TỔNG QUAN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH BÌNH ĐỊNH

TỔNG QUAN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH BÌNH ĐỊNH

Mở đầu

Bình Định nằm ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, là 1 trong 5 tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung, có diện tích tự nhiên là 6.039 km2; theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở thời điểm 1/4/2009, dân số tỉnh Bình Định (năm 2009) là 1.485.943 người; gồm 10 huyện và TP Quy Nhơn. TP Quy Nhơn đã được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Bình Định theo Quyết định số 159/QĐ-TTg Ngày 25/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ, có dân số hơn 280.000 người. Bình Định có vị trí địa kinh tế đặc biệt quan trọng trong giao lưu khu vực và quốc tế, nằm ở trung điểm của trục giao thông sắt, bộ Bắc - Nam Việt Nam, đồng thời là cửa ngõ ra biển gần nhất và thuận lợi nhất của Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan thông qua Quốc lộ 19 và cảng biển quốc tế Quy Nhơn. Ngoài lợi thế này, Bình Định còn có nguồn tài nguyên tự nhiên, tài nguyên nhân văn phong phú và nguồn nhân lực khá dồi dào. Trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 54/2009/QĐ-TTg ngày 14/4/2009), Bình Định được xác định sẽ trở thành tỉnh có nền công nghiệp hiện đại và là một trong những trung tâm phát triển về kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.

Hiện nay, Bình Định đã và đang tập trung các nguồn lực đẩy nhanh tốc độ đầu tư xây dựng theo quy hoạch 8 KCN (chưa tính các KCN trong KKT Nhơn Hội) với tổng diện tích quy hoạch là 1.761 ha, 37 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.519,37 ha, đặc biệt là Khu kinh tế Nhơn Hội (12.000 ha, trong đó có 1.300 ha khu công nghiệp); tập trung xây dựng Thành phố Quy Nhơn (đô thị loại I thuộc tỉnh) trở thành trung tâm tăng trưởng phía Nam của vùng và đầu mối giao thông phục vụ trực tiếp cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên; xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng lớn để gắn kết với các khu vực lân cận theo trục Bắc - Nam và Đông Tây; phát triển các ngành kinh tế trọng điểm mà tỉnh có lợi thế là công nghiệp chế biến lâm - nông - thuỷ sản, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng, giày da, may mặc, cơ khí, cảng biển nước sâu, sản xuất lắp ráp đồ điện, điện tử, sản xuất điện, phát triển du lịch, dịch vụ hàng hải, thương mại, dịch vụ tài chính, ngân hàng, bưu chính, viễn thông....

I. Thực trạng cơ sở hạ tầng kỹ thuật của tỉnh:

1. Về giao thông: Bình Định có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường hàng không và đường biển. Trong đó:

a) Đường bộ: Có 3 tuyến Quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh (QL1A, QL 1D, QL19) với tổng chiều dài 208 km.

- Quốc lộ 1A đoạn qua Bình Định dài 118 km, được đầu tư nâng cấp theo Dự án ADB 3 đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng: bề rộng nền 12 mét, mặt đường bê tông nhựa (BTN) 11 mét, trong đó đoạn đi qua TP Quy Nhơn dài 4,7 km được xây dựng đạt tiêu chuẩn đường đô thị loại II chỉ giới xây dựng 30 mét.

- Quốc lộ 1D đoạn qua Bình Định dài 20,7 km thuộc địa bàn TP Quy Nhơn, tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng nền đường rộng 12 mét, mặt BTN rộng 11 mét, riêng đoạn từ km 0 đến km 2 +00 nền đường rộng 21 mét, mặt BTN rộng 14 mét.

- Quốc lộ 19 qua Bình Định dài 69,5 km tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, trong đó; Từ km 0 đến km 5 nền đường 21 mét, mặt BTN 14 mét; từ km 5 đến km 17+256 nền đường 12 mét mặt BTN 11 mét; đoạn còn lại nền đường 9 mét, mặt BTN 7 mét, được xây dựng trước năm 1975 đến nay đã xuống cấp hư hỏng nhiều chưa được nâng cấp mở rộng.

