Tội Chống Loài Người Theo Pháp Luật Việt Nam Hiện Hành Là Gì?

1. Căn cứ pháp lý

Điều 422 thuộc Chương XXVI Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định về tội chống loài người như sau:

Điều 422. Tội chống loài người

1. Người nào trong thời bình hay trong chiến tranh mà thực hiện hành vi tiêu diệt hàng loạt dân cư của một khu vực, phá hủy nguồn sống, phá hoại cuộc sống văn hóa, tinh thần của một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền, làm đảo lộn nền tảng của một xã hội nhằm phá hoại xã hội đó hoặc thực hiện hành vi diệt chủng khác hoặc thực hiện hành vi diệt sinh, diệt môi trường tự nhiên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

2. Phạm tội trong trường hợp do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.”

2. Dấu hiệu pháp lý của tội phá hoạt hòa bình, gây chiến tranh xâm lược

2.1. Khách thể của tội phạm

Tội chống loài người là hành vi tiêu diệt hàng loạt dân cư của một khu vực, phá huỷ nguồn sống, phá huỷ cuộc sống văn hoá, tinh thần của một nước, làm đảo lộn nền tảng của một xã hội nhằm phá hoại xã hội đó, diệt sinh, diệt môi trường tự nhiên và những hành vi diệt chủng khác.

Tội phạm này cũng là đối tượng được quy định trong Quy chế Rome về Tòa án Hình sự quốc tế năm 1998 được thông qua ngày 17/7/1998, tại Hội nghị ngoại giao về việc thiết lập Tòa án Hình sự quốc tế do Liên Hợp Quốc tổ chức:

“Điều 7. Tội ác chống nhân loại

Trong Quy chế này, “tội ác chống nhân loại” là một trong các hành vi sau được thực hiện như một phần của sự tấn công có hệ thống hoặc trên diện rộng nhằm vào bất kỳ một cộng đồng dân thường nào, với nhận biết về sự tấn công đó:

Giết người;

Hủy diệt;

Bắt làm nô lệ;

Lưu đày hoặc cưỡng ép di chuyển dân cư;

Bỏ tù hoặc có hình thức khác tước đoạt tự do thân thể một cách nghiêm trọng trái với các quy tắc cơ bản của luật pháp quốc tế;

Tra tấn;

Hiếp dâm, bắt làm nô lệ tình dục, cưỡng ép mại dâm, ép buộc mang thai, cưỡng ép triệt sản hoặc bất kỳ hình thức bạo lực tình dục nào khác có tính chất nghiêm trọng tương tự;

Ngược đãi bất kỳ nhóm hoặc tập thể người nào có chung đặc điểm vì lý do chính trị, chủng tộc, dân tộc, sắc tộc, văn hóa, tôn giáo, giới tính như được định nghĩa tại khoản 3, hoặc những lý do khác được thừa nhận rộng rãi là bị cấm theo luật quốc tế, liên quan đến bất kỳ hành vi nào nêu tại khoản này hoặc bất kỳ tội phạm nào thuộc quyền tài phán của Tòa án;

Đưa người đi biệt tích;

Phân biệt chủng tộc;

Các hành vi vô nhân đạo khác có tính chất tương tự cố ý gây nhiều đau đớn hoặc tổn thương nghiêm trọng cho thân thể hoặc sức khỏe về mặt tinh thần hay thể chất.”

Vì vậy, khách thể của tội chống loài người là sự sống của dân cư ở một khu vực hoặc một quốc gia, nguồn sống, cuộc sống văn hoá, tinh thần của một nước, nền tảng xã hội của một xã hội, sự sống của con người, của động, thực vật trong một khu vực và môi trường tự nhiên.

2.2. Mặt khách quan của tội phạm

Mặt khách quan của tội chống phá loài người thể hiện ở các nhóm hành vi sau đây: diệt chủng, diệt sinh và diệt môi trường tự nhiên.

Diệt chủng là hành vi tiêu diệt sự sống của một nhóm người, vi phạm công ước ngày 9 tháng 12 năm 1948 của Liên hợp quốc về phòng ngừa và chống tội diệt chủng. Theo quy định này, thì các hành vi sau đây được coi là phạm tội diệt chủng: giết thành viên của một nhóm người; xâm phạm nghiêm trọng sự toàn vẹn về thể xác hay tinh thần của các thành viên của một nhóm người; cố tình đặt một nhóm người trong những điều kiện tất yếu dẫn đến sự tiêu diệt toàn bộ hay bộ phận của nhóm người đó; có những hành vi nhằm cản trở việc sinh đẻ trong một nhóm người; di chuyển bắt buộc các trẻ em của một nhóm người này sang một nhóm người khác. Do không liệt kê hết các hành vi diệt chủng cho nên, tại Điều 342 Bộ luật hình sự nước ta quy định diệt chủng bao gồm các hành vi: tiêu diệt hàng loạt dân cư của một khu vực; phá huỷ các nguồn sống; phá huỷ cuộc sống văn hoá, tinh thần của một nước; làm đảo lộn nền tảng của một xã hội nhằm phá hoại xã hội đó và các hành vi diệt chủng khác.

Diệt sinh là hành vi huỷ diệt sự sống của động thực vật trên một địa bàn nhất định. Địa bàn nhất định là một khu vực địa lý có tầm quan trọng đối với sự sống của một nhóm dân cư. Hậu quả của hành vi diệt sinh là: phá huỷ làng mạc, cây cối, tiêu diệt động vật; đất đai bị biến chất, không khí, nguồn nước bị ô nhiễm; nguồn thức ăn, môi trường sống của con người, động vật bị huỷ hoại; làm cho sự sống của con người, động vật, thực vật không còn tồn tại.

Diệt môi trường tự nhiên là hành vi phá huỷ môi trường tự nhiên làm mất sự cân bằng giữa các yếu tố của môi trường tự nhiên. Hậu quả của hành vi diệt môi trường tự nhiên là đảo lộn điều kiện sống của sinh vật, dẫn tới huỷ diệt sự sống của con người. Do vậy, diệt sinh, diệt môi trường tự nhiên thực chất là những giai đoạn của quá trình diệt chủng hay là những phương tiện của diệt chủng.

Hậu quả của tội phạm là thiệt hại về sự sống của dân cư ở một khu vực hoặc một quốc gia, nguồn sống, cuộc sống văn hoá, tinh thần của một nước, nền tảng xã hội của một xã hội, sự sống của con người, của động, thực vật trong một khu vực và môi trường tự nhiên.

Tuy nhiên, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc để xác định tội danh. Tội chống loài người có cấu thành hình thức, tội phạm được hoàn thành khi có một trong những hành vi diệu chủng; hoặc diệt sinh hoặc diệt môi trường tự nhiên xảy ra.

2.3. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm là người từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự.

Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.

Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều luật quy định tội phạm cụ thể không bao gồm tội phạm thuộc chương XXVI - tội phá hoại hoài bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh. Do đó, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội quy định tại Điều 422 Bộ luật hình sự là người từ đủ 16 tuổi trở lên.

Chủ thể của tội phạm có thể là cá nhân thực hiện tội phạm một mình nhưng cũng có thể là nhiều người cùng thực hiện tội phạm. Trường hợp nhiều người thực hiện cùng một tội phạm được quy định theo Điều 17 Bộ luật Hình sự:

“Điều 17. Đồng phạm

1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.”

2.4. Mặt chủ quan của tội phạm

Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi phạm tội của mình là nguy hiểm, thấy trước hậu quả của hành vi và mong muốn hậu quả xảy ra. Mục đích phạm tội là nhằm "phá hoại xã hội", "làm đảo lộn nền tảng của một xã hội". Đây là dấu hiệu bắt buộc thuộc mặt chủ quan của cấu thành tội phạm.

3. Hình phạt đối với người phạm tội phá hoạt hòa bình, gây chiến tranh xâm lược

Điều 422 Bộ luật Hình sự quy định 02 khung hình phạt đối với người phạm tội như sau:

- Khung hình phạt phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình đối với người trong thời bình hay trong chiến tranh mà thực hiện hành vi tiêu diệt hàng loạt dân cư của một khu vực, phá hủy nguồn sống, phá hoại cuộc sống văn hóa, tinh thần của một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền, làm đảo lộn nền tảng của một xã hội nhằm phá hoại xã hội đó hoặc thực hiện hành vi diệt chủng khác hoặc thực hiện hành vi diệt sinh, diệt môi trường tự nhiên.

- Khung hình phạt phạt tù từ 10 năm đến 20 năm đối với người phạm tội trong trường hợp do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Bộ luật Hình sự

Luật Hoàng Anh

Từ khóa » Tội Của Loài Người