TÌM HIỄU VỀ CHỮ TU - Diễn đàn Phật Giáo Hòa Hảo

Tìm hiểu về chữ TU

Bài viết của Huỳnh Chi

Sau khi tìm hiểu câu Sấm Giảng của Đức Huỳnh Giáo Chủ:

“Nhìn Phật Giáo mà tìm cái lý,

Coi tại sao ta phải tu hành.” (Q.4)

Chúng ta đã biết những lý do tại sao hàng triệu tín đồ PGHH phát tâm quy y, tu hành theo Giáo lý của Ngài và con số người theo đạo ngày càng gia tăng, chưa bao giờ suy giảm. Sau đây, chúng tôi y cứ vào những lời vàng tiếng ngọc của Đức Thầy, xin mạo muội trình bày về ý nghĩa của chữ TU, TU để làm gì và những lợi ích của sự TU HÀNH, để xem Giáo lý PGHH ảnh hưởng thế nào đến đời sống tâm linh của những người đang tu tập.

Trước hết, theo quyển Cao Đài Từ Điển của Hiền Tài Nguyễn văn Hồng, TU () là sửa cho hay cho tốt, là hiến thân vào tôn giáo. Nghĩa rộng: Tu là sửa đổi con người mình, từ hình thức đến nội dung, cho mỗi ngày một thêm tốt đẹp, thiện lương, chơn chánh, sửa đổi mãi như thế từ kiếp nầy đến kiếp khác cho đến khi đạt đến chỗ tận thiện tận mỹ mới hoàn toàn.

HÀNH () là làm, việc làm, cử chỉ hành động.

Tu hành là sửa mình, sửa từ tâm tánh đến cử chỉ hành động cho đúng theo Giới luật mà tôn giáo qui định.

Tu hành cũng có nghĩa là tu thân và hành đạo, tức là vừa lo tu thân, vừa lo hành đạo phụng sự nhơn sanh.

Còn theo Phật học Tự điển của Đoàn Trung Còn, TU là sửa, là sắp đặt lại cho đẹp hơn trước.

TU HÀNH là tu tập và thi hành. Căn cứ theo nghĩa lý của Phật đã giảng trong Kinh mà tu tập và thi hành.

TU là chuyển Nghiệp: Dù mục đích tối thượng của đạo Phật là giác ngộ và giải thoát, nhưng Đức Phật cũng dạy rằng tu là cội nguồn hạnh phúc, hết phiền não, hết khổ đau.

TU có nghĩa là tu tập hay thực tập những lời giáo huấn của Đức Phật, bằng cách tụng kinh sáng chiều, bằng ăn chay học kinh và giữ giới; tuy nhiên những yếu tố quan trọng nhất trong “thực tu” là sửa tánh, là loại trừ những thói hư tật xấu, là từ bi hỷ xả, là xây dựng đạo hạnh. Trong khi tụng kinh ta phải hiểu lý kinh. Hơn thế nữa, chúng ta nên thực tập thiền quán mỗi ngày để có được tuệ giác Phật. Với Phật tử tại gia, tu là sửa đổi tâm tánh, làm lành lánh dữ.

Về ý nghĩa chữ TU HÀNH:

1.-Thờ cúng Phật, tổ tiên, và cha mẹ quá vãng đáng được khuyến khích. Tuy nhiên, Phật tử không nên quá quan tâm đến việc thờ phụng bên ngoài mà quên đi mục tiêu chính của chúng ta là tu hành. Người Phật tử quỳ trước tượng Phật để tỏ lòng tôn kính đấng mà hình tượng ấy tượng trưng, và hứa sẽ cố gắng đạt được những gì Ngài đã đạt từ 25 thế kỷ trước, chớ không phải sợ Phật, cũng không tìm cầu ân huệ thế tục từ hình tượng ấy.

2.-Thực hành là khía cạnh quan trọng nhất trong đạo Phật. Đem những lời Phật khuyên dạy ra thực hành trong đời sống hằng ngày mới thực sự gọi là TU HÀNH. Đức Phật thường nhắc nhở Phật tử không nên tùy thuộc vào người khác, ngay cả đến chính Đức Phật, để được cứu độ. Trong thời Đức Phật còn tại thế, có nhiều đệ tử hay ngắm nghía vẻ đẹp của Phật, nên Ngài nhắc nhở họ rằng: “Các ông không thể nhìn thấy Đức Phật thật sự bằng cách ngắm nhìn vẻ đẹp nơi thân Phật. Những ai nhìn thấy giáo lý của ta mới thật sự nhìn thấy ta.”

