TÌM HIỂU XUẤT XỨ VỞ TUỒNG SƠN HẬU QUA VĂN BẢN HÁN NÔM PHẠM ĐỨC DUẬT Sở Văn hóa - thông tin Thái Bình Sơn Hậu là vở tuồng được văn bản hóa bằng Hán Nôm khá sớm. Rồi lại được phiên âm dịch nghĩa thành nhiều văn bản chữ quốc ngữ từ mấy chục năm đầu thế kỷ XX. Để tìm hiểu xuất xứ tuồng Sơn Hậu, chúng tôi xem những văn bản in hoặc chép tay bằng chữ Quốc ngữ lưu tại các thư viện chỉ là văn bản tham khảo mà chủ yếu khai thác qua văn bản Hán Nôm hiện có ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Một vấn đề cần nhắc đến ngay, Đào Duy Từ có phải người sáng tác tuồng Sơn Hậu hay không ? Giáo sư Hoàng Châu Ký trong Sơ khảo lịch sử tuồng, sau khi phân tích nội dung một số vở tuồng viết trong giai đoạn trước triều Nguyễn đã tán đồng với ý kiến của hai tác giả Huỳnh Lý và Hoàng Ngọc Phách trong cuốn Tuồng và chèo rằng: “Tương truyền Đào Duy Từ khởi thảo tuồng Sơn Hậu là điều đáng cho chúng ta suy nghĩ và nghiên cứu”. Nhà Hán học, nhà nghiên cứu tuồng Phạm Phú Tiết trong Hội thoại về nghệ thuật tuồng cho rằng vở tuồng Sơn Hậu về thực chất đã phản ánh một cách khéo léo thời kỳ lịch sử Trịnh Nguyễn phân tranh. Vở tuồng có những chi tiết đáng chú ý: Một là cảnh “lập tiểu giang sơn” ngụ ý nói về chúa Trịnh và Đàng ngoài. Hai là sự kiện “Phàn Diệm xưng vương” ngụ ý nói về chúa Nguyễn thứ tám Nguyễn Phúc Khoát xưng vương và Đàng trong. Đào Duy Từ sinh năm 1572 và mất năm 1634, nghĩa là ông mất trước sự việc Nguyễn Phúc Khoát xưng vương (1774) 110 năm. Giai đoạn Đào Duy Từ sống, chúa Nguyễn mới chỉ bắt đầu chống lại chúa Trịnh, nhiều sự kiện quan trọng chưa xảy ra đầy đủ, bên chúa Nguyễn chưa có việc xưng vương để cho phép Đào Duy Từ mượn hình ảnh đưa vào vở tuồng như chúng ta thường nói “có tích mới dịch nên trò”. Cuối cùng cụ Phạm kết luận: “Tôi cũng không đồng ý với lời tương truyền Đào Duy Từ khởi thảo vở tuồng Sơn Hậu. Như thế, xuất xứ vở tuồng Sơn Hậu trở thành vấn đề thật quan trọng. Nó không những biểu hiện chức năng phản ánh hiện thực xã hội, phản ánh lịch sử của văn học nghệ thuật, mà còn soi sáng thêm để chúng ta tiếp cận với nguồn gốc của nghệ thuật tuồng. Nhân dân Việt Nam đã từng chứng kiến, sau khi thực dân Pháp đặt xong nền thống trị nước ta, Hoàng Cao Khải đã viết vở tuồng Tây Nam đắc bằng để giải thích cái việc vua Gia Long rước Pháp vào nước ta như một cuộc giao tình thắm thiết giữa “hai dân tộc anh em”. Trước dư luận nhân dân chê trách, Gia Long đối xử tệ bạc với công thần, Hoàng Cao Khải lại viết vở tuồng Tượng kỳ khí xa, trình bầy việc Gia Long vội ăn, đi đánh Huế bỏ Võ Tánh chết ở thành Quy Nhơn như một thế cờ cao, bỏ xe mà thắng cuộc. Ở Trung Quốc sau vụ biến Hoãn Nam xảy ra năm 1941, bọn phản động Quốc dân đảng câu kết với phát xít Nhật, phản bội Đảng Cộng sản Trung Quốc, đánh úp Tân tứ quân và sau đó chúng ngày càng man rợ, khủng bố tàn nhẫn những người yêu nước, những chiến sĩ cách mạng. Tác giả Quách Mạt Nhược đã viết vở kịch lịch sử Khuất Nguyên, ám chỉ tư tưởng phản động của bọn Quốc dân đảng và nói lên lòng căm phẫn của nhân dân trước tội ác tày trời của chúng. Vậy vở tuồng Sơn Hậu đã phản ánh giai đoạn lịch sử nào của dân tộc? Chúng ta hãy xét giai đoạn lịch sử từ khi Nguyễn Kim chết (1545) đến hết thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh (1772). Năm 1545, Nguyễn Kim bị một hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đánh thuốc độc chết. Hai con Nguyễn Kim là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng còn ít tuổi, quyền bính rơi vào tay người anh rể là Trịnh Kiểm. Kiểm một mặt tiếp nối sự nghiệp cần vương của Nguyễn Kim, mặt khác lo tước đoạt thế lực của họ Nguyễn, tập trung bá quyền vào dòng họ Trịnh. Kiểm mưu sát Nguyễn Uông. Nguyễn Hoàng phải nhờ chị ruột là Ngọc Bảo (vợ Trịnh Kiểm), xin với Kiểm cho vào trấn đất Thuận Hóa (1558). Năm 1570, Trịnh Kiểm chết, Nguyễn Hoàng được trấn thủ cả đất Thuận Quảng với chức Tổng trấn tướng quân. Năm 1592, Trịnh Tùng khôi phục được thành Thăng Long, nhưng dư đảng nhà Mạc