Tìm Hiểu Cách Xưng Hô Trong Phật Giáo - Chùa A Di Đà
Có thể bạn quan tâm
Bạch Thầy và các bác cho cháu hỏi:
1) Khi nào gọi các vị xuất gia bằng Thầy, khi nào gọi bằng Đại Đức, Thượng Tọa hay Hòa Thượng ?
2) Khi nào gọi các vị nữ xuất gia bằng Ni cô, Sư cô, Ni sư hay Sư Bà ? Có bao giờ gọi là Đại Đức Ni, Thượng Tọa Ni hay Hòa Thượng Ni chăng ?
3) Khi ông bà cha mẹ gọi một vị sư là Thầy (hay Sư phụ), người con hay cháu phải gọi là Sư ông, hay cũng gọi là Thầy? Như vậy con cháu bất kính, coi như ngang hàng với bậc bề trên trong gia đình chăng ?
4) Một vị xuất gia còn ít tuổi đời (dưới 30 chẳng hạn) có thể nào gọi một vị tại gia nhiều tuổi (trên 70 chẳng hạn) bằng “con” được chăng, dù rằng vị tại gia cao niên đó xưng là “con” với vị xuất gia ?
5) Sau khi xuất gia, một vị tăng hay ni xưng hô như thế nào với người thân trong gia đình ?
Diệu Tánh
Thưa Đạo Hữu Diệu Tánh:
Tôi xin góp vài ý kiến thô thiển với các câu hỏi của Đạo hữu về vấn đề xưng hô trong Phật Giáo Việt Nam.
Năm câu hỏi của Đạo Hữu nêu lên rất hay vì tính phổ thông mà mọi Phật tử tại gia chúng ta đều nên biết. Nhưng cũng rất khó trả lời vì liên hệ đến một vài tài liệu trong Luật tạng mà một Phật tử tại gia như tôi chưa dám đọc vì tôi không phải là một nhà nghiên cứu Phật Giáo hay một cư sĩ tại gia đã phát nguyện “tâm xuất gia, nhưng thân chưa xuất gia” với mục đích nghiên cứu, học tập để tu hành. Cho nên tôi chỉ dựa trên một số tài liệu đã được phổ biến từ trước cũng như những gì chính bản thân tôi đã được chỉ dạy, học hỏi, trao đổi qua các vị xuất gia trong quá khứ và hiện tại để góp phần làm sáng tỏ vấn đề thêm, mặc dù cũng đã có những bài thuộc nội dung tương tự phổ biến trên các trang nhà của Phật giáo. Tuy nhiên, những ý kiến của tôi vẫn bị hạn chế vì khả năng, trình độ Phật Pháp hạn hẹp và nông cạn. Mong Đạo hữu vui lòng.
Ngưỡng mong chư Tôn đức, quý Thầy, quý Ni Sư và các bậc Thiện Tri thức chỉ dạy thêm.
Câu 1: Khi nào gọi các vị xuất gia bằng Thầy, khi nào gọi bằng Đại Đức, Thượng Tọa hay Hòa Thượng.
Trả lời: Trước hết chúng ta hãy tìm nguồn gốc các danh từ trên và có tự bao giờ?
(a) Đại Đức: Theo kinh điển, danh từ Đại Đức có từ thời Đức Bổn Sư Thích Ca còn tại thế, đệ tử gọi Ngài là Đại Đức Thế Tôn và Ngài gọi lại các đệ tử là Đại đức.
(b) Thượng Tọa: Danh từ nầy trong kinh điển thỉnh thoảng cũng có nói đến, nhưng chỉ áp dụng cho những vị tu hành đạo cao đức trọng đứng hàng đầu trong chúng. Mãi đến sau khi Phật nhập diệt khoảng 100 năm, tăng chúng họp lại để sửa đổi điều luật do Đức Phật chế định, vì ý kiến bất đồng nên đã chia ra hai bộ phái:
1) Một phái do Đại Đức Yasas đòi giữ nguyên giới luật như củ, phái nầy mệnh danh là Nguyên Thủy hay Thượng Tọa Bộ (Therevadins).
