Tinh Thần Nhập Thế Trong Các Tôn Giáo Bản địa ở Nam Bộ

Nguyễn Phước Tài-Khoa Lý luận cơ sở

Tống Hoàng Huân-Khoa Xây dựng Đảng

Vào nửa cuối thế kỷ XIX đến những năm đầu của thế kỷ XX ở Nam Bộ xuất hiện các tôn giáo bản địa như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn và Phật giáo Hòa Hảo và đạo Cao Đài. Những tôn giáo này ra đời đã đáp ứng nhu cầu về mặt tâm linh và có những tác động tích cực đến các mặt của đời sống xã hội Nam Bộ lúc bấy giờ. Bài viết là sự kết hợp nhiều phương pháp nghiên cứu nhằm chỉ ra tinh thần nhập thế thể hiện trong tư tưởng tứ ân của các tôn giáo bản địa ở Nam bộ từ Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn và Phật giáo Hòa Hảo.

1. Sơ lược về các tôn giáo bản địa ở Nam bộ

Có thể nói một trong những tôn giáo đầu tiên xuất hiện ở Nam bộ là đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, do ông Đoàn Minh Huyên hay Đoàn Văn Huyên hoặc theo tin đồ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương gọi ông là Đức Phật thầy Tây An, thành lập vào năm 1849 tại Cốc ông Đạo Kiến (nay thuộc Tây An Cổ Tự, xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Ông Đoàn Minh Huyên đã sử dụng bốn chữ khoán thủ trong bài thơ “Tứ Bửu Linh Tự” để đặt tên cho giáo phái của mình. Các tín đồ của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương không yêu cầu xuống tóc, ăn chay, tụng kinh, gõ mõ, thờ ảnh tượng…mà chỉ yêu cầu họ niệm danh hiệu Phật A Di Đà, thờ trần điều, cúng hoa, nhang đèn, nước lã, mặc áo quần màu đen, có thể để râu, tóc, được lập gia đình. Giáo lý và tôn chỉ của đạo phù hợp với tinh thần của người dân Nam Bộ lúc bấy giờ nên đã thu hút được đông đảo tín đồ tin theo và có ảnh hưởng rất sâu đậm trong đời sống tinh thần của người dân Nam bộ, đặc biệt là ở các vùng: Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang.

Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa,do ông Ngô Lợi (hay Ngô Tự Lợi, còn gọi là Năm Lợi) sáng lập vào năm 1867 tại chùa Phi Lai, Châu Đốc, An Giang. Tên gọi “Tứ Ân Hiếu Nghĩa” đã bao hàm mục đích và nội dung hành đạo như lấy “Tu Nhân - Học Phật” làm nền tảng cho việc tu hành. Trong đó, Tu Nhân được thể hiện qua việc kính thờ và phụng sự tứ ân: Tứ đại trọng ân bao gồm: đất, nước, gió, lửa; Tứ trọng ân bao gồm: ân tổ tiên, ân đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào và nhân loại. Tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa cần phải lấy “Hiếu” (hiếu thảo với ông bà tổ tiên) và xem “Nghĩa” (là nghĩa vụ với đất nước, với đồng bào và nhân loại). Học Phật tức là học những điều Phật giáo dạy, thành tâm phụng thờ và trì niệm Phật để cầu được giảm “tội, nghiệp”, với hy vọng được cứu độ và giải thoát. Bên cạnh đó, tên gọi Tứ Ân Hiếu Nghĩa mang đậm tính truyền thống, tính dân gian của người Việt Nam nói chung và của người dân Nam Bộ nói riêng.

Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn, do các ông Đạo và giáo sư Nguyễn Ngọc An thành lập năm 1915 ở Tà Lơn, sau đó chuyển về Tân Hội, Kiên Giang. Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn khai đạo vào năm 1921 và chùa An Bình, Kiên Lương được xem là Tổ đình của tôn giáo bản địa này. Tên gọi “Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn” thể hiện mối liên hệ sâu sắc giữa tôn giáo này với Phật giáo. Cụ thể, “Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn” vận dụng tu học của Phật giáo làm phương pháp tu hành và lấy nội hàm của Nhân và Nghĩa làm phương châm hành đạo; Tà Lơn là địa danh trên đất Campuchia nơi các ông Đạo và giáo sư Nguyễn Ngọc An sáng lập ra tôn giáo này.

