Tìm Giải Pháp Thúc đẩy Nông Nghiệp Bền Vững Vùng ĐBSCL

“Có thể tiến hành một nghiên cứu đánh giá nhanh, tổng thể về hiện trạng cũng như những khó khăn, thách thức của các HTX trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu. Các đánh giá này không chỉ nằm trong chuỗi lúa tôm mà có thể là các chuỗi ngành hàng khác của toàn vùng ĐBSCL”, ông Hưng bày tỏ. 

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đánh giá cao đề xuất của thành viên Dự án MCRP. Đồng thời cũng chỉ đạo một số đơn vị liên quan phối hợp với MCRP, để thực hiện khảo sát lại hiện trạng của các HTX, lấy ý kiến dư luận xã hội để làm cơ sở khi đề án được phê duyệt sẽ triển khai tốt và hiệu quả hơn.

Cấp thiết xây dựng các trung tâm liên kết tiêu thụ nông sản

Liên quan đến vấn đề xây dựng trung tâm logistics, tiêu thụ nông sản tại một số tỉnh vùng ĐBSCL, bà Đào Thị Nga chuyên gia cao cấp của MCRP cho rằng, việc thúc đẩy liên kết vùng là một trong những lĩnh vực mà MCRP quan tâm nhất. Nằm trong khung thể chế thúc đẩy liên kết phát triển nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, đơn vị đã xác định quy hoạch 8 trung tâm đầu mối trong vùng, các trung tâm này đóng vai trò liên kết các ngành hàng nông nghiệp, sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, vừa qua Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ, trong đó sẽ thành lập trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL đặt tại TP Cần Thơ, là trung tâm cấp vùng đầu tiên trong khu vực. Cơ chế thành lập, cách thức tổ chức hoạt động, vận hành của trung tâm liên kết vùng của TP Cần Thơ sẽ là bài học kinh nghiệm quý cho MCRP trong việc xây dựng đề án tổ chức 8 trung tâm đầu mối mà MCRP đang thực hiện.

Bà Nga cũng chia sẻ, thời gian qua MCRP đã thực hiện một số đề án về vùng nguyên liệu vùng ĐBSCL, bước tiếp theo của kế hoạch này, đơn vị sẽ lựa chọn địa điểm, phối hợp với các địa phương để thực hiện 3 trong tổng số 8 trung tâm trên để bắt đầu các nghiên cứu tiền khả thi.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhìn nhận, thời gian qua với sự hỗ trợ của Chính phủ và một số tổ chức quốc tế, ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL đã có nhiều chuyển biến khởi sắc. Tiếp tục đà phát triển này, việc liên kết tổ chức sản xuất cần phải thực hiện theo chuỗi giá trị, sâu sát hơn, cụ thể trên từng lĩnh vực, áp dụng khoa học công nghệ gắn với thị trường tiêu thụ. “Hiện nay làm nông nghiệp không chỉ là chuyển đổi sản xuất mà phải xem nông nghiệp là kinh tế thị trường”, Thứ trưởng Nam cho hay.

Một số hướng đi được Thứ trưởng đưa ra là phải quy hoạch lại vùng nguyên liệu gắn với liên kết, sản phẩm sản xuất ra bán ở đâu, chất lượng thế nào, đặc biệt là nâng cao nhận thức bà con nông dân. Bởi theo Thứ trưởng Nam: “Khi điều hành sản xuất, nông dân không hiểu thị trường cần gì, trách nhiệm mình ra sao, thì tính cộng đồng giữa nông dân với nông dân không thống nhất, vấn đề hiện nay là tổ chức lại sản xuất, liên kết và nâng cao nhận thức của người nông dân để nông dân chủ động sản xuất gắn với thị trường”.

Theo dự thảo Đề án “Nâng cao năng lực HTX nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 – 2025”, mục tiêu đến năm 2025, 100% HTX nông nghiệp vùng ĐBSCL sẽ được tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao nhận thức và hiểu biết về biến đổi khí hậu và biện pháp thích ứng trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản và diêm nghiệp.

Xây dựng mỗi tỉnh từ 3 – 5 mô hình HTX áp dụng các biện pháp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để tuyên truyền nhân rộng. Góp phần vào mục tiêu 70% HTX nông nghiệp được xếp loại từ loại khá trở lên; tối thiểu 50% HTX nông nghiệp tham gia các chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; doanh thu sản xuất kinh doanh của HTX tăng ít nhất 20%...

Từ khóa » Giải Pháp Sản Xuất Nông Nghiệp Bền Vững