Tín Ngưỡng Thờ Thành Hoàng Của Người Việt Nam - Ngô Tộc

A- Nguồn gốc và đặc điểm tín ngưỡng thờ Thành hoàng của người Việt:

Thuật ngữ Thành hoàng là một từ Hán Việt: “Thành hoàng có nghĩa là thành hào, hào có nước gọi là trì, không có nước gọi là hoàng. Đắp đất làm “thành”, đào hào làm “hoàng”. Thành hoàng xuất hiện ở Trung Quốc thời cổ đại và đã được thờ như là vị thần bảo hộ cho một thành trì, một phủ, một châu hay một huyện. Xã hội cổ đại Trung Quốc được phân chia thành hai cấp: Vương và Hầu; vua nhà Chu là Vương cai quản chư Hầu, mỗi chư Hầu như là một vương quốc nhỏ có một tòa thành và một số ấp nông thôn vây quanh. Do vậy, để bảo vệ thành có Thành hoàng, bảo vệ ấp có Thổ địa. Việc thờ Thành hoàng phổ biến khắp đất nước Trung Quốc thời cổ đại; ở đâu xây thành, đào hào là ở đó có Thành hoàng. Thành hoàng thường được vua ban biển miếu hoặc phong tước. Chính quyền phong kiến Trung Quốc đã lấy việc thờ phụng Thành hoàng làm việc giáo hóa dân chúng.

Tuy tín ngưỡng thờ thành hoàng có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng vì quy mô và cơ cấu làng cổ Trung Quốc có nhiều điểm khác với làng cổ của Việt Nam, nên tín ngưỡng thờ Thành hoàng của các làng Việt cổ cũng không giống tín ngưỡng thờ Thành hoàng của làng cổ Trung Quốc. Thành hoàng của các làng Việt cổ không chỉ và không phải lúc nào cũng thờ vị thần bảo vệ thành hào của làng, mà chủ yếu thờ những người có công với dân với nước, người có công lập ra làng, người có công truyền dạy một nghề nào đó cho dân làng, hoặc là một ông quan tốt (và một số vị tà thần – nhưng số này không nhiều).

Việc thờ Thành hoàng của nhiều làng xã Việt Nam đôi khi là thờ một sức mạnh tự nhiên nào đó (như thần sông, thần núi, thần sấm, thần sét, thần mây, thần mưa). Trong số các vị thần này, nơi nào thờ loại thần gì là tùy thuộc vào đặc điểm cư trú của làng đó. Chẳng hạn, những làng ở hai bên bờ các con sông thường là thờ các vị thủy thần; những làng ở trên sườn núi thường thờ thần núi (sơn thần).

Một số làng thờ những nhân vật lịch sử làm Thành hoàng làng mình là những vị anh hùng dân tộc, có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại nền độc lập cho dân tộc, như các vị: Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Hoàn, Dương Đình Nghệ, Lê Văn Thịnh, Tô Hiến Thành, Lý Thường Kiệt, Trần Nhật Duật,..

Một số làng thờ vị có công truyền dạy cho dân làng một nghề thủ công nào đó, như vị tổ nghề gốm Bát Tràng, làng Phù Lãng là Hứa Vĩnh Kiều, vị tổ nghề đúc đồng ở Đại Bái là Nguyễn Công Truyền, ở Quảng Bố là Nguyễn Công Nghệ,..

Một số làng thờ những quan lại phương Bắc đã từng cai trị nước ta làm thành hoàng như: Triệu Đà, Sĩ Nhiếp, Cao Biền, Đào Hoàng,…

Nói chung, hầu hết các làng đều thờ hai loại Thành hoàng, trong đó một vị là biểu tượng của sức mạnh tự nhiên, một vị là nhân vật lịch sử hoặc người có công với làng.

Điểm đặc biệt của tín ngưỡng thờ Thành hoàng của các làng Việt cổ là ở chỗ, dù thời cuộc có biến đổi như thế nào, dù làng có chuyển nơi cư trú bao nhiêu lần, dù chính sách tôn giáo của Nhà nước có chặt chẽ hay cởi mở, dù dân làng giàu sang hay nghèo túng,.. thì nhân vật được dân làng thờ làm Thành hoàng vẫn không thay đổi, mà tồn tại mãi mãi, suốt từ đời này đến đời khác.

