Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Bao Giờ Về Chuẩn? - Tiền Phong

Phổ cập thờ Mẫu

Ngoài hàng loạt đền, phủ thờ Mẫu tại Hà Nội, thăm nhiều di tích hiện nay người ta đều gặp ban thờ Tam tòa Thánh Mẫu. Giới nghiên cứu văn hóa lâu nay nhắc đến hiện tượng “Tam phủ hóa” đối với các đền thờ. Hiện tượng này phổ biến tới mức bắt gặp ngay ở Thăng Long Tứ Trấn, được coi là bốn ngôi đền thiêng bao quanh Thăng Long: Đền Voi phục, Bạch Mã, Kim Liên và Quán Thánh.

Đền Voi phục gần công viên Thủ Lệ, vốn thờ hoàng tử Linh Lang, con vua Lý Thái Tông, được xây dựng thế kỷ 11, thời gian gần đây xuất hiện thêm điện thờ Mẫu trong khuôn viên đền. Tới Đền Bạch Mã (Hàng Buồm), trong sân đã có ban thờ Mẫu. Bước vào trong, ngoài ban thờ Bạch Mã chính giữa, bên trái có ban thờ Phật, bên phải ban thờ Tam tòa Thánh Mẫu.

“Đền Bạch Mã từ năm 1000 trở về trước thờ thần Long Đỗ - thành hoàng Hà Nội, sau năm 1010 thờ thêm thần Bạch Mã. Ban Thánh Mẫu mới được đưa vào đây khoảng hơn chục năm nay”, một vị trong BQL đền nói.

Thủ nhang Lảnh Giang vọng từ (Hàng Hành, Hoàn Kiếm), ông Lưu Ngọc Đức theo Thánh từ 15 tuổi, nay được 46 năm, nói: “Chúng tôi đi nhiều nơi, thấy sai lệch so với ngày trước quá. Nhiều nơi đưa cả Phật vào chỗ công đồng để thờ rất bất tiện: Phật ăn chay, nhưng tuần rằm người dân cứ mang đồ lễ mặn dâng lên”. Có nơi thờ phối tự mang tính ngẫu hứng: Giữa thờ Phật bà quan âm, một bên thờ tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên ngoài lại có ban thờ Chúa Thượng ngàn.

Bên cạnh đó vẫn có những ngôi đền giữ được nét cổ kính, bài trí theo nghi lễ lưu truyền từ khoảng thế kỷ 16 như Đền Lừ, Đền Hòa Mã, Vọng Viên. Ngay Lảnh Giang vọng từ, truyền đến năm đời thủ nhang vẫn giữ được quy tắc của Tứ phủ.

Tranh cãi hầu đồng tại bar

Nghi lễ chầu văn (hầu đồng) là nét văn hóa đặc trưng của tín ngưỡng thờ Mẫu, không giống nhiều di sản khác phải cấp cứu, ngược lại cần hãm bớt, đưa vào quy chuẩn. Thanh đồng Lê Thị Hạnh, Trưởng BQL Đền Rừng (Long Biên) nói thay nhiều người thực hành khác “cần trả lại sự trong sáng cho thanh đồng, vì hiện có quá nhiều đồng đua, đồng đú, đặc biệt cần quét sạch những người đưa hầu đồng lên sàn nhảy”.

Sau một số hoạt động lên đồng ở cà phê, gần đây một vũ trường tại Hà Nội đưa diễn viên diễn xướng lên đồng, gây nhiều tranh cãi. Diễn đàn của cộng đồng hát văn, hầu đồng trên mạng phản ứng dữ dội, cho đó là hành động báng bổ, đòi hỏi hầu đồng phải diễn ra trong môi trường trang nghiêm như đền, phủ.

GS Ngô Đức Thịnh lại coi đây là những biến thể mới của lên đồng, cần xem xét chứ không nên ngăn cấm. “Tôi có tham gia mấy buổi lên đồng ở quán cà phê với các bạn trẻ, có thanh đồng diễn xướng sau đó mọi người bàn bạc. Tôi cũng góp phần giải đáp, tăng thêm hiểu biết cho các bạn trẻ. Còn hầu đồng ở quán bar, tôi chưa tham gia nên không rõ, nhưng biết đâu nó lại thành công, được cộng đồng ghi nhận”, ông nói.

Trong đợt sang Pháp biểu diễn vừa rồi, ngoài hai buổi được bố trí sân khấu tâm linh, GS Thịnh kể, đoàn Việt Nam buộc phải thực hiện diễu hành đường phố. “Khi ấy chắc chắn tính tâm linh giảm đi, phải tăng tính nghệ thuật lên. Ở đây đặt ra vấn đề bên cạnh tín ngưỡng, tâm linh, lên đồng có thể trở thành sinh hoạt đời thường, được đưa lên sân khấu. Vở Tâm linh Việt của NSND Lan Hương, chương trình của Phó An My, ba giá đồng của nhà hát chèo mang tính nghệ thuật, không phải là lên đồng nữa. Lên đồng đang tìm cách đặt chân vào đời sống trần tục, hiện đại”, ông nói.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ phủ của người Việt đang trên đường đến gần với danh hiệu Di sản văn hóa. Tuy nhiên, các nhà khoa học thống nhất lùi thời gian trình hồ sơ lên UNESCO, bởi hiện tượng bùng phát, và cần thời gian để các nhà quản lý, người dân và ngay cả những người thực hành đạo Mẫu nhận thức rõ hơn. Có nhà nghiên cứu đưa ra con số 80% thanh đồng hiện nay chưa hiểu đúng về tín ngưỡng mình đang thực hành.

“Chúng tôi đang cùng với Ban Tôn giáo trình Chính phủ để thành lập hình thức tổ chức tín ngưỡng thờ mẫu toàn quốc. Nếu Chính phủ cho phép, sẽ có những tổ chức như hiệp hội hay CLB, nhà nước thông qua đó để tác động đúng hướng, để thanh đồng tập hợp lại, hoạt động theo chuẩn, có cơ hội thể hiện. Quản lý không phải trói buộc, mà là tạo điều kiện để người tư thực hiện theo đúng pháp luật”, GS Thịnh nói.

Loạn y phục, vũ đạo hầu đồng

Thủ nhang Lưu Ngọc Đức-người được các nhà nghiên cứu đánh giá hiểu biết, tuân thủ các nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu - nêu bức xúc về y phục lố bịch, phản cảm trong nhiều giá hầu đồng hiện nay.

“Có những vị mặc trang phục không hiểu lối Tàu hay lối ta. Cùng tôn ông, người mũ cánh chuồn thẳng, người mũ tai ngang. Giá hầu Cô Bơ ở đền Rừng tháng 11 vừa rồi tôi chứng kiến trang phục nữ thần đuôi áo dài đến 5m.

Có người vấn tóc vặn sừng bò, tay áo xòe ra như đuôi công, trong khi trang phục truyền thống áo dài, khăn đóng rất ý nhị. Vũ đạo cũng tùy tiện, có thanh đồng cầm kiếm ngược, phong thái ở mỗi giá chầu toát lên không đúng, Quan Hoàng phải khác Quan lớn, thánh cô, thánh bà không thể giống nhau”, ông nói.

Toan Toan

Từ khóa » Cậu đức 16 Hàng Hành