Tìm Hiểu Chi Tiết Văn Bản: Quê Hương - Tế Hanh

Quê hương là nguồn cảm hứng vô tận của nhiều nhà thơ Việt Nam và đặc biệt là Tế Hanh – một tác giả có mặt trong phong trào Thơ mới và sau cách mạng vẫn tiếp tục sáng tác dồi dào. Ông được biết đến qua những bài thơ về quê hương miền Nam yêu thương với tình cảm chân thành và vô cùng sâu lắng.

Ta có thể bắt gặp trong thơ ông hơi thở nồng nàn của những người con đất biển, hay một dòng sông đầy nắng trong những buổi trưa gắn với tình yêu quê hương sâu sắc của nhà thơ. Bài thơ “Quê hương” là kỉ niệm sâu đậm thời niên thiếu, là tác phẩm mở đầu cho nguồn cảm hứng về quê hương trong thơ Tế Hanh, bài thơ đã được viết bằng tất cả tấm lòng yêu mến thiên nhiên thơ mộng và hùng tráng, yêu mến những con người lao động cần cù.

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả

– Tế Hanh, tên khai sinh là Trần Tế Hanh, sinh năm 1921 tại một làng chài ven biển tỉnh Quảng Ngãi. Ông có mặt trong phong trào thơ mới ở chặng cuối (1940 – 1945) với những bài thơ mang nặng nỗi buồn và tình yêu quê hương thắm thiết.

– Sau năm 1945, Tế Hanh sáng tác bền bỉ nhằm phục vụ cách mạng và kháng chiến.

– Tác phẩm chính: Các tập thơ Hoa niên – 1945; Gửi miền bắc – 1955; Tiếng sóng – 1960; Hai nửa yêu thương – 1963…

2. Tác phẩm

a. Xuất xứ:

Quê hương là nguồn cảm hứng lớn trong suốt đời thơ Tế Hanh, mà bài “Quê hương” là sự mở đầu. Bài thơ này rút trong tập “Nghẹn ngào – 1939, sau được in lại trong tập Hoa niên – 1945.

b. Thể thơ – nhịp – vần:

– Thể thơ 8 tiếng: một thể thơ khá phổ biến trong phong trào thơ mới. Bài thơ nhớ rừng cũng làm theo thể này.

– Nhịp 3-2-3; 3-5.

– Vần chân, liền: sông, hồng; cá, mã; giang,làng; thắng, nắng; xăm, nằm…; bằng trắc nối tiếp từng cặp một.

c. Bố cục: 4 phần:

– Phần 1: 2 câu đầu: giới thiệu chung về làng quê của nhà thơ.

– Phần 2: 6 câu tiếp: Cảnh đoàn thuyền ra khơi đánh cá trong buổi sớm mai.

– Phần 3: 8 câu tiếp: Thuyền cá trở về bến.

– Phần 4: 4 câu cuối: nôn nao nỗi nhớ làng, nhớ biển quê hương.

II. Tìm hiểu văn bản

1. Giới thiệu chung về làng quê của nhà thơ

Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới: Nước bao vây cách biển nửa ngày sông. Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng, Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá:

– Quê hương trong tâm trí của những người con Việt Nam là mái đình, là giếng nước gốc đa, là canh rau muống chấm cà dầm tương.

– Còn quê hương trong tâm tưởng của Tế Hanh là một làng chài nằm trên cù lao giữa sông và biển, một làng chài sóng nước bao vây.

– Cách định vị, vị trí của Tế Hanh vô cùng độc đáo: Ông không nói Làng ông cách biển 5 cây, hay 10 cây, mà ông sử cách nói ước chừng, đoán ước là: “nửa ngày sông” để nói về vị trí, và khoảng cách ngôi làng của mình.

– Làng quê của Tế Hạnh hiện lên vô cùng sinh động, nên thơ: “Trời trong – gió nhẹ – sớm mai hồng”, không gian như trải ra xa, bầu trời như cao hơn và ánh sáng tràn ngập.

– Sự xuất hiện của người lao động với sự cần mẫn và cần cù: Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá:

+ Cho thấy một công việc vô cùng quen thuộc của những người dân chài lưới.

+ Từ “trai tráng” cho thấy sự khỏe khoắn, tinh thần hăng say lao động của họ.

2. Cảnh dân chài bơi thuyền ra khơi đánh cá

Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang. Cánh buồm trương, to như mảnh hồn làng Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…

– Đoàn thuyền ra khơi trong một buổi bình minh đẹp, khoáng đạt: bầu trời cao rộng, trong trẻo được điểm bởi những tia nắng hồng rực rỡ. Chỉ một câu thơ: Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng, tác giả đã vẽ được một không gian rộng lớn, vô tận.

