Toilet Xưa Và Nay - VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

VƯƠNG-TRÍ-NHÀN Trang chủphiem luan Toilet xưa và nay tháng 8 15, 2013 edit 0 Trong khi lc li đống giy t và các bài báo cũ , tôi tìm thy bài viết sau đây, viết dưới dng tr li phng vn vàđã in mt tp chí có liên quan đến mt hay thi trang mà nay tôi đã quên tên và năm tháng (ch nh bài viết khong 2007.) Nhân đọc thy vui vui, xin gii thiu li vi bn đọc. Riêng có lời cám ơn tới tờ báo và bạn phóng viên đã gợi ý tôi viết. Được biết trong những vấn đề được ông quan tâm, khi nghiên cứu văn hoá, có cả câu chuyện toilet. Xin ông cho biết lý do gì mà ông lại có sự chú ý tới nó như vậy? Tôi thấy ở Việt Nam cứ nói đến văn hóa thì nghĩ đến những chuyện cao xa trừu tượng, hoặc hoa lá cành cờ đèn kèn trống. Trong khi đó phong cách sống của mỗi cộng đồng, bao gồm suy nghĩ, ăn ở, đi lại… tất cả những cái đó đều là văn hóa. Một nhà nghiên cứu Trung quốc là ông Kim Văn Học (Kim Wen Xue) đang dạy đại học ở Nhật, viết sách so sánh văn hóa Trung Hoa Hàn Quốc và Nhật Bản, từng nói tới cả cách sử dụng toilet và cách trang trí phòng tắm của mỗi nước. Bản thân tôi, khi đọc sách và đi du lịch ở nước ngoài thường quan sát xem các hiện tượng như nước thải rác đã được người ta giải quyết ra sao. Sự chú ý tới toilet là nằm trong cái mạch đó. Trong cuốn sách nói trên ( đã được dịch ra tiếng Việt ), Kim Wen Xue cho biết toilet của Hàn Quốc là phòng hóa trang, vào đó đọc sách và suy nghĩ; còn ở Nhật, chỉ riêng hương liệu và nước thơm cao cấp dùng trong toilet cũng đã có mấy chục loại. Theo Kim Wen Xue, một nhà văn hóa Trung Quốc đã nói: “Tư thế và cái mông là thước đo quan trọng có thể đánh giá được mức độ thành thục của một loại văn hóa ; có thể sánh nó với lễ tiết của dân tộc”. Một nhà văn khác đã miêu tả dáng vẻ con người trong nhà xí: “Chân đạp hai hòn gạch, du nhàn ngắm Nam Sơn”. Thế còn ở VN, đại khái tình hình ra sao ? Hãy bắt đầu bằng ngôn từ. Ai đã đi Trung quốc đều biết, ngoài chữ W. C., bên ấy họ thường gọi nhà vệ sinh là cè suo tức xí sở, hoặc xỉ shou jian tức tẩy thủ gian-- nơi rửa tay. Còn ở ta, người mình thậm chí không có cái tên nào để gọi cái nơi ấy cả. Cái chữ “xí” là do ta mượn của họ. Có vẻ như người Việt rất coi thường chuyện này, ai cũng phải làm, nhưng không ai muốn nói tới. Nó nằm trong một căn bệnh lớn hơn là bệnh cẩu thả, sống thế nào cũng xong. Bạn có nhớ cái câu “Thứ nhất quận công, thứ nhì ỉa đồng”? Người mình thích xả chất thải ra tự nhiên chung quanh một cách vô tội vạ như vậy, coi đó mới là khôn là biết sống. Bừa bãi là một cách để chứng tỏ mình hơn người và mình bất cần đời. Nên nhớ thời xưa, trong ngôi nhà của người Việt mình, các phòng không có sự ngăn cách, mỗi cá nhân không có khoảng không riêng. Điều này đánh dấu trình độ sống đơn giản, con người chưa tách khỏi nhau, mà còn sống lẫn với nhau. Theo tôi quan sát, xu