Tội Chống Loài Người Theo Quy định Tại Quy Chế Rome Là Gì?

1. Hoàn cảnh ra đời của Quy chế Rome và Tòa án Hình sự Quốc tế

Thế kỷ XX là thời điểm cả thế giới bàng hoàng trước hàng loạt các cuộc chiến tranh xảy ra, từ cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918); Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945) đến những cuộc chiến tranh xâm lược.

Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc với sự thất bại của phe Liên Minh, gây nên thiệt hại nặng nề về người và của: Hơn 18,6 triệu người chết; Khoảng 60 triệu người bị thương. Ngoài mất mát về người, các thành phố, làng mạc, đường sá, cầu cống, nhà máy… ở châu Âu đều bị phá hủy, thiệt hại vật chất lên tới 338 tỷ USD. Số tiền các nước tham chiến chi phí cho chiến tranh vào khoảng 85 tỷ USD.

Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc với sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa phát xít Đức – I-ta-li-a – Nhật Bản. Tuy nhiên, toàn nhân loại đã phải hứng chịu những hậu quá thảm khốc của chiến tranh. Đây là cuộc chiến tranh lớn nhất, khốc liệt nhất và tàn phá nặng nề nhất trong lịch sử loài người với: 60 triệu người chết; 90 triệu người bị tàn tật. Thiệt hại về vật chất gấp 10 lần so với Chiến tranh thế giới thứ nhất, bằng tất cả các cuộc chiến tranh trong 1000 năm trước đó cộng lại.

Trước những hậu quả nặng nề như vậy, Tòa án Hình sự Quốc tế (tên tiếng Anh: International Criminal Court; tiếng Pháp: Cour Pénale Internationale; thường được gọi là các ICC hoặc ICCt) ra đời có nhiệm vụ là một tòa án thường trực để truy tố các cá nhân phạm tội ác diệt chủng; tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh; và tội ác xâm lược.

160 quốc gia đã tham gia vào Hội nghị ngoại giao của Liên Hợp quốc được tổ chức tại Rome từ 15/6 đến 17/7/1998; để thành lập ra Tòa án hình sự quốc tế (International Criminal Court).

Quy chế tòa án công lý quốc tế sẽ bắt đầu phát sinh hiệu lực từ ngày 01/7/2002 căn cứ theo Điều 126.

Quy chế được chia thành 13 phần và 128 điều khoản. Trong đó định nghĩa về các tội phạm hình sự; thẩm quyền xét xử, cơ cấu tổ chức, thẩm quyền của Tòa; chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan. Cũng như những nguyên tắc chung của luật hình sự, bản án, thủ tục tố tụng hình sự; việc thi hành các bản án và hợp tác trong lĩnh vực hình sự. Đặc biệt nhấn mạnh đến những nguyên tắc của luật hình sự quốc tế.

2. Tội chống loài người

Tội chống loài người được quy định tại Điều 7 Quy chế Rome như sau:

“Điều 7. Tội ác chống nhân loại

Trong Quy chế này, “tội ác chống nhân loại” là một trong các hành vi sau được thực hiện như một phần của sự tấn công có hệ thống hoặc trên diện rộng nhằm vào bất kỳ một cộng đồng dân thường nào, với nhận biết về sự tấn công đó:

Giết người;

Hủy diệt;

Bắt làm nô lệ;

Lưu đày hoặc cưỡng ép di chuyển dân cư;

Bỏ tù hoặc có hình thức khác tước đoạt tự do thân thể một cách nghiêm trọng trái với các quy tắc cơ bản của luật pháp quốc tế;

Tra tấn;

Hiếp dâm, bắt làm nô lệ tình dục, cưỡng ép mại dâm, ép buộc mang thai, cưỡng ép triệt sản hoặc bất kỳ hình thức bạo lực tình dục nào khác có tính chất nghiêm trọng tương tự;

Ngược đãi bất kỳ nhóm hoặc tập thể người nào có chung đặc điểm vì lý do chính trị, chủng tộc, dân tộc, sắc tộc, văn hóa, tôn giáo, giới tính như được định nghĩa tại khoản 3, hoặc những lý do khác được thừa nhận rộng rãi là bị cấm theo luật quốc tế, liên quan đến bất kỳ hành vi nào nêu tại khoản này hoặc bất kỳ tội phạm nào thuộc quyền tài phán của Tòa án;

Đưa người đi biệt tích;

Phân biệt chủng tộc;

Các hành vi vô nhân đạo khác có tính chất tương tự cố ý gây nhiều đau đớn hoặc tổn thương nghiêm trọng cho thân thể hoặc sức khỏe về mặt tinh thần hay thể chất.”

2.1. Chủ thể của tội phạm

“Điều 20. Yếu tố tâm thần

1. Trừ phi có quy định khác, một người chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự và chịu hình phạt về tội phạm thuộc quyền tài phán của Tòa án nếu hành vi được thực hiện có chủ ý và nhận thức.

2. Trong điều này, một người được coi là có chủ ý khi:

a. Về mặt hành vi, người đó muốn tham gia thực hiện hành vi đó;

b. Về mặt hậu quả, người đó muốn gây ra hậu quả đó hoặc nhận thức được hậu quả đó sẽ xảy ra theo diễn biến bình thường của sự việc.

3. Trong điều này, thuật ngữ “nhận thức” là việc ý thức được tình huống diễn ra hoặc hậu quả sẽ xảy ra theo diễn biến bình thường của sự việc. “Biết” và “chủ tâm” cũng được hiểu theo nghĩa này.”

Căn cứ quy định trên chủ thể của tội phạm phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự gồm năng lực nhận thức và năng lực làm chủ hành vi.

Điều 26 Quy chế Rome quy định loại trừ quyền tài phán đối với người dưới 18 tuổi. Theo đó, Tòa án Hình sự Quốc tế không có quyền tài phán đối với bất cứ người nào dưới 18 tuổi tại thời điểm bị cho là phạm tội. Tức là thời điểm người phạm tội chưa đủ 18 tuổi mà thực hiện hành vi phạm tội thì Tòa án Hình sự Quốc tế cũng không thể xét xử đối với họ.

Điều 25 Quy chế Rome cũng quy định về trách nhiệm hình sự của cá nhân: một người phải chịu trách nhiệm hình sự và chịu hình phạt về tội phạm thuộc quyền tài phán của Tòa án nếu người đó:

a. Thực hiện tội phạm một mình, cùng với người khác hay thông qua người khác, bất kể người đó có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không;

b. Ra lệnh, dụ dỗ hoặc xúi giục thực hiện tội phạm mà thực tế đã xảy ra hoặc phạm tội chưa đạt;

c. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phạm tội, giúp đỡ, tiếp tay hoặc bằng cách khác, trợ giúp việc phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt, kể cả cung cấp phương tiện cho việc phạm tội đó;

d. Bằng bất kỳ cách nào khác, góp sức phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt với một nhóm người hành động vì mục đích chung. Việc góp sức này phải là cố ý và: Được thực hiện nhằm thúc đẩy hoạt động tội phạm hoặc vì mục đích phạm tội của cả nhóm khi hoạt động hoặc mục đích đó liên quan đến việc thực hiện một tội phạm thuộc quyền tài phán của Tòa án; hoặc Được thực hiện với nhận biết về ý định phạm tội của cả nhóm;

2.2. Mặt chủ quan của tội phạm

Tất cả những hành vi thực hiện tội chống loài người đều được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội có đủ nhận thức và nhìn thấy trước hậu quả của tội phạm nhưng vẫn mong muốn hậu quả đó xảy ra.

2.3. Khách thể của tội phạm

Tội phạm xâm phạm đến sự sống của loài người, sự ổn định của xã hội loài người cũng như những điều kiện tự nhiên vốn có để đảm bảo sự sống của con người.

Vì vậy, khách thể của tội phạm là sự sống, sự ổn định toàn xã hội của loài người và những điều kiện tự nhiên như đất, nước, không khí, môi trường sống, hệ sinh thái, động vật, thực vật trên trái đất.

2.4. Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm được quy định trong quy chế Rome gồm 11 hành vi:

- Giết người: Tấn công nhằm vào bất kỳ cộng đồng dân thường nào” là một loạt hành vi nêu tại khoản 1 được thực hiện nhiều lần chống lại bất kỳ cộng đồng dân thường nào, theo hoặc nhằm thúc đẩy chính sách của một quốc gia hay tổ chức về việc thực hiện các cuộc tấn công đó.

- Hủy diệt: bao gồm việc cố ý áp đặt những điều kiện sống như không cho tiếp cận nguồn lương thực, thuốc men nhằm tiêu diệt một bộ phận dân cư

- Bắt làm nô lệ: là việc thực hiện bất kỳ hay toàn bộ các quyền lực gắn với quyền sở hữu đối với một người, kể cả việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

- Lưu đày hoặc cưỡng ép di chuyển dân cư: là việc cưỡng ép di dời những người liên quan ra khỏi khu vực mà họ đang cư trú hợp pháp bằng việc trục xuất hoặc các hành vi cưỡng chế khác với các lý do không được luật pháp quốc tế thừa nhận.

- Bỏ tù hoặc có hình thức khác tước đoạt tự do thân thể một cách nghiêm trọng trái với các quy tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

- Tra tấn: là cố ý gây đau đớn hoặc đau khổ về thể xác hoặc tinh thần cho người đang bị giam giữ hoặc đang chịu sự kiểm soát của cá nhân bị buộc tội; trừ trường hợp sự đau đớn hoặc đau khổ xuất phát, gắn liền hoặc liên quan đến các hình phạt hợp pháp

- Hiếp dâm, bắt làm nô lệ tình dục, cưỡng ép mại dâm, ép buộc mang thai, cưỡng ép triệt sản hoặc bất kỳ hình thức bạo lực tình dục nào khác có tính chất nghiêm trọng tương tự: “Ép buộc mang thai” là việc giam giữ bất hợp pháp phụ nữ bị buộc mang thai nhằm mục đích thay đổi thành phần sắc tộc của bất kỳ cộng đồng dân cư nào hoặc để thực hiện các hành vi vi phạm luật quốc tế nghiêm trọng khác. Định nghĩa này không ảnh hưởng đến pháp luật quốc gia về thai sản.

- Ngược đãi bất kỳ nhóm hoặc tập thể người nào có chung đặc điểm vì lý do chính trị, chủng tộc, dân tộc, sắc tộc, văn hóa, tôn giáo, giới tính như được định nghĩa tại khoản 3, hoặc những lý do khác được thừa nhận rộng rãi là bị cấm theo luật quốc tế, liên quan đến bất kỳ hành vi nào nêu tại khoản này hoặc bất kỳ tội phạm nào thuộc quyền tài phán của Tòa án: là việc tước đoạt nghiêm trọng và cố ý các quyền cơ bản, trái với luật pháp quốc tế vì lý do bản sắc của một nhóm người hay tập thể.

- Đưa người đi biệt tích: là việc bắt, giam giữ hoặc bắt cóc người theo lệnh hoặc với sự cho phép, hỗ trợ hay đồng tình của một quốc gia hoặc tổ chức chính trị và tiếp đó, từ chối thừa nhận việc tước đoạt tự do hoặc cung cấp thông tin về số phận hoặc nơi ở của những người đó, nhằm loại bỏ sự bảo vệ của pháp luật đối với họ trong một thời gian dài.

- Phân biệt chủng tộc: là các hành vi vô nhân đạo có tính chất tương tự như các hành vi nói tại khoản 1, được thực hiện trong bối cảnh của một chế độ đàn áp và thống trị có hệ thống, bởi một nhóm chủng tộc đối với một hoặc nhiều nhóm chủng tộc khác và được thực hiện nhằm duy trì chế độ đó.

- Các hành vi vô nhân đạo khác có tính chất tương tự cố ý gây nhiều đau đớn hoặc tổn thương nghiêm trọng cho thân thể hoặc sức khỏe về mặt tinh thần hay thể chất.

3. Hình phạt đối với người phạm tội chống loài người

Tòa án có thể ấn định một trong các hình phạt sau đối với người bị kết án:

- Tù có thời hạn nhưng không vượt quá mức tối đa 30 năm; hoặc

- Tù chung thân thể theo tính chất đặc biệt nghiêm trọng của tội phạm và hoàn

cảnh cá nhân của người bị kết án.

Cùng với hình phạt tù, Tòa án có thể quyết định:

- Phạt tiền theo những tiêu chí quy định tại Quy tắc về Thủ tục và Chứng cứ;

- Tịch thu tiền, bất động sản và động sản có nguồn gốc trực tiếp hoặc gián tiếp

từ tội phạm đó mà không làm phương hại đến các quyền của bên thứ ba ngay

tình.

Luật Hoàng Anh

Từ khóa » Tội Của Loài Người