3.-Lời Phật dạy về Tu Hành trong Kinh Pháp Cú:“Chuyên làm những việc không đáng làm, nhác tu những điều cần tu, bỏ việc lành mà chạy theo dục lạc, người như thế dù có hâm mộ kẻ khác, cũng chỉ là hâm mộ suông.”

Tóm lại, TU là trau giồi đức hạnh, sửa trị thân tâm. Người tu hành cần phải kiên cố, tinh tấn, cũng như người mài sắt thành kim, chuốt trai thành ngọc vậy.

“Tu là: tâm trí nhu mì,

Tu hiền, tu thảo vậy thì cho xong.” (Q.3)

Ý nghĩa của chữ TU và TU HÀNH, Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng đã chỉ dạy rất rõ ràng trong Giáo lý của Ngài:

Phật truyền Ta dạy mấy lời,

Đặng cho trần thế thức thời tu thân.

Nào là luân lý Tứ Ân,

Phải lo đền đáp xác thân mới còn.

Ai mà sửa đặng vuông tròn,

Long Vân đến hội lầu son dựa kề. (Q.3)

Hay là:

- Chữ tu chớ khá trễ chầy,

Phải trau phải sửa nghe Thầy dạy khuyên. (Q.3)

- Tu là sửa trọn ân tình,

Tào khang chồng vợ bố kình đừng phai. (Q.3)

- Tu không cần lạy cần quì,

Ngồi đâu cũng sửa vậy thời mới mau. (Q.3)

Rõ ràng, Đức Thầy cũng xác nhận: TU là sửa, sửa lại cho tròn vẹn những gì khiếm khuyết mà vì vô minh, vì chưa được ai giác ngộ nên tạo tác trong thời gian qua, nay nghe lời Thầy dạy khuyên mà tu tỉnh để được trở nên người hiền đức hầu có mặt trong Đại Hội Long Hoa hay được vãng sanh về nơi cõi Tây phương Cực lạc. Điều nầy, Đức Thầy đã nhiều lần xác nhận:

“Khá chí tâm học hành kinh sám,

Thoát nơi miền hắc ám phong ba.

Trở chơn cho kịp Long Hoa,

Long Hoa có mặt ấy là hiền nhơn.” (Thiên Lý Ca)

- “Về Cực lạc thảnh thơi an dưỡng,

Ấy là ngày ban thưởng công tu.” (Cho Ô.Cò tàu Hảo)

Thêm vào đó, Ngài còn long trọng tuyên hứa là những ai lo trì chí tu hành, thì chắc chắn sẽ được đức ân từ Phật Trời ban bố và những lợi lạc do sự tu trì mang lại:

- “Thương trần Ta cũng rán thề,

Đặng cho bá tánh liệu bề tu thân.

Tu hành chẳng được đức ân,

Thì Ta chẳng phải xác thân người đời.” (Q.3)

- Ai mà tu tỉnh chuyên cần,

Làm đường ngay thẳng có Thần độ cho. (Q.3)

- Tu rèn tâm trí cho minh,

Tánh kia thành kiếng phỉ tình chùi lau. (Q.3)

- Những người quê dốt thật thà,

Cũng nên tu niệm nhờ mà thân sau. (Q.3)

- Tu với tỉnh biết làm chẳng khó,

Nếu lặng Tâm tỏ ngộ Đạo mầu. (Q.4)

- Nếu ai mà biết chữ tu trì,

Tâm bình tịnh được thì phát huệ. (Q.4)

- Tu cho rõ mối huyền thâm,

Qui đầu Phật pháp khỏi lâm tai nàn. (Q.5)

- Muốn cho thân vượt khỏi lề,

Cắm sào trì chí một bề lo tu. (Thiên Lý Ca)

- Nhắn cùng bổn đạo gần xa,

Tu hành trì chí mới là liễu mai. (Q.3)

- Tu hiền như thể phụng rồng,

Mắt nhìn Tiên cảnh mây hồng toại thay. (Để chơn đất Bắc)

