Tiểu Sử Cao Bá Quát (1809 - 1855)

Cao Bá Quát là tấm gương mẫu mực về tự rèn luyện, học tập để trở thành người tài năng, đức độ, người nổi tiếng văn hay chữ tốt mà người đời tôn ông là “ Thánh Quát ”, “Văn như Siêu - Quát võ tiền Hán”.

Cao Bá Quát (1809-1855) tự là Chu Thần, hiệu là Cúc Đường, biệt hiệu là Mẫn Thiên. Ông sinh năm 1809 tại làng Phú Thị, huyện Gia Lâm tỉnh Bắc Ninh (nay là xã Quyết Chiến, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội). Làng ông cách Hà Nội 17 cây số về phía đông, trước đây vốn là nơi làm ăn buôn bán phát đạt và học hành thi cử dễ dàng. Từ xưa, ở đây đã có nhiều người nổi tiếng về thơ văn và khoa hoạn.

Ông thân sinh ra Cao Bá Quát không đỗ đạt gì, nhưng là một nhà Nho danh tiếng. Ông hướng con cái vào con đường khoa cử và hy vọng rất nhiều ở các con. Ông chọn hai tên trong tám kẻ sĩ đời Chu đặt tên cho hai đứa con sinh đôi của mình là Bá Đạt và Bá Quát là muốn cho hai con sẽ trở thành những bậc hiền thần. Cao Bá Quát đặt tên cho mình là Chu Thần cũng ý nghĩa đó.

Là một cậu bé có tài năng và đức hạnh, Cao Bá Quát đã lớn lên trong mối quan hệ tốt đẹp với gia đình, bạn bè, quê hương, nuôi dưỡng những tình cảm thắm thiết đối với nhân dân và đất nước.

Khác với một số giai thoại coi ông như một đứa trẻ ngỗ ngược. Cao Bá Quát, qua văn thơ, đã tỏ ra một người giữ gìn phẩm hạnh, đối xử đúng mực với cha mẹ, anh em, làng xóm.

Mỗi lần xa nhà, không lúc nào ông không nhớ tới gia đình, bè bạn. Lời thơ thắm thiết viết cho anh, nỗi kinh hoàng khi nghe tin chị chết, lòng thương cha mẹ già không người chăm nom, khiến cho ta khó tin rằng ông là người luôn kèn cựa với anh, coi thường bố mẹ, như nhiều người đã nghĩ về ông.

Qua thơ văn của Cao chúng ta thấy ông có một cuộc sống trong sạch, một thái độ đúng đắn và tình yêu, một tấm lòng đằm thắm với vợ con.

Tài liệu không cho biết vợ ông như thế nào, nhưng mỗi lần nói với vợ, ông đều nói với một giọng rất trìu mến.

Sống xa nhà có lần nhận được tấm áo bông của vợ gửi cho, ông cảm động trước tình yêu thương của vợ, trong từng mũi chỉ đường kim:

Một phong thư đọc dưới ánh đèn, muôn hàng lệ chảy,

Đêm nay mảnh hồn tàn trở về quanh quẩn chốn buồng thuê.

Ông thương vợ, sống trong cảnh nghèo khổ và tưởng tượng lúc trở về bước qua cửa vào nhà, có lẽ chính là lúc vợ đi giã gạo thuê cho hàng xóm.

Cao Bá Quát rất yêu quý bạn bè và "một ngày trăm lần nhớ bạn". Ông nhớ Miên Thẩm, ví mình như Mao Toại đối với Bình Nguyên quân. Ông nhớ Phương Đình, có đêm tưởng bạn đang ngòi một mình ngâm thơ trong một canh gác lạnh lẽo. Ông nhớ Tuấn Phủ, người bạn đã tin ông, hiểu ông nhìn ông bằng một cặp mắt xanh, nên ông cũng đáp lại bằng "tấm lòng son không bao giờ phai lạt".

Cao Bá Quát có một tấm lòng yêu quý đặc biệt đối với quê hương. Cao thường kể lại những sự gặp gỡ thắm thiết đậm đà với bà con trong thôn xóm. Cao quan tâm tới cảnh ngộ của nhân dân, nhất là của những người thiếu thốn, đói rét người đi ở bị đòn, người hàng xóm mất con.

Cao Bá Quát say mê những cảnh đẹp của đất nước, có thể nói hầu hết những danh lam thắng cảnh của miền Bắc và miền Trung ông đã tới thăm và đều có thơ ngâm vịnh. Đối với ông, thiên nhiên là niềm tự hào của đất nước. Qua Ninh Bình ông mải mê nhìn:

Sông tựa giải là cô gái đẹp,

Núi như chén ốc khách làng say...