Phật giáo Hòa Hảo, do ông Huỳnh Phú Sổ thành lập ra năm 1939 tại làng Hòa Hảo, Châu Đốc, An Giang (nay thuộc huyện Phú Tân, tỉnh An Giang). Tên gọi “Phật giáo Hòa Hảo” thể hiện được tôn chỉ hoạt động của tôn giáo này, cụm từ “Phật giáo” trong “Phật giáo Hòa Hảo” đã thể hiện rõ nét việc Phật giáo Hòa Hảo chịu sự ảnh hưởng lớn từ Phật giáo, lấy giáo lý Phật giáo làm nền tảng xây dựng con người và cuộc sống. “Hòa Hảo” vừa là địa danh nơi Huỳnh Phú Sổ sinh trưởng, vừa trùng hợp một cách ngẫu nhiên với chủ trương hoạt động của tôn giáo này, tức lấy sự hài hòa, lối sống từ bi, hướng tới nhân loại đại đồng. “Hòa Hảo” cũng hướng tới tinh thần xây dựng cuộc sống trên nền tảng “hòa” đồng “hảo” hợp.

Tóm lại, những tôn giáo bản địa ở Nam bộ có một số đặc điểm chung nhất định, nổi bật nhất chính là sự dung hợp tư tưởng “Nho, Phật, Lão” vào tư tưởng giáo lý, tôn chỉ hành đạo của tôn giáo mình. Ngoài ra, với xuất phát từ nguyện vọng mang đến cho tín đồ cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong bối cảnh xã hội đặc thù lúc bấy giờ, những tôn giáo này còn thể hiện tinh thần nhập thế - đây là điểm sáng, điểm mới rất nổi bật trong các hoạt động, tư tưởng của những tôn giáo bản địa, như: tập hợp quần chúng nhân dân đứng lên chống giặc bảo vệ quê hương đất nước. Đặc điểm này thể hiện khá rõ nét trong giáo lý “Tứ ân” - một trong những giáo lý mang tính nền tảng của những tôn giáo bản địa ở Nam bộ được đề cập trong bài viết này. Có thể nói, việc đưa nội hàm “Tứ ân” - vốn là một khái niệm xuất phát từ Phật giáo - trở thành nguyên tắc hành đạo của tôn giáo mình là một bước phát triển có ý nghĩa quan trọng không chỉ về phương diện hoạt động tôn giáo, mà còn thể hiện lập trường tư tưởng của tôn giáo này trong lịch sử phát triển tôn giáo, tín ngưỡng bản địa ở Nam Bộ.

2. Tinh thần nhập thế thể hiện trong quan niệm “tứ ân” của các tôn giáo bản địa ở Nam Bộ

Quan niệm về “nhập thế” xuất phát từ trong quan niệm của Phật giáo và được thể hiện ngay từ đầu khi Phật giáo mới du nhập vào Việt Nam. Trải qua dòng lịch sử, triết lý này được các tôn giáo bản địa ở Nam Bộ vận dụng một cách linh hoạt và sáng tạo lồng ghép vào giáo lý, tôn chỉ hành đạo của mình. “Tinh thần nhập thế” của các tôn giáo bản địa Nam Bộ không chỉ đáp ứng về nhu cầu tâm linh mà còn khuyên tín đồ thực hiện các chức năng trong cuộc sống, trong cộng đồng dân tộc và trong xã hội.

Căn cốt giáo lý của tôn giáo bản địa ở Nam Bộ như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn, Phật giáo Hòa Hảo là học Phật, Tu nhân và báo đáp tứ ân. Trong đó học Phật là mục đích, còn tu nhân là phương tiện để đạt đến sự giải thoát. Điều đó có nghĩa là các tôn giáo bản địa này đều có tinh thần xuất thế, song ngay trong tinh thần xuất thế đã hàm chứa tinh thần nhập thế. Đó chính là sự biện chứng của mối quan hệ giữa tôn giáo với cuộc đời, tôn giáo với dân tộc, và tôn giáo với quốc gia…Tinh thần xuất thế của các tôn giáo này có chung một đặt trưng đó chính là khuynh hướng khoan dung, đề cao tính tự giác của mỗi tín đồ. Biện chứng giữa xuất thế và nhập thế của các tôn giáo bản địa này đã giúp “nó” trở thành những tôn giáo có số lượng tín đồ vượt qua những tôn giáo ngoại lai như Tin Lành, Thiên Chúa giáo ở Nam bộ lúc bấy giờ.

Các tôn giáo bản địa ở Nam bộ đã vận dụng tinh thần nhập thế thành triết lý của từng tôn giáo đi vào cuộc sống của người dân, đã phát huy được sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh tôn giáo trước những nguy cơ và thách thức lớn của thời đại, làm nên những trang sử hào hùng của người dân Nam Bộ.

Có thể nói ngay rằng, Tứ ânquan niệm xuất phát từ giáo lý Phật giáo. Trong quá trình giao lưu, tiếp xúc văn hóa với Phật giáo, những tôn giáo bản địa ở Nam Bộ đã tiếp nhận giáo lý này và biến nó thành giáo lý nền tảng của tôn giáo mình với nội dung có một số sai biệt nhất định. Khái niệm Tứ ân có nghĩa là bốn ân đức mà một người tín đồ các tôn giáo bản địa ở Nam bộ phải luôn luôn ghi khắc ở trong lòng: bao gồm: Ân tổ tiên, cha mẹ; Ân đất nước; Ân Tam bảo và Ân đồng bào, nhân loại. Tinh thần nhập thế của từng tôn giáo bản địa được thể hiện trong tứ ân được cụ thể như sau:

Ân tổ tiên, cha mẹ: Hàm ý nhắc nhở người ta phải nhớ về tổ tiên, cha mẹ. Đó là một dạng đạo lý mang tính phổ quát. Vì tổ tiên, cha mẹ là người có công lao to lớn trong việc sinh thành, dưỡng dục ta nên người. Tổ tiên, cha mẹ còn là người dựng nghiệp nhà giúp cho con cháu đời sau kế thừa. Bổn phận là con cháu phải biết ơn tổ tiên cha mẹ, phải giữ gìn nghiệp nhà. Việc đề cao ơn tổ tiên là một nét văn hóa đẹp của dân tộc Việt Nam, nó không chỉ củng cố mối quan hệ huyết thống trong mỗi gia đình, dòng tộc mà còn khẳng định tính cộng đồng làng xã, góp phần bảo đảm sự ổn định, phát triển cho cả dân tộc. Đây là giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Tưởng nhớ tổ tiên không chỉ là ôn lại quá khứ mà còn là điều kiện giúp con cháu noi gương cha ông, sống và làm việc sao cho không phải hổ thẹn với tiền nhân. Dựa trên các quan điểm truyền thống của dân tộc, những “ông đạo” đã lồng ghép ân tổ tiên, cha mẹ vào giáo lý của tôn giáo mình để khuyên dạy tín đồ, khuyên dạy người dân sống cho phải phép, đúng mực.

Ân đất nước. Nội hàm của khái niệm này là vừa là sự tỉnh lược khái niệm ân quốc vương thủy thổ trong Phật giáo, vừa mở rộng hàm nghĩa của khái niệm ở một phương diện khác. Các tôn giáo bản địa quan niệm Ân đất nước là sự chịu ơn quê hương tổ quốc, nơi con người được sinh ra, lớn lên. Theo các “ông đạo” đất nước có được như ngày hôm nay chính là nhờ công lao to lớn của nhiều thế hệ tiền bối dựng xây, bồi đắp, không chỉ bằng mồ hôi mà còn bằng xương máu, do đó các tín đồ phải chung tay xây dựng đất nước không chỉ là việc xác lập chủ quyền dân tộc, khẳng định vị thế quốc gia trên trường quốc tế, mà còn bao hàm cả việc xây dựng và phát huy nền văn hóa dân tộc. Và chỉ khi nào đất nước hòa bình, độc lập, thì việc tu tập của tín đồ mới thực sự có ý nghĩa, mới đắc đạo thành “chính quả”: “Đền xong nợ nước thù nhà/ Thiền môn trở gót Phật Đà Nam Mô” (Huỳnh Phú Sổ, Sấm giảng thi văn giáo lý 1966, trang 518). Các tôn giáo bản địa này không chỉ đề cao ơn đất nước, mà còn hướng tín đồ đến việc hành động cho một quốc gia độc lâp, thịnh trị, kể cả hành động bạo lực, tức sẵn sàng gác lại việc tu học, đứng lên chống giặc cứu nước.

Ân Tam bảo.Tam bảo là khái niệm Phật học, chỉ Phật, Pháp và Tăng. Trong Phật giáo, việc quy y Tam bảo được xem là bước đầu tiên để một người trở thành đệ tử của Đức Phật, tức là người Phật tử. Ở Nam Bộ, tất cả các tín đồ của từng tôn giáo bản địa ở đời đều đáng tôn kính, đều phải chịu và biết ơn Phật, Pháp, Tăng. Các tôn giáo ấy đã khuyến khích tín đồ đền ơn Tam bảo bằng cách tu học theo con đường “cải dữ làm lành”, “tu nhân”, “tích đức”, “làm lành lánh dữ”. Đây thực chất cũng là một trong những nội dung tu tập vừa mang tính dân gian, vừa giản dị và dễ hiểu. Đó cũng là một trong những lý do khiến cho các tôn giáo bản địa ở Nam Bộ thu hút số lượng lớn các tín đồ theo mình.

Ân đồng bào, nhân loại. Khi con người chào đời, đã chịu ơn rất nhiều người bên cạnh mình. Khi trưởng thành, đi học, đi làm, tham gia các hoạt động xã hội thì sự chịu ơn ấy cũng lớn dần theo năm tháng. Ít nhiều trong xã hội, chúng ta đều nhận được những thành quả lao động của đồng bào, rộng hơn nữa là nhân loại. Do đó nhớ ơn, đền ơn là một thứ chuẩn mực, là nếp sống của người Việt Nam nói chung và người Nam bộ nói riêng. Các tôn giáo khuyên tín đồ sống ở đời cần phải chân thành với nhau, mưu cầu hòa bình - hạnh phúc, không nên phân biệt màu da, chủng tộc: “Nghĩa với bạn không phản bạn; Nghĩa với cô bác xóm giềng, hương thôn” (Triết Thánh đạo, trang 19).

Nhìn chung, quan niệm Tu nhân - học Phật của những tôn giáo bản địa đều thể hiện tinh thần nhập thế thể hiện qua việc lồng ghép vào quan niệm “tứ ân”. Quan niệm này không nặng về triết lý cao siêu như Phật giáo, Nho giáo, mà nó giản dị, phù hợp với giá trị đạo đức truyền thống, thuần phong mỹ tục của người dân Việt Nam nói chung và người dân Nam Bộ nói riêng. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho các các tôn giáo bản địa này dễ dàng được tiếp nhận trong lịch sử và hiện tại.

3. Kết luận

Tinh thần nhập thế của các tôn giáo bản địa ở Nam bộ từ Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn và Phật giáo Hòa Hảo được thể hiện trong giáo lý “tu nhân, học Phật” và báo đáp “tứ ân” là việc mang đạo vào đời, truyền trao giáo lý, tôn chỉ mà các ông đạo đã chứng ngộ và tuyên thuyết cho tín đồ với mong muốn giúp họ đạt được hạnh phúc và hướng đến lộ trình giải thoát tâm linh trong đời sống hiện thực của xã hội lúc bấy giờ. Mà cụ thể hơn là việc các ông đạo đã khái quát một cách cụ thể, dễ hiểu về “tinh thần nhập thế” của Phật giáo dựa trên tình hình xã hội, điều kiện văn hóa Nam Bộ lúc bấy giờ nên đã mở ra một phong trào tích cực của tôn giáo bản địa Nam Bộ như: kết hợp phát triển số lượng lớn tín đồ, chức sắc, tập hợp quần chúng trong các phong trào đứng lên cứu nước, giải phóng dân tộc của các tôn giáo bản địa với tư cách tôn giáo dân tộc, theo phương châm luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên hết.

Tính triết lý trong từng giáo lý, tôn chỉ hành đạo của các tôn giáo bản địa ở Nam Bộ là sự kết hợp hài hòa giữa đạo - đời thể hiện rõ qua tính nhân văn, tính khoan dung, lòng vị tha trong từng tôn giáo và tinh thần truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam. Từ khi thành lập đến nay, tinh thần nhập thế thể hiện trong quan niệm tứ ân của các tôn giáo bản địa ở Nam Bộ đã trở thành một khuynh hướng lành mạnh giúp các tín đồ theo đạo và người dân Nam Bộ luôn đồng hành cùng với dân tộc không chỉ trong thời kỳ kháng chiến chống giặc cứu nước, giải phóng dân tộc, mà còn trong công cuộc xây dựng đất nước phát triển như hiện nay./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hà Tân Dân, Hệ phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Tủ sách sưu khảo sử liệu Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương, 1971, Sài Gòn.

2. Đinh Văn Hạnh, Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa của người Việt Nam bộ (1867 – 1975), 1999, NXB. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.

3. Nguyễn Văn Hầu, Sấm truyền Đức Phật Thầy Tây An, 1973, Ban quản tự Tòng Sơn cổ tự.

4. Vương Kim, Bửu Sơn Kỳ Hương, 1966, NXB. Long hoa, Sài Gòn.

5. Vương Kim và Đào Hưng, Đức Phật thầy Tây An, 1953, NXB. Long Hoa, Sài Gòn.

6. Luật Đạo, An Bình Tự, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn.

7. Huỳnh Phú Sổ, Sấm giảng thi văn giáo lý, 1966, Ban Phổ thông giáo lý Trung ương Phật giáo Hoà Hảo.

8. Dật Sĩ và Nguyễn Văn Hầu, Thất Sơn Mầu Nhiệm, 1972, NXB. Từ Tâm.

9. Triết Thánh đạo, An Bình Tự, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn.

Từ khóa » Tứ đại Trọng ân Là Gì