Tình Hình Biển đông Và Một Số Vấn đề Trong đấu Tranh Bảo Vệ Chủ ...

Trong những năm qua, tình hình BĐ liên tục có nhiều những diễn biến phức tạp, khó lường; thậm chí có lúc căng thẳng và nghiêm trọng. Năm 2020 và 03 tháng đầu năm 2021 tình hình trên biển Đông tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường.... đòi hỏi chúng ta cần nắm chắc tình hình, thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Phần I

Khái quát về biển, đảo và tình hình tranh chấp trên biển, đảo hiện nay

I. Vị trí của biển và đại dương; xu hướng tiến ra biển

Biển và đại dương chiếm 3/4 diện tích bề mặt của trái đất. Trong lòng biển và đại dương chứa đựng: Các nguồn khoáng sản, năng lượng, sinh vật vô cùng to lớn. Thế kỷ 21 được coi là thế kỷ của đại dương, tiến ra biển đã và đang trở thành xu hướng chung của thế giới và khu vực.

1. Vì sao?

* Thứ nhất: Dân số thế giới gia tăng, không gian sinh tồn trên đất liền ngày càng trở nên hạn hẹp, vì vậy nhiều nước hướng ra biển, biến biển thành không gian sinh tồn. Dân số TG: Năm 2006 là 6,5 tỷ người. Dự tính đến năm 2017 đạt 8 tỷ người (tăng 1,5 tỷ). Dân số TQ dự kiến giữa thế kỷ 21 là 1,6 tỷ người - đang đặt ra vấn đề cấp bách về ăn, ở, việc làm, môi trường sống...).

* Lý do thứ hai: Nguồn tài nguyên trên đất liền ngày càng cạn kiệt, trong khi đó tài nguyên trong lòng biển và đáy đại dương lại vô cùng phong phú và to lớn. Vàng: ở đất liền khoảng 3,5 vạn tấn - thì ở ngoài biển khoảng 10 triệu tấn (gấp gần 300 lần). Băng cháy: Được xác định là năng lượng của Thế kỷ 21. Dưới đáy biển có khoảng 40 triệu Km2, chiếm 1/10 tổng diện tích đáy đại dương ; đủ cho loài người sử dụng 1.000 năm. Hiện đã có 4 quốc gia trên nghiên cứu khai thác: Mỹ, Đức, Ấn Độ, Trung Quốc. (Trung Quốc đã chi 800 triệu NDT để nghiên cứu băng cháy. Dự kiến sẽ khai thác thương mại vào năm 2020).

* Lý do thứ ba: Khoa học công nghệ biển đã phát triển vượt bậc, cho phép loài người có thể nghiên cứu, thăm dò biển; khai thác biển có hiệu quả hơn; vươn ra xa hơn, vươn sâu hơn. TQ: Có 2 dàn khoan nước sâu “Lãnh thổ xanh” khoan biển 3.000m - 4.000m. Xây dựng dàn khoan lớn nhất Châu Á, cao 213 m, nặng 25.000 tấn, có thể khoan sâu 9.000 m.

2. Xu hướng tiến ra biển: Có 5 xu hướng sau:

* Hướng thứ nhất là: Ưu tiên phát triển các ngành khoa học - công nghệ liên quan đến biển như: (Nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên biển, Đóng tàu, cảng biển, Đánh bắt hải sản, Xây dựng đảo nhân tạo, sân bay nhân tạo trên biển...). Nhật Bản: Đã đầu tư xây 8 hòn đảo nhân tạo, 2 sân bay quốc tế nhân tạo. Italia: Xây dựng 5 đảo nhân tạo (50 triệu EURO).

* Hướng thứ hai là: Tranh thủ khai thác tài nguyên, đánh bắt hải sản ở các vùng biển công, vùng tranh chấp, hạn chế khai thác tại các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền. (TQ là nước có số lượng tàu cá nhiều nhất thế giới).

* Hướng thứ ba là: Phát triển cơ sở hạ tầng ở các khu vực ven biển, hải đảo như đường giao thông, cảng biển, sân bay, các nhà máy chế biến, sản xuất, đóng tàu...

Việt Nam: Có 90 cảng biển (QĐ 16/2008 của Thủ tướng CP quy hoạch có 49 cảng, trong đó: 17 cảng loại 1; 23 cảng loại 2 ; 9 cảng loại 3).