– Nổi bật giữa không gian êm ả ấy, đoàn thuyền băng mình ra khơi với khí thế dũng mãnh của một con tuấn mã. Hình ảnh so sánh này làm cho câu thơ có cảm giác như mạnh mẽ hơn, thể hiện niềm vui và phấn khởi của những người dân chài.

– Bên cạnh đó, những động từ “hăng”, “phăng”, “vượt” diễn tả đầy ấn tượng khí thế băng tới vô cùng dũng mãnh của con thuyền toát lên một sức sống tràn trề, đầy nhiệt huyết. Vượt lên sóng. Vượt lên gió. Con thuyền căng buồm ra khơi với tư thế vô cùng hiên ngang và hùng tráng.

– Hình ảnh cánh buồm căng gió vốn mang một vẻ đẹp lãng mạn, có thể quan sát được, bất ngờ được so sánh với hồn làng là những gì lớn lao, thiêng liêng, phi vật thể.

=> Cánh buồm trắng vốn là hình ảnh quen thuộc nay trở nên lớn lao và thiên nhiên. Cánh buồm trắng thâu gió vượt biển khơi như hồn người đang hướng tới tương lai tốt đẹp. Có lẽ nhà thơ chợt nhận ra rằng linh hồn của quê hương đang nằm trong cánh buồm.

=> Sự so sánh này không làm cho cánh buồm được miêu tả cụ thể hơn nhưng nó đã gợi nên một vẻ đẹp mới, lớn lao, thiêng liêng, vừa thơ mộng, vừa hùng tráng. Biểu hiện linh hồn làng chài bằng hình ảnh cánh buồm trắng no gió biển khơi là một sáng tạo độc đáo của Tế Hanh.

– Ta có thể nhận ra rằng phép so sánh ở đây không làm cho việc miêu tả cụ thể hơn mà đã gợi ra một vẻ đẹp bay bổng mang ý nghĩa lớn lao. Đó chính là sự tinh tế của nhà thơ. Cũng có thể hiểu thêm qua câu thơ này là bao nhiêu trìu mến thiêng liêng, bao nhiêu hy vọng mưu sinh của người dân chài đã được gửi gắm vào cánh buồm đầy gió. Dấu chấm lửng ở cuối đoạn thơ tạo cho ta ấn tượng của một không gian mở ra đến vô cùng, vô tận, giữa sóng nước mênh mông, hình ảnh con người trên chiếc tàu nhỏ bé không nhû nhoi đơn độc mà ngược lại thể hiện sự chủ động, làm chủ thiên nhiên của chính mình.

=> Với âm điệu mạnh mẽ, sôi nổi, bằng những hình ảnh so sánh độc đáo, tám câu thơ đầu vừa vẽ ra một bức tranh thiên nhiên tươi sáng, vừa khắc hoạ đậm nét bức tranh lao động khoẻ khoắn, đầy sức sống của người dân nơi biển cả.

3. Cảnh thuyền cá về bến

Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ Khắp dân làng tấp nập đón ghe về. “Nhờ ơn trời, biển lặng cá đầy ghe”, Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.

– Cảnh dân chài đón thuyền cá về bến cũng là một bức tranh lao động náo nhiệt, đầy ắp niềm vui và sự sống.

– Những tính từ “ồn ào”, “tấp nập” toát lên không khí đông vui, hối hả đầy sôi động của cánh buồm đón ghe cá trở về.

– Người đọc như thực sự được sống trong không khí ấy, được nghe lời cảm tạ chân thành đất trời đã sóng yên, biển lặng để người dân chài trở về an toàn và cá đầy ghe, được nhìn thấy “những con cá tươi ngon thân bạc trắng”.

– Tế Hanh không miêu tả công việc đánh bắt cá như thế nào nhưng ta có thể tưởng tượng được đó là những giờ phút lao động không mệt mỏi để đạt được thành quả như mong đợi.

Dân chài lưới, làn da ngăm rám nắng, Cả thân hình nồng thở vị xa xăm; Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.

– Bốn câu thơ miêu tả người dân chài và con thuyền nằm nghỉ trên bến sau chuyến ra khơi là những câu thơ đặc sắc nhất, tinh tế nhất của bài Quê hương. Hình ảnh người dân chài vừa nổi bật với vẻ đẹp ngoại hình rắn rỏi, vạm vỡ: “làn ra ngăm rám nắng”, vừa gợi mở vẻ đẹp của một tâm hồn mộc mạc, đằm thắm, mặn mà – vẻ đẹp của biển cả. Đó là một vẻ đẹp vừa chân thực vừa lãng mạn. Hai câu thơ vừa tả thực vừa gợi cho người đọc những liên tưởng sâu xa, thú vị.