Thiên nhiên đẹp đã quyến rũ ông, kích thích ông phải làm gì để thiên nhiên đẹp hơn nữa. Ông muốn trồng lên núi một rừng mai, để sau này mỗi người được thưởng thức bức tranh tuyệt đẹp của núi hoa mai. Nói đến động Thái Nguyên, ông muốn đem nó đặt giữa hồ Tây cho thêm rực rỡ. Ông rất yêu quý Hồ Tây và phát hiện ở Hồ Tây nhiều nét đặc sắc. Đối với ông, Hồ Tây không chỉ là phong cảnh. Ông yêu quý nó như yêu quý một con người. Hồ Tây chính là Tây Thi của ông (Tây Hồ chân cá thị Tây Thi).

Càng lớn, càng đi sâu vào cuộc đời thì thiên nhiên càng gắn bó với ông. Thiên nhiên trở thành bạn tâm tình của ông cùng ông suy nghĩ trong hoàn cảnh cô đơn, thất vọng.

Cao Bá Quát đã sớm tỏ ra một thanh niên vừa có đức hạnh, vừa có tài năng. Hai anh em ông nối tiếng là thông minh, văn hay chữ tốt. Thơ văn ông được truyền đi rộng rãi. Ông chơi thân với Nguyễn Văn Siêu và hai người được đương thời đánh giá cao về mặt văn chương. Năm 23 tuổi ông đỗ cử nhân thứ nhì, nhưng bộ Lễ xét lại, xếp ông xuống cuối bảng. Lạc quan và tin tưởng, ông tiếp tục cứ mỗi khoa lại vào Kinh để thi tiến sĩ nhưng không đỗ.

Đã từ lâu ông tưởng rằng có thể thông qua con đưòng khoa cử, giành lấy một địa vị xã hội, rồi từ đó cải thiện đời sống cho nhân dân.

Cuộc đời là bài học hiệu nghiệm nhất để từng bước thức tỉnh chàng thanh niên họ Cao đầy ảo tưởng. Dưới chế độ phong kiến, không phải cứ có tài, có chí là thành công.

Bao nhiêu lần đi thi, đầu đề nào cũng thấy dễ, bài nào làm cũng thấy hay, nhưng hỏng vẫn hoàn hỏng.

Uống rượu ở nhà người bạn thân là Tuần Phủ, ông làm bài thơ thổ lộ tâm tình. Ở đời có người chí lớn như chim hồng hộc bay tít trên mây xanh. Có người thanh cao ở ẩn như chim hạc đen ngủ một mình trên sườn núi. Còn đáng khinh là loại người như những con hoàng điểu chỉ tìm chỗ kiếm ăn. Ta không phải là những con hoàng điểu ấy!

Nguy cơ ngoại xâm đã từ lâu đe dọa đất nước. Tây Ban Nha, Hà Lan trước đây và Anh, Pháp bây giờ, đang liên tiếp cử tầu buôn tới các cửa bể Đà Nẵng, Hà Tiên, Quảng Nam v.v... Chính trong thời kỳ Cao Bá Quát ở bộ Lễ, một tầu Pháp đã đến Trà Sơn, còn tàu Anh thì lăm le ngoài biển. Cao không thể không lo lắng cho Tổ quốc mình. Có đêm gió to, sóng dữ ngoài cửa Thuận An, nằm không ngủ ông tưởng đến hùng khí của Chu Du từ ngàn thu trước như vẫn còn hừng hực bốc lên, muốn đánh tan những chiếc tầu đang lăm le ngoài cửa biển!

Về bộ Lễ ít lâu, ông được cử làm sơ khảo trường Thừa Thiên. Trong khi chấm thi ông thấy có những quyển khá, nhưng lại có những chỗ phạm vào tên húy của nhà vua. Đây chính là cảnh ngộ của những người oan uổng như ông ngày trước. Triều đình này thực ra không quý trọng nhân tài, chỉ chú trọng đến những cái vụn vặt. Ái ngại cho những người có tài mà phạm sơ suất nhỏ, ông đã cùng người bạn là Phan Nhạ dùng muội đèn chữa những quyển ấy cho khỏi bị hỏng. Việc bị lộ, ông bị viên giám sát là Hồ Trọng Tuấn dàn hặc. Khi án đưa lên, thì vua nhà Nguyễn là Thiệu Trị, trước những lời buộc tội vô lý đối với ông, đã phải giảm cho ông từ tội trảm quyết xuống tội giáo giam hậu.

