Vệ Sinh đô Thị Và Chuyện đổi Thùng Xưa - An Ninh Thủ đô

  • Những vườn hoa, công viên và ghế đá đầu tiên của Hà Nội
  • Chuyện ít biết về hành chính và an ninh ở kinh thành Thăng Long từ thời Vua Lý Công Uẩn
  • Chuyện ít biết về các khách sạn Hà Nội xưa
Nghề thu dọn bồn cầu ở châu Âu năm 1950

Nghề thu dọn bồn cầu ở châu Âu năm 1950

Vệ sinh thời trước

Nửa cuối thế kỷ 19, dù dân cư ở khu vực “36 phố phường” đã đông đúc, phố xá buôn bán tấp nập, nhưng thành phố vẫn còn nhiều hồ ao xen lẫn trong khu dân cư. Và chính các hồ ao này là nơi đi vệ sinh của không ít gia đình. Tuy nhiên khi hồ ao bị lấp, nhiều gia đình buộc phải làm chỗ đi vệ sinh trong nhà.

Gia đình nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Vũ Ngọc Phan nhiều đời sống ở khu vực “36 phố phường” nên ông biết khá rõ chuyện vệ sinh ở đây. Trong cuốn “Những năm tháng không quên” về việc đi vệ sinh cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, ông viết: “Chỗ đi vệ sinh được làm ở sau cùng của căn nhà bằng cách đào hố, sau đó bắc 2 tấm ván làm chỗ ngồi. Khi phân nhiều lên thì thuê người đến lấy mang ra đổ ở hồ Gươm hay sông Hồng”.

Khi Pháp xâm chiếm Hà Nội, năm 1883 họ đã quy hoạch lại khu vực phố cổ, cho làm vỉa hè, cống thoát nước, cấm tiệt việc đi vệ sinh ra ao hồ, nơi công cộng, và bắt buộc các gia đình phải làm nơi đi vệ sinh ở trong nhà. Dù giàu hay nghèo, tất cả các hộ phải xây chỗ đi vệ sinh theo một kiểu: Mặt là gỗ (sau thay bằng xi măng) nhưng phía dưới phải có thùng đựng phân (ban đầu bằng gỗ, sau thay bằng sắt Tây), có rãnh thoát nước tiểu xuống cống thoát ra hệ thống thoát nước công cộng.

Công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội hút bùn, nạo vét cống rãnh

Công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội hút bùn, nạo vét cống rãnh

Đổi thùng là gì?

Để lấy phân, chính quyền đã tổ chức đấu thầu, ai đáp ứng được các yêu cầu và bỏ giá hợp lý sẽ trúng. Đồ nghề của phu đổ thùng là chiếc xe ba gác chở 1 thùng gỗ hình trụ cao 70cm, đường kính 40cm, cùng dây thừng, đòn gánh. Họ kéo xe đi đến các phố, nơi chủ nhà đã báo cho chủ thầu việc cần đổi thùng. Khi những người ngủ sớm đã làm được một giấc thì phu đổi thùng đẩy xe bò kẽo kẹt bắt đầu đến phố. Sở dĩ công việc chỉ làm vào ban đêm vì chính quyền sợ đổi thùng ban ngày sẽ mất vệ sinh.

Do hầu hết nhà ở khu vực phố cổ không có cửa hậu nên phu phải đi từ cửa ngoài vào, và dù khuya khoắt đến mấy thì cứ nghe đập cửa gọi đổi thùng là chủ nhà phải dậy. Để át thứ mùi khó chịu, chủ nhà thắp mấy nén hương rồi ra ngồi ngoài cửa, một phần cũng vì sợ kẻ gian lợi dụng lẻn vào ăn trộm đồ đạc. Nhiều gia chủ còn chuẩn bị sẵn mấy xu lẻ cho phu để họ làm cẩn thận hơn, ko bị rơi vãi xú uế ra nhà. Việc đổi thùng diễn ra cũng nhanh vì phu chỉ lấy chiếc thùng đã đầy ra rồi đặt thùng không vào là xong.

Thứ xú uế đó một phần phu kéo thẳng đến các vùng trồng trọt ngoại thành như Canh, Diễn, Vòng hay Láng theo thỏa thuận mua bán trước đó, phần còn lại đổ vào bể chìm. Có những người nhờ trúng thầu đổi thùng mà trở nên giàu có như nhà thầu Năm Diệm, khi ở quê ra, anh này chỉ làm công cho sở xe điện. Một chủ người Pháp khác có tên là Darty, ông này có đất cách công ty của Năm Diệm không xa (nay là khu vực để xe cứu hỏa trên đường Giảng Võ). Darty cũng cho xây bể xi măng để chứa phân bán cho chủ đầm cá hay trại rau ở xa Hà Nội.

