Tìm Hiểu “chí Công Vô Tư” Trong Tư Tưởng Hồ Chí Minh - Báo Hậu Giang
Có thể bạn quan tâm
Quản Trọng, nhà chính trị, nhà tư tưởng lớn của Trung Quốc thời Xuân Thu viết trong sách Quản Tử của mình: “風雨至公而無私 Phong vũ chí công nhi vô tư” nghĩa là “gió mưa rất công bình và không thiên vị”, nói lên tính khách quan của thế giới tự nhiên.
Sách 呂氏春秋 Lã Thị Xuân Thu (Mạnh Xuân Kỷ, Khử Tư) có kể ba câu chuyện về gương chí công vô tư, toàn văn theo bản dịch của Phan Văn Các như sau:
“Nghiêu có mười người con trai, mà Nghiêu không truyền thiên hạ cho con lại truyền cho Thuấn; Thuấn có chín người con trai mà Thuấn không truyền ngôi cho con lại truyền ngôi cho Vũ, đó là chí công vậy.
Tấn Bình Công hỏi Kỳ Hoàng Dương rằng: “Huyện Nam Dương khuyết chức Huyện lệnh, ai có thể giữ được chức đó để trị dân?”. Kỳ Hoàng Dương thưa rằng: “Giải Hồ có thể giữ được chức đó!”. Tấn Bình Công lại hỏi: “Giải Hồ chẳng phải là kẻ thù địch của nhà ngươi sao?”. Kỳ Hoàng Dương thưa: “Chúa công chỉ hỏi ai có thể giữ chân Huyện lệnh Nam Dương, chứ có hỏi đến kẻ thù của hạ thần đâu”. Tấn Bình Công khen: “Tốt lắm!” bèn dùng Giải Hồ. Mọi người trong nước đều khen là phải. Một thời gian sau, Tấn Bình Công lại hỏi Kỳ Hoàng Dương: “Quốc gia đang khuyết chức Đô úy, ai có thể đảm đương chức ấy?”. Kỳ Hoàng Dương thưa rằng: “Ngọ có thể đảm đương chức ấy”. Tấn Bình Công lại hỏi: “Ngọ chẳng phải là con của ngươi đó sao?”. Kỳ Hoàng Dương thưa: “Chúa công chỉ hỏi ai đảm đương được chức Đô úy, chứ có hỏi đến con của hạ thần đâu”. Tấn Bình Công khen: “Tốt lắm”, đoạn dùng Ngọ làm chân Đô úy. Người trong nước đều khen là phải. Khổng Tử nghe chuyện nói rằng: “Rất phải đó, lập luận của Kỳ Hoàng Dương. Tiến cử nhân tài, chẳng hề vì người ấy là kẻ thù mà dìm đi, cũng chẳng vì người ấy là con trai mình mà tránh tiếng”. Kỳ Hoàng Dương có thể gọi là chí công vậy.
Học phái Mặc Tử có một bậc đại học giả là Phúc Thôn sống ở nước Tần. Con ông ta giết người. Tần Huệ Vương nói: “Tiên sinh tuổi đã cao mà chẳng còn đứa con nào khác, quả nhân đã hạ lệnh cho kẻ lại không được giết nó. Về việc này xin tiên sinh hãy nghe lời quả nhân!”. Phúc thưa: “Phép của Mặc gia đã định, sát nhân giả tử, thương nhân giả hình (kẻ giết người phải tội chết, kẻ làm người khác bị thương phải chịu nhục hình). Đó là để ngăn cấm giết và sát thương người khác. Ngăn cấm sát thương là đại nghĩa của thiên hạ. Vương dẫu có gia ân cho con trai hạ thần, hạ lệnh cho các quan tha không giết nó, song hạ thần chẳng thể nào không thực hiện phép lớn của Mặc gia”. Ông ta không nghe theo Huệ Vương, cứ giết chết con mình. Con, ai mà chẳng yêu dấu, nén nỗi đau riêng để thực hành đại nghĩa, bậc đại học giả Mặc gia thật đáng gọi là chí công vô tư vậy”(1)
Theo nguyên văn chữ Hán, trong lời bình ở cuối mỗi câu chuyện, tác giả sách Lã Thị Xuân Thu dùng chữ “至公 chí công” cho Nghiêu Thuấn, chữ “公 công” cho Kỳ Hoàng Dương và Phúc Thôn; Phan Văn Các dịch thành “chí công”, “chí công vô tư” là hoàn toàn đúng với ngữ nghĩa của các từ này. Ba câu chuyện, mỗi câu chuyện có nội dung khác nhau, nhưng đều thể hiện cao độ tinh thần chí công vô tư của các bậc trí giả thời xưa. Tinh thần chí công vô tư trở thành phẩm chất cao đẹp mà loài người các thời đại luôn hướng tới dù phải trải qua bao cuộc bể dâu và trở thành một trong những nét đẹp của tinh hoa văn hóa nhân loại.