B- Vai trò và ý nghĩa của Thành hoàng với đời sống

Trong tín ngưỡng Thành hoàng, người Việt lấy Kính làm cơ sở cơ bản trong ứng xử với cái Thiêng vì mục đích chung là cầu An, cầu cho mọi việc đều bình yên vô sự, không bị các thế lực Thiêng phá hại. Thành hoàng làng là vị thần bảo hộ, là người cứu dân làng khỏi các khổ nạn do những thế lực Thiêng khác gây ra.

Tuy ngày nay, trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, con người đã lý giải được những khoảng trống trong nhận thức, những bất công về mặt xã hội, những bất trắc, may, rủi trong cuộc sống nhưng tín ngưỡng Thành hoàng vẫn có những vai trò nhất định không thể phủ nhận đó là:

1- Vai trò liên kết cộng đồng:

Tín ngưỡng Thành hoàng đóng vai trò liên kết cộng đồng người trong một cộng đồng lãnh thổ nông nghiệp hữu hạn, làm nơi quy tụ tâm linh cho cư dân.

Thành hoàng chứng kiến đời sống của dân làng, ban phúc độ trì cho những người trung hiếu, hiền lành, giáng họa trừng phạt những kẻ độc ác vô luân. Có tai biến, người ta thường đến lễ bái cầu xin thần che trở. Có việc oan ức, người ta thường lễ bái cầu xin thần chứng giám chuyển giữ hóa lành, giải oan cho người đó. Mọi người trong cộng đồng luôn tuân thủ theo luật lệ, đạo đức vì họ luôn tâm niệm rằng thần luôn giám sát những hoạt động của từng thành viên trong cộng đồng. Thần còn là lực lượng tiếp sức cho nhân dân trong các cuộc chống ngoại xâm, dập tắt thiên tai, bệnh dịch bằng con đường âm phù. Thần được dân làng hàng năm cúng tế và được triều đình phong kiến sắc phong thêm các mỹ tự sau mỗi lần cầu đảo linh nghiệm.

Nhà nước phong kiến Việt Nam chọn lọc và phong sắc cho Thành hoàng làng nhằm mục đích đoàn kết và động viên toàn bộ sức mạnh của cộng đồng làng, xã và dân tộc thành một khối, đồng thời thực hiện việc quản lý xã hội đến cơ sở xã hội. Và ngôi đình xuất hiện lúc ban đầu với chức năng làm trụ sở hành chính – công sở của nhà nước phong kiến ở làng, xã dần dần trở thành nơi thờ cúng Thành hoàng và hội họp của chức dịch, dân làng.

Cùng với việc phong kiến hóa đình làng và thần làng, triều đình phong kiến đã tiến hành việc quản lý thống nhất đất nước. Các thần làng trở thành Thành hoàng làng. Các thần làng có công âm phù giúp vua dẹp giặc, giúp dân trừ thiên tai bệnh dịch hay những công thần của triều đình đều được sắc phong làm Thành hoàng. Ngôi đình làng không chỉ là nơi thờ cúng các Thành hoàng làng mà đây còn là nơi tụ họp dân làng khi có việc chung, là chốn vui chơi của cả làng vào các dịp lễ hội. Ngôi đình xưa kia vừa là “trụ sở hành chính” của làng, vừa là “tòa án” xử kiện của xã và những ngày nhộn nhịp vào đám, sân đình trở thành “sàn diễn”, “sân khấu” cho các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật như hát chèo, hát đúm, hát trống quân, cũng như các hoạt động thể thao như đấu vật, múa lân, kéo co, đánh cờ, thi thổi cơm… Trong nhiều thế kỷ, mãi tới mấy thập niên đầu thế kỷ 20, chức năng chính của ngôi đình miền Bắc vẫn là “hội trường lớn của làng”.

Nếu như sự thờ cúng gia tiên là nền tảng gắn kết mọi thành viên trong gia đình; thì sự thờ cúng thần Thành hoàng là nền tảng gắn kết mọi thành viên trong cộng đồng làng, xã. Trên cơ sở những nguyện vọng, mong ước của các thành viên trong làng hội tụ ở thần.

