Tổ đánh án "trộm Dưa" Và Lần Vượt Ngàn Bắt "người Rừng" ở Lưng ...
Có thể bạn quan tâm
Mất gần 1 ngày leo lên đỉnh núi cao hơn 2.000m, cả tổ trọng án không ngờ lại có thể giáp mặt "người rừng" trong một tình huống cực "son". Họ lập tức tìm cách vô hiệu hóa các vật dụng có thể gây sát thương trong nhà…
Mỗi lần nhớ về những chuyến đánh án nơi đại ngàn, trong đầu Tiến sĩ - Trung tá Đào Trung Hiếu lại hiện rõ mồn một con đường cheo leo hiểm trở, có đoạn như dựng ngược trước mặt, một bên là vách núi đá cao chót vót, một bên là vực sâu hun hút dẫn vào Tà Si Láng. Tà Si Láng là xã xa nhất của huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, trên dãy núi Tà Cơn có độ cao hơn 2.000m, quanh năm mây phủ, dù là ngày nắng nhất.
Trên xã vùng núi mờ sương ấy, ẩn khuất những tên "người rừng" gieo rắc cái chết trắng…
Trung tá Đào Trung Hiếu nhớ lại, sau lần giáp mặt ông trùm khét tiếng ở xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, tổ công tác đặc biệt nhận được tin trinh sát báo về đã phát hiện thêm một đối tượng chuyên gom thuốc phiện từ Sơn La về Yên Bái để phân phối đi các nơi. Bằng biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát đã thu thập đủ bằng chứng để ra lệnh bắt khẩn cấp Giàng A Chu ở xã Tà Si Láng vì có hành vi mua bán trái phép chất ma túy.
Vào đầu những năm 2000, muốn đến được Tà Si Láng chỉ có một cách duy nhất là cuốc bộ. Hơn chục anh em trong tổ trọng án khi ấy đều biết đây là xã vùng cao hẻo lánh bậc nhất Trạm Tấu nhưng chưa ai một lần đặt chân tới. Chính vì thế, không ai có kinh nghiệm mang theo nhiều đồ ăn nước uống.
Mỗi người chỉ vỏn vẹn chiếc bánh mỳ con, một chai nước và một khẩu súng đầy ắp đạn. "Mà quả thực có biết mà mang đồ ăn đi thì cũng không mang nổi vì mang vác nặng là không thể vượt qua những đoạn dốc dựng đứng", anh Hiếu kể.
Bấy giờ là mùa hạ, trời nóng như lửa đốt. Chiếc bánh mỳ và chai nước mang theo nhanh chóng hết veo. Khát nước quá, có đoạn, anh Hiếu cùng đồng đội phải nhổ gốc cỏ gianh bên đường mòn, bóc lấy nõn nhai cho có cảm giác nước.
Càng đi, dốc càng hun hút, không có chỗ phẳng nào để cả tổ ngồi nghỉ chân cho đỡ kiệt sức. Vừa đói, vừa mệt, vừa hoa mắt nhưng anh em trong đoàn vẫn không quên nhắc nhau phải tỉnh táo, cẩn thận bởi chỉ cần sơ sẩy, trượt chân là mất mạng như chơi. Có thành viên trong đội bảo, gã này quả là "người rừng" mới ở nơi xa xôi hiểm trở thế này.
Đi từ tờ mờ sáng nhưng tới 1 giờ chiều vẫn chưa tới nơi, anh Hiếu cùng tổ trọng án ai nấy đều mệt nhoài. Tới một ngã rẽ, họ nằm vật ra như thể bất động. Nhưng tình hình lúc ấy mới thật căng, trước mặt có nhiều ngã rẽ, họ không biết chọn đường nào để dẫn đến "nhà Chu, thôn Bãi Chè".
Chẳng thể làm cách nào khác, vị trung tá cùng đồng đội đành ngồi chờ xem có ai đi qua để hỏi đường vào nhà tên tội phạm "người rừng".
"Chờ khoảng ba mươi phút, có hai thanh niên vác gỗ pơ mu trong rừng đi ra. Anh em xúm vào hỏi thăm đường, hai thanh niên liền nói có hai thôn là Bãi Chè Thấp và Bãi Chè Cao, các anh hỏi thôn nào? Để đến thôn gần nhất cũng mất ba, bốn tiếng cuốc bộ nữa. Còn thôn xa, nếu đi xuyên đêm thì sáng ra mới đến nơi. Những ánh mắt nhìn nhau ngao ngán", anh Hiếu lắc đầu nhớ lại.
Vị trung tá kể tiếp: Lúc này, có hai luồng ý kiến được đưa ra. Đa số bảo: "Về thôi, hôm sau bắt. Đi cố cũng được nhưng đói, khát thì lấy sức đâu để chiến đấu". Hiểu tâm tư anh em, anh Hoàng Loạn - Đội phó Đội Trọng án lúc ấy hỏi ý kiến từng người.
Lúc ấy, dù rất muốn về nhưng anh Hiếu lại tiếc cái công leo từ tờ mờ sáng đến chiều. Quay trở về nghĩa là hôm sau cả đội lại phải leo lại chặng đường kinh khủng ấy một lần nữa. Không thể để thêm một lần công cốc, anh Hiếu bàn với anh em: "Hay cứ đi vào thôn gần nhất, nếu không có nó thì xin ngủ nhờ một đêm cho lại sức, mai leo tiếp, đằng nào cũng không đủ sức quay ra".
Có lẽ vì không nhụt chí quay về mà hành trình đánh án của cả tổ sau đó "son" hẳn lên. Sau một ngày rã rời chỉ lót dạ bằng chút nước lọc, chiếc bánh mỳ cỏn con và mấy gốc cỏ gianh, cả tổ cũng đặt chân được đến một bản làng lúp xúp những mái nhà người Mông.
Chẳng kịp vào nhà ai xin nước, anh Hiếu cùng đồng đội lao đến máng nước đầy rêu, cung quăng, bọ gậy vục mặt uống. Cơn khát đã hành hạ họ từ 7 giờ sáng đến giờ, nên không cần biết có cái gì trong nước, họ cứ uống.
Nước làm họ đã khát nhưng không làm họ nguôi ngoai cơn đói. Cả tổ trọng án lại ngó nghiêng trong thôn tìm thức ăn để mua. Tình cờ, họ vào nhà một anh chàng người Mông chừng 25 tuổi có đôi mắt xếch. Cả đoàn được anh ta tiếp đón nhiệt tình sau khi giới thiệu là "cán bộ kiểm lâm đi thăm rừng". Anh ta còn đồng ý bán cho "các cán bộ" hai con gà, làm thịt, rồi luộc giúp luôn.
Chia sẻ với Dân trí, anh Hiếu dí dỏm cười bảo: "Có lẽ đó là bữa thịt gà ngon nhất mà anh em tôi từng ăn. Khi bụng dạ đã bớt cồn cào, chúng tôi mới bắt đầu gợi chuyện hỏi về người đàn ông tên Chu ở thôn Bãi Chè. Tên chủ nhà khi ấy hồ hởi đáp: "Em đây, trong thôn có mình em là Chu".
Câu trả lời của thanh niên mắt xếch khiến cả tổ trọng án lập tức khớp lệnh với nhau. Họ nhìn nhau thật nhanh rồi tản ra tìm cách vô hiệu hóa các vật dụng có thể gây sát thương trong nhà. Người thì nhanh tay tháo mấy con dao mèo sắc lẹm, ném vào trong đống gỗ, gầm giường. Anh Hiếu thì vờ lấy khẩu súng kíp trên vách xuống mân mê rồi giật bung lẫy cò để đề phòng bất trắc.
"Hỏi dò thì thấy Chu bảo nhà trưởng thôn ở cách xa những một giờ đi bộ nên chúng tôi quyết định hành động luôn. Bởi nếu chờ được trưởng thôn đến làm chứng thì sợ lại có biến. Một thành viên trong đội chộp lấy Chu, bẻ tay rút khóa bập gọn.
Xốc anh ta đứng dậy, để chắc ăn là đúng người, một anh hỏi: "Mày bán thuốc phiện cho thằng S. (một mắt xích tổ trọng án lần ra trước đó - PV) mấy lần?". Chu đáp: "Mới một lần thôi", anh Hiếu kể lại, đôi mắt vẫn ánh lên sự quyết đoán.
Khám xét nhà Chu sau đó, tổ trọng án thu được 3 kg thuốc phiện. Bắt được Chu, thu giữ được tang vật, cả tổ nhanh chóng rút quân khi trời sầm sập tối.
Hành trình vượt rừng đêm đưa tên tội phạm "người rừng" về quy án mới thật gian nan. Ban ngày anh em trèo đèo, lội suối đã cực, ban đêm lại muôn trùng hiểm nguy. Ngay dưới lối đi là vực sâu, có những đoạn, tre nứa do người đi rừng chặt làm gậy, phần thân còn lại vát nhọn, tua tủa như chông đợi những cái sẩy chân.
Biết Chu là thổ địa vùng này, chỉ huy tổ trọng án mới động viên: "Mày dẫn các anh ra đường, tí anh cho mày uống rượu". Chu ngoan ngoãn vâng lời, dẫn cả tổ trọng án ra quốc lộ 32 theo quãng đường ngắn nhất. Trên đường đi, chỉ huy buộc dây thừng ngang bụng, nối vào với Chu đề phòng anh ta chạy trốn.
Vậy là chỉ với một cây đèn pin cùng sự dẫn đường của Chu, đến nửa đêm, tổ trọng án cũng ra được đến quốc lộ 32. Trong ánh đèn nhập nhoạng của một vài chiếc xe chạy trên đường, ai đó reo lên: "Dưa, dưa, dưa!".
Mấy miếng thịt gà lúc chiều đã tan biến từ hồi nào, Trung tá Đào Trung Hiếu cùng các anh em nhào xuống ruộng dưa, bứt từng trái nhai ngấu nghiến. Vị dưa ngọt, mát như xua tan cơn đói khát giữa đêm hè.
Kể về kỉ niệm ấy, Trung tá Đào Trung Hiếu lại bật cười: "Vừa tỉnh cơn khát, một anh trong đoàn lại hốt hoảng: "Thằng Chu đâu, ai trông thằng Chu?". Anh em vội chạy lên bờ, may quá Chu vẫn còn ngồi đó. Hú hồn hú vía".
Tuy nhiên, chuyện hài hước chưa dừng lại ở đó. Đúng lúc ấy, cả tổ trọng án nghe tiếng hô hoán thất thanh: "Trộm, trộm". Liền sau đó, một người đàn ông trung niên vác gậy chạy ra toan đánh bọn "trộm dưa".
Thay mặt anh em, vị chỉ huy liền phân trần với chủ vườn việc cả đội vừa đi đánh án về, đói quá nên "xin tạm" ông chủ mấy quả dưa. Vị chỉ huy cũng rút tiền ra xin trả. Ông chủ khăng khăng không lấy tiền nhưng thật thà nói: "Dưa mới phun thuốc trừ sâu được 2 ngày, chỉ sợ các cán bộ ăn bị làm sao". Cả đội anh Hiếu chỉ biết nhìn nhau nhăn nhó cười. Rất may, sau đó, không có ai bị vấn đề gì về sức khỏe.
Trong cuộc đời 20 năm trực tiếp cầm súng chiến đấu với tội phạm, kinh qua nhiều vị trí từ trinh sát ma túy, điều tra trọng án đến điều tra tội phạm công nghệ cao… anh Hiếu đã trải qua nhiều thang bậc cảm xúc, những thời khắc cam go, khốc liệt như vậy.
Giờ đây khi chuyển sang là một nhà văn, nhà báo của Bộ Công an, anh đã đem những tư liệu sống động ấy, tái hiện lại trong những bài viết, những cuốn tiểu thuyết hay mới nhất là bom tấn hình sự "Bão ngầm" như một cách tri ân đồng đội và tri ân chính những năm tháng hoa lửa, miệt mài chiến đấu của chính mình.
Nội dung: Phạm Hồng Hạnh
Video: Minh Hoàng
Ảnh: Hưng Phan, NVCC, Tư liệu
Thiết kế: Thủy Tiên
25/03/2022 - 06:56Từ khóa » Gỗ Pơ Mu đuổi Muỗi
-
Giải Pháp Ngăn Côn Trùng Vào Nhà
-
'Báu Vật' Rừng Xanh đang Hồi Sinh
-
Gỗ Pơ Mu Trên Bản Làng Người H'mông
-
Quần Thể Sa Mu Dầu Kỳ Vỹ ở Biên Giới Việt – Lào
-
Gặp Người Trồng Hơn 2.500 Gốc Gỗ Quý Sa Mu, Pơ Mu Trên Dãy Trường Sơn
-
Nâng Cấp Không Gian Sống Bằng Tinh Dầu
-
Sững Sờ Cây Sa Mu Ngàn Năm Tuổi Khổng Lồ được Ví Như Thần Cây
-
Quy Hoạch Bảo Tồn ĐDSH Tỉnh Lâm Ðồng đến Năm 2020 Và định ...
-
Bạch Mã Chưa Yên - Báo Người Lao động
-
Đường Trường Sơn Xe Anh Qua