- Đường tỉnh lộ: có 14 tuyến với chiều dài 467,5 km đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, V, nền đường 6,5- 9 mét, mặt BTN, bê tông xi măng (BTXM) rộng 3,5- 6 mét chiếm 91%, phấn đầu đến năm 2010 đạt tỷ lệ BTN, BTXM mặt đường 100%, từng bước nâng cấp mặt đường đạt tiêu chuẩn đường cấp III, IV và cấp V.

- Đường huyện: gồm 20 tuyến với tổng chiều dài 277 km đã bê tông hóa 115 km, đạt 42%, phấn đấu sau năm 2010 mặt đường được bê tông hóa trên 70%.

- Đường giao thông nông thôn gồm đường xã, liên xã và đường thôn xóm với tổng chiều dài trên 3.450 km đã bê tông hóa được 1989 km, phấn đấu sau năm 2010 từng bước bê tông hóa số tuyến còn lại đạt chuẩn đường giao thông loại A,B.

- Đường đô thị có 442 km, trong đó đã bê tông hóa 390 km chất lượng xây dựng đường đô thị còn thấp, chưa đồng bộ giữa vỉa hè, cây xanh và hệ thống thoát nước còn nhiều bất cập.

b) Đường sắt: Đường sắt Bắc- Namđi qua Bình Định dài 148 km gồm 11 ga, trong đó ga Diêu Trì là ga lớn, là đầu mối của tất cả các loại tàu trên tuyến đường sắt. Ngoài các chuyến tàu Bắc- Nam còn các chuyến tàu nhanh từ Quy Nhơn đi vào các tỉnh khu vực miền Trung đến TP Hồ Chí Minh và đi ra đến Nghệ An.

c) Đường hàng không: Sân bay Phù Cát được xây dựng trước năm 1975, có đường băng rộng 45 mét dài 3.050 mét, đã và đang được cải tạo, nâng cấp. Sân bay Phù Cát cách TP Quy Nhơn 30 km về phía Tây Bắc. Tuyến Quy Nhơn - Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại mỗi tuần có 10 chuyến bay của Vietnam Airlines và 7 chuyến bay của Air Mekong; tuyến Quy Nhơn - Hà Nội và ngược lại mỗi tuần có 6 chuyến bay của Vietnam Airlines. Nhà ga hàng không có công suất 300 hành khách/giờ.

d) Đường biển: Bình Định có 134 km bờ biển với nhiều đảo, vịnh và cửa biển rất thuận lợi cho việc xây dựng cảng biển. Hiện nay hệ thống cảng biển của Bình Định gồm:

- Cảng Quy Nhơn là cảng biển tổng hợp quốc gia phục vụ phát triển kinh tế khu vực, là đầu mối chuyển tiếp hàng hóa quá cảnh cho một số tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Cămpuchia qua Quốc lộ 19 và Quốc lộ 14, Cảng có thể tiếp nhận tàu 30.000 DWT. Công suất 4 triệu tấn/năm.

- Cảng Thị Nại là cảng tổng hợp địa phương, nâng cấp 160 mét cầu cảng, nạo vét luồng tuyến để tiếp nhận tàu từ 10.000 DWT trở lên, phấn đấu đến năm 2010 lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 0,8 - 1 triệu tấn.

- Cảng Nhơn Hội: Gồm cảng thuế quan và cảng phi thuế quan với tổng diện tích 165 ha, phục vụ tàu bách hóa và container 50.000 DWT, lượng hàng hóa thông qua 12 triệu tấn/năm. Đang chuẩn bị xây dựng.

- Cảng Đống Đa: Quy hoạch xây dựng nâng cấp cảng cũ, có thể tiếp nhận tàu 10.000 DWT, công suất cảng đạt 1,4 triệu tấn/năm.

- Cảng dầu Quy Nhơn: Quy hoạch xây dựng có khả năng tiếp nhận tàu 10.000 DWT, công suất đạt 0,8 triệu tấn/năm.

- Cảng Tam Quan: Quy hoạch xây dựng tại thôn Trường Xuân Tây (huyện Hoài Nhơn) có khả năng tiếp nhận tàu 3.000 DWT, công suất cảng khoảng 0,96 triệu tấn/năm.

