Tìm Hiểu Lễ Hội đua Ghe Ngo Của Người Khmer Sóc Trăng
Có thể bạn quan tâm
TÓM TẮT
Người Khmer Nam bộ nói chung, Khmer Sóc Trăng nói riêng có phong tục đua ghe ngo. Lễ hội đua ghe ngo là dịp tập trung người Khmer đông đảo nhất, không chỉ từ một tỉnh thành mà từ nhiều tỉnh thành trong khu vực. Vì thế, có thể nói, tính cố kết cộng đồng của lễ hội này đã vượt ra ngoài ranh giới của một địa phương mà trở thành của cả vùng. Trong bài viết này, chúng tôi trình bày lễ hội đua ghe ngo dưới nước (tuk ngo) vào dịp lễ cúng trăng (Óc om boc) của người Khmer.
***
1. Vài nét về nguồn gốc lễ hội đua ghe Ngo
Người Khmer Nam bộ nói chung, Khmer Sóc Trăng nói riêng có phong tục đua ghe ngo. Đua ghe ngo của người Khmer gồm hai loại: đua trên cạn và đua dưới nước. Đua ghe ngo trên cạn chủ yếu là sự tái hiện, mô phỏng lại cuộc đua ghe dưới nước. Nó thường được tổ chức gắn liền với các lễ hội truyền thống và đó là một trò chơi thường xuất hiện trong phần hội sau các lễ thức truyền thống. Vì thế, chúng tôi chỉ trình bày ở đây loại đua ghe ngo dưới nước (tuk ngo).
Gắn liền với lễ cúng trăng (rằm tháng 10 âm lịch), người Khmer Sóc Trăng tổ chức đua ghe ngo. Đây được coi là hoạt động rước nước đặc thù của cư dân nông nghiệp lúa nước. Điều này chứng tỏ rằng, người Khmer khát khao có một mùa màng bội thu thể hiện qua hoạt động đua ghe, rước nước này.
Theo phong tục, cũng vào ngày rằm tháng 10 âm lịch hằng năm, người Khmer Nam bộ (chủ yếu ở Sóc Trăng, một số tỉnh như Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang...) hăm hở tham gia lễ hội đua ghe ngo, đây là lễ hội lớn của tộc người này và cũng là một lễ hội truyền thống.
Về nguồn gốc của lễ hội này có truyện tích Sự tích đua ghe Ngo. Nội dung câu chuyện được kể như sau: “Ngày xưa, khi các bộ tộc còn đánh nhau vì tranh giành quyền lực, các cuộc đánh nhau giữa các bộ tộc của người Thái, Miến Điện, Chămpa và Khmer thường xuyên diễn ra không chỉ trên bộ mà còn cả trên biển, trên các con sông.
Lúc này để phục vụ nhu cầu chiến trận, người Khmer đã chế ra một loại thuyền thân dài, thon, đầu ngóc lên tiến về phía trước rất tiện lợi cho việc di chuyển nhanh trên sông để giết kẻ thù và cùng lúc loại ghe này có thể chở được nhiều binh lính. Thế là họ tiến hành tập trận vào mùa nước nổi. Ban đầu rất ít người, sau đó, họ chọn người chỉ huy và xếp thành hàng ngũ nghênh trận rất hiên ngang.
Khi chiến trận diễn ra, bằng loại ghe này, người Khmer đã giữ được đất nước của mình. Hoà bình, người Khmer rất ít dùng loại ghe này.
Mãi cho đến đời con cháu của họ, nhớ lại chiến công cha ông xưa kia, nhân ngày lễ Óc om bok - vào ngày 15 tháng 10, trăng sáng, nước lớn đầy sông, họ tổ chức hội đua ghe Ngo để tưởng nhớ người xưa đã khuất. Sự tích đua ghe Ngo là như thế!”[1].