Vì vậy, Đức Thầy đã hết lời kêu gọi chúng sanh nên sớm lo tu hành để thoát vòng sanh tử luân hồi, về nơi đất Phật:

- Dạy đời nào quản nắng mưa,

Ước mong bá tánh sớm ưa tu hành. (Dặn dò bổn đạo)

- Thích Ca còn phế tước hàm,

Lầu cao cửa rộng mà ham tu hành. (Dặn dò bổn đạo)

- Liên hoa đua nở nụ cười,

Rước tôi lương đống chào người chơn tu. (Xuân Hạ tác cuồng thơ)

- Khuyên tu hành hao sức tổn hơi,

Chẳng hề mở miệng ra than trách. (Nang thơ cẩm tú)

- Tu hành đâu kể nhục vinh,

Ta làm bổn phận ngạo khinh mặc đời. (Thu đã cuối)

Riêng về người tín đồ PGHH, ngoài việc phát tâm tu hiền như lời hứa hẹn hàng ngày trước ngôi Tam Bảo:“Nay con nguyện cãi hối ăn năn làm lành lánh dữ, quy y theo mấy Ngài tu hiền theo Phật Đạo.” mà còn phải trì chí tu hành như một bổn phận để đền đáp Tứ Đại Trọng Ân (1- Ân Tổ Tiên cha mẹ, 2- Ân Đất nước, 3- Ân Tam Bảo, 4- Ân Đồng bào và Nhơn loại), như lời Đức Thầy ân cần chỉ dạy:

- Tu cầu Đức Phật Như Lai,

Cứu dân qua khỏi nạn tai buổi nầy. (Q.3)

- Tu cầu cứu vớt Tổ Tông,

Với cho bá tánh máu hồng bớt rơi.

Tu cầu cha mẹ thảnh thơi,

Quốc vương thủy thổ chiều mơi phản hồi.

Tu đền nợ thế cho rồi,

Thì sau mới được đứng ngồi tòa sen. (Q.3)

- Tu cầu thuận gió hòa mưa,

An hòa nhơn vật phước thừa trời ban.

Tu cầu thoát chốn gian nan,

Cầu trong chư quốc chư bang giao hòa.

Tu cầu yên nước lợi nhà,

Cửu huyền Thất tổ Diêm la thoát hình.

Tu cầu Phật hóa tánh tình,

Lưới mê chẳng buộc nhẹ mình tiêu dao.

Tu cầu cửa Phật đặng vào,

Gót sen thong thả xiết bao thanh nhàn…

…Tu cầu thoát khỏi tử sanh,

Nương theo Phật quốc lời lành hằng nghe…

…Tu cầu trăm họ hiền lương,

Đồng thinh niệm Phật tai ương chẳng còn….(Q.5)

Đặc biệt, người tín đồ PGHH hầu hết là hạng tại gia Cư sĩ nên việc tu hành tương đối đơn giản và dễ hành như lời Đức Thầy chỉ dạy:

- Tu đầu tóc không cần phải cạo,

Miễn cho rồi cái đạo làm người. (Q.4)

- Tu hành nào luận mặn chay,

Miễn tâm thanh tịnh gặp ngày an cư.

(Cho Ông Tham tá Ngà)

- Tu không cần lạy cần quì,

Ngồi đâu cũng sửa vậy thời mới mau. (Q.3)

- Qua sông nhờ được cầu Lam,

Tu hành nào đợi chùa am làm gì. (Q.3)

Theo những lời chỉ dạy của Ngài, chúng ta nhận thấy một vài điều căn bản áp dụng cho người tu tại gia như sau:

1.- Không cần phải cạo đầu. Riêng về việc để tóc thì tùy theo sở thích mỗi người không bắt buộc, như lời Đức Thầy xác nhận:“Thật ra tu là tu, để tóc là để tóc, và tu không phải là để tóc, để tóc không phải là tu. Nếu để tóc mà không chịu trau tâm sửa tánh cũng chẳng phải là kẻ tu hành.”(theo quyển Tôn chỉ Hành đạo).

2.- Không bắt buộc phải trường chay. Thật vậy, trong quyển Tư (Giác Mê Tâm Kệ), Đức Thầy có nói rõ:

“Chay bốn bữa ấy là quy tắc,

Của kẻ Khùng dẫn dắt chúng sanh.”

