Tìm Hiểu Nghị Luận Xã Hội Là Gì? - Dinhnghia
Có thể bạn quan tâm
Nghị luận xã hội là thể loại văn nghị luận quen thuộc trong văn học và đối với các bạn học sinh. Vậy nghị luận xã hội là gì? Cùng theo dõi bài viết của Dinhnghia để hiểu rõ về văn nghị luận xã hội và cách làm bài văn nghị luận xã hội chi tiết nhất!
Tìm hiểu nghị luận xã hội
Nghị luận là gì?
Nghị luận là phương pháp hay một văn bản (hoặc dạng thức của văn bản) có nội dung chủ yếu là bàn về một đối tượng nào đó, như: một tác phẩm văn học, các vấn đề xã hội như đời sống, chính trị. Qua đó, người đọc/người nghe được cung cấp những lý lẽ, dẫn chứng mang tính thuyết phục từ người viết/người nói.
Văn nghị luận xã hội là gì?
Văn nghị luận ở nước ta được xem là một thể loại lâu đời, mang tính giá trị trong trường lịch sử cũng như trong công cuộc dựng nước – giữ nước. Xuất phát điểm từ Chiếu dời đô (1010) của Lý Công Uẩn cho đến Bình Ngô đại cáo (1428) của Nguyễn Trãi. Văn nghị luận cho đến thế kỷ 20 lại càng ngày phát triển và phổ biến hơn.
Vậy văn nghị luận xã hội là gì? Thực chất đây là một phương pháp nghị luận bàn về các vấn đề thuộc các lĩnh vực xã hội, chính trị, đạo đức, đời sống. Đây là thể loại văn học được sử dụng nhằm làm sáng tỏ, mở rộng vấn đề. Nghị luận xã hội bao gồm tất cả những vấn đề về lối sống, đạo lý, tư tưởng, những hiện tượng tốt xấu, đúng sai trong xã hội. Từ đó có thể đưa ra cái nhìn chân thực của bạn về vấn đề đó và ứng dụng vào đời sống ra sao.
Thể loại văn nghị luận được người viết, viết ra nhằm mục đích nêu ra cho người đọc và người nghe hiểu rõ về tư tưởng của người viết đối với một vấn đề, hiện tượng nào đó trong văn học hoặc đời sống. Để tăng tính thuyết phục, người viết sẽ đưa ra được những minh chứng và giải thích rõ vấn đề đó.
Ví dụ: Trình bày suy nghĩ của anh chị về đức tính hy sinh.
Sau khi hiểu được khái niệm văn nghị luận xã hội, các bạn nên hiểu rõ những đặc điểm của văn nghị luận xã hội. Nhằm mục đích đưa ra được những chứng kiến theo đúng kết cấu của văn nghị luận xã hội. Đó là việc nêu ra được luận điểm và luận cứ cho bài văn.
- Về luận điểm: Người viết nêu ra được ý kiến của bản thân về tư tưởng, quan điểm trong bài văn nghị luận. Một bài văn nghị luận xã hội phải nêu ra được những luận điểm gồm: Luận điểm chính, luận điểm triển khai, luận điểm kết luận. Các luận điểm như: Chứng minh những tư tưởng đúng chuẩn mực, phê phán những hành vi sai lệch.
- Về luận cứ: Người viết đưa ra được những minh chứng, lý lẽ của mình để chứng minh cho cơ sở bạn đã nêu ra trong luận điểm. Luận cứ trả lời cho những câu hỏi như: Luận điểm đó có đáng tin không? Vì sao lại như thế? Vấn đề đó có ý nghĩa gì? Nguyên nhân của vấn đề,…
Các dạng nghị luận xã hội là gì?
Nghị luận về một hiện tượng đời sống
Đây là dạng tổng hợp các kiến thức về một hiện tượng nào đó trong đời sống, bằng những lập luận lý lẽ của mình để chứng minh cho hiện tượng đó. Những hiện tượng xã hội đó là những hiện tượng đang tạo sự chú ý và tác động trực tiếp đến đời sống.
Các bạn phải đưa ra những giải thích cho hiện tượng đó xem mặt tốt xấu của vấn đề, bởi kiểu bài này thường là những hiện tượng tích cực hoặc tiêu cực.
