TIỂU KINH VÍ DỤ DẤU CHÂN VOI - Bhik Samādhipuñño Định Phúc
Có thể bạn quan tâm
TIỂU KINH VÍ DỤ DẤU CHÂN VOI
(CŪḶAHATTHIPADOPAMASUTTA)
Bàlamôn Jāṇussoṇī là một đại bá hộ, là một Phật tử rất quy ngưỡng Đức Thế Tôn. Nghe nói ông rất thích đàm thoại với các giáo trưởng thù thắng của các trường phái khác để học hỏi và so sánh giáo pháp. Jāṇussoṇī thường sống ở Sāvatthi và thường đến yết kiến Phật tại Jetavana. Ông đi xe trắng, chạm bạc, với màn trắng, và kéo bởi bốn ngựa cái trắng. Xe ông được xem như sang trọng nhứt ở Sāvatthi. Ông mặc trắng, bịt khăn trắng, đi giày trắng, và được quạt bằng quạt trắng. Ngài Buddhaghosa nói rằng Jāṇussoṇī không phải là tên ông mà là một chức khi ông được cử làm tế sư của vua Kosala.
Du sĩ Pilotika tên tộc là Vacchāyana. Pilotika còn trẻ, có màu da vàng chói, thích phụng sư Phật và các Đại đệ tử của Ngài, ông được xem như một du sĩ có trí tuệ.
DUYÊN SỰ:
Phật ngự tại Jetavana, Bà-la-môn Jāṇussoṇī đến viếng Ngài và kể lại cuộc gặp gỡ của ông với du sĩ Pilotika trước đó một lát. Đại khái ông thuật lại rằng: du sĩ Pilotika đã tự tuyên niềm tin nơi Đức Phật bằng cách nêu lên những gì mình thấy là thù diệu nơi Ngài, như một người thợ rừng dựa vào một số chi tiết nào đó mà biết đến sự có mặt của một con voi. Nghe xong, Đức Thế Tôn dạy rằng: Pilotika thực ra chỉ được nhìn thấy một phần rất nhỏ trong vô số sở đắc của Đức Phật. Thế rồi Ngài dạy cho Bà la môn Jāṇussoṇī một pháp thoại mà qua đó Ngài tuần tự trình bày từng bước tinh tiến (dần dần) của lòng tịnh tín nơi một vị thánh đệ tử (ariyasāvaka) đối với Bậc Đạo Sư của mình.
Theo sử liệu xứ Tích lan, kinh này là bản kinh đầu tiên mà thượng tọa Mahinda đã giảng khi Ngài mới đến nước này.
TÓM TẮT:
Bà la môn Jāṇussoṇī hỏi du sĩ Pilotika lý do vị này tôn sùng Phật. Pilotika đưa ra bốn dấu hiệu về sự tối thượng của Phật, giống như bốn dấu chân của một con voi chúa, đó là Ngài đã hàng phục được những người uyên bác nhất trong bốn chúng: sát-đế-lỵ (giới lãnh đạo), bà la môn (giới học giả), gia chủ (giới tại gia), và sa môn (giới xuất gia). Tất cả đều xác nhận “Thế tôn là bậc Chính đẳng giác, Pháp được Thế tôn khéo giảng, tăng chúng khéo hành trì”, và họ trở thành đệ tử Phật.
Sau khi nghe vậy, bà la môn Janussoni đi đến yết kiến Phật và kể lại ví dụ trên. Phật dạy ví dụ ấy chưa được đầy đủ, và Ngài giảng đến mức nào mới có thể kết luận “Thế tôn là bậc Chính đẳng giác… ” Như một thợ rừng thiện xảo, thấy dấu chân voi, thấy những vật cao bị cọ xát, bị ngà voi cắt chém, nhưng chưa vội đi đến kết luận “đây là một con voi đực to lớn” cho đến khi lần theo dấu chân, thực sự trông thấy voi đực.
NỘI DUNG:
Không thể hình dung một Giáo pháp to lớn đến chừng nào, khi ta còn chưa đi đến đích giải thoát thực sự. Đối với giáo pháp của Đức Phật cũng vậy, chỉ khi đã thực sự đạt giác ngộ tối thượng ta mới biết rằng sự vĩ đại đó không thể ca ngợi tán thán hết được.
