Tìm Hiểu Về Vàng Da ở Người Lớn

Hiện tượng vàng da ở người lớn không chỉ đơn thuần là da có màu vàng mà còn có thể là vàng cả niêm mạc, kết mạc mắt. Tuy không phải là bệnh nhưng vàng da là triệu chứng cảnh báo các bệnh gan mật hoặc các bệnh lý khác cần được quan tâm theo dõi.

1. Vàng da là gì?

https://benhvienmatsaigon.org/wp-content/uploads/2019/09/vang-mat-5-800x400.jpgVàng da là tình trạng da và kết mạc mắt có màu vàng, do nồng độ bilirubin trong máu tăng cao bởi các nguyên nhân bệnh lý gây ra. Màu vàng thường xuất hiện ở kết mạc mắt đầu tiên và mức độ vàng da phụ thuộc vào nồng độ bilirubin trong máu.

Như vậy, có thể thấy việc tăng nồng độ bilirubin chính là nguyên nhân của vàng da xảy ra do rối loạn chuyển hóa trong cơ thể. Nguồn gốc bilirubin được tạo ra từ các hồng cầu bị vỡ để được thay thế bởi những hồng cầu mới, khi lưu chuyển trong máu, qua gan và các tế bào gan, men gan đã làm biến đổi cấu trúc của bilirubin để tạo nên dạng hòa tan trong nước gọi là bilirubin liên hợp. Các tế bào gan phân phối bilirubin liên hợp vào các ống mật nhỏ khiến bilirubin trở thành một phần của dịch mật, mạng lưới ống dẫn mật lại hợp lại thành ống mật chủ để tới tá tràng. Cuối cùng, bilirubin sẽ có trong phân và làm cho phân có màu vàng nâu. Vì vậy bất cứ rối loạn nào làm bilirubin tích tụ trong máu thì đều có thể gây ra vàng da, vàng mắt.

Các nguyên nhân vàng da được chia ra làm 4 nhóm nguyên nhân gồm có:

  • Bệnh liên quan đến hồng cầu;
  • Bệnh liên quan đến tế bào gan;
  • Bệnh liên quan đến các ống mật nhỏ trong gan;
  • Bệnh liên quan đến ống mật chung ngoài gan.

2. Nguyên nhân gây bệnh?

Vàng da chỉ là triệu chứng gợi ý cho tình trạng bệnh lý chung của con người, vì vậy chỉ đơn thuần dựa vào hiện tượng vàng da ở người trưởng thành thì không thể đánh giá tình trạng nguy hiểm và diễn biến của bệnh được. Từ thực tế đó sau khi phát hiện vàng da người ta sẽ nghĩ đến các nhóm nguyên nhân gây bệnh và đánh giá mức độ nguy hiểm tùy vào bệnh như sau:

Nhóm bệnh liên quan đến hồng cầu (Vàng da trước gan):

Tình trạng hồng cầu bị tăng tốc độ phá hủy do bệnh lý khiến bilirubin được sản xuất quá mức so với bình thường và lưu hành trong máu, sẽ khiến các tế bào gan không kịp chuyển hóa lượng lớn bilirubin này, dẫn tới sự tồn đọng bilirubin trong máu gây vàng da.

Các dạng bệnh lý phá hủy hồng cầu gồm có: Bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, bệnh thiếu men glucose 6-phosphate dehydrogenase, hội chứng tăng ure máu tán huyết, sốt rét hoặc tụ máu ở mô.

Nhóm bệnh liên quan đến tế bào gan (Vàng da tại gan) :

Empty Đây là nhóm bệnh lý chính gây nên vàng da ở người trưởng thành do tế bào gan bị ảnh hưởng và không thu nhận được bilirubin, bị đào thải và cuối cùng là ứ đọng trong máu. Ngoài ra, việc các tế bào gan bị hủy hoại hoặc giảm số lượng cùng có thể là nguyên nhân tại gan gây tăng nồng độ bilirubin trong máu. Nhóm bệnh liên quan đến tế bào gan bao gồm:

Viêm gan cấp là quá trình viêm xảy ra tại gan do virus, vi khuẩn hoặc rượu, thuốc, bệnh tự miễn khiến cho tế bào gan bị hủy hoại;

  • Xơ gan là quá trình mà các tổ chức của gan bị thay thế bằng mô sẹo ảnh hưởng đến chức năng gan một cách từ từ, khó phát hiện nhưng sẽ nặng lên khi chức năng gan tệ hơn. Những nguyên nhân chính gây xơ gan là viêm gan B mạn, viêm gan C mạn, tổn thương gan do rượu hoặc viêm gan tự miễn;
  • Ung thư di căn vào gan cũng cần được nghĩ đến và xếp vào nhóm nguyên nhân tại gan;
  • Một số hội chứng di truyền hiếm gặp sau sinh nhưng cũng có thể gây ra vàng da như hội chứng Crigler-Najjar, hội chứng Dubin-Johnson và Rotor.

