Tìm Hiểu Sự Khác Biệt Giữa Thế Hệ Gen Z Và Các Bậc Phụ Huynh

Khoảng cách thế hệ trong một gia đình là vấn đề phổ biến của các mâu thuẫn, bất đồng, sự cô đơn hay thiếu thấu hiểu giữa cha mẹ và con cái. Tuy nhiên đối với thế hệ gen Z, rào cản của họ đối với cha mẹ mình còn tăng lên gấp bội bởi những đặc trưng của thế hệ này được hình thành gắn với thời đại số.

Cụm từ “thế hệ gen Z” hay thế hệ iGEN (iGeneration) được nhắc đến nhiều trong khoảng thời gian gần đây. Họ là những người trẻ sinh từ năm 1996 trở đi. Và ngay một năm sau đó, Internet có mặt tại Việt Nam. Thế nên, ta có thể nói rằng cuộc sống của thế hệ này ngay từ khi sinh ra đã gắn bó mật thiết với công nghệ. 

Vì sinh ra và lớn lên trong thời đại số, thế hệ gen Z chịu ảnh hưởng cũng như tác động ngược lại không nhỏ tới công nghệ, điều đó góp phần hình thành nên các đặc điểm rất đặc trưng của thế hệ này. Những đặc điểm ấy góp làm gia tăng sự khác biệt giữa những bạn trẻ gen Z với thế hệ gen X,Y.  Vậy trong cấu trúc một gia đình cơ bản có 2 thế hệ cha mẹ và con cái thì sự khác biệt đó cụ thể là gì và thường gây ra các vấn đề như thế nào?

Thế hệ gen Z dành nhiều thời gian trong ngày để tương tác với công nghệ

Bạn có phải là tuýp người mỗi khi mở mắt thức dậy là “check” điện thoại, và khi đang nằm trên giường chuẩn bị chìm vào giấc ngủ thì phải “lướt” thêm một lát nữa? Lối sống đó có lẽ không xa lạ với nhiều bạn trẻ thế hệ gen Z và gen Y. Cuộc sống thường xuyên gắn bó với các thiết bị điện tử như điện thoại, laptop, máy tính bàn,… chưa kể đến những phụ kiện hỗ trợ năng động khác như đồng hồ thông minh, tai nghe bluetooth,…

2-the-he-gen-z-elleman

Tuy nhiên, lối sống đó lại quá khác biệt trong mắt cha mẹ ở thế hệ trước. Bạn phải nghe không ít lần họ phàn nàn về việc con cái sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử, hại mắt, hại não,.. và vô vàn các lý do khác từ hệ lụy sức khỏe cho tới kết quả học tập, làm việc. Thậm chí nếu cha mẹ bạn không phải người thường xuyên tiếp xúc với công nghệ và còn nhiều định kiến với chúng thì họ dễ dàng đánh đồng việc sử dụng điện thoại, laptop, thiết bị điện tử sẽ biến thành việc chơi game, buôn chuyện chat chit phù phiếm qua mạng, làm những điều vô bổ, mất thời gian…

Thế hệ gen Z dành một lượng lớn thời gian trong ngày tiếp xúc với công nghệ. Bên cạnh chức năng giải trí; hoạt động học tập, làm việc cũng đang dần chuyển hóa bằng việc thông qua tương tác với thiết bị điện tử. Chính vì vậy, những hiểu lầm, rào cản đầu tiên này sẽ là biểu hiện rõ ràng và bề nổi nhất cho sự khác biệt giữa cha mẹ và con cái.

Thế hệ gen Z nhanh nhạy trong việc tiếp thu thông tin

3-the-he-gen-z-elleman

Việc sử dụng thường xuyên các thiết bị điện tử, tiếp xúc với đa dạng các thông tin một cách dễ dàng hơn khiến thế hệ gen Z hấp thụ nhanh chóng một lượng lớn hiểu biết của nhân loại.