vẫn còn hoạt động khắp nơi. Năm 1593, Nguyễn Hoàng phải đem quân ra Bắc yết kiến vua Lê, giúp họ Trịnh đánh dẹp. Sau 8 năm ở Bắc, Nguyễn Hoàng đã giúp họ Trịnh nhiều công trạng. Trịnh Tùng muốn giữ chân Nguyễn Hoàng ở Bắc, đề phòng Hoàng mở rộng thanh thế ở Thuận Quảng chống lại họ Trịnh. Năm 1600, nhân có cuộc nổi dậy của Phan Ngạn, Ngô Đình Nga, Bùi Văn Nha ở cửa Đại An, Hoàng xin đem quân đi đánh dẹp rồi thừa cơ vượt biển vào Thuận Quảng. Mâu thuẫn hai dòng họ Trịnh, Nguyễn ngày càng trở nên gay gắt. Năm 1613 Nguyễn Phúc Nguyên lên thay Nguyễn Hoàng càng đẩy mạnh hơn công cuộc cát cứ và cắt đứt dần quan hệ lệ thuộc vào họ Trịnh. Năm 1620 Trịnh Tráng lấy cớ là họ Nguyễn không tuân theo chiếu dụ của vua Lê, không chịu nộp lễ vật, bèn cất quân tiến đánh họ Nguyễn. Thế là cuộc nội chiến kéo dào suốt từ 1627-1672, phải nhờ đến cuộc khởi nghĩa vĩ đại của ba anh em Tây Sơn bùng nổ (1771), nước nhà mới được thống nhất. Chúng ta hãy xét đến nội dung vở tuồng Sơn hậu: Vua Tề đã già mà chưa có con. Một hôm vua nằm mộng thấy điềm lành, mới cho Phàn Phụng Cơ, con gái Phàn Định Công vào cung phong chức Tây cung thứ hậu. Thứ hậu được vua yêu sủng, nên bà chánh cung là Tạ Ngọc Dung ghen ghét. Vừa lúc Tề vương lâm bệnh nặng, chánh cung cùng em ruột là Thái sư Tạ Thiên Lăng lập mưu chiếm ngôi báu. Trên có chánh cung, dưới có ba em trai là Ôn Đình, Lôi Phong, Lôi Nhược giúp sức, Thiên Lăng lập Tiểu giang sơn, mời bá quan dự yến. Các quan đến dự yến đều khép nép. Chỉ có Triệu Khắc Thường đứng lên công kích, liền bị Ôn Đình chém đầu ngay giữa tiệc. Vua Tề băng hà, Thiên Lăng liền tiếm vị. Khi ấy thứ hậu đã có thai, Thiên Lăng muốn giết thứ hậu cho tiệt nòi họ Tề, nhờ có bà Nguyệt Kiểu (có khi đọc là Nguyệt Hạo, vì “Kiểu” cũng là một tên của vua Minh Mệnh), chị Thiên Lăng xin hoãn lại để cho thứ hậu sinh đẻ, tránh lời ta thán của thiên hạ. Lại nhờ có những trung thần như Khương Linh Tá, Đổng Kim Lân và Thái giám Lê Tử Trình, nên Nguyệt Kiểu sắp đặt cho thứ hậu trốn được. Được tin, Tạ Ôn Đình đuổi theo giết được Linh Tá. Hồn Linh Tá hiện thành ngọn đèn đưa Kim Lân qua ải. Kim Lân đến thành Sơn Hậu gặp Phàn Diệm là con Phàn Định Công. Còn thứ hậu trên đường đi lánh nạn lại gặp bà Nguyệt Kiểu đang tu ở một ngôi chùa. Hôm sau hai bà đi lễ chùa bị một ác tăng định cưỡng hiếp. Hai bà không thuận, bị ác tăng trói lại để chờ thiêu. Kim Lân và Phàn Diệm được Hộ pháp báo mộng hai bà đang mắc nạn. Kim Lân và Phàn Diệm lên Tây Sơn tự cứu hai bà vừa xong thì tiếp đến việc Ôn Đình bắt mẹ Kim Lân treo lên thành hòng bức Kim Lân đầu hàng Tạ. Được Phàn Diệm cầu cứu, bà Nguyệt Kiểu cho treo bà lên để Ôn Đình thương chị mà tha mẹ Kim Lân. Mưu ấy không xong, Ôn Đình lại khiêu chiến. Hồn Linh Tá hiện lên chém đầu Ôn Đình, còn Phàn Diệm chém được Lôi Phong. Thiên Lăng thấy nguy bỏ chạy lên chùa, nhờ chị là Nguyệt Kiểu cứu. Bà Nguyệt Kiểu xin Kim Lân tha giết em. Trừ xong họ Tạ, Kim Lân tôn Hoàng tử con thứ hậu lên ngôi, khôi phục nhà Tề. Lược kể nội dung tuồng Sơn Hậu và tìm hiểu giai đoạn lịch sử từ khi Nguyễn Kim chết đến suốt thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, ta thấy có những sự kiện cần chú ý: Tuồng Sơn Hậu: Vua Tề chết, anh em họ Tạ tiếm ngôi, những trung thần nhà Tề như Khương Linh Tá, Đổng Kim Lân, Lê Tử Trình, Triệu Khắc Thường… lo toan chống lại. Đổng Kim Lân và Khương Linh Tá là hai người đồng chí uống máu ăn thề, kết tình huynh đệ, nguyện chiến đấu lập lại giang sơn nhà Tề. Bên cạnh hai người đồng chí sống chết có nhau ấy, còn có lão quan Lê Tử Trình cũng dốc lòng phò vua cứu nước. Nguyệt Kiểu thấy rõ hành động phản nghịch của các em mình, ra sức giúp Thứ hậu trong mình mang giọt máu nhà Tề. Lịch sử Việt Nam cũng có những sự kiện tương tự như vậy. Nguyễn Kim chết, Trịnh Kiểm nắm giữ binh quyền. Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng bị Kiểm ghen ghét. Nguyễn Uông bị Kiểm sát hại. Nguyễn Hoàng bàn tính với người anh mẹ mình là Nguyễn Ư Kỷ đến nói với chị là Ngọc Bảo (vợ Kiểm) xin Kiểm cho vào trấn đất Thuận Hóa Cũng có người cho rằng vua Tề, tác giả muốn ám chỉ vua Lê. Nói như thế chưa hẳn đã đúng. Mặc dù Nguyễn Kim chưa làm vua, nhưng quyền binh đều tập trung vào tay ông. Vua Lê trung hưng đầu tiên là Lê Duy Ninh được Nguyễn Kim lập nên từ Sầm Nưa (Lào) mang về cũng chỉ là vua bù nhìn mà thôi. Nguyễn Kim chết, rể Kiểm nắm binh quyền. Uông (em vợ) bị Kiểm sát hại thì mâu thuẫn giữa hai nhà Nguyễn, Trịnh trở nên vô cùng sâu sắc. Mối tử thù ấy là động cơ chính thúc đẩy sự chống đối quyết liệt của họ Nguyễn Đàng Trong với họ Trịnh Đàng Ngoài. Cái chết của Nguyễn Uông phải chăng đã được hình tượng hóa đạt tới đỉnh cao của ý nghĩa thẩm mỹ qua tinh thần hy sinh dũng cảm của nhân vật Khương Linh Tá ? Nếu trong Sơn Hậu có Lê Tử Trình, Nguyệt Kiểu hết lòng vì nhà Tề, thì giai đoạn lịch sử ấy cũng có Nguyễn Ư Kỷ, Ngọc Bảo là những người đã bàn mưu tính kế giúp Nguyễn Hoàng vượt vào trấn thủ Thuận Hóa. Tuồng Sơn Hậu khi Tạ Thiên Lăng lên ngôi, sai sứ giả đem chiếu đến Sơn Hậu bắt quy phục, Phàn Định Công đã chém sứ, xé chiếu rồi mang quân tiến về triều đình đánh anh em họ Tạ. Nhưng vừa ra quân, Phàn Định Công liền bị bệnh chết. Phàn Diệm là con trai Định Công xưng vương: Tạ trào đình, phàn cũng trào đình, Mỗ lập mỗ vi vương Sơn Hậu. Phàn Diệm kế tục ý chí của cha tiến quân về triều diệt Tạ. Lịch sử Việt Nam giai đoạn này cho thấy năm 1629, Trịnh Tráng sai Nguyễn Khắc Minh đem sắc vua Lê phong cho Nguyễn Phúc Nguyên (chúa Sãi) tước Thái phó quốc công, cho cai trị hai xứ Thuận Quảng và đòi phải đem quân ra Bắc đánh họ Mạc. Chúa Nguyễn nhận sắc và tìm lời thoái thác. Đến năm 1630 khi đã đắp xong lũy Trường Dục, có đủ sức tự vệ, chúa Sãi sai Nguyễn Văn Khuông ra Bắc, đem lễ vật để trên một chiếc mâm đồng hai đáy, bên trong dấu tờ sắc và bốn câu thơ: 矛而無腋 覓非見跡 愛落心腸 力來相敵 Mâu nhi vô dịch, Mịch phi kiến tích. Ái lạc tâm trường, Lực lai tương địch. Phùng Khắc Khoan tán chiết tự thành bốn chữ “Dư bất thụ sắc” (nghĩa là: Ta không nhận sắc)(1). Đến năm 1744, Nguyễn Phúc Khoát bỏ tước công, tự xưng vương hiệu, sai các triều thần làm biểu suy tôn với lời lẽ ngạo mạn: “Chính danh phận bắt đầu trong một nước duy tân, mở lễ nhạc sau trăm đời tích đức. Trước kia Thành Thang chỉ có 70 dặm còn mở được cơ nghiệp nhà Thương, huống chi ngày nay dư đồ rộng 3000 dặm, thực đáng hưởng ngôi bá vương vậy” (Phủ biên tạp lục quyển 1. Tiền biên quyển 10). Nguyễn Phúc Khoát sai đúc ấn “Quốc vương” thay thế ấn “Tống trấn tướng quân” và “Tiết chế thủy bộ tư dinh” trước đây. Còn đối với các thuộc quốc thì chúa Nguyễn tự xưng là “Thiên vương”. Sau đó Nguyễn Phúc Khoát lo xây dựng chính quyền họ Nguyễn ở Phú Xuân như một triều đình, nuôi mưu đồ tiến quân ra Bắc tiêu diệt Trịnh. Lại nói về nội dung tuồng Sơn Hậu: Phàn Diệm tiến quân về triều với ba mục đích: “Một, rửa hồn phục nghiệp cho Tề quân; hai, vấn tội trả thù cho thân phụ; ba là lãnh thất giam cầm tỷ nương. Y lệnh mỗ nghiêm răng đãi thời nhi cử sự”. Theo lịch sử, họ Nguyễn muốn tiến quân ra Bắc cũng nhằm ba mục đích: Tiêu diệt họ Trịnh, giành lại địa vị cũ của dòng họ mình, tiêu diệt nốt dư đảng nhà Mạc để trả thù cho cha (Nguyễn Kim), cứu thoát con gái là Ngọc Tú, con trai thứ năm là Hải và người cháu là Hắc khỏi tay họ Trịnh(2). Tuồng Sơn Hậu, sau khi anh em họ Tạ lập Tiểu giang sơn, Nguyệt Kiểu là chị Tạ Thiên Lăng tự cảm thán rằng: Ngó xem Tề thất Thế đã cheo leo Đêm canh gà gác phụng vắng teo, Trưa bóng ác màn rồng hờ hững. (Những cơn quốc gia điên nguy dường này) Ít kẻ mưu gia mưu quốc, Nhiều người ỷ thế ỷ thần. Lòng ta ái ngại phân vân, Em thiếp Thiên Lăng phản loạn. Cảnh triều đình nhà Tề ở trên thật giống cung vua Lê sau khi họ Trịnh lập tân kinh đô ở Cổ Bi (ngoại thành Hà Nội ngày nay). Đọc lịch sử, chúng ta thấy năm 1599, Trịnh Tùng xưng làm Đô Nguyên soái Tổng đốc chính thượng phụ Bình an vương, lập riêng vương phủ, sắp đặt quan lại, thâu tóm quyền hành trong nước. Họ Trịnh thế tập xưng vương từ đó và mở đầu thời kỳ “vua Lê chúa Trịnh”. Vua Lê chỉ có 5000 quân túc vệ canh phòng trong cung điện, hằng năm được thu thuế 1000 xã làm bổng lộc, gọi là lộc thượng tiến. Quyền hạn vua Lê thu hẹp trong một số nghi thức thiết triều, hay tiếp sứ ngoại quốc mà thôi. Triều đình vua Lê đặt dưới sự điều khiển của phủ chúa. Và chỉ có một số quân binh canh giữ, một số quan văn võ vô quyền thỉnh thoảng vào chầu để giữ lấy một thể thống đế vương hình thức. Thời kỳ Lê trung hưng thực chất chỉ là thời kỳ chuyên quyền của họ Trịnh. Ngai vàng vua Lê là nhãn hiệu bề ngoài, một quân cờ trong tay chúa Trịnh. Đối với vua Lê, chúa Trịnh tự ý phế lập, nhằm đưa lên ngôi những ông vua trẻ con, dễ bảo, hay những ông vua nhu nhược cam tâm đóng vai trò bù nhìn. Nhiều vua Lê đã bị ám hại chỉ vì muốn làm vua thực sự mưu chống lại chúa Trịnh chuyên quyền. Ngay cả một số nghi thức triều yết tối thiểu có tính hình thức cũng dần dần bị chúa Trịnh hủy bỏ hay xâm phạm. Từ đời Trịnh Tạc (1657-1687), các chúa Trịnh vào triều yết không quỳ lạy, không xưng tên và tự tiện ngồi ngay bên trái chỗ “ngự tọa” ngang hàng với vua. Trước kia hàng tháng vào ngày sóc vọng, chúa Trịnh và các quan phải đến chầu vua ở điện Vạn Thọ, nhưng về sau chúa Trịnh cũng bỏ nghi lễ ấy. Triều đình vua Lê ngày càng vắng vẻ, chỉ là chỗ an nghỉ, hay đúng hơn là chỗ giam cầm nhà vua, không còn là cơ quan đầu não của bộ máy nhà nước phong kiến như trước nữa. Cơ nghiệp nhà vua đến bước suy vong điêu đứng như vậy, chẳng phải đã được phản ảnh vào tuồng Sơn Hậu qua sự nghiệp nhà Tề đó sao ? Về địa danh Sơn Hậu được tác giả lấy trong chuyện Dương Nghiệp đời Tống (Trung Quốc). Nhưng hai chữ “Sơn Hậu” đã hàm ý gì ? Nếu ngày xưa chúa Nguyễn trả lời chúa Trịnh bằng bốn chữ “Dư bất thụ sắc” mà phải nhờ đến Phùng Khắc Khoan chiết tự mới đoán ra được thì biết đâu hai chữ “Sơn Hậu” là tên vở tuồng, tác giả lại chả muốn để người đời sau chiết tự tìm ý nghĩa sâu xa của nó ? Ta còn nhớ, trước khi Nguyễn Hoàng xin vào trấn đất Thuận Hóa, cho người đến hỏi ý kiến cụ Trạng Trình, cụ đã khuyến khích thêm ý nghĩ cát cứ của Nguyễn Hoàng với câu nói đầy ý nghĩa “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (Một dãy Hoành Sơn, dung thân muôn đời). Thuận Hóa là miền đất phía sau dãy Hoành Sơn. Nếu chiết tự “Sơn Hậu” là sau núi, biết đâu Sơn Hậu thành lại chả ám chỉ địa phận cát cứ của họ Nguyễn. Còn danh từ “Tiểu giang sơn” trong tuồng Sơn hậu chẳng khác gì tân đô Cổ Bi của họ Trịnh. Xem tuồng Sơn Hậu, việc Phàn Diệm xưng vương như một điều thiếu logic với thực tế của vở tuồng. Bởi vì nếu thực họ Phàn muốn đem quân về triều tiêu diệt họ Tạ lập lại cơ nghiệp cho nhà Tề, thì cứ đường đường chính chính lấy danh nghĩa phù Tề, diệt Tạ mà tiến đánh, việc gì phải xưng vương. Nhưng thực tế lịch sử, họ Nguyễn đến đời Nguyễn Phúc Khoát cũng xưng vương để đối lập với việc xưng vương của họ Trịnh. Cho nên tác giả đã trung thành với sự kiện lịch sử ấy mà cho Phàn Diệm xưng vương. Đến đây ta có đủ cơ sở để xác định rằng tuồng Sơn Hậu phản ánh giai đoạn lịch sử từ khi Nguyễn Kim chết (1545) đến khi Nguyễn Phúc Khoát xưng vương (1744). Điều đó rất khác với một số ý kiến trước đây. Cuốn Sự tích và Nghệ thuật hát bội của Đoàn Nồng, khi rút ra những điểm đặc sắc của tuồng Sơn Hậu có viết: “Tuồng Sơn Hậu là một vở tuồng độc lập, không trích ở truyện hoặc ở sử ra”. Cuốn Chèo và Tuồng của Hoàng Ngọc Phách và Huỳnh Lý lại cho rằng tuồng Sơn Hậu tương truyền Đào Duy Từ khởi thảo (trang 21). Ta hãy thử xét: Nguyễn Phúc Khoát đến năm 1744 mới xưng vương, nhưng Đào Duy Từ lại chỉ sống vào giai đoạn từ (1572-1634), thì làm thế nào nội dung vở tuồng lại có sự kiện Phàn Diệm xưng vương ? Có ý kiến cho rằng, tuồng Sơn Hậu do Lê Văn Duyệt bảo soạn. Và cho ấu chúa nhà Tề là chỉ sự lập nghiệp của Gia Long; Phàn Diệm, Kim Lân chỉ Lê Văn Duyệt, Võ Tánh; anh em Tạ Thiên Lăng chỉ anh em nhà Tây Sơn. Thực tế lịch sử cho thấy Nguyễn Ánh sinh năm 1762 và thời kỳ ông lưu vong 1777-1787. Như thế, khi Ánh bắt đầu lưu vong đã tròn 15 tuổi. Sau ba lần bị anh em Tây Sơn đánh cho phải chạy dài. Ánh sang cầu cứu vua Xiêm (Thái Lan). Nhưng 2 vạn thủy quân và 300 chiến thuyền quân Xiêm đã bị Nguyễn Huệ đánh cho tời bời. Năm 1777, Ánh gặp Bá Đa Lộc, một Giám mục người Pháp, cầu cứu Pháp, lợi dụng sự bất hòa của anh em nhà Tây Sơn mà đánh chiếm nước ta. Năm 1802, chính thức lên ngôi Hoàng đế, vua Gia Long đóng một vai trò chủ chốt trong quá trình lập nghiệp của mình. Còn ấu chúa nhà Tề được Đổng Kim Lân ẵm từ khi mới ra khỏi bụng mẹ chạy về Sơn Hậu thành nuôi nấng. Đến khi đánh được họ Tạ, hoàng tử nhà Tề ấy mới 16 tuổi. Công lao khôi phục cơ nghiệp Tề vương hoàn toàn do Đổng Kim Lân, Phàn Diệm và những người đã hy sinh lúc trước là Triệu Khắc Thường, Khương Linh Tá. Vai trò phục quốc của hoàng tử nhà Tề này rất mờ nhạt trong tuồng. Nếu tuồng Sơn Hậu muốn ca ngợi sự lập nghiệp của vua Gia Long thì sao những tướng Xiêm, tướng Pháp không được phản ánh lên sân khấu qua những nhân vật như tướng Phiên trong tuồng Lý Phụng Đình chẳng hạn, mà phải đợi đến khi Hoàng Cao Khải viết tuồng Tây nam đắc bằng mới đưa Bá Đa Lộc (Pierre Joseple Georges Pigneau), Nguyễn Văn Thắng (Despiaux), Nguyễn Văn Trấn (Vannier) khoác áo đeo râu, vác đao, múa kiếm trên sân khấu. Vả lại sự kiện cứu ấu chúa, để lập lại ngôi đế vương cũ, chẳng phải riêng gì tuồng Sơn Hậu mới có. Tuồng Dương Chấn Tử, Thiên Hương đã tráo con cho một nịnh thần, để nịnh thần đó giết con mình đi mà cứu lấy ấu chúa. Tuồng Tam nữ đồ vương, Lý Khắc Minh là một trung thần đã giả vờ theo Triệu Văn Hoán để cùng với Tạ Kim Lân, Triệu Tử Cung, Phương Cơ… đánh đổ Triệu Văn Hoán, Tạ Kim Hùng, cứu bà chánh hậu và ấu chúa, lập lại cơ nghiệp cho nhà Nguyễn. Như thế ấu chúa nhà Tề chỉ là cái cớ được tác giả hư cấu mà thôi. Còn nếu nói Phàn Diệm, Đổng Kim Lân là chỉ Lê Văn Duyệt, Võ Tánh cũng không thuyết phục. Bởi vì quá trình lập nghiệp của bất cứ một ông vùa nào khi đã phải chống một thế lực phong kiến khác cũng không thiếu những trung thần nghĩa sĩ, một lòng một dạ giúp chúa phục triều. Ta xét lại, Tạ Thiên Lăng ở đây có phải tác giả ám chỉ anh em Tây Sơn không ? Anh em Tây Sơn là những người áo vải, dấy lên từ rừng núi Tây Sơn, đánh thành Đồ Bàn, chiếm lấy một địa bàn hoạt động ở Đàng Trong. Sau đó lại tiến ra Bắc tiêu diệt họ Trịnh, trả lại quyền làm vua cho nhà Lê. Nhưng rồi Lê Chiêu Thống hèn nhát rước 29 vạn quân Thanh về “cõng rắn cắn gà nhà”. Nguyễn Huệ phải một lần nữa tiến đại binh ra Bắc đánh tan quân Mãn Thanh, thống nhất đất nước. Ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, mỗi người chiếm một địa bàn tự trị. Cuối cùng Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ bất hòa. Sau chỉ còn Nguyễn Huệ với vương hiệu Quang Trung cha truyền con nối trên một lãnh thổ thống nhất. Xem tuồng Sơn Hậu, anh em họ Tạ làm quan cho nhà Tề, được thăng từ thấp lên cao. Anh là Tạ Thiên Lăng, làm đến Thái sư. Em là Tạ Ôn Đình làm đến Đại tướng, lộc nhà Tề, cơm áo nhà Tề. Tạ Thiên Lăng vỗ ngực khoe khoang: “Dòng Tạ gia hưởng lộc Tề triều, tam đại danh thần, thất đại công hầu, cũng đã cực vị nhân thần. Trong hai chị quyền chánh hậu, tam cung, còn ba em cũng công hầu bảo giá”. Và đến khi có âm mưu cướp ngôi nhà Tề thì: “Trong mặc tay hai chị, ngoài cậy có năm em”. Sau khi chiếm đoạt ngôi vua rồi, anh em họ Tạ trên dưới thuận hòa, giành ngôi vua cho anh cả là Tạ Thiên Lăng, không như anh em Tây Sơn. Có ý kiến lại cho rằng Lê Văn Duyệt bảo soạn tuồng Sơn Hậu để ví mình với Lê Tử Trình. Ý kiến này càng mơ hồ hơn. Lê Văn Duyệt là con người tài ba thao lược “thượng mã quản quân, hạ mã quản dân”. Về đường tiến thủ lại rất nhanh, Lê Văn Duyệt tiến thân sau Nguyễn Văn Thành, nhưng chẳng bao lâu được thăng quan kịp Thành. Lê Văn Duyệt sau này cũng trở nên một ông quan hoạn. Tài năng của Duyệt như các ông quan hoạn Lý Thường Kiệt, Hoàng Ngũ Phúc chứ đâu phải như “lực bất phược kê” (trói gà không chặt), “mai pha trà, tối dâng rượi” kiểu Lê Tử Trình trong cung đình nhà Tề ở tuồng Sơn Hậu. Ta hãy nhớ lại mẩu chuyện giữa Lê Văn Duyệt và Nguyễn Văn Thành tại trận Đồng Thị ở phía Nam Trung Bộ khi hai người cùng giúp rập Gia Long. Hôm ấy trời lạnh, Duyệt và Thành cùng ngồi bành voi song song bên nhau. Thành tính hay uống rượu, sẵn bầu rượu mang theo, rót mời Duyệt một chén: “Trời lạnh, uống một chén tráng khí”. Duyệt không uống và trả lời: “Chỉ có ai nhát gan mới tráng khí, còn người vũ dũng thì không cần”. Thành vui vẻ mời lại, nhưng Duyệt một mực từ chối. Từ đấy Thành và Duyệt trở nên đố kỵ. Xem đấy thì biết Duyệt là con người tiểu khí, tự cao, vì chén rượu mời nhau ở trận tiền mà gây nên nghi kỵ, thù hằn. Cho nên không bao giờ Duyệt chịu hạ thấp mình tự ví như tài cán Lê Tử Trình trong cung nhà Tề của tuồng Sơn Hậu. Rõ ràng ý kiến trên không chấp nhận được. Một ý kiến nữa lại nói Nguyễn Kim chống Mạc phù Lê trung hưng là nguồn gốc của tuồng Sơn Hậu. Và sự phản kháng của Triệu Khắc Thường trước bữa yến tiệc của anh em họ Tạ, ám chỉ việc Nguyễn Thái Bạt, thượng thư Lê Tuấn Mậu nhổ nước bọt, ném đá vào mặt Mạc Đăng Dung, sau đó đều bị Đăng Dung giết chết. Mới nghe tưởng như có lý: Mẹ con chúa Chổm (Lê Duy Ninh), nghèo đói lưu lạc ở Lào, Nguyễn Kim là tôi cũ nhà Lê, không chịu theo họ Mạc. Nguyễn Kim tìm được chúa Chổm, tôn lên làm vua, khi còn tụ tập binh mã ở Sầm Châu (Sầm Nưa ở Lào) cho thực sự có danh nghĩa “phù Lê diệt Mạc” về đánh lấy Thanh Hóa. Sau này Trịnh Kiểm và Trịnh Tùng mới đánh đuổi được họ Mạc ra khỏi Thăng Long, đem Hoàng đế thứ tư là Thế Tông (Lê Duy Đàm) về triều (1592). Nhưng xét hoàn cảnh lịch sử lúc đó, Nguyễn Kim đương lưu vong ở nước ngoài, chưa có binh quyền như một trọng trấn. Nguyễn Kim chỉ mới bắt đầu nhen nhúm được sự giúp đỡ của vua Lào (Xạ Đẩu), không phải như cha con Phàn Định Công đã có sẵn binh quyền trong tay làm chủ một phương. Nguyễn Kim chống Mạc phù Lê, nhưng không hề xưng vương như Phàn Diệm. Mâu thuẫn chủ yếu trong tuồng Sơn Hậu không chỉ ở sự phản kháng hay cái chết của Triệu Khắc Thường. Sự kiện trên chỉ có khả năng thúc đẩy kịch tính, chứ không phải là nguyên nhân của mâu thuẫn. Giả dụ không có sự kiện trên thì Đổng Kim Lân, Khương Linh Tá vẫn cùng Lê Tử Trình, Nguyệt Kiểu và cha con họ Phàn đánh Tạ lập lại cơ nghiệp cho Tề vương. Mặc dầu sự phản kháng của Triệu Khắc Thường có giống sự việc Nguyễn Thái Bạt, Lê Tuấn Mậu đối với Mạc Đăng Dung thì đó cũng không phải là vấn đề cơ bản mà so sánh để lập luận vấn đề được. Trong tài liệu Sơ bộ nhận định về tuồng Sơn Hậu của nhà Hán học nhà nghiên cứu tuồng Phạm Phú Tiết, cụ Phạm dựa trên ba điểm: thứ nhất là danh từ “Sơn Hậu”, tên vở tuồng, thứ hai là danh từ “tiểu giang sơn” và thứ ba là sự kiện họ Phàn “phụ truyền tử kế xưng vương”. Sau khi lập luận từng điểm, cụ Phạm đi đến kết luận: “Như vậy vở tuồng Sơn Hậu chỉ ra đời sau khi Vũ Vương xưng vương ở Thuận Hóa (1774) và sau khi Vũ Vương đã chết (1765). Nó phản ánh tình hình Trịnh Nguyễn phân tranh từ chúa thứ hai của họ Nguyễn là Sãi Vương. Vở tuồng được viết ra đầy những giọng, những tiếng Đàng Trong “ni, mô, tê, răng, rứa…” phải là của một tác giả Đàng Trong với ý thức phù Lê, sùng bái Nguyễn”. Nhận định trên của cụ Phạm đã giúp chúng tôi suy nghĩ nhiều về xuất xứ vở tuồng cần được cụ thể hơn. Muốn thế cần phải phân tích được tư tưởng chủ đề của tác phẩm, phải xét đến hoàn cảnh ra đời và tập truyền văn học của nó. Có đúng là tuồng Sơn Hậu phản ánh tình hình Trịnh - Nguyễn phân tranh từ chúa thứ hai của họ Nguyễn là Sãi Vương đến hết đời Vũ Vương ? Ta hãy xét điểm giới hạn của giai đoạn lịch sử này. Nghiên cứu tuồng Sơn Hậu, ta thấy xuất phát điểm của mối mâu thuẫn là vua Tề chết, Tạ Thiên Lăng cướp ngôi. Muốn so sánh với thực tế lịch sử ta phải tìm đến nguyên nhân sinh ra mâu thuẫn sâu sắc giữa hai dòng họ phong kiến Trịnh Nguyễn là sau khi Nguyễn Kim chết, Trịnh Kiểm chuyên quyền ám hại Nguyễn Uông. Như thế, sẽ có người hỏi: Vậy Vua Tề là chỉ Nguyễn Kim hay sao? Và cha con họ Phàn muốn ám chỉ thế lực phong kiến nào ở giai đoạn lịch sử ấy ? Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, các ông vua thời kỳ gọi là nhà Lê trung hưng ấy chỉ có danh mà không có thực. Ngay từ vua đầu tiên là Lê Duy Ninh cũng chỉ ngồi làm vì, quyền bính tập trung trong tay Nguyễn Kim. Sau này các đời vua khác cũng bị họ Trịnh chuyên quyền. Trong số 16 vua Lê được lập trong thời Lê trung hưng thì ba vua đã bị họ Trịnh giết hại, năm vua là những trẻ con chưa đến tuổi trưởng thành. Năm 1573, Lê Anh Tông (Duy Bang) bị Trịnh Tùng giết vì mưu với Lê Cập Đệ cử binh trừ họ Trịnh. Năm 1619, Trịnh Tùng lại bắt vua Kính Tông (Duy Tân) thắt cổ vì tham dự vào vụ con thứ Trịnh Tùng là Trịnh Xuân mưu giết cha và cướp ngôi anh. Vua Duy Phương đã lớn tuổi, có ý thức tự cường liền bị Trịnh Giang vu cáo là tư thông với các cung phi của Trịnh Cương, giáng xuống làm Hôn đức công, rồi năm 1735 mưu giết chết. Còn các vua Thần Tông (Duy Kỳ), Châu Tông (Duy Hựu), Huyền Tông (Duy Vũ), Gia Tông (Duy Hội), Hy Tông (Duy Hợp) đều là những vua trẻ con dưới 12 tuổi, phần lớn do chúa Trịnh nuôi nấng, rèn luyện trong phủ chúa rồi lập nên làm vua. Vì thế vua hoàn toàn hữu danh vô thực. Chúa Trịnh cũng như chúa Nguyễn chỉ muốn thôn tính nhau để nhẩy lên ngôi Hoàng đế, chẳng còn ý thức gì của cái gọi là phù Lê về thực chất cả. Bề ngoài mượn tiếng phù Lê, vì sợ dân còn hướng về vua cũ. Điều này thể hiện rõ ràng nhất trong việc chúa Trịnh thường rước những vua bù nhìn thân chinh đi đánh họ Nguyễn ở phía Nam. Cho nên xây dựng nhân vật vua Tề trong tuồng Sơn Hậu chỉ mang ý thức tôn quân giả hiệu của chủ quan tác giả. Cái chết của vua Tề là chỉ cái chết của Nguyễn Kim. Sau đó là sự chuyên quyền của Trịnh Kiểm. Tinh thần hy sinh dũng cảm của Đổng Kim Lân, Khương Linh Tá và cha con họ Phàn, chẳng phải là hình tượng chỉ ý đồ lập nghiệp của họ Nguyễn và cụ thể hơn là của Vũ Vương đó sao ? Sự kiện Phàn Diệm, Đổng Kim Lân và các trung thần khác của nhà Tề rầm rộ tiến quân về triều đánh bại anh em họ Tạ, lập lại cơ nghiệp Tề vương, chính là hình tượng nghệ thuật biểu hiện hoài bão lớn tiến quân ra Bắc tiêu diệt họ Trịnh để chiếm lại địa vị nhất thống của họ Nguyễn đã được tác giả tuồng Sơn Hậu hư cấu. Có một chi tiết cũng cần lưu ý là trong vở diễn, vai Tạ Thiên Lăng bao giờ cũng mặc áo tía. Việc đó phù hợp với sách Hoàng Lê nhất thống chí ghi: “Các quan tâu, xin chúa (Trịnh) nên mặc áo hoàng bào. Chúa đáp hoàng bào dành cho vua, ta sẽ mặc áo tía cho khác chư khanh. Từ đó chúa mặc áo mầu tía”. Chúng ta hãy xét vì lý do gì ở Đàng Ngoài, Trịnh Tùng xưng vương từ năm 1570 mà họ Nguyễn ở Đàng Trong đến gần 200 năm sau, đời Vũ Vương mới xưng vương (1774) ? Sở dĩ chưa dám xưng vương sớm, vì lực lượng của họ Nguyễn còn yếu hơn so với họ Trịnh. Khi có đủ thanh thế mới dám ra mặt chống họ Trịnh (1627), nhưng họ Nguyễn vẫn chưa xưng vương, vì còn phải tập trung dân lưu tán các nơi khai thác đất đai, xây dựng kinh tế. Đến đời Nguyễn Phúc Khoát, kinh tế tương đối ổn định, họ Nguyễn đã gây được uy tín với nhân dân Đàng trong, thì Phúc Khoát mới đủ điều kiện xưng vương. Cuối thế kỷ XVIII, đồng bằng Gia Định tuy chưa khai khẩn được nhiều lắm, nhưng lúa gạo sản xuất ra đã cung cấp một phần quan trọng cho xứ Thuận Hóa. Sách Phủ biên tạp lục - quyển 6 và Gia Định thành thông chí - quyển 5 đều chép ở Gia Định “không bao giờ mất mùa, có rất nhiều thóc gạo, dân gian mỗi ngày ăn ba bữa toàn cơm”, “ngày thường bán thóc gạo ra Phú Xuân để mua các thứ lụa hoa vóc nhiễu do thuyền buôn Trung Quốc mang sang”. Vì vậy nhân dân Đàng trong thường gọi chúa Nguyễn là chúa Tiên. Chúng ta lại thấy, từ sau khi cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn chấm dứt, họ Nguyễn tiến thêm một bước nữa trong hành động chia cắt đất nước, âm mưu biến Đàng trong như một quốc gia phong kiến riêng biệt, đối lập mọi mặt với Đàng ngoài. Chính trong thời gian này, các chúa Nguyễn đã cầu phong nhà Thanh, xưng vương hiệu và bắt nhân dân thay đổi phong tục cho khác Đàng ngoài. Một sự kiện lớn như thế, tất tập đoàn phong kiến Đàng trong phải tuyên truyền thật mạnh mẽ, để gieo cho nhân dân Đàng trong tư tưởng quốc gia riêng biệt, đưa họ Nguyễn lên dòng hoàng tộc. Đấy chính là cơ sở cho tác giả người Đàng trong sùng bái chúa Nguyễn, viết tuồng Sơn Hậu. Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam (tập III) của Phan Huy Lê (trang 245) viết: “Trong cung đình chúa Nguyễn cũng như mỗi dinh thự của bọn quý tộc đều có nuôi những đội hát tuồng hay ban ca nhạc, phục vụ những buổi yến tiệc, ca hát liên miên”. Trang 266, 267 còn nói đến cuộc bạo động của thủ lĩnh Lía ở Quảng Ngãi tại căn cứ địa Truông Mây vào những năm trước cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Qua lời vè truyền miệng của nhân dân, trong quá trình chống triều đình họ Nguyễn, đã ba lần thủ lĩnh Lía cho mời ba gánh tuồng lên diễn ở căn cứ Truông Mây. Nhưng cuối cùng bọn quan quân đã dùng mưu phá tan được căn cứ của nghĩa binh. Lía trốn thoát, nhưng quá phẫn uất nên đã tự sát và tự chém đầu giơ lên để trả ơn một cụ già là ân nhân của mình từng giúp Lía hoạt động. Như thế là trước khởi nghĩa Tây Sơn (1771), tuồng đã rất phát triển ở Đàng Trong, và phải chăng hình tượng thủ lĩnh Lía cầm đầu giơ lên đã bị ảnh hưởng của hình tượng Khương Linh Tá, một tay xách đầu, một tay soi đuốc cho Đổng Kim Lân qua đèo. Hơn nữa văn phong tuồng Sơn Hậu không giống văn phong những vở tuồng sáng tác dưới triều Nguyễn sau này. Tuồng Sơn Hậu ít chữ Hán, nhiều câu không đối, nói lối nhiều hơn hát. Chúng ta đã biết, ngay sau khi vua Gia Long lên ngôi, nhà vua đã chủ trương phát triển chữ Hán trong văn học, xóa bỏ tập quán dùng chữ Nôm của triều Tây Sơn. Đến đời Tự Đức thì phần lớn các vở tuồng đã có tên tác giả, chữ Hán chiếm ưu thế và văn chương cũng thuộc dòng bác học, không vẻ bình dân như các vở được suy tôn là tuồng thày nữa. Như thế rõ ràng tuồng Sơn Hậu chỉ ra đời khoảng thời gian từ sau khi Vũ Vương xưng vương (1744) đến hết thời Vũ Vương (1765). Vì sau khi khi Vũ Vương chết, Nguyễn Phúc Thuần lên ngôi (1765-1777), chính quyền trung ương đều nằm trong tay gian thần Trương Phúc Loan. Bọn quyền thần đứng đầu là Trương Phúc Loan mặc sức hoành hành, vơ vét của cải của nhân dân. Cho nên năm 1775, khi Loan bị bắt nộp cho quân Trịnh “quân và dân Thuận Hóa vui mừng, kéo đến cướp phá nhà hắn và chửi rủa tàn tệ”. Phủ biên tạp lục, quyển 6). Một nhà nho rất trung thành với chúa Nguyễn như Hoàng Quang, tác giả Hoài Nam ca khúc, cũng phải bất bình với những tệ chính của bọn quyền thần Trương Phúc Loan: "Ăn chơi cho sướng cái thân Béo mình những tưởng, ốm dân chi sờn." Triều chính thối nát, nhân dân bị áp bức bóc lột như vậy, thì cái ngôi đế vương mà họ Nguyễn mới dựng lên đời trước liệu có còn uy tín trong nhân dân Đàng Trong nữa không ? Và nếu lúc này tuồng Sơn Hậu chưa ra đời thì có tác giả nào dám cầm bút ca ngợi sự lập nghiệp của chúa Nguyễn nữa không ? Qua những phân tích, dẫn giải ở trên, chúng tôi đi đến nhận định về tuồng Sơn Hậu: 1, Vở tuồng Sơn Hậu phản ánh giai đoạn lịch sử Việt Nam từ khi Nguyễn Kim chết (1545) đến khi Nguyễn Phúc Khoát xưng vương (1744). 2, Tác giả tuồng Sơn Hậu là người Đàng Trong sáng tác với ý thức tôn phù họ Nguyễn. 3, Tuồng Sơn Hậu ra đời ở Đàng Trong sau khi Nguyễn Phúc Khoát xưng vương (1744) đến hết đời Nguyễn Phúc Khoát (1765). Chú thích: (1) Chữ 矛 (mâu) không có cánh tay, còn lại là chữ 予 (dư) Chữ 覓 (mịch) không có chữ 見 (kiến), còn lại là chữ 不 (bất). Chữ 愛 (ái) rơi hết ruột gan là chữ 心 (tâm) chỉ còn lại chữ 受 (thụ) Chữ 力(lực), chữ 來(lai) đối lập nhau là chữ (sắc). (2) Nguyễn Hoàng trước khi rút quân vào Nam để người con trai thứ năm là Hải và người cháu là Hắc ở lại làm con tin. Nguyễn Hoàng lại đem con gái là Ngọc Tú gả cho Trịnh Tráng là con cả Trịnh Tùng để giao hảo bề ngoài, che đậy mối hận thù truyền kiếp. (Theo Lịch sử phong kiến Việt Nam, tập III của Phan Huy Lê)./. Thông báo Hán Nôm học 2004 (tr. 111-129) |