[ToMo] 17 Câu Trả Lời Mẫu Cho 17 Câu Hỏi "Khó Ăn" Nhất Khi ...

Kim Chi Bùi@Kỹ Năng

public5 năm trước

[ToMo] 17 Câu Trả Lời Mẫu Cho 17 Câu Hỏi "Khó Ăn" Nhất Khi Phỏng Vấn

Tạo một CV ấn tượng, lựa chọn nhà tuyển dụng tiềm năng và thành công bước đầu nhằm nâng cao giá trị bản thân là những thành tựu to lớn khi tìm kiếm việc làm. Theo báo cáo của Glassdoor - một trang web tìm kiếm và đánh giá công việc - thì chỉ có khoảng 2% ứng viên được mời đi phỏng vấn. Bước quan trọng kế tiếp là chuẩn bị kỹ càng cho cuộc phỏng vấn. Ngay cả ứng viên đủ điều kiện nhất cũng có thể run sợ bởi một câu hỏi bất ngờ hoặc “rối não”. Mặc dù không thể biết chính xác những gì mà nhà tuyển dụng sẽ hỏi, việc nghiên cứu các câu hỏi khó, mục đích và cách tiếp cận chúng có thể giúp người xin việc cảm thấy tự tin và có sự chuẩn bị kỹ càng khi đi phỏng vấn.

17 Câu Hỏi Phỏng Vấn Khó Nuốt Và Cách Trả Lời

Suy nghĩ trước về các câu hỏi khó ở cuộc phỏng vấn và dành thời gian điều chỉnh câu trả lời một cách cụ thể có thể giúp cho cuộc phỏng vấn diễn ra suôn sẻ và giúp ứng viên nổi bật. Nhiều câu hỏi khó nhất thường khá là phổ biến, khiến cho người được phỏng vấn phải suy nghĩ kỹ và sáng tạo cho câu trả lời của họ. Những câu hỏi bất ngờ khác có thể làm các ứng cử viên rơi vào trạng thái “ngoài tầm kiểm soát”. Chiến lược gia nghề nghiệp và người sáng lập Rebuilding Foundations - Hannah Stenson, và huấn luyện viên phỏng vấn bậc thầy, cũng là người sáng lập Rocket Interview - Jeevan Balani, nhấn mạnh một số câu hỏi phỏng vấn “khó nuốt” nhất mà người xin việc hiện nay phải đối mặt.

Hãy mô tả bản thân bằng một từ?

Con người rất phức tạp và nhiều phiên bản trong mắt mọi người, vì vậy nếu dùng một từ để mô tả bản thân sẽ có vẻ bị sai lệch. Người ta thường chọn một tính từ mang nghĩa bao quát như “là duy nhất”, hay những từ an toàn và phù hợp cho nhiều hoàn cảnh như “chăm chỉ”; nhưng những câu trả lời như vậy khá là chung chung và không nên nói với các nhà tuyển dụng tiềm năng. Thay vào đó, người được phỏng vấn nên xem xét vị trí cụ thể mà họ đang ứng tuyển và điều chỉnh câu trả lời sao cho phù hợp.

Bà Stenson đề xuất :“Hãy chọn từ phù hợp với bản chất của bạn và công ty. Ví dụ, nếu công ty họ theo hướng đổi mới thì “cổ điển” không phải là từ mà tôi dùng để miêu tả bản thân. Nếu bạn có thể hạ thấp bản thân cho phù hợp với công ty, thì đó sẽ là từ gì?”. Còn ông Balani nói rằng một chiến thuật phù hợp không kém là chọn một đặc điểm cá nhân không thay đổi trong bất kỳ hoàn cảnh nào “Tập trung vào một đặc điểm hành vi, như kiên cường chẳng hạn, nói lên cách bạn hoàn thành công việc của mình và có khả năng cho thấy bạn sẽ phù hợp với văn hóa công ty như thế nào.” Phấn đấu để liên kết phẩm chất đó với công việc hoặc công ty, bất kể đó là tính cách gì đi chăng nữa.

Thành tựu xuất sắc nhất của em là gì?

