Tín Ngưỡng Phồn Thực Trong Lễ Hội Katê ở Tháp Pô Sah Inư

                
   Nghi lễ tắm Linga.

Lễ hội Katê của người Chăm nói chung và Katê ở Pô Sah Inư nói riêng có rất nhiều nghi lễ nối tiếp nhau, trong đó tín ngưỡng phồn thực được biểu hiện ở nghi lễ tắm bệ thờ Linga – Yoni. Trước đó lễ mở cửa tháp được thực hiện với sự có mặt của vị Cả sư, một tu sĩ kéo đàn Rabap và hát thánh ca, bà bóng dâng lễ vật lên các vị thần và một số tu sĩ phụ lễ. Đứng trước cửa tháp, vị Sư cả dâng lễ vật và trà rượu, trầu cau xin Pô Sah Inư và 18 vị thần linh được mở cửa tháp. Đến cửa tháp, thầy Cả sư đọc một số câu thần chú báo xin phép các vị thần linh được mở cửa tháp. Khi 2 cánh cửa được mở về 2 bên, bệ thờ Linga – Yoni trong lòng tháp lộ ra mờ ảo, lung linh trong khói hương trầm tỏa ra nghi ngút. Sau khi lễ mở cửa tháp kết thúc cũng là lúc lễ tắm bệ thờ Linga – Yoni bắt đầu. 

Thực ra đây là lễ tắm bệ thờ Linga – Yoni tượng trưng cho thần Siva, vị thần chủ được thờ ở trong tháp chính từ thế kỷ VIII đến nay. Bệ thờ Linga – Yoni được tạc chung trên một khối đá, Linga hình trụ tròn phía dưới vị trí gần tiếp giáp với Yoni có một đường viền nổi bao quanh. Linga là biểu hiện của dương vật được tạo tác thẳng đứng ở trung tâm giữa bệ Yoni. Yoni là biểu hiện của âm vật, có rãnh xung quanh kéo dài về phía Bắc để thoát nước. Bộ sinh thực khí Linga – Yoni biểu thị sự tái tạo muôn loài, sự bảo tồn nòi giống và vạn vật trong vũ trụ. Khi Ấn Độ giáo ảnh hưởng vào vương quốc Chămpa thì thần Siva được đồng hóa với Linga. Về sau Linga còn được biểu thị cho quyền uy và sức mạnh của vua chúa và tầng lớp quý tộc Chăm.

Trong không gian thiêng ở lòng tháp chật hẹp, huyền bí, giữa khói trầm hương nghi ngút, tiếng đàn réo rắt, lời bài thánh ca trầm bổng và lời khấn cầu của thầy Cả sư: “… Chúng con kính mong thần phù hộ cho dân làng khỏi bệnh tật, mong thần xóa bỏ những tội lỗi cho dân làng...”; tiếp đó một vị tu sĩ vừa kéo đàn Rabáp vừa hát bài thánh ca tắm thần. Bài hát thánh ca đến đâu thì thầy Cả sư rẩy nước thánh lên bệ thờ Linga – Yoni đến đó. Nước tắm là một loại nước có màu nâu sẫm, loại nước này được chưng cất từ một bài thuốc dân gian gồm nhiều vị thuốc lấy từ rừng về. Lúc này bà bóng với những động tác huyền bí cầu xin thần thánh phù hộ, độ trì cho cộng đồng trong việc sinh sôi nảy nở, duy trì nòi giống, ban phát những điều tốt lành và hạnh phúc cho con người ở trần thế. Vị Cả sư đổ nước thánh đến đâu, bà bóng dùng tay vuốt rửa Linga đến đó, vừa vuốt rửa cho sạch Linga, bà bóng vừa dùng nước rửa bệ Linga vuốt lên đầu và mặt mũi của mình.

Nước tắm rửa từ đỉnh Linga xuống bệ Yoni và chảy ra khe bên dưới rãnh thoát nước đã được đặt sẵn một chậu để hứng nước rửa. Kết thúc nghi thức tắm bệ thờ Linga – Yoni, chậu nước thánh được đưa ra trước cửa tháp. Lúc này các bà, các chị đủ mọi lứa tuổi đã chen nhau chờ đợi sẵn để lấy nước rửa bệ thờ Linga – Yoni bôi vuốt lên đầu, mặt và thân thể mình để cầu mong sức khỏe tài lộc, may mắn và nhất là việc sinh nở, duy trì nòi giống được như ý. Chưa thỏa mãn ở đó, nhiều người đến trước còn chuẩn bị sẵn hũ, lọ để lấy nước thánh rửa bệ thờ mang về nhà cho những người thân vì một lý do nào đó không có điều kiện trực tiếp đến tháp nhằm thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của mọi người. Những người đến sau không còn giọt nào, họ đành xin những người đến trước nhường lại. Sau đó, lần lượt mọi người cùng chắp tay, quỳ lạy trước cửa tháp để cầu xin thần linh, ông bà linh ứng phù hộ cho những ước nguyện của họ. Lễ tắm Linga - Yoni được thực hiện một cách cẩn trọng, thể hiện sự tôn vinh của cộng đồng người Chăm đối với linh vật, một sinh thực khí thiêng liêng mà họ coi là nguồn gốc của con người, tổ tiên, nơi tạo ra mọi sự sinh sôi nảy nở để duy trì nòi giống và vạn vật.

Lễ hội Katê diễn ra đúng ngày mùng 1 tháng 7 Chăm lịch với hàng ngàn người tham dự, bao gồm cả du khách, nhưng ít ai biết đến lễ nghi phồn thực của hàng ngàn năm trước diễn ra ở trong lòng tháp vừa mang tính linh thiêng được cách điệu hóa và nghệ thuật hóa, thể hiện qua lời khấn, bài thánh ca, tiếng đàn và các động tác của vị Cả sư, bà bóng, các tu sĩ vừa mang tính linh thiêng vừa mang tính trần tục, cầu mong cho con người và vạn vật sinh sôi, nảy nở.

NguyỄn Xuân Lý

Từ khóa » Tiêu Luận Tín Ngưỡng Phồn Thực Của Người Chăm