Tôn Giáo đã Lỗi Thời? - Báo Công An Nhân Dân điện Tử
Có thể bạn quan tâm
Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận mà Gallup tiến hành năm 2012, cứ 10 người Mỹ thì có 7 người sùng đạo hoặc rất sùng đạo. Hiện nay ở Mỹ có khoảng 40% dân số rất sùng đạo, 29% - “sùng đạo”, 31% - “không sùng đạo”. Mức độ sùng đạo được xác định bởi tần suất tham gia các nghi lễ tôn giáo và mức độ quan trọng của tôn giáo trong đời sống hàng ngày của người được hỏi ý kiến.
Cũng cuộc thăm dò xã hội đó đã giúp các chuyên gia của Gallup đi tới kết luận rằng, trong tương lai người Mỹ sẽ càng trở nên sùng đạo hơn. Ngay trong thời hiện tại, người Mỹ càng lớn tuổi thì càng có vẻ như có tín ngưỡng hơn. Và phụ nữ thì sùng đạo hơn nam giới. Nhìn về góc độ địa lý, các bang miền Nam sùng đạo hơn miền Bắc. Những người có thu nhập và học vấn cao hơn thì ít sùng đạo hơn so với những người có thu nhập thấp và học vấn thấp. Cũng cuộc thăm dò xã hội do Gallup tiến hành cho thấy, người da đen ở Mỹ sùng đạo hơn cả và cũng có tính dân chủ hơn cả. Những người Mỹ ủng hộ đảng Cộng hòa cũng sùng đạo hơn những người ủng hộ đảng Dân chủ...
Một cuộc thăm dò khác, cũng do Viện Gallup tiến hành, cho thấy, những người sùng đạo ở Mỹ thường có được chất lượng sống cao hơn so với những người không coi mình là tín đồ của bất kỳ một tôn giáo nào. Tín ngưỡng giúp cho họ đỡ bị ảnh hưởng của các đột quỵ tinh thần và sống lành mạnh hơn..
Tuy nhiên, không phải lúc nào các số liệu thu thập được từ các cuộc thăm dò xã hội do Viện Gallup tiến hành cũng được phân tích và lý giải đúng đắn. Theo tác giả Emma Green trên tờ The Atlantic, nếu không thao tác chuẩn trong việc chuẩn bị nội dung cho các cuộc thăm dò xã hội thì rất dễ phạm phải những sai lầm trong sử dụng các số liệu điều tra đã thu thập được vào lý giải sự phát triển của lịch sử. Emma Green cho rằng, mới đây, Viện Gallup đã vô tình biến người Mỹ thành những cánh chim báo hiệu về sự chấm dứt đang tới gần của tôn giáo. Một nghìn người đã được mời để trả lời câu hỏi có nhiều hàm ý là: liệu họ có cho rằng tôn giáo có thể giải quyết được tất cả các vấn đề của thời hiện đại hay nó đã trở nên lỗi thời và vô dụng?
Thật đáng ngạc nhiên, nhưng sự thực là chỉ có 13% số người được hỏi đã đưa ra câu trả lời “Không có ý kiến gì” hoặc “Tôi có ý kiến khác”, tức là tỏ thái độ không hợp tác với những nhà xã hội học đã nhìn nhận tôn giáo dưới góc độ như thế. Trong cuộc thăm dò dư luận năm nay, đã có 57% số người được hỏi ý kiến cho rằng, tôn giáo có thể giải đáp cho bất kỳ câu hỏi nào. Và 30% cho rằng, tôn giáo đã “lỗi thời”.
Hai câu trả lời - hai thái cực. Đại đa số những người được hỏi hẳn đã trả lời cả thế này lẫn thế khác nếu một phương án như thế được đề xuất. “Lỗi thời” và “hữu ích” - đó là hai khái niệm không hề loại trừ lẫn nhau. Những khuynh hướng khác nhau trong các tôn giáo khác nhau có thể bao gồm một trong các phương án, hoặc là không phương án nào cả và cũng có thể kết hợp cả hai phương án.
Điều quan trọng hơn nhiều là, các phương án trả lời như thế đều vô nghĩa. Khi bạn nhìn thấy cụm từ “tất cả các vấn đề của thời hiện đại”, thì ngay lập tức bạn sẽ phải nghĩ xem đích xác người hỏi muốn nói tới chuyện gì: chính trị, hệ thống y tế không hiệu quả của Mỹ hay khát vọng làm giàu với khẩu hiệu “Tiền nữa!”(Mo’ money)?. Bản thân khái niệm “lỗi thời” và “vô dụng” cũng rất đáng lo ngại: nó được xây dựng trên một ý tưởng lịch sử rất cụ thể là, nền văn minh của nhân loại phát triển thẳng một lèo tới thời hiện đại. Cơ sở của ý tưởng này là giả thuyết rằng, các nhà lý thuyết thế tục hóa đã đúng ở một điểm nào đó: tôn giáo - đó là một cái gì đó cổ xưa, hoặc là tiền hiện đại, hoặc thậm chí là phản hiện đại, trong khi đấy, “cuộc đời thế tục” lại là một cái gì đó mới, hiện đại hoặc thậm chí “hậu hiện đại”. Bất chấp việc thăm dò ý kiến đòi hỏi những người tham gia phải chỉ rõ phương án nào mà họ cho là đúng, cách trình bày câu hỏi dưới dạng tối hậu thư như trên đã đụng chạm tới ý tưởng thế tục hóa. Đó là lý do khiến văn bản câu hỏi được soạn thảo dưới dạng “mới” và “cũ” - hay nói cách khác, đáng kể và không đáng kể.
