Tổ Thứ 37 - TS Hoàng Bá Hy Vận - Pháp Thí Hội
Có thể bạn quan tâm
Thiền Sư Hoàng Bá Hy Vận Pháp tự đời thứ ba của Nam Nhạc Hoài Nhượng Pháp tự của Bách Trượng Hoài Hải.
Thiền sư Hoàng Bá Hy Vận ở Hồng Châu, là người đất Mân (Phước Kiến), xuất gia từ thuở còn thơ ở núi Hoàng Bá châu này. Sư nơi trán nổi lên gò cao như ngọc thịt, tiếng nói thanh tao trơn bén, chí ý điềm đạm mà cao xa. Sau sư chu du Thiên Thai, gặp một ông tăng, cùng nhau chuyện vãn cười đùa như người quen biết cũ. Nhưng nhìn kỹ, ánh mắt ông ta sáng ngời chiếu dọi người đối diện1 Nguyên văn “mục quang” có người dịch là mắt người chết. Chúng tôi tra khắp các từ điển chẳng thấy đâu có nghĩa này . Bèn cùng đi, nhưng gặp lúc nước khe dâng tràn dữ dội, sư bèn dở nón nang, máng đầu gậy dừng nghỉ. Ông tăng nọ rủ sư cùng qua khe, sư nói: - Huynh cần qua thì cứ qua đi. Ông tăng vén áo đạp trên sóng mà qua như đi trên đất bằng, ngoái đầu gọi: - Qua đi, qua đi mà. Sư nói: - Hứ, cái gã tự liễu kia, nếu sớm biết thì ta đã chặt chân ông rồi. Ông tăng nọ than: - Đúng là bậc pháp khí của Đại thừa ! Ta không bằng được. Nói xong biến mất.
*
Sư sau đó chu du chốn kinh sư, nhân người khải phát, đến tham vấn Mã Tổ, đến nơi Mã Tổ đã tịch. Sư đến Thạch Môn lễ tháp, rồi tìm đến Bá Trượng. Bá Trượng hỏi: - Chững chạc to lớn từ đâu đến? Sư thưa: - Chững chạc to lớn từ Lãnh Nam đến. - Chững chạc to lớn sẽ vì việc gì? - Chững chạc to lớn chẳng vì việc khác. Sư hỏi: - Thiền pháp từ xưa Phật Phật, Tổ Tổ tương truyền như thế nào ? Bách Trượng lặng thinh hồi lâu, sư gấp không chờ được liền nói: - Huệ mệnh dài lâu không dứt là chuyện lớn lao, không thể dạy người sau đoạn tuyệt được. Lúc bấy giờ Bách Trượng mới nói: - Xem ra có phải ông là người đủ sức thừa đương việc lớn không ? Bách Trượng nói xong đứng dậy đi về phương trượng. Sư theo vào nói: - Con mà đến chính là để thừa thụ tông chỉ. Bách Trượng nói: - Nếu đúng như vậy thì về sau muôn ngàn lần không được cô phụ ta nhé !
*
Có một hôm, Bách Trượng hỏi Hoàng Bá: - Ông từ đâu về ? Sư đáp: - Từ chân núi Đại Hùng hái nấm về. Bách Trượng nói: - Có thấy cọp to lớn không ? Sư bèn làm tiếng cọp gầm gừ. Bách Trượng thuận tay nhặt cây búa ra bộ dạng chém hổ. Sư tiến tới dộng Bách Trượng một thoi, Bách Trượng không lộ vẻ nổi giận mà trái lại cười ha hả, hí hửng quay về. Bách Trượng về đến Thiền đường nói với đại chúng: - Ở dưới chân núi Đại Hùng có một con cọp to lớn đang rình rập vồ người. Các người phải chú tâm đề phòng. Bách Trượng ta hôm nay đã bị nó quập một vố.
*
Sư hồi ở núi Nam Tuyền, có lần lao động tập thể đang cắt rau thì Nam Tuyền hỏi: - Ông đi đâu đó ? Sư đáp: - Đi cắt rau. Nam Tuyền hỏi: - Cắt cách nào ? Sư bèn đưa dao lên quơ quơ. Nam Tuyền nói: - Mọi người cắt rau đi!
*
Lại có một hôm, Nam Tuyền nói với Hoàng Bá: - Lão tăng ta lúc rảnh rỗi có tùy hứng làm một bài Mục ngưu ca2 bài ca “Chăn Trâu” nhờ trưởng lão họa cho. Sư nói: - Tôi tự có thầy của mình. Nói đoạn sư từ giã Nam Tuyền ra đi. Nam Tuyền đưa ra tới cổng chùa, chỉ chiếc nón nang Hoàng Bá đang đội nói: - Thân hình trưởng lão to lớn như thế, e chiếc nón quá nhỏ chăng ? Sư nói: - Nón nang tuy nhỏ nhưng có thể bọc đựng đại thiên thế giới. Nam Tuyền nói: - Vương lão sư chăng ? Sư bèn đội nón nang, rồi ung dung rời khỏi.
*
Về sau sư lên ở núi Hoàng Bá, cổ xúy tâm yếu “truyền thẳng từng người” (trực chỉ đơn truyền), người học từ bốn phương vân tập về đông đúc. Từ đó, núi Hoàng Bá đã trở thành một đạo tràng lớn của phái Lâm Tế Thiền tông Trung Quốc. Người đời kính mộ sư đến nỗi đã lấy tên núi Hoàng Bá làm thành tên sư; không những thế, những nơi sư được thỉnh đến để hoằng pháp, đều được đặt tên là Hoàng Bá, như hai ngọn núi Thứu Phong và Tiểu Lư ở Giang Tây đều được gọi tên là núi Hoàng Bá. Đến như, khi hệ phái của sư được truyền sang Nhật Bản, chẳng những tông Hoàng Bá được thành lập, mà ngọn núi được chọn làm đạo tràng trung tâm của tông này cũng được đặt tên là núi Hoàng Bá. Sư cư trú ở chùa Đại An Hồng Châu, thiền chúng bốn bể ùn ùn tới. Có lần, Sư tránh chúng đến chùa Khai Nguyên cũng ở Hồng Châu. Tướng quốc Bùi Hưu vào chùa thấy hình vẽ trên vách, hỏi thầy trụ trì: - Vẽ cái gì đây? Thầy trụ trì đáp: - Vẽ hình Cao tăng. Bùi Hưu hỏi: - Hình có thể thấy, Cao tăng ở đâu? Thầy trụ trì không đáp được. Bùi Hưu hỏi: - Trong đây có Thiền nhân chăng? Thầy trụ trì đáp: - Vừa có một vị Tăng vào chùa đang làm việc in tuồng Thiền giả. Bùi Hưu bèn xin cho gặp. Thấy Sư, Bùi Hưu nói: - Hưu vừa có một câu hỏi, chư đức tiếc lời, giờ thỉnh thượng nhân đáp thế một câu. Sư bảo: - Mời Tướng công hỏi lại. Bùi Hưu lặp lại câu hỏi trước. Sư dùng tiếng trong thanh gọi: - Bùi Hưu! Bùi Hưu: - Dạ! Sư bảo: - Ở chỗ nào? Bùi Hưu ngay nơi đó ngộ được ý chỉ như được hạt châu trên búi tóc, bèn thỉnh Sư vào phủ kính thờ làm thầy
