Tìm Hiểu Về Xét Nghiệm AST Trong Chẩn đoán Các Bệnh Về Gan

1. Chỉ số men AST là gì?

AST là một loại enzyme có nhiều ở các tế bào gan và thận, một lượng nhỏ khác tồn tại ở cơ tim và cơ bắp. AST còn có tên gọi khác là SGOT, là viết tắt của glutamic - oxaloacetic transaminase.

Đối với người bình thường, nồng độ AST trong máu ở mức độ thấp, trong khoảng 20 - 40 UI/L.

Hình ảnh lá gan khỏe mạnh

Khi cơ thể mắc một bệnh lý nào đó về gan, các tế bào gan bị tổn thương dẫn đến hiện tượng AST được thải ra trong máu nhiều hơn, khi đó xét nghiệm AST sẽ cho kết quả tăng cao so với bình thường. Không có nồng độ tối đa của men gan này trong máu mà tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh.

2. Xét nghiệm AST là xét nghiệm gì?

Xét nghiệm AST là là một xét nghiệm được thực hiện bằng mẫu máu của người bệnh, xét nghiệm nhằm xác định nồng độ men AST trong máu, từ đó giúp kiểm tra, đánh giá tình trạng các tổn thương gan.

Mẫu xét nghiệm là mẫu máu tĩnh mạch được lấy từ tay của người bệnh. Máu sẽ được lấy vào ống xét nghiệm chuyên dụng, sau đó vận chuyển tới phòng xét nghiệm để thực hiện.

Xét nghiệm AST trên mẫu máu

Tại phòng xét nghiệm, mẫu máu được phân tích trên hệ thống máy móc chuyên biệt, qua đó xác định được nồng độ, qua bước kiểm tra tính chính xác của kết quả và được trả tới người bệnh.

Kết quả xét nghiệm có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như: mẫu xét nghiệm bị vỡ hồng cầu, người bệnh sử dụng một số loại thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc tránh thai,…

Để xác định chính xác mức độ tổn thương gan thì xét nghiệm AST thường được thực hiện đồng thời cùng các xét nghiệm khác như xét nghiệm ALT, GGT,… và một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, fibroscan,…

3. Nguyên nhân gây tăng nồng độ AST?

Nguyên nhân gây tăng men gan là do các tế bào gan bị các yếu tố gây bệnh làm tổn thương, phá hủy. Nồng độ AST tăng trong các trường hợp:

3.1. Mắc bệnh viêm gan do virus

Cơ thể nhiễm virus viêm gan A, B, C, D, E sẽ gây tình trạng viêm gan, khiến nồng độ AST tăng trong máu.

Mức độ tăng dưới 2 lần được cho là tăng nhẹ, từ 2 đến 5 lần là mức độ trung bình và tăng trên 5 lần là mức độ cao. Đặc biệt trong trường hợp viêm gan tối cấp thì nồng độ AST trong máu có thể lên đến 5000 UI/L.

3.2. Lạm dụng bia rượu

Bia rượu gây tổn hại các tế bào gan, khi tình trạng lạm dụng bia rượu kéo dài sẽ khiến tế bào gan bị tổn thương, nồng độ AST có thể tăng lên từ 2 đến 10 lần giới hạn bình thường.

Lạm dung bia rượu gây hại cho gan

3.3. Tình trạng suy gan cấp hoặc sốc gan

Chỉ số AST có thể tăng cao hàng chục lần trong trường hợp suy gan hoặc sốc gan.

3.4. Sử dụng các loại thuốc uống

Thuốc hỗ trợ điều trị một bệnh nào đó có thể gây tác dụng phụ làm ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa của gan hoặc gây ngộ độc tế bào gan, dẫn đến tình trạng viêm gan cấp tính do thuốc.

Trường hợp này chỉ số AST có thể tăng cao đến khoảng 3000 UI/L.

4. Khi nào cần thực hiện xét nghiệm AST?

Khi cơ thể có xuất hiện một số biểu hiện các triệu chứng biểu hiện của rối loạn chức năng gan thì cần thực hiện xét nghiệm AST để kiểm tra, đánh giá tình trạng tổn thương. Một số biểu hiện như:

  • Buồn nôn, nôn.

  • Bụng đau hoặc sưng, có biểu hiện đau vùng hạ sườn phải.

  • Xuất hiện vàng da lòng bàn tay, móng tay, vàng mắt,…

  • Cơ thể mệt mỏi, sức khỏe yếu.

  • Chán ăn, ăn không ngon miệng,…

  • Da nổi mẩn ngứa.

  • Phân có màu nhạt, nước tiểu đậm màu.

Dấu hiệu vàng mắt

Bên cạnh đó, xét nghiệm AST cũng được thực hiện cùng các xét nghiệm khác để đánh giá tình trạng sức khỏe trong một số trường hợp có nguy cơ mắc các bệnh về gan như:

  • Người thừa cân, béo phì.

  • Người mắc bệnh tiểu đường, các bệnh lý về tim mạch.

  • Gia đình có tiền sử mắc các bệnh lý về gan.

  • Người nghiện bia rượu nặng, thường xuyên sử dụng nhiều bia rượu.

  • Những người có tiền sử tiếp xúc với các loại virus viêm gan.

5. Xét nghiệm AST có ý nghĩa gì?

Xét nghiệm giúp xác định được nồng độ của AST trong máu. Trong máu người khỏe mạnh bình thường, nồng độ này ở khoảng 20 - 40 UI/L. Có sự khác biệt về nồng độ AST ở nam và nữ khi mà ở nam giới nồng độ này thường cao hơn.

Trong trường hợp men gan tăng ở mức độ nhẹ hoặc trung bình ( <200UI/L), người bệnh có thể gặp phải một số vấn đề như:

  • Viêm gan mạn tính.

  • Tổn thương lâu dài ở gan, xơ gan, sẹo gan.

  • Tắc nghẽn ống mật.

Hình ảnh gan bình thường và gan nhiễm mỡ

Khi chỉ số men gan tăng cao >200 UI/L, thậm chí cao hơn 1000 UI/L, người bệnh có thể gặp một số vấn đề bệnh lý sau:

  • Viêm gan siêu vi cấp tính.

  • Tổn thương gan do các chất độc như khói thuốc lá, các loại thuốc điều trị,…

  • Suy gan, sốc gan.

  • Trụy mạch lâu.

Chỉ số men gan tăng cao có thể báo hiệu một tổn thương nào đó đối với gan. Do đó, cần xét nghiệm định kỳ 3 - 6 tháng để kiểm tra nồng độ AST trong máu, đồng thời thực hiện các phương pháp kiểm tra khác để có thể đánh giá được tình trạng sức khỏe.

Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với hệ thống trang thiết bị xét nghiệm hiện đại hàng đầu luôn sẵn sàng thực hiện các xét nghiệm để kiểm tra, đánh giá sức khỏe cho người dân. Các xét nghiệm được vận hành theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế ISO 15189:2012, đảm bảo kết quả chính xác và nhanh chóng.

Các kết quả xét nghiệm được nhận định bởi các chuyên gia, bác sĩ giàu kinh nghiệm nên có thể hoàn toàn yên tâm khi sử dụng các dịch vụ y tế thông minh tại bệnh viện.

Truy cập website medlatec.vn hoặc liên hệ với tổng đài để được tư vấn chi tiết về các dịch vụ khám chữa bệnh tại MEDLATEC.

Từ khóa » Chỉ Số Hoạt độ Ast Là Gì