Ngoài truyện tích nêu trên, hội đua ghe ngo còn có truyện tích khác là “Sự tích hội bơi đua”. Câu chuyện như sau: “Ngày xưa, vào ngày 15 tháng 10 âm lịch, vua Người cùng vợ con và hoàng tộc, tuỳ tùng đi dạo trên sông. Họ gặp vua Rồng, vì vua Người thấy vợ của vua Rồng đẹp nên muốn cướp đi. Hai bên đề nghị bơi đua. Vì gian xảo độc ác, vua Người đã giết chết vua Rồng và cướp được vợ. Sau khi vua Người chết, vua Rồng được tiên trên trời cứu thoát nay trở về đoàn tụ với vợ con. Vợ vua Rồng nói bà đã thương vua Người và xin vua Rồng kỉ niệm ngày mà hai nhà vua đã thi thố bơi đua. Từ đó về sau cứ đến ngày 15 tháng 10 âm lịch, đồng bào Khmer tổ chức bơi đua để tưởng nhớ họ”[2]. Bên cạnh hai truyện tích trên đây còn có truyện tích khác lý giải sự ra đời của chiếc ghe ngo là quá trình mô phỏng hình dáng của loài rắn trong quá trình người Khmer chống lại các loài thủy quái khi mà vùng đất Nam bộ xưa có rất nhiều cá sấu và các loài thủy quái khác.
Như vậy, tổng hợp các truyện tích trên đã phần nào cho ta thấy rõ nguồn gốc, thời gian, địa điểm, ý nghĩa của hội đua ghe ngo. Dưới đây là phần miêu tả cụ thể.
2. Quy trình chuẩn bị và diễn biến hội đua ghe Ngo
Về quy trình từ làm ghe ngo đến chuẩn bị các thao tác và nghi thức liên quan đến đua ghe ngo được trình bày dưới đây.
Ghe ngo là một loại ghe có hình dáng dài như con thoi, đầu và đuôi cong lên, đặc biệt ghe này không có mui, có độ dài từ 25 đến 27 mét, với khoảng 20 đến 24 khoang dành cho 50 - 60 người chèo ngồi để đua.
Nguyên liệu làm ghe này chính là cây Sao nguyên vẹn, người ta đem khoét lỗ bỏ phần ruột cây. Công đoạn này do các nghệ nhân Khmer có tay nghề cao và các sư sãi ở các chùa cùng làm, vì hầu như chùa Khmer nào ở Nam bộ cũng có ghe ngo để tham gia vào cuộc đua hằng năm, điều này chứng tỏ hội đua ghe ngo có vai trò quan trọng trong đời sống nông nghiệp của người Khmer Nam bộ. Đặc biệt, phum, sóc nào có ghe tham dự cuộc đua năm nay thì năm sau cũng cố gắng tham dự cho bằng được nếu không sẽ cảm thấy không an tâm, bứt rứt vì một phần cảm thấy thua thiệt, một phần có một ấn tượng không may mắn cho phum, sóc của mình. Từ ý nghĩa khác, người Khmer quan niệm, đua ghe là một hoạt động rước nước, nên nếu không tham gia, phum sóc đó sẽ không được thuận thời trong việc trồng trọt. Ý niệm về sự thiếu nước - hạn hán sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình canh tác cây lúa của tộc người này. Đây là tâm thức thể hiện rõ giá trị tâm linh của việc đua ghe ngo trong đời sống của người Khmer Nam bộ.
Trở lại với chiếc ghe ngo, sau khi đóng ghe xong, người ta dùng giấy nhám và các vật dụng khác của nghề làm mộc để chà cho thật bóng, trơn và dùng màu sơn phết lên chiếc ghe đua. Sau cùng, họ trang trí chiếc ghe theo phong cách Khmer rất đẹp và giàu tính mỹ thuật. Theo đó, thân ghe thì người Khmer sơn màu đen, trên phần be thì sơn một vệt màu trắng, màu vàng hoặc đỏ với độ dài khoảng chừng 5 cm. Phần còn lại là hai bên ghe được chạm trỗ rất tinh xảo, hoặc người ta vẽ hình vẫy các con vật như rồng, hay rắn theo mô típ quen thuộc là naga. Đầu ghe người ta vẽ các hình con thú như rồng, (chim) công, sư tử, cọp, voi, vừa là biểu hiện cho sức mạnh của chiếc ghe đua, vừa thể hiện được cái đẹp độc đáo của văn hóa truyền thống Khmer. Vì gần như mỗi chùa đều có một chiếc ghe ngo nên họ thường viết tên chùa lên chiếc ghe ngo với ý nghĩa đại diện của phum, sóc có chùa tham gia hội thi này. Ngoài ra, người ta còn đánh số từng ghe để dễ theo dõi trong hội thi và để dễ phân thắng bại trong những cuộc đua nước rút.
