Tiểu Sử Tổ Hoàng Bá – Hy Vận Thiền Sư (Thiền Tông Trung Hoa)

Fb-Button

Tổ HOÀNG BÁ (HY VẬN) – 黃 檗 希 運 (? – 850 T.L)

oOo

Tổ Hoàng Bá pháp danhHy Vận, quê ở tỉnh Mân (Phước Kiến), Hồng Châu, thuở nhỏ xuất gia tại quê nhà, sau này thường hoằng pháp tại núi Hoàng Bá nên người sau kính trọng chỉ gọi là Tổ Hoàng Bá. Ngài người cao lớn vạm vỡ, âm thanh trong trẻo, ý chí đạm bạc; trên trán Ngài có cục thịt nổi vun lên như hạt châu.

Một lần đi dạo núi Thiên Thai, Ngài gặp một vị Tăng, nói chuyện với nhau như đã quen biết từ xưa, nhìn kỹ là người Mục Quang Xạ. Hai người đồng hành, gặp một khe suối nước đầy chảy mạnh, Ngài lột mũ chống gậy đứng lại. Vị Tăng kia thúc Ngài cùng qua. Ngài bảo:

– Huynh cần qua thì tự qua.

Vị Tăng kia liền vén y, bước trên sóng như đi trên đất bằng. Qua đến bờ, vị Tăng kia xây lại hối:

– Qua đây! qua đây!

Ngài bảo:

– Bậy! Việc ấy tự biết. Nếu tôi sớm biết sẽ chặt bắp đùi huynh.

Vị Tăng kia khen:

– Thật là pháp khí Ðại Thừa, tôi không bì kịp.

Nói xong, không thấy vị Tăng ấy nữa.

oOo

Ban đầu nghe danh Mã Tổ, Ngài đến kinh đô nhờ người mách đến xin tham vấn nhưng đến nơi thì Mã Tổ đã tịch. Ngài đến Thạch Môn lễ tháp Tổ rồi tìm đến Bá Trượng.

Bá Trượng hỏi:

– Chững chạc to lớn từ đâu đến?

Ngài thưa:

– Chững chạc to lớn từ Lãnh Nam đến.

– Chững chạc to lớn sẽ vì việc gì?

– Chững chạc to lớn chẳng vì việc khác.

Rồi Ngài liền lễ bái và hỏi:

– Từ trước tông thừa chỉ dạy thế nào?

Bá Trượng lặng thinh.

Ngài thưa:

– Không thể dạy người sau, dứt hẳn mất.

Bá Trượng bảo:

– Sẽ nói riêng với ngươi.

Bá Trượng đứng dậy đi vào phương trượng. Ngài đi theo sau, thưa:

– Con đến riêng một mình.

Bá Trượng bảo:

– Nếu vậy, ngươi sau sẽ không cô phụ ta.

Một hôm, Bá Trượng hỏi:

– Ở đâu đến?

Ngài thưa:

– Nhổ nấm dưới núi Ðại Hùng đến.

– Lại thấy đại trùng chăng?

Ngài làm tiếng cọp rống. Bá Trượng cầm búa thủ thế. Ngài vỗ vào chân Bá Trượng một cái. Bá Trượng cười to bỏ đi.

Bá Trượng thượng đường bảo Chúng:

– Dưới núi Ðại Hùng có con đại trùng, các ngươi nên xem. Lão Bá Trượng này hôm nay đích thân bỗng gặp và bị cắn một cái.

oOo

Ngài ở chỗ Nam Tuyền. Một hôm, toàn Chúng đi hái trà, Nam Tuyền hỏi:

– Ði đâu?

Ngài thưa:

– Ði hái trà.

– Ðem cái gì hái?

Ngài đưa con dao lên. Nam Tuyền bảo:

– Tất cả đi hái trà đi.

