Tìm Hiểu Văn Bản: Chiến Thắng Mtao Mxây (trích Sử Thi Đăm Săn)

I. Tìm hiểu chung

1. Nguồn gốc

– Đăm Săn là sử thi anh hùng nổi tiếng của dân tộc Ê đê được lưu truyền rộng rãi ở Tây Nguyên.

– Người Ê đê gọi tên sáng tác này là “khan”. Những người Ê đê có năng khiếu, các nghệ nhân dân gian, các già làng thường kể khan Đăm Săn cho dân làng nghe bên bếp lửa nhà rộng, trong những đêm trăng mờ sao nhạt, văn vẳng tiếng suối chảy róc rách… Khan Đăm Săn kể về chàng Đăm Săn, người tù trưởng anh hùng có sức mạnh phi thường, có vẻ đẹp tuyệt mĩ và nhiều phẩm chất cao quý, đã lập nhiều chiến công lẫy lừng.

2. Tóm tắt sử thi Đăm Săn

Theo tục “nối dây” của người Ê đê trong chế độ mẫu hệ, Đăm Săn về làm chồng hai chị em Hơ Nhị và Hơ Bhị, chàng trở thành một tù trưởng hùng mạnh, giàu có, “vang danh đến thần, tiếng lừng khắp núi”.

Các tù trưởng Kên Kên (Mtao Grư), tù trưởng Sắt (Mtao Mxây) độc ác, tham lam, hèn hạ lừa lúc Đăm Săn cùng dân làng lên rẫy, kéo người đến cướp phá buôn làng, bắt Hơ Nhị về làm vợ. Đăm Săn tổ chức đánh trả và chiến thắng, tiêu diệt hai tù trưởng thù địch, cứu được vợ, tịch thu của cải, sáp nhập đất đai của hai tù trưởng thù địch. Bộ tộc của Đăm Săn ngày càng giàu có, đông đúc, hùng mạnh, uy danh chàng lừng lẫy đông tây.

Với khát vọng tự do, Đăm Săn chặt đổ cây thần smuk (một cây thần bên nhà vợ) khiến hai vợ chết. Vô cùng thương tiếc, Đăm Săn lên trời xin thuốc cứu vợ sống lại. Ít lâu sau, Đăm Săn lên trời hỏi Nữ thần mặt trời về làm vợ. Bị từ chối, Đăm Săn tức giận trở về và bị chết ngập cả người lẫn ngựa trong rừng sáp đen nhão như bùn nước. Hồn Đăm Săn biến thành con ruồi bay vào miệng chị gái tên Hơ Âng khiến nàng có mang và sinh ra một đứa con trai. Đó là Đăm Săn cháu. Lớn lên Đăm Săn cháu lại đi tiếp con đường của người cậu anh hùng.

“Chiến thắng Mtao Mxây” (tên đoạn trích do người biên soạn SGK đặt) là đoạn trích kể chuyện Đăm Săn đột nhập vào nhà Mtao Mxây cứu vợ về.

3. Sử thi

a. Sử thi là gì?

– Sử thi còn gọi lại anh hùng ca, là thể loại tự sự dài (thường là thơ) xuất hiện rất sớm trong lịch sử của các dân tộc nhằm ngợi ca sự nghiệp anh hùng có tính toàn dân và có ý nghĩa trọng đại đối với dân tộc trong buổi bình minh của lịch sử.

– Về kết cấu, sử thi là một câu chuyện được kể có đầu có đuôi với quy mô lớn. Các nhân vật chính của sử thi là những anh hùng, tráng sĩ tiêu biểu cho sức mạnh thể chất và tinh thần, cho ý chí và trí thông minh, lòng dũng cảm của cộng đồng được miêu tả trong vẻ đẹp kì diệu khác thường.