Những cuộc thăm dò xã hội tương tự như thế bộc lộ rõ hơn những mối hoài nghi về tôn giáo, và điều đó, cùng ý tưởng thế tục hóa hiển nhiên đang ngày càng lan rộng. Khoảng một phần ba người Mỹ tin rằng tôn giáo đã “lỗi thời” và điều này đang chứng minh một cách không thể phủ nhận được rằng đức tin đang dần dà hết mốt. Tuy nhiên, một khẳng định như thế chỉ có thể đúng theo cái nghĩa chung nhất: khi những người tham gia cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew năm 2012, được hỏi rằng, liệu họ có tin vào chúa trời hay thần thánh không thì 92% đã gật đầu với độ xác tín khác nhau; 7% nói “không” và chỉ có 2% đã không thể tìm ra câu trả lời. Khi câu hỏi được trình bày theo một cách khác: “Bạn cho mình thuộc về tôn giáo nào và nói chung bạn có cho mình là theo tôn giáo không?” thì khoảng hơn 2% đã coi mình là người “vô thần”; 3% nhận mình theo thuyết “bất khả tri” và gần 14% đã không thể xác định được cụ thể mình có đạo hay không.
Như các nhà nghiên cứu của Pew đã đúc kết lúc đó, tình trạng trên sẽ xác định sự tăng trưởng của số lượng những công dân không tôn giáo giai đoạn trong 5 năm - số lượng các nhóm những người vô thần, những người theo thuyết bất khả tri và những người chưa rõ mình có mộ đạo hay không đã tăng khoảng 4%. Như vậy, lời khẳng định rằng các dữ liệu của Gallup cũng bộc lộ xu hướng chung của các dòng tôn giáo ở Mỹ tự thân nó không phải là sai. Nhưng ngay cả cuộc thăm dò được tiến hành và xử lý chi tiết hơn bởi trung tâm Pew cũng làm nảy sinh các vấn đề khi cố gắng thu thập dữ liệu về tín ngưỡng: hai câu hỏi không khác nhau lắm, được đưa ra trong cùng một nghiên cứu, lại mang về hai con số hoàn toàn khác nhau về tỉ lệ những người không tín ngưỡng ở Mỹ: 7% số người được hỏi ý kiến cho rằng họ không tin vào chúa trời, nhưng chỉ có 2% tự nhận mình vô thần.
Tuy nhiên, trong bất cứ đồ thị nào liên quan tới các cuộc thăm dò xã hội tương tự như thế, sự mơ hồ đó không hề bộc lộ. Về lý thuyết, các nhà xã hội học ở Viện Gallup có thể sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi chấp nhận sự tồn tại của đủ các loại bất cập trong môn xã hội học với tư cách là một khoa học: hệ số tương quan của các câu hỏi không dẫn tới mối liên hệ nguyên nhân - hệ quả, các cuộc điều tra được tiến hành thiếu khách quan... Nhưng khi câu hỏi của bạn được đặt ra một cách rất mơ hồ và kết quả mà bạn thu thập được rất hỗn độn thì mọi lời cảnh báo đều chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Dù rằng đây chỉ là một câu hỏi trong hồ sơ của một đại dương mênh mông các dữ liệu nghiên cứu hiện đại, thì đó vẫn là một ví dụ hoàn hảo về ham muốn cố gắng đo lường mọi khía cạnh của đức tin và ý thức hệ, như thể môn xã hội học thực nghiệm mới là cách hợp pháp duy nhất để có được một số kiến thức nào đó về thế giới. Trong trường hợp xấu nhất, những gì chúng ta nhận được, đó là một ý tưởng mơ hồ về những ý tưởng mơ hồ của con người về một ý định phức tạp và bí ẩn của vũ trụ. Và một đồ thị sạch sẽ, gọn gàng có thể buộc chúng ta cảm thấy mình gắn bó nhiều hơn với sự thật
Từ khóa » Sùng đạo Nghĩa Là Gì
-
Sùng đạo - Wiktionary Tiếng Việt
-
Nghĩa Của Từ Sùng đạo - Từ điển Việt
-
Sùng đạo Là Gì? Hiểu Thêm Văn Hóa Việt - Từ điển Tiếng Việt
-
Từ điển Tiếng Việt "sùng đạo" - Là Gì?
-
Sùng đạo Nghĩa Là Gì? - Từ-điể
-
'sùng đạo' Là Gì?, Từ điển Tiếng Việt
-
Sùng đạo
-
Từ Điển - Từ Sùng đạo Có ý Nghĩa Gì - Chữ Nôm
-
SÙNG ĐẠO - Nghĩa Trong Tiếng Tiếng Anh - Từ điển
-
Sùng đạo Nghĩa Là Gì? - Thanh Niên Tin Lành
-
NGƯỜI SÙNG ĐẠO? - Hướng Đi Ministries
-
Sùng đạo - đó ... Ý Nghĩa Và Các Tính Năng Nhận Thức Của Nó
-
Lòng Sùng ðạo Và Những Tôn Sùng