Nhóm bệnh liên quan đến ống mật chủ (Vàng da sau gan):

  • Dịch mật chứa bilirubin sẽ được dẫn từ các ống dẫn mật nhỏ trong gan về ống mật chủ, nếu ống mật chủ hẹp hoặc bị nghẽn thì dịch mật sẽ tràn vào máu gây ra vàng da;
  • Sỏi mật là bệnh lý do mật ở dạng dịch tạo sỏi gây ra, thông thường sỏi sẽ hình thành ở túi mật không gây ảnh hưởng gì, tuy nhiên nếu sỏi mật thoát ra khỏi túi mật và kẹt ở ống mật chủ sẽ làm dịch mật không thể vào ruột và thẩm thấu vào máu gây ra vàng da;
  • Ung thư đầu tụy cũng có thể là nguyên nhân gây ra tắc dòng chảy của dịch mật;
  • Viêm tụy cấp gây phù nề dẫn tới tắc dòng chảy của dịch mật cũng sẽ gây vàng da;
  • Hẹp đường dẫn mật: Do biến chứng tạo xơ của viêm gây hẹp tắc đường dẫn mật dẫn tới vàng da;
  • Ung thư túi mật phát triển gây tắc ống mật chủ;
  • Viêm đường mật do các bệnh lý xơ gan tiên phát hay viêm đường mật xơ hóa và một số thuốc làm giảm dòng chảy của dịch mật, đào thải bilirubin gây vàng da.

viêm gan do thuốc Nhóm bệnh vàng da do thuốc:

  • Một số thuốc cũng có thể gây vàng da ứ mật hoặc vàng da do viêm gan;
  • Thuốc gây viêm đường dẫn mật cũng dẫn tới tắc mật và vàng da;
  • Thuốc gây trở ngại trong quá trình chuyển hóa trong tế bào gan và đường mật của quá trình tạo, bài tiết mật qua đường ruột cũng gây nên triệu chứng vàng da do các thành phần của mật có bilirubin bị ứ lại trong cơ thể.

3. Chẩn đoán nguyên nhân vàng da như thế nào?

Để chẩn đoán ra nguyên nhân vàng da cần dựa vào cả tiền sử, khám thực thể và cận lâm sàng để định hướng chính xác nguyên nhân gây ra.

Tiền sử: Tiền sử để nghi ngờ nguyên nhân vàng da rất quan trọng, ví dụ như bệnh nhân uống nhiều rượu thì nghi ngờ bệnh gan do rượu, bệnh nhân nghiện ma túy thì nghi viêm gan do virus hoặc bệnh nhân có dùng thuốc thì nghi ngờ vàng da do thuốc, bệnh nhân đau bụng từng cơn nghi ngờ tắc đường mật do sỏi.

Khám thực thể: Khám thực thể cần khám toàn diện, tuy nhiên chú ý khám bụng. U ổ bụng gợi ý vàng da do ung thư thâm nhiễm gan do di căn. Gan cứng sẽ nghĩ nhiều đến xơ gan, gan cứng kèm nhiều nốt thì gợi ý ung thư gan.

Cận lâm sàng (xét nghiệm):

  • Định lượng bilirubin máu là xét nghiệm đầu tay để xác định nguyên nhân gây vàng da. Bilirubin gián tiếp tăng đáng kể gợi ý tan máu, men gan tăng gợi ý viêm gan. Xét nghiệm gan khác như alkaline phosphate gợi ý bệnh lý tắc đường mật;
  • Siêu âm bụng là xét nghiệm đơn giản và an toàn để thăm dò các cơ quan trong ổ bụng nhằm phát hiện khối u trong gan hoặc sỏi mật;
  • CT Scanner hữu ích trong phát hiện u gan, tụy và giãn ống mật.

4. Nên làm gì khi nghi bị vàng da?

https://dakhoahongphuc.vn/upload/hinhanh/dia-chi-chua-duong-vat-chay-mu-vang-uy-tin-tai-bien-hoa-dong-nai-1.jpg Việc đầu tiên khi phát hiện bất cứ dấu hiệu bất thường nào của cơ thể là phải đến khám và theo dõi ở các cơ sở y tế. Tuy nhiên do người Việt Nam là người da vàng nên nếu mức độ vàng da nhẹ cũng khá khó khăn trong việc phát hiện. Tại các cơ sở y tế bệnh nhân sẽ được đánh giá kỹ hơn tình trạng vàng da và làm các xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân.

Điều trị vàng da sẽ được tiến hành khi xác định được nguyên nhân và có phương pháp điều trị đặc hiệu, có thể là điều trị nội khoa hoặc điều trị ngoại khoa như loại bỏ sỏi mới có thể giải quyết được căn nguyên gây vàng da.

Vàng da, vàng mắt là một triệu chứng quan trọng trọng nhiều bệnh, liên quan nhiều đến các bệnh lý về hồng cầu, gan, mật hoặc một số tác hại của thuốc với nhiều mức độ và bệnh cảnh từ nhẹ đến đặc biệt nghiêm trọng. Một số bệnh có thể được phát hiện sớm thông qua triệu chứng vàng da và có thể chữa khỏi hoàn toàn.

Nên đi khám sớm khi chỉ cần có triệu chứng vàng da, củng mạc mắt ánh vàng hoặc chỉ khi nước tiểu vàng sậm.

BS NEANG RETHTHA

KHOA NỘI TIÊU HÓA HUYẾT HỌC

Từ khóa » Da Bị Vàng Là Thiếu Chất Gì