– I-li-at, Ô-đi-xê của Hy Lạp; Ma-ha-bha-ra-ta, Ra-ma-ya-na của Ấn Độ; Đăm Săn, Đăm Di, Xinh Nhã, Khinh Dú của Ê đê (Việt Nam); Đăm Noi của Ba na (Việt Nam);… là những tác phẩm sử thi đồ sộ còn lưu giữ được cho đến nay.

b. Sử thi Tây Nguyên

– Sử thi anh hùng Tây Nguyên phản ánh cuộc sống đồng bào Tây Nguyên ở giai đoạn tiền giai cấp, khi xã hội cộng sản nguyên thủy tan rã, nhưng xã hội phong kiến chưa hình thành. Sự phân hóa giàu nghèo trong đời sống xã hội chưa sâu sắc, cá nhân hoàn toàn gắn bó với cộng đồng thị tộc, quyền lợi và khát vọng của mỗi cá nhân hoàn toàn thống nhất với quyền lợi và khát vọng của cộng đồng. Ở giai đoạn lịch sử đó, các xung đột vũ trang thường xảy ra giữa các bộ tộc để tranh giành đất đai, của cải và thế lực. Tham gia chiến đấu và quyết tâm chiến thắng vì quyền lợi của cả bộ tộc trở thành nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người. Trong đời sống xã hội, lao động và chinh phục thiên nhiên đem lại phồn vinh cho bộ tộc, mỗi thành viên coi đó là bổn phận và tự giác làm hết mình.

=> Đó là cơ sở lịch sử, xã hội nảy sinh và nuôi dưỡng những thiên sử thi anh hùng. Số phận, tính cách anh hùng của nhân vật trong sử thi phản ánh số phận và tính cách của chính bộ tộc ấy.

– Nhìn chung, sử thi anh hùng Tây Nguyên có ba đề tài chính là hôn nhân, chiến tranh và lao động xây dựng. Trong đó, đề tài chiến tranh là đề tài trung tâm, quan trọng hơn hai đề tài kia, thu hút và hàm chứa hai đề tài đó.

– Về phương diện nghệ thuật, sử thi anh hùng Tây Nguyên mang những đặc điểm cơ bản của nghệ thuật sử thi nói chung: dung lượng đồ sộ, kết cấu trùng điệp, chia thành các chương khúc, ngôn ngữ trang trọng, giàu định ngữ, nhiều hình ảnh so sánh, phóng đại, tượng trưng,… đó là sản phẩm của trí tưởng tượng phong phú, bay bổng, hồn nhiên đẫm màu sắc thần thoại. Sử thi anh hùng sử dụng lối văn xuôi có vần và nhịp điệu cân xứng, đầy biến hóa: lúc trầm bổng, du dương, lúc hoành tráng, lúc trữ tình sâu lắng, thiết tha… phù hợp với đặc điểm diễn xướng được kể – hát theo làn điệu của thể loại này.

II. Trọng tâm kiến thức

1. Cuộc chiến giữa Đăm Săn và Mtao Mxây

a. Nguyên nhân chiến tranh

– Tù trưởng Mtao Mxây lừa lúc Đăm Săn cùng dân làng làm rẫy, đã kéo đến cướp phá buôn làng và bắt Hơ Nhị về làm vợ. Danh dự của một tù trưởng và bộ tộc bị xúc phạm, hạnh phúc của gia đình và buôn làng bị đe dọa, người anh hùng Đăm Săn buộc phải cần khiên, giáo đứng lên chiến đấu.

– Cuộc chiến của Đăm Săn là cuộc chiến đấu vì chính nghĩa, vì thế dân làng theo chàng đi đánh Mtao Mxây. Đăm Săn không chỉ có sức khỏe, võ nghệ cao cường, có khiên giáo trong tay mà còn có cả chính nghĩa, lý tưởng chiến đấu nên đã được tiếp thêm sức mạnh để quyết chiến, quyết thắng.

b. Diễn biến trận đánh

– Đăm Xăn khiêu chiến và thái độ ngạo mạn của Mtao Mxây:

+ Nếu như Mtao Mxây hèn hạ, lừa lúc Đăm Săn và dân làng đi làm rẫy để cướp phá thì Đăm Săn đến tận nhà Mtao Mxây lúc hắn đang ở nhà, gọi hắn xuống để giao chiến. Mtao Mxây là một tù trưởng hung bạo, một kẻ cướp; còn Đăm Săn là tù trưởng anh hùng, tư thế và hành động đàng hoàng. Sự kiện Đăm Săn đến nhà Mtao Mxây khiêu chiến thể hiện sự tương phản trong nhân cách của hai nhân vật này.

+ Chàng gọi Mtao Mxây là “diêng” với hàm ý mỉa mai (Diêng: chỉ người bạn kết nghĩa). Đăm Săn và Mtao Mxây từng là “diêng” của nhau, là bạn kết nghĩa của nhau. Thế mà nay Mtao Mxây đến cướp phá buôn làng của Đăm Săn, cướp vợ của Đăm Săn. Mtao Mxây là kẻ phản bội tình bạn. Vì thế không thể nói chuyện bằng lời mà phải “đọ dao” mới giải quyết được.

+ Lúc đầu, Mtao Mxây từ chối: Là kẻ gây tội ác nên hắn tỏ ra sợ hãi trước lời đe dọa trừng phạt, nhưng vẫn trắng trợn chọc tức Đăm Săn: “Tay ta đang bận ôm vợ hai chúng ta trên nhà này cơ mà”.

+ Như lửa đổ thêm dầu, thái độ ngạo mạn của Mtao Mxây khiến Đăm Săn nổi cơn thịnh nộ. Lời của Đăm Săn như ra lệnh, quyết liệt hơn lần trước: “Xuống, diêng! Xuống, diêng!”.

=> Thái độ của Đăm Săn rất dứt khoát, dồn kẻ thù vào cuộc giao đấu. Mtao Mxây phải chọn một trong hai con đường: một là chết thiêu cùng với ngôi nhà, hai là bước vào giao đấu.

+ Mtao Mxây tỏ ra rất tầm thường, hắn từ trên nhà sàn xuống với nỗi lo bị đánh lén. Nhưng Đăm Săn đàng hoàng không thèm đâm “con lợn nái… dưới đất”, không thèm đâm “con trâu trong… chuồng”, chỉ đâm kẻ thù khi hắn đang múa khiên và tay đang cầm giáo, cầm gươm.

+ Mtao Mxây hiện ra với dáng vẻ dữ tợn như một vị ác thần, tay cầm khiên “tròn như đầu cú, gươm hắn óng ánh như cái cầu vồng”, lòng đầy lo sợ, nên “tần ngần do dự, mỗi bước mỗi đắn đo”. Nhưng hắn vẫn phải bước vào cuộc giao đấu.

– Hiệp thứ nhất:

+ Vào cuộc giao đấu, Đăm Săn với tinh thần thượng võ, nhường cho địch thủ quyền chủ động tấn công. Mtao Mxây đùn đẩy, cất lời huênh hoang đánh đòn tâm lý với Đăm Săn. Hắn khoe sức mạnh, khoe miếng võ của hắn là gia truyền, học được từ thần thánh, thậm chí còn đem khoe cả bản chất tàn bạo của mình với mục đích uy hiếp Đăm Săn.

=> Mtao Mxây đánh võ miệng đã tồi, mà võ thuật cũng xoàng, khiến cho Đăm Săn thấy buồn cười, phải cất tiếng mỉa mai: “Ngươi múa chơi đấy phải không, diêng”.

+ Trước sức mạnh tấn công của Đăm Săn, hắn chỉ biết chạy, khi tung đòn lại không trúng đích. Kẻ tàn bạo phi nghĩa thật thảm hại khi đối mặt với người anh hùng vượt trội về tài năng và phẩm chất, chiến đấu vì chính nghĩa.

+ Đăm Săn vào trận với tư thế của người anh hùng, với tư cách của người đi hỏi tội và trừng phạt kẻ có tội. Chàng chiến đấu để bảo vệ danh dự, cứu vợ và bảo vệ yên bình cho bộ tộc. Sức mạnh của chàng chính là sức mạnh của cộng đồng, được kết tinh từ những khát vọng, ước mong cho cuộc sống bình yên, thịnh vượng. Tác giả dân gian đã thể hiện sức mạnh của dũng sĩ Đăm Săn trong cảm hứng sử thi đẫm chất anh hùng ca. Cảnh Đăm Săn múa khiên được miêu tả đầy hào hứng: “Đăm Săn rung khiên múa. Một lần xốc tới, chàng vượt một đồi tranh. Một lần xốc tới nữa, chàng vượt một đồi lồ ô. Chàng chạy vun vút qua phía đông, vun vút qua phía tây”.