*
Có hôm Bùi Hưu hỏi: - Thế nào là Phật? Sư đáp: - Tức tâm là Phật, không tâm là đạo. Chỉ không có cái tâm khởi tâm động niệm, có không, dài ngắn, ta người, năng sở... Tâm vốn là Phật, Phật vốn là tâm, tâm như hư không, sở dĩ nói: “Chân Pháp thân của Phật ví như hư không”. Không nên cầu riêng, có cầu đều khổ. Giả sử trải qua số kiếp như cát sông Hằng tu hành lục độ vạn hạnh, được Phật Bồ-đề, cũng không phải cứu kính. Vì cớ sao? Vì thuộc về nhân duyên tạo tác, nhân duyên nếu hết trở lại vô thường. Sở dĩ nói: “Báo, Hóa không phải chân Phật, cũng không phải nói pháp”. Cốt biết tâm mình không ngã không nhân xưa nay là Phật. Bùi Hưu hỏi: - Tâm đã xưa nay là Phật, lại cầu tu lục độ vạn hạnh chăng? Sư đáp: - Ngộ tại tâm, không quan hệ gì lục độ vạn hạnh. Lục độ vạn hạnh đều là cửa hóa đạo, là việc bên tiếp vật độ sanh. Giả sử Bồ Đề, chân như, thật tế, giải thoát, pháp thân, thẳng đến thập địa, bốn quả vị thánh đều là cửa hóa độ, không quan hệ Phật tâm. Tâm tức là Phật, nên nói: “Tất cả trong cửa tiếp độ, Phật tâm là bậc nhất”. Chỉ không tâm sanh tử phiền não v.v... tức không cần đến pháp Bồ Đề v.v... nên nói “Phật nói tất cả pháp để độ tất cả tâm, ta không tất cả tâm đâu dùng tất cả pháp” (Tổ Huệ Năng). Từ Phật đến Tổ không luận việc gì khác, chỉ luận một tâm, cũng nói là “Nhất thừa”, nên nói “tìm kỹ mười phương lại không có thừa khác, chúng sanh này không còn nhánh lá, chỉ toàn hạt chắc (kinh Pháp Hoa). Bởi vì ý này khó tìm, nên Tổ Đạt Ma sang xứ này đến hai nước Lương, Ngụy mà chỉ có một mình Huệ Khả đại sư thầm tin tâm mình, ngay một câu nói liền lãnh hội “tức tâm là Phật”. Thân tâm đều không, ấy là đại đạo. Đại đạo xưa nay bình đẳng, nên nói “tin sâu chúng hàm sanh đồng một chân tánh”. Tâm tánh không khác, tức tánh tức tâm, tâm không khác tánh, gọi đó là Tổ. Lại có câu: “Khi nhận được tâm tánh, nên nói không nghĩ bàn”.
*
Sau này, Tướng quốc Bùi Hưu đến trấn Uyển Lăng lập đại Thiền uyển thỉnh Sư làm hóa chủ ở đó. Nhân vì sư rất yêu thích núi Hoàng Bá mà mình trụ trước kia nên Bùi Hưu đem Thiền uyển vừa mới tu sửa đặt tên là Thiền Uyển Hoàng Bá. Bùi Hưu lại mời sư đến quận phủ của mình, đem một thiên văn chương thể hội Thiền lý do mình sáng tác nhờ sư chỉ giáo. Sư sau khi tiếp lấy thiên văn chương đặt qua một bên mà không lật xem. Sau đó một lúc sư hỏi Bùi Hưu: - Ông có lãnh hội không ? Bùi Hưu nói: - Sâu không thể lường được. Sư nói: - Như quả chuyện này mà hiểu dễ dàng thì cũng là tạm được. Còn nếu hình thành từ giấy mực thì nơi nào còn có Thiền tông hôm nay của ta ? Bùi Hưu bèn nhân đó tặng một thủ thi kệ để làm kỷ niệm. Thơ rằng: Tự tùng Đại sĩ truyền tâm ấn Ngạch hữu viên châu thất xích thân Quải tích thập niên thê Thục thủy Phù bôi kim nhật độ Chương tân Nhất thiên long tượng tùy cao bộ Vạn lý hương hoa kết thắng nhân Nghĩ dục sự sư vi đệ tử Bất tri tương pháp phó hà phân. Tạm dịch: Từ khi Đại sĩ truyền tâm ấn Trán có ngọc tròn bảy thước thân (thước Tàu) Chống gậy mười phương nương Thục thủy Nâng chén ngày nay vượt Chương tân Một ngàn voi quí theo chân bước Muôn dặm hương hoa kết thắng nhân Nghĩ muốn thờ sư làm đệ tử Biết đem Chánh pháp phó hà nhân ? Sư cũng không lộ vẻ vui. Từ đó Thiền phong của sư thạnh hành trọn dãy Giang Biểu.
*
Tướng quốc Bùi Hưu hỏi Sư: - Trong hội ở núi có năm bảy trăm người, ai là kẻ được pháp của Hòa thượng ? Sư đáp: - Số người được pháp không thể tính toán được. Tại sao vậy ? Là vì đạo tại tâm ngộ, há tại ngôn thuyết. Ngôn thuyết chỉ dùng dạy dỗ trẻ con mà thôi. Hỏi: - Thánh nhân vô tâm thì là Phật, còn phàm nhân vô tâm há có phải là chìm đắm trong không tịch ru ? Sư đáp: - Vạn vật vốn không phân biệt phàm thánh, cũng không chìm đắm vào không tịch. Vạn vật vốn không có, vậy chẳng nên nhìn thành không. Vạn vật vốn chẳng không, vậy chẳng nên nhìn thành có. Có và không đều vọng tình mà thấy nên coi như ảo ảnh. Sở dĩ nói: Cái thấy, cái nghe như đồng ảo ảnh, có tri có giác chính là chúng sanh. Tổ sư trong pháp môn chỉ yêu cầu ngừng dứt cơ duyên, quên bẳng kiến thức. Cho nên quên bẳng kiến thức thì đạo Phật long thạnh, còn phân chiết biện biệt thì quân ma dấy lên. [Phần truyền dạy của Sư cho Bùi Hưu đầy đủ, nên đọc phần sưu tập “Tối Thượng Thừa Luận”].