Trong mẩu chuyện thứ 17 “Tu tiến chớ tu lùi” phần Nhận xét có ghi như sau:“Một hôm, ông Cò tàu Hảo trong câu chuyện đàm luận đạo đức với Đức Thầy, có hỏi:

- Tôi thấy Pháp môn của Ngài dạy tu giải thoát, còn bên Tam Kỳ người ta dạy tu Tiên nhưng ăn chay trường rất nhiều, còn Ngài dạy có bốn ngày sao giải thoát được?

Đức Thầy trả lời:

- Mình là người Đạo Phật rồi. Sở dĩ tôi dạy tín đồ tôi ăn chay bốn ngày đó là quy tắc, tối thiểu là bốn ngày, rồi tự họ nhận thức cho rõ ràng sẽ tiến lên chứng bốn bực Thinh Văn, Viên Giác, Bồ Tát, Phật, vô số tính đếm. Còn nếu tôi bắt người ta ăn chay trường thì người ta làm không nổi vì họ chưa nhận thức rõ từ chỗ bốn bữa, rồi họ nhận thức được từ từ tiến lên. Cái đó mới là kết quả, còn bắt buộc sẽ không có kết quả ông ạ!

Qua câu chuyện trao đổi trên, chúng ta thấy Đức Thầy cũng như Đức Phật bao giờ cũng tùy duyên hóa độ. Chúng ta có phước duyên được gặp chơn lý siêu mầu của Tổ Thầy, nên cố gắng tu tiến chớ tu lùi. (Chuyện Bên Thầy - tr.83).

3.- Không cần lạy cần quỳ. Điều nầy, Đức Thầy giải thích: “Bởi vì sự tu hành cốt ở chỗ trau tâm trỉa tánh hơn là do sự lễ bái ở ngoài…Chỉ thờ lạy Đức Phật, tổ tiên, ông bà, cha mẹ lúc còn sống và các vị anh hùng cứu quốc. Với những kẻ khác, nên bỏ hẳn sự lạy lục người sống, cho đến Thầy mình cũng vậy, chỉ xá thôi.” (Quyển Sáu - Tôn chỉ Hành đạo)

Đây chính là vấn đề đầu tiên của người sơ cơ hành đạo. Khi chúng ta phát tâm qui y Phật, tất phải phụng thờ Tam Bảo, hằng ngày lo lễ bái công phu, ăn chay niệm Phật, hành thiện tránh ác và nghiêm trì giới luật. Từ năm 1939 Đức Thầy đã dạy:

“Tưởng nhớ Phật như ăn cơm bữa,

Vọng Cửu Huyền sớm tối mới mầu”.

Và:

Sớm với chiều gắng chí nguyện cầu,

Thì sẽ được tòa chương dựa kế”.

Các lời dạy đó, mỗi tín đồ ai cũng phải trì hành, song đây mới là nấc thang đầu là sự tướng của Đạo và cũng là phương tiện phụ thuộc mà thôi. Cho nên đến năm 1942, Đức Thầy đưa tín đồ lên bước nữa để đi đến sự lý dung thông. Ngài nói:“Sự lễ bái không đủ cho ta tỏ ra một tín đồ chân thành của Đạo Phật được”. Rồi Ngài tự đặt câu hỏi: “Tại sao vậy ?” Bởi tâm lý chung của người mới tu, khi nghe lời dạy trên ai cũng không khỏi thắc mắc. Đoạn rồi Ngài trả lời liền theo đó:

“Vì Đức Phật không bao giờ ngỏ ý rằng: Các người hãy lạy thờ ta cho nhiều rồi ta sẽ độ giúp các người, mà trái lại, Ngài dạy rằng: “Các người nên hiểu biết phận sự con người phải làm gì trong kiếp sống và tìm kiếm chân tánh của mình. Thiệt hành theo giáo lý của Ngài thì Ngài sẽ hướng dẫn và ủng hộ vậy”.

Tuy nhiên, vẫn theo ý chỉ của Đức Thầy thì:

- Muốn tu hành thì phải cần chuyên,

Tưởng nhớ Phật chớ nên sái buổi. (Q.2)

- Sớm chiều bình đẳng chớ lơi,

Thường hành như vậy nhớ lời đừng sai.”

