Tổ Sư Liễu Quán: Hành Tung & Thi Kệ Thị Tịch | Giác Ngộ Online
Có thể bạn quan tâm
Chúa Võ Vương - Nguyễn Phúc Khoát (1738 – 1765) quý trọng đạo hạnh của Tổ, cung kính dâng lên Tổ thụy hiệu: “Chánh Giác Viên Ngộ Hòa Thượng” để khắc vào bia...
Thân thế, Khí tiết Và Hiếu sự
Tổ sư họ Lê, húy Thiệt Diệu, tự Liễu Quán, sinh giờ Thìn, ngày 18 tháng 11 năm Đinh Mùi, tức ngày 01 tháng 01 năm 1668, tại làng Bạc Mã, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
Mất mẹ năm sáu tuổi, Tổ muốn xuất gia, phụ thân liền đưa đến chùa Hội Tôn ở Phú Yên đảnh lễ Hòa Thượng Tế Viên để cầu thọ giáo.
Hòa Thượng Tế Viên viên tịch, trải qua bảy năm, Tổ đã băng đèo vượt suối từ Phú Yên ra đất Thuận Hóa đến núi Hàm Long tức là chùa Báo Quốc ngày nay đảnh lễ Giác Phong Lão Tổ thỉnh cầu tu học.
Đến năm Tân Mùi, năm 1691, sau khi xuống tóc vừa một năm, Tổ trở lại quê nhà hái củi nấu cháo, phụng dưỡng phụ thân, thắm thoắt bốn năm, thì phụ thân qua đời.
• Con đường hướng thượng và Công án
Năm Ất Hợi, tức năm 1695, Tổ trở lại Thuận Hóa đảnh lễ Hòa Thượng Trường Thọ – Thạch Liêm cầu thọ Sa di giới tại chùa Thiền Lâm do Hòa Thượng Trường Thọ - Thạch Liêm làm đàn đầu.
Năm Đinh Sửu, tức năm 1697, Tổ cầu thọ cụ túc giới tại giới đàn chùa Từ Lâm, Thuận Hóa do Hòa Thượng Từ Lâm làm đàn đầu.
Năm Kỷ Mão, tức năm 1699, sau hai năm thành tựu giới thể cụ túc, Tổ sống đời đạm bạc và đi tham học với các bậc thạc đức cao tăng chốn Tòng lâm ở Thuận Hóa. Bấy giờ Tổ thường tự nghĩ: “Hà pháp tối vi đệ nhất, ngã quyết xả thân mạng, y pháp tu hành = Pháp nào là vi diệu tối thượng bậc nhất, ta nguyện quyết xả thân mạng, y vào pháp đó tu hành”.
Năm Nhâm Ngọ, tức năm 1702, Tổ nghe danh Hòa Thượng Minh Hoằng – Tử Dung ở chùa Ấn Tôn, tức Từ Đàm ngày nay, là bậc Thầy số một, khéo dạy người tham thiền và niệm Phật. Tổ liền đến chùa Ấn Tôn đảnh lễ Hòa Thượng Minh Hoằng – Tử Dung để tham học.
Bấy giờ, Hòa Thượng Minh Hoằng – Tử Dung dạy Tổ tham công án: “Vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xứ = Vạn pháp về một, một về chỗ nào?”.
Sau khi tiếp nhận công án, trải qua tám, chín năm dồn hết sức lực tham thiền quán chiếu, công án chưa được vỡ tung, tâm bỗng hoang mang, nhân khi đọc “Truyền đăng lục”, tới câu “Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ = Chỉ vật để truyền tâm, ấy là chỗ mà người không lãnh hội”, thì Tổ liền hoát nhiên tự ngộ.
Năm Mậu Tý, tức năm 1708, Tổ liền đến chùa Ấn Tôn trình lên Hòa Thượng Minh Hoằng – Tử Dung về sự ngộ chỉ của mình.
Tổ trình chứng: “Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ = Chỉ vật để truyền tâm, ấy là chỗ mà người không lãnh hội”.
Hòa Thượng Minh Hoằng – Tử Dung hỏi: “ Huyền nhai tán thủ, tự khẳng thừa đương, tuyệt hậu tái tô khi quân bất đắc = Vực thẳm buông tay, tự mình khẳng định thừa đương; chết đi sống lại không thể xem thường” là thế nào?
Tổ vỗ tay cười ha hả.
Hòa Thượng Minh Hoằng – Tử Dung bảo: Chưa phải ở đó!
Tổ đáp: “Bình truy nguyên thị thiết = Quả cân vốn là sắt”.
Hòa Thượng Minh Hoằng – Tử Dung bảo: Chưa phải.
Sáng hôm sau, Hòa Thượng Minh Hoằng – Tử Dung thấy Tổ đi ngang qua, lại liền gọi và bảo: “Công án hôm qua chưa xong, trình lại xem nào?”.
Tổ liền thưa: “Tảo tri đăng thị hỏa, phạn thục dĩ đa thời! = Sớm biết đèn là lửa, cơm chín đã lâu rồi!”.
Bấy giờ, Hòa Thượng Minh Hoằng – Tử Dung mới có lời khen, nhưng chưa ấn chứng.
Từ đó, Tổ ẩn cư ở núi Thiên Thai ăn rong ở hồ, uống nước ở suối, để chuyên sâu thiền quán và thỉnh thoảng đi hành cước để tham vấn lý đạo với các bậc cao đức ở trong chốn Tòng lâm.
Mùa hạ năm Nhâm Thìn, tức là năm 1712, Hòa Thượng Minh Hoằng – Tử Dung đến Quảng, sách tấn an cư toàn viện, Tổ liền trình lên bài kệ “Dục Phật = Tắm Phật”.
Hòa Thượng Minh Hoằng – Tử Dung hỏi:
“Tổ Tổ tương truyền, Phật Phật thọ thọ, vị thẩm truyền thọ cá thậm ma? = Tổ Tổ truyền nhau, Phật Phật trao nhận, vậy các Ngài truyền thọ với nhau cái gì?”.
Tổ đáp:
“Thạch duẩn trừu điều trường nhất trượng,
Quy mao phất tử trọng tam cân”.
Nghĩa là:
“Măng đá nhảy ra dài một trượng
Lông rùa phe phẩy nặng ba cân”.
Hòa Thượng Minh Hoằng – Tử Dung:
“Cao cao sơn thượng hành thuyền
Thâm thâm hải để tẩu mã”.
Nghĩa là:
“Núi cao vời vợi chiếc thuyền chèo
Biển thẳm ngút ngàn con ngựa chạy”.
Tổ đáp:
“Chiết giác nê ngưu triệt dạ hống
Một huyền cầm tử tận nhật đàn”.
Nghĩa là:
“Trâu đất sừng gãy thâu đêm rống
Cầm tử dây đứt suốt ngày đàn”.
Tổ sư đối ứng trong chớp mắt, lý sự tương dung bất nhất, bất nhị, như nước yên, tức thì trăng hiện không trước không sau, tâm cảnh nhất như không đến không đi, siêu việt niệm tưởng, nên đã được Hòa Thượng Minh Hoằng – Tử Dung ấn chứng tâm tông.
Chân dung Tổ sư Liễu Quán (Họa sĩ Phạm Đăng Trí vẽ lại từ ảnh trên)
Mở Rộng Tâm Tông
Từ đó, phong quang rực sáng, pháp thân độc lộ Tòng lâm, núi Thiên Thai tức là chùa Thuyền Tôn ở Huế ngày nay, nơi trú xứ Tổ đã chấn rung tích trượng liền trở thành một trung tâm tu học và truyền bá Phật Pháp ở đất Phú Xuân – Thuận Hóa bấy giờ.
Tại Phú Xuân – Thuận Hóa, Tổ đã chu du giáo hóa thuyết pháp tại nhiều trú xứ, từ núi Thiên Thai - Phú Xuân đến Đồng Xuân - Phú Yên và các vùng phụ cận.
Tổ đã mở nhiều giới đàn để truyền giới pháp cho hàng xuất gia và tại gia.
Giới đàn đầu mùa xuân năm Nhâm Tuất, tức năm 1742 được Tổ tổ chức tại chùa Viên Thông dưới chân núi Ngự Bình là giới đàn sau cùng, trước khi Tổ viên tịch.
Trên bước đường hành đạo, Tổ đã xuất thi kệ truyền thừa như sau:
“Thiệt tế đại đạo
Tánh hải thanh trừng
Tâm nguyên quảng nhuận
Đức bổn từ phong
Giới định phước huệ
Thể dụng viên thông
Vĩnh siêu trí quả
Mật khế thành công
Truyền trì diệu lý
Diễn xướng chánh tông
Hạnh giải tương ưng
Đạt ngộ chân không”.
Nghĩa là:
“Thực tế đường lớn
Biển tánh lắng trong
Nguồn tâm nhuần khắp
Gốc đức từ phong
Giới định phước huệ
Thể dụng viên thông
Trí quả vĩnh siêu
Thầm hợp thành công
Truyền giữ lý mầu
Tuyên dương chánh tông
Biết làm đồng nhất
Đạt ngộ chân không”.
Bấy giờ, các chúa Minh Vương - Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725), Ninh Vương - Nguyễn Phúc Chú (1725 -1738), Võ Vương - Nguyễn Phúc Khoát (1738 – 1765), nghe danh đức và đạo phong của Tổ, đã nhiều lần cung thỉnh Tổ vào phủ Chúa để tham học, nhưng Tổ đều từ chối, vì chỉ ưa thích sống với núi rừng.
• Những ngày cuối cùng
Cuối mùa Thu năm Nhâm Tuất (1742), Tổ chỉ bệnh nhẹ. Vào giữa tháng mười, Tổ gọi đồ chúng mà bảo: “Ngô tương quy hĩ, thế duyên dĩ tận = Duyên đối với thế gian đã hết, Tôi sắp về vậy!”. Mọi người đứng bên đều khóc. Tổ dạy: “Quý vị tại sao lại buồn khóc? Chư Phật xuất thế còn thị hiện Niết bàn. Tôi nay đến đi rõ ràng, về ắt có chỗ. Quý vị hãy vâng hành đừng có buồn khóc!”.
Vào tháng 11 năm Nhâm Tuất, trước khi mất vài ngày, Tổ ngồi ngay thẳng viết thi kệ thị tịch như sau:
“Thất thập dư niên thế giới trung
Không không sắc sắc diệc dung thông
Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý
Hà tất bôn mang vấn Tổ tông”.
Nghĩa là:
“ Hơn bảy mươi năm giữa cõi đời
Không không sắc sắc thảy dung thông
Sáng nay nguyện mãn về quê cũ
Nào phải bôn ba hỏi Tổ Tông”.
Sau khi viết xong thi kệ thị tịch, Tổ dạy môn đồ rằng: “Câu nói sau cùng của Lão Tăng sống đạo là gì? Lồng lộng nguy nga, huy hoàng rực rỡ. Xưa đến, nay đi. Muốn hỏi chỗ trọng yếu đến đi thế nào? Kìa trời biếc lắng trong, trăng thu vằng vặc, toàn thân hiển lộ nơi sa giới đại thiên. Lời pháp sau cùng của ta, quý vị hãy nghĩ suy, vô thường nhanh chóng, Bát nhã phải tinh cần học tập. Đừng vội quên lời ta, mỗi vị hãy tự mình tinh tấn lên!”.
Ngày 22 tháng 11 năm Nhâm Tuất, tức ngày 18 tháng 12 năm 1742, sau khi uống trà, pháp thoại và hành lễ buổi sáng xong, Tổ hỏi mấy giờ? Môn đồ đáp là giờ Mùi, Tổ liền an nhiên thị tịch.
Tổ hưởng thọ 76 tuổi, ghi theo bia ký; Tổ hưởng thọ 74 tuổi, tính theo niên đại sinh và tịch, 43 năm được truyền y bát, 34 năm thuyết pháp độ sanh, đệ tử xuất gia kế thừa pháp có 49 vị, đệ tử tại gia có đến ngàn, vạn người.
Chúa Võ Vương - Nguyễn Phúc Khoát (1738 – 1765) quý trọng đạo hạnh của Tổ, cung kính dâng lên Tổ thụy hiệu: “Chánh Giác Viên Ngộ Hòa Thượng” để khắc vào bia.
Sau khi Tổ viên tịch gần ba tháng, nhục thân của Ngài đã được môn đồ cung tiễn đến nhập bảo tháp vào ngày 19 tháng 2 năm Quý Hợi (1743).
Bảo tháp Tổ sư Liễu Quán
Tổ sư Thiệt Diệu – Liễu Quán truyền thừa Chánh Pháp Nhãn Tạng đời 72 từ Tổ Ca Diếp Ấn Độ; đời thứ 35 từ phái thiền Lâm Tế - Nghĩa Huyền ở Trung Hoa và là vị Sơ Tổ của phái thiền Liễu Quán ở Việt Nam.
Thi kệ thị tịch với kinh Kim Cang
Đọc thi kệ Thị tịch của Tổ sư Thiệt Diệu – Liễu Quán, thấy Tổ đã chỉ cho ta rõ, Ngài từ đâu đến và đi về đâu.
Kệ rằng:
“Thất thập dư niên thế giới trung
Không không sắc sắc diệc dung thông
Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý
Hà tất bôn mang vấn Tổ tông”.
Nghĩa là:
“ Hơn bảy mươi năm giữa cõi đời
Không không sắc sắc thảy dung thông
Sáng nay nguyện mãn về quê cũ
Nào phải bôn ba hỏi Tổ Tông”.
Ở Kinh Kim Cang nói rằng: “Nếu có thế giới, thì đó chỉ là một tướng tập hợp. Như Lai nói một tướng tập hợp, vốn không phải là một tướng tập hợp, nên gọi là một tướng tập hợp”.[1]
Kinh Kim Cang nói, thế giới chỉ là “một tướng tập hợp”, thì ở trong thi kệ thị tịch, Tổ Liễu Quán dạy: “Không không sắc sắc diệc dung thông”. Tại sao Tổ dạy, “Không không sắc sắc diệc dung thông”? Vì thế giới nầy chỉ là một tướng tập hợp mà tự tính của nó là Không, là rỗng lặng, không hề mang tính ngã và pháp, nên không có mặt trong sắc và tự thể của sắc ấy là không; không làm nền tảng cho mọi sắc tướng biểu hiện và mọi sắc tướng biểu hiện là biểu hiện từ nơi không, nên Tổ dạy “không không sắc sắc diệc dung thông”.
“Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý = Sáng nay nguyện mãn về quê cũ”. Các phiền não thuộc về ngã tưởng, phi ngã tưởng; thuộc về pháp tưởng và phi pháp tưởng đều đã bị nhiếp phục và chặt đứt bởi Tuệ giác Kim cang, khiến cho tâm hoàn toàn ở vào trạng thái yên tịnh, quê hương đích thực hiện ra. Quê hương ấy là tự tánh thanh tịnh hay Niết bàn tuyệt đối.
Gốc rễ của phiền não bị Tuệ giác Kim Cang nhiếp phục và chặt đứt, Niết bàn hay quê hương đích thực hiện ra, đó là nguyện mãn của người tu và giây phút nguyện mãn đó, chính là “kim triêu”.
Tổ tông của muôn vật ở đâu? Chính là tánh - không ở ngay nơi muôn vật. Tổ Nguyên Thiều dạy: “Đường đường vật phi vật; Liêu liêu không vật không”, còn Tổ Liễu Quán lại chỉ ra cho ta rằng: “Không không sắc sắc diệc dung thông”.
Mỗi khi đã giác ngộ “vật phi vật, không vật không” hay “không không sắc sắc diệc dung thông”, thì chính ngay nơi đó là Tổ tông, là Như Lai mà ở Kinh Kim Cang, đức Phật dạy cho Tôn giả Tu bồ đề rằng: “Nếu có người nói rằng, Như Lai có đến, có đi, có ngồi, có nằm là người ấy không hiểu được ý nghĩa lời nói của Như Lai. Tại sao? Vì Như Lai không đến từ đâu, cũng không đi về đâu”. Và cũng vì vậy mà Tổ Liễu Quán dạy “hà tất bôn mang vấn tổ tông?”. Tổ Tông ấy, chính pháp thân thường trú của hết thảy thân, là tự tánh thanh tịnh ở nơi tâm và là pháp tánh thanh tịnh bất sanh diệt ở nơi muôn vật, là “đại thiên sa giới lộ toàn thân”, chứ không phải Tổ tông ở Ấn độ, ở Trung hoa hay ở nơi bất cứ Tông phái, Tông môn nào để phải nhọc công kiếm tìm!
Thời Chúa Nghĩa - Nguyễn Phúc Thái (1687 – 1691), đã cho sứ giả sang Trung Hoa thỉnh Thạch Liêm Hòa Thượng phái thiền Tào Động đến Thuận Hóa để hoằng hóa và mở đại giới đàn, nhưng không thành, rồi đến chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725), cũng đã cho sứ giả sang Trung Hoa cầu thỉnh Thạch Liêm Hòa Thượng đến Thuận Hóa để hoằng hóa và mở đại giới đàn tại chùa Thiền Lâm, năm Ất hợi (1695), Chúa đã quy y và thọ Bồ tát giới với Thạch Liêm Hòa Thượng phái Tào Động tại giới đàn nầy.
Trước khi Thạch Liêm Hòa Thượng được chúa Nguyễn Phúc Chu thỉnh đến Thuận Hóa để hành đạo, mở giới đàn, thì bấy giờ trên đất Thuận Hóa phái Thiền Lâm Tế đã được phát triển với sự có mặt của các Ngài như: Hoán Bích – Nguyên Thiều khai sơn chùa Vĩnh Ân, tức là chùa Quốc Ân hiện nay; Minh Hoằng – Tử Dung, khai sơn chùa Ấn Tôn, tức Từ Đàm hiện nay; Minh Hải – Pháp Bảo, khai chùa Chúc Thánh, ở Hội An, Quảng Nam và nhiều vị cao Tăng khác của Thiền phái Lâm Tế, ở Đàng trong.
Trong những biến động lịch sử của thời chúa Nguyễn Phúc Chu, các Thiền sư ở trong phái thiền Lâm Tế, có thể đã bị Chúa nghi ngờ, nên Chúa phải nhọc công tìm kiếm một phái thiền khác để ủng hộ mình, ấy là phái Thiền Tào Động mà Thạch Liêm Hòa Thượng là tiêu biểu cho một trong những khuôn mặt sáng của Thiền học Trung Hoa bấy giờ.
Chính do nghi tâm của chúa Nguyễn Phúc Chu, đối với các Thiền sư phái Thiền Lâm Tế, khiến Chúa phải nhọc công, nhọc tâm tìm kiếm Tổ tông ở bên ngoài.
Nên, bài kệ thị tịch của Tổ sư Liễu Quán vừa có tính tác dụng giác tỉnh nội quán, để thể chứng pháp thân thường trú hay thể tính không, bất sinh, bất diệt, nơi tự tâm và vạn hữu, đồng thời cảnh báo cho học trò và những thế hệ tiếp sau, đừng dong ruổi tìm cầu Thầy Tổ bên ngoài, mà luống uổng công phu tu tập và đồng thời cũng cảnh báo cho những người lãnh đạo xã hội đương thời, không nên biến Tổ tông trở thành một công cụ sắc thanh, danh tướng để phục vụ cho thời đại, mà cụ thể là danh tướng cho bản ngã của chính mình.
Tổ tông là bản thể rỗng lặng xưa nay, tại thánh không tăng, tại phàm không giảm, tại sinh không sinh, tại diệt không diệt, nghiễm nhiên độc lộ, rõ ràng như vậy mà không thấy, nên khi gặp Tổ Minh Hoằng – Tử Dung, Ngài Liễu Quán mới than: “Tảo tri đăng thị hỏa, phạn thục dĩ đa thì = Sớm biết đèn là lửa, cơm chín đã lâu rồi”. Và trước đó gần cả ngàn năm, Tổ Huệ Năng đã từng than: “Nào ngờ đâu tự tánh vốn thanh tịnh, tự tánh vốn không sanh diệt, tự tánh vốn đầy đủ hết thảy thiện pháp, tự tánh vốn không lay động, tự tánh năng sanh vạn pháp…”.[2]
Như vậy, Kinh Kim Cang đến Tổ Liễu Quán, ta thấy nằm gọn ở trong câu kệ thị tịch của Ngài là “không không sắc sắc diệc dung thông” vậy.
Từ khi Tổ Thiệt Diệu – Liễu Quán viên tịch đến nay, đã trải dài 268 năm. Đạo mạch do Tổ quật khai, tâm tông do Tổ lãnh hội từ Ngài Minh Hoằng – Tử Dung và tuyên dương, ngày nay với dòng kệ Thật Tế Đại Đạo - Tánh Hải Thanh Trừng – Tâm Nguyên Quảng Nhuận – Đức Bổn Từ Phong… không những đã tỏa rộng khắp mọi miền đất nước mà còn tỏa rạng đến nhiều châu lục trên thế giới.
Đúng như lời Tổ dạy, trước khi viên tịch: “Kìa trời biếc lắng trong, trăng thu vằng vặc, toàn thân hiển lộ nơi sa giới đại thiên!”.
Nhân kỷ niệm lần thứ 268 năm, Tổ sư viên tịch, đệ tử chúng con thành kính dâng lên Tổ sư bài cảm niệm về hành tung và thi kệ thị tịch của Ngài với tất cả lòng thành kính.
Ngưỡng vọng Tổ sư phủ thùy chứng giám.
Thích Thái Hòa
______
Chú thích:
[1] Đại Chính 8, tr 752b.
2 Pháp bảo Đàn Kinh, Đại Chính 48, tr 349a.
Tư liệu tham khảo:
-Liễu Quán Thụy Chánh Giác – Viên Ngộ Hòa thượng Bi Minh, Pháp điệt Thiện Kế Hòa Thượng soạn, Cảnh Hưng Cửu Niên, Tứ Nguyệt Nhật.
Lịch Truyện Tổ Đồ.
-Việt Nam Phật giáo sử lược – Thích Mật Thể.
-Việt Nam Phật giáo sử luận – Nguyễn Lang.
-Lịch sử Phật Giáo Đàng Trong – Nguyễn Hiền Đức.
-Lịch sử Phật Giáo Xứ Huế - Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm.
Từ khóa » Tiểu Sử Tổ Sư Liễu Quán
-
Liễu Quán – Wikipedia Tiếng Việt
-
Tiểu Sử Và Công Hạnh Tổ Liễu Quán - .vn
-
Tiểu Sử Tổ Sư Thiệt Diệu - Liễu Quán - Phật Giáo Quảng Nam
-
Ngài Liễu Quán - Vị Tổ Sáng Lập Dòng Thiền Việt Nam ảnh Hưởng ...
-
Tiểu Sử Tổ Liễu Quán - Thư Viện Gia Đình Phật Tử
-
Tiểu Sử Tổ Liễu Quán - Phật Giáo Sông Cầu
-
Tiểu Sử Tổ Liễu Quán – Trang Nhà GĐPT Việt Nam
-
Thiền Sư Liễu Quán - Đạo Phật Ngày Nay
-
Tiểu Sử Thiền Sư Liễu Quán - The - Crescent
-
Chùa Bảo Tịnh - TIỂU SỬ ĐỨC TỔ SƯ LIỄU QUÁN (1667 – 1742)
-
Lễ Tưởng Niệm 265 Năm Tổ Sư Liễu Quán - Tin Và Ảnh: Trí Năng
-
Tổ Sư Thiệt Diệu Liễu Quán (1667 – 1742) Chùa Thuyền Tôn - Huế
-
Chùa Hội Tôn, Cổ Lâm Và Tổ Sư Liễu Quán
-
PG Thừa Thiên Huế Tảo Tháp Tổ Sư Khai Sáng Dòng Thiền Liễu Quán