Tội Gián điệp được Quy định Như Thế Nào?

Tội gián điệp là một tội phạm được quy định tại Chương XIII Bộ luật hình sự. Tội phạm này có hậu quả rất nghiêm trọng, có thể hủy hoại cả một quốc gia. Do đó để ngăn ngừa hậu quả của tội phạm xảy ra, pháp luật hình sự đã đặt ra trách nhiệm hình sự ngay khi người phạm tội thực hiện hành vi gián điệp.

1. Căn cứ pháp lý

Điều 110 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định về Tội gián điệp như sau:

“Điều 110. Tội gián điệp

1. Người nào có một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Hoạt động tình báo, phá hoại hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài; hoạt động thám báo, chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại;

c) Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì được miễn trách nhiệm hình sự về tội này.”

Điều 09 Bộ luật hình sự chia tội phạm thành 04 nhóm gồm nhóm tội ít nghiêm trọng, nhóm tội nghiêm trọng, nhóm tội rất nghiêm trọng và nhóm tội đặc biệt nghiêm trọng. Tội gián điệp có mức hình phạt cao nhất là tù 20 năm, tù chung thân, tử hình. Căn cứ vào điều 9 Bộ luật hình sự, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Như vậy, tội gián điệp thuộc loại tội đặc biệt nghiêm trọng.

2. Dấu hiệu pháp lý của tội gián điệp

2.1. Khách thể của tội phạm

Theo từ điển Tiếng Việt, gián điệp là kẻ do địch cài vào để do thám tình hình và phá hoạt. Theo đó, ta có thể hiểu tội gián điệp là tội phạm do người thực hiện nhằm mục đích do thám tình hình đối nội, đối ngoại của đất nước và phá hoại sự ổn định anh ninh đối ngoại và an toàn đối nội. An ninh đối ngoại, an toàn đối nội được hiểu là độc lập, chủ quyền quốc gia, sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, chế độ chính trị, văn hóa, kinh tế, nền quốc phòng, an ninh và sự vững mạnh của chính quyền nhân dân. Như vậy tội gián điệp là tội phạm xâm phạm đến an ninh đối ngoại, an toàn đối nội quốc gia, nói cách khác, khách thể của tội gián điệp là sự ổn định tình hình đối nội đối ngoại của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

2.2. Mặt khách quan của tội phạm

Khoản 1 Điều 110 Bộ luật hình sự quy định 03 hành vi cấu thành tội gián điệp như sau:

a) Hoạt động tình báo, phá hoại hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hoạt động tình báo là hoạt động điều tra, thu nhập tin tức về đường lối, chính sách, chủ trương của Nhà nước cũng như về thực tế tình hình kinh tế, văn hóa, chính trị, quân sự, ngoại giao,...của Việt Nam bằng nhiều cách thức khác nhau và người nước ngoài sử dụng những tin tức này để chống phá nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Hoạt động phá hoại gồm hành vi phá hoại cơ sở vật chất, phá hoại việc thực thi các chính sách kinh tế xã hội đất nước, phá hoại chính sách đoàn kết mà Đảng và Nhà nước đã gây dựng.

Hành vi gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại là hành vi chuẩn bị điều kiện cần thiết cho hoạt động tình báo, phá hoại như tuyển chọn, thu hút người vào mạng lưới gián điệp, làm nhiệm vụ liên lạc chuyển tin, phá hoại về địa điểm được chỉ định,...

b) Gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài; hoạt động thám báo, chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại.

Gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài. Hành vi gây cơ sở là những hành vi đã được phân tích nêu trên, là những hành vi chuẩn bị điều kiện cần thiết cho hoạt động tình báo, phá hoại. Tuy nhiên theo ý của Điều luật này, hỏa động gây cơ sở trên phải được chỉ đạo của nước ngoài mới cấu thành tội gián điệp.

Hoạt động thám báo là hoạt động của những tên gián điệp được các tổ chức gián điệp nước ngoài cử đến Việt Nam thu thập tình báo về quân sự bằng cách quan sát, chụp ảnh, vẽ sơ đồ hoặc bắt cán bộ, bộ đội để khai thác các bí mật quốc phòng nhằm phục vụ âm mưu gây chiến tranh cho đất nước.

