Tóm Tắt Tông Huấn Niềm Vui Của Tin Mừng

Tóm Tắt Tông Huấn Niềm Vui Của Tin Mừng

(Evangilii Gaudium)

Antôn Nguyễn Văn Lộc

Dẫn nhập

Tông Huấn Niềm Vui Của Tin Mừng kêu gọi mọi tín hữu Công Giáo ra đi loan truyền Tin mừng trong thời đại mới của việc Phúc âm hóa. Niềm vui được đón nhận các giá trị của Tin mừng cần được chia sẻ cho mọi người bằng các cách thức khác nhau, nhờ đó muôn dân nhận ra Đức Giêsu Kitô, Đấng đem lại bình an, niềm vui và ơn cứu độ cho trần gian.

Dựa trên ý tưởng chủ đạo đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề nghị bảy chủ đề cơ bản trong Tông Huấn Niềm Vui Của Tin Mừng như là phương châm cho toàn thể Giáo hội suy tư và hành động đối với công cuộc truyền giáo trong giai đoạn mới này[1].

  1. Canh tân Giáo hội bằng cách “bước ra ngoài” cho sứ vụ truyền giáo
  2. Những cám dỗ trong hoạt động mục vụ
  3. Giáo hội được hiểu như là toàn dân Chúa phải đi rao giảng
  4. Bài giảng và việc chuẩn bị bài giảng
  5. Việc hội nhập mang tính xã hội của người nghèo
  6. Hòa bình và đối thoại xã hội
  7. Các động lực tinh thần cho sứ vụ truyền giáo

Sau đó, Đức Thánh Cha đã triển khai các chủ đề cơ bản đó trong Tông Huấn của ngài nhằm khơi dậy tinh thần truyền giáo trong toàn thể Giáo hội bằng niềm vui. Bởi thế, ngài cho rằng, “tôi không thực hiện việc này như muốn đưa ra một tiểu luận, nhưng chỉ muốn cho thấy tính chất quan trọng của các chủ đề này đối với sứ vụ truyền giáo hiện tại của Giáo hội. Tất cả chỉ để giúp vẽ lên một cách thức Phúc âm hóa và mời mọi người thực hiện trong việc chu toàn mọi hoạt động”[2]. Vậy, chúng ta cùng tìm hiểu tư tưởng của Tông Huấn qua các chủ đề cụ thể trên.

  1. Canh tân Giáo hội bằng cách “bước ra ngoài” cho sứ vụ truyền giáo (20-24)

Việc truyền giáo dựa trên mệnh lệnh của Đấng Phục Sinh: “Anh em hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Do đó, chúng ta cần một Giáo hội biết thi hành ý muốn của Thiên Chúa là hãy “ra đi”. Trong các số 20 đến 23 Tông Huấn nhắc lại các cuộc ra đi trong Kinh Thánh như là động lực cho các tín hữu “bước ra ngoài”. Điển hình là các cuộc “ra đi” của Ápraham (St 12,1-3), Môsê và dân Do Thái (Xh 3,10-17), bảy mươi môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu ra đi loan truyền Tin mừng trong niềm vui (Lc 10,17).

Việc “bước ra ngoài” cần một sự từ bỏ đích thực. Tông Huấn mời gọi chúng ta trước hết hãy mở lòng mình ra, bỏ đi những cái tôi hạn hẹp đang chèn ép con người mình, đi đến vùng ngoại vi để loan báo Tin mừng. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải chúng ta phải biết “dấn thân” phục vụ người cùng khốn trong khiêm tốn. Vì Giáo hội không thể tách rơi khỏi Đức Giêsu, Giáo hội có tương quan mật thiết với sứ mạng của Đức Giêsu nên Giáo hội phải biết đặt mình vào cuộc sống của kẻ khác, phải mặc lấy mùi chiên, chấp nhận thử thách trong vui tươi và bình an. Trong mọi hoàn cảnh, Giáo hội phải trung thành theo gương Đức Giêsu. Vấn đề quan trọng là “Giáo hội phải bước ra ngoài để rao giảng Tin mừng cho mọi người, trong mọi hoàn cảnh, không do dự, không lo âu, không sợ sệt. Niềm vui của Tin mừng được dành cho toàn dân, không ai bị loại ra bên ngoài” (số 23). Khi “bước ra ngoài” thi hành sứ vụ như vậy, lẽ dĩ nhiên chúng ta không thể không tránh khỏi những cám dỗ.