Thế hệ này dễ dàng tiếp nhận các thông tin, tư tưởng, quan điểm và văn hóa mới. Tuy nhiên thế hệ của cha mẹ lại không có cơ hội tiếp cận thông tin nhiều như thế; đồng thời ở lứa tuổi lớn hơn họ không còn sự nhanh nhẹn và linh hoạt như người trẻ. Từ đó, dẫn tới một hệ quả, người trẻ gen Z cứ thế đi tiếp trong hành trình khám phá thế giới, tuy nhiên, họ đã “bỏ lại” cha mẹ, ông bà, những thế hệ đi trước vẫn đang chìm đắm trong những hiểu biết của quá khứ. 

Thế Phong cách sống Thế hệ thiên niên kỷ và cuộc khủng hoảng nam tính

Thế hệ gen Z và sự giao tiếp theo một cách khác

Thông thường, con người kết nối bằng việc trò chuyện trực tiếp, theo nhóm, gọi điện thoại… Nhưng đối với thời đại công nghệ, con người có thể kết nối với nhau bằng vô vàn cách. Tính ưu việt của công nghệ giúp con người có thể video call (gọi điện và nhìn thấy nhau qua video), chat, gửi gmail,…; đồng thời gợi mở nhiều tính năng để họ có thể chia sẻ cảm xúc, thể hiện sở thích, cái tôi cá nhân.

Thế hệ gen Z đã có nhiều phương thức rất khác để kết nối với mọi người, hình thức giao tiếp truyền thống không còn phổ biến như gặp mặt trực tiếp hay gửi thư tay. Vì thế thời gian cho sự trao đổi truyền thống với cha mẹ ít dần đi, người trẻ dành nhiều thời gian hơn cho những giao tiếp khác. Cha mẹ và con cái không kết nối nhiều với nhau nữa, mở đầu là việc ít chia sẻ về những hai bên điều trải qua hằng ngày, lâu dài là gần như không còn thường xuyên trò chuyện ngoài những câu giao tiếp bắt buộc và cơ bản để duy trì cuộc sống. Cuối cùng là khoảng cách giữa cha mẹ và con cái cứ ngày càng xa dần.

Thu hẹp khoảng cách

Sự lạc lõng và cô đơn được hình thành không chỉ ở người trẻ mà còn ở cha mẹ. Mối liên hệ giữa cha mẹ, con cái bị nứt vỡ là nguyên nhân cho nhiều hệ quả tâm lý và những trắc trở khi trưởng thành của con cái. Công nghệ về bản chất không xấu, nó đem lại những lợi ích không nhỏ cho con người. Thế nên khoảng cách giữa người với người xa hơn lại nằm ở cách bạn sử dụng công nghệ như thế nào.

Đôi khi, chỉ cần dạy cha cách dùng điện thoại, hướng dẫn mẹ cách video call. Và chúng ta có thể nhấc máy gọi cho họ mỗi khi rảnh rỗi. Lúc đó, bạn sẽ nhận ra mọi chuyện lại đơn giản hơn nhiều so với mình tưởng. 

Sự kết nối qua mạng Internet giúp chúng ta thu hẹp khoảng cách chứ không phải tạo thêm rào cản. Nguyên nhân về sự cách biệt thế hệ giữa cha mẹ và thế hệ gen Z đôi khi nằm ở công nghệ, thì ta cũng có thể sử dụng chúng là giải pháp để giải quyết vấn đề.

Lời kết

Bên cạnh những trách nhiệm thời đại ta đặt lên vai thế hệ gen Z, thì đời sống tinh thần của họ là một trong những vấn đề cần được quan tâm. Tính đặc thù của thế hệ này có thể tạo nên sự phát triển tích cực cho nhân loại, đồng thời cũng sinh ra nhiều hệ lụy, mặt trái trong xã hội. Việc đồng hành và bồi đắp nền tảng cho người trẻ gen Z ngay từ cái nôi gia đình là một trong những yếu tố quan trọng để hình thành nên sự lành mạnh của con người cá nhân cũng như toàn thể xã hội.

Thế Sức khỏe Thế hệ trẻ hiện nay ít khỏe mạnh và hạnh phúc hơn cha mẹ mình?

___

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài viết: Chloe Phung

Từ khóa » Gen Z Khác Biệt