Tổ Chức Mạng Lưới Y Tế Việt Nam - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương
Có thể bạn quan tâm
NGUYÊN TẮC CƠ BẢN TRONG TỔ CHỨC MẠNG LƯỚI Y TẾ VIỆT NAM
Phục vụ nhân dân tốt nhất và hiệu quả cao
Các cơ sở y tế gần dân, rộng khắp ở mọi khu vực: Thành thị, nông thôn, miền núi, hải đảo... Thực hiện đa dạng hoá các loại hình dịnh vụ chăm sóc sức khỏe (công, tư, bán công, lưu động, tại nhà… ). Với đặc điểm này các cơ sở y tế Việt Nam có khả năng đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân, cụ thể là đảm bảo phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân kịp thời, hiệu quả và công bằng, thực hiện các nội dung và nguyên lý của chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Xây dựng theo hướng dự phòng chủ động và tích cực
Mạng lưới y tế Việt Nam xây dựng theo hướng dự phòng chủ động và tích cực được thể hiện trong các nội dung hoạt động sau:
Mạng lưới y tế làm tham mưu tốt công tác vệ sinh môi trường: Vệ sinh ăn, ở, sinh hoạt, lao động... Tích cực tuyên truyền giáo dục sức khỏe, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp dự phòng.
Việc kết hợp chặt chẽ giữa ngành y tế với các ngành khác, với các tổ chức xã hội nhằm thực hiện dự phòng theo hướng xã hội hoá.
Các cơ sở y tế xây dựng phù hợp với tình hình kinh tế địa phương
Quy mô cơ sở y tế hợp lý (số giường bệnh, kinh phí, cơ sở vật chất...). Địa điểm của các cơ sở thuận lợi cho nhân dân trong quá trình sử dụng: Thuận tiện giao thông, trung tâm của các điểm dân cư, đảm bảo bán kính ngắn cho nhân dân đi lại được dễ dàng. Cán Bộ Y tế phù hợp về số lượng và chất lượng (loại cán bộ, trình độ chuyên môn). Thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm từ khi bắt đầu xây dựng cũng như suốt trong quá trình sử dụng. Động viên cộng đồng tham gia xây dựng màng lưới về mọi mặt. Phát triển cân đối giữa các khu vực phổ cập và chuyên sâu, phòng bệnh và chữa bệnh, y và dược, chuyên môn và hành chính, hậu cần.
Các cơ sở y tế xây dựng phù hợp trình độ khoa học kỹ thuật, khả năng quản lý
Đủ trang thiết bị y tế thông thường và hiện đại để thực hiện những kỹ thuật điều trị theo tuyến quy định, có tính đến khả năng sử dụng trang thiết bị của nhân viên y tế tại cơ sở y tế. Diện tích sử dụng phù hợp, có thể đáp ứng được các yêu cầu hiện tại và các yêu cầu mới về quy hoạch và phát triển kinh tế trong tương lai.
Đảm bảo không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ
Chất lượng phục vụ bao gồm chất lượng về chuyên môn kỹ thuật, chất lượng quản lý ngành y tế và đạo đức phục vụ. Chất lượng phục vụ được đánh giá thông qua đo lường 3 yếu tố: yếu tố mang tính cấu trúc (yếu tố đầu vào), quá trình thực hiện và kết quả đạt được (đầu ra ). Yếu tố cấu trúc được đo lường thông qua tính sẵn có của nguồn lực; yếu tố quá trình được đo lường thông qua các chức năng của nhân viên y tế thể hiện trong hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân; còn yếu tố đầu ra là kết quả cuối cùng của một quá trình thực hiện đúng các hoạt động chăm sóc sức khỏe và tính sẵn có kịp thời của đầu vào.
Chất lượng phục vụ còn được hiểu là hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân phải có hiệu quả trên cả 3 mặt y học, xã hội và kinh tế.
Để không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ cần:
Phát huy mọi tiềm lực về cơ sở, trang thiết bị, nhân lực trong các cơ sở y tế Nhà nước, liên doanh và tư nhân để ngày càng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân: lồng ghép các hoạt động phòng bệnh và chữa bệnh, khám chữa bệnh và đào tạo, nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến trong nước và trên thế giới.
Tăng cường hợp tác trong khu vực và quốc tế, kêu gọi đầu tư để phát triển khoa học kỹ thuật, xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao trình độ chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng phục vụ.
Đổi mới và hiện đại hóa công tác quản lý, trang thiết bị y tế; tăng cường đào tạo, thực hiện đào tạo liên tục để nâng cao chất lượng phục vụ.
MÔ HÌNH CHUNG CỦA TỔ CHỨC MẠNG LƯỚI Y TẾ Ở VIỆT NAM
Mạng lưới y tế được tổ chức theo tổ chức hành chính Nhà nước
Y tế tuyến Trung ương.
Y tế địa phương bao gồm:
Y tế tuyến Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương.
Y tế tuyến cơ sở: Phòng y tế huyện, quận, thị xã; Trạm y tế xã, phường, cơ quan, trường học...
Mạng lưới y tế tổ chức theo theo thành phần kinh tế
Cơ sở y tế Nhà nước.
Cơ sở y tế Tư nhân.
Mạng lưới y tế tổ chức theo theo các lĩnh vực hoạt động
Lĩnh vực khám chữa bệnh, điều dưỡng, phục hồi chức năng
Lĩnh vực này bao gồm các cơ sở KCB, điều dưỡng, phục hồi chức năng từ Trung ương đến địa phương, kể cả các cơ sở y tế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các ngành khác. Theo Niên giám thống kê y tế 2003 của Bộ Y tế, cả nước có 13 102 cơ sở KCB, điều dưỡng, phục hồi chức năng với 184 440 giường bệnh (chưa kể các cơ sở của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ sở điều dưỡng thương binh nặng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý). Tỷ lệ giường bệnh chung của Việt Nam là 22,80/10 000 dân.
Lĩnh vực y tế dự phòng, y tế công cộng
Tại tuyến Trung ương, lĩnh vực này gồm có các viện Trung ương, viện khu vực, phân viện và trung tâm. Tại địa phương, ở tất cả các tỉnh/thành phố đều có Trung tâm Y tế dự phòng. Một số tỉnh còn có Trung tâm phòng chống bệnh xã hội, Trung tâm phòng chống sốt rét, Trung tâm phòng chống AIDS. Ngoài ra còn có các Trung tâm y tế các ngành: công nghiệp, giao thông, xây dựng, nông nghiệp và bưu điện.
Lĩnh vực đào tạo nhân lực y tế
Hệ thống đào tạo nhân lực y tế cả nước gồm có hệ thống các Trường Đại học Y-Dược (15 Trường Đại học Y, Dược, Y tế Công cộng, Điều dưỡng); hệ thống các Trường Cao đẳng Y tế (04 trường) và hệ thống các Trường Trung học và dạy nghề ( 58 Trường Trung học Y tế, 01 Trường Kỹ thuật thiết bị Y tế, 04 Trung tâm đào tạo cán Bộ Y tế, 04 Lớp trung học Y tế)
Lĩnh vực giám định, kiểm định, kiểm nghiệm
Về giám định: Có 2 Viện nghiên cứu là Viện giám định Y khoa Trung ương và Viện Y pháp Trung ương. Viện giám định Y khoa Trung ương và các Hội đồng giám định Y khoa (Trung ương và Tỉnh) trực tiếp làm nhiệm vụ giám định sức khoẻ, bệnh tật cho nhân dân. Viện Y pháp Trung ương là một viện nghiên cứu về y pháp trong Ngành Y tế, giám định mức độ tổn thương, mức độ tổn hại sức khỏe, giám định tử thi, hài cốt, giám định nguyên nhân gây chết. Tại các tỉnh đều có hệ thống mạng lưới về giám định Y khoa, giám định Y pháp và giám định Tâm thần.
Về kiểm nghiệm, kiểm định: Có một Viện kiểm nghiệm, một phân viện kiểm nghiệm, một Trung tâm kiểm định quốc gia sinh phẩm y học và Trung tâm kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc Cục quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Lĩnh vực dược - thiết bị y tế
Ngành y tế hiện có 5 đơn vị bao gồm 2 Viện (Viện kiểm nghiệm, Viện trang thiết bị và công trình Y tế), 2 Tổng công ty (Tổng công ty dược, Tổng công ty dược thiết bị y tế) và Hội đồng dược điển Việt Nam. Hệ thống này còn có 14 doanh nghiệp dược Trung ương, 132 công ty, xí nghiệp dược địa phương, các doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, các dự án đầu tư liên doanh sản xuất dược (đã được cấp giấy phép).
Lĩnh vực giáo dục, truyền thông và chính sách y tế
Lĩnh vực này có 2 viện (Viện Thông tin - Thư viện Y học Trung ương và Viện Chiến lược - Chính sách Y tế), một trung tâm (Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe, tại các tỉnh/ thành phố cũng có Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe), một tờ báo (Báo sức khỏe và đời sống) và một số tạp chí (Tạp chí y học thực hành, dược học, tạp chí vệ sinh phòng dịch, tạp chí thông tin y học, tạp chí nghiên cứu y học, AIDS ...).
Mạng lưới tổ chức y tế Việt Nam được phân thành 2 khu vực: Y tế phổ cập và chuyên sâu.
Khu vực y tế phổ cập có nhiệm vụ đảm bảo đáp ứng mọi nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân hàng ngày. Cụ thể là đáp ứng được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, sử dụng các kỹ thuật thông thường, phổ biến nhưng có tác dụng tốt. Khu vực y tế phổ cập bao gồm từ tuyến y tế Tỉnh/ Thành phố trực thuộc Trung ương trở xuống. Hiện nay tuyến y tế tỉnh còn đảm nhiệm cả nhiệm vụ của khu vực y tế chuyên sâu.
Khu vực y tế chuyên sâu có nhiệm vụ sử dụng các kỹ thuật cao mũi nhọn, tập trung vào các hoạt động NCKH, chỉ đạo khoa học kỹ thuật và hỗ trợ cho tuyến trước.
Mạng lưới tổ chức y tế Việt Nam còn được phân thành 3 tuyến kỹ thuật: Y tế tuyến Trung ương, y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và y tế tuyến Cơ sở (y tế huyện/ quận/ thành phố thuộc tỉnh/ thị xã; y tế xã/ phường và y tế thôn bản). Ngoài ra còn hệ thống tổ chức y tế của các lực lượng vũ trang (quân đội và công an) và các ngành như y tế ngành năng lượng, ngành giao thông vận tải, ngành bưu điện v.v...
Mối quan hệ giữa mạng lưới tổ chức y tế với các tổ chức hành chính
Mỗi cấp hành chính Nhà nước đều có cơ sở y tế phục vụ sức khỏe nhân dân. Các cấp tổ chức hành chính có tham gia chỉ đạo công tác y tế là Trung ương (Chính phủ), tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (ủy ban nhân dân cấp Tỉnh), huyện/ quận (ủy ban nhân dân cấp huyện) và xã/ phường (ủy ban nhân dân cấp xã). Ngoài chỉ đạo công tác y tế, tất cả các cấp tổ chức hành chính đều có thể tham gia vào các hoạt động chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân dưới các góc độ khác nhau.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp
Từ khóa » Sở đồ Hệ Thống Y Tế Việt Nam
-
Đại Cương Về Hệ Thống Y Tế Và Tổ Chức Mạng Lưới Y Tế Việt Nam
-
[PDF] TỔ CHỨC HỆ THỐNG Y TẾ ViỆT NAM
-
[PDF] TỔ CHỨC HỆ THỐNG Y TẾ ViỆT NAM
-
Quản Trị Hệ Thống Y Tế
-
Hệ Thống Tổ Chức Y Tế Dự Phòng - Cục Y Tế Dự Phòng
-
Hệ Thống Tổ Chức Y Tế Dự Phòng - Cục Y Tế Dự Phòng
-
8.1.2014 He Thong To Chuc Y Te Vn - SlideShare
-
Hệ Thống Y Tế Việt Nam được Tổ Chức Như Thế Nào?
-
Trang Chủ - Cổng Thông Tin Bộ Y Tế
-
Sơ đồ Tổ Chức Cơ Quan Sở Y Tế
-
Cơ Cấu Tổ Chức - Cổng Thông Tin Bộ Y Tế
-
Sơ đồ Tổ Chưc - Sở Y Tế
-
Nếu Vẫn Duy Trì Tình Trạng Này Thì Hệ Thống Y Tế Không Thể Nào Trụ được