  1. Những cám dỗ trong hoạt động mục vụ (76-109)

Đức Thánh Cha suy tư về những thách đố mà người thi hành sứ vụ phải đối mặt trong trào lưu văn hóa ngày nay. Mặc dù chúng ta bằng cách này hay cách khác đều bị ảnh hưởng của văn hóa thời đại (số 76-77). Và Đức Thánh Cha nêu lên những cám dỗ đặc biệt đang tấn công nững người thi hành sứ vụ. Thứ nhất, nói có với thách thức về một linh đạo truyền giáo. Cám dỗ về việc bận tâm quá đáng đến tự do cá nhân, chỉ lo an ninh bản thân, ổn định kinh tế và vinh quang trần thế, mà không đầu tư nhiều cho sứ vụ. Bên cạnh đó, chủ nghĩa tương đối làm cho người thi hành sứ vụ giảm nhiệt huyết loan báo Tin mừng (số 78-80). Thứ hai, nói không với tính ươn lười ích kỷ. Một số người trốn tránh việc hoạt động tông đồ, họ sợ mất giờ của họ. Chủ nghĩa thực dụng lên ngôi làm giảm ham thích truyền giáo nơi các cá nhân. Tất cả đều biện minh cho sự lười biếng và không chịu ra đi. Do đó, Đức Thánh Cha nhắn nhủ, tránh việc để cho niềm vui Phúc âm hóa tan biến đi (số 81-83). Thứ ba, nói không với thuyết bi quan cằn cỗi. Những điều xấu xảy ra trong Giáo hội không thể là cớ để chúng ta giảm bớt sự dấn thân, nhưng là thách thức làm cho đức tin chúng ta trưởng thành hơn. Xuất phát từ kinh nghiệm “sa mạc thiêng liêng”, để khám phá vẻ tươi mới và giá trị vui tươi của nguồn nước Tin mừng. Tin mừng tình yêu có thể tưới gội lên những thái độ khô cằn trong thế giới và Giáo hội ngày nay (số 84-86). Thứ tư, hãy đồng ý với những liên hệ mới được phát sinh từ Đức Giêsu Kitô.  Bước vào thế giới truyền thông ngày nay và gặp gỡ mọi người, đặc biệt là những người cần được giúp đỡ. Chúng ta cần trực tiếp đến gặp gỡ họ, sống với họ, biết chung sống và khám phá ra Đức Giêsu trên khuôn mặt của họ, vui buồn cùng với họ (số 87-92). Thứ năm, nói không với tinh thần thế tục. Tinh thần thế tục núp dưới dáng vẻ đạo đức, yêu mến Giáo hội nhưng thực ra là muốn tìm kiếm vinh quang bản thân. Thuyết ngộ đạo và thuyết tân Pêlagiô là hai hình thức của tinh thần thế tục, vì nó chỉ quy chiếu về con người và tin vào sức riêng của con người.

Thói háo danh cản lối nhiều người tin theo niềm vui của Tin mừng. Để tránh tinh thần thế tục, chúng ta phải ra khỏi chính mình, quy hướng hoạt động của mình vào Đức Kitô, dấn thân phục vụ người nghèo nhờ hít thở không khí trong lành từ Chúa Thánh Thần (số 93-97). Nói không với xung khắc giữa chúng ta. Thực tế là có nhiều cuộc tranh chấp trong nội bộ của cộng đoàn Giáo hội. Do đó, Đức Thánh Cha đề nghị tất cacr các cộng đoàn trong Giáo hội hãy sống chứng ta cho Tin mừng bằng tình hiệp thông huynh đệ. Ngài rất đau lòng khi thấy cảnh chia rẽ trong các cộng đoàn. Thật là hữu ích biết dường nào khi các cộng đoàn sống hiệp nhất yêu thương, vì qua đó Tin mừng được chứng thực (số 98-101). Sau khi xem xét một số thách đố trong đời sống thực tế ngày nay, Đức Thánh Cha nhắc lại trách nhiệm truyền giáo là của mọi Kitô hữu.

