TỨ TRỌNG ÂN, Một Lần Ta Nên Biết!

Chia sẻ
  • Facebook
  • Twitter

Thưa quý vị độc giả và phật tử:

Ông bà ta có câu:

Con người có Tổ có Tông Như cây có cội, như sông có nguồn

Ý người xưa muốn nói: bất cứ cái gì tồn tại đều có nguồn gốc của nó. Cây thì có cội, sông thì có nguồn. Con chúng ta sinh ra là nhờ ông bà, cha mẹ, v.v… Không một ai sinh ra trên đời lại không có nguồn gốc cả.

Trong các Kinh, Đức Phật có dạy về Thuyết Nhân duyên, Nhân quả, Vô ngã, Vô thường:

  • Các pháp và vạn vật là do nhân duyên sanh.
  • Nhân duyên kết dính tạo nên nhân quả.
  • Con người và vạn vật đều là vô thường.
  • Cái gì có hình tướng đều vô ngã.

Ví như: Cha mẹ kết duyên, tinh cha noãn mẹ, tạo nhân. Kết quả là tạo ra hình hài chúng ta, sau khi hội đủ nhân duyên thời gian…

Tương tự thế, ông bà của ta cũng sinh ra cha mẹ ta.

Hẳn không một Phật tử nào, thường đọc tụng Kinh hằng ngày mà không hồi hướng câu:

– Trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường.

Thế “bốn ơn nặng” là ơn nào?

Đức Phật dạy:

Bốn ơn nặng (được gọi là tứ trọng ân) gồm:

  1. Ơn tổ quốc
  2. Ơn Phật, Tổ, Thầy
  3. Ơn Ông bà, cha mẹ, v.v…
  4. Ơn chúng sinh.

1. Ơn Tổ quốc: tức chúng ta phải biết ơn Tổ quốc, quê hương ta. Từ những vị lãnh đạo quốc gia các cấp từ trung ương, tỉnh, huyện đến phường xã. Cho đến các chiến sĩ ngày đêm bảo vệ tổ quốc ở biên giới, hải đảo và trên không. Các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống để bảo vệ sự độc lập, tự do cho nước nhà. Những người gìn giữ, gây dựng đất nước tươi đẹp như ngày hôm nay. Nói tóm lại là những người có công bảo vệ cho tổ quốc chúng ta an ổn, để người người, nhà nhà có thể sống, làm việc và tu hành. Nếu không có họ thì chúng ta không thể an ổn mà sống, nói chi là tu hành.

Nếu không có họ thì việc sống bình yên là không thể.

2. Ơn Phật, Tổ, Thầy:

Tại sao phải là Phật, Tổ, Thầy mà không phải là ông bà, cha mẹ trước?

Ta nên biết, ta có mặt trên đời này là do nhân duyên và nhân quả của nhiều đời trước. Suy nghĩ và hành động của ta hôm nay, sẽ quyết định tương lai của chúng ta đi về đâu. Do vậy, đời này ta là con cháu của ông bà, cha mẹ ta. Rồi đời sau, ông bà, cha mẹ sẽ có khi trở thành con cháu chúng ta. Cứ như vậy, qui luật lặp lại nhiều đời nhiều kiếp, cho đến khi hết duyên nợ với nhau, gọi là “Nhân quả Luân hồi”. Không thể thoát ra được. Đức Phật có nói rất rõ điều này trong kinh Nhân quả.

Đức Phật dạy: Con người sinh ra đã là khổ. Bệnh khổ. Già khổ. Chết khổ. Cầu xin mà không được cũng khổ. Chia lìa người thân yêu cũng khổ. Gặp người mình không thích mà cứ gặp hoài cũng … khổ. Tóm lại, đã mang thân con người là khổ.

Đức Phật dạy: Nước mắt chúng sinh trong nhiều đời gộp lại nhiều hơn nước của bốn biển. Đó là nói lên cái khổ của con người. Thật khủng khiếp!

Do vậy, Đức Phật, Tổ, Thầy là những vị chỉ cho chúng ta nhận ra được những chân lý. Chỉ con đường chúng ta vượt thoát khỏi qui luật Nhân quả Luân hồi. Giúp ta vĩnh viễn vượt thoát khỏi khổ đau. Trở về với nguồn cội của Phật tánh chúng ta từ bể tánh thanh tịnh Phật giới. Nếu không có họ thì chúng ta cũng sẽ không biết đường thoát ra được qui luật này. Cứ mãi theo qui luật Sinh, Lão, Bệnh, Tử mà thôi. Do vậy, Ơn của Phật, Tổ, Thầy phải đặt lên trên.

3. Ơn ông bà, cha mẹ:

Có ông bà mới có cha mẹ. Cha mẹ tồn tại rồi mới có ta. Ơn sinh thành, dưỡng dục không có gì sánh bằng. Chúng ta có thân này, mới có thể tạo công đức để quay về nguồn cội ta khi xưa.

Người xưa có câu:

Công cha như núi Thái Sơn Nghĩa mẹ bằng trời, chín tháng cưu mang

Thật không thể dùng từ hay lời lẽ nào, để nói lên công ơn cha mẹ sinh thành và dưỡng dục ta trong đời này.

4. Ơn chúng sinh: Chúng sinh là tất cả nhân duyên, mọi thứ bên ngoài ta. Nếu không có mọi thứ bên ngoài hỗ trợ thì chính chúng ta không thể tồn tại. Có phải không chứ?

Tồn tại sao được khi không có người gieo trồng, chế biến, nấu nướng thức ăn, đồ uống để nuôi thân ta. Tương tự vải vóc, xe cộ, nhà cửa và mọi thứ, v.v… Nói tóm lại, chúng ta đều nương nhờ vào nhau để mà sống. Do vậy, ta phải biết ơn của họ.

Tuy nhiên, quốc gia, xã hội muốn an ổn thì phải đặt đúng vị trí và thứ tự các ơn ở trên. Nếu đặt sai bất thứ tự bất kỳ vị trí nào thì sẽ xảy ra bất ổn ngay.

Thiết nghĩ, người dân bình thường; người có đạo hay không đạo; người tu theo đạo Phật nói chung và Thiền tông nói riêng, nên ít nhất biết được “tứ trọng ân” này, dù chỉ một lần.

Chúng ta thấy nhiều nơi xảy ra xung đột hoặc chiến tranh là do họ không đặt đúng vị trí, thứ tự này vậy.

Một quốc gia, một dân tộc hùng mạnh là quốc gia đó, dân tộc đó, biết đoàn kết và phát huy hết sức mạnh của dân tộc mình. Hãy xem Việt Nam chúng ta, nếu rèn luyện:

– Người dân Việt biết được ơn Tổ quốc, quê hương là hàng đầu.

– Tổ quốc, đất nước lấy dân làm gốc.

Thì thử hỏi sự đoàn kết này, có thế lực nào có thể phá hoại?

Hồ Chủ Tịch có dạy:

– Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong.

– Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết.

– Thành công, thành công, đại thành công.

BAN QUẢN TRỊ CHÙA THIỀN TÔNG TÂN DIỆU.

Từ khóa » Tứ đại Trọng ân Là Gì