Đây là bước ngoặt lớn nhất trong đời Cao Bá Quát. Cao đã từ ngục thất này đến ngục thất khác bị tra tấn và chịu những nhục hình man rợ nhất, sống những ngày buồn bực đau khổ, uất ức, căm thù. Trong trường hợp đó, có những người mất hết tinh thần, gục đầu đợi tội hoặc chờ chết. Nhưng ở Cao những ngày trong tù là những ngày sống mãnh liệt. Sức mạnh tinh thần đó vẫn tràn ngập trong những bài thơ làm trong lúc đó.

Cao tự nhủ mình:

Phải đem chí bên trong gìn giữ khí bên ngoài.

Không để cho những lo nghĩ nhỏ nhen kích thích.

Trong bài thơ vịnh cái gông, Cao không thừa nhận mình có tội. Đối với ông việc thừa nhận chữa bài thi của thí sinh là việc nên làm. Ông muốn chẻ cái gông làm hai, viết vào đó bài Thiên sự ngâm của Nghiêu Phu, mà đại ý là "Người ta làm việc thiện là vì việc thiện nên làm". Đối với ông, chống lại những luật lệ thi cử khắc nghiệt của triều đình là làm việc thiện. Ông muốn bắt chước Thái Nguyên Định ngày xưa, khi bị tội viết thư dặn rằng: "Ta đi một mình không hổ với bóng, ngủ một mình không thẹn với chăn, đừng thấy ta bị tội mà xao xuyến"!

Bị giam được một năm, gặp đúng ngày 9 tháng 9, ông mời các bạn trong tù dự bữa rượu mừng sinh nhật của ông. Ông là người già nhất trong tiệc nhưng lại xưng mình là người trẻ nhất, người mới có một tuổi mà thôi. Ông coi nhà Nguyễn bắt giam ông chính là ngày chấm dứt cuộc đời cũ. Ông tự bắt đầu một kiếp sống hoàn toàn khác. Đây là một kiếp sống không thừa nhận nhà Nguyễn và chế độ thối nát của nó nữa rồi.

Có lúc Cao tự coi mình như Văn Vương bị giam trong ngục "Dữu Lý" của vua Trụ tàn ác, hoặc như thanh gươm long truyền nọ vùi sâu dưới nhà ngục ở Phong Thành mà đêm đêm vẫn tỏa lên ánh sáng.

Sau khi được định tội, triều đình tạm tha cho Cao Bá Quát và cho đi xuất dương hiệu lực trong phái đoàn do Đào Tri Phú làm trưởng đoàn.

Phái đoàn của ông đi Campuchia và Inđônêxia mục đích chủ yếu là đem đường bán cho nước ngoài để mua sắm những hàng xa xỉ cho triều đình. Ra nước ngoài, ông thấy đời sống của người tây phương, lại thấy cảnh người da đen kéo xe cho người da trắng. Ông cũng phân nào nhận thức được sự phát triển của các nước Tây phương và nguy cơ xâm lược của họ. Lòng yêu nước được kích thích, ông càng nhìn rõ hơn sự nhu nhược và bất lực của triều đình, càng tin tưởng ở sức mạnh phản kháng của nhân dân trước nạn ngoại xâm.

Sau thời gian dương trình hiệu lực, ông về tới Đà Nẵng vào mùa hè 1843 và sau đó được gọi về bộ lễ rồi bị thải về.

Ông về nhà chuyến này ở tại Thăng Long cùng với vợ con. Trước đây ông vốn ở phố Đình Ngang (nay gần phố Nguyễn Thái Học). Năm ông 24 tuổi vào kinh thi hội, thì bà Cao ở nhà đã xin phép bố chồng sửa lại một ngôi nhà gần cửa Bắc về phía đông Hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Về đây ở, ông hàng ngày đi dạo ngắm cảnh Hồ Tây và cảnh đẹp của đất nước. Cũng trong dịp này, ông thường xướng hoạ với nhóm Vũ Tông Phan, Nguyễn Văn Siêu, Trần Văn Vi, Diệp Xuân Huyên... Thơ ông toát ra một giọng buồn bực, nhớ bạn, thương thân. "Chợt nghĩ đến mình, ruột đau từng khúc. Nhớ bạn thì mỗi ngày tính đến trăm lần". Thời gian này ông bị đau ốm nhiều, một năm trời bị bệnh đái ra máu. Gia đình túng thiếu, có lúc đói không có gạo thổi cơm chiều.