=> Sức mạnh của Đăm Săn trong trận chiến đấu có thể sánh với sức mạnh của tự nhiên, trời đất và vũ trụ.

+ Cuộc chiến đấu diễn ra rất quyết liệt. Mtao Mxây đã đuối sức, hắn bảo Hơ Nhị quăng cho hắn một miếng trầu. Nhưng Đăm Săn nhanh hơn đoạt được miếng trầu ấy. Chàng nhau trầu và sức lực tăng lên gấp bội, chàng tiếp tục chiến đấu với sức mạnh mới.

=> Sự xuất hiện của Hơ Nhị và miếng trầu vào thời điểm cuộc đấu đang diễn ra quyết liệt, có ý nghĩa đặc biệt. Nàng là vợ chính thức của Đăm Săn. Nay nàng đang lâm vào cảnh bị bắt cóc. Đối với Mtao Mxây, nàng chỉ là một thứ của cải mà hắn đoạt được sau vụ cướp chứ giữa nàng và hắn không có một chút tình nghĩa vợ chồng. Miếng trầu “nên duyên vợ chồng” của Hơ Nhị với Đăm Săn không thể trao vào tay kẻ thù. Hơ Nhị trở thành trợ thủ trao vật thần kì cho Đăm Săn. Tình yêu đã tiếp thêm sức mạnh cho chàng, chàng phóng giáo trúng đùi Mtao Mxây nhưng không thủng.

– Hiệp đấu thứ hai:

+ Đăm Săn đã làm tất cả những gì có thể nhưng chưa giành được chiến thắng vì Mtao Mxây được bảo vệ bởi lớp giáp sắt. Đăm Săn thấm mệt, chàng vừa chạy vừa ngủ, mộng thấy ông Trời.

=> Chi tiết này có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện quan niệm về cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân vật anh hùng chống lại đối thủ luôn được sức mạnh siêu nhiên trợ giúp. Chi tiết trợ giúp của ông Trời rất gần với sự tham gia của các vị thần trên đỉnh Ô-lim-pi-a vào cuộc chiến thành Tơ-roa ghi lại trong hai trường ca I-li-at và Ô-đi-xê.

+ Hiệp đấu thứ hai kết thúc với chiến thắng vẻ vang của Đăm Săn. Mtao Mxây thất thế chạy trốn thật thảm hại. Hắn rúc vào cả chuồng lợn, chuồng trâu và cất lời cầu xin Đăm Săn: “Ơ diêng, ơ diêng, để ta làm lễ cầu phúc cho diêng một trâu! Ta cho thêm diêng một voi”.

+ Trước khi đâm chết và cắt đầu Mtao Mxây đem bêu ngoài đường. Đăm Săn đã tuyên án hắn. Tội ác của Mtao Mxây trời không dung, đất không tha, dù ở thời nào, con người cũng không chấp nhận. Hắn đáng bị trừng phạt như vậy. Việc bêu đầu hắn ngoài đường là để răn đe những kẻ nào rắp ranh phản bạn và cướp phá buôn làng. Hành động của Đăm Săn không thể hiện sự dã man, khát máu nên được dân chúng tán thành, ủng hộ.

2. Đăm Săn sau khi chiến thắng trở về

a. Thái độ và hành động của Đăm Săn với tôi tớ của Mtao Mxây

– Mục đích của cuộc chiến là bảo vệ danh dự của tù trưởng anh hùng, danh dự của bộ tộc, là để cứu vợ và trừng trị kẻ cướp, đem lại sự yên ổn cho dân làng. Mục đích cao cả ấy, Đăm Săn đã đạt được. Chàng có thể kéo quân trở về trong hào quang chiến thắng.