*
Một hôm sư thượng đường khai thị đại chúng rằng: ... Khuyên các anh em, nhân lúc thân thể còn khỏe mạnh, đem đại sự tìm hiểu rõ ràng, đừng để người ta dối gạt. Cái khóa rốt ráo cũng dễ thôi, chỉ tại các ông không chịu hạ thủ công phu, cái mà các ông cho là khó thật ra không khó. Nói các ông nghe, trên cây phông phải xuất hiện ngay mộc tiêu.ác ông phải tự mình động thủ gia công thì mới được. Giả như mình là nam tử hán xem đến công án: Tăng hỏi Hòa thượng Triệu Châu con chó có Phật tánh không, Triệu Châu đáp không; rồi là thời thời, khắc khắc lưu tâm chăm bẳm hỏi vì sao lại đáp chữ không đó, ban ngày tham cứu, ban đêm tham cứu, đi đứng nằm ngồi, mặc áo ăn cơm, tiêu tiểu đều chuyên tâm trí ý, phấn chấn tinh thần, ôm ấp… Ngày rộng tháng dài, dung hiệp thành một thể không còn đối đãi, rồi bỗng nhiên tâm hoa bừng nở, tỉnh ngộ cơ duyên Phật cùng Tổ, không còn bị miệng lưỡi mấy lão Hòa thượng trong đời dối gạt, có thể nói lớn lối: Tổ sư Đạt-ma từ Tây lại chỉ là mặt nước không gió mà nổi sóng to, Thế Tôn nâng hoa chỉ là một trường thua bại. Đến trình độ đó thì đừng nói cỡ Diêm vương, ngay cả ngàn thánh cũng không có biện pháp nào bắt các ông. Không tin phải không, vì chuyện đó kỳ lạ quá, làm sao mà được như thế. Sự ngại người hữu tâm. Hãy nghe bài thơ: 學道猶如守禁城。 緊把城頭戰一場 不受一番寒徹骨。 怎得梅花撲鼻香 Học đạo do như thủ cấm thành Khẩn bả thành đầu chiến nhất trường Bất thụ nhất phiên hàn triệt cốt Chẩm đắc mai hoa phác tị hương Trần Tuấn Mẫn dịch: Vượt khỏi trần lao việc chẳng thường Ðầu dây nắm chặt giữ lập trường Chẳng phải một phen sương lạnh buốt Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương.
*
Sư nhân có sáu ông tăng mới đến, trong đó năm ông lễ bái, còn một ông quơ tọa cụ vẽ một vòng tròn. Sư nói: - Ta nghe có một con chó săn rất hung ác. Tăng nói: - Tìm tiếng linh dương mà đến đây. Sư nói: - Linh dương không lên tiếng để ông tìm đâu. Tăng nói: - Tìm dấu chân linh dương mà đến. Sư nói: - Linh dương không lộ dấu chân cho ông tìm đâu. Tăng nói: - Tìm hành tung của linh dương mà đến. Sư nói: - Linh dương không để lộ hành tung cho ông tìm đâu. Tăng nói: - Nếu như thế thì chỉ là linh dương chết mà thôi. Sư bèn dừng không nói nữa. Ngày hôm sau, sư thăng đường nói: - Ông tăng tìm linh dương hôm qua bước ra coi. Tăng liền bước ra. Sư nói: - Hôm qua công án chưa dứt mà ta ngừng lại, ông làm gì nào ? Tăng không lời đối đáp. Sư nói: - Những tưởng là thiền tăng đầy bản sắc, hóa ra chỉ là gã sa-môn ôm chết nghĩa lý. Nói xong đánh đuổi ra khỏi Pháp đường
*
Sư Lâm Tế Nghĩa Huyền đến hỏi: - Thế nào là đại ý Phật pháp? Sư liền đập một gậy. Đến ba phen hỏi, mỗi lần đều bị một gậy. Sau cùng, Sư Lâm Tế phải từ giã Sư đi nơi khác. Sư dạy qua tham vấn Đại Ngu. Sau này, Lâm Tế đắc ngộ ý chỉ của Sư.
*
Thiền sư Hoàng Bá thị thiền tiếp dẫn người học như thế là chỉ dành cho bậc thượng cơ. Hàng trung hạ đều chẳng được nếm đến. Năm Đại Trung nhà Đường (847-860) , sư viên tịch ở núi này, sắc thụy Đoạn Tế Thiền Sư, tháp tên Quảng Nghiệp. Pháp ngữ của ngài đã được người bạn thân đương thời là tiết độ sứ Bùi Hưu sưu tập làm thành quyển ngữ lục tên là Hoàng Bá Sơn Đoạn Tế Thiền Sư Truyền Tâm Pháp Yếu, đến nay vẫn còn. Trong số môn đồ của ngài, Lâm Tế Nghĩa Huyền (?-867) là vị cao đồ đắc pháp và xuất sắc nhất, đã thừa kế và làm rạng rỡ Tông môn, thanh thế càng vượt trội hơn nữa. Sư có 13 môn đệ đắc pháp.
---o0o---
Công Án
1) Hy Vận: Chư Phật Dữ Chúng Sanh Thị Giá Tâm: Chư Phật và chúng sanh chỉ là cái tâm này Một hôm, Thiền sư Hoàng Bá nói trong bài thuyết pháp: "Chư Phật và tất cả chúng sanh chỉ là cái tâm này, chẳng có pháp nào khác. Từ vô thủy đến giờ Tâm này chưa từng sinh, chưa từng diệt. Không xanh không vàng. Không hình không tướng. Không hữu không vô, không cũ không mới, không dài không ngắn, không lớn không nhỏ. Nó vượt qua tất cả giới hạn đong đo tính đếm, nó vượt qua danh tự ngôn ngữ, nó vượt qua tung tích đối đãi. Nó ở ngay đây bây giờ, khởi niệm liền sai. Nó giống như hư không, chẳng có ngằn mé, không thể suy lường hay đo đạc. Phật không gì khác hơn là cái tâm này, là chính cái tâm của mấy ông". Đây là một trong những công án thuộc loại giải minh chân lý Thiền bằng những phán ngôn giản dị và trực chỉ, nghĩa là loại "minh nhiên xác nhận". Tuy nhiên, nói gì thì nói, dầu cho chúng đệ tử của Hoàng Bá có ngộ được đi nữa, các vị ấy cũng phải mất thêm vài mươi năm tu tập tham thiền mới bắt đầu gọi là được."
2) Hy Vận: Lễ Phật Công án nói về cơ duyên vấn đáp giữa Thiền sư Hoàng Bá Hy Vận và một vị Tăng về chuyện lễ Phật. Theo Ngũ Đăng Hội, quyển IV và Truyền Đăng Lục, quyển IX: Một hôm, Hoàng Bá đang lễ Phật trong chánh điện, chỗ Diêm Quan. Lúc đó Đường Tuyên Tông đang làm sa di hỏi: - Không hướng Phật cầu, không hướng pháp cầu, không hướng tăng cầu, trưởng lão lễ bái là mong cầu cái gì ? Sư đáp: - Không hướng hướng Phật cầu, không hướng pháp cầu, không hướng tăng cầu, chỉ thông thường lễ bái như thế. Sa di hỏi: - Dùng lễ bái để mà chi ? Sư liền tát. Sa di nói: - Thô lỗ quá ! Sư nói: - Nơi đây là đâu mà nói thô nói tế. Nói xong lại tát nữa, nói: “Hãy xem coi mấy ông đang ở đâu! Đây có phải là chỗ để cho mấy ông nhàn đàm hay không?” Vị sa di bỏ đi mà không nói một lời nào nữa
3) Hy Vận: Ngoại Cảnh Ngoại cảnh là sáu cảnh trần bên ngoài hay sáu trần sanh ra bởi sáu căn và sáu đối tượng của căn là sắc, thinh, hương, vị, xúc và pháp. Thiền sư Hoàng Bá Hy Vận dạy: "Người ta vẫn luôn nói rằng ngoại cảnh là trở lực cho tâm thức và hiện tượng ngăn trở nguyên lý. Vì vậy, họ cố gắng trốn chạy ngoại cảnh để tìm sự bình an cho tâm, và gạt bỏ các hiện tượng để bảo vệ nguyên lý. Họ không biết rằng chính tâm thức ngăn trở hiện tượng. Do đó nếu bạn giữ tâm thức trống không, ngoại cảnh cũng đương nhiên trống không, và nếu bạn giữ cho nguyên lý được an nhiên, hiện tượng cũng an nhiên. Đừng sử dụng tâm thức theo cách lộn ngược".