– Hai câu thơ tả chiếc thuyền nghỉ ngơi trên bến cũng là một sáng tạo độc đáo của Tế Hanh. Tác giả không chỉ nhìn thấy mà còn cảm nhận thấy “sự mệt mỏi say sưa” của con thuyền. Con thuyền vô tri đã trở thành một tâm hồn tinh tế không kém chủ nhân của nó. Sau bao ngày tháng lênh đênh, miệt mài trên biển, giờ đây, nó đang nằm và lắng nghe chất muối mặn mòi của biển thấm dần vào từng thớ vỏ, như một người lao động đang nằm và ngẫm nghĩ lại cả chặng đường vất vả, những giọt mồ hôi mà mình đã đổ xuống để có được thành quả lao động như ngày hôm nay.

– Trong cách miêu tả của Tế Hanh, ta thấy có sự gắn bó làm một giữa thiên nhiên cuộc sống với tâm hồn con người nơi đây. Và dù tác giả không biểu lộ trực tiếp tình cảm của mình nhưng trong cách miêu tả của ông, người đọc cảm nhận được sợi dây tình cảm thiêng liêng sâu nặng nối liền tâm hồn ông với thiên nhiên, cuộc sống và con người nơi đây. Không phải là một người con yêu dấu của quê hương, không yêu quê hương bằng tình yêu máu thịt và không có sự tinh tế tài hoa của một nhà nghệ sĩ thì không thể viết được những câu thơ sâu xa, xúc động như vậy.

3. Nỗi nhớ quê hương

Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi, Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi, Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!

– Nếu không có mấy câu thơ này, có lẽ ta không biết nhà thơ đang xa quê. Từ đó ta có thể nhận ra rằng quê hương luôn nằm trong tiềm thức nhà thơ, quê hương luôn hiện hình trong từng suy nghĩ, từng dòng cảm xúc. Nỗi nhớ quê hương thiết tha bật ra thành những lời nói vô cùng giản dị: “Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá”.

– Tế Hanh nhớ tất cả, từ màu nước xanh, cá bạc, cánh buồm vôi… rồi cuối cùng hội tụ lại ở cái mùi nồng mặn. Cái mùi nồng mặn, trong tâm tưởng nhà thơ, chính là hồn thơm, hồn thiêng của quê hương. Những tưởng không có cách nào diễn tả tình yêu và nỗi nhớ quê giản dị mà sâu sắc, xúc động hơn nữa vậy.

=> Đó là vẻ đẹp tươi sáng, khỏe khoắn, mang hơi thở nồng ấm của lao động của sự sống, một tình yêu gắn bó, thủy chung của tác giả đối với quê hương.

III. Tổng kết

1. Nội dung:

– Nhà thơ đã gửi gắm trong những câu thơ giản dị mà tinh tế, tài hoa mà ân tình sâu nặng đối với quê hương miền biển của mình. Tình cảm của tác giả đối với làng quê là tình cảm tha thiết, chân thành.

– Bài thơ tả cảnh thiên nhiên, sinh hoạt nhưng vẫn là bài thơ trữ tình biểu cảm. Cảm xúc, nỗi nhớ làng quê tràn ngập tâm hồn chủ thể trữ tình.

– Với những vần thơ trữ tình bình bị mà gợi cảm, bài thơ Quê hương của Tế Hanh đã vẽ ra một bức tranh tươi sáng, sinh động về một làng quê miền biển, trong đó nổi bật lên hình ảnh khỏe khoắn, đầy sức sống của người dân chài và sinh hoạt lao động làng chài.

2. Nghệ thuật:

– Hình ảnh thơ đẹp, ấn tượng: con thuyền ra khơi, con thuyền nghỉ ngơi trên bến; cánh buồm – mảnh hồn làng; mùi nồng mặn.

– Nghệ thuật so sánh độc đáo, bất ngờ: “chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã” hay “cánh buồm giương to như mảnh hồn làng”.

 – Nghệ thuật nhân hóa đặc sắc: “chiếc thuyền …vỏ”, nghệ thuật ẩn dụ: “dân chài lưới… xa xăm”.

Từ khóa » Giới Thiệu Về Tác Phẩm Quê Hương Tế Hanh