2. Cấp điện: Bình Định đã xây dựng và thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2006 - 2010 có xét đến tới 2015 với mục tiêu 100% số xã có điện, trong đó 97% số xã được cấp điện lưới quốc gia, 98% số thôn có điện. Những năm qua đã tranh thủ nguồn vốn WB đầu tư trung áp, hạ áp, đến nay 100% xã có điện lưới (trừ xã đảo Nhơn Châu) và có trên 99% số hộ dùng điện. Thực hiện việc chuyển đổi mô hình, cấp phép hoạt động điện lực, vận hành lưới điện hạ thế an toàn, áp dụng nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng điện, giảm tổn thất điện năng, đảm bảo giá bán điện đến hộ dân nông thôn.

Phấn đấu đến năm 2010 điện năng thương phẩm đạt 1.312 triệu KWh tăng 18,9% so với năm 2006, bình quân điện năng tiêu thụ 820 KWh/người, gấp đôi năm 2006 (năm 2006 là 415 KWh/người).

3. Cấp nước: Nhà máy nước Quy Nhơn được đầu tư nâng cấp có tổng công suất 45.000 m3/ngày đêm (sẽ tiếp tục tăng lên 48.000 m3/ngày đêm), hiện nay đã cấp nước cho hơn 90% dân số và các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP Quy Nhơn và một phần Khu kinh tế Nhơn Hội. Công suất cấp nước cho Khu công nghiệp Phú Tài: 8.500 m3/ngày đêm. Đang xây dựng công trình cấp nước cho Khu kinh tế Nhơn Hội: 12.000 m3/ngày đêm (giai đoạn 1). Đang hoàn thiện dự án cấp nước cho 9 thị trấn trong tỉnh với công suất 21.300 m3/ngày đêm.

4. Bưu chính, viễn thông: Mạng lưới bưu chính viễn thông với đủ các loại hình dịch vụ có thể đáp ứng nhanh chóng nhu cầu trao đổi thông tin, liên lạc.Đến nay đã có khoảng 90% tổng số xã có điểm bưu điện - văn hoá; tỷ lệ thuê bao điện thoại đạt 55 - 60 thuê bao/100 dân; mật độ thuê bao Internet đạt 6 - 8 thuê bao/100 dân, trong đó số thuê bao Internet băng rộng chiếm khoảng 80%, tỷ lệ người sử dụng Internet đạt 25 - 30 % dân số.

II. Phát triển Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp:

a) Khu kinh tế Nhơn Hội (KKT Nhơn Hội):

Khu kinh tế Nhơn Hội được thành lập theo Quyết định số 141/2005/QĐ-TTg ngày 14/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu xây dựng và phát triển từng bước trở thành hạt nhân tăng trưởng, trung tâm đô thị công nghiệp-dịch vụ-du lịch của Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung; là đầu mối giao lưu quốc tế quan trọng, góp phần mở rộng thị trường khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và là cầu nối với thị trường Campuchia, Lào và Thái Lan; là khu du lịch quốc gia với vai trò một trong những trung tâm du lịch của vùng Duyên hải miền Trung.

Được xây dựng trên bán đảo Phương Mai nằm phía Đông Bắc thành phố Quy Nhơn và cách trung tâm thành phố 6 km, Khu kinh tế Nhơn Hội có diện tích đất tự nhiên khoảng 12.000 ha, được quy hoạch phát triển thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm 02 khu chức năng chính:

Khu phi thuế quan có diện tích 530 ha, được chia ra nhiều phân khu chức năng, gồm có: Khu cảng và hậu cần cảng, Khu trung tâm điều hành, giao dịch và hành chính, khu sản xuất cho các xí nghiệp sản xuất hàng hoá xuất khẩu, khu kho tàng để lưu giữ hàng hoá và trung chuyển.

Khu thuế quan bao gồm Khu công nghiệp 1.324 ha; Khu phong điện 283 ha; Khu đô thị mới 650 ha; Khu cảng tổng hợp 120 ha, Khu hậu cảng 51 ha, còn lại là các khu du lịch sinh thái biển, đầm, lịch sử, tâm linh....

Hiện nay, KKT Nhơn Hội đã thu hút được 29 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 21.631,19 tỷ đồng, trong đó có 6 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 370,72 triệu USD.

b) Các khu công nghiệp (KCN):

Theo Quy hoạch (kể các các KCN được bổ sung) được duyệt đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh có 8 KCN (chưa tính các KCN trong KKT Nhơn Hội) với tổng diện tích quy hoạch là 1.761 ha (bao gồm KCN Phú Tài, Long Mỹ, Nhơn Hòa và Hòa Hội, Cát Trinh, Cát Khánh, KCN Bồng Sơn, KCN Bình Nghi-Nhơn Tân, KCN Bình Long).

