Tìm Hiểu Về Cuộc đời Và Sự Nghiệp Nhà Thơ Tú Xương - Cây Bút Trẻ

Nhà thơ Tú Xương được xem là một hiện tượng hiếm trong thơ ca Việt Nam. Ông sáng tác dường như chỉ để mua vui, để đọc cho bạn bè và người thân nghe, rồi tùy ý truyền khẩu. Trong thơ của Tú Xương có thể cảm nhận được sự hài hòa giữa yếu tố hiện thực và trào phúng, nhưng trữ tình là gốc rễ. Hôm nay CAYBUTTRE.VN xin giới thiệu đến các bạn bài viết tổng hợp về cuộc đời và sự nghiệp của ông!

Cuộc đời

Tú Xương tên thật là Trần Tế Xương, tên khác là Trần Duy Uyên, tự Mộng Tích, Tử Thịnh, hiệu Mặc Trai. Chữ Xương trong bút danh Tú Xương có nghĩa là “thịnh vượng” (còn có nghĩa là đẹp, thẳng). Tuy nhiên, hàm nghĩa của chữ “Xương” này đã bị những người chuyên làm thơ trào phúng về sau đã cố tình “xuyên tạc” thành “xương thịt”. Và từ đó họ suy tôn ông thành bậc tổ sư một “môn phái” quy tụ những môn đệ “ăn theo” học vị khoa bảng như: Tú Mỡ, Tú Sụn, Cử Nạc, Tú Poanh, Đồ Phồn…

Ông sinh ra tại số nhà 247 phố Hàng Nâu, thành phố Nam Định với tên là Trần Duy Uyên. Ông thuộc dòng dõi nho gia, vốn là họ Phạm. Tổ tiên ông được đổi thành họ Trần là bởi vào đời Nhà Trần, do lập công lớn nên được phong quốc tính (vua cho đổi theo họ nhà vua). Ông nội Trần Tế Xương tên là cụ Trần Duy Năng. Thân sinh của Trần Tế Xương là cụ Trần Duy Nhuận cũng là một nhà nho. Cũng là người dự nhiều khoa thi mà không đậu. Sau làm Tự thừa ở dinh đốc học Nam Định, sinh được 9 người con, 6 trai, 3 gái, Tú Xương là con trưởng trong gia đình.

Hồi mới lên 10 tuổi, nhà có khách đến chơi, thấy trước nhà có một dãy chậu hoa, vị khách bèn ra câu đối “Đình tiền ngũ sắc hoa” (trước sân có hoa năm sắc), ông liền chỉ vào lồng chim khướu treo ở hiên và đối lại: “Lung trung bách thanh điểu” (trong lồng có chim trăm tiếng). Khách nghe đối tấm tắc khen nhưng lại thở dài “đời thằng bé lại luẩn quẩn như chim nhốt trong lồng “. Tú Xương từng học chữ Hán với cụ kép làng Thành Thị, tên là Trần Chấn Thái.

Tú Xương vốn thuộc dòng dõi nho gia họ Phạm nhưng đã đổi thành họ Trần. Ông nội Trần Tế Xương là Trần Duy Năng. Cha của Trần Tế Xương là cụ Trần Duy Nhuận là một nhà nho làm Tự thừa ở dinh đốc học Nam Định.

Ông cưới vợ rất sớm, vợ ông là bà Phạm Thị Mẫn, một phụ nữ quê. Ông bà có với nhau 8 người con – 6 trai và 2 gái. Vợ ông được xem là một phụ nữ tiêu biểu cho phụ nữ Việt Nam xưa: tần tảo, thương chồng, thương con, nhẫn nại quên mình… Chính bà đã đi vào thi phẩm của chồng như một nhân vật điển hình hấp dẫn.

Cuộc đời của Trần Tế Xương là cuộc đời của một nghệ sĩ, nhưng trước hết là một trí thức phong kiến. Ông thuộc loại nhà nho “dài lưng tốn vải” như trong bài Hỏi ông trời của ông:

Ta lên ta hỏi ông trời: Trời sinh ta ở trên đời biết chi? Biết chăng cũng chẳng biết gì: Biết ngồi Thống Bảo, biết đi ả đầu Biết thuốc lá, biết chè tàu Cao lâu biết vị, hồng lâu biết mùi

Mọi chi tiêu trong gia đình đều do một tay bà Tú lo liệu. Điều đó đã đi vào thơ ca của ông: Tiền bạc phó cho con mụ kiếm hoặc là Hỏi ra quan ấy ăn lương vợ hay là Nuôi đủ năm con với một chồng, rồi ông cũng tự cười mình trong bài Phỗng sành:

Ở phố Hàng Nâu có phỗng sành Mắt thời thao láo, mặt thời xanh Vuốt râu nịnh vợ, con bu nó Quắc mắt khinh đời, cái bộ anh Bài bạc kiệu cờ cao nhất xứ Rượu chè trai gái đủ tam khoanh Thế mà cứ nghĩ rằng ta giỏi, Cứ việc ăn chơi chẳng học hành

