Tìm Hiểu Về Thiết Kế Zen Và Triết Lý Về 'sự Trống Rỗng' Của Hãng MUJI

MUJI là thương hiệu được ưa chuộng trên toàn cầu và gần đây gây chú ý ở Việt Nam (Cửa hàng MUJI đầu tiên tại Hà Nội vừa khai trương vào đầu tháng 7 vừa qua). Những sản phẩm của MUJI không chỉ có chất lượng tốt, kiểu dáng tối giản vượt thời gian, được bày biện trong một không gian đẹp mắt mà còn thể hiện triết lý nhất quán của thương hiệu, có liên quan đến tinh hoa văn hoá Nhật Bản và Phật giáo. Hãy cùng iDesign tìm hiểu về thiết kế thẩm mỹ mang tính thiền (Zen design), triết lý hư không và cách mà MUJI áp dụng điều đó.

Chuỗi cửa hàng MUJI, thành lập tại Nhật Bản vào năm 1979, cung cấp nhiều dòng sản phẩm từ đồ gia dụng, quần áo đến thực phẩm. Với hình thức tối giản, đây thường được gọi là thiết kế Zen (mang tính thiền). Nhưng có liệu có mối liên hệ thực sự nào giữa MUJI và Zen không?

Triết lý sản phẩm của MUJI

Được biến đến rộng rãi với tên gọi MUJI bên ngoài Nhật Bản, tên thật đầy đủ của chuỗi cửa hàng này là Mu-jirushi ryohin. Trong đó, “Mu” tương đương với tiền tố “không”, “jirushi” có nghĩa là “biểu tượng” hoặc “nhãn hiệu” và “ryohin” là sản phẩm tốt.

“Mu-jirusi” là từ do MUJI đặt ra để tuyên bố sứ mệnh mang đến các sản phẩm hữu ích cho cuộc sống hàng ngày bằng cách không lãng phí năng lượng hay tài nguyên vào các yếu tố không cần thiết. Họ tin rằng các sản phẩm cuối cùng rồi cũng sẽ trở thành những thứ “vô danh – mu-jirushi”, hoàn toàn tự nhiên hoà vào cuộc sống của người dân.

Đó là một tuyên bố táo bạo khiến chúng ta phải xem lại cách đã và đang thiết kế các sản phẩm thương mại. (Liệu ai dám chọn đặt tên thương hiệu bắt đầu bằng chữ “không”?) Và điều thú vị ở MUJI là niềm tin đó được xây đắp bởi “tính thẩm mỹ” độc đáo, chứ không phải chỉ dừng ở mức tuyên truyền sứ mệnh. Thay vì xác định rõ ràng “Mu-jirushi ryohin” nên là gì, MUJI để nhà thiết kế, nhân viên hãng và người tiêu dùng tự quyết định ý nghĩa sản phẩm đối với từng cá nhân theo cách hiểu khác nhau của mỗi người.

Nội thất của MUJI

“Tính thẩm mỹ” ở đây được dùng để dịch cụm từ tiếng Nhật “bi-ishiki”, nhưng hai từ không hoàn toàn giống nhau. Dù “bi-ishiki” có nghĩa đen là “sự nhạy cảm và ý thức đối với cái đẹp”, nó cũng đề cập đến nguyên tắc sống của cá nhân, như là khi chúng ta đặt câu hỏi: “Hành động theo cách này liệu có ‘đẹp ’không?” để đưa ra quyết định. Một vài ví dụ như các samurai có bi-ishiki rất độc đáo, mà đỉnh cao là cái chết trong danh dự – hành động sống đẹp nhất theo quan điểm riêng của họ. Và hàng ngày, bạn có thể áp dụng bi-ishiki của mình để tránh nghe những lời đàm tiếu bởi vì bạn biết rằng đó không phải là một hành động “đẹp”.

Đối với MUJI, bi-ishiki khác biệt của thương hiệu là “tuyên bố phi sứ mệnh”, truyền cảm hứng cho những nhà thiết kế làm ra các sản phẩm khiến cuộc sống trở nên “tươi đẹp hơn”. Đó không đơn thuần chỉ là về mặt thẩm mỹ, MUJI mong muốn giúp mọi người cư xử, hành động và tương tác với người khác hoặc môi trường xung quanh theo cách mà họ tin là “đẹp”. Cách tiếp cận này khiến MUJI và Thiền gần gũi với nhau, bởi vì Thiền là một tôn giáo dựa trên lời dạy của Đức Phật, khuyên chúng ta cố gắng hòa nhập cơ thể và tâm trí với môi trường xung quanh.