4) Hy Vận: Tràng Tửu Thí dụ thứ 11 của Bích Nham Lục. Ngày kia sư thượng đường thuyết pháp, đại chúng tụ tập đông dầy dưới tòa. Sư hỏi: - Chư vị các ông đến đây tìm cầu cái gì ? Sư nói xong lấy gậy xua đuổi họ tan tác mắng: - Đều là một lũ uống rượu, ăn hèm. Kiểu hành cước cầu đạo như các vị chỉ khiến cho người ta cười thúi mũi thôi. Chỉ cần thấy nơi đây có năm bảy trăm, một ngàn người là nhào vô cho huyên náo. Cái kiểu tham Thiền hỏi đạo như thế là không đúng, bởi đâu chỉ ham chuộng huyên náo là được. Lão tăng ta khi xưa lúc đi hành cước thấy ở dưới bụi cỏ có một anh chàng nằm dài, liền nhắm ngay đầu anh ta đâm một cây dùi để xem hắn ta có biết đau ngứa không. Nếu biết đau ngứa thì lão tăng đây đem gạo trong bị cúng dường anh ta. Nếu hành cước mà dễ dàng như các vị tưởng tượng, thì làm sao mà có được sự tình như lão tăng ta ngày nay ? Các vị đều xưng là hành cước thì cũng nên phấn chấn tinh thần mới được. Các vị có biết trong nước Đại Đường của chúng ta không có Thiền sư chăng ? Lúc ấy, có ông tăng bước ra hỏi: - Bậc tôn túc Thiền lâm các nơi đều ở chốn núi rừng hoằng pháp diễn hóa, sao lại nói là không có Thiền sư ? Sư nói: - Ta không nói không Thiền mà chỉ nói không có sư. Xà-lê há không thấy trong hội của đại sư Mã Tổ có 88 người ngồi đạo tràng nhưng trong đám người đó, được Chánh pháp nhãn tạng của Mã đại sư chỉ vài ba người mà thôi. Hòa thượng Lư Sơn Qui Tông là một người trong đám lẻ tẻ đó. Làm người xuất gia nên biết có bổn phần sự từ xưa. Như người nối tự của tứ Tổ Đạo Tín là đại sư Ngưu Đầu Pháp Dung dầu có nói ngang, nói dọc nhưng chưa thấu triệt để chỗ khai ngộ rốt ráo (Hướng thượng quan liệt tử). Phải có con mắt cùng đầu óc như thế mới biện biệt được Tông đảnh chánh tà. Vả sự thật của đương nhân không thể thể hội được, mà chỉ biết học lời lẽ rồi dồn vào cái bị da, đến các nơi xưng là ta đã lãnh hội Thiền. Những kẻ đó có thế chuyện sanh tử cho các ông ru ? Các vị lão túc hời hợt đó sẽ mau vào địa ngục như tên xẹt. Ta vừa thấy các ông qua khỏi cổng là đã biết ngay. Có biết không vậy ? Phải cần nỗ lực, đừng coi thường sự việc chỉ mang tấm áo miếng ăn, luống uổng một đời qua đi. Điều này sẽ làm cho bậc minh nhãn cười chế nhạo mình, mà rốt lại các vị cũng không vượt khỏi mệnh vận của kẻ dung tục. Chẳng có hại gì để các vị nhìn xa, xem gần, rốt cuộc sự tình ấy trên mặt mày ai. Các vị nếu lãnh hội thì lãnh hội ngay đi, còn như không lãnh hội thì hãy giải tán. Lúc ấy, lại có ông tăng bước ra hỏi: - Thế nào là chỉ ý của Thiền tông ? Sư liền giơ tay lên đánh.
---o0o---
Truyền Tâm Pháp Yếu Của Thiền Sư Hoàng Bá Hy Vận Hà Đông Bùi Hưu tập soạn
Có vị đại Thiền sư hiệu Hy Vận, trụ dưới ngọn Thứu Phong núi Hoàng Bá ở Cao An Hồng Châu, là đích tôn của Lục Tổ Tào Khê, đích tử của Bách Trượng Hoài Hải, cháu của Tây Đường, riêng đeo ấn tối thượng thừa, rời xa văn tự, chỉ truyền nhất tâm, chớ không pháp nào khác. Tâm thể cũng không, muôn duyên đều rỗng lặng, giống như bánh xe mặt trời to trên hư không, chiếu diệu thanh tịnh, chẳng chút bụi dơ. Chứng ngộ không mới cũ, không cạn sâu. Thuyết giáo không lập nghĩa giải, không lập Tông chỉ, chẳng khai môn phái. Nói ngay là đúng, động niệm tức kẹt, sau đó mới là căn bản của Phật. Cho nên lời nói của sư giản dị, lý lẽ của sư thẳng ngay, đạo của sư cao chót vót, hạnh của sư cô kết. Học đồ bốn phương, nhắm núi mà xông lên, nhìn tướng mà ngộ. Hải chúng tới lui, thường hơn ngàn người. Bùi Hưu tôi vào năm Hội Xương thứ hai làm liêm sứ ở Chung Lăng, nghinh sư từ núi đến phủ châu, nghỉ ở chùa Long Hưng, sớm hôm hỏi đạo. Năm Đại Trung thứ hai, Bùi Hưu tôi làm liêm sứ ở Uyển Lăng, lại kính lễ nghinh sư đến sở bộ, ngụ chùa Khai Nguyên, sớm hôm thọ pháp. Lui ra cố nhớ, mười phần được một hai, đeo làm tâm ấn, nhưng không dám phát dương ra. Nay vì sợ nghĩa thần tinh không truyền nghe tới đời sau, nên xin nêu ra, đưa cho hem môn hạ của sư là Thái Châu Pháp Kiến, đem về chùa Quảng Đường nơi núi cũ, thỉnh cầu Trưởng Lão Pháp Chúng, hỏi cùng với những điều mà ngày xưa Trưởng Lão đích hem được nghe, giống khác thế nào. Ngày mùng 8, tháng 10, năm Đường Đại Trung thứ mười một. - Chư Phật và tất cả chúng sanh, duy chỉ một tâm, chớ không có pháp nào khác. Tâm này từ vô thỉ đến nay, không từng sanh không từng diệt, không xanh không vàng, không hình không tướng, không thuộc Có Không, không kể mới cũ, không dài không ngắn, không lớn không nhỏ, vượt qua mọi dấu tích đối đãi về hạn lượng, tên gọi, lời nói, dấu tích. Đương thể là đúng, động niệm tức sai. Giống như hư không, chẳng có ngằn mé, không thể đo đạc. Duy chỉ một tâm ấy là Phật. Phật cùng chúng sanh, chẳng có gì sai khác. Nhưng bởi chúng sanh trước tướng, tìm cầu bên ngoài thành thất bại. Khiến Phật tìm Phật, đem tâm nắm bắt tâm, hết kiếp trọn hình, rốt lại cũng không được. Chẳng biết dứt niệm quên lự, Phật liền hiện tiền. Tâm ấy là Phật. Phật là chúng sanh. Chúng sanh tức Phật. Phật là tâm ấy. Khi là chúng sanh, tâm ấy chẳng giảm. Lúc làm chư Phật, tâm ấy