* Hướng thứ tư là: Tạo hành lang pháp lý cho việc vươn ra biển, ban hành các văn bản chính sách chế độ ưu tiên cho các lực lượng hoạt động trên biển, tích cực giải quyết các tranh chấp về chủ quyền và quyền chủ quyền.

(Các nước có biển đều: Xây dựng chiến lược biển. Ban hành các luật về biển (Trung Quốc đã có 6 Luật về biển và hiện đang xây dựng Luật về Đảo).

* Hướng thứ năm là: Ưu tiên phát triển các lực lượng bảo vệ biển, đảo như Hải quân, K.quân, C.sát biển (Hải cảnh), Biên phòng, Kiểm ngư (Hải giám, Ngư chính)... Trung Quốc: Có sách trắng XD lực lượng HQ, Không quân để hướng Nam. Brunây: có 38 vạn dân, mua một lúc 4 tàu KTTL (270 triệu USD/chiếc)

Từ vị trí quan trọng của biển, đại dương và xu hướng tiến ra biển dẫn tới sự tranh chấp trên biển. Vậy tình hình tranh chấp trên biển đảo thế giới hiện nay như thế nào?

II. Tình hình tranh chấp biển, đảo trên thế giới hiện nay.

* Thế giới hiện nay: có 157 nước có biển, tồn tại 380 khu vực biển có tranh chấp, nhưng hơn 20 năm qua (từ 1994) mới giải quyết xong gần 100 khu vực = 24%. Còn lại 280 khu vực = 76% chưa giải quyết được, có những khu vực tồn tại hàng trăm năm, hàng chục năm vẫn chưa giải quyết được.

Trên thế giới hiện nay, các cuộc tranh chấp về biển, đảo diễn ra hết sức quyết liệt và ngày càng phức tạp, chưa có hồi kết thúc. Có thể nói: Tình hình tranh chấp biển đảo trên thế giới và khu vực đã và đang diễn ra hết sức quyết liệt và phức tạp (có nơi đã xảy ra chiến tranh.

* Việc giải quyết các tranh chấp đã diễn ra như thế nào?

- Thứ nhất là: Dùng vũ lực quân sự.

- Thứ hai là: Bí mật đóng chiếm, xâm chiếm tạo sự đã rồi (TQ chiến 6 đảo, bãi đá ngầm năm 1988 và đá Vành Khăn năm 1995 trên QĐ Trường Sa của VN).

- Thứ ba là: Thông qua Tòa án Quốc tế đàm phán giải quyết (Trước năm 1967 chưa có chuẩn mực để giải quyết tranh chấp. Từ năm 1967, LHQ thành lập 1 ủy ban thảo luận, đến 1982 đã ra được “Công ước LHQ về Luật biển 1982”, sau 3 lần sửa đổi, đến 11/1994 mới có hiệu lực. Đến nay có 159 nước ký Công ước, nhưng mới có 102 nước phê chuẩn (còn 73% các nước có vùng biển chồng lấn chưa được phân định và đang có tranh cãi).

* Dự báo: 20 năm tới việc tranh chấp chủ quyền, tranh giành tài nguyên, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa sẽ vô cùng gay gắt, phức tạp.

III. Một số nét về Biển Đông

1. Vị trí tầm quan trọng của biển Đông:

- Khái quát: Có vị trí về địa chính trị và địa kinh tế cực kỳ quan trọng (1/3 hàng hóa thương mại của thế giới đi qua biển Đông. Có thể nói trên thế giới ít có vị trí nào đắc địa như biển Đông). Xung quanh BĐ có 9 n­ước và 1 vùng lãnh thổ: TQ, Philipin, Thái lan, Sinhgapo, Malaixia, Inđônêxia, Việt Nam, Campuchia, Brunây và Đài Loan

- Về diện tích: BĐ có diện tích gần 3,5 triệu Km2 (gấp 8 lần biển Đen, 1,2 lần Địa Trung Hải) là biển lớn thứ 2 sau biển Taxman.

- Về giao thông: Là 1 trong số 10 tuyến đ­ường hàng hải lớn nhất thế giới, giao thông rất nhộn nhịp (Hàng ngày có khoảng 200 – 300 tàu từ 5.000 tấn trở lên qua lại, chiếm 3/4 lưu l­ượng tàu hoạt động trên biển). Nếu khủng hoảng: giao thông gián đoạn, thiệt hại nặng nề về kinh tế, nhiều nền kinh tế suy thoái. ảnh h­ưởng đến an ninh thế giới.

- Về kinh tế: Tài nguyên khoáng sản (dầu mỏ....), hải sản, năng lượng.v.v.....

- Về chính trị, QP-AN: Là nơi tập trung các mâu thuẫn chính trị, kinh tế. Trọng tâm của thế giới chuyển từ châu Âu- Đại Tây Dương sang châu Á-Thái Bình Dương. Là nơi diễn ra tranh chấp quyết liệt, phức tạp nhất. Là vùng biển liên quan đến nhiều n­ước nhất trên thế giới (kể những n­ước không có chủ quyền: Nga, Ấn Độ, Mỹ, Nhật....).

2. Từ đó rút ra: Quốc gia nào khống chế biển Đông sẽ có lợi thế về: chính trị, kinh tế, an ninh và quốc phòng.

IV. Một số nét về biển Việt Nam

- Nước ta giáp với biển Đông ở hai phía Đông và Nam. Vùng biển Việt Nam là một phần biển Đông, diện tích trên 1 triệu km2, chiếm 29% diện tích biển Đông, gấp 3 lần diện tích đất liền).

- Bờ biển dài 3.260 km, từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Như vậy cứ 100 km2 đất liền thì có 1km bờ biển, đứng thứ 27/157 nước có biển trên thế giới.

- Trong 63 tỉnh thành thì có 28 tỉnh thành có biển. Biển n­ước ta đ­ược ví như­: mặt tiền, sân tr­ước, cửa ngõ quốc gia. Biển, đảo hình thành phên dậu, chiến lũy, bố trí thành thế phòng thủ liên hoàn bảo vệ TQ. Lịch sử tổng kết 10/14 cuộc chiến tranh xâm l­ược nước ta, kẻ thù tiến công bằng đ­ường biển.

Trong 28 tỉnh, thành phố ven biển với gần ½ dân số sống ven biển, khoảng cách từ các trung tâm kinh tế-chính trị trọng yếu của nước ta đến bờ biển đều không quá 100 km. Trên vùng biển nước ta có gần 3000 hòn đảo ven bờ và hai quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa tạo nên các tuyến phòng thủ vòng trong và vòng ngoài vững chắc để bảo vệ Tổ quốc.

Tóm lại, vùng biển, ven biển và các hải đảo là những bộ phận lãnh thổ thống nhất của nước ta, gắn kết chặt chẽ với các vùng khác trên đất liền. Là địa bàn cực kỳ quan trọng để bố trí phòng thủ, ngăn ngừa và triển khai các lực lượng tiến công đập tan đội quân xâm lược từ hướng biển. Đây là cơ sở và nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế cũng như bảo vệ an ninh - quốc phòng.

* Chính vì vậy, Hội nghị lần thứ 4 BCHTW Đảng (khóa X) đã ra Nghị quyết về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Nghị quyết đã đề ra định hướng mục tiêu là: Phải phấn để nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53-54% GDP, 55-60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước , giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển.

V. Khái quát về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Nước ta có trên 4.000 hòn đảo lớn, nhỏ. Trong đó: Vùng biển Đông Bắc có trên 3.000 đảo. Việt Nam có hai quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa.

1. Quần đảo Hoàng Sa:

+ Là một quần đảo san hô nằm trong biển Đông. Từ lâu Hoàng Sa cũng như Trường Sa đã thuộc lãnh thổ Việt Nam với tên Bãi Cát Vàng, Hoàng Sa.

+ Quần đảo Hoàng Sa gồm trên 37 đảo, đá, bãi cạn trong phạm vi biển rộng khoảng 30.000 km2, chia ra làm hai nhóm:

Nhóm phía Đông có tên là An Vĩnh: nguyên là tên của một xã thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Nhóm An Vĩnh bao gồm khoảng 12 đảo nhỏ và một số đảo san hô, trong đó có hai đảo lớn là Phú Lâm và Linh Côn, mỗi đảo rộng 1,5 km2.

Nhóm phía Tây: gồm nhiều đảo xếp vòng cung nên gọi là nhóm Lưỡi liềm. Trong đó có các đảo Hoàng Sa (diện tích 1 km2); Quang Ảnh; Hữu Nhật; Quang Hòa; Duy Mộng; Chim Yến, Tri Tôn....Riêng đảo Hoàng Sa có trạm khí tượng của Việt Nam hoạt động từ năm 1938 đến năm 1947, được tổ chức khí tượng quốc tế đặt số hiệu 48-860 (số 48 chỉ khu vực Việt Nam).

Dưới triều Nguyễn, quần đảo Hoàng Sa thuộc phủ Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Nam. Năm 1938 thuộc tỉnh Thừa Thiên. Năm 1961 gọi là xã Định Hải, quận Hòa Vang tỉnh Quảng Nam. Năm 1982 chính phủ ta quyết định thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Nay trở thành huyện đảo Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng.

Đối với quần đảo này chúng ta có đầy đủ cơ sở trên ba mặt: thực tiễn, lịch sử và pháp lý để khẳng định thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Năm 1956 Trung Quốc chiếm đóng đảo Phú Lâm. Năm 1974 Trung Quốc chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. => Lúc đó đang thuộc quyền quản lý của chính quyền Việt Nam cộng hòa. Trung Quốc chiếm là có sự hậu thuẫn của Mỹ.

2. Quần đảo Trường Sa:

Quần đảo Trường Sa gồm trên 100 hòn đảo nhỏ và bãi san hô, với diện tích 160-180 km2, cách Cảng Cam Ranh 248 hải lý.

Bàn về vùng biển này, nhiều nhà quân sự trên thế giới đã từng cho rằng: Ai làm chủ Trường Sa sẽ làm chủ Biển Đông.

- Trên quần đảo Trường sa hiện đang có mặt 5 nước 6 bên, đó là:

+ Việt Nam: Đang quản lý 21 đảo (gồm, 9 đảo nổi, 12 đảo chìm, với 33 điểm đóng quân.

+ Trung Quốc: Chiếm 7 bãi đá ngầm

+ Đài Loan: Chiếm Đảo Ba Bình. Đến năm 2004, cắm cờ và tuyên bố chủ quyền tại bãi cạn Bàn Than.

+ Philipin: Chiếm 8 đảo

+ Malaixia: Chiếm 5 đảo

+ Brunei: Tuy hiện nay họ chưa chiếm giữ đảo nào, nhưng tuyên bố có chủ quyền trên quần đảo Trường Sa.

* Khu vực DK1:

Ngày 3/7/1989 Hội đồng bộ trưởng nay là Chính phủ đã ra chỉ thị số 160/CT chính thức tuyên bố thành lập Cụm kinh tế - Khoa học – Dịch vụ thuộc sự quản lý hành chính của đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo. (Hay gọi là DK1).

VI. Tình hình tranh chấp trên biển Đông:

1. Phân loại tranh chấp trên biển Đông:

- Loại thứ nhất: Về quần đảo Hoàng Sa: chỉ có song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc.

- Loại tranh chấp thứ hai Tranh chấp chủ quyền giữa 5 nước, 6 bên ở Biển Đông. (Philipin; Malaixia; Brunây; Trung Quốc; Việt Nam; Đài Loan. Tập trung tranh chấp với Việt Nam chỉ có Việt Nam và Trung Quốc.

- Thứ ba là: Tranh chấp về vùng đặc quyền kinh tế => Liên quan đến yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc. Đường: lưỡi bò (chữ U hay “đứt khúc 9 đoạn ”) đều là một theo cách gọi khác nhau của các học giả trên thế giới. Diện tích đường lưỡi bò: 2,8 triệu km2 (80% diện tích biển Đông).

2. Một số hoạt động của Trung Quốc trên biển Đông

Từ năm 2011 đến nay TQ đẩy mạnh các hoạt động

- Cho tàu Hải Giám uy hiếp, cản trở và cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 khi đang thăm dò trong phạm vi thềm lục địa Việt Nam. Vị trí cáp thăm dò bị phía Trung Quốc cắt chỉ cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý.

- Ngày 10/6/2011 là vụ tàu Vikinh II của tập đoàn dầu khí quốc gia VN (cản phá, làm hỏng cáp).

- Triển khai giàn khoan nước sâu 3000 m tại vùng biển đông bắc Biển Đông.

- Ngày 21/6 Quốc vụ viện Trung Quốc phê chuẩn quyết định thành lập cái gọi là “Thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

- Công bố mời thầu 9 lô dầu khí nằm trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.v.v....

- Gia tăng hoạt động mở rộng các đảo chiếm đóng trái phép tại QĐTS: Tổng toàn bộ dự án cải tạo 7 bãi cạn của TQ là 250 tỷ USD, xác định đến năm 2030 sẽ hoàn thiện. Hiện nay đã chi 7 tỷ USD. (Rất lớn)

- Tăng cường đầu tư về quân sự, luyện tập các phương đánh chiếm đảo khi có thời cơ (Ngân sách quốc phòng TQ năm 2015 là 142 tỷ USD tăng 10,22% so với 2014 (đứng thứ 2 trên thế giới, sau Mỹ). Liên tục từ năm 2011 đến nay TQ đầu tư ngân sách cho quốc phòng mỗi năm tăng trên 10% so với năm trước), hiện nay 280 tỉ đô.

- Tăng cường sự hiện diện của lực lượng chấp pháp (Ngư chính, Hải cảnh, Hải giám...) nhằm khẳng định chủ quyền theo yêu sách “đường lưỡi bò” .TQ đang xây dựng kế hoạch cung cấp các khoản trợ cấp, đào tạo an ninh và khuyến khích 100.000 tàu cá ra Biển Đông để đánh bắt.

Từ những hoạt động của Trung Quốc thời gian qua có thể khẳng định “ý đồ tham vọng độc chiếm Biển Đông” của Trung Quốc không thay đổi. Dự báo tình hình trên thực địa thời gian tới sẽ có những diễn biến hết sức phức tạp.

Phần thứ hai:

Quan điểm của Đảng, Nhà nước ta giải quyết tranh chấp ở Biển Đông

1. Quan điểm của Đảng, Nhà nước ta

Bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là nhiệm vụ thiêng liêng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Trong bối cảnh phức tạp hiện nay, cần:

a) Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về biển đảo

* Tuyên truyền, vận dụng đúng đắn quan điểm về đối tác, đối tượng. Trong tình hình diễn biến nhanh chóng và phức tạp hiện nay, cần có cách nhìn biện chứng. Nghị quyết TW 8 (Khóa XI) nêu rõ: “Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng của chúng ta”. Từ khái niệm về đối tượng, đối tác chúng ta cần chống tư tưởng mơ hồ mất cảnh giác, chống đề cao chỗ nào cũng là đối tượng.

* Thực hiện ba không: Không để bị kích động và lợi dụng chia rẽ mối đoàn kết dân tộc Việt – Trung; Không để bị bất ngờ; Không mắc mưu khiêu khích để xảy ra xung đột, đụng độ.

b) Kiên trì giải quyết tranh chấp biển, đảo bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế

* Kiên trì, kiên quyết thực hiện hai mục tiêu chiến lược, đó là:

(1) Độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là vấn đề bất di, bất dịch;

(2) Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng đất nước.

* Về chủ trương:

+ Một là: Kiên định giải quyết các tranh chấp bằng giải pháp hòa bình; bằng sức mạnh tổng hợp: đấu tranh chính trị, ngoại giao, chứng cứ pháp lý, lịch sử và chuẩn bị cả phương án đưa ra tòa án quốc tế khi cần thiết.

Chúng ta kiên trì, tránh xung đột nhưng khi chủ quyền bị xâm phạm chúng ta sẵn sàng giáng trả bằng quyền tự vệ chính đáng.

+ Hai là: xử lý thật tốt mối quan hệ toàn vẹn độc lập, chủ quyền và duy trì hòa bình, ổn định.

Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, cố gắng ở mức cao nhất duy trì môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

+ Ba là: coi trọng quan hệ với Trung Quốc trong khuôn khổ hợp tác, đối tác chiến lược toàn diện, giữ hòa hiếu, hòa khí, xây dựng tình đoàn kết hữu nghị và thực hiện các cam kết đã ký với Trung Quốc.

Đối với Trung Quốc, quan điểm của Đảng ta là xây dựng quan hệ “Hợp tác, đối tác chiến lược toàn diện” theo phương châm 16 chữ: Thực hiện 4 tốt: Và 8 chữ: “Hợp tác, đối tác chiến lược toàn diện”.

Trong tình hình hiện nay cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ về âm mưu, ý đồ và hành động của Trung Quốc là độc chiếm biển Đông – Trường Sa (Đây là mục tiêu không đổi của họ) để chủ động và kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Trung Quốc là “đối tác” cơ bản, xuyên suốt của ta. Trung Quốc chỉ là “đối tượng” trong từng thời điểm và tình huống cụ thể. Mặt khác, chúng ta cũng không để cho các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo, kích động để chia rẽ mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc.

+ Bốn là: thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ quốc tế.

Trong quan hệ ngoại giao phải khôn khéo, không dựa vào bên này để chống bên kia và ngược lại. Theo tinh thần đó những vấn đề còn đang bất đồng, tranh chấp song phương thì giải quyết theo hướng song phương còn những vấn đề tranh chấp liên quan đến nhiều bên thì giải quyết đa phương và công khai, minh bạch giữa các nước liên quan.

c) Tập trung xây dựng lực lượng quản lý, bảo vệ biển, đảo vững mạnh

- Cảnh sát biển Việt Nam: là lực lượng chuyên trách quản lý, duy trì thực thi pháp luật trên các vùng biển của Tổ quốc cần được tiếp tục củng cố, hoàn thiện về tổ chức biên chế, tăng cường trang bị hiện đại, bảo đảm đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trước mắt và đáp ứng cho sự phát triển trong tương lai.

- Lực lượng Bộ đội B. phòng: được đầu tư bảo đảm đủ trang bị kỹ thuật, phương tiện khí tài, phương tiện cơ động....đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, cứu hộ-cứu nạn, chống buôn lậu, các tệ nạn xã hội trên vùng biển được phân công.

- Lực lượng dân quân tự vệ biển: được xây dựng theo phương châm “rộng khắp”, ở đâu có tàu, thuyền hoạt động trên biển, có dân định cư ở ven biển và trên đảo ở đó có dân quân tự vệ; lấy các doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã làm nòng cốt; tổ chức, biên chế phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của từng địa phương, bảo đảm tạo thành ba tuyến: ven bờ, lộng, khơi; coi trọng xây dựng lực lượng trên biển, bảo đảm sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống

- Lực lượng Kiểm ngư: là lực lượng kiểm soát dân sự của Việt Nam, có đầy đủ thẩm quyền để phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm của tàu cá nước ngoài; hỗ trợ ngư dân, đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền quốc gia ở các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

* Hải quân nhân dân Việt Nam: lực lượng chuyên trách hoạt động trên biển-giữ vai trò nòng cốt và gánh vác trách nhiệm nặng nề trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các vùng biển, đảo của Tổ quốc cần được ưu tiên đầu tư xây dựng theo hướng hiện đại và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đặc biệt là các lực lượng thường xuyên tuần tra trên biển và chốt giữ các đảo ở khơi xa.

Hải quân nhân dân Việt Nam được thành lập ngày 7 tháng 5 năm 1955. Trải qua hơn nửa thế kỷ xây dựng, chiến đấu và công tác, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, được sự yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương trong cả nước, sự phối hợp, hiệp đồng của lực lượng bạn, Hải quân nhân dân Việt Nam đã không ngừng phát triển, trưởng thành nhanh chóng, chiến thắng vẻ vang, có nhiều đóng góp xứng đáng vào thắng lợi của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước, làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn, cũng như trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Nhiều chiến công xuất sắc của Hải quân đã đi vào lịch sử như những biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Hải quân nhân dân Việt Nam đang được đầu tư xây dựng theo hướng tiến thẳng vào hiện đại cùng với Quân chủng phòng không, không quân; Thông tin liên lạc, Tác chiến điện tử, Trinh sát kỹ thuật…

Theo quan điểm của Đảng và Nhà nước ta: đường lối quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Chúng ta hiện đại hóa quân đội là để phòng thủ, để bảo vệ Tổ quốc, không nhằm vào bất cứ quốc gia nào.

Phần ba: Khái quát về Học viện Hải quân

I. Học viện Hải quân

Học viện Hải quân Việt Nam được thành lập ngày 26/4/1955. Ngày đầu thành lập, Nhà trường có tên là Trường Huấn luyện bờ bể; sau đó phát triển thành Trường Hải quân Việt Nam (Năm 1964); Trường sỹ quan Chỉ huy kỹ thuật Hải quân (Năm 1982). Năm 1993 Nhà trường được nâng lên thành Học viện Hải quân; trải qua 61 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển, cùng với sự phát triển của Quân chủng Hải quân Việt Nam, Học viện đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước trước đây, cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN ngày nay.

Với nhiều thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục, đào tạo và tham gia chiến đấu nên Học viện Hải quân đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 3 Huân chương Quân công, 3 Huân chương Chiến công và nhiều phần thưởng cao quý khác; Đặc biệt năm 2005 Học viện được Nhà Nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Gần đây nhất ngày 03/4/2015 Chủ tịch nước đã tặng Huân chương Độc lập Hạng Ba .

* Hiện nay Học viện Hải quân có nhiệm vụ: Đào tạo sỹ quan có trình độ cao đẳng, đại học, thạc sỹ, tiến sỹ các chuyên ngành khoa học quân sự. Đào tạo Chỉ huy tham mưu, kỹ thuật cấp Lữ đoàn, Vùng Hải quân và bổ túc, hoàn thiện kiến thức Hải quân cho các đối tượng. Thực hiện nhiệm vụ NCKH và các nhiệm vụ khác trên giao.

* Về cơ cấu tổ chức, Học viện Hải quân có: Ban Giám đốc; 8 Phòng, Ban chức năng; 13 khoa giáo viên; 04 Trung tâm huấn luyện; 03 Hệ và 06 Tiểu đoàn quản lý học viên; Hiện nay 100% giảng viên có trình độ đại học, trong đó gần 70% có trình độ sau đại học;

* Để đáp ứng yêu cầu xây dựng phát triển Quân đội, Quân chủng Hải quân, trong những năm tới Học viện Hải quân chúng tôi sẽ tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng GDĐT và NCKH:

- Trước hết là tập trung xây dựng Học viện Hải quân chính quy, hiện đại; Tăng cường cơ sở vật chất, doanh trại và các trang thiết bị, phương tiện dạy học theo hướng cập nhật công nghệ hiện đại và mới nhất hiện nay.

- Tập trung đổi mới nội dung, chương trình GDĐT và phương pháp dạy học; Chuẩn hóa đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý Nhà trường phù hợp với mục tiêu, yêu cầu chiến lược phát triển trong tình hình mới.

- Tăng cường dạy, học ngoại ngữ để chủ động hội nhập khu vực và quốc tế; tích cực mở rộng quan hệ hợp tác về lĩnh vực GDĐT-NCKH với các học viện, nhà trường hải quân các nước.

II. Những điều cần biết để có thể trở thành học viên sĩ quan Hải quân:

1. Tuyển sinh vào Học viện Hải quân:

- Nam thanh niên ngoài Quân đội tuổi từ 17 đến 21;

- Nam hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ có thời gian phục vụ tại ngũ 12 tháng trở lên (tính đến tháng 4 năm 2021); quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng phục vụ trong Quân đội đủ 12 tháng trở lên (tính đến tháng 9 năm 2021) hoặc đã xuất ngũ và công dân hoàn thành nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân tuổi từ 18 đến 23.

- Tuyển sinh trong cả nước.

2. Quy trình tuyển sinh:

+ Tham khảo thông tin tuyển sinh vào các học viện, nhà trường Quân đội hàng năm của Bộ Quốc phòng; của HVHQ: qua tờ rơi, trang Web: http://hocvienhaiquan.edu.net

+ Đăng ký tuyển sinh tại Ban chỉ huy quân sự địa phương nơi cư trú

+ Làm hồ sơ theo mẫu của tuyển sinh quân sự

+ Sơ tuyển tại Ban chỉ huy quân sự địa phương nơi cư trú

+ Các thí sinh đăng ký và tham gia kỳ thi THPT quốc gia (tổ hợp các môn thi vào HVHQ gồm: Toán, Vật lý, Hóa học).

+ Điểm trúng tuyển xét theo 2 khu vực: Phía Bắc và phía Nam.

+ Chỉ tiêu tuyển sinh 2021: 197 đồng chí (miền Bắc 128 đồng chí; miền Nam 69 đồng chí).

* Một số thông tin tuyên sinh 2020:

- Chỉ tiêu: 280 đồng chí. Tổng số thí sinh dự tuyển: 1273

- Điểm chuẩn: Miền Bắc: 25 điểm, miền Nam: 22,5 điểm (từ Quảng Trị trở vào Nam), thủ khoa: 29,25 điểm./.

Từ khóa » độ Sâu Của Biển đông Có đồng đều Không