Tìm hiểu kỹ đoạn Đức Phật giảng về “diễn tiến trong quá trình tu chứng” của các Tỳ Kheo. Đây là một mô hình chuẩn trong sự tu tập được nhắc lại rất nhiều lần trong các bài kinh.
4 dấu tích của 4 loài voi:
– Dấu chân voi lớn, dài bề dài, rộng bề ngang.
– Dấu chân voi lớn, dài bề dài, rộng bề ngang và những vật cao đều bị cọ xát.
– Dấu chân voi lớn, dài bề dài, rộng bề ngang, những vật cao đều bị cọ xát và những vật cao bị ngà voi cắt chém.
– Dấu chân voi lớn, dài bề dài, rộng bề ngang, những vật cao đều bị cọ xát, những vật cao bị ngà voi cắt chém và những vật cao bị gãy các cành.
4 dấu tích của Như Lai:
– Dấu tích thứ I: Như Lai thuyết pháp, thiện nam tử nghe pháp, xuất gia, giữ giới.
– Dấu tích thứ II: Chứng được thiền định.
Một cách nôm na, thiền là sự tập trung tư tưởng trên một đối tượng. Việc này cần đến sự kết hợp cùng lúc của năm thiền chi:
Tầm (vitakka): Sự hướng tâm đến đối tượng.
Tứ (vicāra): Sự kiểm sát đối tượng.
Hỷ (pīti): Sự hứng thú đối với đối tượng.
Thọ (vedanā): Có thể là Lạc thọ (sukha) hay Xả thọ (upekkhā) trong lúc tập trung trên đối tượng.
Định (ekaggatā): Sự tập chú (samādhi) trên đối tượng.
Năm chi thiền này, là năm tâm sở, Tầm, Tứ, Hỷ, Thọ, Định (vitakka, vicāra, pīti, sukha, ekaggatā), nói trên bản chất thì ai cũng có thể có nhưng để chúng có đủ sức mạnh để trấn áp phiền não và đưa đến các tầng thiền thì đòi hỏi phải được trao dồi một cách đặc biệt thông qua pháp môn thiền Chỉ tịnh (samathabhāvanā).
Tâm ta thường vốn không yên tĩnh. Ở đó luôn bị khuấy động bởi năm Triền Cái (nīvaraṇa) là:
Tham Dục (kāmachanda)
Bất Mãn (byāpāda)
Hôn Thụy (thīnamiddha)
Trạo Hối (uddhacakukkucca)
Hoài Nghi (vicikicchā)
Tham Dục dẫn tâm ta đi lang thang cảnh này cảnh nọ để tìm cái mình thích. Sự Bất Mãn dẫn tâm đến tình trạng khó chịu hay bực phiền với những gì bất toại. Hôn Thụy là trạng thái dã dượi biếng lười của tâm. Trạo Hối ở đây gồm có Phóng Dật là sự tán loạn của tâm và Hối Hận là sự hối tiếc hay cắn rứt trong chuyện cũ. Hoài Nghi là sự phân vân, thiếu cả quyết với chuyện này chuyện nọ. Cả năm phiền não này được gọi là Triền Cái (nīvaraṇa) bởi chúng có tác hại là ngăn che tầm nhìn và cản trở khả năng tập trung tư tưởng.
Trong Kinh Sangāravasutta, Tăng Chi Bộ Kinh, Đức Phật so sánh tham dục giống như nước bị pha nhiều màu tạp sắc, sự bất mãn giống như nước đang được nung sôi, hôn thụy giống như nước bị rong rêu, trạo hối giống như mặt nước bị gió thổi xao động và hoài nghi giống như nước bị vẩn đục bởi cặn cáu và bùn sình. Với những loại nước như vậy ta không thể dùng để soi bóng mình. Với một nội tâm bị ngăn che bởi năm Triền Cái thì ta không thể nhìn thấy vấn đề gì hết. Trong Trung Bộ Kinh bài số 39 (đại kinh Xóm Ngựa), Đức Phật dạy tâm người bị tham dục chi phối giống như một người đang mắc nợ, tâm bị sân hận chi phối giống như một người bị bệnh mất khẩu vị, tâm bị hôn thụy chi phối giống như một người bị giam trong ngục tối chỉ nhìn thấy một ít ánh sáng le lói bên ngoài, tâm bị trạo hối chi phối giống như tâm trạng của một người nô lệ không thể tự quyết mọi sự, lúc nào cũng trông đợi quyết định của chủ và tâm bị hoài nghi chi phối thì giống như một người bị lạc đường trên sa mạc, hoang mang không biết ngõ đi.
