Tội Vi Phạm Quy định Về Xuất Cảnh, Nhập Cảnh; Tội ... - Luật Hoàng Anh
1. Căn cứ pháp lý
Điều 347 Chương XXII Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép như sau:
“Điều 347. Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép
Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”
2. Dấu hiệu pháp lý của tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép
Điều 347 Bộ luật Hình sự quy định 02 tội phạm riêng biệt là tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh và tội ở lại Việt Nam trái phép.
Xuất cảnh, nhập cảnh trái phép là hành vi ra khỏi biên giới Việt Nam hoặc vào lãnh thổ Việt Nam không có giấy phép theo quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh.
Ở lại Việt Nam trái phép là hết hạn ở Việt Nam nhưng không ra khỏi Việt Nam.
2.1. Khách thể của tội phạm
Tội xuất cảnh, nhập cảnh trái phép là tội xâm phạm đến hoạt động quản lý hành chính về lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2.2. Mặt khách quan của tội phạm
* Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh
Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi xuất cảnh và nhập cảnh trái phép.
Theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của Công dân Việt Nam năm 2019, Xuất cảnh là việc công dân Việt Nam ra khỏi lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam.
Nhập cảnh là việc công dân Việt Nam từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam.
Xuất cảnh trái phép là ra khỏi biên giới Việt Nam mà không có giấy phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Hành vi này trước đây thường gọi là “trốn ra nước ngoài”. Hành vi xuất cảnh trái phép xảy ra tương đối phổ biến vào những năm sau khi miền Nam giải phóng, nhưng hiện nay hành vi xuất cảnh trái phép không còn phổ biến như trước, nếu có thì cũng chủ yếu là đi liền với hành vi phạm tội khác như: tổ chức người khác trốn đi nước ngoài; buôn bán phụ nữ đưa ra nước ngoài hoặc sau khi phạm tội bị phát hiện, bị truy nã nên đã trốn ra nước ngoài để trốn tránh trách nhiệm.
Nhập cảnh trái phép là từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam không được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước Việt Nam. Nếu trước đây hành vi xuất cảnh trái phép là phổ biến thì hiện nay hành vi nhập cảnh trái phép lại xảy ra nhiều. Người nhập cảnh trái phép thường là người nước ngoài, họ vào Việt Nam bằng nhiều hình thức khác nhau và từ Việt Nam đi nước thứ ba với nhiều mục đích khác nhau. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người nhập cảnh trái phép lại chính là người Việt Nam nhưng họ đã ra nước ngoài làm ăn sinh sống, thậm chí đã nhập quốc tịch của nước sở tại, khi về Việt Nam không đựơc các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước Việt Nam cũng như Nhà nước sở tại cấp thị thực.
Không coi là nhập cảnh trái phép đối với người Việt Nam phạm tội sau đó trốn ra nước ngoài sau một thời gian lại trở về Việt Nam.
Để được xuất nhập cảnh, người xuất nhập cảnh phải có đầy đủ giấy tờ theo quy định tại Điều 6 và Điều 7 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân:
“Điều 6. Giấy tờ xuất nhập cảnh
1. Giấy tờ xuất nhập cảnh bao gồm:
a) Hộ chiếu ngoại giao;
b) Hộ chiếu công vụ;
c) Hộ chiếu phổ thông;
d) Giấy thông hành.
2. Hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc không gắn chíp điện tử cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên. Hộ chiếu không gắn chíp điện tử được cấp cho công dân Việt Nam chưa đủ 14 tuổi hoặc cấp theo thủ tục rút gọn.
3. Thông tin trên giấy tờ xuất nhập cảnh bao gồm: ảnh chân dung; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; ký hiệu, số giấy tờ xuất nhập cảnh; ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp; ngày, tháng, năm hết hạn; số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân; chức vụ, chức danh đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ phù hợp với yêu cầu đối ngoại.”
“Điều 7. Thời hạn của giấy tờ xuất nhập cảnh
1. Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ có thời hạn từ 01 năm đến 05 năm; có thể được gia hạn một lần không quá 03 năm.
2. Thời hạn của hộ chiếu phổ thông được quy định như sau:
a) Hộ chiếu phổ thông cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm và không được gia hạn;
b) Hộ chiếu phổ thông cấp cho người chưa đủ 14 tuổi có thời hạn 05 năm và không được gia hạn;
c) Hộ chiếu phổ thông cấp theo thủ tục rút gọn có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn.
3. Giấy thông hành có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn.”
* Tội ở lại Việt Nam trái phép
Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi ở lại Việt Nam trái phép.
Ở lại Việt Nam trái phép là hết thời hạn ở Việt Nam nhưng vẫn không chịu rời khỏi Việt Nam.
Hành vi ở lại Việt Nam trái phép chủ yếu là người nước ngoài, người không có quốc tịch đến Việt Nam bằng con đường hợp pháp như: đến Việt Nam học tập, lao động, công tác, tham quan, du lịch, thăm thân… nhưng sau khi hết hạn đã không rời khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người Việt Nam đang học tập, lao động, công tác ở nước ngoài được về Việt Nam nghỉ phép nhưng hết hạn không chịu rời khỏi Việt Nam.
Không coi là ở lại Việt Nam trái phép đối với người nước ngoài bị Toà án áp dụng hình phạt trục xuất, nhưng cố tình không rời khỏi Việt Nam, mà trường hợp này nếu xảy ra thì thuộc trường hợp không chấp hành án quy định tại Điều 380 Bộ luật hình sự.
Hậu quả cũng không phải là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này, nhưng nếu hậu quả do hành vi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc trốn ở lại Việt Nam trái phép gây ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì hoặc là người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm khác hoặc phải bị xử phạt nặng hơn người phạm tội chưa gây ra hậu quả.
Người thực hiện hành vi xuất nhập cảnh trái phép lần đầu chưa phải chịu trách nhiệm hình sự, những vẫn bị xử lý hành chính. Tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm có hành vi xuất, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2.3. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm này không phải chủ thể đặc biệt. Bất kì ai cũng có thể trở thành chủ thể của tội vi phạm quy chế về khu vực biên giới. Họ có thể là người Việt Nam, người nước ngoài hoặc người không quốc tịch.
Ngoài ra, chủ thể của tội phạm phải thỏa mãn điều điện là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên.
Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.
Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều nhưng không có điều nào thuộc Chương XXII Bộ luật hình sự. Như vậy chủ thể của tội vi phạm quy chế về khu vực biên giới là người từ đủ 16 tuổi trở lên.
2.4. Mặt chủ quan của tội phạm
Tội phạm được thực hiện bởi lỗi cố ý, có thể là cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi mình đang làm là xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc trốn ở lại Việt Nam trái phép những vẫn cố ý muốn thực hiện.
Động cơ, mục đích thì tuỳ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi người, có người vì đoàn tụ gia đình, có người vì chuyện làm ăn kinh tế, có người vì trốn tránh tội lỗi… nhưng nếu xuất cảnh trái phép vì mục đích chống lại Nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì hành vi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép cấu thành tội trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân quy định tại Điều 121 Bộ luật hình sự.
3. Hình phạt đối với người phạm tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép
Điều 347 Bộ luật Hình sự quy định duy nhất 01 Khung hình phạt đối với người phạm tội như sau: phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
4. Vụ án xét xử về tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép
Bản án số 65/2021/HS-ST ngày 05-8-2021 “V/v xét xử Bị cáo Phó thị N phạm tội vi phạm quy định về xuất cảnh” của Tòa án nhân dân huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.[1]
Hồi 14 giờ 00 ngày 20/7/2021, Đồn Biên phòng cửa khẩu Trà Lĩnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng tổ chức tiếp nhận 04 phụ nữ Việt Nam gồm có: Phó Thị N; Nguyễn Thị H2; Nguyễn Thị H3; Đỗ Thị D do Đại đội quản lý biên giới Tịnh Tây, Trung Quốc trao trả qua cửa khẩu Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Tiến hành lấy lời khai bốn người phụ nữ trên đều thừa nhận tự ý xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê, khi đang đi vào địa phận đất Trung Quốc thì bị lực lượng chức năng Trung Quốc bắt giữ, sau đó đã bị trao trả về Việt Nam qua Cửa khẩu Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.
Quá trình điều tra xác định được: Đây là lần thứ hai N xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Trước đó khoảng tháng 11/2020 Phó Thị N tựý xuât cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê, đến cuối tháng 01/2021 bị lực lượng chức năng Trung Quốc bắt. Ngày 04/02/2021 được trao trả về Việt Nam qua cửa khẩu Lý Vạn, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng. Tại đây, Phó Thị N bị Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lý Vạn, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xuất, nhập cảnh trái phép với số tiền 4.000.000đ (bốn triệu đồng). Phó Thị N bị đưa đi cách ly, sau đó trở về địa phương sinh sống. Đến ngày 18/7/2021, Phó Thị N tiếp tục đi từ tỉnh Quảng Ninh đến huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Khi đang trên đường vào nội địa Trung Quốc, N bị lực lượng chức năng Trung Quốc bắt giữ lần 2, sau đó bị trao trả về Việt Nam qua cửa khẩu Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng ngày 20/7/2021.
Ngày 23/7/2021, Phó Thị N bị Đồn Biên phòng Cửa khẩu Trà Lĩnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi “Vi phạm quy định về xuất cảnh” theo Điều 347 Bộ luật hình sự. Trong quá trình điều tra, xác minh xác định được đây là vụ án ít nghiêm trọng, chứng cứ rõ ràng nên ngày 25/7/2021, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Trà Lĩnh quyết định áp dụng theo thủ tục rút gọn và chuyển toàn bộ hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng để truy tố theo thẩm quyền.
Đối với 03 công dân bị bắt cùng N do không đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Trà Lĩnh ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất nhập cảnh theo quy định và được chuyển vào trung tâm cách ly Y tế phòng chống dịch theo quy định.
Khi thực hiện hành vi xuất, nhập cảnh trái phép bị cáo N là người có đầy đủ năng lực hành vi, năng lực chịu trách nhiệm hình sự và hoàn toàn nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, biết vi phạm mà vẫn thực hiện là cố ý phạm tội. Hành vi của bị cáo đã trực tiếp xâm phạm đến trật tự quản lý trong lĩnh vực xuất, nhập cảnh của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Như vậy, hành vi của bị cáo có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Do đó, Viện kiểm sát nhân dân huyện Trùng Khánh truy tố N về tội “Vi phạm quy định về xuất cảnh” theo Điều 347 là có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.
Như vậy, Tòa án nhân dân huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng quyết định tuyên bố Bị cáo Phó Thị N phạm tội “Vi phạm quy định về xuất cảnh” xử phạt bị cáo N 10.000.000đ (mười triệu đồng chẵn) để sung công quỹ Nhà nước.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Bộ luật Hình sự
Luật Hoàng Anh
[1] https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta771598t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập ngày 25/09/2021
Từ khóa » Tội 347
-
Tội Vi Phạm Quy định Về Xuất Cảnh, Nhập Cảnh; Tội ở Lại Việt Nam Trái ...
-
Hướng Dẫn Nghiệp Vụ áp Dụng Các điều 347, 348 Và 349 Bộ Luật ...
-
Điều 347 Bộ Luật Hình Sự Quy định Tội Vi Phạm Quy định Về Xuất Cảnh ...
-
Quy định Của Pháp Luật Về Xử Lý Hành Vi Xuất Cảnh, Nhập Cảnh Trái ...
-
VKSNDTC Hướng Dẫn áp Dụng Điều 347, 348, 349 Bộ Luật Hình Sự
-
VKSNDTC Hướng Dẫn áp Dụng Các Điều 347, 348 Và 349 Bộ Luật ...
-
Công Văn 1557/VKSNDTC-V1 Hướng Dẫn áp Dụng Điều 347, 348 ...
-
Bộ Trưởng Công An: Trấn áp Mạnh Tội Phạm Ma Túy, Mua Bán Người
-
Tội Vi Phạm Quy định Về Xuất Cảnh Nhập Cảnh - Điều 347
-
Tội Phạm - Tìm Kiếm - Trang 347 - Tin Tức
-
Chế Tài Xử Lý Tội Phạm Tổ Chức, Môi Giới Xuất Nhập Cảnh Trái Phép
-
Kết Quả Thực Hiện Chiến Lược Quốc Gia Phòng, Chống Tội Phạm Gđ ...
-
TP.HCM Xử Lý 347 Trường Hợp Ném Chất Bẩn, Dùng SIM Rác 'khủng Bố'
-
VKSND Tối Cao Hướng Dẫn Nghiệp Vụ áp Dụng Các Điều 347, 348 Và ...