không thêm. Cho đến lục độ muôn hạnh, hà sa công đức, vốn tự đầy đủ, không cần tu thêm. Gặp duyên thì thi thố, duyên dừng thì tịch diệt. Nếu không quyết định tin như thế, mà muốn trước tướng tu hành để cầu công dụng, đều là vọng tưởng, cùng đạo trái nghịch. Tâm ấy là Phật, mà cũng không có Phật nào khác, mà cũng không có tâm nào khác. Tâm ấy tịnh minh, giống như hư không, chẳng có một điểm tướng mạo gì. Cử tâm động niệm tức trái nghịch với pháp thể, ấy là trước tướng. Từ vô thỉ đến nay, chẳng có Phật do trước tướng. Tu lục độ muôn hạnh, mong cầu thành Phật, ấy là hạng thứ. Từ vô thỉ đến nay, chẳng có Phật hạng thứ. Chỉ cần ngộ nhất tâm, chớ không có chút pháp nào có thể đắc. Đó là chân Phật. Phật với chúng sanh, một tâm không khác, giống như hư không, không tạp, không hoại, như bánh xe mặt trời to lớn, chiếu khắp thiên hạ. Lúc mặt trời chiếu, ánh sáng trùm thiên hạ, thì hư không cũng chưa từng sáng. Lúc mặt trời lặn, tối khắp thiên hạ, hư không cũng chưa từng tối. Cảnh sáng tối tự đun đẩy lấn chiếm nhau, nhưng tánh của hư không vẫn khuyếch nhiên không biến đổi. Phật và chúng sanh tâm cũng như thế. Nếu quán Phật là tướng quang minh, giải thoát, quán chúng sanh là tướng dơ bẩn, đen tối, sanh tử thì người có kiến giải như thế, trải qua hà sa kiếp, rốt lại cũng không đắc Bồ-đề, vì do trước tướng. Duy chỉ một tâm, chứ không có một chút xíu như bụi nhỏ pháp nào có thể đắc, đó là Phật. Ngày nay người học đạo không ngộ tâm thể ấy, liền ngay tâm sinh tâm, hướng ngoài cầu Phật trước tướng tu hành, đều là pháp xấu, không phải đạo Bồ-đề. Cúng dường mười phương chư Phật không bằng cúng dường người không có một tâm nào có thể đắc. Người vô tâm là người không có bất cứ một tâm nào, thể như như, trong ngoài như cây đá, không động, không chuyển, trong ngoài như hư không, không ngăn, không trái, không năng, không sở, không phương sở, không tướng mạo, không được mất. Thú giả không dám vào pháp ấy sợ rơi vào không, chẳng chỗ nương đậu, cho nên hướng bờ mà lui. Văn Thù đương lý, Phổ Hiền đương hạnh. Lý là lý chân không vô ngại. Hạnh là hạnh rời tướng không cùng. Quán Âm đương đại từ. Thế Chí đương đại trí. Duy-ma là Tịnh Danh. Tịnh ấy là tánh. Danh ấy là tướng. Tánh tướng không khác, gọi là Tịnh Danh. Biểu hiện của chư đại Bồ-tát, mọi người đều có cả. Không rời một tâm, ngộ ấy là phải. Người học đạo ngày nay không hướng về trong tự tâm ngộ mà tìm ngoài tâm, trước tướng thủ cảnh, đều trái với đạo. Số cát ssssông Hằng, Phật thuyết là cát. Chư Phật, Bồ-tát, Thích Phạm, chư Thiên đi bộ mà qua, cát cũng không vui. Bò dê, sâu kiến, giẫm đạp mà qua, cát cũng chẳng giận. Châu báu, hương thơm, cát cũng không ham. Phân, nước tiểu dơ bẩn hôi hám, cát cũng không ghét. Tâm ấy là tâm vô tâm. Khỏi mọi tướng, thì Phật và chúng sanh đều không sai khác. Vậy nên vô tâm thì là cứu cánh. Người học đạo nếu không vô tâm ngay, bao kiếp tu hành rốt lại cũng không thành đạo, bị công hạnh tam thừa trói buộc, chẳng được giải thoát. Nhưng chứng tâm ấy thì có mau chậm. Có người nghe pháp chỉ một niệm là vô tâm ngay. Có người phải qua thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập quá, rồi mới được vô tâm. Có người lại phải đến thập địa mới được vô tâm. Mau chậm gì được vô tâm là trụ, lại chẳng thể tu cũng không thể chứng, thật chẳng có chỗ đắc, chân thật không hư dối. Một niệm mà cùng thập địa đắc vậy. Công dụng vừa khớp, cũng chẳng cạn sâu, chỉ là bao kiếp luống nhận cần khổ thôi. Làm ác, làm lành, đều là trước tướng. Trước tướng tạo ác, luống chịu luân hồi. Trước tướng tạo thiện, luống chịu lao khổ. Tất cả đều không bằng ngay lời nói tự nhận thủ bổn pháp. Pháp đó là tâm. Ngoài tâm không pháp, tâm ấy là pháp, trong pháp không tâm, tâm tự không tâm mà cũng không không tâm vậy. Đem tâm không tâm, tâm tức thành có vậy. Mặc khế mà thôi, dứt mọi tư lường, cho nên mới nói ngôn ngữ dừng bặt, tâm hành xứ diệt. Tâm ấy là nguồn gốc Phật thanh tịnh, mọi người đều có cả. Loài súc sanh xuẩn động cùng với chư Phật Bồ-tát đều một thể không khác. Chỉ vì vọng tưởng phân biệt, tạo bao nhiêu là nghiệp. Quả nơi bổn Phật, thật không một vật, chỉ hư thông rỗng rang sáng diệu an lạc mà thôi. Hết sức ngộ nhẫn, ngay đó liền đúng. Tròn đầy đủ cả, chẳng thiếu thứ chi. Dầu cho tam tằng kiếp tu hành, trải qua các địa vị, cho đến lúc chứng thì chỉ chứng Phật nguyên lai tự có, hướng thượng lại cũng không thêm được một vật. Quán công dụng bao kiếp, đều là việc làm mê vọng trong mộng. Cho nên Như Lai mới nói: Ta nơi A-nậu Bồ-đề thật chẳng có đắc gì cả. Nếu vọng thấy có gì đắc, Phật Nhiên Đăng đã không thọ ký cho. Lại nói: Pháp này bình đẳng chẳng có thấp cao, gọi là Bồ-đề. Tức tâm thanh tịnh bổn nguyên. Cùng chúng sanh, chư Phật thế giới, sơn hà hữu tướng, vô tướng, trùm thập phương giới, nhất thiết đều bình đẳng, chẳng có tướng ta người. Tâm thanh tịnh bổn nguyên này thường tự tròn sáng, chiếu khắp. Người đời chẳng ngộ, chỉ nhận kiến văn giác tri làm tâm, bị kiến văn giác tri che phủ, vì thế mà đại