Trong Hán ngữ, “至公無私 chí công vô tư” đồng nghĩa với “大公無私 đại công vô tư”. Bản dịch chữ Hán Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh của BCHTƯ Đảng (Thế Giới, Hà Nội, 2008) đều dịch “至公無私 chí công vô tư” là “大公無私 đại công vô tư”. Ta có thể hiểu “chí công vô tư / đại công vô tư” có nghĩa là: Khách quan, công bình, chính trực; không thiên vị, không tự tư, tự lợi; mọi hành động đều vì đại nghĩa, vì lợi ích chính đáng của nhân loại, quốc gia, dân tộc, cộng đồng là trên hết.
Thấm nhuần tinh hoa văn hóa Phương Đông, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thụ sâu sắc giá trị của tinh thần chí công vô tư để tự rèn luyện cho bản thân mình, đồng thời xem đây là một trong những phẩm chất quan trọng của đạo đức cách mạng, cần phải giáo dục cho cán bộ, Nhân dân. Thông qua trí tuệ Hồ Chí Minh, trên tinh thần kế thừa có chọn lọc và phát triển, “chí công vô tư” có nội dung và ý nghĩa mới, phù hợp với mục tiêu, lý tưởng của cuộc cách mạng do Người lãnh đạo.
Luận điểm “chí công vô tư” định hình sớm trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong tác phẩm Đường Cách Mệnh (1927), Người nêu lên 23 điều thuộc về phẩm chất mà người cán bộ cách mạng cần phải có; trong đó, điều thứ 8 là: “Vị công vong tư”. “Vị công vong tư” có nghĩa là “vì việc công quên việc riêng tư”; vì thế, nó đồng nghĩa với “chí công vô tư”. Việc công lớn nhất ở thời điểm này chính là sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của thực dân Pháp. Từ đó trở đi, Hồ Chí Minh nhắc lại nhiều lần phẩm chất “chí công vô tư” cho đến lúc qua đời. Người viết trong Di chúc: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(2). Trước khi từ giã cõi đời, căn dặn về Đảng, về đạo đức của cán bộ, đảng viên, Bác vẫn không quên phẩm chất chí công vô tư!
Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm viêc (1947), Hồ Chí Minh viết về cách rèn luyện đạo đức cách mạng, phẩm chất chí công vô tư như sau:
“Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít, mà những tính tốt như sau, ngày càng thêm.
Nói tóm tắt, tính tốt ấy gồm có năm điều: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm.
a) NHÂN là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào. Vì thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân. Vì thế mà sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ. Vì thế mà không ham giàu sang, không e cực khổ, không sợ oai quyền. / Những người đã không ham, không e, không sợ gì thì việc gì là việc phải họ đều làm được.
b) NGHĨA là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không có việc gì phải giấu Đảng. Ngoài lợi ích của Đảng, không có lợi ích riêng phải lo toan. Lúc Đảng giao cho việc, thì bất kỳ to nhỏ, đều ra sức làm cẩn thận. Thấy việc phải thì làm, thấy việc phải thì nói. Không sợ người ta phê bình mình, mà phê bình người khác cũng luôn luôn đúng đắn.
c) TRÍ vì không có việc tư túi nó làm mù quáng, cho nên đầu óc trong sạch, sáng suốt. Dễ hiểu lý luận. Dễ tìm phương hướng. Biết xem người. Biết xét việc. Vì vậy, mà biết làm việc có lợi, tránh việc có hại cho Đảng, biết vì Đảng mà cất nhắc người tốt, đề phòng người gian.
d) DŨNG là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn, có gan chịu đựng. Có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý, không chính đáng. Nếu cần, thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút nhát.