Do ghe có thân hình thoi, dài và kéo về hai phía đầu và sau lái đều có độ cong nên nếu khi bơi động tác phối hợp không nhịp nhàng, ăn ý sẽ dẫn đến mất thăng bằng và làm cho ghe bị lật, chìm. Vì thế, trước khi đưa ghe xuống nước, thường là một con sông gần chùa nhất, để luyện tập tham gia thi đấu, người ta thường tổ chức luyện bơi trên cạn sao cho động tác được thuần thục.
Theo phong tục, người được chọn để bơi phải là những thanh niên khỏe mạnh có sức vóc, đặc biệt phải quen với môi trường sông nước, biết bơi ghe thành thạo và phải bơi sao cho có sự nhịp nhàng cùng đồng đội. Quan trọng hơn cả người đua là người ngồi ở đầu ghe giữ nhịp bằng cách đánh đều nhịp xòe bàn tay ra chỉ huy từng nhịp chèo. Đây là người chỉ huy được chọn từ những người thành thạo về môn đua ghe ngo và có uy tín trong phum, sóc. Bên cạnh đó, còn có người ngồi giữa đánh cồng (nay chủ yếu dùng tu huýt để thổi cho lớn nhằm cho các tay đua nghe rõ) thúc giục các tay đua vượt sóng tiến lên.
Theo như phong tục, hội đua ghe ngo thường diễn ra theo thời gian làm ba bước như sau:
- Trước cuộc đua, người ta tổ chức tập đua ghe ngo từ thời gian 1 đến 2 tuần lễ, có phum, sóc vì muốn có thành tích nên tập cả tháng trời. Hằng ngày, các tay đua tập theo giờ rãnh rỗi và theo con nước, vì sông nước ròng (kém) không tập được. Thời gian tập được chọn chủ yếu là sáng sớm và chiều mát để các tay đua không bị mất sức. Tuy nhiên, người ta còn chọn những buổi trưa nắng để tập nhằm nâng cao sức chịu đựng khi vào đua chính thức bởi khi đua có lúc đua từ sáng đến chiều, đòi hỏi sự bền bĩ về thể lực của các tay đua. Vì thế, mỗi khi vào hội đua, ta thấy ở từng đoạn sông có chùa Khmer không khí hò reo, người ta ra bờ sông xem các tay đua của phum, sóc mình luyện tập rất đông đúc.
Để tham gia cuộc đua, sau khi ban tổ chức thông báo thể lệ và ngày, giờ, địa điểm đến từng phum, sóc, đơn vị nào tham gia thì đăng ký và thành lập một ban tổ chức điều hành, lựa chọn các tay đua và bắt đầu công việc tập đua tại địa bàn mình cư trú. Thường công việc này do những người lớn tuổi phối hợp với các sư sãi trong chùa thực hiện. Cũng có khi, người ta đi vận động tiền và các vật dụng khác để có kinh phí tham gia và đoạt giải trong cuộc đua nhằm thể hiện bộ mặt và sức mạnh của phum, sóc mình. Hầu hết bà con trong phum, sóc đều hết lòng vì cuộc đua nên kinh phí thường là rất đầy đủ, đảm bảo cho các tay đua tham gia cuộc đua một cách tốt nhất.
- Vào buổi sáng sớm trước ngày đua, các ghe ở gần và kể cả ở xa địa điểm đua bắt đầu làm lễ xuất quân. Địa điểm xuất quân thường diễn ra ở chùa, ở đoạn sông hay kênh nằm ở trung tâm của phum, sóc. Trong ngày này có đầy đủ chính quyền, sư sãi chùa, chức sắc, các trưởng lão và hầu hết bà con trong phum, sóc. Tại đây, người ta tiến hành bầu chọn người chỉ huy ghe ngo cho cuộc đua sắp tới.