Các cuộc phỏng vấn là cơ hội để thể hiện bản thân, nhưng điều quan trọng là bạn nên trả lời một cách có chiến lược và kết nối những thành tựu của mình với vị trí mà bạn đang xin việc. “Đây không chỉ là cơ hội để thể hiện thành tích, mà còn cho thấy bạn muốn phát triển khía cạnh nào”, chẳng hạn như giúp đỡ người khác trong sự nghiệp hoặc tăng doanh thu của công ty, Balani khuyên. Ông tin rằng một ứng cử viên có thể trích dẫn một thành tích nghề nghiệp hoặc thành tích cá nhân, nhưng bà Stenson đề nghị hãy nói về lĩnh vực công việc. “Bạn đã leo lên đỉnh Everest, thành lập một tổ chức phi lợi nhuận hoặc cứu một loài chim có nguy cơ tuyệt chủng không? Nếu không, hãy nói trong lĩnh vực nghề nghiệp. Các ứng viên có thể chia sẻ nhiều trong buổi phỏng vấn nếu như họ cảm thấy như người phỏng vấn đã hỏi họ một câu hỏi cá nhân.”

Điểm mạnh lớn nhất của em là gì?

Stenson phát biểu: “Đây là câu hỏi về giá trị và tính cách của bạn, và một lần nữa cho thấy cách bạn liên kết điểm mạnh đó với công ty ra sao.” Điều khó khăn là đảm bảo làm sao cho các điểm mạnh đó được nổi bật. Rất có thể là các ứng viên được mời đi phỏng vấn đã có rất nhiều điểm mạnh rồi; tuy nhiên, nếu nói “có tư duy sáng tạo” là phẩm chất quý giá nhất của bạn khi phỏng vấn cho vị trí kế toán thì bạn đã lãng phí một cơ hội rồi đấy! Thay vào đó, hãy thể hiện một thế mạnh liên quan hơn với công việc kế toán. Balani còn chỉ ra rằng những điểm mạnh đáng chú ý cũng không phải là những kỹ năng cứng. Sức mạnh hành vi ví dụ như sự kiên cường là đặc biệt quan trọng và có thể bù thay cho các năng lực khác. Kể một hoặc hai giai thoại áp dụng tính cách này vào cuộc sống cũng sẽ khiến chúng gắn bó với người phỏng vấn hơn.

Điểm yếu lớn nhất của em là gì?

Chìa khóa cho câu hỏi này là sự chân thành. Trình bày một đặc điểm tích cực như một điểm yếu là một chiến thuật nhàm chán không còn có ý nghĩa với các nhà tuyển dụng nữa. Thay vào đó, người xin việc nên thành thật về những điểm yếu của họ và tập trung vào những thay đổi họ đang thực hiện để cải thiện những điểm yếu đó.

“Đây là một câu hỏi cổ điển “khó nuốt” vì không có câu trả lời nào hoàn hảo cả. Cách tiếp cận tốt cho câu hỏi này là hãy thành thật về khuyết điểm của mình. Điều quan trọng hơn chính là nên làm nổi bật cách bạn cải thiện cũng như những hành động bạn tiếp tục thực hiện để cải thiện điểm yếu này,” ông Balani nói.

Stenson đồng tình với quan điểm này và cung cấp một công thức dễ thực hiện: “Với câu hỏi này, hãy nhớ WAR: Weakness (Điểm yếu), Action (Hành động) và Result (Kết quả). Điểm yếu của tôi là [một điểm yếu phổ biến mà bạn gặp phải và đã học được từ nó] điều đó buộc tôi phải [thể hiện sự trưởng thành trong cách bạn nhìn nhận nó trong cuộc sống của mình], điều đó đã khiến tôi [thêm một cái gì đó tích cực về cách bạn đã trưởng thành vì điểm yếu đó] .

Cả hai đều nhấn mạnh rằng nên nói những điểm yếu có ý nghĩa, chứ không phải là một điểm yếu cũ rích hay tầm thường nào đó (ví dụ :“Em là một người cầu toàn nên vào mỗi buổi sáng, em cần một vài tách cà phê trước khi bắt đầu làm việc”).

Cho tôi biết thêm thông tin về em.