2) Một phái do Đại Đức Vajiputra đề xướng theo những điều mà đại chúng đã đề nghị cải cách gọi là Đại Chúng Bộ (Hahasanghikas) .
(c) Hòa Thượng: Danh từ nầy thấy xuất hiện khá nhiều trong sách vở Trung Quốc, gọi các tu sĩ Phật Giáo là Hòa Thượng. Trong Kinh Tâm Địa Quán, Phật đã dạy trong một bài kệ có đoạn như sau:
- Những người tịnh tín trong đời sau Theo hai quán môn thường sám hối Nên thọ Bồ Tát Tam Tụ giới Nếu muốn thọ trì thượng phẩm giới Nên thỉnh Giới Sư Phật, Bồ Tát Thỉnh tôi Thích Ca Mâu Ni Phật Làm vị Hòa Thượng giới Bồ Tát…
Như vậy Hoà Thượng là vị đứng đầu trao truyền giới pháp cho hàng đệ tử. Hiện nay vẫn áp dụng trong các giới đàn truyền giới của Phật Giáo Việt Nam, thường gọi là Đàn Đầu Hòa Thượng.
Theo sách vở, tài liệu lịch sử Phật Giáo Việt Nam, trước đây chỉ thấy ghi: Thiền sư, Tổ sư, Đại sư. Mãi đến thời kỳ Chấn Hưng Phật Giáo mới thấy xuất hiện các danh từ Đại Đức, Thượng Tọa, Hòa Thượng trên kinh sách, còn trước đó danh từ Hòa Thượng chỉ thấy trong Pháp phái mà thôi. Như vậy các danh từ trong câu hỏi 1 có tính cách thời đại để phù hợp với sự đổi thay của xã hội trong vấn đề giao tế và trao đổi văn kiện, thư từ….
Còn danh từ Thầy là tiếng rất phổ thông mà người Phật tử thường gọi chung quý vị Tăng xuất gia từ trước tới nay. Trước năm 1975, cũng đã có đề nghị Viện Tăng Thống nên có huy hiệu riêng biệt trên pháp phục hoặc y phục để chúng nhân nhận biết rõ giáo phẩm, nhưng không thấy thực hiện. Mặc dù đây chỉ là những danh từ đối với Phật giáo cũng chẳng cần thiết lắm, nhưng cũng đòi hỏi một số điều kiện tu học rất khó khăn mới đạt được (sẽ lược trích ở cuối bài).
Câu 2: Khi nào gọi các vị nữ xuất gia bằng Ni cô, Sư cô, Ni sư hay Sư Bà? Có bao giờ gọi là Đại Đức Ni, Thượng Tọa Ni hay Hòa Thượng Ni chăng?
Trả lời: Theo Việt Nam Phật Giáo Sử Luận II và sự tiếp xúc của tôi với quý vị ni từ trước đến nay thì: các vị nữ tu đã thọ 10 giới Sa Di được gọi là Ni Cô (Sa Di Ni), thọ cụ túc giới thường gọi là Sư Cô, lớn tuổi hơn gọi Ni Sư, những vị nhiều hạ lạp và cao niên thường gọi Sư Bà. Tuy nhiên tùy theo mỗi địa phương và từng chùa, đôi khi vị Ni Sư yêu cầu gọi bằng Thầy.
Theo Hiến Chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (sau 1975), Chương VIII- Giáo Phẩm-Điều 39 qui định: Cấp bậc Giáo phẩm của Ni giới là Ni Trưởng và Ni Sư. Như vậy chỉ có hai cách xưng hô. Tóm lại, những danh từ Ni Cô, Sư Cô, Ni Sư, Sư Bà rất phổ thông và thân mật để Phật tử xưng hô khi giao tiếp với các vị Ni.