Trong thời gian nhàn rỗi, ông càng có nhiều dịp tiếp xúc với đời sống nhân dân. Những cảnh dân ta túng thiếu đói rét, phải đi ăn xin, bị bắt phu, bắt lính đã khiến ông rất đau xót, ngày đêm nung nấu trong lòng ông những điều suy nghĩ rất day dứt. Làm thế nào để cứu dân cứu nước? Trong 12 bài vịnh cảnh thôn quê, ông đã nêu lên đời sống nghèo khó vất vả của nhân dân. Ông tả cảnh những người tát nước trên đồng cao buổi sáng. Trời rét, sương mù còn dày đặc mà người tát nước bụng đói, môi run cầm cập, lưng chỉ khoác một mảnh áo tơi ngắn mà cứ phải luôn tay thoăn thoắt kéo dây gầu.

Khi dân đói rét quá thì vua quan thường tổ chức phát chẩn. Cao đã chứng kiến một buổi phát chẩn và ông đã nói lên cái tâm sự vô cùng buồn bực của mình. Đáng thương nhất là có những người ở những nơi xa nghe tin phát chẩn đã bồng bế con cái đến từ hôm trước. Biết có ai "vẽ được cái cảnh này cho vua xem?"

Lắm lúc ông tự hỏi: Không biết bọn vua quan có biết tình cảnh này không?

Trách nhiệm của họ đáng lễ phải thông cảm với nhân dân, phải hiểu được nỗi vui buồn của từng người từ trên một nét mi của họ, mà bây giờ hoàn toàn thờ ơ trước cảnh sống dở chết dở của nhân dân.

Dưới triều Nguyễn, do bị áp bức bóc lột quá đáng, nhân dân ở miền xuôi cũng như miền núi, luôn luôn phải nổi dậy đấu tranh. Các cuộc khởi nghĩa kế tiếp nhau nổ ra không bao giờ tắt. Nhà vua phải tổ chức những cuộc đánh đẹp. Tráng đinh bị bắt vào lính, đẩy vào những nơi lam sơn chướng khí. Nhân dân khởi nghĩa bị chém giết một cách tàn khốc. Trong lúc đó thì bọn con buôn lại nhân dịp đầu cơ phè phỡn.

Có những buổi chiều tối gió lạnh, ông còn xoã tóc đứng mãi trên cầu Trấn Vũ, nghĩ lại thủa còn trẻ, mắt đã thấy bao cảnh thương tâm mà nhìn vào cuộc đời vẫn thấy bế tắc như nhìn vào tấm bia không chữ. Chơi núi Tam Tào, nhìn vào đền thờ của Trần Hưng Đạo và nơi ẩn dật của Chu Văn An, ông tiếc những anh hùng xưa không còn nữa để cứu nước.

Có lúc suốt đêm ông ngồi một mình suy nghĩ về đời sống của nhân dân và trách nhiệm của mình. "Non sông thì thế còn minh thì sao đây".

Không có lấy một sách lược gì làm cho đời được thái bình.

Thẹn mình là một nhà nho mà lại tầm thường đến thế!

Có hôm ngồi đọc Kinh Thi mà suốt đêm trằn trọc. Ở đời những kẻ bất tàithì được sử dụng, còn người giỏi thì bỏ đi, không khác gì những cây bồ kết kia thì tốt um mà cây lan thì đơn độc không ai biết đến. Tấm lòng u uất ấy, vầng sao lấp lánh trên trời kia như muốn thông cảm với ông cũng suốt đêm chẳng ngủ:

Mặt trời lặn, các tiếng động đều im bặt

Trời cao đêm mờ mờ.

Dưới có người không ngủ.

Trên có vì sao muốn rơi.

Tình cảnh của đất nước, của nhân dân, của bản thân như thế cuối cùng đã dẫn ông đến những ý nghĩ hành động mới. Tư tưởng muốn thay đổi cái triều đại này đã dần rõ nét ở ông.

Sau bốn năm bị thải về, ông lại nhận được chiếu chỉ triệu vào kinh (1847) và làm việc ở Viện Hàn lâm.

Trong cái không khí thi đua nhau làm thơ của triều đình Tự Đức. Cao cũng có thơ chơi, cũng ca vịnh những bài vụn vặt hàng ngày nhưng nội dung tư tưởng thì khác hẳn bọn họ. Ông ca ngợi tính trong sạch của bông hoa sen, tính chung thủy của con chim câu.

Vịnh con sáo, ông mỉa mai:

Chỉ vì muốn nói được tiếng người.

Mà đến nỗi cụt mất cả đầu lưỡi!

Thái độ cương trực không luồn cúi của ông khiến cho vua quan triều Nguyễn không thể nào ưa ông được. Cuối cùng họ đã đày ông đi xa, cho ông làm chức giáo thụ phủ Quốc Oai.

Công việc mới là làm giáo thụ ở phủ Quốc Oai, ông thường tỏ ra mỉa mai và khinh ghét đối với chế độ nhà Nguyễn. Người ta thường nói tới thái độ ấy của ông qua câu đối dán nơi dạy học:

Nhà trống ba gian, một thày, một cô, một chó cái,

Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi.

Thời kỳ này, Cao Bá Quát lại một lần nữa, hằng ngày tiếp xúc với đời sống đói khổ của nhân dân, suy nghĩ thêm về những chính sách hà khắc của triều đình, đồng tình với những cuộc khởi nghĩa đã từ lâu không ngớt bùng lên ở các nơi. Quyết tâm đánh đổ triều đình nhà Nguyễn để đem lại một đời sống ấm no cho nhân dân ngày càng trở thành dứt khoát đối với ông.

Giữa năm 1853 (Tự Đức năm thứ 7), ông xin thôi dạy học, lấy cớ về nuôi mẹ già. Năm ấy miền Bắc, vào tháng 6, tháng 7, châu chấu bay mù trời. Lúa má bị chúng cắn sạch. Nạn đói hoành hành, mọi người ca thán.

Cao Bá Quát đứng lên tụ tập nhân dân, bí mật chuẩn bị một cuộc khởi nghĩa tại Hà Nội. Cao đã bị một số phần tử phản bội đi tố giác. Tự Đức sai Nguyễn Quốc Hoan và Lâm Duy Thiết tìm mọi cách bắt cho được Cao.

Cao liên hệ mật thiết với những thổ mục người dân tộc thiểu số ở Tây Bắc là Đinh Công Mỹ và Bạch Công Chấn, mở rộng lực lượng tiến đánh những vùng Hà Nội và Sơn Tây. Dựa vào tinh thần của nhân dân oán ghét triều Nguyễn và còn tưởng nhớ tới nhà Lê, Cao suy tôn một người thuộc dòng dõi nhà Lê là Lê Duy Cự là minh chủ, tự mình lãnh chức quốc sư, dẫn quân đến đánh phủ Ứng Hòa và huyện Thanh Oai. Tháng 12 năm ấy, hai cánh quân của Cao bị thua ở làng Đồng Dương (huyện Thanh Oai, Hà Tây) và ở làng Quyền Sơn (huyện Kim Bảng, Nam Hà). Nhiều tướng của Cao đã bị bắt, như Nguyễn Văn Tuân, Nguyễn Đình Huấn, Hoàng Văn Nho, Lê Văn Tường.

Dù thất bại Cao Bá Quát và nghĩa quân vẫn tiếp tục chiến đấu, lại tiến đánh phủ Quốc Oai, sau rút về vùng Vĩnh Tường, đốt cháy thành Tam Dương. Sau đó, Cao Bá Quát rút lui về Mỹ Lương cùng với Bạch Công Chấn chấn chỉnh đội ngũ, lấy nghĩa binh miền núi bổ sung lực lượng.

Tự Đức phái thêm 500 lính từ Thanh Hóa đến đóng tại Sơn Tây và treo giải thưởng 300 lạng bạc cho người nào giết chết được Cao. Quân nhà Nguyễn do lãnh binh Sơn Tây là Lê Thuận và quân khởi nghĩa do chính Cao Bá Quát chỉ huy đã giao chiến tại vùng Yên Đơn (thuộc phủ Quốc Oai). Trong lúc giao tranh, Cao Bá Quát đã bị tên Đinh Thế Quang bắn chết tại trận. Ông đã hy sinh anh dũng ở tuổi 45 trong niềm tiếc thương vô hạn của nhân dân. Quân của Cao tan vỡ, 100 người bị chết và 80 người bị bắt sống. Tự Đức hạ lệnh mang đầu của Cao Bá Quát bêu khắp các tỉnh ở Bắc Hà rồi bổ ra ném xuống sông.

Thất bại của cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương và cái chết của Cao Bá Quát gây một tiếng vang ở khắp nơi và trong nhiều năm người ta còn xúc động khi nhắc tới Cao Bá Quát. Nhân dân thương tiếc và yêu quý ông, một người có tài năng lỗi lạc có phẩm chất cao quý, yêu nước, thương dân, nhưng bị chế độ phong kiến vùi dập và hủy hoại.

Theo GS. Vũ Khiêu - (Tạp chí Thăng Long Hà Nội ngàn năm - Số 13/2003)

Từ khóa » Thơ Cao Bá Quát Hay