thế sống bày đàn thế này còn tiếp tục trong đời sống hiện đại. Trong khi đặt văn hóa toilet trong văn hóa sinh hoạt chung của mỗi cộng đồng, ông đã có những thu hoạch gì ? Thường tôi rất quan tâm tìm hiểu xem người Việt Nam dưới con mắt người nước ngoài như thế nào. Nhiều khi chúng ta viết về chúng ta thì còn hơi e ngại. Nhưng đọc nhiều tài liệu của nước ngoài viết về ta thì thấy không có gì giấu được thiên hạ. Trong cuốn Tây hành nhật ký, ông Phạm Phú Thứ kể chuyện một chuyến ngồi tầu thủy sang Tây. Người châu Âu hồi đó họ hay chê Việt Nam nhiều người ghẻ lở, bẩn. Khi tàu cập bến một thành phố bên Trung Đông, họ bảo ông Thứ nên bắt mọi người tắm rửa sạch sẽ, bôi thuốc, rồi mới cho lên bờ. Nhìn ra dân các xứ khác. Người Nhật sạch không chê vào đâu được, còn người Tàu thì luôn luôn cực đoan: bẩn nhất trần gian, sạch cũng không kém ai. Dân ta còn mức sống thấp, cuộc sống phụ thuộc vào thiên nhiên, gặp đâu hay đấy. Cũng giống như chuyện làm ăn thôi. Tôi đọc một tài liệu Trung Quốc nói về Việt Nam từ thế kỷ XVII : họ chê ta nhà cửa qúa sơ sài, ăn ngủ tạm bợ. Người thợ thủ công của các nước thường làm việc trên bàn, có ghế ngồi đàng hoàng, còn ta thì cứ ngồi bệt ngay xuống đất, không có quy củ. Đại tiểu tiện cũng là nằm trong cái tình hình chung đó. Xin ông nói rõ hơn về tâm lý con người trong chuyện này? Thời xưa người ta coi việc đại tiện thuộc một trong bốn “tứ khoái” nói nôm na bao gồm ăn ngủ đụ ỉa. Trong việc làm người, đó là những phút sung sướng, và ta phải tận hưởng sự sung sướng ấy, phải đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu của cuộc sống. Cái gì cũng phải học. Thời trước, những ông già thạo đời như Nguyễn Tuân dạy chúng tôi cách ăn, ông bảo là các cậu không biết ăn, ăn lung tung là mất ngon, ăn no là hỏng… Còn chuyện vệ sinh: trong cái việc coi thường khâu này, chính là chúng ta đã không biết tận hưởng cuộc sống. Đại tiểu tiện là sự giải thoát, là niềm vui của con người, và nếu giải quyết nó một cách thông minh, không gây khó chịu, không phải là làm cho xong mà tận hưởng được nó, thì không những nó làm cho mình khỏe thêm mà còn làm cho mình ham sống và yêu cuộc sống hơn. Toilet xưa trong ký ức của ông là gì? Nó có quá… kinh khủng, hay mang chút vui buồn gì không? Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng Hà Nội trước năm 1954 là Hà Nội của chiến tranh, chỉ toàn dân ngụ cư chạy loạn. Hồi ấy dân ở rộng lắm, nhà tôi ở Thụy Khuê, một vùng ngoại ô, ba gian nhà lá trên một khoảnh đất đi thuê rộng tới gần 200 m2. Nhưng tôi nhớ rằng lúc đầu nhà tôi cũng không có nhà vệ sinh. Mỗi khi có nhu cầu, là chạy vội lên một bãi hoang phía đường Hoàng Hoa Thám tìm một chỗ nào còn sạch là tương ra. Vài năm sau, người ta xây lên ở đó một dãy nhà vệ sinh công cộng để lấy phân, nhưng chỉ là mấy tấm phên che tạm bợ và chúng tôi vẫn phải chạy ba quãng đồng để làm cái việc thường nhật đó. Hà Nội hồi trước 1954 có ông Năm Diệm chuyên làm thầu nhà xí, quản lý đội đổ thùng. Phần lớn các nhà khu phố cổ có người đến đổ thùng. Còn phần các xóm ngoại ô như Thụy Khuê thì có dân Cổ Nhuế quản. Dụng cụ nghề nghiệp của họ là đôi quang gánh và một cái gáo nhỏ làm bằng thiếc, trông như cái nón lật ngược. Lúc này nhiều gia đình đã có hố xí riêng làm ngay cạnh nhà, nhưng rất sơ sài, không phải tự hoại. Cứ độ vài hôm là có các bà Cổ Nhuế xuống lấy, mà lúc nào xuống lấy thì bẩn lắm , mùi hôi thối từ xa đã xộc vào mũi. Nghĩ lại thấy rùng mình… Tôi nhớ trong một truyện ngắn mà tôi làm biên tập, nhà văn P H A có kể lại cảnh đi “ giải quyết nỗi buồn “ ở nông thôn. Giữa cánh đồng trống trải, cứ đang đi thì có người đi qua, là phải vẫy tay để ám hiệu là đừng ra. Lâu ngày quen dần chỉ cần nói đi vẫy tay, là người ta đã biết đi đâu rồi. Nó thành một nếp sống tự nhiên, mỗi khi nhớ lại thấy vừa vui vừa buồn. Nước nào nông thôn lạc hậu chẳng vậy? Không phải nông thôn mà chính thành thị của chúng ta là vậy, thế mới bi đát. Gần đây tôi có biên tập một cuốn tiểu thuyết Trung quốc, cuốn Bố! bố! bố! của Hàn Thiếu Công. Cuốn sách này thuộc thể loại “văn học tầm căn“ ( văn học đi tìm gốc rễ) ở đó nhà văn giải thích hiện tại bằng cách quay về quá khứ. Cuộc sống của một bản làng lạc hậu kinh khủng, con người ăn ở dầm dề lung tung, sau một trận làng nọ đánh nhau với làng kia, người chết nhiều quá, chó ăn thịt người chứ không thèm ăn… phân. Khi nhận viết lời bạt cho cuốn sách đó, tôi muốn chứng minh rằng có thể tin chuyện này là có thực, bằng cách kể lại kỷ niệm về một chuyến đi Trung quốc năm 2006 -- chuyến đi cùng với anh Hàm Châu, do báo Nông thôn ngày nay của chị Mai Nhung bao. Bắc Kinh quá lớn và quá cổ, ngay khu cạnh ga có những căn nhà lụp xụp, cả xóm có vài nhà xí công cộng. Loại nhà xí này không có vách ngăn, người nọ ngồi cạnh người kia, chỉ có nam nữ tách biệt, đi qua phòng của nam thì đến phòng của nữ. Trong bài bạt, có một đoạn tôi kể cảnh đi vào một ngõ gần ga, thấy phảng phất cái mùi khó chịu, đến lúc nhận ra mấy người tay cầm mảnh giấy vo viên thì hiểu là họ đi tìm sự sung sướng … Nhưng điều buồn cười là khi tôi viết điều đó ra, người biên tập muốn cắt đi. Tôi đề nghị giữ lại. Trong chuyện nhà xí như thế, rút ra được điều này: Trung Quốc bẩn rất bẩn, sạch rất sạch, nhưng dẫu sao các điểm giải quyết đó còn có phạm vi cố định. Chứ ở VN, người ta xả lung tung, tức là cuộc sống không được tổ chức. Xin kể thêm một chi tiết về cuộc sống của Hà Nội trước năm 1954, ở phố Hàng Buồm. Thời ấy Hoa Kiều nhiều lắm và họ sống trong những ngôi nhà cũ chật chội đến mức không có cả nhà vệ sinh. Nhiều khi tiếp khách, họ ngồi ngay trên cái bô vừa chuyện trò vừa đi giải, đi đại tiện, - một cách tự nhiên. Xong việc họ đẩy cái bô vào gầm giường. Tôi biết những chuyện này là do anh Nhị Ca, nhà phê bình đàn anh của tôi ở Văn Nghệ quân đội kể lại. Còn chuyện toilet ở HN hồi trước 1975? Là món hố xí hai ngăn. Để hiểu nó là thế nào, xin mời bạn đọc đọc lại hồi ký Chiều chiều của Tô Hoài. Đọc để chia sẻ mọi nỗi kinh khủng mà người dân thủ đô chịu đựng những năm chiến tranh. Lần ấy ông Dế mèn đóng vai cán bộ dân phố đi thị sát một dãy hố xí hai ngăn thuộc một ngõ nhỏ đâu quãng gần chợ hàng Da. Chuyện toilet ở Hà Nội những năm chiến tranh lại càng cám cảnh hơn khi nhớ lại rằng hồi ấy, báo chí và quan chức thủ đô đề cập tới nó với sự gian dối bẩm sinh. Không có tiền không làm được hố xí tự hoại thì im đi cho xong. Đằng này còn mang chuyện hố xí hai ngăn ra mà khoe. Rằng chúng ta đã có cách giải quyết rất khoa học rất vệ sinh, và đấy là điều chứng tỏ ta tài ta giỏi, ta làm gì cũng hơn địch. Coi dân như trẻ con, bạ chỗ nào cũng tuyên truyền mà lại. Vâng, trong quá khứ câu chuyện đi toilet thật là vừa bi vừa hài, nhưng xin hỏi ông, tình hình hiện nay ra sao? Vào nhiều nhà HN mới xây, có nhà, diện tích ở thì rộng, mà khu vệ sinh thì chật. Có vẻ như nó hoàn toàn không được chú trọng, chỉ cốt là có, và chi phí càng ít càng tốt. Nhưng mọi chuyện sẽ biến đổi dần dần. Có lần tôi nghe một đứa cháu nói “Cậu ơi, công trình phụ bây giờ là công trình chính đấy ạ” thì tôi à lên rằng, giờ đây, người ta đã biết sống rồi ! Chừng nào ở nông thôn cũng như các đô thị có những nhà vệ sinh hiện đại, tốt, và người HN biết tận hưởng niềm vui trong khi đi giải quyết chất thải, thì khi đó là người HN đã trưởng thành. Nhìn rộng ra cả xã hội, nhất là nơi công cộng? Chuyện này thì khó khăn thật. Tôi đã thường cố gạt đi mà đôi lúc vẫn không tránh khỏi cảm tưởng Hà Nội chưa bao giờ nhếch nhác như bây giờ. Thực tế, từ cái nghèo mà người ta bẩn, có điều sau đó, khi đã giàu lên, người ta vẫn không để ý đúng mức tới sự vệ sinh. Không kể chuyện rác chuyện cống rãnh, ngay chuyên đại tiểu tiện, so với những năm chiến tranh, chẳng những không khá lên được bao nhiêu, mà có nhiều mặt còn tệ hại đi. Cô em tôi ở Nguyễn Trung Trực, ra chợ Đồng Xuân bán hàng, có lần bảo tôi: “Anh ơi, buổi sáng đi chợ, phải tránh mà đi, chứ không là giẫm phải phân ngay !”. Có bao giờ chúng ta thử đếm xem tỷ lệ nhà xí công cộng so với mật độ dân ở HN ra sao? Có lẽ trên thế giới này không có thành phố nào lại ít nhà vệ sinh công cộng như HN. Mọi người toàn giải quyết ở gốc cây, góc tối. Đói kém lâu ngày, ta đâm ra coi thường vệ sinh. Rồi khi biết ra thì bài bây, thậm chí lại lại lý tưởng hóa nó, coi nó là đặc trưng là bản sắc, không ngồi ăn bên cống rãnh không phải là người Hà Nội (!). Cách sống cũng như cách nghĩ ấy chỉ chứng tỏ HN còn là một thành phố kiểu trung cổ. Và nếu biết rằng, mỗi ngày có khoảng 500 ngàn người các tỉnh lân cận --từ bà bán rau đến anh xe ôm, anh thợ nề, máy cô quang gánh ngồi đầu phố làm phiên chợ người – tất cả đổ về HN, quần thảo HN, hành hạ HN, lại biết rằng phần lớn HN được xây dựng bằng thợ từ nông thôn lên, các cửa hàng hàng ăn HN được phục vụ bằng những ô-sin tỉnh lẻ, thì chúng ta hiểu rằng mọi chuyện không thể khác được. Quay trở lại từng gia đình : phải chăng nhìn vào toilet, có thể liên tưởng phần nào đến mức sống của gia đình đó ? Tất nhiên rồi. Nhưng chỉ là mức sống thôi, chứ không phải văn hóa sống đâu nhé ! Thành ngữ Trung Hoa có câu, y phục xứng kỳ đức . Nếu tiện nghi hiện đại mà con người cứ toát ra vẻ cổ lỗ , cứ đầy chất lưu manh vô văn hóa, thì cái tiện nghi kia không thể cứu vãn lại. Đã là văn hóa sống thì không phải bất cứ ai có tiền ngày một ngày hai là đạt được ngay ! Đâu là dấu hiệu của trình độ mà ông nghĩ là chúng ta phải tiến tới ? Nếu con người chỉ biết sống trong đám đông ồn ào, và lẫn mình đi thì chưa phải là con người văn hóa. Kể cả khi họ quần tụ với nhau xem ti vi rồi cười hô hố với nhau thì cũng vậy. Tôi muốn nhấn mạnh tới con người có cuộc sống riêng, con người đơn độc. Sở dĩ thời nay người ta đọc sách ít vì người ta không có nhu cầu đó. Và nhu cầu đơn độc này cũng liên quan đến văn hóa toilet. Chỉ có thể bảo niềm vui sướng đã đến với con người trong phòng toilet khi mỗi cá nhân, đồng thời với việc giải quyết một trong tứ khoái đó, có dịp nghĩ về mình --, mình là gì, mình đang ở chỗ nào, mình sống như thế nào. Những lúc đơn độc đó mang lại cho chúng ta một niềm sung sướng cao cả thanh khiết. Còn ông, ông thích một không gian toilet thế nào? Tôi biết hiện nay có nhiều người sùng bái tiện nghi, sau khi săn tìm được của lạ, của độc, nhiều tiền, thấy mình đã ghê gớm lắm. Đó phần nhiều cũng chỉ là hạng giàu sổi, tôi chả ghen tị với họ làm gì. Tôi đang sở hữu một không gian toilet đơn giản, hợp với mức sống của tôi. Tôi sống với nó một cách tự nhiên, vào ra không thấy bị cách bức, ngần ngại; ở đó, tôi không làm phiền ai mà cũng không tự làm phiền mình. Đang làm việc dở có khi tôi cầm cả cuốn sách theo vào đó mà tiếp tục đọc. Người ta thường bảo về già con người như trở lại thuở trẻ con, nghĩa là có thể ăn nói lung tung một chút mà không sợ bị chê cười. Về chuyện toilet hôm nay, bọn người như tôi có quyền nghĩ lẩm cẩm rằng bây giờ mình mới được sống ! Tags: phiem luan Mới hơn Cũ hơn VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Thống kê

Tìm kiếm bài viết trên Blog

LƯU TRỮ BLOG

  • 2008(56)
  • 2009(124)
  • 2010(89)
  • 2011(75)
  • 2012(76)
  • 2013(106)
  • 2014(89)
  • 2015(77)
  • 2016(72)
  • 2017(108)
  • 2018(98)
  • 2019(71)
  • 2020(38)
  • 2021(41)
  • 2022(25)
  • 2023(35)
  • 2024(28)
CÁC TRANG BLOG KHÁC> VẤN ĐỀ HỘI NHÂP VĂN HỌC VIỆT - NAM CÁC NHÀ VĂN VIỆT NAM CHÂN DUNG VĂN HỌC VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI PHÊ BÌNH-PHỎNG VẤN SỔ TAY VĂN HỌC NHÂN NÀO QUẢ ẤY THỬ PHÁC HỌA VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Từ khóa » Hình ảnh Hố Xí Ngày Xưa