Những danh từ Đại Đức Ni, Thượng Tọa Ni hay Hòa Thượng Ni chưa bao giờ nghe, thấy trong kinh sách, tự viện của Phật Giáo. Ngoại trừ sự việc xảy ra tại một ngôi chùa ở Quận Cam (Orange County), Nam California do một số Phật tử xưng hô với một vị Ni Sư trong chùa mà thôi, nhưng cũng gây nên những cuộc bàn cãi trước đây. (Theo bài viết của Tác giả Hoàng Liên Tâm trong Thư Viện Hoa Sen).
Câu 3: Khi ông bà cha mẹ gọi một vị sư là Thầy (hay Sư phụ), người con hay cháu phải gọi là Sư Ông, hay cũng gọi là Thầy? Như vậy con cháu bất kính, coi như ngang hàng với bậc bề trên trong gia đình chăng?
Trả lời: Như đã nói ở trên, Thầy là một danh xưng rất phổ thông, có tính cách thân mật, không cảm thấy ngăn cách giữa bậc xuất gia và chúng tại gia, danh từ Thầy như một tước hiệu dành cho chúng xuất gia, nên ai cũng có quyền gọi vị tăng là Thầy, hoàn toàn khác hẳn trong sự quan hệ gia đình có hệ thống thế thứ, huyết hệ không thể đảo lộn lớn nhỏ được. Có trường hợp trong một gia đình ông bà, cha mẹ, con đều quy y một vị Thầy, nên tất cả đều có chung một Bổn sư và đều gọi là Thầy, không có gì là bất kính cả. Riêng danh từ Sư Ông, Sư Cụ, Ôn… tùy theo tập quán địa phương mà có. Danh xưng Sư phụ Phật giáo Việt Nam không dùng, nhưng Phật giáo Trung quốc thường dùng.
Câu 4: Một vị xuất gia còn ít tuổi đời (dưới 30 chẳng hạn) có thể nào gọi một vị tại gia nhiều tuổi (trên 70 chẳng hạn) bằng “con” được chăng, dù rằng vị tại gia cao niên đó xưng là “con” với vị xuất gia?
Trả lời: Về phương diện đời (tuổi tác), trường hợp giữa hai cá nhân, hoặc có tính cách thân thiện như gia đình, vị xuất gia trẻ tuổi cũng thường xưng “con” với người tại gia, ngược lại gọi người tại gia bằng bác, chú, anh, chị…. Vị Thầy cũng thường xưng Tôi, Thầy, hay Pháp hiệu…và gọi người tại gia “Đạo hữu, Bác…).
Một vài trường hợp cá biệt vị xuất gia xưng mình là Thầy và gọi những người tại gia cao niên bằng “con”, những trường hợp nầy có tính cách đơn lẻ xin miễn bàn. Trong trường hợp trước đại chúng, các buổi lễ truyền giới, thuyết pháp, khóa tu học.v.v… vị Thầy có quyền gọi đại chúng bằng “con” vì vị Thầy đang đại diện Như Lai để thuyết giới. Ngay cả trong giới xuất gia Cổ Đức cũng đã dạy: “Sa di thuyết Sa môn thính, bất tại niên cao chỉ tại tánh linh.”
Câu 5: Sau khi xuất gia, một vị tăng hay ni xưng hô như thế nào với người thân trong gia đình?
Trả lời: Có hai trường hợp xảy ra:
(a) Phương diện đời: Sau khi đức Phật thành đạo, trở về hoàng cung để thăm gia đình đều xưng hô theo hệ thống gia đình: Phụ vương, Hoàng Hậu …, nên quý Thầy, quý Ni sư đều xưng hô với người thân trong gia đình đúng theo thế thứ và sự quan hệ như: tự xưng với phụ mẫu là con, với ông bà là cháu.v.v…, ngược lại người trong gia đình gọi vị xuất gia là Thầy, hoặc Ni Cô, Ni Sư hay Cô vì sự tôn trọng một bậc xuất gia cả chín họ đều được sinh lên cõi trời (Câu chuyện Hòa Thượng Hoàng Bá đối với mẹ Ngài với câu nói “Bỏ ơn sống vô vi, ấy chân thật báo ơn”).
