Tìm Thần Dược Từ Cá Cóc - VnExpress

s

Không đẹp, nhưng cá cóc có thể sẽ là "thần y" cho các căn bệnh của người.

 “Cá có thể chịu được nồng độ amôniắc cao gấp 10-20 lần so với sức chịu đựng của chúng ta. Khả năng này là vô địch trong giới sinh vật”. Patrick Walsh, một nhà sinh vật học biển tại Đại học Miami ở Coral Gables, bang Florida (Mỹ), cho biết. “Nếu hiểu được cơ chế mà cá cóc sử dụng để kháng amôniắc, chúng ta có thể tìm ra một phác đồ điều trị hoặc một loại thuốc hiệu quả, giúp con người chịu đựng tốt hơn với amôniắc khi mắc bệnh”, Walsh nói.

Một trong những căn bệnh gây tích lũy amôniắc trong cơ thể là bệnh gan. Khi gan bị hư hại (do tác nhân môi trường, gene hoặc do rượu), nó mất khả năng lọc và bài tiết amôniắc - một sản phẩm thừa. Chất thải này sẽ tích lại trong máu và gây hư hại các cơ quan khác trong cơ thể. Mô nhạy cảm nhất với amôniắc là não. Chính vì thế, giới y học vẫn có câu “nếu gan hỏng, thì não cũng chết”.

Cơ chế phá hoại của amôniắc như sau: Khi não tiếp xúc với amôniắc, nó chuyển hóa chất này thành axit amin có tên gọi glutamine. Glutamine tích tụ trong não khiến cho các tế bào não phồng lên, làm gia tăng áp suất và ngăn cản máu lưu thông đến những phần quan trọng của "cơ quan trung ương".

Walsh nhận định, "đối với não người, glutamine là dạng sản phẩm cuối cùng, nhưng cá cóc thì không. Có lẽ, chúng biết cách kéo glutamine ra khỏi não và chuyển hóa nó trong các cơ quan khác như cơ, thận và gan. Theo nguyên lý này, những gì khoa học có thể làm là bắt chước cá cóc, tạo ra một loại thuốc có thể thúc đẩy khả năng tự đào thải glutamine của não".

Cá cóc có tên gọi xấu xí như vậy vì hình dáng của nó rất giống cóc. Chúng có xu hướng cư ngụ trong những vùng nước lặng, nông và vùi mình dưới cát. Cá cóc có bộ hàm cực khỏe, với những chiếc răng thô ngắn có thể cắn nát vỏ của động vật thân mềm, giáp xác và những thứ tương tự. Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng không lâu nữa, họ sẽ tìm ra thần dược nhờ loài cá không mấy duyên dáng này.

B.H. (theo N.G.)

Từ khóa » Cá Cóc Tam đảo Chữa Bệnh Gì