Thay vì nói nhiều về sở thích và thành tựu đạt được, người được phỏng vấn có thể coi câu hỏi này như một cơ hội để nâng bản thân họ lên - một danh sách ngắn gọn, chuyên nghiệp về bản thân họ, những thông tin họ nên cung cấp và những hy vọng mà họ mong muốn đạt được. Ông Balani khuyên bạn nên tập trung vào động lực thúc đẩy bạn và chủ động trả lời lý do tại sao bạn muốn công việc đó. Hãy giải thích với họ tại sao bạn lại ở đây chứ đừng chờ họ hỏi.

Trong X năm nữa, em thấy mình ở đâu?

“Các ứng viên thường cảm thấy họ phải nói ‘Hy vọng là ở công ty của anh/chị rồi’ hoặc những điều rất cụ thể. Nếu bạn có kế hoạch rõ ràng thì đó là một câu trả lời hay, nhưng thường thì các ứng cử viên không chắc chắn về tương lai của mình. Trong trường hợp đó, hãy tập trung vào các phẩm chất nghề nghiệp mà bạn hy vọng sẽ đạt được vào thời điểm đó”, ông Balani nói. Nếu bạn không biết bạn muốn làm việc trong lĩnh vực tiếp thị hay nhân sự, thì hãy nói rằng bạn hy vọng phát triển kỹ năng giao tiếp của mình để dẫn dắt một đội ngũ trong tương lai ra sao.

Ngoài ra, bạn nên biết một điều rằng trong khi các nhà tuyển dụng có thể thực sự quan tâm đến kế hoạch tương lai của ứng cử viên, thì theo bà Stenson, khả năng cao đó là một động cơ khác. “Thông thường ý định đằng sau câu hỏi này là về sự gắn bó lâu dài với công ty - bạn sẽ ở lại, hay là rời đi? Rất khó để lấp đầy một vị trí, và nếu bạn dự định rời đi trước khi bạn được nhận vào làm, thì đó là một điều nguy hiểm. Chuyển câu hỏi đến thời điểm hiện tại và thể hiện sự cam kết của mình với vị trí này.”

Nếu em có thể làm việc ở một nơi, em sẽ làm việc ở đâu?

Nếu công việc bạn đang được phỏng vấn không phải là vị trí lý tưởng của bạn, câu hỏi này rất khó để xác định. Ngay cả khi công việc có vẻ hoàn hảo, bạn không muốn bị nói là không thật thà bằng cách ví von nơi tốt nhất bạn có thể nghĩ đến chính là nhà tuyển dụng tiềm năng. Balani đề nghị liên hệ các mục tiêu nghề nghiệp của bạn với các yêu cầu của các vị trí “mở”. Định hình tính chất công việc mà bạn mong muốn và sau đó liên hệ công việc này đáp ứng các tiêu chí đó ra sao.

Mô tả một khoảng thời gian khi công việc mâu thuẫn với đạo đức của em. Em đã xử lí tình huống đó như thế nào?

Khi nhà tuyển dụng hỏi câu hỏi này, họ muốn biết rằng ứng viên sẽ xử lý tình huống không thoải mái một cách tôn trọng, kín đáo và khéo léo. Stenson đề nghị hãy thận trọng khi được hỏi câu hỏi này. “Không được làm quá và không nên lấy người khác làm bia đỡ đạn.” Tập trung vào hành động và phản ứng của bạn đối trong tình huống đó cũng như nêu giải pháp xử lý tình huống một cách trung thực và chính đáng nhất có thể.

Tại sao em thất nghiệp quá lâu? (hoặc) Em có thể giải thích những khoảng trống trên con đường sự nghiệp của em hay không?

Những người đã nghỉ việc trong một thời gian dài và đang xin việc nên chuẩn bị câu trả lời cho câu hỏi này. Nhiều người quản lý xem khoảng trống việc làm là một điểm yếu vì nó có thể cho thấy rằng người đó bị sa thải. Stenson và Balani đồng tình rằng trung thực là cách trả lời tốt nhất và những người xin việc nên không nên cảm thấy xấu hổ về lịch sử việc làm của mình. Ông Balani khuyên “Hãy thẳng thắn nhưng đừng xin lỗi. Nếu bạn nghỉ vì lý do cá nhân, chỉ cần nói rằng bạn đã làm vậy (và không cần phải kể quá chi tiết), sau đó chuyển trọng tâm câu hỏi sang lý do tại sao đây là thời điểm thích hợp và cơ hội phù hợp với bạn.

Tại sao em lại rời bỏ công việc hiện tại? (Hoặc bất kỳ điều gì về công việc hiện tại hoặc trước đây.)

“Kể về sếp hiện tại của bạn là phần nào bộc lộ tính cách của bạn. Cách tốt nhất để mọi người buông lỏng cảnh giác là hỏi về công việc mà họ ghét”, bà Stenson nói. Khiếu nại về công việc, đồng nghiệp hoặc sếp trước đây không khiến bạn trở thành nhân viên được yêu thích trong tương lai, ngay cả khi những bất bình là hợp lệ. Ông Balani khuyên ứng cử viên nên tập trung vào cơ hội mà họ đang theo đuổi.

Hãy cho anh/chị biết về một lần em đưa ra quyết định mà không có thông tin đầy đủ.

Đôi khi, nhân viên phải đưa ra quyết định nhanh chóng mà không có sự hiểu biết thấu đáo về tình huống. Người được phỏng vấn không muốn bị nói là vô trách nhiệm hoặc hấp tấp, vì vậy câu hỏi này là một câu hỏi có-vấn-đề. Theo Balani nói thì đây là cách tiếp cận giải quyết vấn đề rộng hơn, vì vậy ứng cử viên có thể làm nổi bật lên cách họ xác định các giải pháp tiềm năng, hiểu biết sâu sắc về các giải pháp đó và kiểm tra ảnh hưởng của các giả định đằng sau chúng. “Ngay cả khi dữ liệu cứng cho vấn đề cụ thể đó không có sẵn, ứng cử viên có thể nói về cách họ khiến người khác cẩn trọng và cách họ thoát ra khỏi các vấn đề tương tự khi có dữ liệu.

Mức lương mong đợi của em là bao nhiêu?

Ông Balani thừa nhận rằng đây là một câu hỏi khó. “Bạn có thể chuyển sang phần sau trong quá trình phỏng vấn hoặc định lượng dựa trên những giá trị bạn thấy ở bản thân. Các ứng cử viên thường đưa ra một con số thấp vì sợ hãi, và rồi thất vọng với chế độ lương bổng, thay vì chỉ rõ mức lương mà giá trị của họ sẽ mang lại.” Thảo luận về chế độ đãi ngộ đầy đủ cũng quan trọng không kém việc bàn bạc mức lương. Bạn nên xem xét số giờ bạn phải làm việc, thời gian nghỉ, trợ cấp bệnh tật, đặc quyền và chiết khấu cho nhân viên, thời gian di chuyển và các yếu tố khác nữa.

Hãy cho anh/chị biết về một lần mà em thể hiện sự lãnh đạo.

Điều khiến cho câu hỏi này trở nên khó nhằn là nó thường được hỏi về những ứng cử viên chưa chính thức quản lý người khác, theo ông Balani. “Câu hỏi là về ‘khả năng lãnh đạo’ và các ứng cử viên thường quên đi những tình huống phổ biến mà họ có thể thể hiện khả năng lãnh đạo bằng cách chủ động, khuyến khích và gây ảnh hưởng đến người khác.” Các ứng cử viên không cần phải giới hạn bản thân trong các ví dụ về lãnh đạo theo cơ cấu vì bất kỳ phẩm chất lãnh đạo nào được thể hiện cũng đều có ý nghĩa hết.

Em đã để một nhân viên rời đi hoặc chuyển họ ra khỏi đội của em chưa?

Tùy thuộc vào công việc, nhà tuyển dụng muốn biết liệu các nhân viên tương lai có tiềm năng để tiến lên nấc thang trong công ty hay không. Đánh giá chiến thuật và quy trình suy nghĩ khi quản lý người khác của một ứng cử viên có thể cung cấp cho nhà tuyển dụng một bức tranh đầy đủ hơn về sự lãnh đạo và tính chuyên nghiệp của người được phỏng vấn. Ông Balani nói rằng đây là thời điểm tốt để người được phỏng vấn thể hiện họ có thể kiểm soát đội ngũ của mình đạt tiêu chuẩn cao, đồng thời thể hiện sự đồng cảm và thái độ tốt trong việc quản lý các tình huống mà trong đó hiệu suất bị giảm sút. “Trong trường hợp ứng viên đã làm điều này, họ cần nêu rõ lý do tại sao lại để người đó rời đi và cách họ giúp người đó thành công trong quá trình chuyển đổi. Thường thì các ứng cử viên không [để ai đó rời đi], vì vậy, cách tốt nhất là trả lời câu hỏi ẩn ý bên trong - ứng viên đưa ra nhận xét khó nghe khi cần thiết như thế nào và giữ được thành tích cao về hiệu suất ra sao bằng cách chứng minh độ tuyệt vời của thành tích đó.” Nên nhớ là phải cung cấp các ví dụ cụ thể nhé!

Nhóm của em mô tả em là người như thế nào?

Câu hỏi này mang nghĩa kiểm tra sự tự nhận thức về điểm mạnh, điểm yếu và cách tiếp cận tổng thể của ứng cử viên. Ông Balani khuyên :“Tốt hơn hết là cung cấp rõ ràng về những điểm mạnh cũng như phong cách làm việc của bạn mà các đồng nghiệp đã chỉ ra. Về mặt phong cách, những điểm mạnh này cần được ghi nhận theo nghĩa gần như thực tế thay vì giả dối để nâng tầm bản thân lên.” Khi chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn, người xin việc nên xem xét nhiều quan điểm: Người bạn thân nhất của bạn sẽ mô tả bạn như thế nào? Cũng câu hỏi ấy cho người quản lý cũ hoặc người cố vấn của bạn? Những hiểu biết như vậy có giá trị không chỉ trong câu hỏi này, mà còn có giá trị trong các câu hỏi liên quan về tính cách và khả năng của bạn.

Tại sao tôi phải tuyển em?

Đó là một câu hỏi đơn giản, nhưng nó có thể khiến người được phỏng vấn lo lắng, đặc biệt là nếu họ không tự tin hoặc cảm thấy không thoải mái khi thể hiện bản thân. Tuy nhiên, người phỏng vấn chỉ có một thời gian ngắn để tìm hiểu một ứng viên tiềm năng, vì vậy câu hỏi này là một cơ hội quý giá để đảm bảo không có gì quan trọng nào được bỏ qua. “Bạn nên sẵn sàng nêu lý do tại sao bạn là người giỏi nhất. Không được đề cập đến các ứng cử viên khác; đây là thời gian để tập trung vào bản thân. Hãy trả lời ngắn gọn, mạnh mẽ về lý do tại sao công ty cần bạn”, bà Stenson nói.

Em có câu hỏi nào dành cho tôi không?

Theo bà Stenson, đây là câu hỏi khó nhất đối với người được phỏng vấn - một phần vì phải mất rất nhiều suy nghĩ và nghiên cứu để đưa ra những câu hỏi hữu ích, thể hiện sự quan tâm và nỗ lực thực sự từ phía người xin việc. Bà nhấn mạnh là “hãy luôn luôn, luôn luôn, luôn sẵn sàng có câu hỏi để hỏi. Không hỏi những câu mà bạn có thể tìm trên Google và tìm ra câu trả lời. Đặt câu hỏi về văn hóa công sở, về người phỏng vấn và họ thích công việc của họ hoặc công ty ở điểm nào, thành công trong vị trí này được đánh giá bằng cách nào – hãy đặt những câu hỏi mà không ai ngoài người phỏng vấn có thể trả lời cho bạn. Nếu bạn không có gì để hỏi, điều đó cho tôi biết rằng bạn không quan tâm.”

Nếu bạn không trả lời được một số câu hỏi thì sao?

Dù có chuẩn bị bao nhiêu đi chăng nữa thì vẫn có khả năng các nhân viên tương lai sẽ không có câu trả lời cho câu hỏi trong buổi phỏng vấn, và sẽ bị “kín miệng” khi tìm những điều cần nói. Khi không có sẵn câu trả lời rõ ràng, cách tốt nhất là thành thật thay vì cố gắng gian dối. Hãy giữ bình tĩnh và sẵn sàng, và cố gắng trả lời xoay quanh câu hỏi rồi sau đó mới trả lời các thông tin cần thiết.