Năm Triền Cái có thể được trấn áp dài hạn bằng thiền Chỉ tịnh. Chẳng hạn như chỉ với sự tập trung vào đề mục Đất (một miếng đất thô hình tròn có đường kính khoảng một feet, tức một gang tay cộng với bốn ngón tay để ngang màu gạch hoặc màu xám đất để ngang với tầm nhìn của một người ngồi). Lúc này hành giả chỉ việc mở mắt nhìn thẳng vào đó chú niệm một chữ « Đất » được lập lại nhiều ngàn lần trong suốt buổi thiền định. Tùy trình độ và căn duyên của mỗi người mà giai đoạn bắt đầu này kéo dài lâu hay mau. Năm chi thiền vừa kể ở trên sẽ dần dần đủ mặt qua tiến trình sau đây:
Tầm ở đây là sự hướng đến phiến đất hình tròn đó, lúc này nó có tác dụng ngăn chận Hôn Thụy.
Tứ ở đây là sự quan sát tới lui trên phiến đất đó, nó có tác dụng ngăn chận Hoài Nghi.
Hỷ ở đây là cảm giác trong lúc quan sát của Tứ, nó có tác dụng ngăn chận sự Bất Mãn. Hỷ được xem là giai đoạn bắt đầu cho Lạc. Hỷ chỉ là sự hứng thú đối với cảnh.
Lạc ở đây là sự thưởng thức hay hưởng dụng đối tượng. Chính Lạc mới đủ khả năng kéo dài tập chú của tâm trên cảnh. Lạc lúc này có tác dụng đình chỉ Trạo Hối.
Định hay Nhất Tâm ở đây là sự chuyên chú trên phiến đất đề mục, không để tâm biết gì ngoài ra. Tác dụng của Nhất Tâm là chận đứng Tham Dục.
Khi năm Triền Cái được đẩy lùi thì tâm hành giả không còn bị tác động bởi những thứ thích và ghét nữa. Như một người đã hoàn toàn rảnh tay không còn cầm nắm bất cứ món đồ gì thì dĩ nhiên sẽ nhẹ nhàng thoải mái hơn nhiều. Chính ở giai đoạn này nội tâm hành giả đã trở nên khắn khít cao độ với đề mục đến mức không cần mở mắt vẫn thấy nó hiển hiện rõ ràng lồ lộ. Ở tầng Sơ thiền, năm chi thiền có mặt đầy đủ. Nếu hành giả tiếp tục gìn giữ đề mục cũ, như đề mục Đất chẳng hạn, thì từ đây về sau hình ảnh mà họ nhìn thấy chỉ là Quang Tướng. Nghĩa là từ giai đoạn Cận Định trở đi, hành giả không cần mở mắt nhìn đề mục nữa.
Từ Sơ thiền, khi nhàm chán được chi Tầm thì hành giả mới lên được Nhị thiền. Bỏ thêm chi Tứ hành giả đắc Tam thiền, bỏ thêm chi Hỷ hành giả đắc Tứ thiền và cuối cùng khi Lạc được thay thế bằng Xả thì hành giả đắc được Ngũ thiền.
Cũng trong Đại Kinh Xóm Ngựa bài 39 của Trung Bộ, Đức Phật đã mô tả cảm giác an lạc của các tầng thiền như sau: Cảm giác an lạc của người chứng Sơ thiền giống như một cục bột thấm nước, hành giả nhận ra một sự an lạc tràn ngập cả nội tâm và khắp thân thể mình; người chứng Nhị thiền cảm nhận thân tâm mình như một hồ nước tràn đầy; người chứng Tam thiền cảm nhận tâm mình như những búp sen chìm sâu trong nước và người chứng Tứ thiền cảm nhận thân tâm mình được bao phủ bởi một thứ an lạc đến từ bên ngoài như người ta trùm một tấm vải.