(b) Phương diện đạo: Khi xuất gia là đã phát nguyện “cát ái từ thân” tức là cắt đứt sợi dây ràng buộc tình thương và từ giả những người thân thuộc để đi tìm con đường giải thoát nên vị xuất gia được xem là bậc Thầy của chúng sanh, trong đó có người thân của gia đình, tất cả những người nầy đều là đệ tử, học trò đạo của vị Thầy. Như trong các pháp hội có người thân của Đức Phật, Ngài vẫn xưng hô là: “Như Lai nói…”
Tuy nhiên cử chỉ, ngôn ngữ giữa chúng tại gia với xuất gia cũng còn tùy thuộc vào mức độ tâm linh của người Phật tử và quan niệm về hình bóng tăng già khi mình trông thấy có giúp ích gì trên con đường tu học của chính bản thân như kinh sách đã dạy không? Đây cũng là một trong những yếu tố căn bản làm thay đổi thái độ, ngôn ngữ và cử chỉ của người Phật tử.
Sau đây xin trích thêm một số tài liệu để quý Đạo Hữu rộng đường tham khảo:
Theo Tỳ Nại Da Tạp Sự, Tăng Sử Lược:
Đại Đức là danh xưng chung đối với các vị xuất gia đã thọ Tỳ Kheo Giới, nhưng thường thường phải có công hạnh và đạo đức tiêu biểu khiến những vị tăng sĩ trẻ tuổi hơn tôn xưng và kính phục. Theo đúng nghĩa trên, một vị Đại Đức ít nhất cũng phải có từ 5 hạ trở lên, bởi một vị tu hành có 5 hạ mới được liệt vào hàng A Xà Lê, được quyền nuôi Tiểu (Điệu, Ông Đạo), đi tu mà có đệ tử mới có thể mệnh danh Đại Đức được vậy.
Tỳ Ni Mẫu: Phân định cấp Thượng Tọa như sau:
- Vị Tỳ Kheo chưa có hạ nào đến 10 hạ gọi là Hạ Tọa. - Vị Tỳ Kheo Hạ Tọa đã có 10 hạ đến 19 hạ gọi là Trung Tọa. - Vị Tỳ Kheo có từ 20 hạ trở lên mệnh danh là Thượng Tọa.
A Tỳ Đạt Ma: Lại phân ra 3 bậc Thượng Tọa:
(1)- Nhất Sinh Niên Thượng Tọa: Tức là vị Thượng Tọa có niên kỷ và hạ lạp cao gần bằng với hàng Trưởng lão, tức khoảng 49 hạ trở lên, hàng giáo phẩm mà các vị Sa môn, Quốc vương, Đại thần đều tôn kính.
(2)- Thế Tục Thượng Tọa: Tức là vị Thượng Tọa có nhiều đồ chúng, có nhiều bậc quyền quý cảm phục đồng tôn lên hàng Thượng Tọa.
(3)- Pháp Tánh Thượng Tọa: Tức là bậc Thượng Tọa giữ giới hạnh nghiêm mật, có trí tuệ hơn người, hiển lộ được pháp tánh của Phật. Tuy ở hàng Thượng Tọa nhưng sự chứng quả rất gần.
Thích Thị Yếu Lãm: Lại chia ra 4 hàng Thượng Tọa:
(1)- Tăng Phòng Thựợng Tọa: là vị đứng đầu trong một số tăng chúng, giữ kỷ cương cho Tăng chúng.
(2)- Tăng Thượng Tọa: là vị bề trên đăng đàn trao giới pháp cho đồ chúng.
(3)- Biệt Phòng Thượng Tọa: là vị Thủ Tọa trong một tăng phòng có đông chúng Tăng.