Đề tài nghị luận xã hội về một hiện tượng đời sống thường hướng tới các vấn đề được bàn luận nhiều và được quan tâm trong đời sống như: Hiến máu tình nguyện, vấn đề chơi game của học sinh, an toàn thực phẩm, tệ nạn xã hội,…
Ví dụ:
- Suy nghĩ của em về vấn đề chơi Facebook của học sinh hiện nay
- Em cảm thấy như thế nào về việc lạm dụng công cụ công nghệ vào việc học tập
- Ý kiến của em trong vấn đề an toàn thực phẩm của những món ăn đường phố tại Việt Nam?
Nghị luận về một tư tưởng đạo lý
Đây là dạng văn nói về một tư tưởng đạo lý, câu nói mang tính nhận thức về các vấn đề như quan hệ bạn bè, quan hệ gia đình, tính cách của con người. Với hai dạng tư tưởng đạo lý là trực tiếp và gián tiếp, vấn đề nghị luận về tư tưởng đạo lý có thể được đặt ra từ một mẩu truyện hoặc thể hiện dưới dạng câu nói.
Đề tài nghị luận xã hội này thướng hướng tới các mối quan hệ giữa người với người, khai thác các khía cạnh khác nhau trong cách nghĩ của mỗi người về các tư tưởng, chân lý từ ngày xưa hoặc các chân lý mới trong xã hội ngày nay, các đức tính của con người, lý tưởng sống, đạo lý của con người,…
Ví dụ:
- Trình bày suy nghĩ của bạn về câu nói “Có tài mà không có đức thì làm việc gì cũng vô dụng”
- Theo bạn thì mối quan hệ tình hàng xóm láng giềng của người Việt có đáng trân trọng hay không, có thể xem là truyền thống của nước ta hay không?
- Có người cho rằng, câu nói “giậu đổ bìm leo” nhằm nói rằng ta không nên giúp đỡ người khác nếu không sẽ mang thiệt vào thân, bạn nghĩ sao về ý kiến này?
Cấu trúc bài văn nghị luận xã hội
Cấu trúc bài văn nghị luận xã hội là gì? là câu hỏi mà các bạn quan tâm nhiều nhất. Văn nghị luận cũng giống như các thể loại văn khác được chia thành 3 phần cơ bản.
- Mở bài: Giới thiệu vấn đề, đưa ra vấn đề và luận điểm cơ bản. Đây được coi là chìa khóa giúp gây ấn tượng với người nghe để dẫn dắt mọi người chú ý đến bài văn.
- Thân bài: Triển khai các luận điểm, giải thích và chứng minh cho vấn đề đó để nhằm thuyết phục người nghe theo quan điểm của mình.
- Kết bài: Tóm tắt và đưa ra kết luận đã trình bày.
Cách làm bài văn nghị luận xã hội là gì?
Sau đây là cách làm bài văn nghị luận xã hội chi tiết:
Bước 1: Phân tích đề
Đọc kĩ đề, chú ý từ ngữ quan trọng, những khái niệm khó, nghĩa đen, nghĩa bóng. Chia vế, ngăn đoạn, tìm mối tương quan giữa các vế.
Xác định các yêu cầu sau:
- Yêu cầu về dạng đề: Xác định chính xác dạng đề là nghị luận về tư tưởng đạo lý hay hiện tượng đời sống.
- Yêu cầu về nội dung: Vấn đề nghị luận là gì? Có bao nhiêu ý cần triển khai? Mối quan hệ giữa các ý như thế nào?
- Yêu cầu về hình thức: Cần kết hợp các thao tác lập luận giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận.
- Yêu cầu về phạm vi dẫn chứng: Đời sống văn học, đời sống thực tiễn (chủ yếu là đời sống thực tiễn).
Bước 2: Lập dàn ý
- Nội dung luận đề cần được triển khai thành hệ thống luận điểm, luận cứ, luận chứng.
- Cần sắp xếp các ý thành hệ thống chặt chẽ và bao quát nội dung.
- Chú ý các bước cơ bản của bài văn nghị luận về tư tưởng, đạo lí:
- Giải thích tư tưởng, đạo lí cần bàn luận.
- Phân tích, chứng minh những mặt đúng, bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến vấn đề cần bàn luận.
- Đưa ra những dẫn chứng để chứng minh vấn đề và tăng độ tin cậy cho lý lẽ của mình.