– Trong toàn bộ tác phẩm nói chung và trong đoạn trích nói riêng, qua lời người dẫn truyện và lời nói của Đăm Săn, không có chi tiết nào nói về việc Đăm Săn gây chiến để cướp bóc và chiếm đoạt nô lệ. Đó không phải là mục đích chiến đấu của chàng, khi tù trưởng Mtao Mxây đã bị tiêu diệt, tôi tớ của hắn như rắn không đầu (họ cần có một tù trưởng anh hùng bảo vệ và dẫn dắt, cần có một cộng đồng để hòa nhập, để có cuộc sống yên vui và thịnh vượng); Đăm Săn không cưỡng bức, không ép buộc tôi tớ của Mtao Mxây theo mình. Chàng kêu gọi và cho họ quyền tự định đoạt số phận của mình. Lòng nhân hậu, đức khoan dung của Đăm Săn đã giảm bớt nỗi đau khổ cho dân làng trong chiến tranh và hoàn toàn thuyết phục họ tự nguyện theo chàng.

b. Thái độ và hành động của tôi tớ, dân làng của Mtao Mxây

– Đây là chiến tranh giữa các nhóm đồng tộc, cho nên sau khi tù trưởng thù địch bị tiêu diệt thì tù trưởng chiến thắng có thể dung nạp tôi tớ của kẻ thù, cũng như người dân bên kia có thể hòa nhập vào bộ tộc mới một cách nhanh chóng.

– Vì thế, khi nghe lời kêu gọi của Đăm Săn và cảm phục trước khí phách anh hùng, tài năng, sức mạnh của Đăm Săn, cảm mến đức khoan dung của chàng, tôi tớ, dân làng Mtao Mxây đã tự nguyện theo Đăm Săn để bắt đầu một cuộc sống mới. Tác giả dân gian miêu tả cảnh “chuyển nhà” của họ với một cảm xúc hào hứng, say mê: “Đoàn người đông như bầy cà tong, đặc như bầy thiêu thân, ùn ùn như kiến như mối. Bà con xem, thế là Đăm Săn nay càng thêm giàu có, chiêng lắm la nhiều. Tôi tớ mang của cải về nhiều như ong đi chuyển nước, như vò vẽ đi chuyển hoa, như bầy trai gái đi giếng làng cõng nước”

=> Qua đây, ta càng thấy vai trò quyết định của thủ lĩnh trong chiến tranh và đời sống xã hội thời bộ lạc, thấy được sự thống nhất cao độ giữa cá nhân anh hùng sử thi với cộng đồng bộ tộc.

3. Lễ ăn mừng chiến thắng

Trong đoạn trích có hai cảnh được miêu tả rõ rệt: cảnh chiến tranh và cảnh ăn mừng chiến thắng. Tác giả dân gian đã miêu tả cảnh ăn mừng chiến thắng với cảm hứng say mê, nhiệt thành, thể hiện thái độ, cách nhìn nhận về ý nghĩa thời đại của chiến tranh bộ tộc và tầm vóc lịch sử của người anh hùng sử thi trong sự phát triển của cộng đồng.

a. Lễ cúng người chết và thần linh, lễ ăn mừng chiến thắng

– Đã có chiến tranh, tất yếu có đổ máu ở cả hai phía. Tác giả dân gian không miêu tả tỉ mỉ, rùng rợn cảnh máu đổ, nhưng người đọc phải ngầm hiểu điều này. Tưởng nhớ và biết ơn người hy sinh là việc nghĩa. Lễ cúng người chết sau chiến thắng là một nghi lễ mang tính nhân đạo (đã được ông trời, các vị thần linh và hương hồn của tổ tiên, ông bà thiếp thêm sức mạnh chiến thắng thì cũng phải biết ghi lòng tạc dạ). Lễ cúng thần linh, tạ ơn tổ tiên là nghi lễ tri ân rất thiêng liêng thể hiện ý thức xây đắp truyền thống của các tộc người Tây Nguyên.

– Nghi lễ này mang ý nghĩa chiến tranh bộ tộc và tầm vóc lịch sử của người anh hùng trong sự phát triển của bộ tộc. Chiến tranh thời bộ tộc không nhằm hủy diệt sự sống mà là một việc tất yếu để bảo vệ và phát triển cuộc sống trong hòa bình. Vì vậy, sau chiến thắng Đăm Săn, khi tiếng khiên giáo vừa dứt, các ái, cái xấu, cái ti tiện, thấp hèn quét sạch, thì cuộc sống lại tưng bừng như hội.

– Lễ cúng thần, cúng tổ tiên thật hậu để mong muốn những điều thánh thiện: cầu sức khỏe, cầu bình yên, cầu thịnh vượng. Lễ ăn mừng thật tưng bừng, đầy đủ vật chất, sang trọng về tinh thần, tràn ngập niềm vui, cả một cộng đồng hòa nhập thành một khối trong niềm tin ở tương lai.