đố tinh minh bản thể, chỉ trực hạ vô tâm. Bản thể tự hiện, giống như bánh xe mặt trời to lên trên hư không, chiếu khắp mười phương mà không chút trở ngại. Cho nên người học đạo duy nhẫn kiến văn giác tri làm động tác, không rỗng kiến văn giác tri thì tâm lộ tuyệt không chỗ không người. Nếu ở kiến văn giác tri mà nhận bản tâm, nhưng bản tâm không thuộc kiến văn giác tri, mà cũng không rời kiến văn giác tri, nhưng không nên nơi kiến văn giác tri mà khởi kiến giải, không nên nơi kiến văn giác tri cần niệm, cũng đừng rời kiến văn giác tri tìm tâm, cũng đừng bỏ kiến văn giác tri để thủ pháp. Không tức không rời, không trụ, không trước, tung hoành tự tại, không đâu là không phải đạo tràng. Người đời nghe nói chư Phật đều truyền tâm pháp thì cho rằng nơi tâm riêng có một pháp khả chứng, khả thủ, bèn đem tâm tìm pháp mà không biết tâm tức là pháp, pháp tức là tâm. Không thể đem tâm mà cầu tâm, trải ngàn muôn kiếp, rốt lại cũng không có ngày được. Không bằng đương hạ vô tâm, đó tức là bổn pháp. Như viên ngọc trên trán lực sĩ, ẩn giấu trong trán, rồi hướng ngoài tìm cầu trọn mười năm rốt lại cũng không tìm được. Trí giả chỉ cho, bấy giờ mới tự thấy viên ngọc cũ còn như trước. Người học đạo mê bổn tâm mình, không nhận là Phật, liền hướng ngoài tìm cầu, khởi công hành y trước sau, chứng quả vị, bao kiếp cần cầu, nguyên không thành đạo. Không bằng ngay đó vô tâm, quyết định biết nhất thiết pháp vốn không sở hữu, cũng không sở đắc, không trụ, không nương, không năng, không sở, không động vọng niệm, liền chứng Bồ-đề. Đến khi chứng đạo, chứng Phật bổn tâm, bao kiếp công dụng đều là tu hành hư luống. Như lực sĩ lúc được châu, chỉ được hột châu nơi trán mình, chẳng liên quan đến sức lực hướng ngoài tìm cầu, nên Phật mới nói: Ta nơi A-nậu Bồ-đề không có gì đắc cả. Sợ người không tin, nên mới dẫn năm nhãn để nhìn, năm lời để nói, chân thật không hư dối, đó là đệ nhất nghĩa đế vậy. Người học đạo chớ nghi bốn đại là thân. Bốn đại không ngã. Ngã cũng không chủ. Cho nên biết hem này không ngã cũng không chủ. Năm ấm không ngã, cũng không chủ, cho nên biết tâm này không ngã cũng không chủ. Sáu căn, sáu trần, sáu thức hòa hợp sanh diệt, cũng lại như vậy. Mười tám giới đã không nhất thiết đều không. Chỉ có bản tâm thản nhiên thanh tịnh. Có thức thực, có trí thực. Thân bốn đại đói khát thì bịnh, tùy sự kết dưỡng, không sanh tham trước, gọi là trí thực. Tư tình thủ vị, vọng sanh phân biệt, chỉ cần khoái miệng, không sanh nhàm bỏ, gọi là thức thực. Bậc Thanh văn, nhân nghe mà được độ, gọi là Thanh văn. Nhưng không hiểu tự tâm, ngay nơi thanh giáo mà khởi kiến giải hoặc nhân thần thông, hoặc nhân tướng tốt nói năng vận động nghe có Bồ-đề Niết-bàn, trải ba a-tăng-kỳ kiếp tu thành đạo Phật đều thuộc đạo Thanh văn, gọi là Thanh văn. Phật duy ngay đó đốn liễu tự tâm, bổn lai là Phật, chẳng có pháp nào có thể đắc, không một hạnh nào có thể tu, đó là đạo vô thượng. Đó là Phật chân như. Người học đạo chỉ sợ có một niệm, tức cùng đạo cách xa vậy. Niệm niệm vô tướng, niệm niệm vô vi, tức là Phật. Người học đạo nếu muốn thành Phật thì nhất thiết Phật pháp đều không cần học, chỉ học không cầu, không trước. Không cầu thì tâm không sanh, không trước thì tâm không nhiễm. Không sanh, không nhiễm, ấy là Phật vậy. Tám muôn bốn ngàn pháp môn để đối trị lại tám muôn bốn ngàn phiền não, đó là pháp môn giáo hóa, tiếp dẫn, vốn không một pháp. Rời tức là pháp. Biết rời là Phật vậy. Nhưng chỉ nên rời tất cả mọi phiền não, không có pháp nào đắc cả. Người học đạo muốn biết yếu quyết, thì chớ nơi tâm trước một vật nào cả. Nói Pháp thân Phật như hư không, đó là ví dụ Pháp thân tức hư không, hư không tức Pháp thân vậy. Người thường cho rằng Pháp thân trùm khắp chốn hư không. Trong hư không ngậm chứa Pháp thân, mà không biết hư không tức Pháp thân, vì hư không tức Pháp thân vậy. Nếu xác định lời nói có hư không thì hư không chẳng phải Pháp thân. Xác định lời nói có Pháp thân thì Pháp thân không phải hư không. Nhưng nếu không thân kiến giải hư không, hư không tức Pháp thân. Không dùng kiến giải Pháp thân, thì Pháp thân tức hư không. Hư không và Pháp thân không có tướng khác nhau. Phật cùng chúng sanh không có tướng khác nhau. Sanh tử và Niết-bàn không có tướng khác nhau. Phiền não và Bồ-đề không có tướng khác nhau. Rời tất cả mọi tướng ấy là Phật. Phàm phu thủ cảnh, đạo nhân thủ tâm. Tâm cảnh cùng quên bỏ, ấy là chân pháp. Quên cảnh còn dễ, quên tâm khó vô cùng. Người không dám quên tâm vì sợ rơi vào không, chẳng có nơi lặn mò. Không biết không bổn chẳng không, chỉ là một giới chân thật thôi. Tánh linh giác ấy, từ vô thỉ đến nay, thọ cùng không hư, chưa từng sanh mà cũng chưa từng diệt. Chưa từng có, mà cũng chưa từng không. Chưa từng nhơ, mà cũng chưa từng sạch. Chưa từng ồn ào mà cũng chưa từng tịch lặng. Chưa từng trẻ mà cũng chưa từng già. Không phương hướng, chỗ nơi. Không trong ngoài. Không số lượng. Không hình tướng. Không sắc tượng, không âm thanh. Không thể tìm, không thể