- Nêu ý nghĩa, rút ra bài học nhận thức và hành động.
Bước 3: Tiến hành viết bài văn
Ta bắt đầu triển khai và viết bài dựa trên dàn ý. Lưu ý một số vấn đề: Các luận điểm phải liên kết với nhau, quan tâm đến việc làm nổi bật đối tượng và nội dung cần nghị luận, cần phải xuyên suốt cả bài tránh việc lan man, lập luận đưa ra phải chặt chẽ. Đặc biệt, đưa ra những dẫn chứng phù hợp và khách quan.
Trong khi viết cần lồng ghép các thông tin sau:
- Bình luận mở rộng vấn đề: Phản biện những biểu hiện sai lệch có liên quan tới vấn đề cần nghị luận.
- Không bao giờ quên dẫn chứng cụ thể kèm theo.
- Đưa ra bài học nhận thức và bài học hành động: Chốt lại vấn đề, luôn hướng tới những đều tích cực và tử tế.
Với phần kết luận:
- Cần nêu khái quát đánh giá ý nghĩa tư tưởng đạo lí đã viết.
- Không nên tạo lối suy nghĩ cụt và cần mở ra, hướng suy nghĩ mới và rộng hơn về vấn đề được đề cập đến.
Bước 4: Đọc lại và sửa chữa để hoàn chỉnh bài viết.
Tại bước này, bạn cần giữ tâm thế như là một người đọc để chắc rằng các thông tin nêu lên đã đủ khách quan, dễ hiểu nhưng không lu mờ đi luận điểm và cách nghĩ riêng của bạn. Bài văn không được có lỗi chính tả, không được quá chủ quan nhưng cũng không nên quá chung chung, sơ sài.
Hướng dẫn cách làm văn nghị luận xã hội cho từng dạng bài
Nghị luận về tư tưởng đạo lí
Phần mở bài: Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận: Dẫn dắt vào tư tưởng đạo lý. Có thể chọn giới thiệu trực tiếp hoặc gián tiếp.
Phần thân bài:
- Giải thích tư tưởng đạo lí: Giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng, lưu ý không lạc đề hay lan man, bám sát theo nghĩa.
- Giải thích các từ ngữ có trong tư tưởng đạo lý được đề cập: Khái quát ý nghĩa chung của tư tưởng đạo lí, trình bày quan điểm, đánh giá của người viết về tư tưởng đạo lí ấy.
- Phân tích: Chỉ ra tính đúng đắn của tư tưởng đạo lí, ngược lại cũng có thể đưa ra các luận điểm nếu tư tưởng đạo lý đó chưa đúng.
- Chứng minh: Đưa ra những dẫn chứng cụ thể với các tấm gương, nhân vật, con người cụ thể. Đảm bảo dẫn chứng phải liên quan đến đề bài và phân tích dẫn chứng theo sát theo nội dung đề bài.
- Nhấn mạnh tầm quan trọng của tư tưởng đạo lí với cuộc sống con người.
- Bình luận, liên hệ, đưa ra các bài học giải quyết.
Các lưu ý:
- Khi viết bài, ta nên tự ngẫm về tư tưởng đạo lý, tự đặt câu hỏi và giảm đáp để làm rõ thông tin: Tư tưởng đạo lí ấy đã mang tính toàn diện chưa? Cần bổ sung thêm gì?
- Người viết cần khách quan, cởi mở với tư tưởng, xem xét từ nhiều góc độ để đánh giá.
- Lập trường mạnh mẽ, vững vàng, có chính kiến riêng nhưng phải hướng đến những điều tích cực và có ý nghĩa với xã hội.
- Bài học đề xuất phải đưa ra từ chính tư tưởng đạo lí mà đề yêu cầu.
Phần kết bài: Nêu khái quát giá trị của tư tưởng đạo lí vừa nghị luận.
Nghị luận về hiện tượng đời sống
Phần mở bài: Giới thiệu hiện tượng xã hội cần nghị luận. Có thể mở đầu trực tiếp hoặc gián tiếp.
Phần thân bài:
- Giải thích và tóm gọn về hiện tượng đời sống được nhắc tới.
- Nêu thực trạng, các tác động, ảnh hưởng của nó với đời sống đồng thời cũng nêu đánh giá, nhận định của bản thân về vấn đề này, lựa chọn hướng đồng tình hay phê phán.