Cuộc đời ông chỉ gắn liền với thi cử, tính ra có tất cả 8 lần. Đó là các khoa: Bính Tuất (1886); Mậu Tý (1888); Tân Mão (1891); Giáp Ngọ (1894); Đinh Dậu (1897); Canh Tý (1900); Quý Mão (1903) và Bính Ngọ (1906). Sau 3 lần hỏng thi mãi đến lần thứ tư khoa Giáp Ngọ (1894) ông mới đậu tú tài, nhưng cũng chỉ là tú tài thiên thủ (lấy thêm). Sau đó không sao lên nổi cử nhân, mặc dù đã khá kiên trì theo đuổi. Khoa Quý Mão (1903) Trần Tế Xương đổi tên thành Trần Cao Xương tưởng rằng bớt đen đủi, nhưng rồi hỏng vẫn hoàn hỏng, đến phát cắu lên:

Tế đổi làm cao mà chó thế, Kiện trông ra tiệp hỡi trời ôi !

Xã hội bấy giờ, cái bằng tú tài thuộc loại dang dở dở dang (tú tài không được thi Hội, cử nhân mới được thi, tú tài không được bổ quan, cử nhân mới được bổ). Cho nên đậu tú tài, muốn đậu cử nhân phải đợi 3 năm sau thi lại.

Cuộc sống của ông về vật chất rất thiếu thốn. Đúng năm ông đậu tú tài (1894) thì ngôi nhà số 247 phố Hàng Nâu (nay là phố Minh Khai) bị cháy. Cụ Nhuận làm lại xây bằng gạch Ông tu tác cửa cao nhà rộng, toan để cho dâu, câu thơ đó là Tú Xương nhắc đến sự kiện này, nhưng rồi ngôi nhà đó lại bị bà Hai An chiếm đoạt. Tú Xương đã phải than:Nhà cửa giao canh nợ phải bồi. Nghèo đói đã cứa xé Tú Xương. Sự đểu cáng đã vả vào Tú Xương. Hoàn cảnh đó được in đậm trong thơ phú của Tú Xương sự vất vả, cay cú, phát phẫn, buồn phiền.

Tú Xương mất sớm vào ngày 29.01.1907 khi mới 37 tuổi.

Sự nghiệp sáng tác

Tú Xương mất sớm, ông chưa đi trọn con đường sáng tác của mình. Nhưng những tác phẩm Tú Xương để lại có tác dụng như một bản cáo trạng đanh thép lên án xã hội thực dân nửa phong kiến trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX.

Tú Xương sáng tác rất nhiều và thất lạc cũng nhiều. Ông viết khoảng 151 bài thơ bằng chữ Nôm với đủ các thể loại. Ngoài ra, ông có dịch một số thơ Ðường.

Tình hình văn bản tác phẩm của Tú Xương hết sức phức tạp. Không có di cảo. Không có những công trình đáng tin cậy tập hợp tác phẩm khi tác giả còn sống hoặc vừa nằm xuống. Sinh thời, nhà thơ sáng tác dường như chỉ để tiêu sầu hoặc mua vui, thơ làm đọc lên cho vợ con, bạn bè nghe, rồi tùy ý truyền khẩu. Thành Nam thuở ấy còn có nhiều người hay thơ và thơ hay, cùng nỗi niềm và khuynh hướng với Tú Xương như Trần Tích Phiên, Phạm Ứng Thuần, Trần Tử Chi, Vũ Công Tự…Thơ họ cũng được phổ biến không ít. Lại 3 năm một lần thi hương, sĩ tử cả Bắc Kỳ tụ hội về đây, thơ hay được lan truyền càng rộng rãi. Vì thế thơ Tú Xương càng dễ bị lẫn lộn.

Nguồn cảm hứng chủ đạo trong thơ của ông là tiếng cười phê phán những mặt trái bắt đầu nảy sinh giữa đời sống thị thành, tiếng cười châm biếm và tự trào vừa mang sắc thái tiễn biệt quá khứ “một cách vui vẻ” vừa bất đắc dĩ chấp nhận lối sống thị dân đang từng bước định hình.

Thơ Tú Xương là tiếng nói của tầng lớp bình dân – một phong cách thơ trào phúng gần gũi với Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Kì Đồng,…

Thơ ông là sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố hiện thực, trào phúng và trữ tình, trong đó trữ tình là gốc. Với Tú Xương, vẫn chưa thấy chắc chắn có bài thơ chữ Hán nào, chỉ thấy thơ Nôm viết bằng các thể loại cổ điển: thơ luật Đường: thất ngôn bát cú, tứ tuyệt; phú; văn tế; câu đối; hát nói; lục bát.

Ở thể loại nào Tú Xương cũng tỏ ra là một nghệ sĩ bậc thầy. Với giọng văn châm biếm sâu cay, thơ văn của ông đã đả kích bọn thực dân phong kiến, bọn quan lại làm tay sai cho giặc, bọn bán rẻ lương tâm chạy theo tiền bạc, bọn rởm đời lố lăng trong buổi giao thời (Vịnh khoa thi hương, Giễu người thi đỗ, Học trò ngủ cạnh thầy, Phường nhơ,…). Bên cạnh đó đề tài người vợ trong thơ của Tú Xương cũng rất được quan tâm và đón nhận. Tú Xương rất trân trọng vợ mình, ông viết về vợ như một sự tri ân. (Thương vợ, Văn tế sống vợ,…) Không chỉ vậy, ông còn hiểu rõ nỗi khổ của những người nông dân và viết về họ với một sự cảm thương chân thành (Đại hạn, Thề với người ăn xin,…).

