“Tình Yêu Sông Hồng” Và Hành Trình Dạy Bơi Miễn Phí

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Và sự xuất hiện của những chiếc phao cứu sinh này bắt đầu từ hành trình của một chàng trai từng suýt đuối nước, và từ đó một câu lạc bộ bơi hình thành với mong muốn đem những kiến thức, kỹ năng bơi lội sinh tồn đến với nhiều người, đặc biệt là trẻ em.                          

Anh Nguyễn Ngọc Khánh tại một buổi dạy kỹ năng cho học sinh tiểu học (Ảnh: NVCC)

Anh Nguyễn Ngọc Khánh tại một buổi dạy kỹ năng cho học sinh tiểu học (Ảnh: NVCC)

Cách đây 4 năm, anh Nguyễn Ngọc Khánh, 35 tuổi, ở Hà Nội theo nhóm bơi đường dài đến một hồ ở Thanh Hóa bơi và suýt chết đuối do không mang theo phao vì tự tin mình biết bơi.

Sau lần đó, Khánh quyết tâm đi tập bơi bài bản để "phòng thân": "Cách đây 4 năm em từng bị đuối nước. Đó chính là động lực khiến cho em bắt tay ngay vào việc học nghiêm túc về bơi lội. Sau chuỗi ngày tập luyện, em đã có một số thành tích nhất định về bộ môn Bơi ngoài trời, với cự ly dài nhất 200 km từ cầu Long Biên đến biển Thái Bình".

Đầu năm 2020, Khánh thành lập câu lạc bộ "Bơi khám phá" với mục đích ban đầu là thỏa mãn niềm đam mê bơi lội của mình và những người có cùng sở thích. Tuy nhiên, vào mùa hè, Khánh và nhóm bạn biết thông tin về nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra nên cả nhóm mong muốn được đóng góp những kiến thức, kinh nghiệm bơi lội cho cộng đồng.

Năm 2021, nhóm bắt đầu hành trình thiện nguyện này bằng việc treo những biển báo nguy hiểm ở các bãi bơi, sông, hồ để cảnh báo các em nhỏ cũng như mọi người. Đặc biệt gần đây, rất nhiều vụ đuối nước xảy ra đã thôi thúc Khánh và nhóm "Bơi khám phá" làm nên hành trình thiện nguyện "Tình yêu sông Hồng" vào tháng 3-2022.

Ý tưởng hành trình thiện nguyện "Tình yêu sông Hồng" được anh Khánh chia sẻ trên mạng xã hội. Chỉ chưa đầy một ngày đã có đến hơn 50 tình nguyện viên ủng hộ và cùng anh thực hiện. Một số nhà thiện nguyện cũng đã tài trợ thành lập "Quỹ phát triển bơi lội Việt Nam" để đóng góp chi phí cho nhóm thực hiện những chuyến đi dạy bơi miễn phí.

Nằm trong chương trình “Tình yêu sông Hồng”, từ ngày 6 - 15/5, nhóm tình nguyện Bơi khám phá đã lắp hơn 100 trong số 400 chiếc phao cứu sinh trên những cầu bắc qua sông Hồng của 10 tỉnh, trong đó có 6 cầu thuộc Hà Nội là Thăng Long, Chương Dương, Nhật Tân, Long Biên, Vĩnh Tuy và Thanh Trì.

Những chiếc phao được lắp ở đây với mong muốn cung cấp công cụ cho những người đuối nước có thêm hy vọng sống, người muốn cứu nạn có thêm công cụ hỗ trợ an toàn, thay vì chỉ đứng trên cầu hô hoán. Sau khi làm việc với ban quản lý cầu và lãnh đạo Công ty Công trình giao thông Hà Nội, nhóm đã thống nhất về phương thức triển khai, lắp đặt ở hai đầu cầu để hỗ trợ mục đích của nhóm, thuận lợi cho việc quản lý, thay vì lắp rải rác trên cầu như ý định ban đầu.