Hành vi chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại. Chỉ điểm là việc dùng ám hiệu để báo cho người nước ngoài biết nơi cần thu thập thông tin tình báo, phá hoại,... thực hiện các hành vi gián điệp. Chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác là những hành vi của người Việt Nam, tạo điều kiện cần thiết cho người nước ngoài ẩn náu, có thêm phương tiện để hoạt động tình báo, phá hoại.

c) Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài. Trong trường hợp này, người phạm tội đã cung cấp những bí mật của Nhà nước hoặc đã thu thập những bí mật của Nhà nước đợi đến khi có điều kiện sẽ cung cấp ra nước ngoài. Người phạm tội này đã biết rõ những thông tin trên là bí mật quốc gia. Tài liệu mà người phạm tội cung cấp hoặc thu thập được có ích đối với nước ngoài hay không cũng không có ý nghĩa định tội. Dù tài liệu đó không có ích nhưng nó là bí mật nhà nước và người đó đã cung cấp cho nước ngoài, thì người đó đã phạm tội gián điệp.

Theo Điều 2 Luật bảo vệ bí mật Nhà nước số: 29/2018/QH14 ngày 15 tháng 11 năm 2018 quy định: “Bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật này, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.” Những bí mật này được chứa đựng bằng nhiều hình thức khác nhau bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác.

Những người làm nhiệm vụ cất giữ, trông coi phương tiện hoạt động gián điệp hoặc làm nhiệm vụ liên lạc với tổ chức gián điệp để cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài cũng là phạm tội gián điệp với vai trò đồng phạm.

- Thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngoài những thông tin đã phân tích ở trên, nhà làm luật dự trù những thông tin, tài liệu khác có thể xuất hiện về sau có thẻ sử dụng nhằm giúp người nước ngoài chống phá đất nước Việt Nam.

Đối với hành vi thu thập, cung cấp những tin tức, tài liệu khác thì phải làm rõ khi thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu ấy người đó biết rằng nước ngoài sử dụng để chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nếu không làm rõ được mục đích này thì không có cơ sở kết luận họ phạm tội gián điệp.

Tội gián điệp là loại tội phạm có cấu thành hình thức nên tội phạm được coi là hoàn thành từ rất sớm – khi nhận sự chỉ đạo của nước ngoài để hoạt động gián điệp đã được coi là tội phạm hoàn thành. Trường hợp chuẩn bị phạm tội xảy ra khi người phạm tội chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thực hiện tội gián điệp. Ví dụ như người đó chuẩn bị thu thập tư liệu bí mật với mục đích cung cấp nhưng tư liệu đó cho nước ngoài nhưng chưa kịp thực hiện đã bị phát hiện, truy tố.

2.3. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội gián điệp là người có năng lực trách nhiệm hình sự (năng lực nhận thức và năng lực làm chủ hành vi) và đạt đủ độ tuổi theo điều 12 Bộ luật hình sự (người từ đủ 16 tuổi trở lên). Tùy từng hành vi mà chủ thể của hành vi có thể là người Việt Nam, người nước ngoài hoặc người không có quốc tịch.

- Chủ thể của hành vi hoạt động tình báo, phá hoại hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người nước ngoài, người không có quốc tịch bởi họ hoạt động phục vụ cho tổ chức nước ngoài hoặc nhà nước nước ngoài, họ được chủ đến Việt Nam để hoạt động tình báo hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo, chống phá nhà nước Việt Nam.

- Gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài; hoạt động thám báo, chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại. Trường hợp này gồm hai hành vi với 02 chủ thể là công dân Việt Nam tạo điều kiện cho hoạt động tình báo phá hoại ở Việt Nam và người nước ngoài, người không quốc tịch thực hiện hành vi báo thám.

- Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chủ thể thực hiện hành vi này chỉ có thể là Công dân Việt Nam bởi chỉ có công dân Việt Nam mới có cơ hội được tiếp cận với những thông tin là bí mật của nhà nước Việt Nam.

2.4. Mặt chủ quan của tội phạm

Các hành vi được miêu tả cấu thành tội gián điệp đã thể hiện rõ mục đích xâm phạm đến tình hình chính trị, an ninh, tình hình đối nội đối ngoại của nước Việt Nam. Do đó yếu tố lỗi là lỗi cố ý, người phạm tội hoàn toàn có thể nhìn thấy trước hậu quả hành vi của mình gây ra, nhưng vẫn thực hiện nó. Vì vậy, những hành vi do vô ý, thiếu trách nhiệm để lộ thông tin nhà nước không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội gián điệp. Tuy nhiên việc để lộ bí mật nhà nước, người để lộ vẫn phải chịu các tội khác theo quy định của Luật bảo vệ bí mật Nhà nước số: 29/2018/QH14 ngày 15 tháng 11 năm 2018.

3. Hình phạt của tội gián điệp

Điều 110 quy định 04 khung hình phạt đối với tội gián điệp như sau:

- Khung hình phạt cơ bản: có mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

- Khung hình phạt giảm nhẹ có mức phạt từ 05 năm đến 15 năm tù. Đây là những trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ (phạm tội lần đầu, tự thứ, thành khẩn khai báo,...)

- Khung hình phạt áp dụng đối với người chuẩn bị phạm tội quy định hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

- Miễn trách nhiệm hình sự áp dụng với người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Vụ án xét xử về tội gián điệp

Trên thực tế, Việt Nam đã xét xử vụ án về tội gián điệp, bản án số 109/2018/HSST ngày 16/04/2018, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm vụ án bị cáo Nguyễn Hoàng D về tội gián điệp và cưỡng đoạt tài sản. Trong đó hành vi hoạt động gián điệp của Nguyễn Hoàng D như sau:

Trong các ngày 20/9/2016, ngày 22/9/2016, ngày 29/9/2016 và ngày 30/9/2016, Nguyễn Hoàng D liên tục dùng điện thoại; địa chỉ email gọi điện; gửi tin nhắn chào bán các tài liệu mà Nguyễn Hoàng D thu thập được với nội dung: Hiện tại Nguyễn Hoàng D đang có tài liệu mật của Bộ Công an Việt Nam cần bán và đề nghị liên lạc lại với Nguyễn Hoàng D nhưng không nhận được phản hồi của Đại sứ nước ngoài nơi Nguyễn Hoàng D gọi điện và nhắn tin đến. Tiếp đó cũng trong ngày 30/9/2016, Nguyễn Hoàng D vào mạng Facebook của các cá nhân nước ngoài nhắn tin với nội dung chào bán các tài liệu mật của Bộ Công an Việt Nam nhưng cũng không nhận được phản hồi.

Sáng ngày 02/10/2016, Nguyễn Hoàng D bị Công an nước CPC bắt giữ, bàn giao lại cho Công an Việt Nam. Trên đường đi, Nguyễn Hoàng D bẻ gãy ½ chiếc đĩa và khi về đến Cục KTNV, đã dấu chiếc đĩa dưới gầm làm việc của anh Vũ Văn Đ, Phó Trưởng Phòng B, Cục KTNV.

Kết quả điều tra đã xác định: Tài liệu mà Nguyễn Hoàng D đã tự ý sao chép vào đĩa CD là tài liệu nghiệp vụ của Bộ Công an. Đây là tài liệu “Mật” thuộc danh mục “Bí mật Nhà nước” do Cục KTNV quản lý trong lĩnh vực an ninh quốc phòng; các số điện thoại 023720921, 012810928 và hộp thư điện tử “china [email protected]” mà Nguyễn Hoàng D đã liên lạc, trao đổi nhằm cung cấp tài liệu “Mật” là số điện thoại và email của tổ chức nước ngoài đặt tại CPC; các cá nhân nước ngoài mà Nguyễn Hoàng D đã liên lạc nhằm chuyển giao tài liệu “Mật” là các cá nhân đang làm việc cho tổ chức nước ngoài.

Hành vi chào bán thông tin “mật” của Nguyễn Hoàng D tuy rằng mục đích là để có tiền đánh bạc tuy nhiên Nguyễn Hoàng D nguyên là cán bộ Đội C, Phòng B, Cục KTNV - Bộ Công an, D buộc phải nhận thức được hậu quả hành vi mình gây ra có thể gây nguy hại đến tình hình đối nội đối ngoại của Việt Nam. Đặc biệt là một chiến sĩ công an, D càng phải có nhận thức rõ ràng về tội gián điệp có mức hình phạt nặng như thế nào. Do đó, theo bản án, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã xử bị cáo 07 năm tù giam.

Luật Hoàng Anh

Từ khóa » Tội Gián điệp