+ Tiếng cồng chiêng thể hiện sức mạnh tinh thần, niềm vui sống của cộng đồng.

+ Khách khứa, dân làng, tôi tớ của Đăm Săn “đông nghịt” được đón tiếp trọng thể và ăn uống no say thỏa thích.

b. Khẳng định tầm vóc lịch sử của người anh hùng trong sự phát triển của cộng đồng.

– Đăm Săn là niềm tự hào của bộ tộc, là kết tinh vẻ đẹp, tài năng, sức mạnh, ý chí của cộng đồng. Trong bối cảnh của ngày hội chiến thắng, chàng hiện lên thật đẹp, vẻ đẹp của một dũng sĩ. Sức mạnh của Đăm Săn “ngang sức với voi đực, hơi thở chàng ầm ầm tựa sấm dậy”. Đăm Săn có lòng dũng cảm vô song, là một chân cách vẹn toàn, luôn đi đầu trong công việc. Đăm Săn chiến thắng Mtao Mxây, chàng vừa bảo vệ được hạnh phúc gia đình, vừa mang lại sự giàu mạnh và uy danh cho cộng đồng.

=> Đăm Săn có sức lôi cuốn các nhân vật quần chúng. Mối quan hệ qua lại giữa vai trò của cá nhân và cộng đồng tạo nên ý nghĩa biểu trưng của hình tượng anh hùng sử thi: sức mạnh, lý tưởng của Đăm Săn biểu trưng cho sức mạnh và lí tưởng của cộng đồng.

4. Những đặc điểm nổi bật về nghệ thuật sử thi thể hiện trong đoạn trích

a. Nghệ thuật xây dựng nhân vật sử thi

– Mỗi nhân vật sử thi đều có vai trò đối với diễn biến của các sự kiện sử thi.

– Nhân vật Mtao Mxây với hành động cướp bóc buôn làng của Đăm Săn, bắt cóc vợ của Đăm Săn là nguyên nhân của cuộc chiến. Mtao Mxây thuộc loại nhân vật phản diện.

– Nhân vật Đăm Săn là nhân vật trung tâm của sử thi, quyết định sự diễn biến của cốt truyện sử thi, có sức thuyết phục, lôi cuốn các nhân vật quần chúng.

– Nhân vật ông Trời và Hơ Nhị đóng vai trò trợ thủ của người anh hùng. Ông trời là nhân vật trợ thủ thần kì, Hơ Nhị là nhân vật trợ thủ trao vật thần kì. Hành động trợ thủ của những nhân vật này thể hiện quan niệm về cuộc chiến đấu chính nghĩa của người anh hùng.

– Nhân vật quần chúng đóng vai trò hậu thuẫn cho nhân vật anh hùng, bị lôi cuốn bởi những phẩm chất phi phàm của người anh hùng. Mỗi quan hệ giữa nhân vật anh hùng và nhân vật quần chúng tạo nên ý nghĩa biểu trưng: người anh hùng sử thi biểu trưng cho sức mạnh, lý tưởng của cả cộng đồng.

b. Nghệ thuật sử dụng ngôn từ của sử thi anh hùng

– Ngôn từ của người kể khá sinh động, linh hoạt. Khi miêu tả nhà Mtao Mxây, chân dung Mtao Mxây, động tác chiến đấu và biểu diễn của cuộc giao tranh, miêu tả vẻ đẹp của Đăm Săn, khung cảnh tôi tớ theo Đăm Săn và không khí lễ hội chiến thắng,… tác giả sử dụng ngôn ngữ lúc thì trang trọng, giàu hình ảnh nhịp điệu, lúc thì dùng phép so sánh, phóng đại.

– Ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật được sử dụng nhiều và linh hoạt, giàu tính kịch. Những câu ra lệnh, kêu gọi tạo nên không khí hùng tráng.

– Trong ngôn ngữ người kể chuyện có xen vào ngôn ngữ đối thoại của người kể để lôi cuốn người nghe, truyền cảm xúc cho người nghe.

Từ khóa » đăm Săn Thuyết Phục Dân Làng Của Mtao Mxây