Trong đó, KCN Phú Tài (348 ha) và Long Mỹ (110 ha) đã lấp đầy trên 90% diện tích; KCN Nhơn Hòa (272 ha) và KCN Hòa Hội (275 ha) đang trong giai đoạn triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Lĩnh vực đầu tư chủ yếu thu hút vào các KCN gồm sản xuất thiết bị điện, điện tử, cơ khí chế tạo, sản phẩm thép, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến đá các loại, chế biến nông lâm sản và một số ngành công nghiệp khác. Địa điểm các KCN khá thuận lợi, nằm cạnh các trục quốc lộ quan trọng (QL 1A và QL 19), cự ly đến cảng quốc tế Quy Nhơn thay đổi theo từng KCN nhưng xa nhất không quá 40 km và gần nhất chỉ 12 km. Chỉ riêng 2 KCN Phú Tài và Long Mỹ đã thu hút trên 120 doanh nghiệp vào đầu tư, trong đó có 3 doanh nghiệp FDI, đóng góp trên 30% giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh, thu hút trên 20.000 công nhân vào làm việc.

KCN Nhơn Hòa (272ha):đang san lấp nền và xây dựng hạ tầng, đã có một số nhà đầu tư đăng ký đầu tư với diện tích khoảng 30% diện tích thuê; KCN Hòa Hội (265ha):đã khởi công xây dựng hạ tầng, đã có một số nhà đầu tư đăng ký đầu tư với diện tích khoảng 20% diện tích thuê.

Các KCN còn lại đang tiến hành lập quy hoạch chi tiết.

c) Cụm công nghiệp (CCN):

Bình Định đã và đang hình thành 37 CCN, có tổng diện tích 1.519,37 ha với các ngành nghề chủ yếu: chế biến lương thực thực phẩm, chế biến gỗ, cơ khí nhỏ, sản xuất gạch ngói, hàng tiêu dùng... Đến nay, đã có 11 CCN đi vào hoạt động và thu hút đầu tư lấp đầy 70 - 100% diện tích, 10 cụm còn lại đang xây dựng hạ tầng song song với việc giao mặt bằng cho doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng và tổ chức sản xuất. Các CCN đã thu hút 436 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất có quy mô vừa và nhỏ đầu tư, được giao đất xây dựng nhà xưởng sản xuất diện tích 221 ha với tổng vốn đăng ký đầu tư 1.230 tỷ đồng (suất đầu tư đạt 6 tỷ đồng/ha), vốn thực hiện 843 tỷ đồng (đạt 68,5% so tổng vốn đăng ký); đã có 397 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất đi vào hoạt động. Các cơ sở sản xuất trong các CCN đã góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, tạo việc làm cho gần 11.000 lao động.

III. Thực tế triển khai các dự án quy hoạch về xây dựng TP Quy Nhơn

Triển khai Quy hoạch chung TP Quy Nhơn đến năm 2020 (điều chỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 98/2004/QĐ-TTg ngày 01/6/2004, trong 5 năm qua, với tinh thần chủ động và phương châm "đi trước một bước" trong chuẩn bị hạ tầng, Bình Định đã và đang tập trung đầu tư nâng cấp, đầu tư mới, hoàn thiện các dự án hạ tầng tại Quy Nhơn và khu vực lân cận, cụ thể là:

- Cải tạo, chỉnh trang các khu chức năng cũ tập trung ở 12 phường, quy mô khoảng 900 ha, di chuyển hơn 2.500 hộ dân chài ven biển để xây dựng đường ven biển Xuân Diệu, di chuyển hàng chục xí nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào các KCN, CCN.