  1. Giáo hội được hiểu như là toàn dân Chúa phải đi rao giảng (111-134)

Vượt lên trên hệ thống phẩm trật, chủ thể của việc loan báo Tin mừng là mọi thành phần dân Chúa. Việc cứu độ Thiên Chúa thực hiện cần được loan báo cho mọi người thuộc mọi dân tộc, ngôn ngữ, màu da, giai cấp,… chứ không phải cho một dân ưu tuyển nào cả. Nên Tông Huấn mời gọi mọi thành phần Giáo hội phải cộng tác vào sứ vụ truyền giáo. Giáo hội cũng phải là nơi thể hiện lòng thương xót cách vô vị lợi, nơi mà mọi người đều cảm thấy mình được yêu thương, tha thứ và khích lệ để sống niềm vui của Tin mừng. Toàn dân Chúa phải ý thức được mình sống trong bối cảnh đặc thù nào để có cách thế truyền giáo phù hợp với hoàn cảnh thực tế của mình. Bản thân người Kitô hữu có thể là người da màu, da trắng, là bác sĩ, nông dân, kỹ sư, văn hóa khác biệt, vùng miền khác biệt,… nhưng hãy loan truyền Tin mừng cứu độ đến cho những người sống trong bối cảnh của mình bằng tất cả niềm vui và bình an trong tâm hồn mình.

Vì tất cả chúng ta đều là những môn đệ truyền giáo, nên hãy lấy khí cụ truyền giáo của mình là cách sống chứng tá với lòng đạo đức bình dân để Tin mừng được thấm nhập vào môi trường sống chung quanh mình. Chúa Thánh Thần hoạt động trong tất cả mọi thành phần dân Chúa để ai nếu đều có thể thi hành sứ vụ của mình. Trên tinh thần đó, Đức Thánh Cha cũng mời gọi loan báo cho các nền văn hóa nghề nghiệp, học hành và hàn lâm, khuyên các nhà thần học không trở nên một thứ thần học bàn giấy, các trường đại học là những môi trường đặc biệt để suy tư và thực hành sự dấn thân truyền giáo.

  1. Bài giảng và việc chuẩn bị bài giảng (135-159)

Một cách đặc biệt, Đức Thánh Cha nhắn nhủ các thừa tác viên giảng dạy đừng làm khổ người nghe vì những yêu sách của mình. Vì qua vị giảng thuyết, Thiên Chúa muốn gặp gỡ con người và chinh phục trái tim của họ. Bài giảng phải sát với bài Tin mừng, phải mang tính đối thoại, có sức sống và ý nghĩa với dân chúng sau khi họ đã nghe công bố Tin mừng. Thừa tác viên giảng dạy phải nhân danh Giáo hội như người mẹ hiểu biết những nhu cầu của người con. Nếu tinh thần từ mẫu của Giáo hội được phát huy thì bài giảng sẽ nên phong phú và chứa đựng lòng thương xót của Thiên Chúa đối với dân Ngài. Không chỉ là môt bài giảng thuần túy triết lý và đạo đức, nhưng bài giảng đó phải được thốt ra từ trái tim. Để có thể có một bài giảng như thế, thừa tác viên cần chuẩn bị bài giảng của mình. Thừa tác viên phải dành thời gian dài cho việc học hỏi, cầu nguyện, suy tư và tìm hiểu thực tế của người dân. Thừa tác viên cần một thời gian để chiêm niệm, khám phá sứ điệp chính của bản văn Tin mừng.

Vì vậy, cá nhân cần đạt được tình trạng sống thân mật với Lời Chúa và sống Lời Chúa trước khi mình rao giảng, vì “lòng có đầy, miệng mới nói ra” (Mt 12,34). Đức Thánh Cha cũng cho rằng, một vị giảng thuyết phải biết nhận ra sự nghèo khó của bản thân và cần được Lời Chúa nâng đỡ, biết khát khao những giá trị trọn hảo của Tin mừng. Đọc sách thiêng liêng, lắng nghe dân chúng cũng là yêu cầu đối với một nhà giảng thuyết. Nhà giảng thuyết phải biết kết hợp chiêm niệm thiêng liêng và chiêm ngắm đời sống thực tế của dân mình, để nhờ đó tư tưởng và hành động đi đôi với nhau. Nhà giảng thuyết cũng cần có công cụ sư phạm là phương tiện hỗ trợ đắc lực cho việc Phúc âm hóa của mình. Do đó, nhà giảng thuyết phải biết cách trình bày các sứ điệp Tin mừng sao cho dễ hiểu, phải biểu lộ được tình cảm, ý tưởng và hình ảnh qua bài giảng của mình. Như thế, nhà giảng thuyết cần chia sẻ đời sống của dân chúng để nói ngôn ngữ của họ. Đừng nói nhiều về những điều người ta không nên làm, nhưng tốt hơn nên đề nghị những gì người ta có thể làm tốt hơn.