2- Duy trì và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống:

Thành hoàng làng là một trong những thành tố văn hóa mà người nông dân Việt Nam đã sáng tạo ra qua bao nhiêu thế hệ. Gắn với Thành hoàng là hội làng – một hoạt động văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc của từng địa phương. Những năm gần đây, các làng xã theo nhau khôi phục sinh hoạt văn hóa lễ hội. Vào đầu xuân hàng năm, làng Đồng Kỵ, xã Đồng Quang, huyện Từ sơn (nay là Phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn), tỉnh Bắc Ninh lại tổ chức lễ hội tưởng nhớ công đức Thượng đẳng Thành hoàng là danh tướng Thiên Cương thời vua Hùng. Tuy nay đã bỏ tục đốt pháo nhưng Đồng Kỵ vẫn tổ chức lễ rước pháo trọng thể, tưng bừng, và trong đình vẫn bảo tồn hình quả pháo khổng lồ bằng mã rực rỡ sắc màu, lễ rước pháo vẫn tấp nập đông vui thu hút hàng ngàn du khác trong và ngoài nước.

Mặc dù ngày nay, Thành hoàng không còn thích hợp với xã hội hiện đại nếu vẫn giữ nguyên dạng, nhưng lễ hội làng liên quan đến Thành hoàng đang tái diễn ở nhiều nơi đem lại sự phấn khởi, sinh hoạt văn hóa cho xóm làng. Việc thờ cúng thần Thành hoàng đặc biệt là các nhân thần thể hiện đạo nghĩa uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta, phát huy các giá trị đạo đức nhân, lễ, nghĩa,…giúp con người, nhất là thế hệ trẻ không bị hòa tan vào nhịp sống văn hóa hiện đại, gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc.

3- Là chỗ dựa tinh thần vững chắc:

Thành hoàng đã trở thành một biểu tượng tâm linh, một chỗ dựa tinh thần vững chắc của người dân. Bởi với họ, chỉ có thần mới có thể giúp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt; giúp cho cuộc sống của họ ngày một thêm ổn định, thịnh vượng, nên làng xã nào không có Thành Hoàng thì làng xã đó bất an. Tuy ngày nay khoa học đã phát triển, nhưng con người vẫn gặp phải rất nhiều trắc trở trong cuộc sống như các bệnh hiểm nghèo, vô sinh,…mà y học phải bó tay. Hoặc như khi xảy ra hỏa hoạn, thiên tai bất ngờ: động đất, sóng thần, lũ lụt,…hàng năm đã cướp đi biết bao sinh mạng con người. Khi đó, con người lại phải nương nhờ vào thần thánh, cầu xin sự che chở của thần thánh.

C- Phân loại các vị Thành Hoàng

Theo sách Việt Nam phong tục, thì mỗi làng thường thờ một vị Thành hoàng làng, cũng có làng thờ hai, ba thậm chí năm, bảy vị thần Thành hoàng; tuy nhiên, trong đó có một vị làm chủ thần.

Mỗi vị Thành hoàng đều có một thần tích và thần phả riêng gắn liền với những đặc điểm, điều kiện tự nhiên và hoàn cảnh lịch sử của làng đó. Tuy nhiên, có trường hợp nhiều làng cùng thờ một vị Thành hoàng như thần Tản Viên được rất nhiều làng thuộc tỉnh Hà Tây cũ thờ, mặc dù vậy những thần tích của vị Thần này ở mỗi địa phương mỗi khác: ở làng Dô, Tản Viên được thờ vì công ơn của ngài trong việc dạy dân làm ruộng, ca hát; ở Sơn Đông, ngài lại được thờ bởi công đức dạy dân làm liềm cắt cỏ, gặt lúa, người đã dạy dân đan sọt từ mây, tre để làm dụng cụ gánh cỏ, gánh lúa …

Thành hoàng thường được thờ ở đình, miếu hay nghè tuy nhiên đôi khi có nơi thờ Thành hoàng ở chùa theo mô típ “Tiền thần hậu phật”. Với quan điểm “Tam giáo đồng nguyên” (ba đạo giáo một nguồn), nên nhiều vị chân tu đắc đạo vẫn được phong thần như: Đại pháp thiền sư Từ Đạo Hạnh (chùa Thầy – Hà Tây cũ) được phong làm Thánh tổ, tục gọi là đức Thánh Từ; Không Lộ thiền sư (chùa Keo – Thái Bình) được phong làm Thánh tổ, tục gọi là đức Thánh Không Lộ; Huệ Tộ thiền sư (chùa Cổ Tung – Nam Định), được phong làm Dực Bảo Trung Hưng – Linh phù tôn thần, tục gọi là đức Thánh Tu…