Về nội dung, thơ trào phúng và trữ tình của Tú Xương có giá trị hiện thực cao. Thơ Tú Xương là tiếng nói, là nỗi lòng của tầng lớp nho sĩ đang đứng giữa thời cuộc không đành tâm theo giặc cũng không cầm vũ khí chống giặc.

Về nghệ thuật, cả hai mặt trào phúng và trữ tình, Tú Xương xứng đáng là nhà thơ lớn của dân tộc, xứng đáng được Yên Ðỗ ( Nguyễn Khuyến) nhà thơ cùng thời xếp vào loại thi hào bất tử :

Kìa ai chín suối Xương không nát Có nhẽ nghìn thu tiếng vẫn còn.

Tú Xương lấy vợ năm 16 tuổi, vợ ông là bà Phạm Thị Mẫn. Đó là người vợ tần tảo buôn bán nhỏ, luôn cho lo cho chồng học hành thi cử mà nhà lại đông con (8 người con) nên họ luôn sống trong cảnh thiếu thốn. Mọi chi tiêu trong gia đình đều do một tay bà Tú lo liệu. Điều đó đã đi vào thơ ca của ông: “Tiền bạc phó cho con mụ kiếm” hoặc là “Hỏi ra quan ấy ăn lương vợ” hay là “Nuôi đủ năm con với một chồng”, rồi ông cũng tự cười mình trong bài Phỗng sành:

“Ở phố Hàng Nâu có phỗng sành Mắt thời thao láo, mặt thời xanh Vuốt râu nịnh vợ, con bu nó Quắc mắt khinh đời, cái bộ anh Bài bạc kiệu cờ cao nhất xứ Rượu chè trai gái đủ tam khoanh Thế mà cứ nghĩ rằng ta giỏi, Cứ việc ăn chơi chẳng học hành”.

Chính điều này đã góp phần khiến cho tác phẩm của ông thêm nhiều cảm xúc khác người mà vợ ông là hình mẫu, là cảm xúc hình thành nên nhiều bài thơ điển hình cho người phụ nữ Việt Nam thời đó.

Ông là một nhà thơ nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn đến nhiều nhà thơ hiện đại. Xuân Diệu đã viết về tài năng thơ phú nơi ông như sau:

“Ông nghè ông thám vô mây khói Đứng lại văn chương một tú tài”.

Nhiều người từng nhớ về Nhà thơ Tú Xương khi nhắc đến bài thơ “Năm mới chúc nhau”. Ý thơ thật sâu cay, trào lộng. Ông viết:

“Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau: Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu. Phen này ông quyết đi buôn cối Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu: Trăm, nghìn, vạn mớ để vào đâu? Phen này, ắt hẳn gà ăn bạc Đồng rụng, đồng rơi, lọ phải cầu.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang: Đứa thì mua tước; đứa mua quan. Phen này ông quyết đi buôn lọng, Vừa bán vừa la cũng đắt hàng.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc con: Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn. Phố phường chật hẹp, người đông đúc Bồng bế nhau lên nó ở non.

Bắt chước ai ta chúc mấy lời Chúc cho khắp hết ở trong đời Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước Sao được cho ra cái giống người”.

Nói về thơ Tú Xương, nhiều người cho rằng, nhiều những thực trạng được ông khắc họa trong thơ vẫn còn ý nghĩa phản ánh cho đến tận ngày hôm nay.

♦ Các nguồn tổng hợp

  • Tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Trần Tế Xương
  • Nhà thơ Tú Xương
  • Sự nghiệp sáng tác của Trần Tế Xương
  • Đặc điểm trong sáng tác của Trần Tế Xương
  • Báo Một thế giới
Bình Luận
© Các tác phẩm sáng tác được xuất bản đều được bảo hộ bản quyền trong phạm vi hoạt động của CAYBUTTRE.VN, và đăng ký tác quyền DMCA. Đề nghị không sao chép, đăng tải, sử dụng lại những tác phẩm đó nếu không có sự cho phép của tác giả hoặc bằng văn bản của CBT Việt Nam. Trong trường hợp phát hiện ra các tác phẩm  đã xuất bản có dấu hiệu vi phạm về bản quyền, hãy liên hệ với đội ngũ Quản trị viên - Biên tập viên của chúng tôi và xin thông báo qua hòm thư info.caybuttre@gmail.com để phối hợp xử lý vi phạm. Trân trọng cảm ơn!
CÓ THỂ BẠN ĐANG TÌM
Danh sách thành viên Giới thiệu chung Quy định hoạt động
Các câu hỏi/đáp về CBT Trang vàng Cộng đồng CÂY BÚT TRẺ AUDIO

Từ khóa » Tiểu Sử Tú Xương