  1. Việc hội nhập mang tính xã hội của người nghèo (186-216)

Đức Kitô đã trở nên nghèo khó để cứu chuộc những người nghèo khó và bị bỏ rơi. Do đó, Kinh Thánh mời gọi chúng ta hãy trở nên những khí cụ của Thiên Chúa để giải phóng và thăng tiến những người nghèo. Người truyền giáo cần biết giải quyết những nguyên nhân của tình trạng nghèo đói để có giải pháp giúp đỡ hay kêu gọi tình liên đới trong cộng đồng xã hội giúp đỡ người nghèo. Họ cũng phải có cái tai của con tim để biết lắng nghe tiếng khóc của người nghèo ở khắp nơi, đặc biệt là vùng ngoại ô, vùng núi xa xôi hẻo lánh. Những nơi đó đang cần cơm ăn, áo mặc, nước uống,… Tuy nhiên, người truyền giáo luôn nhớ phải trung thành với sứ điệp của Tin mừng, đem Tin mừng đến với người nghèo qua công việc thiện nguyện của mình.

Bởi vì, người nghèo có vị trí đặc biệt trong trái tim của Thiên Chúa đến nỗi Người đã trở nên nghèo và được xức dầu để mang Tin mừng đến cho người nghèo. Chọn lựa người nghèo là chọn lựa Đức Kitô, vì thế Đức Thánh Cha muốn một Giáo hội chọn lựa người nghèo, đồng hành với người nghèo. Qua đó, người nghèo cũng có nhiều thứ để dạy chúng ta. Trong khi đó, sự kỳ thị nhất mà người nghèo phải chịu là họ thiếu sự chăm sóc về mặt thiêng liêng. Các cộng đồng Kitô hữu cần hợp tác để nâng đỡ người nghèo trong xã hội văn minh hiện nay. Chúng ta cần nâng cao phẩm giá của người nghèo, nâng cao vị thế của người nghèo trong cộng đồng dân Chúa bằng những hành động cụ thể, như thế chúng ta có thể dễ dàng sống thanh thoát khỏi chủ nghĩa thế tục vật chất này và đem sứ điệp Tin mừng đến với người nghèo dễ dàng hơn.

  1. Hòa bình và đối thoại xã hội (217-258)

Hòa bình cần được thiết lập dựa trên bốn nguyên tắc cơ bả sau. Thứ nhất, thời gian lớn hơn không gian. Nguyên tắc này cho phép chúng ta làm việc dài hạn mà không quá bận tâm đến kết quả tức thời. Nguyên tắc này rất phù hợp với việc truyền giáo. Thứ hai, hợp nhất những xung đột. Cần phát triển sự hiệp nhất qua những khác biệt. Thứ ba, thực tại quan trọng hơn ý tưởng. Nguyên tắc này nhắm đến hiệu quả thực tế. Ngôi Lời đã nhập thể và luôn tìm cách nhập thể để nhập thế là điều thiết yếu cho việc loan báo Tin mừng. Thứ tư, toàn thể lớn hơn từng phần. Nguyên tắc này đề cao việc mở rộng tầm nhìn hướng đến ích chung và đại cuộc. Chúng ta nên luôn tìm điều có lợi cho tất cả mọi người. Tin mừng là niềm vui chung mà mọi người cần được đón nhận.