(Từ giã làng Nhơn Nghĩa)

- Muốn cho tội lỗi mòn tiêu,

Thành tâm cầu nguyện sớm chiều mới hay.” (Q.3)

Vì vậy, nghi thức hành lễ theo tôn giáo PGHH tuy rất đơn giản, nghĩa là không gõ mõ tụng kinh, không rườm rà, màu sắc như các tôn giáo khác nhưng đã là tín đồ PGHH thì phải hai thời cúng lạy mỗi ngày không thể thiếu được.

4.- Không cần phải có chùa chiền hay am cốc, bởi vì, ngay chính tư gia của mỗi người tín đồ PGHH đã là một Phật cảnh trang nghiêm, đầy đủ hơn các nơi thờ cúng khác. Thật vậy, theo thông lệ từ trước tới nay, trong mỗi nhà người tín đồ PGHH đều có thiết trí 3 ngôi thờ cúng. Đó là: Ngôi Tam Bảo, Bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ và Bàn Thông Thiên, mang ý nghĩa như sau:

1- “Ngôi Tam Bảo” còn gọi là bàn thờ Phật. Nơi đây thờ tấm trần dà, tượng trưng cho sự hòa hiệp của nhơn loại, tiêu biểu cho tinh thần vô thượng của nhà Phật và còn là nơi thờ kính mười phương chư Phật, Pháp, Tăng, cùng Phật Tổ, Phật Thầy, …có nghĩa là không bỏ sót bất cứ một vị Phật, Pháp bảo hay Tăng ni nào.

2- Bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ (hay Bàn thờ Ông bà). Nơi đây thờ phượng vong linh của Tổ tiên Ông bà Cha mẹ từ vô lượng kiếp.

3- Bàn Thông Thiên: Có ý nghĩa: bàn thờ thông lên Trời. Nơi đây thờ cúng 3 vị: Thiên hoàng (vua các cõi Trời), Địa hoàng (vua các cõi địa ngục) và Nhơn hoàng (vua các cõi người). Nói chung các vị ấy đều là bậc: Phật, Thánh, Tiên.

Thử hỏi, từ xưa đến nay có chùa chiền, am cốc nào thờ cúng đủ đầy như Phật cảnh của người tín đồ PGHH không? Chính vì vậy mà Đức Thầy khuyên chúng ta “Tu hành nào đợi chùa am làm gì” và như người xưa cũng có nói:

“Tu đâu cho bằng tu nhà,

Thờ cha kính mẹ hơn là đi tu”.

Hay là:

“Thứ nhứt là tu tại nhà,

Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa.”

Do đó, từ pháp môn cho đến phương tiện tu hành và nghi thức hành đạo của người tín đồ PGHH thật vô cùng giản dị và bất cứ ai dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng có thể tu hành đến nơi đến chốn, có nghĩa là vẫn có người được vãng sanh hay giải thoát.

Tuy nhiên, vì đây là thời kỳ Hạ ngươn mạt pháp,“người tâm trí tối đen, đời lắm Ma Vương quấy rối” nên công cuộc khuyến tu của Đức Thầy cũng lắm phen gian nan, vất vả. Đã vậy mà còn bị người đời chê bai, nhạo báng:

“Thấy chúng sanh ghét ngỏ ganh hiền,

Theo chế nhạo những người tu tỉnh.

Tu không tu cũng không mời thỉnh,

Mặc tình ai trọng kỉnh hay chê.

Thương lê dân còn mảng say mê,

Chẳng tu tỉnh cho rành sương nắng.” (Q.4)

Thêm vào đó còn có hạng người giải đãi nên mặc dù ý thức được tầm quan trọng và sự ích lợi lâu dài của việc tu hành nhưng vì tham bả lợi danh, quen mùi phú quý nên vẫn cứ chần chờ, lưỡng lự, vẫn cứ chân trong chân ngoài, miệng thì nói tu hành, đạo đức nhưng lòng gian tham tiền tài danh lợi vẫn chưa chịu buông bỏ. Vì vậy, Đức Thầy phải nhiều lần than trách:

Muốn tu còn đợi chiều mai.