Cách MUJI và Zen kết nối

Trước tiên, chúng ta sẽ xem xét lại về Thiền. Zen là một trường phái Phật giáo Đại thừa được truyền bá giữa các nước Đông Á qua hàng nghìn năm. Trong khi mỗi trường phái có cách tiếp cận và lịch sử riêng, Thiền xuất hiện ở Trung Quốc vào khoảng thế kỷ thứ 9, và sau đó được đưa đến Nhật Bản.

So với các trường phái Đại thừa khác, Thiền có những đặc điểm rất khác biệt như phủ nhận văn bản viết và cố gắng dựa vào rèn luyện thể chất, đặc biệt là qua trung gian, để đạt được các mục tiêu tôn giáo. Ta có thể coi đó là một tôn giáo của sự im lặng. Thông qua thiền định, bạn cố gắng “làm trống” cơ thể, chặn mọi hỗ trợ từ bên ngoài. Tất cả những gì ta có thể làm là trò chuyện với chính nội tâm của mình, hoặc nhận thức sâu sắc về môi trường xung quanh (thường là thiên nhiên, vì các thiền sư thường thiền định trong môi trường tự nhiên).

Sau quá trình luyện tập lâu dài và khó khăn, cuối cùng ta đạt đến giai đoạn không còn cảm thấy cần phải nói về bản thân cũng như không lo lắng về những gì xung quanh mình nữa. Bạn nắm lấy sự trống rỗng vô hạn, phong phú, hoàn toàn tan biến trong vũ trụ bao la, trở thành một phần của hòa bình vĩnh cửu. Trạng thái đó phải đạt được thông qua rèn luyện thể chất, không phải chỉ bằng cách đọc hoặc học.

Hai nguyên lý chính của Zen giúp tạo mối liên hệ rõ ràng hơn với MUJI là : “kuu” và “furyumonji”.

“Kuu” là nguyên lý cốt lõi của Phật giáo để xác định thế giới quan. Đức Phật nhận xét rằng thế giới của chúng ta là “trống rỗng – kuu” bởi vì vạn vật trên Trái đất đều đã được định sẵn để thay đổi. Ví dụ, ngay cả khi nghĩ rằng ta luôn là ta, chúng ta của ngày hôm nay không chính xác là chúng ta của ngày hôm qua. Nếu được định sẵn để thay đổi, bạn không bao giờ có thể được “định nghĩa” bởi vì bạn không phải là một tồn tại tuyệt đối. Nếu không thể được xác định rõ ràng, bạn là “trống rỗng”. “Tính hư không – kuu” này là chìa khóa để khám phá sự thật của thế giới nơi chúng ta tồn tại. Zen cố gắng đạt đến trạng thái “kuu”, mục tiêu cuối cùng của những nỗ lực tôn giáo, thông qua trung gian.

“Furyumonji” có nghĩa là “không dựa vào văn bản”. Văn bản vốn dễ bị biến đổi về các diễn giải, có thể dẫn đến những tranh chấp không có kết quả và không liên quan gì đến việc đạt được mục tiêu tôn giáo. Khái niệm “furyumonji” thể hiện niềm tin mạnh mẽ của Zen rằng sự thật chỉ có thể được tìm thấy khi chúng ta tận dụng các khả năng thể chất, giác quan và hành vi. Trong khi thế giới hiện tại thường ưu tiên thông tin mà quên đi tầm quan trọng của nhận thức có được thông qua sự tập trung thể chất / cảm quan, thì Thiền lại rất nghiêm ngặt về trật tự: văn bản không được thay thế sự thật vật lý.

Sản phẩm của MUJI

Kenya Hara và “sự trống rỗng”

Chủ đề liên quan:

  • Siêu hình tròn – Công thức toán học mà Kenya Hara áp dụng để thực hiện logo mới của Xiaomi

Kenya Hara, một nhà thiết kế có ảnh hưởng, giám đốc sáng tạo của MUJI trong hơn 15 năm là người đã đóng một vai trò quan trọng trong việc củng cố triết lý cho thương hiệu. Ông ủng hộ thẩm mỹ của “sự trống rỗng” và các sản phẩm của MUJI lấy cảm hứng từ đó.

Theo Hara, thẩm mỹ của MUJI không phải là “đơn giản” – mặc dù nó sẽ là cụm từ đầu tiên thường được mọi người liên kết với MUJI – mà là “trống rỗng”. MUJI thiết kế những sản phẩm sẽ trở thành “bình rỗng” để người dùng có thể xếp đặt những thứ của riêng họ, dù đó là ý tưởng, sự sáng tạo hay vật thể.

