Tiểu Sử Và Cuộc đời Sự Nghiệp Sáng Tác Của Nhà Thơ Thế Lữ - Reader

Cả cuộc đời Thế Lữ, ông say mê với cái đẹp trong nghệ thuật, niềm đam mê ấy không bó hẹp ở trong một phương diện mà nó trải trên tất cả phương diện cái đẹp của nghệ thuật mà ông có thể chạm đến. Những bài thơ của ông luôn mang nhiều màu sắc để lại nhiều dấu ấn đặc biệt trong lòng bạn đọc. Để có thể hiểu rõ hơn về những vần thơ cũng như sự nghiệp sáng tác của của nhà thơ Thế Lữ mời bạn cùng theo dõi tiểu sử và cuộc đời sự nghiệp sáng tác của ông nhé!

  • Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhà văn Nguyên Hồng
  • Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Quang Dũng
  • Thạch Lam - Nốt trầm văn chương nhẹ nhàng mà tinh tế

Tiểu sử và cuộc đời sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Thế Lữ

1. Tiểu sử

Thế Lữ (sinh 10 tháng 6 năm 1907 – mất 3 tháng 6 năm 1989; tên khai sinh là Nguyễn Thứ Lễ (có tài liệu khác ghi tên ông là Nguyễn Đình Lễ) là nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động sân khấu người Việt Nam. Thế Lữ nổi danh trên văn đàn vào những năm 1930, với những tác phẩm Thơ mới, đặc biệt là bài Nhớ rừng, cùng những tác phẩm văn xuôi, tiêu biểu là tập truyện Vàng và máu (1934). Trở thành thành viên của nhóm Tự Lực văn đoàn kể từ khi mới thành lập (1934), ông hầu hết hoạt động sáng tác văn chương trong thời gian là thành viên của nhóm, đồng thời cũng đảm nhận vai trò một nhà báo, nhà phê bình, biên tập viên mẫn cán của các tờ báo Phong hóa và Ngày nay.

Từ năm 1937, hoạt động của Thế Lữ chủ yếu chuyển hướng sang biểu diễn kịch nói, trở thành diễn viên, đạo diễn, nhà viết kịch, trưởng các ban kịch Tinh Hoa, Thế Lữ, Anh Vũ, hoạt động cho đến sau Cách mạng tháng Tám. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp, làm kịch kháng chiến trong những năm Chiến tranh Đông Dương. Sau Hiệp định Genève, ông tiếp tục hoạt động sân khấu, trở thành Chủ tịch đầu tiên của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (1957 – 1977). Ông được coi là một người tiên phong, không chỉ trong phong trào Thơ mới, trong lĩnh vực văn chương trinh thám, kinh dị, đường rừng, mà còn là người có đóng góp rất lớn trong việc chuyên nghiệp hóa nghệ thuật biểu diễn kịch nói ở Việt Nam.

2. Phong cách sáng tác

Thế Lữ là một trong những nhà thơ đi đầu trong phong trào Thơ Mới. Thơ của ông đã thoát ra khỏi những khuôn phép của thế hệ phong kiến, giải phóng tâm tư của thế hệ mới, ông khẳng định được bản lĩnh con người trước xã hội. Là một người có đóng góp lớn trong việc hiện đại hóa những vần thơ trong Văn học Việt Nam. Thế Lữ còn được giới văn học và độc giả mệnh danh là “ông hoàng thơ ca” của giai đoạn đầu Thơ mới (1932 – 1935). Ông là một trong những người đầu tiên đưa kịch nói lên sân khấu ở Việt Nam và là người duy nhất đưa kịch nói từ trình độ nghiệp dư lên đến trình độ chuyên nghiệp. Và ông cũng là người có đóng góp to lớn trong nền sân khấu dân tộc.

Một trong những tác phẩm làm nên tên tuổi của ông chính là “Nhớ rừng” nhắc đến Thế Lữ là không thể không nhắc đến bài thơ “Nhớ rừng”. Bài thơ được sáng tác vào năm 1934, in trong tập “Mấy vần thơ”. Thế Lữ mượn hình ảnh con hổ trong vườn bách thú để bày tỏ sự uất ức của lớp thanh niên trí thức yêu nước, những con người bị giam cầm khao khát tự do mãnh liệt, đồng thời thức tỉnh lòng yêu nước của mỗi con người.

Sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Thế Lữ

3. Tác phẩm tiêu biểu

Là một nghệ sĩ đa tài, Thế Lữ hoạt động rộng rãi trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật, từ thơ, văn xuôi nghệ thuật (kinh dị, trinh thám, lãng mạn) cho đến báo chí, phê bình, dịch thuật và sân khấu.

Đây là một số tác phẩm tiêu biểu của ông: Vàng và máu, Bên đường thiên lôi, Lê Phong phóng viên, Mai Hương và Lê Phong, Đòn hẹn, Gói thuốc lá, Gió trăng ngàn, Trại Bồ Tùng Linh, Thoa, Truyện tình của anh Mai, Tay đại bợm, Ba hồi kinh dị, Nhớ rừng,…

4. Vinh danh

Thế Lữ đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân năm 1984 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt II năm 2000.

5. Nhận định

Độ ấy Thơ Mới vừa ra đời, Thế Lữ như vừng sao đột hiện ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam. Thơ Thế Lữ về thể cách mới không chút rụt rè, mới từ số câu, số chữ, cách bỏ vần, cho đến tiết tấu âm thanh.

Thơ Thế Lữ giàu chất lãng mạn, trữ tình. Hình ảnh thơ đẹp, giọng điệu thơ mềm mại, trau chuốt. Tuy nhiên, cảm hứng thơ ít phát triển, hình tượng thơ có ít biển hóa và trong một số trường hợp rơi vào đơn điệu.

Phan Khôi, Lưu Trọng Lư chỉ là những người làm cho người ta chú ý đến thơ mới mà thôi, còn Thế Lữ mới chính là người làm cho người ta tin cậy ở tương lai của thơ mới.

Thế Lữ không bàn về thơ mới, không bênh vực thơ mới, không bút chiến, không diễn thuyết, Thế Lữ chỉ lặng lẽ, chỉ điềm nhiên bước những bước vững vàng, mà trong khoảnh khắc cả hàng ngũ thơ xưa phải tan vỡ.

Cảm ơn bạn đọc đã luôn theo dõi và ủng hộ Reader, hy vọng bài viết này sẽ mang lại cho bạn nhiều thông tin hơn về nhà thơ tài năng này nhé. Và đừng quên tiếp tục ủng hộ Reader ở các chuyên mục khác và hãy chia sẻ bài viết này đến mọi người bạn nhé!

Từ khóa » Tiểu Sử Nhà Thơ Lữ Mai