Công cuộc loan báo Tin mừng cũng cần có sự đối thoại giữa các quốc gia và các nền văn hóa với nhau. Giáo hội cần loan báo “Tin mừng hòa bình” và mở cửa để hợp tác với tất cả các chính quyền nhằm đối thoại để đạt được những giá trị cơ bản của mọi người thuộc mọi nơi và mọi dân tộc. Theo đó, chúng ta có các kiểu đối thoại như sau: Đối thoại giữa đức tin, lý trí và khoa học; Đối thoại đại kết; Đối thoại với Do Thái giáo; Đối thoại với các tôn giáo khác; Đối thoại với con người thời đại trong bối cảnh tự do tôn giáo. Đó là các chiều kích xã hội chúng ta cần biết trong quá trình loan báo Tin mừng đến cho muôn dân.

  1. Các động lực tinh thần cho sứ vụ truyền giáo (262-283)

Đức Thánh Cha khuyên chúng ta hãy noi gương các thánh là những người đi trước và làm gương cho chúng ta trong công cuộc truyền giáo cả về đời sống lẫn hành động. Đặc biệt nhất là việc gặp gỡ và ở lại trong Đức Giêsu Kitô – Vị Thầy Chí Thánh của chúng ta. Qua kết hợp với Đức Giêsu chúng ta hãy tìm kiếm những gì Ngài tìm kiếm, yêu mến những gì Ngài yêu mến.

Niềm vui vì được trở thành một dân tộc thiêng liêng. Đức Kitô muốn chúng ta hãy chạm trực tiếp vào nỗi đau khổ của con người bằng thái độ tôn trọng và phục vụ. Chúng ta hãy khám phá nơi người nghèo những điều mới mẻ của Thiên Chúa ở trong họ.

Sự Phục sinh của Đức Giêsu Kitô là động lực để chúng ta ra đi truyền giáo. Đức Thánh Cha khuyên nhủ chúng ta hãy tin vào quyền năng Phục sinh của Đức Kitô. Ngài có thể hành động trong mọi tình huống của công cuộc truyền giáo nơi chúng ta.

Để duy trì nhiệt tình truyền giáo sống động, chúng ta cần phải hành động dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Đấng làm phát sinh hiệu quả cho công cuộc của chúng ta ngay hiện tại và trong tương lai.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng năng hướng lòng lên Đức Maria là mẫu gương và là Mẹ của công cuộc truyền giáo. Xin Mẹ cầu bầu cho chúng ta để toàn thể Giáo hội bước vào giai đoạn mới của công cuộc Phúc âm hóa trong tinh thần vui tươi và bình an.

Kết luận

Tóm lại, Đức Thánh Cha đã đề cập rất nhiều điểm quan trọng trong việc loan báo Tin mừng. Điểm nổi bật của Tông Huấn là Đức Thánh Cha muốn toàn thể Giáo hội ra đi loan báo Tin mừng bằng chính niềm vui mà mình cảm nhận được sau khi đã đón nhận Tin mừng. Theo Đức Thánh Cha, bảy vấn đề cơ bản trên là những chỉ dẫn cô đọng và cốt lõi của Tông Huấn, ngài mời gọi chúng ta hãy để Chúa Thánh Thần thánh hóa và mang những chỉ dẫn đó ra đi truyền giáo bằng tất cả niềm vui của người được cứu độ. Vì chưng, chúng ta không chỉ dừng lại ở việc chiêm ngắm những nét đẹp của Tin mừng, nhưng còn phải thể hiện qua đời sống chứng tá của mình giữa đời. Niềm vui sau khi đón nhận Tin mừng cần được chia sẻ, vì Tin mừng cứu độ Đức Kitô mang đến cho toàn thể nhân loại chứ không riêng gì những người Kitô hữu chúng ta. Vì lý do đó mà Đức Thánh Cha muốn mời gọi chúng ta ra đi loan truyền niềm vui Tin mừng cho toàn thể nhân loại.

Qua Tông Huấn này, Đức Thánh Cha nhắn nhủ với chúng ta rằng, “tôi chỉ muốn tìm lời động viện cho việc truyền giáo nhiệt thành hơn, vui tươi, quảng đại, can đảm, đầy tình yêu sâu xa và một cuộc sống được truyền đạt! Nhưng tôi biết, không một lời động viên nào là đủ, nếu như không làm phát sinh trong tâm hồn ngọn lửa của Thánh Thần. Cuối cùng, việc truyền giáo được thực hiện với tinh thần là một cuộc truyền giáo với Chúa Thánh Thần, chỉ vì Người là linh hồn của Giáo hội truyền giáo”[3].