Ở các đình, miếu thờ thần đều có thần phả, còn gọi là Ngọc phả. Đây là cuốn sách ghi chép sự tích các vị thần được thờ (Thần tích). Thần tích phần lớn do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính sưu tập và soạn thảo vào năm Hồng Phúc (1572), đời vua Lê Anh Tông, lúc đó đang đóng đô tại Yên Trường, Thanh Hóa vì ngoài Bắc đang nằm dưới sự quản lý của nhà Mạc. Sau này được Quản giám bách thần, Hùng Lĩnh thiếu khanh Nguyễn Hiền sao chép lại vào đời Lê Vĩnh Hựu (1735-1739). Một số thần phả xuất hiện vào đời vua Tự Đức (1848-1882). Các loại thần phả còn lại đến ngày nay, có nhiều lớp thông tin khác nhau chồng chất, thêm bớt, hiện đại hóa thần tích qua các lần sao chép lại hoặc mới biên soạn.

Cấp bậc Thành hoàng:

Xét theo công trạng mà các thần đã âm phù giúp nhà vua đánh giặc, giúp dân trừ thiên tai địch họa, bệnh dịch, tai ách và giúp dân lập ấp, mở nghề mà triều đình ra sắc phong cho các thần Thành hoàng thành theo các cấp độ như sau:

Thượng đẳng thần bao gồm các vị thần có công lớn với dân, với nước, được nhà vua sắc phong và lập đền thờ như Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Phạm Ngũ Lão,… và các thiên thần được lưu truyền rộng rãi trong nhân gian về các công trạng của họ giúp dân, giúp nước như Tản Viên Sơn Thần, Thánh Gióng, Liễu Hạnh công chúa, Chử Đồng Tử… Tất cả các vị thần này đều có công trạng hiển hách và được vua sắc phong làm Thượng đẳng thần.

Trung đẳng thần là các vị thần hoặc các quan địa phương có công khai điền lập ấp, có ơn với dân, có khi là các vị thần mà dân làng thờ đã lâu, có tên họ mà không rõ công trạng, hoặc có quan tước mà không rõ tên họ, hoặc những vị thần có chút linh dị, cho tới khi vua cầu đảo, có ứng nghiệm thì triều đình phong làm Trung đẳng thần.

Hạ đẳng thần là những vị thần được dân làng thờ cúng tuy không rõ thần tích, nhưng cũng thuộc bậc chính thần. Triều đình theo dân làng mà sắc phong làm hạ đẳng thần.

Ngoài ba vị phúc thần trên, nhiều làng còn thờ cúng cả những vị thần kỳ dị như: thần ăn mày ở làng Thư Lan – Nam Hà; thần ăn trộm ở làng Lông Khê – Thái Bình; thần gắp phân ở làng Cổ Nhuế – Hà Nội; thần trẻ con, thần Tà Dâm… Theo cách giải thích của dân gian thì những vị thần này ngoài những khả năng khác thường, họ còn được thờ cúng bởi chết vào các giờ thiêng. Lúc đầu do sợ hãi mà dân làng thờ cúng sau lâu dần họ được thờ cúng nhằm giúp dân làng xua đi rủi ro, bảo trợ cho sự tồn tại và phát triển của cộng đồng làng.

Tóm lại, tín ngưỡng thờ thần và thành hoàng làng của người Việt thực chất là thờ phúc thần, nó đóng vai trò liên kết cộng đồng trong làng xã và mở rộng ra cả nước, nhằm giáo dục lòng yêu nước, nhân nghĩa, hướng đến những điều tốt đẹp. Đó là những giá trị văn hóa truyền thông vô cùng quý báu của dân tộc mà ngày nay chúng tạ cần thừa kế và phát huy.

Theo hanhtrinhtamlinh.com

Từ khóa » Tín Ngưỡng Thờ Thành Hoàng ở Việt Nam