Sau khi đã chuẩn bị xong mọi thứ thì bắt đầu lên đường về nơi tập kết để dự cuộc đua ghe. Thường, ghe được bơi biểu diễn một đoạn ngắn để tạo khí thế lấy đà. Sau đó, ghe này được một chiếc ghe máy có mã lực mạnh kéo; đi cùng là một chiếc ghe cà hâu (làm nhiệm vụ hậu cần) có cả nơi nghỉ ngơi cho cả đoàn đua, chở theo dàn trống, dàn nhạc ngũ âm quen thuộc. Như vậy, tính cả các tay đua và đoàn ghe hậu cần này, có trên dưới 100 người tham gia. Ngoài ra, cổ động viên muốn cổ động cho ghe đua của phum, sóc mình thì tự đi riêng. Không khí đặc biệt náo nhiệt khi đoàn ghe đua đi đến đâu là trống nhạc cổ vũ và tiếng hò reo vang dậy đến đó. Nói cả phum, sóc cùng tham gia vào cuộc đua là vậy.
Mỗi đội đua thường chọn cho mình một địa điểm thích hợp vừa thuận lợi cho việc cổ động, vừa thuận lợi cho việc hậu cần và điều hành dễ dàng. Ban tổ chức của đoàn đua tiến hành phân công từng nhóm làm nhiệm vụ lo thức ăn, nước uống… Đối với đội đua thì kiếm địa điểm thuận lợi để tập dợt, bơi riêng và mời một vài đội khác cùng dợt để rút kinh nghiệm và dò sức đối thủ. Cuộc tập dợt này dài hay ngắn còn phụ thuộc vào thời gian cho phép và đặc biệt là ban tổ chức của mỗi đội vì họ có chiến thuật riêng. Thường họ hay nhắc đội đua của mình phải nghỉ dưỡng sức để tranh tài thắng lợi.
Việc bốc thăm đã xong từ trước, đến giờ đua tất cả các đội ghe tham gia đều tập trung tại khán đài để bốc thăm, nhận lịch đua. Việc bốc thăm thường diễn ra trước ngày đua vừa để tiện cho việc sắp xếp, vừa để các đội đua biết thêm thông tin về đối thủ của mình sắp tới. Sau đó, cuộc đua bắt đầu.
Người ta tổ chức đua ghe theo từng đợt một. Mỗi đợt đua là một cặp ghe theo bảng đã được bốc thăm từ trước. Vì thế, nhiều đội tham dự sẽ có nhiều bảng đấu xếp theo A, B, C…và cuộc đua diễn ra liên tục từ vòng loại đến chung kết. Về mặt thời gian, cuộc đua phải chịu sự chi phối của thời gian con nước lên, từ 1 giờ 30 đến 2 giờ 30 phút ngày 15 tháng 10 âm lịch. Nếu có đua buổi sáng thì bắt đầu phải từ 7 giờ 30 sáng.
Hiện nay, địa điểm diễn ra cuộc đua ghe ngo là thành phố Sóc Trăng. Người ta chọn một đoạn sông từ sông Maspero (trên đường Lý Thường Kiệt) đến sông Xung Đinh để tổ chức cuộc đua. Tất cả các ghe của các tỉnh như Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, An Giang, Cần Thơ,… đều về đây tham dự. Buổi chiều trước ngày đua là thời điểm các đội đua của tỉnh nhà Sóc Trăng và các tỉnh bạn kéo về đây để chuẩn bị cho cuộc đua sắp tới. Người đông như trẩy hội, không kể thành phần người Khmer, người Kinh, người Hoa tất cả đều hào hứng tham gia lễ hội truyền thống này của người Khmer Nam bộ. Hiện nay, đua ghe ngo đã trở thành Festival Đua ghe ngo của tỉnh Sóc Trăng. Tại địa điểm đua, người ta xây dựng thành hai khán đài dài (A, B) và lớn sức chứa lên đến vài nghìn người và rất dễ quan sát cuộc đua. Đặc biệt, người Khmer rất hăm hở chờ đợi được chứng kiến đội đua của mình để cổ vũ động viên và sẽ rất tự hào nếu ghe mình có giải cao.
