Tiêu điểm: Giải Ngân Vốn FDI Quý 1/2022 Cao Nhất Trong 5 Năm

Theo Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với sự vào cuộc của các Bộ ngành, địa phương, hoạt động sản xuất kinh doanh có xu hướng phục hồi, và thu hút đầu tư cũng hòa nhịp với xu hướng này. Điều này cho thấy tín hiệu tích cực trong việc huy động và sử dụng vốn đầu tư, bởi đây là động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2022.

Trong giải ngân vốn FDI trong quý 1, phải tính đến lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 3,44 tỷ USD, chiếm 77,8% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện. Theo các chuyên gia, mặc dù số vốn đăng ký giảm 12,1% so với cùng kỳ, nhưng nếu phân tích một cách kỹ lưỡng thì cũng có những dấu hiệu tích cực. Cụ thể số dự án đăng ký cấp mới trong quý một tăng 37,6%, số lượt dự án điều chỉnh vốn tăng 41,6% và số lượt dự án góp vốn mua cổ phần giữ ổn định so với năm ngoái.

Bà PHÍ THỊ HƯƠNG NGA, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, Tổng cục Thống kê: “Như vậy có thể thấy số lượng dự án cấp mới bổ sung vốn điều chỉnh vốn và góp vốn cổ phần xu hướng chung thì cũng tăng lên so với quý một cùng kỳ. Điều này chứng tỏ các nhà đầu tư cũng đã coi Việt Nam là điểm đầu tư an toàn và thể hiện niềm tin của nhà đầu tư đối với hoạt động sản xuất cũng như môi trường đầu tư tại Việt Nam”.

Bên cạnh đó, số vốn đăng ký tăng thêm tăng tới 93,3% và số vốn góp mua cổ phần tăng tới 102,6%. Trong đó đáng chú ý là 2 dự án nhiệt điện Long An 1&2 của Singapore và Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản) với tổng số tiền là hơn 4 tỷ USD.

Bà PHÍ THỊ HƯƠNG NGA, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, Tổng cục Thống kê: “Nếu loại trừ hai dự án đột biến này trong quý 1, thì vốn đăng ký cấp mới vẫn tăng tới 14,2% so với cùng kỳ và tính chung vốn đăng ký FDI quý một tăng tới 55,7 % so với cùng kỳ. Với con số này nếu loại trừ con số đột biến cũng phản ánh xu hướng của phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế cũng như thu hút xu hướng thu hút đầu tư trong quý 1”.

Ngoài ra, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I năm 2022 cho thấy, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lạc quan nhất với 84,7% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý II năm 2022 tốt hơn và giữ ổn định so với quý I năm 2022; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp ngoài Nhà nước lần lượt là 83,6% và 81,2%.

Ông ANDREW JEFFRIESGiám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á ADB tại Việt Nam:“Hiện nay có rất nhiều tập đoàn nước ngoài đã và đang tăng quy mô sản xuất tại Việt Nam. Việt Nam tiếp tục là địa điểm thu hút lượng vốn FDI nhờ việc bao phủ vaccine, cũng như đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP đạt trên 6%. Tôi cho rằng, đây là những tín hiệu tích cực giúp các nhà đầu tư an tâm khi quyết định đầu tư vào Việt Nam”.

Bài học thu hút đầu tư từ Thái Nguyên

Kết quả tích cực trong thu hút FDI quý 1 năm nay có phần đóng góp rất lớn của các địa phương. Có thể kể đến việc ban hành 1 loạt chính sách, như: Chủ động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư; đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng như tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến, thu hút đầu tư và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp là 1 trong những chính sách trọng tâm. Câu chuyện tại địa phương ngay sau đây là 1 ví dụ điển hình.

Phóng viên LÊ HƯƠNG: “Với việc ban hành nhiều chính sách tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư, tính đến ngày 20/3/2022 địa phương này đã thu hút được hơn 9,7 tỷ USD vốn FDI, đứng thứ 2 cả nước. Theo đánh giá của các chuyên gia, với chi phí lao động cạnh tranh, các ưu đãi về thuế và đầu tư, cùng với vị trí địa lý chiến lược, Việt Nam là một trong những lựa chọn hàng đầu các công ty đa quốc gia.”

Một trong những thành công lớn nhất của tỉnh Thái Nguyên thời gian qua, đó là đồng hành cùng các doanh nghiệp trong khu công nghiệp phòng chống dịch Covid-19 rất thành công. Ngay cả thời kỳ dịch bệnh căng thẳng nhất, tất cả các doanh nghiệp trong khu công nghiệp của tỉnh vẫn duy trì sản xuất và phát triển.

Ông PHAN ĐỨC CƯỜNG, Trưởng Ban Quản lý các khu Công nghiệp tỉnh Thái Nguyên: “Chúng tôi tổ chức đối thoại thường xuyên với các doanh nghiệp, định kỳ hàng quý chúng tôi tổ chức đối thoại, khi cần chúng tôi cũng tổ chức đối thoại. Trong thời điểm Covid-19, chúng tôi tổ chức đối thoại qua trực tuyến, từ đó chúng tôi nắm được các tâm tư nguyện vọng của các doanh nghiệp, có những trao đổi và tháo gỡ đồng thuận các biện pháp giải quyết những khó khăn của các doanh nghiệp”.

Nhờ đó đã có 263 doanh nghiệp đến từ 9 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp trong các khu công nghiệp đến hết năm 2021 đạt 31 tỷ USD, và giá trị xuất khẩu đạt trên 29 tỷ USD. Và chính sách mà tỉnh hướng đến, đó là thu hút đầu tư có chọn lọc: Giảm số lượng, tăng về chất lượng, đưa hoạt động đầu tư nước ngoài chuyển sang giai đoạn mới.

Ông PHAN ĐỨC CƯỜNG, Trưởng Ban Quản lý các khu Công nghiệp tỉnh Thái Nguyên: "Đến thời điểm hiện nay tỉnh Thái Nguyên luôn luôn xác định thu hút những ngành nghề đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, và chúng tôi thấy rằng việc phát triển bền vững song song với cơ cấu tổ chức lại những ngành nghề phát triển công nghiệp của tỉnh vẫn là những ngành nghề như sản xuất điện, điện tử, công nghiệp ô tô.”

Từ khóa » Giải Ngân Vốn Fdi Là Gì