(4)- Trụ Gia Thượng Tọa: Là vị ngồi trên hết trong một bửa trai, có hạ lạp cao hơn tất cả mọi người.
Đức hạnh của bậc Thượng Tọa: Phải có đủ 10 phép
(1)- Trụ xứ: Tức là ở chỗ nào thì dắt dẫn mọi người theo chánh pháp, có một năng lực thù thắng khiến mọi người trong trụ xứ phải khâm phục.
(2)- Vô úy: Phải thể hiện tinh thần vô úy, tức không hề sợ hãi bất cứ sự việc gì.
(3)- Vô phiền não: Không bao giờ bận tâm đến những hoàn cảnh động tâm của thế tục, mà phát sinh những điều cáu, giận, buồn, yêu, ưa thích.v.v… nghĩa là không có một mảy may trần lao bám dính.
(4)- Đa văn: phải giỏi giang, hiểu biết rộng, tinh thông kinh, luật, luận và cả thế pháp.
(5)- Biện ngôn cụ túc: đủ tài biện luận, ngôn ngữ đàng hoàng, êm dịu.
(6)- Nghĩa thú minh liễu: Hiểu biết rành mạch nghĩa kinh sách.
(7)- Văn giả tín thọ: Ai được nghe lời giáo huấn cũng đều một lòng tuân theo và vâng giữ.
(8)- Thiện năng an toàn nhập tha gia: Khéo mở đạo tràng ngay tại các tư gia, mỗi khi đến thăm viếng, tức là khéo nhân cơ hội mà thuyết pháp mỗi khi đến nhà đó.
(9)- Năng vị bạch y thuyết pháp: Thường sẵn sàng thuyết pháp cho người tại gia, thấu triệt hoàn cảnh, đem đạo pháp mà khuyến hóa cho người tin phục.
(10)- Cụ tứ đế pháp: Tức đầy đủ đức hạnh và có điều kiện liễu biệt được mọi gốc rễ của sự khổ, hiểu nguyên nhân kết tập, biết rõ lối tà nẻo chánh và hiểu được lẽ tịch diệt là chân thuyết an lạc rốt ráo.
Trên đây chỉ là những ý kiến thô thiển, kính xin quý vị đóng góp thêm ý kiến.
(Nếu muốn hiểu rộng nghĩa của các danh từ trên xin tham khảo thêm trong Tỳ Nại Da Tạp Sự, Tăng Sử Lược, Tỳ Ni mẫu, Thích Thị Yếu Lãm, A Tỳ Đạt Ma, Huyền Ứng, Bí Tạng Ký Bản, Giải Luận Giáo Lý, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận-cuốn 2, Hiến Chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất [trước1975] và Hiến Chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam [sau 1975]).
Trúc Viên - phoquang.org
Từ khóa » Sư ông Là Gì
-
Tăng đoàn – Wikipedia Tiếng Việt
-
Vài Nét Về Cách Xưng Hô Trong đạo Phật | Sở Nội Vụ Nam Định
-
Sư ông Là Gì? Hiểu Thêm Văn Hóa Việt - Từ điển Tiếng Việt
-
Cách Xưng Hô Trong Phật Giáo
-
Từ điển Tiếng Việt "sư ông" - Là Gì?
-
Cách Xưng Hô Trong đạo Phật Sao Cho đúng - Văn Hóa Tâm Linh
-
Sư ông Nghĩa Là Gì? - Từ-điể
-
Xin Cho Biết Cách Xưng Hô Trong Đạo Phật - Thư Viện Hoa Sen
-
Cách Xưng Hô Trong Chùa - Thich Tri Sieu
-
Sư ông Làng Mai - Thầy Của Các Nghệ Sĩ - Tiền Phong
-
VN: Cuộc đời Của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh Qua Hình ảnh - BBC
-
Thầy Nhất Hạnh Mất đi, Nỗi Buồn Việt Nam Vẫn Còn đó - BBC