Năm 1939, một người Việt trúng thầu và ông này có đất ở khu vực Ô Chợ Dừa ngay cạnh đầm Đơn, dân quanh vùng gọi là Trại Xia (nay là khu vực cây xăng đường Đê La Thành). Trên bờ đê, ông ta làm nhiều dãy nhà lợp tôn cho phu thuê. Giai đoạn này, phố xá được mở rộng, dân số khu vực nội thành đã lên đến 30 vạn nên chủ thầu mua lại những chiếc xe chở khách cũ cải tạo lại thành xe chở thùng. Ông ta cũng cho đóng thêm rơ-mooc và những chiếc này được đặt ở các khoảng trống trong phố.

Ngoài các công ty vệ sinh trúng thầu được phép thu dọn xú uế như đã nói trên thì các bà các cô ở một số làng vùng ven cũng làm công việc này. Cứ gà gáy canh một là họ mang theo quang gánh và chiếc gáo sắt (gáo hình chóp, có cán bằng tre dài hơn 1 mét) rủ nhau vào phố lấy phân ở các nhà vệ sinh công cộng hay những nhà không ký hợp đồng với chủ thầu. Họ lấy về để bón cho rau màu và để bán cho các hộ dân khác.

Những hố xí máy đầu tiên

Sau khi chiếm hoàn toàn Hà Nội vào năm 1883, Công sứ Hà Nội là Bonnal đã cho làm đường quanh Bờ Hồ, xây dựng các cơ quan hành chính gồm Tòa Đốc lý (nay là UBND TP), dịch vụ bưu điện, ngân hàng phục vụ việc cai trị. Ở những công trình này, lần đầu tiên xuất hiện cụm từ hố xí máy. Tức là họ đào bể phốt bên dưới sàn nhà, trong các phòng vệ sinh có chỗ ngồi bằng sứ, phía trên treo bồn nước bằng gang, đi vệ sinh xong chỉ cần giật dây xích là nước ào xuống, xú uế trôi theo đường ống xuống bể ngầm. Sau đó tất cả sẽ chảy theo rãnh thoát nước ra hệ thống cống ngầm công cộng.

Thống kê cho thấy trước năm 1930, số hồ xí máy chủ yếu là ở các tòa nhà hành chính và công thự ở đường Phan Đình Phùng, Chu Văn An, hay tư gia của người Pháp ở các phố mới xây phía nam Hồ Gươm gồm: Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Tràng Thi...

Công nhân thoát nước là những người thường xuyên làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm

Công nhân thoát nước là những người thường xuyên làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm

Đổi thùng thời bao cấp

Sau 1954, công việc đổi thùng vẫn do tư nhân đảm nhiệm, nhưng năm 1960 Nhà nước đã quốc hữu hóa thành lập Xí nghiệp vệ sinh Hà Nội. Đội xe thu dọn vệ sinh vẫn đóng ở vị trí Trại Xia ngày trước. Dù đã rất cố gắng, song dân số nội thành quá đông trong khi xí nghiệp lại không đủ phương tiện và nhân công dẫn đến nhiều khu phố dân lúc nào cũng mong mỏi công nhân đến đổi thùng. Trước thực trạng này, sinh viên nhiều trường đại học đã hăng hái tự nguyện tham gia đổi thùng phục vụ nhân dân trong “Ngày thứ 7 lao động cộng sản chủ nghĩa”.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Việc đổi thùng vẫn diễn ra hết thời kỳ bao cấp và hàng chục năm sau đổi mới. Theo thống kê của Ban quản lý phố cổ Hà Nội, đến năm 2002 vẫn còn tới gần 50% số hộ gia đình không có nhà vệ sinh riêng, nghĩa là nhiều nhà vẫn dùng chung hố xí thùng. Trước đó thì chuyện đi vệ sinh vào buổi sáng ở khu vực này thật bi hài.

Sở dĩ hàng chục hộ phải đi chung vì trước năm 1954 một số nhà là của một chủ, nhưng rồi vì nhiều lý do họ cho ở nhờ, cho thuê, từ một hộ thành ra nhiều hộ, rồi các hộ lập gia đình, sinh con nên mới dẫn đến chuyện xếp hàng đi vệ sinh vào buổi sáng. Nhưng hơn chục năm nay, ở khu vực phố cổ không còn chuyện đổi thùng vì các hộ gia đình dù nghèo cũng cố gắng bỏ tiền làm hố xí tự hoại, chấm dứt sự kém văn minh ở đô thị.

Từ khóa » Hình ảnh Hố Xí Ngày Xưa