 

Nhận định về Tông Huấn

Tông Huấn đã cho chúng ta cái nhìn tổng quát về sứ vụ truyền giáo. Nền tảng cho sứ vụ này xuất phát từ Thiên Chúa Cha được Chúa Giêsu thực hiện trong sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, Do đó, nguồn mạch của sứ vụ này được đặt nền trên tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Tình yêu trong Ba Ngôi Thiên Chúa không bao giờ khép kín mà luôn tuôn chảy đến thụ tạo của Người. Tình yêu đó có giá trị cứu chuộc toàn thể vũ trụ này. Người Kitô hữu được mời gọi cộng tác vào mầu nhiệm cứu độ này bằng cách ra đi loan truyền hồng ân cứu chuộc cho toàn thể mọi người.

Đức Thánh Cha đã đề ra nhiều phương thế khác nhau nhằm đem Tin mừng cứu độ đến cho muôn dân. Đặc biệt là bảy cách thức mà ngài trình bày cho chúng ta trên đây, ngài mời gọi chúng ta hãy bước ra ngoài để thi hành sứ vụ truyền giáo. Trong khi bước ra ngoài chúng ta có thể va chạm với những cám dỗ và thách thức của cuộc sống, tuy nhiên điều đó cần phải được nhà thừa sai đối mặt để nên trưởng thành hơn trong sứ vụ. Việc hòa nhập vào cuộc sống của người nghèo, đối thoại với họ và đồng hành với họ trong cuộc sống là điều vô cùng cần thiết để một nhà truyền giáo có thể thành công trong công sứ vụ của mình.

Việc chuẩn bị bài giảng cũng là điều lý thú được Đức Thánh Cha đề cập đến. Vì các nhà thừa sai cần phải ý thức được mình đang thi hành công việc của Thiên Chúa, đang loan báo Lời Chúa, do đó, họ cần chuẩn bị kỹ lưỡng những gì mình giảng dạy hầu có sức thu hút và thuyết phục người nghe. Nhờ thế, Lời Chúa có khả năng lôi kéo được con tim của nhiều người hơn. Đức Thánh Cha quả là đặt vai trò của lý thuyết và thực hành sứ vụ ngang hàng nhau.

Điểm nổi bật của Tông Huấn này còn là việc mời gọi toàn thể dân Thiên Chúa ra đi truyền giáo. Việc truyền giáo không chỉ dành riêng cho hàng giáo sĩ, các nhà thừa sai,… mà còn dành cho toàn thể mọi thành phần dân Chúa. Mỗi người cần loan truyền Tin mừng cứu độ mình nhận được tùy theo hoàn cảnh, công việc, địa vị của mình trong Giáo hội và xã hội.

Thật là lý thú khi Đức Thánh Cha mời gọi toàn thể Giáo hội chiêm ngắm Mẹ Maria, các thánh,… là những mẫu gương sống đời truyền giáo cho chúng ta noi theo. Ngài cũng nói lên yếu tố nền tảng cho công cuộc truyền giáo của chúng ta là Chúa Thánh Thần.

Điểm độc sáng của Tông Huấn này là niềm vui, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta ra đi rao truyền Tin mừng bằng niềm vui. Niềm vui của một người mang trong mình những giá trị cứu độ do Đức Giêsu mang lại, niềm vui vì thấy mình được cứu và cần được chia sẻ hồng ân cứu độ đó cho người khác.

Tuy nhiên, điểm hạn chế của Tông Huấn này là phạm vi quá rộng lớn, hầu như bao trùm lên mọi lĩnh vực của con người nên khó nắm bắt. Bảy điểm trên theo Đức Thánh Cha chỉ là sườn cơ bản của Tông Huấn, ngoài ra còn có rất nhiều chủ đề khác được ngài mở rộng và bàn đến trong Tông Huấn.

[1] Bảy chủ đề chính yếu này được chính Đức Thánh Cha đề nghị ra trong số 17 của Tông Huấn, chúng tôi xin lấy lại tên gọi của chúng để tư tưởng được thống nhất với Tông Huấn.

[2] ĐTC Phanxicô, Tông Huấn Niềm Vui Của Tin Mừng, số 18.

[3] Nt., số 261.

Từ khóa » Tóm Tắt Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương