nhập từ dưới nền lên thân công trình. Để hàng rào đủ kín thành phần hạt của đất phải có đường kính dưới 3 cm, thành phần hạt có kích thước nhỏ hơn 0,2 mm trong đất phải lớn hơn 50% về khối lượng. Hỗn hợp đất thuốc phải được đầm chặt và có lớp bảo vệ ở bề mặt để tránh mưa, nắng.
7.6 Biện pháp phòng chống mối bằng hệ thống trạm bả
7.6.1 Mục đích
Tạo hệ thống kiểm soát mối ngay khi mối mới xuất hiện ở lân cận và trong công trình.
7.6.2 Yêu cầu
Các trạm bả phải có hiệu quả nhử mối hoặc diệt mối trong thời gian tối thiểu là 3 tháng. Trạm bả phải có khả năng nhử được mối và diệt được tổ mối khi mối chỉ xâm nhập vào một trạm nhử.
Hệ thống trạm bả phòng chống mối phải được bố trí thành một lớp bên ngoài, một lớp bên trong. Lớp bên ngoài gồm tối thiểu một hàng xung quanh công trình kết hợp với các trạm bả độc lập tại các nơi mối thường cư trú.
Các trạm bả phải được đặt ở những nơi mối thường đi qua để xâm nhập vào công trình hoặc đi kiếm thức ăn trong công trình.
7.6.3 Tiến hành
Lắp đặt lớp trạm bả bên ngoài: Đặt các trạm bả ở lớp bên ngoài thành hàng có khoảng cách giữa các trạm bả từ 1 m đến 5 m (trung bình là 2 m đến 3 m), cách tường móng công trình từ 0,3 m đến 0,6 m. Nếu công trình không thể hoặc khó lắp đặt trạm bả thì có thể lắp đặt xa hơn nhưng không quá 3 m tính từ chân công trình.
Các vị trí xung yếu như: nơi có đường ống kỹ thuật đi vào công trình, khe lún, gốc cây thân gỗ và gốc khóm cây cảnh trong dải rộng 3m cạnh chân tường cần được bố trí 2 đến 3 hàng trạm bả.
Lắp đặt các trạm bả độc lập: Dưới gốc cây thân gỗ, cạnh hoặc bên trong các công trình phụ trợ nằm trong khuôn viên công trình cần được đặt các trạm bả độc lập để hạn chế nguồn mối xâm nhập vào công trình.
Lắp đặt lớp trạm bả bên trong: Lớp trạm bả bên trong công trình được đặt vào trong thân, nền công trình ở những nơi mối thường hoạt động như: ở tầng trệt, tầng thượng (đối với công trình có trần bê tông, trồng cây trên sân thượng), cạnh khung cửa, cạnh trụ bê tông, cạnh cầu thang, cạnh hộp kỹ thuật, cạnh đường điện, bồn đất trồng cây. Khoảng cách các trạm bả này ở tầng trệt và tầng thượng cách nhau không gần dưới 5 m, không xa quá 10 m.
Phòng chống mối bằng hệ thống trạm bả được tiến hành sau khi hoàn thiện phần áo tường, trong quá trình hoàn thiện công trình. Trong trường hợp sử dụng hệ thống trạm bả phòng chống mối kết hợp với các biện pháp khác thì thi công các biện pháp khác trước, sau đó mới lắp đặt trạm bả.
Các trạm bả phải được kiểm tra định kỳ để khôi phục hệ thống trạm bả nếu bị vi phạm hoặc đặt bả nếu có mối xâm nhập, thời gian giữa các đợt kiểm tra tối đa không quá 3 tháng.
Khi xây dựng lớp trạm bả bên trong công trình, hạn chế lắp đặt trạm bả ở các vị trí ảnh hưởng đến mỹ quan công trình.
Có thể sử dụng một trong hai cách sau để phòng mối:
- Cách 1: Sử dụng trạm bả có sẵn thức ăn và bả, mối sẽ khai thác bả khi xâm nhập và khai thác thức ăn trong trạm bả.
- Cách 2: Sử dụng trạm nhử, định kỳ kiểm tra, khi phát hiện thấy mối khai thác mồi nhử thì đặt bả mối.
8 Hướng dẫn an toàn khi sử dụng thuốc
8.1 Yêu cầu khi xử lý thuốc phòng chống mối
Trong khi làm việc, người sử dụng thuốc phải trang bị bảo hộ lao động (quần áo bảo hộ, kính, mũ, găng tay, khẩu trang, ủng, mặt nạ ...); tránh để thuốc dây rớt vào mắt, mũi, miệng, da và quần áo. Không ăn uống, hút thuốc lá khi pha chế hay phun thuốc.
Trường hợp bị thuốc dính vào người, cần thay ngay trang bị bảo hộ và rửa sạch ngay vùng bị dính thuốc bằng nhiều nước.
Sau khi sử dụng thuốc phải tắm rửa và thay quần áo sạch.
Không súc rửa bình phun tại nơi là nguồn nước sinh hoạt.
Sau khi lấy thuốc, bả mối ra khỏi vật chứa, phần bả còn lại cần được bao gói kín ngay để bảo quản.
8.2 Một số lưu ý trong quá trình xử lý thuốc
Khi xử lý thuốc bằng cách phun thuốc dạng dịch phải ngắt mạch điện ở nơi có đường dây điện trần, hoặc dây điện bị hỏng lớp bảo vệ.
Khi xử lý thuốc có dung môi dầu: phải tắt ngay nguồn lửa, nguồn điện ở nơi có lửa, có động cơ điện để hở, có tia lửa hàn, tia lửa điện sau đó mới được thao tác xử lý thuốc.
Khi lắp đặt, sửa chữa trạm bả hay cho bả vào trạm bả, không được để tay bị dính các mùi lạ như: thuốc lá, thuốc trừ sâu và các loại tinh dầu...
PHỤ LỤC A
(Tham khảo)
Khảo sát phát hiện mối và mô tả loài mối gây hại chủ yếu trên công trình xây dựng mới
A.1 Mục đích và yêu cầu
A.1.1 Mục đích
Phụ lục này đưa ra những đặc điểm nhận biết cơ bản nhất để phát hiện các loài mối gây hại chủ yếu cho công trình xây dựng thông qua những dấu hiệu xâm nhập hoặc phá hoại các cấu kiện trong công trình mà biểu hiện ra bên ngoài hay ngầm bên trong của mối. Các dấu hiệu này có thể quan sát bằng mắt thường hoặc xác định bằng những thiết bị đơn giản hay chuyên dụng.
A.1.2 Yêu cầu về dụng cụ, thiết bị
Yêu cầu mang theo những dụng cụ cơ bản như: đèn pin, dao nhọn, búa đinh, tuốcnơvit, dụng cụ thu mẫu mối (panh mềm, lọ đựng mẫu, nhãn ghi thông tin về mẫu, cồn bảo quản mẫu). Tùy điều kiện của công trình cần khảo sát, có thể sử dụng các thiết bị thăm dò chuyên dụng như: máy dò âm, máy dò lỗ rỗng... để phát hiện những nơi có mối hoạt động ngầm bên trong.
A.2 Phát hiện mối gây hại
A.2.1 Vị trí thường phát hiện mối
Nơi thường phát hiện thấy mối là những bộ phận tiếp xúc với mặt đất hoặc gần mặt đất như: khung cửa gỗ, chân tường, góc tường nhà, sàn nhà tầng một, bậc thềm, các cột nhà có một phần chôn xuống đất, gỗ ốp tường, cầu thang, ổ cắm điện, những nơi thường xuyên ẩm ướt như: nhà tắm, nhà vệ sinh, ống nước rò rỉ, cống rãnh hoặc khe lún của công trình...
Đối với đồng ruộng, bãi đất trống, các dấu hiệu nhận biết sự hoạt động của mối bao gồm: một phần tổ mối nhô lên mặt đất; đường mui của mối trên gốc, thân cây hoặc thấy có cá thể mối ở các đống rác, cành cây mục...
A.2.2 Đặc điểm nhận biết mối
A.2.2.1 Đặc điểm nhận biết có sự hoạt động của mối thể hiện bên ngoài
Mối thường đi lại từ nơi này đến nơi khác kiếm ăn và đào những đường hầm ngầm trong gỗ. Trong tường công trình, đường hầm của chúng thường xuyên qua chỗ rỗng, xốp, nơi tiếp giáp giữa lớp gạch và lớp trát bên ngoài tường, thành đường hầm luôn có vết đất do mối đắp. Nếu trên đường đi của mối có những chướng ngại vật mà chúng không thể đục xuyên qua được, chúng buộc phải bò ra bên ngoài vật thể thì chúng phải xây dựng đường mui (ống bằng đất) để bảo vệ.