– Dấu tích thứ III: Chứng được trí tuệ gồm 3 minh.
- Túc mạng minh (Pubbenivāsānussatiñāṇa),trí tuệ nhớ rõ tiền kiếp thuộc loại chúng sinh nào, tên gì, thuộc dòng dõi nào, tạo thiện nghiệp, bất thiện nghiệp, ba-la-mật, thọ lạc, thọ khổ, tuổi thọ… đều ghi nhớ rõ ràng mọi chi tiết.
Túc mạng minh là minh thứ nhất mà Đức Bồ Tát đã chứng đắc vào canh đầu đêm rằm tháng tư (âm lịch).
- Sanh tử minh (Cutūpapātañāṇa), là trí thông biết rõ sự sanh tử của chúng sanh theo duyên nghiệp. Minh này có tên gọi khác nữa là Thiên nhãn minh (Dibbacakkhuñāṇa).
Trí tuệ thấy rõ, biết rõ kiếp quá khứ, kiếp vị lai của tất cả chúng sinh như mắt của chư thiên, phạm thiên.
Vị ấy biết rõ ràng, chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. Những chúng sanh làm những ác hạnh về thân, lời và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Còn chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, lời và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến, những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi Trời, trên đời này. Như vậy, vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ.
Thiên nhãn minh có 2 loại:
– Tử sanh minh: Trí tuệ thấy rõ biết rõ sự tử, sự tái sinh của tất cả chúng sinh sau khi chết, do nghiệp nào cho quả tái sinh cảnh giới nào, thọ khổ, thọ lạc như thế nào…
– Vị lai kiến minh: Trí tuệ thấy rõ những kiếp vị lai của tất cả chúng sinh.
Chư Phật dùng vị lai kiến minh này để thọ ký chúng sinh trong những kiếp vị lai xa xăm, còn thời gian bao nhiêu đại kiếp trái đất này sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, hoặc Đức Phật Độc Giác, hoặc bậc Thánh Thanh Văn Giác…
Thiên nhãn minh là minh thứ nhì mà Đức Bồ Tát đã chứng đắc vào lúc canh giữa đêm rằm tháng tư (âm lịch).
- Lậu tận minh (Āsavakkhayañāṇa), là trí thông đoạn trừ các lậu hoặc, đắc chứng lậu tận minh, là thành tựu quả vị A-la-hán.
– Dấu tích thứ IV: Giải thoát các lậu hoặc.
Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, vị ấy hướng tâm đến lậu tận trí, tuệ tri Khổ, Tập, Diệt, Đạo; thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu, tự biết “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, không còn trở lui đời sống này nữa”. Đến đây, vị thánh đệ tử mới đi đến kết luận: “Thế tôn là bậc Chính đẳng giác, Pháp được Thế tôn khéo giảng, chúng tăng khéo hành trì”. Như vậy, ví dụ Dấu chân voi mới thực được nói một cách rộng rãi đầy đủ. Đến đây thì Thế Tôn và vị thánh đệ tử xét về cơ bản xem ra đã có chỗ tương đồng bởi vì không thể có sự khác nhau trong sự giải thoát của hai bậc thánh: một con voi và một con thỏ sau khi thoát khỏi chiếc bẫy đều có cảm giác tự do và thoải mái như nhau.
Cảm nhận ý nghĩa cao quý của từ “Bà-la-môn” (brāhmaṇa) trong câu nói tán thán này: “Xưa kia chúng ta không phải là Sa-môn lại tự xem là Sa-môn, không phải là Bà-la-môn lại tự xem là Bà-la-môn, không phải là bậc A-la-hán, lại tự xem là bậc A-la-hán. Nay chúng ta mới thật là Sa-môn. Nay chúng ta mới thật là Bà-la-môn”
Không đi đến kết luận về Ba ngôi báu “sammāsambuddho bhagavā, svākkhāto bhagavatā dhammo, suppaṭipanno bhagavato sāvakasaṃgho”, bởi vì bốn thiền và tuệ thuộc thế gian (túc mạng trí, biết các đời trước của mình, và sinh tử trí, biết việc sống chết của kẻ khác) thì ngoại đạo cũng có như Phật giáo. Kinh này hiển thị rằng, chỉ khi vị đệ tử đắc quả A-la-hán, việc làm đã xong, mới có thể đi đến kết luận thực chính xác về Tam bảo.
