Tình Hình Thị Trường Giá Cả Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022

Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến khá phức tạp. Trong nước, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, các địa phương chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ. Các hoạt động kinh tế dần phục hồi nên nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu được bảo đảm. Đặc biệt, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, tình hình cung cầu thị trường diễn ra sôi động như quy luật hàng năm, nguồn cung hàng hóa ổn định, phong phú, không có hiện tượng khan hiếm hàng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân.

Ngay từ cuối năm 2021, các hoạt động sản xuất, dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán đã diễn ra nhộn nhịp. Các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị và cơ sở kinh doanh chủ động chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, mẫu mã phong phú, chủng loại đa dạng, đồng thời tổ chức lưu thông hàng hóa thông suốt trên địa bàn cả nước, nhất là các mặt hàng nông sản, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của người dân nên giá cả hàng hóa không biến động lớn.

Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa, giữ ổn định thị trường trong dịp Tết, nhất là các mặt hàng thiết yếu, ngày 12/11/2021 Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Cùng với đó, Bộ Công Thương đã yêu cầu các địa phương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc mức độ biến động giá nhiều trên địa bàn trong thời gian qua để chủ động có phương án hoặc đề xuất với cơ quan chức năng các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến.

Tại các địa phương, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành theo dõi diễn biến của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân; bảo đảm kết nối các doanh nghiệp phân phối và nhà cung cấp, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường phục vụ Tết và cung ứng cho các địa bàn phải thực hiện giãn cách phòng chống dịch bệnh; áp dụng các phương thức mới (trực tuyến, sàn đấu giá điện tử…) để giới thiệu, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn, đặc sản vùng, miền kết hợp tạo nguồn hàng phục vụ Tết.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến các mặt đời sống kinh tế – xã hội nên người tiêu dùng có xu hướng giảm chi tiêu, sức mua chủ yếu tập trung cao sau ngày ông Công, ông Táo (23 tháng chạp âm lịch) và trong những ngày cận Tết. Tết Nguyên đán năm nay người dân có đủ thời gian mua sắm, chuẩn bị Tết với 3 ngày nghỉ sát Tết, đồng thời tâm lý tích trữ lương thực, thực phẩm trong dịp Tết đã không còn nhiều nên việc mua sắm không tập trung vào cùng một thời điểm, không gây khan hiếm hàng hóa cục bộ và “sốt” giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết. Nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh Covid-19 nên hầu hết các chương trình hội chợ Xuân, chợ hoa không được tổ chức tập trung. Các điểm bán hàng Tết chủ yếu do các thương nhân tự thực hiện phân tán ở nhiều nơi.

Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn là địa điểm thu hút người tiêu dùng do bảo đảm về nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu cũng như các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả hàng hóa bình ổn và thực hiện đầy đủ yêu cầu phòng dịch bệnh tại nơi phân phối, đồng thời đưa ra nhiều chương trình, hình thức khuyến mại, giảm giá nhằm kích cầu, thu hút tiêu dùng của người dân trong dịp Tết. Nhiều siêu thị mở cửa sớm và đóng cửa muộn trong tuần lễ cao điểm mua sắm Tết khiến nguồn hàng cung cấp ra thị trường được đầy đủ, kịp thời. Trải qua hai năm ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19, việc phân phối hàng hóa của doanh nghiệp và mua sắm của người tiêu dùng có nhiều chuyển biến. Mua bán trực tuyến được nhiều người tiêu dùng lựa chọn nhằm tránh đến những nơi đông người, so sánh được giá cả giữa các nhà cung cấp và mua hàng được từ những nơi cách xa địa lý.

Trong những ngày đầu năm mới, hầu hết các chợ, siêu thị đều đóng cửa vào ngày mùng 1 Tết. Tại các thành phố lớn, một số trung tâm thương mại, siêu thị mở cửa xuyên Tết phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân như: Aeon Mall, hệ thống cửa hàng tiện lợi Circle K, Family Mart, B’s mart, 24h Cheers.

Từ ngày mùng 2 Tết, một số siêu thị như Big C, Co.opmart đã mở cửa trở lại. Từ mùng 5 và mùng 6 Tết, hoạt động mua bán có xu hướng trở về bình thường trên cả nước.

Diễn biến giá một số mặt hàng

Theo quy luật vào dịp Tết Nguyên đán, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cao hơn mức giá của tháng trước. Giá tiêu dùng một số nhóm hàng hóa cụ thể như sau:

(1) Lương thực: Hầu hết các địa phương trên cả nước đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa chuẩn bị Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trong đó mặt hàng gạo được các hộ kinh doanh, doanh nghiệp tích cực chuẩn bị, bảo đảm lượng dự trữ và cung ứng cho thị trường. Giá gạo dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần tăng từ 500-2.000 đồng/kg tùy từng loại gạo, trong đó giá gạo tẻ thường dao động từ 13.000-15.500 đồng/kg; giá gạo Bắc Hương dao động từ 18.000-20.000 đồng/kg, giá gạo thơm chợ Đào dao động từ 18.000-22.000 đồng/kg; giá gạo nếp dao động từ 25.000-35.000 đồng/kg. Trong các ngày nghỉ Tết, giao dịch mua bán gạo không nhiều nên mức giá không biến động và từ ngày mùng 6, giá gạo các loại theo xu hướng giảm dần trở về mức giá ngày thường.

 (2) Thực phẩm tươi sống: Năm nay thời tiết vào dịp cuối năm thuận lợi, sản xuất nông nghiệp ổn định và tăng trưởng tốt đã hỗ trợ cho giá nhóm thực phẩm không có biến động bất thường. Nguồn cung thực phẩm được đảm bảo, không có tình trạng khan hàng hoặc tăng giá bất hợp lý. Do các siêu thị tham gia chương trình bình ổn thị trường nên giá giữ ổn định, một số siêu thị có chương trình giảm giá bán thực phẩm tươi sống, đông lạnh. Những ngày gần Tết giá thịt bò, thịt gà tăng chủ yếu ở các chợ truyền thống do sức mua tăng. So với ngày thường, giá thịt bò tăng từ 20.000-50.000 đồng/kg tùy từng địa phương; giá gà sống tăng khoảng 10.000-30.000 đồng/kg do nhu cầu người dân tăng cao để cúng tất niên và giao thừa. Đối với mặt hàng thịt lợn, nguồn cung được đảm bảo do tổng đàn lợn đủ đáp ứng nhu cầu để sản xuất giò chả, bánh chưng và các thực phẩm chế biến khác chuẩn bị đón Tết, giá thịt lợn hơi cả nước tháng 01/2022 ở mức 55.000-59.000 đồng/kg, tăng 3.000-6.000 đồng/kg so với tháng trước. Trong những ngày cận Tết, giá thịt lợn thành phẩm tăng từ 10.000-40.000 đồng/kg tùy loại do nhu cầu sử dụng để sản xuất các loại thực phẩm chế biến phục vụ Tết của người dân tăng.

Từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 5 Tết, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống cơ bản vẫn giữ mức của những ngày cận Tết, một số chợ dân sinh tăng giá nhẹ trong ngắn hạn các mặt hàng như thịt bò, thịt gà, cá do có ít người bán và các chợ đầu mối hầu hết chưa hoạt động.

Thời tiết thuận lợi, nguồn cung rau dồi dào nên giá rau xanh phục vụ Tết Nguyên đán ổn định, đặc biệt đến ngày cận Tết giá các loại su hào, bắp cải, cà chua, súp lơ tại các tỉnh phía Bắc giảm. Sau Tết, do thời tiết ở ngoài Bắc lạnh sâu, nguồn cung rau hạn chế, người bán chưa mở hàng nhiều nên giá rau xanh tăng mạnh, cụ thể giá bắp cải từ 10.000-15.000 đồng/kg; cải cúc, cải xanh, rau muống dao động từ 10.000-12.000 đồng/mớ, tăng từ 5.000-7.000 đồng/mớ; cà chua tăng lên 30.000 đồng/kg, gấp đôi ngày thường; rau cần tăng mạnh từ 7.000 đồng/mớ lên 20.000 đồng/mớ. Giá bán hầu hết các loại trái cây tăng, nhất là các loại bày mâm ngũ quả như phật thủ, bưởi, cam, thanh long, xoài, đu đủ… đặc biệt là chuối xanh là loại quả tăng mạnh nhất vào những ngày giáp Tết với mức tăng 5-6 lần so với ngày thường. Những nải chuối đẹp có giá 200.000-400.000 đồng tùy vào số lượng quả và hình thức.

(3) Hàng thủy sản: Các loại hải sản tươi sống tăng mạnh vào những ngày giáp Tết và vẫn giữ ở mức cao sau Tết do nhu cầu tiêu dùng cao và chi phí vận chuyển tăng. Giá thủy sản tươi sống tăng mạnh do nhu cầu sử dụng trong bữa ăn ngày Tết tăng cao như cá thu khúc giữa bình quân có giá từ 240.000-300.000 đồng/kg, tăng 30.000-40.000 đồng/kg so với ngày thường, giá tôm từ 220.000-310.000 đồng/kg, tăng từ 30.000-40.000 đồng/kg. Do thời tiết lạnh kéo dài trong dịp Tết Nguyên đán nên nguồn cung không nhiều, giá cả mặt hàng thủy sản sau Tết vẫn chưa trở về giá cả ngày thường.

(4) Hàng công nghệ phẩm chế biến: Nhìn chung, các mặt hàng thực phẩm chế biến có giá ổn định trước, trong và sau Tết do các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị đủ nguồn hàng cho thị trường. Giá nhiều mặt hàng như đường, dầu ăn, nước mắm ổn định do nguồn cung đảm bảo. Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam được nhiều khách hàng lựa chọn. Nhiều loại hàng Việt đã chiếm được thị phần lớn, cạnh tranh được với hàng ngoại nhập. Giá nước giải khát, bia các loại có xu hướng tăng nhẹ từ 20.000-30.000 đồng/thùng so với các ngày thường: Giá bia Heineken (lon) từ 440.000-480.000 đồng/thùng, bia Tiger từ 350.000-365.000 đồng/thùng, bia lon 333 từ 240.000-250.000 đồng/thùng, Pepsi lon giá từ 150.000-190.000 đồng/thùng. Nguồn cung dồi dào, các loại bánh, mứt, kẹo có nhiều mẫu mã phong phú, đa dạng, chủng loại phù hợp với thị hiếu và thu nhập của các tầng lớp người tiêu dùng khác nhau. Giá các hộp mứt Tết truyền thống dao động từ 46.000-110.000 đồng/hộp tùy theo trọng lượng. Bánh Danisa hộp thiếc 681 gram giá 190.000 đồng/hộp, bánh Cosy hộp thiếc (602g) 130.000 đồng/hộp; bánh Bibica Hura 100.000 đồng/hộp…

(5) Hoa, cây cảnh: Giá hoa tươi tăng nhẹ vào các ngày 22 và 23 Tết, tăng cao trong ngày 27, 28 và 29 Tết do nhu cầu phục vụ cúng lễ, chơi Tết tăng cao. Các loại hoa như hoa hồng, hoa cẩm chướng, hướng dương, lay ơn Đà Lạt, hoa ly Đà Lạt giá cao hơn ngày thường, cụ thể: Hoa hồng Đà Lạt có giá từ 8.000-11.000 đồng/bông; hoa cúc 5.000-7.000 đồng/bông; lay ơn Đà Lạt 10.000-12.000 đồng/cành, hoa lay ơn địa phương 7.000-12.000 đồng/cành; hoa ly 30.000-45.000 đồng/cành; hoa cúc vàng chậu đại đường kính 70 cm giá 900.000-1.000.000 đồng/chậu; hoa mai chậu đường kính 50 cm có giá từ 500.000-600.000 đồng/chậu; hoa đào Nhật Tân chậu đường kính 30 cm có giá 400.000-450.000 đồng/chậu. Các loại hoa nhập khẩu như tuyết mai, thanh liễu, hồng gai được ưa chuộng và có giá rẻ hơn so với thời điểm Tết năm trước.

(6) Dịch vụ trông giữ xe máy, ô tô: Trong dịp Tết, chính quyền các địa phương đã quan tâm chỉ đạo, giám sát chặt chẽ đối với dịch vụ trông giữ xe. Giá dịch vụ trông giữ xe cơ bản ổn định so với các ngày trước Tết. Tuy nhiên vẫn có một số điểm trông giữ xe tự phát đã tăng giá vào đầu năm mới tại các điểm đền chùa ở các địa phương ít bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 với mức tăng phổ biến từ 5.000-10.000 đồng/xe máy và 30.000-50.000 đồng/xe ô tô so với giá trước Tết.

(7) Dịch vụ phục vụ cá nhân: Giá các loại dịch vụ làm đẹp tăng cao vào những ngày sát Tết và trong Tết. Ngày thường, giá gội đầu chỉ khoảng 25.000-50.000 đồng/lần nhưng giáp Tết và trong Tết được đẩy lên 50.000-200.000 đồng/lần. Các dịch vụ cắt tóc, uốn, sấy… giá tăng khoảng 20% so với ngày thường.

(8) Dịch vụ giao thông công cộng: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán không cao như các năm trước. Tại các bến xe, lượng khách đi xe giảm so với mọi năm nên không còn tình trạng quá tải, các doanh nghiệp vận tải có quầy vé riêng đã chủ động bán vé cho hành khách từ trước với nhiều hình thức. Nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao vào dịp trước và sau Tết, một số đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện kê khai tăng giá phụ thu do giá xăng dầu tăng và ảnh hưởng của dịch bệnh hạn chế chở số lượng khách, phần lớn tăng giá không quá 40% đối với tuyến đường ngắn, 60% đối với tuyến đường dài.

(9) Giá xăng, dầu: Theo Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực từ ngày 02/01/2022, giá xăng dầu được điều chỉnh mỗi tháng 3 lần vào ngày 1, 11 và 21 hằng tháng, nhưng do ngày 01/02/2022 trùng với ngày mùng Một Tết Nguyên đán nên giá xăng, dầu được giữ ổn định từ kỳ điều chỉnh ngày 21/01/2022.

(10) Giá gas: Từ ngày 01/02/2022, giá gas trong nước điều chỉnh tăng 16.000 đồng/bình 12 kg do giá gas thế giới tăng 50 USD/tấn (từ mức 725 USD/tấn lên mức 775 USD/tấn).

Nhìn chung, tình hình giá cả thị trường trước, trong và sau Tết không biến động nhiều do nguồn cung dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, sức mua không lớn nên thị trường không có hiện tượng khan hàng, sốt giá./.

TỔNG CỤC THỐNG KÊ

Từ khóa » Dịp Sau Tết