- Giải thích nguyên nhân của sự việc – hiện tượng đang nghị luận gồm nguyên nhân chủ quan và khách quan.
- Đề xuất giải pháp, từ đó rút ra bài học nhận thức và bài học hành động.
Phần kết bài: Khái quát lại vấn đề nghị luận, chốt lại vấn đề.
Lưu ý quan trọng khi làm bài văn nghị luận xã hội
Khi viết dạng văn nghị luận xã hội, bạn cần hiểu rõ bản chất và có kiến thức về cách khai triển dạng văn này, ngoài ra còn phải lưu ý các vấn đề sau:
- Đây là dạng văn mà bạn cần đào sâu, tổng hợp và phát huy mọi loại kiến thức từ trong nhà trường lẫn đời sống của mình để vận dụng vào bài viết.
- Bài nghị luận xã hội cần có đề xuất hay ý kiến chủ động từ người viết, vì thế bạn cần có thái độ tự tin, độc lập, mạnh dạn và tư duy mới mẻ, đúc kết trong lời văn để thuyết phục được người đọc.
- Không nên viết quá dài, chỉ cần không quá sơ sài và đầy đủ lập luận có tính chặt chẽ, liên kết.
- Bạn cần tập trung và chắt lọc thông tin/dẫn dắt phù hợp để cho vào bài, đồng thời, cân nhắc đến vấn đề thời gian dành cho bài viết.
- Để đạt điểm cao, bạn nên trích dẫn 1 đến 2 câu nói hoặc câu văn (thơ) từ các nhân vật nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng để tăng thêm tính thuyết phục, tin cậy cho bài viết cũng như giúp bài viết đỡ khô khan hơn.
- Tuy nhiên, cần lưu ý, những câu nói, câu văn (thơ) được trích dẫn phải chính xác, giống hoàn toàn với nguyên tác và phải liên quan đến vấn đề nghị luận.
Xem thêm:
- Nghị luận xã hội về phòng chống tệ nạn xã hội trong học đường
- Viết bài nghị luận mối quan hệ giữa Văn học và Tình thương
- Nghị luận xã hội về tác hại của ma túy trong xã hội
Đề tài về văn nghị luận xã hội rất đa dạng và phong phú nhưng cũng rất gần gũi với cuộc sống của con người. Hy vọng qua bài viết các bạn có thể hiểu rõ được nghị luận xã hội là gì, văn nghị luận xã hội là gì cũng như nắm được cách viết thể loại nghị luận xã hội đạt hiệu quả cao.
Bạn thấy bài viết này hữu ích chứ?
Hãy chọn vào ngôi sao để đánh giá bài viết
Gửi đánh giáĐánh giá trung bình 0 / 5. Lượt đánh giá 0
Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết
Từ khóa » Các Vấn đề Nghị Luận Là Gì
-
Nghị Luận Là Gì? - Luật Hoàng Phi
-
Nghị Luận Là Gì? Cách Viết Và Lỗi Thường Gặp Trong Văn Nghị Luận
-
Văn Nghị Luận Là Gì Và Cách Làm Bài Văn Nghị Luận đạt điểm Cao
-
Khái Niệm Văn Nghị Luận Là Gì Và Cách Làm Bài đạt điểm Cao
-
Văn Nghị Luận Là Gì, Các Dạng Văn Nghị Luận Thường Gặp
-
Thành Viên:Quanganh1809/Văn Nghị Luận – Wikipedia Tiếng Việt
-
Văn Nghị Luận Là Gì? - Thư Viện Hỏi Đáp
-
Nghị Luận Là Gì? Văn Nghị Luận Là Gì? Bố Cục Bài Văn Nghị Luận?
-
Khái Niệm, đặc điểm Và Cách Làm Một Số Dạng Văn Nghị Luận
-
Cách Giới Thiệu Vấn đề Nghị Luận
-
Văn Nghị Luận Là Gì? Các Phương Pháp Lập Luận Và Dạng Văn Nghị Luận
-
Văn Nghị Luận Là Gì? - Áo Kiểu đẹp
-
[CHUẨN NHẤT] Thế Nào Là Văn Nghị Luận
-
Đặc điểm Của Văn Nghị Luận – Khái Niệm Chung 2020