Ít ra có cùng sống trong một thế giới, cùng có mặt trên một hành trình thì người ta mới may ra hiểu được nhau, đánh gia nhau một cách chính xác. Trong bất cứ tình cảm nào trong đời sống đều phải là như thế, huống gì là niềm tin của một người đệ tử đối với bậc Đạo Sư mà ở đây Ngài là một bậc đại thánh. Niềm chánh tín đối với bậc Đạo Sư như vậy không thể có được từ những suy diễn suông. Bài kinh đã mở cho chúng ta một vấn đề lớn rằng: đức tin thật ra không phải đơn giản là một bước đầu để người ta vượt qua rồi đạt đến mục đích khác trong đạo lộ tu tập mà thực ra đức tin mãi mãi là một cơ sở căn bản hiện hữu trường kỳ suốt chiều dài của hành trình giải thoát. Đức tin có sâu rộng thì đạo hạnh mới có thể thăng hoa, đạo hạnh càng thăng hoa thì đức tin mới được kiện toàn, cứ thế. Chỉ bằng một chữ đức tin, đức Phật đã khéo léo khai triển trình bày toàn bộ hệ thống phạm hạnh.
KẾT LUẬN:
1) Không vì bị ai đó thuyết phục, rồi thực hành theo người ấy mà có được danh hiệu này, quả vị kia. Không nên tán thán một ai đó, luận thuyết của người đó, phương pháp thực hành mà người đó chỉ cho mình, chừng nào chưa tận mắt chứng thực được kết quả do phương pháp đó mang lại.
2) Thợ săn thấy dấu chân voi và vết tích để lại chắc chắn không thể biết đúng về con voi. Người tu đang thực hành theo giáo pháp đức Phật để lại chắc chắn không thể biết đúng về đức Phật và giáo pháp của đức Phật.
3) Thợ săn đi tới tận nơi, thấy được con voi đực lớn thì mới có thể biết đúng đó là con voi đực lớn. Người tu thực hành cho đến rốt ráo, thấy được “sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm xong” thì mới có thể biết đúng về đức Phật và giáo pháp của đức Phật.
Bhik Samādhipuñño Định PhúcChia sẻ:
Có liên quan
Từ khóa » Bài Kinh Dấu Chân Voi
-
28. Ðại Kinh Dụ Dấu Chân Voi (Mahàhatthipadopama Sutta)
-
Kinh Trung Bộ I - Tiểu Kinh Ví Dụ Dấu Chân Voi
-
ĐẠI KINH VÍ DỤ DẤU CHÂN VOI - SƯ PHƯỚC TOÀN - YouTube
-
Kinh Trung Bộ Tập 1 - Đại Kinh Dụ Dấu Chân Voi - YouTube
-
Ví Dụ Dấu Chân Voi
-
TB. 28. Ðại Kinh Dụ Dấu Chân Voi... - Tu Học Kinh Trung Bộ | فيسبوك
-
27. Kinh Tiểu Kinh Dụ Dấu Chân Voi - Phuocsonthienvien
-
đại Kinh Ví Dụ Dấu Chân Voi - Tạng Thư Phật Học
-
Tiểu Kinh Dụ Dấu Chân Voi | Trung Bộ Kinh 27| Cố HT. Thích Minh ...
-
GG : Tiểu Kinh Dấu Chân Voi – Kinh Trung Bộ Nikaya - Tâm Học
-
KINH MN 027 – TIỂU KINH VÍ DỤ DẤU CHÂN VOI ...
-
Thử Tìm Dấu Chân Trên Cát - Làng Mai
-
28. Kinh Số 28 - Đại Kinh Dấu Chân Voi