Kenya Hara

Ý tưởng về “sự trống rỗng” đến từ thiết kế đương đại của phương Tây và có hình thức duy lý. Nhưng trong thiết kế truyền thống của Nhật Bản, sự đơn giản có đôi chút khác biệt. Đó là hình thức có chiều sâu “trống rỗng” cho phép người dùng tự do phát triển cách xử lý một đối tượng. MUJI là hiện thân của sự “trống rỗng” này. Ví dụ, chiếc đệm MUJI cũng có thể được sử dụng như ghế sofa, và ghép lại với nhau để tạo thành mẫu đệm cao hơn.

Mang lại cho người dùng sự tự do sử dụng sản phẩm theo cách họ muốn chính là phương thức chúng tôi thể hiện sự trống rỗng. Đây không phải là điều có thể giải thích bằng lời. Những sản phẩm và hình ảnh của chúng tôi được thiết kế để thức tỉnh mọi người về sự trống rỗng, và người dùng có thể cảm nhận được điều đó ngay khi họ nhìn thấy chúng.

Sách “Hình dung triết lý của MUJI” – Kenya Hara

Loại đệm Pocket Coil Mattress Hara là một trong những sản phẩm đặc trưng bán chạy của MUJI. Hara lập luận rằng đó là một thứ khá “trống rỗng” vì 1) Chiếc đệm phù hợp với bất kỳ căn phòng nào và với mọi phong cách thiết kế nội thất. 2) Nó có thể được sử dụng như một chiếc giường hoặc ghế sofa, dành quyền cho người dùng quyết định cách tận dụng nó. 3) Sản phẩm tập trung vào chức năng (độ mềm thoải mái, độ bền và chiều cao có thể điều chỉnh) thay vì những kiểu dáng rườm rà.

Đệm Pocket Coil Mattress Hara

Đối với MUJI, “đơn giản” không bao giờ chỉ là… “đơn giản”. Đó là kết quả của một quá trình công phu để làm cho sản phẩm trở nên phổ biến và cơ bản nhất có thể – hoặc “rỗng” – bằng cách loại bỏ mọi chi tiết không cần thiết, thận trọng xem xét cách chúng sẽ được sử dụng bởi những người khác nhau trong các môi trường khác nhau.

Hara đã nuôi dưỡng và thể hiện thẩm mỹ của mình về “sự trống rỗng” như thế nào? Đó là như khi ông đến một số căn nhà truyền thống di sản và chashitsu (phòng thưởng trà) ở Kyoto để chụp ảnh sản phẩm bát cơm của MUJI cho các chiến dịch quảng cáo.

Khi ông tham gia chỉ đạo buổi chụp ảnh, ông đặt một chiếc bát trên sàn trải chiếu tatami trong một số căn phòng nhỏ, trống trải được xây dựng vào cuối thời Muromachi (cuối thế kỷ 15 – 16), và xem cách cả hai hòa trộn với nhau. Ông nhận ra rằng niềm tin và sự đồng cảm của mình đối với “sự trống rỗng” hẳn là điều mà những người sống ở thời đại Muromachi cảm thấy khi họ thiết kế những căn phòng đó.

Bát chawan của MUJI

Mặc dù trước đây, ông quan điểm rằng rằng các tác phẩm “hiện đại” của mình không liên quan gì nhiều đến nền văn hóa truyền thống đã ngừng phát triển, Hara nhận thấy rằng luôn có những nét thẩm mỹ cốt lõi trong văn hóa Nhật Bản đã trở thành điều quá cơ bản để thay đổi. Và “sự trống rỗng” là một phần của điều đó.

“Tính hư không” và wabi-sabi

“Triết lý hư không” cũng là nền tảng trong thẩm mỹ của ông. Trước khi Phật giáo du nhập vào thế kỷ thứ 6 từ Trung Quốc, người Nhật tin rằng có tới tám triệu vị thần trong tự nhiên. Các vị thần này tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, núi non, đại dương, bão tố, lửa, mùa màng…Người Nhật tôn trọng lãnh thổ của thần linh và đặt giới hạn phạm vi ảnh hưởng của con người, để các thần linh không bị quấy rầy. Chỉ khi con người cần “giao tiếp” với các vị thần, họ mới tạo ra một “shiro” – khu vực trống để chuyển giao các linh hồn, được đặt ở giữa thế giới thần linh và loài người.