- Mở rộng thành phố về phía Tây-Nam, khu vực Phú Tài, Long Mỹ, nhập xã Phước Mỹ, Tuy Phước vào Quy Nhơn; đã xây dựng nơi đây 2 KCN (trên 600 ha, như đã nêu trên). Những năm gần đây thành phố mở rộng về hướng Đông-Bắc, đã xây dựng nhiều khu dân cư mới nội thành, phía Nam và Bắc sông Hà Thanh quy mô khoảng 150 ha, chuẩn bị xây dựng Khu đô thị mới An Phú Thịnh 155 ha; đặc biệt là xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội 12.000 ha, trong đó xây mới đường dẫn và cầu Thị Nại dài 7 km, trong đó Cầu Thị nại 2,5 km nối liền thành phố với KKT Nhơn Hội, là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam. Trong Khu kinh tế Nhơn Hội có quy hoạch Khu đô thị mới 650 ha hiện đang tổ chức thi tuyển ý tưởng quy hoạch mang tầm quốc tế.

- Cải tạo mở rộng cảng Quy Nhơn, xây dựng bến xe khách trung tâm, cải tạo, nâng cấp các đường phố khu vực đô thị cũ, xây dựng mới các tuyến: đường ven biển Xuân Diệu, tuyến Nguyễn Tất Thành nối dài, đường Điện Biên Phủ... Triển khai dự án vệ sinh môi trường TP Quy Nhơn với vốn đầu tư trên 50 triệu USD (do WB tài trợ), hoàn tất dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn với vốn đầu tư trên 3 triệu USD (do Chính phủ Bỉ tài trợ).

- Nâng cấp Nhà máy nước Quy Nhơn, Nhà máy nước Phú Tài công suất 1.000 m3/n.đ, xây dựng các trạm bơm tăng áp Nhơn Hội; xây dựng đường dây 220 KV mạch đơn từ Quy Nhơn đi Tuy Hoà, Nha Trang; nâng công suất trạm Phú Tài 220/110 KV lên 2x125 MVA; các trạm 110 KV và đường dây 110 KV, lưới điện 22 KV.

- Đã và đang huy động mọi nguồn lực xây dựng, hoàn thiện các khu trung tâm hành chính, thương mại - dịch vụ, khu du lịch, các cơ sở giáo dục - đào tạo và y tế, các khu công viên, cây xanh: Xây dựng mới Trung tâm Văn hoá - Thông tin tỉnh, Nhà văn hoá Công nhân lao động, Nhà văn hoá thanh thiếu niên, các toà nhà kho bạc và ngân hàng; xây dựng mới Trung tâm Thương mại Quy Nhơn, xây lại Trung tâm thương mại Chợ Lớn Quy Nhơn, chuẩn bị xây dựng Trường Đại học Quang Trung và một số trường cao đẳng, trung cấp nghề; nâng cấp Bệnh viện đa khoa tỉnh đạt bệnh viện loại 1, xây dựng mới Bệnh viện y học dân tộc, cải tạo nâng cấp Bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi, Bệnh viện chuyên khoa mắt; chỉnh trang, xây dựng mới nhiều công viên và một số sân bãi thể thao phục vụ nhu cầu thư giãn, vui chơi giải trí, tập luyện thể dục thể thao cho các tầng lớp nhân dân. Các dự án khách sạn, resort hoàn thành trong thời gian gần đây như Life Resort, Hoàng Gia Resort (Royal Hotel & Healthcare Resort), Khách sạn Sài Gòn - Quy Nhơn, Khu du lịch Ghềnh Ráng, Khách sạn Hải Âu, Hoàng Yến... đã góp phần làm cho diện mạo đô thị Quy Nhơn khang trang và hiện đại hơn.

- Về nhà ở của nhân dân, hình thức tự xây là chủ yếu. Tại Quy Nhơn, hiện có khu căn hộ cao cấp do Hoàng Anh Gia Lai đầu tư xây dựng và một số khu biệt thự của Tổng công ty PISICO. Tỉnh đang quy hoạch xây dựng một số khu chung cư cho người thu nhập thấp, khu dân cư, cao ốc văn phòng, căn hộ và nhà ở thương mại trung bình và cao cấp để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân trong và ngoài tỉnh đến Quy Nhơn làm ăn, sinh sống.

IV. Sự cần thiết của việc quy hoạch và đầu tư của Trung ương cho Bình Định và Vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung

1. Sự cần thiết phải quy hoạch đầu tư:

Nhằm phát huy tiềm năng, vị trí địa lý và các lợi thế so sánh của Vùng, từng bước phát triển VKTTĐMT thành một trong những Vùng phát triển năng động của cả nước, bảo đảm vai trò một trong những hạt nhân tăng trưởng và thúc đẩy phát triển khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Trong đó Bình Định có vị trí quan trọng trong giao lưu khu vực và quốc tế, có nhiều tiềm năng và điều kiện để trở thành cực phát triển phía Nam của Vùng. Đặc biệt, sau khi Khu kinh tế Nhơn Hội hình thành, Bình Định thu hút được sự quan tâm chú ý của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, Bình Định sẽ trở thành đầu mối trung chuyển và trung tâm giao thương, kinh tế của Tiểu vùng sông Mêkông mở rộng (GMS) và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

2. Những tồn tại bất cập cho việc phát triển hạ tầng ở Bình Định:

Kết cấu hạ tầng giao thông của Bình Định tuy đã được Trung ương và tỉnh quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch của tỉnh và khu vực.

TP Quy Nhơn đã tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng nhưng vẫn còn nhiều vấn đề bất cập về hệ thống giao thông, vệ sinh môi trường và các tiện ích công cộng; không gian thành phố vẫn còn chật hẹp, chưa thực sự tiện nghi.

Do tỉnh thiếu kinh phí đầu tư nên hạ tầng các KCN xây dựng chậm, chưa đáp ứng nhu cầu mặt bằng cho các nhà đầu tư xây dựng nhà máy..

V. Quy hoạch và đầu tư của Trung ương đối với Bình Định

Ngày 14/4/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 54/2009/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định đến năm 2020. Theo đó, Bình Định được xác định sẽ trở thành tỉnh có nền công nghiệp hiện đại và là một trong những trung tâm phát triển về kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.

Quy hoạch này gồm 7 chương trình phát triển sau đây:

1. Chương trình đầu tư xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội.

2. Chương trình đầu tư thành phố Quy Nhơn thành đô thị loại 1.

3. Chương trình đầu tư nâng cấp đô thị Bình Định, Bồng Sơn và Phú Phong trở thành thị xã.

4. Chương trình đầu tư và nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội gắn kết với các vùng lân cận.

5. Chương trình phát triển các ngành kinh tế trọng điểm: công nghiệp chế biến lâm - nông - thuỷ sản, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất vật liệu xây dựng, giày da, may mặc, cơ khí, cảng biển nước sâu, hóa dầu, điện, điện tử, sản xuất nguồn điện

6. Chương trình phát triển du lịch, dịch vụ hàng hải, thương mại, xuất khẩu, dịch vụ ngân hàng, bưu chính viễn thông, dịch vụ tài chính.

7. Chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ của tỉnh.

Theo Quyết định 54/2009/QĐ-TTg, Chính phủ quy hoạch phát triển kết cầu hạ tầng giao thông vận tải của Bình Định như sau:

- Đến năm 2010, cải tạo nâng cấp quốc lộ 19 đoạn cảng Quy Nhơn - đèo An Khê thành đường cấp III đồng bằng, trong đó, đoạn cảng Quy Nhơn - Phú Phong dài 40 km theo tiêu chuẩn cấp I đường đồng bằng. Từ năm 2011 - 2020, xây dựng đường cao tốc Quảng Ngãi - Quy Nhơn - Nha Trang nối liền hệ thống đường cao tốc quốc gia;

- Xây dựng tuyến đường từ thị trấn Tuy Phước đi cảng Nhơn Hội; nâng cấp đoạn Km0 đến Km7 quốc lộ 1D theo tiêu chuẩn đường cấp I đô thị;

- Đến năm 2010, bê tông hoá toàn bộ hệ thống đường Tỉnh; giai đoạn sau năm 2010, tiếp tục nâng cấp hệ thống đường tỉnh lộ;

- Hoàn thành xây dựng các tuyến đường đô thị Quy Nhơn theo quy hoạch. Đầu tư xây dựng đồng bộ các tuyến đường nội thị của các đô thị (thị xã) mới thành lập;

- Đến năm 2010, bê tông hoá 100% đường liên xã, trục chính của xã; phấn đấu đạt tỷ lệ bê tông hoá 60% đường giao thông nông thôn và năm 2020 đạt 100%;