Vào cuộc đua, từng đợt ghe một có thể là một đôi ghe hoặc ba ghe cùng tiến về phía trước ào ào lướt sóng. Tiếng hò reo, cổ vũ, tiếng trống, tiếng kèn, dàn nhạc ngũ âm vang lên làm cho các tay đua không biết mệt mỏi. Không khí cuộc đua vì vậy mà dù có gió, mưa cũng vẫn cứ tiến hành. Hai bên bờ sông người đông nghẹt với những dải lụa đủ màu sắc cổ vũ cho cả đoàn đua, không phân biệt bên nào của đội nào, người có sức vóc thì lội cả xuống mé sông để nhìn đoàn đua cho gần.
Ảnh: Hai ghe đua nước rút (ảnh: Văn Triệu).
Sau khi loại từng đối thủ, để vào chung kết, đội đua cần phải có các tay đua không chỉ mạnh mà còn bền, kèm theo người chỉ huy giỏi và công việc hậu cần tốt. Kết thúc cuộc đua, ghe chiến thắng được trao giải trước tiếng vỗ tay của rừng người. Đặc biệt, họ không quan trọng quá phần thưởng và đội nào thắng cuộc mà tất cả đều vui vẻ, hẹn gặp lại cuộc đua năm sau.
Sau cuộc đua, tất cả các đội chia nhau ra về cùng ghe máy hộ tống cổ vũ. Những ghe đi chung đoạn đường sông thì cùng kết thành một đội, cùng vui liên hoan, ca múa trên chiếc ghe cà hâu (ghe hậu cần). Đoàn người cổ vũ tan dần và phải có hơn hàng giờ đồng hồ họ mới rời khỏi được địa điểm đua. Sau khi cổ vũ cuộc đua, họ bắt tay vào cúng trăng và tiến hành lễ đút cốm dẹp truyền thống.
3. Thay lời kết luận
Lễ hội đua ghe ngo là dịp tập trung người Khmer đông đảo nhất, không chỉ từ một tỉnh thành mà từ nhiều tỉnh thành trong khu vực. Vì thế, có thể nói, tính cố kết cộng đồng của lễ hội này đã vượt ra ngoài ranh giới của một địa phương mà trở thành của cả vùng. Từ đó, ta thấy rõ tình đoàn kết, tính cộng đồng và tinh thần tham gia lễ hội đua ghe ngo của người Khmer Nam bộ là một thứ văn hoá vô giá. Với số lượng người tham gia hằng năm lên đến ba bốn trăm nghìn người, lễ hội đua ghe ngo của người Khmer Nam bộ là một sản phẩm văn hóa truyền thống hết sức đặc sắc có sức lan tỏa, thể hiện rõ tinh thần Khmer. Và sau cuộc đua, tất cả các ghe ngo đều được đem về chùa cất giữ, bảo quản. Vì thế, mỗi chùa ngoài các khuôn viên sinh hoạt thường nhật và nơi thực hiện các nghi lễ lại có thêm chỗ để ghe ngo. Thường nhà chùa chọn chỗ cao ráo, làm một gian nhà lợp lá hay tole và phía dưới làm khung gỗ kê lên để ghe không bị hư hỏng. Như vậy, sau ngày hội vui này, tất cả mọi người về lại với phum, sóc của mình bắt đầu làm ăn, sinh sống và nhà chùa sẽ là nơi tiếp tục thể hiện vai trò là điểm tựa cho đời sống văn hóa tâm linh trong từng phum, sóc./.
Tài liệu tham khảo
1. Chu Xuân Diên (chủ biên) (2002), Văn học dân gian Sóc Trăng, Nxb Tp. Hồ Chí Minh.
2. Sơn Phước Hoan (1998) (chủ biên), Lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
3. Lê Hương (1969), Người Việt gốc Miên, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn.
4. Huỳnh Lứa (1987), Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ, Nxb Tp, Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh.
5. Trường Lưu (1993), Văn hóa người Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Lời nói đầu), Nxb Văn hóa Đông Tây, Hà Nội.
6. Nguyễn Xuân Nghĩa (1987), Lễ hội Nông nghiệp cổ truyền của người Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tạp chí văn học dân gian số 04.