Trong quá trình đào hang trong gỗ, chúng có thể lấy đất thấm nước bọt để bịt kín những nơi đường hầm hở ra ngoài không khí, như: lỗ vũ hóa của các loài cánh cứng, các loài ong; những nơi có khuyết tật của gỗ như: vết nứt nẻ của gỗ hoặc kẽ mộng giữa cột và kèo, những chỗ tiếp giáp giữa gỗ với gỗ, gỗ với tường.
Đường mui và các vết nứt mà mối cần bịt kín trên đường đi đều do mối thợ xây dựng, mối lính đi thăm dò, bảo vệ. Với những đường mui mới có mối sống đi lại bên trong thì thường ẩm và liên tục, không bị nứt nẻ, bong tróc. Ngược lại, đường mui cũ không có mối đi lại bên trong thường khô, nứt nẻ, có khi bị bong ra từng đoạn.
Dựa vào những biểu hiện trên, mối có thể bị phát hiện trực tiếp bằng mắt thường hay gián tiếp từ dấu hiệu hoạt động của chúng trên công trình.
Đối với nhóm mối gỗ khô, dấu hiệu bên ngoài có thể thấy là các lỗ nhỏ có đường kính khoảng 1mm trên bề mặt gỗ hoặc các viên phân dạng hạt gỗ nhỏ có đường kính khoảng 0,5mm rơi ở dưới nơi có tổ.
A.2.2.2 Đặc điểm nhận biết mối ăn ngầm bên trong
Khi kiểm tra trên tường và những cấu kiện bằng gỗ khác mà không thấy đường mui hay các vết đất bịt kín các vết nứt nẻ trên gỗ và trên các kẽ mộng do mối tạo nên... (như đề cập ở mục A.2.2.1) thì dùng búa gõ vào bộ phận bằng gỗ tạo ra những âm thanh khác nhau để phát hiện mối. Nếu tiếng kêu phát ra nghe bồm bộp không chắc, không đanh là biểu hiện bên trong bị rỗng, cần phải xem xét kỹ hơn liệu có mối đang gặm gỗ bên trong hay không (cần chú ý phân biệt hiện tượng này với trường hợp cây gỗ rỗng ruột, phát ra tiếng kêu tương tự khi gõ vào nhưng không có mối hoạt động bên trong). Lúc này, sử dụng máy dò âm hoặc dao nhọn hoặc tuốcnơvít xăm, chọc vào gỗ để tìm cá thể mối.
Phải kiểm tra tất cả các tầng và tầng mái trên cùng của công trình, vì nhiều trường hợp mối không bị phát hiện ở tầng 1, tầng 2 nhưng lại xuất hiện ở tầng cao hơn trong quá trình xây dựng.
A.2.2.3 Một số đặc điểm nhận dạng các giống mối phổ biến
Các giống mối phổ biến trong công trình xây dựng được nhận dạng sơ lược qua các đặc điểm mô tả ở bảng A.1. Các loài phổ biến của các giống mối được liệt kê trong bảng A.2.
Bảng A.1 - Một số đặc điểm sinh học, sinh thái chính của các giống mối phổ biến
Đơn vị phân loại | Đặc điểm tổ | Thức ăn | Đường mui, phòng chờ vũ hóa | Vết gặm trên gỗ | Đặc điểm hình thái |
Họ Kalotermitidae | |||||
Giống Cryptotermes (mối gỗ khô) | Tổ mối hoàn toàn nằm trong kết cấu gỗ. Tổ không liên hệ với đất và nguồn nước. Trong tổ không có vườn nấm. | Các loại gỗ chưa bị mục. | Không có đường mui. Không có phòng chờ vũ hóa. Lỗ bay giao hoan đồng thời là lỗ thải phân mối. Phân mối khô, có dạng như hạt cải, màu sắc như màu của gỗ bị mối phá hại. | Mối gặm gỗ tạo thành những hang rỗng hình dạng bất định, giữa các hang có những lỗ thông với nhau. | Mối lính và mối thợ có tấm lưng đốt ngực trước phẳng, rộng bằng hoặc lớn hơn chiều rộng của đầu. Mối lính có đầu màu nâu đậm đến đen, phần trán dô cao, hàm ngắn và đen. |
Họ Rhinotermitidae | |||||
Giống Coptotermes (mối gỗ ẩm) | Tổ mối thường ở dưới mặt đất, đôi khi trong tường, trong gỗ, trong panen, hộp kỹ thuật. Tổ luôn liên hệ với đất và nguồn nước. Trong tổ không có vườn nấm | Các loại gỗ từ mới đến ải. | Đường mui dạng dẹp, elip. Nắp lỗ bay giao hoan dạng hạt đậu, luôn được bít kín bằng đất, thường ở trên mặt gỗ, khe tiếp giáp giữa gỗ và tường, mặt tường. | Mối thường gặm phần gỗ sớm và để lại phần gỗ muộn tạo thành hình tua trên gỗ. | Mối có 1 dạng lính, 1 dạng thợ. Mối lính có đầu vàng, lỗ trán rõ lưng bụng trắng sữa, tấm lưng đốt ngực trước phẳng hẹp hơn chiều rộng của đầu. Khi bị kích động mối lính tiết ra nhựa màu trắng sữa. Mối thợ có đầu và bụng màu kem, bụng đôi khi có màu phớt hồng. |
Họ Termitidae | |||||
Giống Odonototermes, Microtermes (mối có vườn cấy nấm) | Tổ chỉ ở trong đất, có dạng nổi hoặc chìm Trong tổ có vườn nấm. | Các loại gỗ mục hoặc chớm ải. Thức ăn trong tổ là vườn nấm. | Đường mui lớn, có khi liên kết với nhau thành mảng lớn. Nắp phòng đợi bay ở trên mặt đất, dưới có phòng chờ vũ hóa. | Mối thường gặm bên ngoài tạo vết ăn mòn, khi gặm vào bên trong thì tạo thành những hang rỗng, không để lại tua gỗ. | Mối lính có đầu màu vàng đến đỏ nâu, thường có 2 dạng lính. Tấm lưng đốt ngực trước hình yên ngựa. Mối thợ luôn có 2 dạng thợ, thợ lớn và thợ nhỏ. Bụng mối thợ ngắn và tròn hơn so với các loài Coptotermes. |
Bảng A.2. Danh sách các loài mối gây hại chủ yếu
TT | Họ | Giống | Loài |
1 | Kalotermitidae Enderlein | Cryptotermes Bank | Cryptptermes domesticus Haviland |
2 | Rhinotermitidae Sivestri | Coptotermes Holmgren | Coptotermes gestroi Wasmann |
3 |
|
| Coptotermes emersoni Ahmad |
4 |
|
| Coptotermes curvignathus Holmgren |
5 | Termitidae Westwood | Odontotermes Holmgren | Odontotermes hainanensis Light |
6 |
| Microtermes Wasmann | Microtermes pakistanicus Ahmad |
PHỤ LỤC B
(Tham khảo)
Phân nhóm gỗ bảo quản
B.1 Quy định chung
B.1.1 Khi gỗ có dác và lõi phân biệt thì gỗ dác cần phải được bảo quản, còn gỗ lõi không cần phải bảo quản bằng thuốc phòng chống mối.
B.1.2 Trước khi sử dụng, tất cả các loại gỗ cần được hong, phơi, hoặc sấy khô theo đúng kỹ thuật.
B.2 Nhóm gỗ cần bảo quản
Bảng 1. Danh sách các loại gỗ cần bảo quản
TT | Tên khoa học | Tên tiếng việt |
| Altingiaceae | Họ Sau Sau |
1 | Altingia siamensis Graib | Tô hạp |
2 | Liquidambar formosana Hance | Sau sau |
| Anacardiaceae | Họ Đào lộn hột |
3 | Allospondias lakoensis (Pierre) Stapf. | Giâu da xoan |
4 | Buchanania latifolia Roxb | Xoan giả |
5 | Choeospondias axillaris (Roxb) Burtt et al. | Xoan nhừ |
6 | Dracontomelum mangiferum BI. | Sấu |
| Apocynaceae | Họ Trúc đào |
7 | Alstonia calophylla A. Dc. | Sữa lá nhỏ |
8 | Alstonia scholaris (L) R. Br. | Sữa |
| Bombacaceae | Họ Gạo |
9 | Gossampinus malabarica (DC.) Merr. | Gạo |
| Burseraceae | Họ Trám |
10 | Canarium album Raeusch. | Trám trắng |
11 | Canarium bengalensis Guill. | Trám cạnh |
12 | Canarium pimela Koen. | Trám đen |
13 | Canarium subulatum Guill. | Càna |
14 | Garuga pierrei Guiil. | Cốc đá |
| Chrysobalanaceae | Họ Cám |
15 | Parinari annamensis Hance | Cám |
| Datiscaceae | Họ Thung |
16 | Tetrameles nudiflora R.Br. | Thung |
| Dilleniaceae | Họ Sổ |
17 | Dillenia indica L. | Sổ bà |
18 | Diilenia pentagyna Roxb. | Sổ năm nhụy |
| Euphorbiaceae | Họ Thầu dầu |
19 | Aleurites moluccana Willd. | Lai |
20 | Aleurites montana Lour. | Trẩu |
21 | Baccaurea ramiflora Lour. | Du mộc |
22 | Baccaurea sylvestris Lour. | Du vỏ đỏ |
23 | Endospermum chinensis Benth. | Vạng trứng |
| Fabaceae | Họ Đậu |
24 | Albizia procera (Willd.) Benth. | Muồng xanh |
25 | Gleditsia fera (Lour.) Merr. | Bồ kết |
26 | Millettia ichthyochtona Drake | Thàn mát |
27 | Ormosia balansae Drake | Ràng ràng mít |
| Juglandaceae | Họ Hồ đào |
28 | Engelhardtia chrysolepis Hance | Chẹo tía |
| Meliaceae | Họ Xoan |
29 | Khaya senegalensis (Desr.) A. Juss | Xà cừ |
30 | Sandoricum indicum Cav. | Sấu tía |
| Minosaceae | Họ trinh nữ |
31 | Acacia orassicarpa A.Cun ex Benth | Keo lá liềm |
32 | Acacia auriculiformis A. Cun ex Benth | Keo lá tràm |
33 | Acacia mangium Wild | Keo tai tượng |
| Myristicaceae | Họ Máu chó |
34 | Horsfieldia amygdalina (Wall.) Warbg. | Săng máu |
35 | Knema corticosa Lour. | Máu chó |
| Myrtacea | Họ Sim |
36 | Eucalyptus camaldulensis Dehnh | Bạch đàn caman |
37 | Eucalyptus tereticorrnis Sam | Bạch đàn têrê |
38 | Eucalyptus urophylla S.T. Blake | Bạch đàn uro |
| Pinaceae | Họ Thông |
39 | Pinus khasya Royle | Thông ba lá |
40 | Pinus massoniana Roxb. | Thông đuôi ngựa |
41 | Pinus merkusiana F.N.G. Cooling et H. Gauss. | Thông nhựa |
| Podocarpaceae | Họ Kim giao |
42 | Podocarpus imbricatus Blume | Thông nàng |
| Sterculiaceae | Họ Trôm |
43 | Sterculia lanceofata Cavan | Ư ơi |
44 | Sterculia nobilis Smith | Trôm mề gà |
45 | Sterculia foetida L. | Trôm |
| Styracaceae | Họ Bồ đề |
46 | Styrax benjoin Dryand. | Bồ đề vỏ đỏ |
47 | Styrax tonkinensis Pierre | Bồ đề |
| Symplocaceae | Họ Dung |
48 | Symplocos cochinchinensis (Lour.) S. Moore | Dung sạn |
49 | Symplocos lancifolia Sieb. et Zucc. | Dung lá mác |
50 | Symplocos laurina Wall.var.acuminata Brand. | Dung giấy |
| Theaceae | Họ Chè |
51 | Schima crenata Korth. | Trín |
52 | Schima wallichii Choisy | Vối thuốc |
B.3. Nhóm gỗ không cần bảo quản (khi sử dụng thông thường)
Bảng 2. Danh sách các loại gỗ thông thường không cần bảo quản
TT | Tên khoa học | Tên tiếng việt |
| Bignoniaceae | Họ Đinh |
1 | Markhamia stipulata Seem | Đinh |
| Clusiaceae | Họ Bứa |
2 | Calophyllum dryobalanoides Pierre | Cồng trắng |
3 | Calophyllum inophyllum L. | Mù u |
4 | Calophyllum saigonnensis Pierre | Cồng tía |
5 | Garcinia fagraeoides A.Chev. | Trai lí |
6 | Mesua ferrea L. | Vắp |
| Combretaceae | Họ Bàng |
7 | Anogeisus acuminata (Roxb.ex.DC.) Guill.et Perr. | Chò nhai |
8 | Terminalia alata Heyne ex Roth. | Chiêu liêu khế |
9 | Terminalia corticosa Pierre ex Lanes | Chiêu liêu ổi |
10 | Terminalia myriocapa Heurk et Mueel. | Chiêu liêu xanh |
11 | Terminalia nigrovenulosa Pierre | Chiêu liêu đen |
| Dipterocarpaceae | Họ Dầu |
12 | Anisoptera costata Korth. | Vên vên |
13 | Dipterocarpus baudii Korth. | Dầu bao |
14 | Dipterocarpus costatus Gaertn.f. | Dầu mít |
15 | Dipterocarpus intricatus Dyer | Dầu trai |
16 | Hopea ferrea Laness. | Sang đào |
17 | Hopea hainanensis Merr. et Chun | Sao Hải nam |
18 | Hopea hongayensis Tardieu | Sao Hòn gai |
19 | Hopea odorata Roxb. | Sao đen |
20 | Hopea pierrei Hance | Kiền kiền |
21 | Parashorea stellata Kurz. | Chò chỉ |
22 | Shorea hypochra Hance | Sến bo bo |
23 | Shorea roxburghii G. Don. | Sến mủ |
24 | Shorea siamensis Miq. | Cẩm liên |
25 | Vatica odorata (Griff.) sym. sub sp.odorata | Táu trắng |
26 | Vatica subglabra Merr. | Táu xanh |
27 | Vatica tonkinensis A.Chev. | Táu mật |
| Ericaceae | Họ Đỗ quyên |
28 | Craibiodendron scleranthum (Dop) Judd. | Hoa khế |
| Euphorbiaceae | Họ Thầu dầu |
29 | Bischofia trifoliata (Roxb.) Hook. | Nhội |
| Fabaceae | Họ Đậu |
30 | Cassia siamea Lamk. | Muồng đen |
31 | Dallbergia bariensis Pierre | Cẩm lai |
32 | Dallbergia cochinchinensis Pierre | Trắc nam bộ |
33 | Dallbergia fusca Pierre | Trắc vàng |
34 | Erythrophloeum fordii Oliv. | Lim xanh |
35 | Pterocarpus indicus Willd. | Hương tía |
36 | Pterocarpus pedatus Pierre | Dáng hương |
37 | Sindora glabra Merr. ex De Wit. | Gụ lau |
38 | Sindoras maritima Pierre | Gụ biển |
39 | Sindora siamensis Teysm. ex Miq. | Gụ mật |
| Fagaceae | Họ Giẻ |
40 | Castanopsis chevalieri Hick, et A. Cam. | Cà ổi sơ |
41 | Castanopsis tribuloides A. Dc. | Cà ổi gai |
42 | Lithocarpus bacgiangensis A. Cam. | Sồi Bắc giang |
43 | Lithocarpus corneus (Lour.) Rehd. | Sồi sừng |
44 | Lithocarpus dealbatus (Hook.f.) Rehd. | Sồi trắng |
45 | Lithocarpus fenestratus (Roxb.) Rehd. | Sồi vàng |
46 | Quercus chevalieri Hick, et A. Cam. | Giẻ sơ |
47 | Quercus helferianus A. Dc. | Giẻ quả dẹt |
48 | Quercus lanata Smith var. leiocarpa A. Cam. | Giẻ cau |
49 | Quercus langbianensis Hick. et. A. Cam. | Giẻ Langbian |
| Lauraceae | Họ Re |
50 | Cinnamomum balansae H. Lec. | Gù hương |
51 | Cinnamomum bejolghota (Buch. - Ham.) Sweet | Re quế |
52 | Cinnamomum camphora (L.) Presl. | Long não |
53 | Cinnamomum iners Reinw. | Quế rừng |
54 | Cinrtamomum obtusifolium Nees | Re bầu |
55 | Cinnamomum tetragonum A. Chev. | Re đỏ |
56 | Cinnamomum tonkinensis Pitard | Re xanh |
57 | Cinnamomum zeylanicum Nees | Quế quan |
58 | Litsea baviensis H.Lec. | Bời lời Ba vì |
59 | Litsea griffithii Gamble | Bời lời |
60 | Machilus odoratissima Ness | Kháo tía |
61 | Machilus platycarpa Chun | Kháo vàng |
62 | Machilus thunbergii Sieb. et Zucc. | Rè vàng |
63 | Machilus tonkinensis A. Chev. | Rè bắc bộ |
| Lythraceae | Họ Bằng lăng |
64 | Lagerstroemia balansae Koch. | Bằng lăng đỏ |
65 | Lagerstroemia calyculata Kurz. | Bằng lăng ổi |
66 | Lagerstroemia speciosa (L.) Pers. | Bằng lăng nước |
67 | Lagerstroemia thorelii Garnep. | Bằng lăng |
| Magnoliaceae | Họ Mộc lan |
68 | Manglietia chevalieri Dandy | Mỡ vàng |
69 | Mangiietia insignis (Wall.) Bulme | Mỡ |
70 | Manglietia fordiana (Hemsl.) Oliv. | Vàng tâm |
71 | Michelia hypolampra Dandy | Giổi |
72 | Paramichelia braianensis (Gangnep.) Dandy | Giổi xương |
| Mellaceae | Họ Xoan |
73 | Aglala gigantea (Pierre) Pellegr. | Gội nếp |
74 | Chisocheton thorelii (Pierre) | Quếch |
75 | Chukrasia tabularis A. Juss. | Lát hoa |
76 | Dysoxylum cauliflorum Hiern. | Gội mật |
77 | Dysoxylum loureiri Pierre | Huỳnh đường |
78 | Dysoxylum tonkinense A. Chev. ex Fell. | Chặc khế |
79 | Toona sinensis (A. Juss.) Roem. | Tông dù |
80 | Toona surenii (Blume) Merr. | Xoan mộc |
| Rosaceae | Họ hoa Hồng |
81 | Prunus arborea (Blume) Kalkm. | Xoan đào |
| Rubiaceae | Họ Cà phê |
82 | Adina Cordifolia (Roxb.) Hook. | Gáo vàng |
| Sapindaceae | Họ Bồ hòn |
83 | Nephelium chryseum Bl. | Vải guốc |
84 | Nephelium lappaceum L. Munt. | Thiều rừng |
85 | Pometia pinnata Forst. | Trường mật |
| Sapotaceae | Họ Sến |
86 | Donella lanceolata (BL.) Aubr. | Sơn xã |
87 | Madhuca hainanensis Chun et How | Sến hải nam |
88 | Madhuca pasquieri (Dubard) H. J. Lam. | Sến mật |
| Sterculiaceae | Họ Trôm |
89 | Pterospermum diversifolium BI. | Hồng mang sến |
90 | Pterospermum heterophyllum Hance | Lòng mang |
91 | Tarrietia javanica (Bl.) Kost. | Huỷnh |
CHÚ THÍCH
- Hầu hết các sản phẩm sau gia công gỗ đều dính dác. Mối sẽ ăn phần gỗ dác. Do đó, khi đưa gỗ vào sử dụng trong công trình, nên xử lý phần gỗ dác hoặc toàn bộ cấu kiện gỗ bằng thuốc bảo quản để đảm bảo an toàn cho công trình.
- Với các công trình đặc biệt quan trọng, bên gia công cung cấp gỗ phải có cam kết dùng 100% gỗ không có dác.
Từ khóa » Tiêu Chuẩn Thiết Kế Phòng Chống Mối
-
Tiêu Chuấn Quốc Gia TCVN 7958:2017 Về Bảo Vệ Công Trình Xây Dựng
-
TCVN 7958:2017 - Bảo Vệ Công Trình Xây Dựng. Phòng Chống Mối ...
-
Tiêu Chuẩn Quốc Gia Về Phòng Chống Mối Cho Công Trình Xây Dựng
-
Tiêu Chuẩn Quốc Gia TCVN 8268:2009 Về Bảo Vệ Công Trình Xây Dựng
-
Áp Dụng Tiêu Chuẩn Phòng Chống Mối Trong Công Trình Xây Dựng
-
Tiêu Chuẩn Quốc Gia TCVN 7958:2008 Bảo Vệ Công Trình Xây Dựng
-
Tiêu Chuẩn Phòng Chống Mối Cho Công Trình Xây Dựng
-
Biện Pháp Chống Mối Công Trình Mới Nhất 2022 - Diệt Côn Trùng
-
Quy định Về Phòng Chống Mối Công Trình Xây Dựng - Khử Trùng ...
-
TCVN 7958:2008 - Phòng Chống Mối Cho Công Trình Xây Dựng
-
Thiết Kế Cách Phòng Chống Mối Công Trình
-
Tiêu Chuẩn Phòng Chống Mối Công Trình Xây Dựng
-
PHÒNG CHỐNG MỐI CHO CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG