Tính Vị, Quy Kinh Của Dược Liệu Hoàng Cầm Và Một Số Lưu ý Khi Sử Dụng

Hoàng cầm

Hoàng cầm

Đặt lịch

Dược liệu hoàng cầm có tác tiêu cốc, tả phế hỏa, an thai, trừ thấp nhiệt và chỉ huyết. Vì vậy thường được áp dụng trong bài thuốc chữa các chứng bệnh do nhiệt sinh ra như ho có đờm, mụn nhọt sưng đau, kiết lỵ, bạch đới,…

cây hoàng cầm có tác dụng gì
Hoàng cầm là dược liệu quý có nguồn gốc từ Trung Quốc

1. Tên gọi, phân nhóm

Hiện nay có khoảng 100 loài có tên hoàng cầm, vì vậy cần chú ý để lựa chọn dược liệu phù hợp.

Tên gọi khác: Không trường, Đỗ phụ, Đạm tử cầm, Thử vĩ cầm, Đông cầm, Lý hủ thảo, Hoàng văn, Hủ trường, Điều cầm, Tửu cầm,…

Tên khoa học: Scutellaria baicalensis

Tên dược: Phần rễ của cây hoàng cầm – Radix Scutellariae

Họ: Hoa môi (danh pháp khoa học: Lamiaceae)

Giải thích tên gọi:

Vị thuốc có màu vàng sẫm nên được gọi là hoàng cầm, vì hoàng (vàng), cầm (màu vàng sẫm) (theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

Sau khi phơi khô dược liệu, nhận thấy rễ xốp nhẹ nên phát sinh tên gọi Khô trường, Khô cầm và Nội hư (theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

2. Đặc điểm sinh thái

Mô tả:

Hoàng cầm là cây thân thảo sống nhiều năm, chiều cao trung bình từ 30 – 60cm. Thân mọc đứng, 4 cạnh, phân nhánh tại gốc. Rễ cây to, hình chùy, có lớp vỏ bên ngoài màu đen.

hoàng cầm có tác dụng gì
Hoàng cầm là cây thân thảo sống nhiều năm, hoa có màu lam tím, mọc ở đầu cành

Lá mọc đối cứng, phiến lá hình mác dài, đầu hơi tù, chiều dài từ 1.5 – 3cm, rộng 2 – 7mm, mép lá nguyên, cuống rất ngắn hoặc không có cuống. Hoa mọc ở đầu cành, màu lam tím.

Phân bố:

Thảo dược này sống chủ yếu ở các cao nguyên đất vàng, hướng về phía mặt trời mọc. Phân bố chủ yếu ở Trung Quốc, nhiều nhất ở các tỉnh phía Bắc và Tây Nam.

3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

Bộ phận dùng: Rễ được dùng làm thuốc. Chỉ chọn loại rễ chắc, cứng, bên trong ruột có màu xanh, thịt đầy.

Thu hái: Thu hái vào mùa xuân.

Chế biến: Đem rửa bỏ đất cát, phơi khô sơ, sau đó cạo bỏ vỏ bên ngoài rồi tiếp tục phơi khô hoàn toàn.

Bào chế:

  • Đem bỏ đầu, ruột đen của thứ khô cầm, rồi rửa sạch và ủ kín trong 1 đêm cho mềm. Sau đó vớt ra, bào mỏng khoảng 1 – 2 ly, phơi khô hoặc tẩm rượu trong 2 giờ rồi sao qua (theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
  • Sao với rượu khi dùng để trị bệnh ở phần trên cơ thể. Nếu dùng để tả hỏa Đởm, Can thì sao với nước mật lợn (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).
  • Hấp chín rễ, bào mỏng và phơi khô. Hoặc dùng sao với nước gừng, mật heo, muối, rượu tùy theo mục đích dùng.

Bảo quản: Tránh ẩm.

4. Thành phần hóa học

Hoàng cầm chứa thành phần hóa học đa dạng, gồm có Baicalin, Wogonoside, b-Sitosterol, Baicalein, Wogonin, Oroxylin Oroxylin A, Wogoside, Benzoic acid, Skullcapflavone, 7-Trihyroxy-6-Methoxyflavanone,…

5. Tác dụng dược lý

Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

Tác dụng kháng khuẩn: Hoàng cầm có khả năng kháng khuẩn phổ rộng. Trong thực nghiệm nhận thấy dược liệu này có tác dụng ức chế tụ cầu vàng, phế cầu khuẩn, trực khuẩn bạch cầu, não mô viêm Neisseria, trực khuẩn lao, nấm da và Leptospira (theo Chinese Herbal Medicine).

Tác dụng đối với huyết áp: Thực nghiệm trên mèo, chó và thỏ gây mê nhận thấy dịch truyền, nước sắc, cồn của dược liệu có tác dụng hạ huyết áp (theo Chinese Herbal Medicine).

Tác dụng chuyển hóa lipit: Hỗn hợp nước sắc từ đại hoàng, hoàng cầm và hoàng liên làm hạ lipid ở người được điều trị bằng Thyroid hoặc người thực hiện chế độ kiêng cholesterol trong 7 tuần (theo Chinese Herbal Medicine).

Tác dụng đối với vị trường: Cồn chiết và nước sắc từ dược liệu có tác dụng ức chế nhu động ruột (theo Chinese Herbal Medicine).

Tác dụng miễn dịch: Thành phần Baicalein trong dược liệu có khả năng ức chế tế bào giải phóng enzyme nên có khả năng ngăn ngừa dị ứng. Bên cạnh đó, Baicalin và Baicalein được chứng minh có tác dụng giãn phế quản trong thực nghiệm với hẹn bị gây dị ứng suyễn (theo Chinese Herbal Medicine).

Rễ hoàng cầm có tác dụng hạ thân nhiệt (theo Chinese Herbal Medicine).

Nước sắc từ thảo dược này có tác dụng lợi tiểu đối với người khỏe mạnh và chó.

Cồn chiết và nước sắc từ hoàng cầm có khả năng tăng lượng mật ở thỏ và chó (theo Chinese Herbal Medicine).

Hoạt chất Baicalin làm giảm phản xạ và khả năng di chuyển của chuột (theo Chinese Herbal Medicine).

Theo y học cổ truyền:

  • Tiết lợi, tiêu cốc, tả phế hỏa, trục thủy, trừ thấp nhiệt, chỉ huyết, an thai, hạ huyết bế,…
  • Chủ trị ho do phế nhiệt, đau bụng, hoàng đản, tiêu chảy, lỵ, mắt đỏ, mắt đau, mụn nhọt, chảy máu cam, tiêu ra máu, thai động, rong kinh, thấp chẩn,…

6. Tính vị

  • Vị đắng, tính hàn (theo Trung Dược Đại Từ Điển)
  • Vị đắng, tính bình (theo Bản Kinh)
  • Tính rất hàn và không có độc (theo Biệt Lục)

7. Qui kinh

Qui vào kinh Bàng quang, Đại trường, Phế, Đởm, Tâm.

8. Liều dùng, cách dùng

Hoàng cầm thường được dùng ở dạng thuốc sắc. Mỗi ngày dùng từ 12 – 20g.

9. Bài thuốc

Hoàng cầm có tính hàn, lạnh nên thường được sử dụng để chữa các chứng bệnh do nhiệt sinh ra.

định tính hoàng cầm
Hoàng cầm thường được dùng để chữa các chứng bệnh do nhiệt sinh ra
  • Bài thuốc trị bụng đau, miệng đắng, kiết lỵ: Dùng cam thảo 8g, hoàng cầm 12g, thược dược 8g, đại táo 3 trái, đem sắc uống.
  • Bài thuốc trị chảy máu cam và nôn ra máu: Dùng hoàng cầm 40g, đem bỏ ruột đen rồi tán bột. Mỗi lần dùng 12g sắc với 1 chén nước, còn lại 6 phân, uống khi còn nóng.
  • Bài thuốc trị thương hàn, hỏa trong ngũ tạng: Dùng hoàng liên, đại hoàng và hoàng bá bằng lượng nhau, đem tán thành bột mịn, chưng thành bánh. Sau đó đem vo viên, viên to bằng hạt ngô đồng lớn. Mỗi lần dùng 20 viên uống cùng với nước.
  • Bài thuốc trị phong nhiệt có đàm, đau ở đầu lông mày: Dùng bạch chỉ và hoàng cầm (ngâm rượu) bằng lượng nhau, đem tán bột mịn. Mỗi lần dùng 8g uống với nước trà.
  • Bài thuốc trị nóng gan gây mờ mắt: Dùng đạm đậu vị 120g, hoàng cầm 40g đem tán bột. Mỗi lần dùng 12g đem bọc trong gan lợn rồi chưng cho chín. Khi sử dụng bài thuốc này, cần kiêng miến và rượu.
  • Bài thuốc trị rong kinh, chảy máu cam và nôn ra máu: Dùng hoàng cầm 120g, đem sắc với 3 thăng nước, còn là 1.5 thăng. Chia thành nhiều lần uống.
  • Bài thuốc trị rong kinh: Dùng hoàng cầm tán bột mịn. Mỗi lần dùng 4g uống với rượu tích lịch.
  • Bài thuốc trị sau sinh huyết ra nhiều: Dùng mạch môn đông và hoàng cầm bằng lượng nhau, đem sắc uống nóng.
  • Bài thuốc trị hỏa độc, đơn độc: Dùng hoàng cầm tán bột, trộn đều với nước, sau đó đắp trực tiếp.
  • Bài thuốc trị bạch đới đau bụng: Dùng thược dược, chích cam thảo, thăng ma, hoàng cầm, hoàng liên, hoạt thạch, sắc uống.
  • Bài thuốc trị phế nhiệt sinh ho: Dùng liên kiều 12g, hạnh nhân 8g, chi tử 12g, cát cánh 4g, bạc hà 4g, chỉ xác 8g, đại hoàng 8g, cam thảo 4g với hoàng cầm 12g, đem sắc uống.
  • Bài thuốc trị thai động không yên: Dùng thược dược 12g, đương quy 8g, hoàng cầm 12g, xuyên khung 4g, bạch truật 12g, đem sắc uống.
  • Bài thuốc trị huyết ra thường xuyên do nhiệt: Dùng hoàng cầm 40g, sắc, uống nóng.
  • Bài thuốc trị trẻ nhỏ hay khóc đêm, giật mình: Dùng nhân sâm và hoàng cầm mỗi thứ 0.4g, đem tán bột. Mỗi lần cho trẻ uống 1 ít với nước sắc trúc diệp.
  • Bài thuốc trị trong phế có hỏa: Dùng phiến cầm sao vàng, đem tán bột mịn, điều với nước, vo thành viên. Mỗi lần dùng 20 viên uống cùng với nước.
  • Bài thuốc thanh nhiệt, an thai: Dùng bạch truật và điều cầm bằng lượng nhau, đem sao vàng, tán bột rồi trộn với nước cơm, làm thành viên. Mỗi lần dùng 50 viên uống với nước.
  • Bài thuốc trị chân tay lạnh ngắt, máu không cầm được: Dùng hoàng cầm 8g, đem sao với rượu, tán bột mịn và uống với rượu.
  • Bài thuốc trị thấp nhiệt khiến bụng đau và tiêu chảy: Dùng thược dược, chích cam thảo, phòng phong, hoàng cầm, hoàng liên, xa tiền tử và thăng ma, đem sắc uống.
  • Bài thuốc trị đàm ủng tắc gây ho: Dùng hoàng cầm 18, sắc uống nóng.
  • Bài thuốc trị bụng đau do nhiệt lỵ: Dùng thược dược 12g, hậu phác 6g, mộc hương 3.2g, hoàng cầm 12g, hoàng liên 4g, quảng trần bì 6g, đem sắc uống.

10. Kiêng kỵ

  • Tiêu chảy do hàn, hạ tiêu có hàn hoặc phế có hư nhiệt: không dùng (theo Trung Dược Học).
  • Phụ nữ thai hàn, tỳ vị hư hàn nhưng không có thấp nhiệt, thực hỏa: không dùng (theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
  • Kỵ mẫu đơn, hành sống, lê lô, sợ đơn sa, vì vậy không nên sử dụng đồng thời (theo Dược Đối).

Bài viết chỉ cung cấp thông tin mang tính chất tham khảo. Nếu bạn có ý định sử dụng hoàng cầm để chữa bệnh, vui lòng hỏi ý kiến bác sĩ khoa y học cổ truyền để được tư vấn cụ thể.

Từ khóa » Hoàng Cầm