Khuyên người rèn sớm thì xài lâu hư. (Q.3)

Nay cũng lắm người ưa kinh kệ,

Muốn tu mà gặp lúc quá gay go. (Trao lời cùng Ô.Táo)

Thấy trần thế hãy còn lưỡng lự,

Muốn tu mà còn hỡi chần chờ. (Q.4)

Ta khuyên tu dân cứ mãi ngờ,

Sợ gạt chúng kiếm xu kiếm cắc. (Q.4)

Tu hành mà mãi nan nghi,

Sợ Ta gạt gẫm cũng kỳ cho dân. (Từ giã Bổn đạo Khắp nơi)

Hay có số người vì chưa dứt khoát nên tu cầm chừng cho lấy có hoặc hành những điều bất chánh làm xấu lây cho người tu hành chơn chánh, nên Đức Thầy thẳng thắn chỉ trích:

Ít ai giữ đặng chí bền,

Tu theo nước lớn, ròng bèn thả trôi.

(Khuyên người giàu lòng phước thiện)

Đục trong cạn tỏ khúc nôi,Thấy dân tu dối nghĩ thôi bận lòng.

(Từ giã Bổn đạo khắp nơi)

Bởi chữ tu liền với chữ hành,

Hành bất chánh người đời mới nói. (Q.4)

Điều quan trọng mà Đức Thầy tiết lộ là vào thời kỳ Hạ ngươn cùng cuối nầy sẽ xảy ra lắm thiên tai, địa ách như động đất, núi lửa, sóng thần, lũ lụt... hay thảm họa chiến tranh tàn khốc do loài người cùng hung cực ác gây ra. Vì vậy chúng sanh phải tỉnh ngộ lo tu hành, để được Phật Trời cứu vớt:

Tu kíp kíp nếu không quá trễ,

Chừng đối đầu khó kiếm Điên Khùng. (Q.2)

Chừng đó mới trời ơi đất hỡi,

Mang khổ hình vì bởi chẳng tu. (Thiên Lý Ca)

Đây sắp đến lầm than khắp chốn,

Việc tu hành đâu tốn tiền chi. (Thiên Lý Ca) Đặc biệt, những ai biết tu hành, nhơn đức thì không những tránh được những hình phạt nơi địa ngục mà còn được Đức Diêm Vương trọng đãi:

Diêm phù chơn Chúa chọn người tu, Hành phạt ác hung chốn cửa tù. Tiếp nghinh những kẻ lòng nhơn đức,Hỡi bớ dương trần hãy rán tu. (Tối Mùng Một)

Tóm lại, qua phần trình bày trên chúng ta nhận thấy Đức Thầy đã xả thân vì Đạo, hết lời khuyên lơn bá tánh, nếu không sớm lo tu hành, để khi gặp khổ ách, dầu có muốn tu cũng chẳng kịp, bởi sự tu không phải chỉ một sớm một chiều mà thành công được. Sống giữa thời mạt pháp may mắn gặp chánh Đạo, nếu chúng sanh chẳng sớm nương theo, không khác nào loài chim gặp cành cây tốt lành, chẳng chịu đậu, ắt bị mưa bão làm nguy hại.

Tuy nhiên, ở thế gian có nhiều kẻ không thích việc tu, nên dùng đủ tiếng gièm pha nhạo báng, song đối với người đã quyết tâm hành Đạo thì chẳng màng kể. Xét lại cõi đời không được mấy người hiền đức, phần đông là kẻ gian tà hung ác.

Nhưng vì lòng quá thương xót sanh linh, nên dù đời có nhiều bạc đãi, Đức Thầy cũng:“Quyết lòng truyền bá Đạo mầu mà thôi”.(Dặn dò Bổn đạo). Ngài mong sao mọi người đều thức tỉnh tu hành, dầu nhiều ít gì cũng có kết quả. Lại có số người cũng muốn tu, nhưng cứ mãi trù trừ lần lựa, nên Ngài khuyên họ càng sớm tu càng tốt. Bởi vì:

- “Không tu chừng khổ cũng ưng,

Tu hành gặp cảnh vui mừng toại thay!” (Để chơn đất Bắc)

- “Tu biết cách như đươn biết đát,

Đươn đát rành đặng dựa Xe Loan.” (Q.4)

- “Phải rán tu đặng mà chết,

Chớ đừng để chết đến mà chẳng có tu.” (Tư tưởng)

“Tu cho kẻ bạo khâm nhường,

Đẹp lòng cha mẹ, Cửu Huyền chờ trông.” (Thu đã cuối)

__________

Nam mô A Di Đà Phật !

Từ khóa » Tu đền Nợ Thế Cho Rồi