- Đầu tư nâng cấp, mở rộng sân đỗ, đường băng và nhà ga hành khách sân bay Phù Cát để tiếp nhận máy bay cỡ lớn. Phấn đấu đạt công suất 0,2 triệu lượt hành khách và 2.000 tấn hàng vào năm 2010; 0,3 triệu lượt hành khách và 4.000 tấn hàng vào năm 2020; nâng tần suất bay các chuyến bay thẳng Hà Nội - Quy Nhơn - Hà Nội và chuyến thành phố Hồ Chí Minh - Quy Nhơn - thành phố Hồ Chí Minh. Sau năm 2010, có chuyến bay Quy Nhơn - Huế, Quy Nhơn - Đà Lạt, Quy Nhơn - Cam Ranh. Định hướng sân bay Phù Cát sớm trở thành sân bay quốc tế;

- Giai đoạn sau năm 2010, di dời ga đường sắt Quy Nhơn; chuẩn bị xây dựng tuyến đường sắt nhánh dài 23,2 km nối Khu kinh tế Nhơn Hội và cảng biển với tuyến đường sắt quốc gia qua ga tiền cảng Nhơn Bình.

- Nâng công suất cảng Quy Nhơn đạt và ổn định 4 triệu tấn thông qua/năm vào năm 2010; cảng Thị Nại đạt 0,8 - 1 triệu tấn thông qua vào năm 2010 và ổn định 1,3 triệu tấn thông qua/năm giai đoạn 2015 - 2020;

- Xây dựng cảng Nhơn Hội có thể tiếp nhận tàu 5 vạn tấn. Phấn đấu sau năm 2010 đạt 2 triệu tấn thông qua/năm và năm 2020 đạt 11,5 - 12 triệu tấn thông qua; xây dựng cảng Tam Quan, cảng Đề Gi thành cảng hàng hoá.

Mới đây, ngày 24/8/2009 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1327/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, theo đó một số tuyến đường qua Bình Định được quy hoạch cụ thể như sau:

- Quốc lộ 19 từ Quy Nhơn (Bình Định) đến Lệ Thanh (Gia Lai), dài 238 km, hoàn thiện nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 2 làn xe; riêng đoạn từ cảng Quy Nhơn đến giao quốc lộ 1 đạt tiêu chuẩn đường cấp I, cấp II, quy mô 4-6 làn xe.

- Quốc lộ 1D từ Quy Nhơn (Bình Định) đến Sông Cầu (Phú Yên), dài 35 km, đoạn đi trong thành phố theo quy hoạch đường đô thị, đoạn còn lại duy trì tiêu chuẩn đường cấp III, 2 làn xe.

Danh mục các dự án hạ tầng do Trung ương đầu tư trên địa bàn Bình Định (theo Quyết định 54/2009/QĐ-TTg) cụ thể như sau:

1. Hồ Định Bình (kể cả hợp phần khu tưới Văn Phong)

2. Hồ Đồng Mít

3. Xây dựng Khu neo đậu tránh trú bão và cảng cá: Tam Quan, Đề Gi, Quy Nhơn

4. Nâng cấp cảng cá Quy Nhơn

5. Nâng cấp, mở rộng cảng Quy Nhơn (4 triệu tấn/năm)

6. Xây dựng cảng Phi thuế quan (Nhơn Hội)

7. Xây dựng cảng chuyên dùng (Nhơn Hội)

8. Xây dựng mới cảng hàng hóa Tam Quan, Đề Gi

9. Nâng cấp ga hàng không Phù Cát

10. Xây dựng ga tiền cảng Nhơn Bình

11. Xây dựng tuyến đường sắt nhánh nối Khu kinh tế Nhơn Hội

12. Nâng cấp Quốc lộ 19 (đèo An Khê - cảng Quy Nhơn)

13. Xây dựng tuyến Tuy Phước - cảng Nhơn Hội

14. Đường cao tốc Quảng Ngãi - Bình Định - Khánh Hòa

15. Đường cao tốc Quy Nhơn – Pleiku

16. Tuyến đường bộ ven biển đi qua tỉnh Bình Định

16. Trường Đại học Quy Nhơn

17. Các công trình cơ sở hạ tầng, kho vũ khí, doanh trại

18. Các công trình ngầm, Cảng quân sự Thị Nại

VI. Quan điểm, giải pháp giải quyết nguồn vốn:

Để đáp ứng được nhu cầu vốn đầu tư, cần các giải pháp huy động vốn; trong đó chú trọng phát huy nguồn nội lực, tranh thủ tối đa nguồn ngoại lực, nhất là nguồn vốn ODA, các tổ chức tài chính quốc tế; huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ quỹ đất, khuyến khích thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư.