Một hôm nọ, Nam Tuyền bảo Ngài:

– Lão tăng ngẫu hứng làm bài ca “Chăn Trâu”, mời trưởng lão hòa.

Ngài thưa:

– Tôi tự có thầy rồi.

Ngài từ giã đi nơi khác. Nam Tuyền tiễn đến cổng, cầm chiếc mũ của Ngài đưa lên hỏi:

– Trưởng lão thân to lớn mà chiếc mũ rất nhỏ vậy?

Ngài thưa:

– Tuy nhiên như thế đại thiên thế giới đều ở trong ấy.

Nam Tuyền bảo:

– Vương lão sư vậy.

Ngài đội mũ ra đi.

Sau, Ngài về trụ trì tại Hồng Châu, ở chùa Ðại An. Ðồ chúng tìm đến rất đông.

oOo

Có lần, Sư tránh Chúng, đến chùa Khai Nguyên cũng ở Hồng Châu. Tướng Quốc Bùi Hưu vào chùa thấy hình vẽ trên vách, hỏi thầy trụ trì:

– Vẽ cái gì đây?

Thầy trụ trì đáp:

– Vẽ hình cao tăng.

Bùi Hưu hỏi:

– Hình có thể thấy, cao tăng ở đâu?

Thầy trụ trì không đáp được. Bùi Hưu hỏi:

– Trong đây có thiền nhân chăng?

Thầy trụ trì đáp:

– Vừa có một vị Tăng vào chùa đang làm việc, in tuồng thiền giả.

Bùi Hưu bèn xin cho gặp. Thấy Ngài, Bùi Hưu nói:

– Hưu vừa có một câu hỏi, Chư Đức tiếc lời, giờ thỉnh Thượng Nhân đáp thế một câu.

Ngài bảo:

– Mời Tướng công hỏi lại.

Bùi Hưu lặp lại câu hỏi trước. Ngài dùng tiếng trong thanh gọi:

– Bùi Hưu!

– Dạ!

Ngài bảo:

– Ở chỗ nào?

Bùi Hưu ngay nơi đó ngộ được ý chỉ như được hạt châu trên búi tóc, bèn thỉnh Ngài vào phủ thờ làm thầy.

Có hôm Bùi Hưu hỏi:

– Thế nào là Phật?

Ngài đáp:

– Tức tâm là Phật, không tâm là Đạo. Chỉ không có cái tâm khởi tâm động niệm, có không, dài ngắn, ta người, năng sở… Tâm vốn là Phật, Phật vốn là tâm; tâm như hư không; sở dĩ nói: “Chân pháp thân của Phật ví như hư không.” Không nên cầu riêng, có cầu đều khổ. Giả sử trải qua số kiếp như cát sông Hằng tu hành lục độ vạn hạnh, được Phật Bồ-đề, cũng không phải cứu kính. Vì cớ sao? Vì thuộc về nhân duyên tạo tác, nhân duyên nếu hết, trở lại vô thường; sở dĩ nói: “Báo, Hóa không phải chân Phật, cũng không phải nói pháp.” Cốt biết tâm mình không ngã không nhân xưa nay là Phật.

Bùi Hưu hỏi:

– Tâm đã xưa nay là Phật, lại cầu tu lục độ vạn hạnh chăng?

Ngài đáp:

– Ngộ tại tâm, không quan hệ gì lục độ vạn hạnh. Lục độ vạn hạnh đều là cửa hóa đạo, là việc bên tiếp vật độ sanh. Giả sử Bồ-đề, chân như, thật tế, giải thoát, pháp thân, thẳng đến thập địa, bốn quả vị thánh đều là cửa hóa độ, không quan hệ Phật tâm. Tâm tức là Phật, nên nói “Tất cả trong cửa tiếp độ, Phật tâm là bậc nhất.” Chỉ không tâm sanh tử phiền não v.v… tức không cần đến pháp Bồ-đề v.v… nên nói “Phật nói tất cả pháp để độ tất cả tâm, ta không tất cả tâm đâu dùng tất cả pháp” (Tổ Huệ Năng). Từ Phật đến Tổ không luận việc gì khác, chỉ luận một Tâm, cũng nói là “Nhất Thừa”, nên nói “tìm kỹ mười phương lại không có thừa khác, chúng sanh này không còn nhánh lá, chỉ toàn hạt chắc (kinh Pháp Hoa). Bởi vì ý này khó tìm, nên Tổ Ðạt-ma sang xứ này, đến hai nước Lương, Ngụy mà chỉ có một mình Huệ Khả Đại Sư thầm tin tâm mình, ngay một câu nói liền lãnh hội “tức Tâm là Phật”. Thân tâm đều không, ấy là đại đạo. Ðại đạo xưa nay bình đẳng, nên nói “tin sâu chúng hàm sanh đồng một chân tánh”. Tâm, Tánh không khác, tức Tánh tức Tâm, Tâm không khác Tánh, gọi đó là Tổ. Lại có câu: “Khi nhận được Tâm Tánh, nên nói không nghĩ bàn.”

Sau này, Tướng Quốc Bùi Hưu đến trấn Uyển Lăng lập Đại Thiền Uyển thỉnh Ngài làm hóa chủ ở đó. Vì mến núi cũ nên Ngài vẫn để hiệu là Hoàng Bá(1).

Một hôm, Ngài thượng đường, đại chúng vân tập, Ngài bảo:

– Các ngươi! Các ngươi muốn cầu cái gì?

Sư cầm trượng đuổi Chúng. Ðại chúng không tan. Sư lại ngồi xuống bảo:

– Các ngươi toàn là bọn ăn hèm, thế mà xưng hành khước để cho người chê cười. Thà cam thấy tám trăm, một ngàn người giải tán, chớ không thể chịu sự ồn náo. Ta khi đi hành khước hoặc gặp dưới rễ cỏ có cái ấy, là đem hết tâm tư xem xét nó. Nếu biết ngứa ngáy khả dĩ lấy đãy đựng gạo cúng dường. Trong lúc đó, nếu dễ dàng như các ngươi hiện giờ thì làm gì có việc ngày nay. Các ngươi đã xưng là hành khước, cần phải có chút ít tinh thần như thế, mới có thể biết Đạo. Trong nước Ðại Ðường không có thiền sư sao?

Có vị Tăng ra hỏi:

– Bậc tôn túc ở các nơi hợp Chúng chỉ dạy, tại sao nói không thiền sư?

Ngài bảo:

– Chẳng nói không Thiền, chỉ nói không Sư. Xà-lê chẳng thấy sao, dưới Mã Tổ Ðại Sư có tám mươi bốn người ngồi đạo tràng, song được chánh nhãn của Mã Tổ chỉ có hai ba người, Hòa Thượng Lô Sơn Quy Tông là một trong số ấy. Phàm người xuất gia phải biết sự phần từ trước lại mới được. Vả như, dưới Tứ Tổ, Ðại Sư Ngưu Ðầu Pháp Dung nói dọc nói ngang vẫn chưa biết then chốt hướng thượng. Có con mắt này mới biện được tông đảng tà chánh. Người hiện giờ không hay thể hội, chỉ biết học ngôn ngữ, nghĩ nhầm trong đãy da tức chỗ đến an ổn, xưng là ta hội thiền, lại thay việc sanh tử cho ngươi được chăng? Khinh thường bậc lão túc vào địa ngục nhanh như tên bắn. Ta vừa thấy ngươi vào cửa liền biết được rồi. Lại biết chăng? Cần kíp nỗ lực chớ dung dị. Thọ nhận chén cơm manh áo của người mà để một đời qua suông, người sáng mắt chê cười. Ngươi thời gian sau hẳn sẽ bị người tục lôi đi. Phải tự xem xa gần cái gì là việc trên mặt? Nếu hội liền hội, nếu không hội giải tán đi. Trân trọng!

oOo

Sư Lâm Tế Nghĩa Huyền đến hỏi:

– Thế nào là đại ý Phật Pháp?

Ngài liền đập một gậy. Ðến ba phen hỏi, mỗi lần đều bị một gậy. Sau cùng, Sư Lâm Tế phải từ giã Ngài đi nơi khác. Ngài dạy qua tham vấn Ðại Ngu. Sau này, Lâm Tế đắc ngộ ý chỉ của Ngài(2).

Chỗ chỉ dạy của Ngài đều nhằm vào bậc thượng căn, người trung và hạ căn khó thấy được yếu chỉ.

Ðời Ðường, khoảng niên hiệu Ðại Trung (847-860 T.L), Ngài tịch tại núi Hoàng Bá. Nhà vua sắc thụy hiệu là Ðoạn Tế Thiền Sư, tháp hiệu Quảng Nghiệp. Đệ tử nối pháp của Ngái có Thiền Sư Nghĩa Huyền, Sơ Tổ tông Lâm Tế.

Ngài có làm bài kệ khích lệ Chúng:

Trần lao quýnh thoát sự phi thường Hệ bã thằng đầu tố nhất trường Bất thị nhất phiên hàn triệt cốt Tranh đắc mai hoa phốc tỷ hương.

Hán tự:

塵 勞 迴 脫 事 非 常 緊 把 繩 頭 做 一 場 不 是 一 翻 寒 徹 骨 爭 得 梅 花 撲 鼻 香

Dịch:

Vượt khỏi trần lao việc chẳng thường Ðầu dây nắm chặt giữ lập trường Chẳng phải một phen xương lạnh buốt Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương./.

—— oOo ——

Chú thích thêm:

(1) Tướng Quốc Bùi Hưu có cơ duyên được học hỏi nơi Ngài và để lại hậu thế quyển sách quý “Hoàng Bá Sơn Đoạn Tế Thiền Sư Truyền Tâm Pháp Yếu”, thường được gọi tắt là “Hoàng Bá Truyền Tâm Pháp Yếu”. Những lời dạy của Tổ Hoàng Bá trong sách này là những nguồn cảm hứng sâu đậm nhất trong thiền ngữ.

(2) Tổ Hoàng Bá giữ một vai trò rất quan trọng trong lịch sử Thiền Tông vì đệ tử của Tổ là Tổ Lâm Tế – Nghĩa Huyền, người đã sáng lập ra Tông Lâm Tế được truyền cho đến ngày nay. Muốn hiểu rõ về Tông Lâm Tế thì cần biết rõ về Tổ Hoàng Bá là người đã đào tạo Tổ Lâm Tế. Tại Trung Hoa, sau thời Lục Tổ thì Thiền Tông chia làm 5 Tông: Lâm Tế, Tào Động, Quy Nhưỡng, Vân Môn và Pháp Nhãn. Phần lớn các chùa tại Việt Nam trước đây đều thuộc Tông Lâm Tế. Tại Nhật Bản thì hiện nay Zen (Thiền Tông) chỉ có hai Tông được phát triển mạnh nhất là Lâm Tế (Rinzai) và Tào Động (Soto).

Fb-Button

Bài tương tự:

  1. Tổ Thiền Tông thứ XXVIII (Sơ Tổ Thiền Tông Trung Hoa): Bồ-đề-đạt-ma
  2. Nhị Tổ Thiền Tông Trung Hoa: Tổ Huệ Khả
  3. Tam Tổ Thiền Tông Trung Hoa: Tổ Tăng Xán
  4. Tứ Tổ Thiền Tông Trung Hoa: Tổ Đạo Tín
  5. Tiểu sử Mã Tổ – Đạo Nhất Thiền Sư (Thiền Tông Trung Hoa)

Từ khóa » Hoàng Bá Hy Vận