đ) LIÊM là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa. / Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”(3)
Như vậy, quan niệm của Hồ Chí Minh về chí công vô tư rất rộng, trong đó chứa đựng nhiều phẩm chất tốt đẹp khác. Khi nghiên cứu toàn bộ tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, các nhà nghiên cứu đã rút ra những phẩm chất quan trọng nhất của đạo đức cách mạng mà Người đã đề cập là: Trung với nước, hiếu với dân; giàu lòng yêu thương con người; cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; có tinh thần quốc tế vô sản trong sáng. Các phẩm chất của đạo đức cách mạng này có quan hệ chặt chẽ nhau, làm tiền đề và là sự thể hiện của nhau.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao tinh thần chí công vô tư, thì Người là tấm gương mẫu mực, sáng đẹp về chí công vô tư. Các bậc tiền bối cách mạng thời dựng Đảng, các anh hùng liệt sĩ, các bà mẹ liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng, các cán bộ chiến sĩ bị tù đày, những người có công trong đấu tranh giải phóng dân tộc,…là biểu tượng cao đẹp tinh thần chí công vô tư. Không bút mực nào tả hết những hy sinh, mất mát mà cán bộ, chiến sĩ, đòng bào tự nguyện gánh chịu với tinh thần chí công vô tư để Tổ quốc được độc lập, thống nhất, nhân dân được vui sống thanh bình. Đó là truyền thống tốt đẹp trong thời đại Hồ Chí Minh, chúng ta cần phải trân trọng giữ gìn, giáo dục, phát huy cho các thế hệ tiếp theo.
Cuộc đấu tranh chống suy thoái, tha hóa, quan liêu, tham nhũng trong cán bộ hiện nay nhằm diệt trừ cái tà, cái ác, cái xấu; bảo vệ, phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, cách mạng; xây dựng nền đạo đức, con người Việt Nam mới. Cuộc đấu tranh này chắc hẳn là khó khăn, phức tạp, lâu dài; kết quả tùy thuộc vào “lòng mình” như Bác Hồ đã nói ở trên. Nếu mọi người đều tự coi mình là một chiến sĩ, thường xuyên chiến đấu một cách dũng cảm, khống chế được kẻ thù ích kỷ, tham lam nơi bản thân(4), thực hành tốt lời dạy của Bác về chí công vô tư, thì chắc chắn kết quả sẽ đạt được ngày càng nhiều hơn.
Khi đó, ta được hưởng trong thành quả chung: Có nhân cách cao đẹp, đạo đức trong sáng, có thể nghèo vật chất, tiền của nhưng giàu trí tuệ, tâm hồn; được Đảng tin cậy, nhân dân quý mến, dư luận đồng tình; cuộc sống ung dung, tự tại, hạnh phúc, an lành!
---------------------------
PHẠM MINH KHẢI
(1) Lã Thị Xuân Thu, Phan Văn Các dịch, Lao Động, Hà Nội, 2009, tr. 48-49.
(2) Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1999, tr. 38.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 251-252.
(4) Con người lòng tham không đáy: Tham chức, tham quyền, tham danh, tham lợi, tham tiền, tham của, tham giàu sang, tham phú quý, tham sung sướng, tham khoe khoang, tham ăn ngon, tham tửu, tham sắc, tham chơi,... Phật Giáo xếp “tham” đứng hàng đầu trong tam độc: THAM, SÂN, SI.
Từ khóa » Người Chí Công Vô Tư Là Người Như Thế Nào
-
Tìm Hiểu “chí Công Vô Tư” Trong Tư Tưởng Hồ Chí Minh
-
Bài 1: Chí Công Vô Tư - Hoc24
-
[CHUẨN NHẤT] Ý Nghĩa Của Chí Công Vô Tư - TopLoigiai
-
Thế Nào Là Chí Công Vô Tư? Biểu Hiện Của Chí Công Vô Tư - Lazi
-
GDCD 9 Bài 1: Chí Công Vô Tư - HOC247
-
Người Chí Công Vô Tư Là Người Như Thế Nào? - Cam Ngan
-
Bài 1: Chí Công Vô Tư | GDCD 9 (Trang 3 – 6 SGK) - Tech12h
-
Ví Dụ Về Chí Công Vô Tư - Luật Hoàng Phi
-
Em Hiểu Thế Nào Về Chí Công Vô Tư Và Tác Dụng Của Nó đối Với đời ...
-
Hướng Dẫn Trả Lời Câu Hỏi GDCD 9, Bài 1: Chí Công Vô Tư
-
Người Chí Công Vô Tư Là Người Luôn Sống Như Thế Nào? - Selfomy
-
Em đồng ý Với Quan Niệm Của Bạn Nào? Giải Thích Vì Sao? Theo Em ...
-
Biểu Hiện Của Chí Công Vô Tư