Các nguồn vốn huy động cho đầu tư phát triển như sau:

Nguồn vốn ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) tập trung cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội.

Đối với hạ tầng giao thông: Thu hút vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông vận tải với nhiều hình thức: Phát hành trái phiếu công trình, đầu tư - khai thác - chuyển giao (BOT), đầu tư - chuyển giao (BT), đầu tư - thu phí hoàn trả, đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), chuyển nhượng quyền thu phí… Ưu tiên đối với một số công trình lớn như bến cảng, sân bay, một số trục đường kinh tế biển và du lịch…

Các huyện dùng nguồn vốn từ cấp quyền sử dụng đất để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, các khu đô thị mới, khu công nghiệp đảm bảo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tiếp tục thực hiện cơ chế hỗ trợ vốn bằng hình thức hỗ trợ xi măng để bê tông hóa hệ thống đường giao thông nông thôn còn lại.

VII. Kiến nghị:

Trong quá trình phát triển của mình, bên cạnh nỗ lực tự thân Bình Định rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương bởi Bình Định đang trong quá trình tạo dựng tiền đề cho phát triển.

Trước hết là vấn đề quy hoạch: Bình Định có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng an ninh, là cửa ngõ hướng biển của Tây Nguyên và của Tiểu vùng Sông Mekong mở rộng (được tái khẳng định tại Hội nghị thượng đỉnh Tiểu vùng sông Mekong mở rộng lần thứ 3 tại Viên Chăn, tháng 3/2008). Vì vậy, đề nghị Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương tiếp tục xác định rõ vai trò, vị trí của Bình Định để đưa vào các quy hoạch ngành, vùng, liên vùng, qua đó bố trí vốn đầu tư, có định hướng và giải pháp thích hợp nhằm phát triển đồng bộ cả nước, cả vùng, trong đó có Bình Định. Về thực hiện quy hoạch hạ tầng giao thông đường bộ, UBND tỉnh Bình Định kiến nghị:

- Về đường bộ cao tốc, đề nghị sớm đầu tư đoạn từ Quảng Ngãi - Quy Nhơn tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông, đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, trước mắt là tuyến Quốc lộ 19 đoạn từ Cảng Quy Nhơn đến Quốc lộ 1A.

- Đề nghị quy hoạch tuyến đường tỉnh ĐT638 (Diêu Trì - Mục Thịnh) thành đường quốc lộ nối thông giữa 3 tỉnh Bình Định - Phú Yên - Đăk Lăk theo tiêu chuẩn đường cấp III gồm 2 làn xe nhằm mở rộng lưu thông hàng hóa từ các tỉnh Nam Tây Nguyên, Đông Bắc Campuchia xuống cảng Quy Nhơn và ngược lại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các huyện miền núi, trung du giữa 3 tỉnh (đây cũng là kiến nghị chung của 3 tỉnh).

Thứ hai là về vốn: Những năm gần đây thu ngân sách trên địa bàn tỉnh liên tục gia tăng nhưng Bình Định vẫn chưa tự chủ được ngân sách do nhu cầu đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh khá lớn, nhất là hạ tầng Khu kinh tế Nhơn Hội, hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, bảo vệ môi trường và an sinh xã hội. Vì vậy, Bình Định mong tiếp tục được sự quan tâm của Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương trong việc cấp bổ sung, phân bổ, hỗ trợ các nguồn vốn đầu tư, vốn cho các chương trình mục tiêu. Đồng thời, UBND tỉnh Bình Định cũng đề nghị Trung ương sớm triển khai các dự án do Trung ương đầu tư đã xác định tại Quyết định 54/2009/QĐ-TTg ngày 14/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các công trình: nâng cấp cảng Quy Nhơn, sân bay Phù Cát, Quốc lộ 19, xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Bình Định - Nha Trang... nhằm cải thiện điều kiện hạ tầng của Bình Định và Miền Trung - Tây Nguyên, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thu hút mạnh đầu tư trong và ngoài nước vào khu vực này./.

Từ khóa » Hệ Thống Lãnh Thổ Du Lịch Là Hạt Nhân Tạo Nên