7. Đặng Vũ Thị Thảo (1993), Lễ hội của người Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long, (Về văn hóa của đồng bào Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long), Nxb văn hóa dân tộc, Hà Nội.
8. Huỳnh Ngọc Trảng (1993), Văn học Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tài liệu về văn hóa của đồng bào Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
9. Tiền Văn Triệu (2011), Tích xưa về người Khmer Sóc Trăng, Nhà xuất bản Phương Đông, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng.
THE NGO-BOAT RACING FESTIVAL OF THE KHMER IN SOC TRANG
Abstract
The Khmer people in Soc Trang Province, and in the whole country of Vietnam, have the tradition of racing Ngo boats (or Tuk Ngo in the Khmer language). This tradition makes the most-crowded festival of the Khmer in a year, gathering many Khmer people from various Southern provinces. Therefore, the festival can strengthen the tie of the Khmer community not only in a narrow area of Soc Trang but also in a larger area of Southern Vietnam. This article describes the festival of racing Ngo boats in the larger picture of the Full Moon Festival (Ok Om Bok) of the Khmer.
[1]. Tiền Văn Triệu, Tích xưa về người Khmer Sóc Trăng, Nhà xuất bản Phương Đông, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng, 2011, trang 56.[2] Chu Xuân Diên (chủ biên) (2002), Văn học dân gian Sóc Trăng, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, trang 124.
fShare Tweet Bạn có thể quan tâm:- Tưởng niệm Trịnh Công Sơn - 2011-04-01 - 07:00:00
- Lê Đình Kỵ trong lý luận - phê bình văn học - 2008-09-13 - 11:45:20
- Sinh viên Khoa Văn học và Ngôn ngữ đạt giải nhất ... - 2008-09-17 - 10:46:00
- Giới thiệu Khoa - 2012-04-07 - 07:00:00
- Bộ môn Văn học Việt Nam - 2008-12-28 - 02:54:30
- Bộ môn Lý luận và Phê bình văn học - 2008-12-28 - 02:54:57
- Bộ môn Văn học nước ngoài và Văn học so sánh - 2008-12-28 - 02:55:44
- Bộ môn Nghệ thuật học - 2008-12-28 - 02:56:18
- Bộ môn Hán Nôm - 2008-12-28 - 02:56:32
- Nhẫn - 2008-09-17 - 10:53:15
- Về một người bạn đã đi xa - 2009-01-16 - 08:42:39
Từ khóa » Tìm Hiểu Về Ghe Ngo
-
Lễ Hội đua Ghe Ngo Sóc Trăng - Nét Văn Hóa đặc Sắc Của đồng Bào ...
-
Độc đáo Ghe Ngo Của đồng Bào Khmer | VOV.VN
-
Quá Trình Hình Thành Và Phát Triển đua Ghe Ngo Sóc Trăng
-
Đua Ghe Ngo - Môn Thể Thao đặc Trưng Miền Sông Nước
-
Lễ Hội đua Ghe Ngo: Tinh Thần đoàn Kết Cộng đồng Tạo Thành Sức ...
-
Người Giữ Gìn Nét đẹp Ghe Ngo
-
Ý NGHĨA LỄ HỘI ĐUA GHE NGO Ở SÓC TRĂNG - VYC Travel
-
ĐÔI NÉT VỀ LỄ HỘI OOC OM BOC VÀ ĐUA GHE NGO CỦA ĐỒNG ...
-
Độc đáo Lễ Hội đua Ghe Ngo Của đồng Bào Khmer - Báo Thanh Tra
-
Oóc Om Bóc - Đua Ghe Ngo Lễ Hội Hấp Dẫn, Mang đậm Dấu ấn Văn ...
-
Lễ Hội Đua Ghe Ngo - DU LỊCH TRÀ VINH
-
Đua Ghe Ngo - Nét Văn Hóa đặc Sắc Của đồng Bào Khmer
-
Tivi Online - Truyền Hình Sóc Trăng
-
Hành Trình Tìm Về Những Chiếc Ghe Ngo độc Mộc - Ủy Ban Dân Tộc