“Shiro” được xây dựng bằng cách dựng bốn cột trụ để đánh dấu một khu vực có thể kết nối thế giới của chúng ta với vương quốc riêng của các vị thần. Khi sợi dây nối các trụ giăng lên, “shiro” sẽ xuất hiện. Đó là một không gian trống chứa đầy tiềm năng và sự mong đợi.

Vào thời đại Muromachi, sự trống rỗng như vậy có dạng “wabi-sabi”, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Thiền. Zen được đưa đến Nhật Bản khi đất nước đang chuyển đổi từ một xã hội do quý tộc lãnh đạo sang xã hội do tướng lĩnh quân sự kiểm soát. Zen cộng hưởng được với tinh thần samurai nổi lên lúc đó vì nó cũng tập trung vào việc rèn luyện thể chất / tinh thần để trở nên tự chủ, tự phụ thuộc và tự duy trì.

Wabi-sabi là một nghệ thuật để theo đuổi sự tự cung tự cấp mà không cần tìm kiếm nguồn gốc của vẻ đẹp ở nơi khác. Nó từ chối những trang trí và những chi tiết xa hoa, thừa thãi cả về vật chất lẫn tinh thần, nhằm tìm kiếm sự phong phú trong bộ mặt trần trụi, chân thực – cuối cùng là “trống rỗng” – của thiên nhiên, bao gồm cả con người. Đó chính là nghệ thuật “phi thương hiệu”.

Thật thú vị khi thấy cuộc gặp gỡ của MUJI và chashitsu (phòng thưởng trà) là một sự kết hợp hoàn hảo đến vậy. Chashitsu là cơ sở phục vụ trà đạo, một trong những phần chính của nền văn hóa thiền wabi-sabi vào thế kỷ 16. Còn trà đạo chính là nghệ thuật “bi-ishiki” trong hành vi. Mục tiêu chính của nó không phải uống trà, mà là nuôi dưỡng ý thức nhạy bén đối với hành vi của chúng ta, từ đó xác định khả năng của bản thân trong việc đánh giá mối quan hệ với người khác và môi trường xung quanh.

Murata Juko, nhà sáng lập bộ môn trà đạo, đã tuyên bố rằng bản chất của trà đạo và Thiền là giống nhau: vẻ đẹp hay nghệ thuật thực sự chỉ có thể xuất hiện khi mọi thứ thừa mứa được lược bỏ và ý thức thô sơ được nâng lên mức cao nhất. Ông đã thiết kế những phòng trà đơn sơ, mộc mạc với diện tích khoảng 7 mét vuông mà sau này trở thành tiêu chuẩn. Trong một căn phòng nhỏ và gần như trống rỗng, bạn buộc phải nhận thức sâu sắc về hành vi của mình và môi trường xung quanh.

Một phòng thưởng trà ở Kyoto

Cuối cùng, “sự trống rỗng” đã giúp hình thành một nền thẩm mỹ rất Nhật Bản, thu hút các nhà thiết kế “hiện đại” như Kenya Hara và giúp củng cố triết lý thiết kế của MUJI, là một thế giới quan cơ bản được nuôi dưỡng bằng cách sống gần gũi với thiên nhiên. Bằng cách quan sát và chấp nhận, người Nhật đã xây dựng ý thức nhạy bén về hành vi tạo ra sự cân bằng mong manh giữa thiên nhiên, môi trường xung quanh và con người. Zen kiên quyết nâng thái độ như vậy lên thành những hình thức nghệ thuật kết tinh, làm cho “bi-ishiki của tính hư không” trở nên hữu hình và đẹp đẽ. Cách tiếp cận như vậy rất giống với những gì MUJI mong muốn. “Thiết kế” theo MUJI là thứ ta có thể tận dụng để “thiết kế” hành vi “đẹp” của bản thân, điều này cuối cùng sẽ giúp xây dựng thành tựu và hạnh phúc cho chúng ta.

MUJI thường được gọi là một công ty “phi thương hiệu” vì các sản phẩm không mang logo. Tính thẩm mỹ đơn giản cho phép các sản phẩm phù hợp với nhiều kiểu nhà và phong cách sống – một trong những lý do đưa thương hiệu trở nên vô cùng nổi tiếng. Nhưng Hara muốn chỉ ra rằng MUJI không chỉ là một xu hướng. Ông nhấn mạnh về mục tiêu chính của công ty là tiếp tục cải thiện phong cách sống cho người tiêu dùng. Gần đây, thương hiệu đã lấn sân sang lĩnh vực khách sạn và nhà ở.

Biên tập: 19August

Từ khóa » Sứ Non Muji