Tội Phá Hoại Hòa Bình, Gây Chiến Tranh Xâm Lược Là Gì?

1. Căn cứ pháp lý

Điều 421 thuộc Chương XXVI Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định về tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy như sau:

“Điều 421. Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược

1. Người nào tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược hoặc chuẩn bị, tiến hành, tham gia chiến tranh xâm lược nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền khác, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

2. Phạm tội trong trường hợp do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.”

2. Dấu hiệu pháp lý của tội phá hoạt hòa bình, gây chiến tranh xâm lược

2.1. Khách thể của tội phạm

Chiến tranh xâm lược là cuộc đấu tranh vũ trang có tổ chức giữa các đơn vị chính trị đối kháng và gây ra hậu quả đáng kể. Theo đó, chiến tranh xâm lược phải gồm 2 bên là hai quốc gia, hoặc vùng lãnh thổ khác nhau trong đó có một bên muốn xâm chiếm bên còn lại. Ví dụ điển hình nhất đó là cuộc chiến tranh xâm lược của Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ đối với nước Việt Nam ta suốt những năm tháng thuộc thế kỉ XX.

Chiến tranh xâm lược vừa là nguồn gốc vừa là môi trường thực hiện các tội chống loài người, tội phạm chiến tranh, tội tuyển mộ lính đánh thuê và tội làm lính đánh thuê. Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành chiến tranh kẻ phạm tội có thể phải tuyển mộ và huấn luyện lính đánh thuê, còn trong thời kỳ chiến tranh mới có tội phạm chiến tranh.

Chiến tranh xâm lược trước hết xâm phạm độc lập, chủ quyền của một hoặc một số quốc gia. Đồng nghĩa với nó là phá hoại hoà bình ở một quốc gia, ở một khu vực. Nếu không kịp thời ngăn chặn, có thể cuộc chiến tranh sẽ lan rộng ra nhiều quốc gia trở thành chiến tranh thế giới và phá hoại nền hoà bình thế giới.

Vì vậy, khách thể của tội phạm là nền hoà bình ở một khu vực và hoà bình thế giới; độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của một hay nhiều quốc gia (tuỳ thuộc vào quy mô của cuộc chiến tranh).

2.2. Mặt khách quan của tội phạm

Mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở các hành vi: tuyên truyền, kích động, chuẩn bị, tiến hành, tham gia chiến tranh xâm lược.

Tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược là hành vi đi ngược lại nguyên tắc cấm đe doạ bằng vũ lực và sử dụng vũ lực được quy định tại Hiến chương Liên hợp quốc. Theo quy định tại các khoản 2-3 Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc thì: "Tất cả các thành viên Liên hợp quốc giải quyết các tranh chấp quốc tế của họ bằng biện pháp hoà bình, sao cho không tổn hại đến hoà bình, an ninh quốc tế và công lý; tất cả các thành viên Liên hợp quốc từ bỏ đe doạ bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất cứ quốc gia nào".

Đối tượng tuyên truyền, kích động là nhân dân nước đi xâm lược, nước bị xâm lược. Kẻ phạm tội cùng một lúc có thể tuyên truyền, kích động nhân dân trong nước hoặc nhân dân nước ngoài hoặc có thể tuyên truyền kích động cả hai.

Hình thức tuyên truyền, kích động có thể bằng lời nói, hoặc phim ảnh, tài liệu.

Phương tiện kích động tuyên truyền bao gồm: phương tiện thông tin đại chúng, phim ảnh; tại hội nghị hoặc phát biểu trước đám đông...

Chuẩn bị chiến tranh xâm lược là làm những công việc chuẩn bị các điều kiện vật chất, tinh thần hoặc tạo ra các nguyên cớ để tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược. Chuẩn bị chiến tranh cũng có thể là việc lập kế hoạch tấn công, xâm chiếm, dồn dịch lực lượng, chuyển quân tới áp sát biên giới nước định tấn công, hướng vũ khí tấn công từ xa (như: vũ khí hạt nhân, tên lửa tầm xa...) về phía quốc gia mà kẻ phạm tội chuẩn bị xâm lược. Tiến hành chiến tranh xâm lược là trực tiếp tiến công xâm lược nước khác bằng lực lượng vũ trang, phương tiện kỹ thuật quân sự. Khi tiến hành chiến tranh xâm lược, kẻ tiến hành chiến tranh có thể tiến vào sâu trong lãnh thổ nước bị xâm lược. Hoặc có thể ở bên ngoài lãnh thổ nước bị xâm lược và dùng phương tiện kỹ thuật quân sự để bắn phá vào lãnh thổ nước bị xâm lược.

Hành vi tiến hành chiến tranh xâm lược có thể xảy ra đồng thời với sự tuyên chiến của kẻ phạm tội nhưng kẻ tiến hành chiến tranh cũng có thể không tuyên chiến. Tham gia chiến tranh xâm lược là hành vi của nước thứ ba đứng ngoài cuộc xung đột nhưng tham gia vào các hoạt động chiến tranh như: cung cấp của cải, vật chất, vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự cho kẻ tiến hành chiến tranh; giúp cố vấn quân sự cho kẻ tiến hành chiến tranh; cho mượn, cho thuê lãnh thổ để kẻ tiến hành chiến tranh tập kết lực lượng hậu cần, tiến hành chiến tranh hoặc cho quân đội của mình tham chiến cùng với kẻ tiến hành chiến tranh.

Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược là tội phạm có cấu thành hình thức. Hậu quả không phải dấu hiệu định tội. Tội phạm hoàn thành khi có một trong những hành vi tuyên truyền, kích động, chuẩn bị, tiến hành, tham gia chiến tranh xâm lược xảy ra.

2.3. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm là người từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự.

Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.

Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều luật quy định tội phạm cụ thể không bao gồm tội phạm thuộc chương XXVI - tội phá hoại hoài bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh. Do đó, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội quy định tại Điều 421 Bộ luật hình sự là người từ đủ 16 tuổi trở lên.

Họ có thể là công dân Việt Nam hoặc công dân nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngoài ra, những người phạm các tội này thường là những người có thẩm quyền trong bộ máy chiến tranh hoặc là người trực tiếp tham gia thực hiện các hành vi phạm tội đó. Theo quy định tại Điều 28 và Điều 61 Bộ luật hình sự, thì chủ thể của các tội phá hoại hoà bình chống loài người và tội phạm chiến tranh không được hưởng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và thời hiệu thi hành án.

Chủ thể của tội phạm có thể là cá nhân thực hiện tội phạm một mình nhưng cũng có thể là nhiều người cùng thực hiện tội phạm. Trường hợp nhiều người thực hiện cùng một tội phạm được quy định theo Điều 17 Bộ luật Hình sự:

“Điều 17. Đồng phạm

1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.”

2.4. Mặt chủ quan của tội phạm

Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức được hành vi phá hoại hoà bình, gây chiến tranh xâm lược do mình thực hiện là nguy hiểm, thấy trước hậu quả của hành vi đó là đe doạ, huỷ hoại hoà bình, xâm phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước khác và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra. Mục đích của tội phạm là chống lại độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước bị xâm lược. Đây là dấu hiệu bắt buộc về mặt chủ quan của cấu thành tội phạm.

Do vậy, hành vi tiến hành chiến tranh nhằm chống lại nước đi xâm lược sẽ không phải là tội phạm. Đó là hành vi tự vệ chính đáng của quốc gia bị xâm lược.

3. Hình phạt đối với người phạm tội phá hoạt hòa bình, gây chiến tranh xâm lược

Điều 421 Bộ luật Hình sự quy định 02 khung hình phạt đối với người phạm tội như sau:

- Khung hình phạt phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình đối với người tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược hoặc chuẩn bị, tiến hành, tham gia chiến tranh xâm lược nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền khác.

- Khung hình phạt phạt tù từ 10 năm đến 20 năm đối với người phạm tội trong trường hợp do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên.

Luật Hoàng Anh

Từ khóa » Sự Xâm Lược Là Gì