Balani nói “Rất tốt khi bạn có thể nghĩ về ẩn ý ngầm của câu hỏi và giải quyết điều đó. Hãy xem qua ví dụ này: Bạn có kinh nghiệm gì về ngôn ngữ truy vấn dữ liệu (SQL)? Đây là một câu hỏi phổ biến cho các nhà phân tích và họ thường không có nhiều kinh nghiệm. Cách xoay chuyển ở đây là bàn về các kỹ năng liên quan, bao gồm phân tích dữ liệu và làm việc với nhiều giải pháp công nghệ khác nhau và cho thấy bạn hiểu rõ về SQL như thế nào ngay cả khi bạn không có kinh nghiệm. Thể hiện sự nhiệt tình trong việc áp dụng các kỹ năng phân tích có thể chuyển đổi của bạn vào SQL.

Thể hiện sự sẵn sàng học hỏi, cho dù đó là một kỹ năng nhất định hoặc một điều gì đó liên quan đến hoạt động bên trong của công ty, là một cách tuyệt vời để các ứng viên thể hiện sự trung thực, sự quan tâm chân thành và đầu tư vào vị trí này.

Một số công ty muốn hỏi các bài toán đố hoặc các câu hỏi đa dạng ở nhiều chủ đề khác nhau để xem liệu ứng viên có thể đặt mình vào vị trí của họ và giải quyết các vấn đề trong các tình huống căng thẳng hay không. Nếu được hỏi cần bao nhiêu quả bóng golf để lấp đầy căn phòng, hay câu hỏi “Em chọn cái nào giữa hai cái sau?” hay một câu hỏi ngoài lề khác, các ứng viên không nên nói rằng họ không có câu trả lời. Trong những tình huống này, nhà tuyển dụng chỉ quan tâm đến việc nhìn thấy các kỹ năng phân tích hơn là một câu trả lời đúng.

Bà Stenson nói :“Không có vấn đề gì nếu bạn tạm dừng để suy nghĩ. Nếu không biết câu trả lời, đặc biệt là câu hỏi mang tính kỹ thuật, cũng không sao hết. Cho họ thấy cách bạn tìm kiếm câu trả lời hoặc có càng nhiều câu trả lời mà bạn biết càng tốt. Những câu hỏi khó này sẽ cho họ thấy cách bạn đối phó với căng thẳng và áp lực, vì vậy hãy bình tĩnh lại bằng cách thể hiện sự khéo léo trong tình huống căng thẳng này.

Nếu một ứng cử viên nhìn thấy mình trong một tình huống cực kỳ khó khăn mà họ không thể xử lý được trong thời điểm đó, họ nên bình tĩnh chấp nhận câu hỏi và nói rằng họ cần một chút thời gian để suy nghĩ. Trong một email tiếp nối (follow-up email) nhằm cảm ơn người phỏng vấn, hãy nhớ gửi luôn câu trả lời cho câu hỏi khó ấy. Mặc dù không hoàn hảo cho lắm nhưng việc ghi nhớ câu hỏi và chứng minh rằng họ thực sự suy nghĩ có thể cho thấy ứng viên này chu đáo và giữ đúng lời.

Stenson lưu ý rằng điều quan trọng cần nhớ là đôi khi người phỏng vấn hỏi những câu hỏi không phù hợp như tuổi tác, dân tộc, tín ngưỡng tôn giáo và giới tính; và trong những tình huống này, bạn có thể không trả lời. “Biết về sự bảo vệ pháp lý của bạn là gì và học cách trả lời thích hợp: ‘Anh/chị có đang lo lắng về điều gì không ạ?' Hỏi ẩn ý đằng sau câu hỏi có thể giúp bạn giải tỏa mọi lo ngại, bất kể câu hỏi được đặt ra nghe kỳ quặc như thế nào. Và tại bất kỳ thời điểm nào, nếu người phỏng vấn hỏi những câu hỏi không phù hợp, khiến bạn cảm thấy không thoải mái hoặc không được tôn trọng (bạn hoặc thời gian của bạn), bạn có thể ra bỏ về”, cô nói.

----------------------------------------------------------------------------------------------------

Tác giả: SHELLEY ZANSLER

Link bài gốc: How to Answer Tough Job Interview Questions

Dịch giả: Bùi Thị Kim Chi – ToMo - Learn Something New

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Bùi Thị Kim Chi - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow FacebookToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,779 lượt xem

Thích 0Không thích 0Chia sẻ Lưu bài 2

Từ khóa » Cách Trả Lời Những Câu Hỏi Phỏng Vấn Khó