cầu. Không thể dùng trí tri thức giải thích, không thể lấy lời lẽ chỉ ra, không thể dùng cảnh vật miêu tả, không thể dùng công dụng mà đạt đến. Chư Phật và tất cả mọi loài xuẩn động chúng sanh đồng tánh đại Niết-bàn. Tánh tức là tâm, tâm tức là Phật. Phật tức là pháp. Một niệm ly chân, đều là vọng tưởng. Không thể lấy tâm mà cầu nơi tâm. Không thể lấy Phật mà cầu nơi Phật. Không thể lấy pháp mà cầu nơi pháp. Cho nên người tu đạo ngay nơi đó vô tâm mặc khế. Còn nếu nghĩ ngợi dụng tâm là sai. Lấy tâm truyền tâm, ấy là chánh kiến. Xin đừng hướng bên ngoài đuổi theo cảnh làm tâm, đó là nhận giặc làm con. Do có tham, sân, si mà lập giới, định, tuệ. Nếu vốn không phiền não thì sao lại có Bồ-đề. Cho nên Tổ sư nói: Phật nói tất cả mọi pháp đều trừ tất cả mọi tâm. Ta không có nhất thiết tâm, thì dùng nhất thiết pháp mà chi. Nơi Phật bổn nguyên thanh tịnh, không nên chấp trước bất cứ một vật nào. Thí như hư không tuy dùng vô lượng trân bảo mà trang sức, rốt lại cũng không thể trụ được. Phật tánh cũng giống như hư không, tuy lấy vô lượng trí tuệ, công đức mà trang sức, rốt lại cũng không thể trụ được. Nhưng kẻ mê bản tánh thì lại không thể thấy được. Cái gọi là pháp môn tâm địa, muôn pháp đều nương theo tâm ấy mà kiến lập. Ngộ cảnh tức có, không cảnh tức không. Không thể nơi tánh thanh tịnh mà lấy cảnh kiến giải. Vì vậy mới nói gượng định tuệ một mình tịch tịnh lặng lờ kiến văn giác tri, đều là nơi cảnh tác giải. Tạm nói cho bậc trung hạ thì được, còn nếu muốn thân chứng, đều không thể dùng kiến giải như thế. Tất cả đều là cảnh trói buộc. Pháp cũng có chỗ có và không. Không nơi chỗ có, nhưng nơi tất cả mọi pháp không không tác hữu kiến, tức kiến pháp. Từ Tổ sư Đạt-ma đến Trung Quốc, duy nói một tánh, duy truyền một pháp. Lấy Phật truyền Phật, không nói Phật nào khác. Lấy pháp truyền pháp, không truyền pháp nào khác. Pháp tức là pháp không thể nói. Phật tức là Phật không thể thủ. Ấy là tâm bổn nguyên thanh tịnh vậy. Duy có sự thật ấy, cái gì khác tức không phải chân. Lấy Bát-nhã là tuệ. Tuệ ấy tức là gốc của vô tướng. Phàm phu không biết thú hướng đạo, chỉ buông thả lục tình, bèn thi hành lục đạo. Tức sau khi học đạo, một niệm kể sanh tử, tức rơi vào chư ma đạo. Một niệm khởi các kiến, tức rơi vào ngoại đạo. Kiến có sanh, thú có diệt, tức rơi vào đạo Thanh văn. Không kiến có sanh, chỉ kiến có diệt, tức đạo Duyên Giác. Pháp vốn không sanh, nay cũng không diệt. Chẳng khỏi nhị kiến. Không ghét, không thích. Tất cả mọi pháp đều là một tâm, sau đó mới là Phật thừa. Người phàm đều đuổi theo cảnh mà sanh tâm. Tâm theo ưa ghét. Nếu muốn không cảnh nên quên tâm ấy. Tâm quên tức cảnh không. Cảnh không tức tâm diệt. Không quên tâm mà trừ cảnh, cảnh không thể trừ, chỉ làm cho nhiễu loạn thêm. Cho nên muôn pháp duy tâm, tâm cũng không thể đắc, há lại cần cầu sao ? Người học pháp Bát-nhã, không thấy một pháp nào có thể đắc, tuyệt ý tam thừa. Chỉ nhất chân thật, không thể chứng đắc. Nói ta có thể chứng, có thể đắc, đều là kẻ tăng thượng mạn. Nơi hội Pháp Hoa, phất tay áo mà ra đi, đều là bọn người ấy. Cho nên Phật mới nói: Ta nơi Bồđề thật không có gì đắc cả, chỉ mặc khế mà thôi. Kẻ phàm phu muốn tu chứng, lại quán năm uẩn đều không, bốn đại không ngã, chân tâm vô tướng, không tới, không lui. Lúc chết tánh không đi, trạm nhiên tròn lặng, tâm cảnh nhất như. Nếu ngay được ngay đó hiểu liền, không bị tam thế trói buộc, liền ra khỏi thế nhân, nhất thiết không được có chút xíu thú hướng nào. Nếu thấy tướng lành của chư Phật đến đón tiếp, cùng đủ thứ hiện tiền, cũng không tâm nương theo. Nếu thấy tướng ác đủ thứ hiện tiền, cũng không có tâm kinh sợ, mà phải tự quên tâm đồng với pháp giới, liền được tự tại. Phàm nói tới Hóa Thành, nhị thừa cùng thập địa cho đến đẳng giác, diệu giác, đều là giáo pháp tạm thời lập ra để tiếp dẫn, đều là Hóa Thành cả. Nói đến Bảo Sở là bảo tự tánh chân tâm bổn Phật. Báu này không thuộc tình lượng, không thể kiến lập, không Phật, không chúng sanh, không năng không sở, nơi nào mà có thành ? Nếu hỏi ra đó đã là Hóa Thành thì còn chỗ nào là Bảo Sở. Bảo sở không thể chỉ ra. Chỉ ra tức không có Bảo Sở, là sở không chân thật. Cho nên mới nói: Chỉ gần đây thôi, tại gần đây không thể lấy định lượng mà nói, mà chỉ đương thể khế hội mới đúng. Còn xiển-đề tin không đầy đủ. Tất cả chúng sanh trong lục đạo, cho đến nhị thừa, không tin có quả Phật, đều cho là xiểnđề đứt gốc rễ. Bồ tát tin sâu một pháp Phật không thấy có đại thừa hay tiểu thừa. Phật cùng chúng sanh đồng một pháp tánh, nên mới cho đó là xiển-đề gốc rễ lành. Đại để nhân nghe giáo pháp mà ngộ gọi là Thanh văn. Quán nhân duyên mà ngộ gọi là Duyên giác. Nếu không hướng trong tâm mà ngộ, tuy đến thành Phật cũng chỉ là Phật Thanh văn. Người học đạo nơi pháp mà ngộ chứ không ngộ nơi tâm, tuy tu hành trong bao kiếp, rốt lại cũng không phải là bổn Phật. Nếu không tâm ngộ, mà là pháp ngộ, tức khinh tâm mà coi trọng pháp, liền thành rượt đuổi khối, quên mất bản tâm. Cho nên chỉ cần khế ngộ bản tâm, chẳng cần cầu pháp, bởi tâm là pháp vậy. Người phàm phần nhiều cho cảnh ngăn chặn tâm, sự ngăn chặn lý, thường muốn trốn cảnh để an tâm, gạt bỏ sự, giữ lấy lý, mà không biết chính tâm ngăn trở cảnh, lý ngăn trở sự. Chỉ cần khiến tâm không là cảnh tự không, lý tịch là sự tự tịch, không nên trái lại dụng tâm. Người phàm phần nhiều không chịu không tâm vì sợ rơi vào không, mà chẳng biết tự tâm vốn không. Kẻ ngu trừ bỏ sự, không trừ tâm. Kẻ trí trừ tâm, không trừ sự. Tâm Bồ-tát như hư không, tất cả đều buông bỏ. Chuyện làm phước đức, đều không tham trước. Nhưng buông bỏ có ba hạng: Trong ngoài thân tâm tất cả đều buông bỏ, giống như hư không, chẳng có gì thủ trước, sau đó mới tùy phương mà ứng vật, năng và sở đều quên, gọi là buông bỏ lớn. Còn nếu một bên hành đạo bố đức, một bên lại buông bỏ chẳng hy vọng ở tâm, gọi là buông bỏ hạng trung. Nếu rộng tu các thứ thiện, có điều hy vọng, nghe pháp biết lẽ không, liền không tham trước, gọi là buông bỏ nhỏ. Buông bỏ lớn như lửa đuốc phía trước mặt, chẳng có mê ngộ. Buông bỏ hạng trung như lửa đuốc bên hông, lúc sáng, lúc tối. Buông bỏ nhỏ như lửa đuốc ở phía sau, không thấy hầm hố. Cho nên tâm Bồ-tát như hư không, tất cả đều buông bỏ. Tâm quá khứ không thể đắc, là buông bỏ ở quá khứ. Tâm hiện tại không thể đắc, là buông bỏ ở hiện tại. Vị lai tâm không thể đắc, ấy là buông bỏ ở vị lai. Đó gọi là ba đời đều buông bỏ. Từ Như Lai phó pháp cho Ca Diếp đến nay, lấy tâm ấn tâm, tâm tâm không khác. Năng ấn, sở ấn, thì đều khó khế hội. Cho nên người đắc ít lắm. Nhưng tâm tức vô tâm, đắc tức chẳng đắc. Phật có ba thân. Pháp thân nói pháp tự tánh linh thông. Báo thân nói pháp nhất thiết thanh tịnh. Hóa thân nói pháp lục độ vạn hạnh. Pháp thân thuyết pháp không dùng lời lẽ, âm thanh, hình tượng, chữ nghĩa. Không chỗ nói, không chỗ chứng, tự tánh linh thông mà thôi. Cho nên mới nói: Chẳng có pháp nào để nói, ấy là thuyết pháp. Báo thân, hóa thân đều tùy cơ mà cảm hiện. Cái gọi là thuyết pháp, cũng tùy sự, ứng căn cho là nhiếp hóa, đều không phải chân pháp. Cho nên mới nói: Báo hóa không phải chân Phật, cũng không phải là người thuyết pháp. Cái gọi là đồng, là một tinh minh phân thành sáu hòa hợp. Một tinh minh là một tâm. Sáu hòa hợp là sáu căn, mỗi căn đều cùng với trần hợp. Mắt cùng sắc hợp, tai cùng thanh hợp, mũi cùng mùi hợp, lưỡi cùng vị hợp, thân cùng xúc hợp, ý cùng pháp hợp. Khoảng giữa sanh sáu thức làm thành mười tám giới. Nếu hiểu rành mười tám giới đều không, chẳng có gì là sở hữu, trói sáu hòa hợp lại thành một tinh minh. Một tinh minh ấy là tâm vậy. Người học đạo đều biết việc đó nhưng chớ có miễn cưỡng kiến giải nhất tinh minh, sáu hòa hợp mà bị pháp trói, chẳng khế hợp bản tâm. Như Lai hiện đời, muốn nói chân pháp một thừa, nhưng như thế thì chúng sanh chẳng tin sanh ra hủy báng, đắm chìm vào biển khổ. Còn nếu tất cả đều không nói thì Phật đọa tiếc sẻn, không vì chúng sanh mà phổ xá đạo mầu, mới phương tiện nói ba thừa. Thừa có lớn nhỏ, đắc có cạn sâu, đều không phải bổn pháp. Cho nên nói: Chỉ nhất thừa đó mà nói, mọi cái khác đều chẳng phải chân. Nhưng rốt lại cũng chưa có thể hiển dương pháp nhất tâm. Cho nên mới triệu Ca Diếp đến cùng pháp tòa, riêng trao pháp nhất tâm rời xa lời lẽ. Pháp nhất chi đó nay biệt hành. Nếu ai có thể khế hiệp thì đến được đất Phật. CHÚ: Trong bài Truyền Tâm Pháp Yếu này có sửa 11 chỗ bỏ đi 3 chữ, thêm vào 9 chữ. Căn cứ theo Tứ gia lục và biệt lục. Kệ truyền tâm của tướng quốc Bùi Hưu : Tôi ở Uyển Lăng và Chung Lăng đều được thân gần thiền sư Hoàng Bá Hy Vận, được ngài truyền trọn tâm yếu, bèn làm bài kệ Truyền tâm vậy: Tâm không thể truyền Khế hợp làm truyền Tâm không thể thấy Lấy vô làm thấy Khế cũng không khế Vô cũng chẳng vô Hóa thành chẳng trụ Trán mê có châu Châu là cưỡng gọi Thành há có hình Tâm ấy là Phật Phật tức chẳng sanh Ngay đó là đúng Đừng cầu, đừng tìm Khiến Phật tìm Phật Hao phí công trình Tùy pháp sanh giải Tức rơi giới ma Phàm thánh chẳng phân Liền rời thấy nghe Vô tâm như gương Cùng vật không tranh Vô niệm như không Chẳng vật không chứa Pháp ngoài tam thừa Bao kiếp chẳng gặp Nếu được như thế Vị hung xuất thế. Từng nghe Đại sĩ Hà Đông đích thân gặp đạo sư Cao An truyền cho tâm yếu năm xưa, trước tác kệ để chỉ dạy đời sau, đốn khai kẻ mù điếc, chiếu diệu đan thanh. Tôi tiếc chỗ bỏ sót, nên thêm vào vậy. Năm Mậu Tý Khánh Lịch, Nam Tông tự Thiên chân đề.
Từ khóa » Hoàng Bá Hy Vận
-
Tiểu Sử Tổ Hoàng Bá – Hy Vận Thiền Sư (Thiền Tông Trung Hoa)
-
Tổ Hoàng Bá Huy Vận - Thiền Tổ Sư - THƯ VIỆN HOA SEN
-
36. Thiền Sư Hy Vận (Hoàng Bá) - Chuyên Đề
-
Truyền Tâm Pháp Yếu – Hoàng Bá Hy Vận | Duy Lực Thiền
-
Hoàng Bá Hy Vận - Trang Nhà Quảng Đức
-
Hoàng Bá Hi Vận – Du Học Trung Quốc 2022 - Wiki Tiếng Việt
-
THIỀN SƯ HY VẬN
-
HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền Sư Hy Vận
-
File:Thiền Sư Hoàng Bá Hy Vậg - Wikimedia Commons
-
Truyền Tâm Pháp Yếu - Hoàng Bá Đại Sư - Dịch: Thiền Sư Duy Lực
-
Hoàng Bá Hy Vận – Tạng Thư Phật Học