Theo chia sẻ của trưởng CLB Bơi khám phá, 99% các vụ đuối nước là do ngộ nhận. Nhiều người nghĩ rằng mình bơi giỏi vì đã từng học qua các khóa bơi, có thể bơi nhiều vòng trong bể, nhưng thực chất khi ra môi trường sông, hồ, việc bơi và sinh tồn được dưới nước sẽ khác hoàn toàn, đòi hỏi người bơi phải nắm được nhiều kỹ năng hơn thế.

Qua các buổi chia sẻ, Câu lạc bộ ' Bơi khám phá' sẽ cung cấp cho những người quan tâm biết những điều ngộ nhận về bơi lội

Qua các buổi chia sẻ, Câu lạc bộ " Bơi khám phá" sẽ cung cấp cho những người quan tâm biết những điều ngộ nhận về bơi lội

PV: Có rất nhiều trẻ em, thậm chí người lớn rất tự tin cho rằng mình đã biết bơi, nhưng thực tế vẫn có rất nhiều trường hợp đuối nước xảy ra dù biết bơi. Theo anh vì sao?

Anh Nguyễn Ngọc Khánh: Những thông tin về phòng, chống đuối nước ở nước ta còn khá mới và bị thiếu rất nhiều. Tôi đã từng hỏi những giáo viên dạy bơi và họ cung cấp thông tin là bạn chỉ cần di chuyển được 25m, 50m là có thể nổi trên nước, biết bơi.

Những ngộ nhận như vậy sẽ làm họ sau này khi ra ngoài môi trường sông, hồ rất dễ rủi ro bị đuối nước. Cả nhóm đã cùng bơi trực tiếp trên sông cho các cháu học sinh, giáo viên, phụ huynh được xem để họ thấy được sự khác biệt so với những gì họ biết về bơi trước kia.

Thực tế này hầu như không thể đọc qua sách vở được. Đa phần các vụ đuối nước là do ngộ nhận. Lúc nào trong đầu họ cũng nghĩ là bơi rất giỏi, bởi vì họ đã được bơm vào đầu là họ đã học qua một khóa 10 buổi, 20 buổi, hoặc bơi được 1 vòng bể, 2 vòng bể, 500m trong bể bơi...

Những cái ngộ nhận đó rất là nhiều và 90% họ ngộ nhận như vậy. Chính điều này làm cho họ sau này khi mà ra ngoài rất dễ rủi ro gặp đuối nước. Vì ao, hồ, sông, suối, biển phải nhận biết được những nguy cơ, đâu là dòng chảy nóng, lạnh, đâu là dòng chảy xa bờ, thời tiết nào thì không nên bơi…

Những kiến thức đó mới giúp chúng ta bơi sinh tồn được ngoài tự nhiên.

PV: Anh có thể chia sẻ một vài dự định sắp tới của CLB Bơi khám phá?

Anh Nguyễn Ngọc Khánh: Không chỉ cung cấp kiến thức về bơi, tôi rất mong muốn lan tỏa niềm đam mê bơi lội, lợi ích của việc biết bơi với tất cả mọi người, từ trẻ nhỏ đến người già. Ban đầu tôi nghĩ là mình sẽ làm ở sông Hồng thôi. Thế nhưng khi nhận được những phản hồi tích cực từ cộng đồng, tôi nghĩ những gì mình làm đã thật sự có ích.

Tôi mong trong tương lai hành trình dạy bơi miễn phí của nhóm sẽ còn phát triển, mở rộng trên khắp cả nước để mong mọi người cùng chung tay đẩy lùi tình trạng đuối nước ở Việt Nam.

---

Hi vọng rằng, các bạn được tiếp thêm những năng lượng tốt lành trong câu chuyện Thiên lý hữu tình mang lại ngày hôm nay.

Đừng quên chia sẻ với chúng tôi qua fanpage: Thiên lý hữu tình, hoặc email: [email protected]. Chương trình phát sóng chiều thứ Ba, phát lại chiều thứ Năm hàng tuần trên kênh VOV Giao thông.

Để nghe thêm hoặc nghe lại chương trình trên các thiết bị di động, thính giả có thể truy cập website vovgiaothong.vn, các ứng dụng: Spotify, Apple Podcast (trên hệ điều hành iOS); Google Podcast (trên hệ điều hành Android). 

Từ khóa » Bơi Từ Sông Hồng Ra Biển