Tinh Thần Làm Việc Khoa Học Vì Cây Di Sản Việt Nam đầu Tiên ở Bến Tre

Tinh thần làm việc khoa học vì cây di sản Việt Nam đầu tiên ở Bến Tre –bạch mai cổ thụ

Ngày đăng: 31-05-2021 | Chuyên mục: Hoạt động Khoa học và Công nghệ | Tác giả: Kim Thư-Trường Cao đẳng Bến Tre

Ngày khoa học công nghệ Việt Nam năm nay diễn ra trong bối cảnh bùng phát lần thứ 4 đại dịch Covid19 tại Việt Nam, rất tiếc chúng tôi không có dịp được tham dự những sự kiện khoa học công nghệ truyền thống hàng năm như kế hoạch đã định… Tuy nhiên, chúng tôi được UBND Tp. Bến Tre mời tham dự một cuộc làm việc chuyên đề khoa học rất bổ ích. Cuộc họp này đã cho chúng tôi trải nghiệm sâu sắc và đầy đủ về tinh thần làm việc khoa học vì cây Di sản Việt Nam – Cây Bạch Mai của UBND Tp. Bến Tre và các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương, cộng đồng di sản văn hóa ở Tp. Bến Tre và các nhà khoa học… đã đem lại một kết thúc rất có hậu từ hành trình Di sản Việt Nam đầu tiên ở Bến Tre – Cây Bạch Mai, chúng tôi cho rằng đây là một hoạt động rất có ý nghĩa trong ngày khoa học công nghệ Việt Nam năm 2021.

Quá trình xây dựng hồ sơ Cây Di sản Việt Nam

Tháng 11/2011, nhóm Sáng tạo Trẻ Bến Tre đã liên hệ và cung cấp mẫu hồ sơ đề nghị công nhận cây Di sản Việt Nam cho Trường TH Nguyễn Trí Hữu và đề nghị trường hỗ trợ Ban Khánh tiết Đình Phú Tự và UBND Xã Phú Hưng tiến hành xây dựng hồ sơ cây Di sản Việt Nam cho Bạch Mai cổ thụ…. Việc xây dựng hồ sơ vì nhiều lý do khác nhau, về sau được chuyển đến TS. Lê Sơn, Chánh Văn phòng Giải thưởng Trần Văn Giàu, Tp. Hồ Chí Minh và UBND xã Phú Hưng, Tp Bến Tre thực hiện (Theo Thông báo số 291/HMTg ngày 21/10/2013 của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam). Sau khi có Thông báo này, UBND Tp Bến Tre mới có Tờ trình số 226/TTr-UBND ngày 13/11/2013 V/v lấy ý kiến đóng góp thiết kế mẫu bia đá Cây Di sản Việt Nam – Cây Bạch Mai. Đến ngày 7/2/2014 Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam ra Quyết định số 44/QĐ-HMTg V/v Công nhận Cây Di sản Việt Nam đối với Cây Bạch Mai tại đình Phú Tự. Sau đó UBND Tp Bến Tre có Kế hoạch số 04/KH-UBND ngày 8/1/2014 Tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận Bạch Mai cổ thụ– cây Di sản Việt Nam đầu tiên ở Bến Tre vào ngày 13/2/2014.

Cây Bạch Mai sau được công nhận là Cây Di sản Việt Nam

Sau khi gắn biển cây Di sản Việt Nam, nhóm Sáng tạo Trẻ Bến Tre (STT), Trường Cao đẳng Bến Tre đã thường xuyên lui tới thăm viếng và đưa các chuyên gia, trợ giảng tiếng Anh thuộc Chương trình Fulbright và nhiều nhà nghiên cứu, sinh viên các Trường Đại học, Cao đẳng, các doanh nghiệp, chức sắc tôn giáo… trong và ngoài tỉnh đến thăm, tìm hiểu Bạch Mai cổ thụ và đình Phú Tự cũng như quần thể di tích - danh thắng đình Phú Tự (bao gồm cả cây Khế, cây Thị cũng có tuổi trên dưới 200 năm).

Đến năm 2016, Chuyên gia Sinh học Nishja Nuss, University Nebraska - Lincoln, Hoa Kỳ, trong thời gian 2 tháng làm chuyên gia cho Trường Cao đẳng Bến Tre đã đến thăm Bạch Mai cổ thụ 2 lần và góp ý “lấy làm tiếc khi trên biển Cây Di sản ghi tên khoa học chưa thật chính xác…”.

Cô Nishja Nuss (Áo xanh –giữa) trao đổi về tên khoa học của cây Bạch Mai. Ảnh STT.

Sau khi nhóm STT ghi nhận tiếp thu đã báo lên cấp có thẩm quyền (UBND Tp Bến Tre, Phòng VHTT Tp Bến Tre, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam và thầy Nguyễn Văn Bon - Giảng viên Sinh vật, khoa Tự nhiên, Trường Cao đẳng Bến Tre – nhà nghiên cứu về Bộ sưu tập động thực vật và bảo tồn chim ở sân chim Vàm Hồ). Là người quan tâm đến cây Bạch Mai ngay sau khi được công nhận là Cây Di sản Việt Nam, khi có thông tin của nhóm STT, thầy Nguyễn Văn Bon đã dành nhiều thời gian và dày công nghiên cứu đưa ra giải pháp hiệu chỉnh tên khoa học của Bạch Mai cổ thụ được các chuyên gia ở Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Hà Nội trao đổi, đồng thuận. Ngày 16/8/2019 Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cũng đã thống nhất phương án để cải chính theo hướng cập nhật nhất tên khoa học cho Bạch Mai cổ thụ theo kết quả nghiên cứu của thầy Nguyễn Văn Bon.

Cây Di sản Việt Nam - Bạch Mai cổ thụ và đôi điều kiến nghị từ góc nhìn khoa học

1. Về tên khoa học của Bạch Mai, thầy Nguyễn Văn Bon đã khảo sát và phân tích hoa cây Bạch Mai vào tháng 02/2019 đối chiếu với bản typus của mẫu vật Ochrocarpus siamensis var odoratissimus Pierre trong Flore forestiere de la Cochinchine. Các kết quả nghiên cứu cho thấy hoàn toàn trùng khớp. Kết quả nghiên cứu này đã được thầy Nguyễn Văn Bon gởi đến nhà Lâm học - TS. Vũ Văn Dũng, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trao đổi và sau cùng đã đồng thuận cho cải chính cập nhật tên Khoa học trên cơ sở phân tích và bản Khóa phân loại của mẫu cây Bạch Mai do thầy Nguyễn Văn Bon thực hiện. (Dữ liệu để xác định tên Khoa học đúng - ảnh phải. Nguồn ảnh STT và thầy Nguyễn Văn Bon).

Tên khoa học hiện tại ghi trên bia cây Di sản Bạch Mai: Calophyllum sp. Có nghĩa: “Một loài cây có lá đẹp, thuộc nhóm như Mù u hoặc Còng tía, chưa xác định tên loài”. Tên khoa học mới cập nhật: Ochrocarpus siamensis var odoratissimus Pierre. Có nghĩa: “Cây có trái giống con mắt mở to ở Thái lan, trổ đầy hoa rất thơm, Pierre là người tìm ra mô tả phân loại và đặt tên – 1880”.

Ngày 11/5/2021, Ông Nguyễn Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND Tp. Bến Tre đã chủ trì cuộc họp bàn về tên khoa học Cây Di sản Bạch Mai Bến Tre với sự tham dự của các nhà nghiên cứu, Trường Cao đẳng Bến Tre, Nhóm Sáng tạo Trẻ Bến Tre, Ủy ban nhân dân xã Phú Hưng, Ban Quản trị, Ban Khánh tiết Đình Phú Tự. Cuộc họp đã thống nhất cao với kết luận: UBND Tp. Bến Tre báo cáo Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam về việc sẽ tiến hành hiệu chỉnh tên khoa học như đã nêu trên và chỉnh sửa trên bia cây Di sản Bạch Mai theo ý kiến đề nghị ngày 16/8/2019 của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Thương (bìa trái) cuộc họp bàn về tên khoa học Cây Di sản Bạch Mai Bến Tre - ngày 11/5/2021. Ảnh: KT.

2. Kiến nghị Ban Quản trị Đình Phú Tự (quản lý cây Di sản Bạch Mai) cần quan tâm tổ chức thu thập, tư liệu hóa về lịch sử Bạch Mai cổ thụ và quá trình xây dựng hồ sơ cây Di sản Việt Nam – cây Bạch Mai để có hướng xây dựng và lưu trữ tài liệu về Bạch Mai cổ thụ, Đình thần Phú Tự là 1 trong Top 10 cây cổ thụ nhất Việt Nam.

3. Đề nghị bà Cồ Thị Hường – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hiệp sĩ Môi trường Tp. Hồ Chí Minh giúp liên hệ Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, thầy Nguyễn Văn Bon và các bên liên quan (TS. Lê Sơn, Chánh Văn phòng Giải thưởng Trần Văn Giàu) cùng UBND Tp. Bến Tre hỗ trợ Ban Quản trị Đình Phú Tự, UBND xã Phú Hưng có được bản lưu hồ sơ cây Di sản Việt Nam Bạch Mai cổ thụ và hiệu chỉnh tên khoa học ở biển tên Cây Di sản hiện nay.

Bà Cồ Thị Hường (thứ 3 từ phải) thăm Cội Bạch Mai, 7/3/2021. Ảnh: STT.

4- Đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam có kế hoạch chủ trì, mời các Chuyên gia đến từ Viện Sinh thái học miền Nam và thầy Nguyễn Văn Bon tiếp tục nghiên cứu về khả năng xác định tên khoa học mới của cây Bạch Mai theo gợi ý của nhà Lâm học – TS. Vũ Văn Dũng, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, mở rộng nghiên cứu gen, nhân giống, dược tính và công dụng chữa bệnh từ bài thuốc dân gian “trà Bạch Mai” hiện được người dân địa phương sử dụng cũng như các công dụng khác của cây Bạch Mai cổ thụ; đánh giá hiện trạng, xây dựng hồ sơ khoa học cây Bạch Mai phiên bản 2 ở phường An Hội nhằm phát huy giá trị Bạch Mai cổ thụ ở Bến Tre.

Bạch Mai cổ thụ không chỉ là biểu tượng văn hóa, lịch sử của Bến Tre mà còn là điểm nhấn của 1 địa danh du lịch vô cùng kỳ thú; là ký ức chân thực nhất về lịch sử Tp. Bến Tre, là công trình nghiên cứu khoa học của nhiều nhà khoa học trong và ngoài tỉnh cần được bảo tồn và gìn giữ. Nhóm Sáng tạo Trẻ Bến Tre và nhóm nghiên cứu về Bạch Mai cổ thụ luôn mong mỏi cội Mai thần sẽ được quan tâm trân trọng trên tinh thần khoa học để người dân cũng như chính quyền địa phương có điều kiện chăm sóc, bảo vệ và phát huy giá trị Cây Di sản Việt Nam đầu tiên ở Bến Tre mãi mãi tươi xanh.

Từ khóa » Cây Di Sản Bạch Mai