Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên Huyện Châu Thành nằm ở phía Bắc của tỉnh Sóc Trăng, cách Thành phố Sóc Trăng 13 km và cách Thành phố Cần Thơ khoảng 50 km về phía Bắc. Châu Thành là cửa ngõ của tỉnh Sóc Trăng và là huyện có đường quốc lộ 1A đi qua xuyên suốt chiều dài của huyện, kết nối với các tuyến đường tỉnh 939B, 982, là tuyến giao thông huyết mạch đi trong và ngoài huyện, nối địa bàn huyện với các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu. Huyện Châu Thành có diện tích tự nhiên 23.632,43 ha, bằng 7,14% diện tích tự nhiên của tỉnh Sóc Trăng. Phía Đông tiếp giáp với Thành phố Sóc Trăng và các huyện Long Phú, Kế Sách; Phía Tây giáp huyện Phụng Hiệp, Thị xã Ngã Bảy tỉnh Hậu Giang; Phía Nam giáp huyện Mỹ Tú; Phía Bắc giáp huyện Kế Sách và Thị xã Ngã Bảy tỉnh Hậu Giang. Với vị trí địa lý nêu trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho huyện Châu Thành là cầu nối với các tỉnh phía Bắc Sóc Trăng và Thành phố Hồ Chí Minh. Địa giới hành chính của huyện được chia thành 07 xã và 01 thị trấn, trung tâm huyện lỵ đặt tại Thị trấn Châu Thành. Gồm các xã: Hồ Đắc Kiện, Phú Tâm, Thuận Hòa, Phú Tân, Thiện Mỹ, An Hiệp, An Ninh. Dân số có 95.582 người chiếm 7,92% dân số trung bình của tỉnh (năm 2021); có 03 dân tộc anh em Kinh - Khmer – Hoa sinh sống. Trên địa bàn huyện có Quốc lộ 1A xuyên suốt dài khoảng 20 km và chia huyện Châu Thành thành 02 vùng: Một là, Vùng Đông quốc lộ 1A: chủ yếu gồm thị trấn Châu Thành, xã Phú Tân, Phú Tâm và một phần xã An Hiệp và Hồ Đắc Kiện. Hai là, Vùng Tây quốc lộ 1A: Chiếm phần lớn diện tích đất đai trong huyện gồm các xã An Ninh, Thiện Mỹ, An Hiệp, Thuận Hòa và phần lớn xã Hồ Đắc Kiện. Với lợi thế về giao thông thủy, bộ và khu công nghiệp An Nghiệp của tỉnh – có quy mô 220 ha nằm trên địa bàn xã An hiệp và xã Phú Tâm của huyện Châu Thành, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển toàn diện các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp và các ngành dịch vụ. Đặc biệt coi trọng thu hút các dự án đầu tư và phát triển một số vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế trang trại, các ngành công nghiệp phụ trợ cho khu công nghiệp An Nghiệp và cung cấp sản phẩm nông sản thực phẩm sạch cho Thành phố Sóc Trăng. Khí hậu: Huyện Châu Thành nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long nên huyện cũng mang những nét đặc trưng của khí hậu đồng bằng châu thổ, chịu ảnh hưởng khí hậu nhiệt đới gió mùa, hàng năm có 02 mùa mưa nắng rõ rệt. Nhiệt độ: do ảnh hưởng của xích đạo nên nhiệt độ khá ổn định, nhiệt độ trung bình 26,80C. Tháng nóng nhất trong năm thường từ tháng 3 - 4, tháng lạnh nhất là tháng Giêng. Mưa: Mùa mưa thường trùng với gió mùa Tây Nam từ biển Đông thổi vào từ tháng 5 đến tháng 11 dương lịch, mang theo nhiều hơi nước làm cho thời tiết mát mẽ, khí hậu ẩm, lượng mưa trung bình hàng năm bình quân 1.840 mm/năm, phân bố không điều giữa các mùa; mùa mưa tập trung nhiều nhất vào các tháng 7,8,9,10. Mưa thường xảy ra và kết thúc rất nhanh nên mang đặc tính mưa giông. Cuối tháng 7, đầu tháng 8 thường có tiểu hạn gọi là hạn Bà Chằn kéo dài từ 10 – 15 ngày. Gió: Hướng gió thịnh hành là gió Đông từ tháng 11 đến tháng 4; gió Đông Nam tháng 5; gió Tây từ tháng 6 đến tháng 9; gió Tây Nam tháng 10. Tốc độ gió trung bình năm là 3,9m/s, trung bình tháng lớn nhất là 4,9m/s; trung bình tháng nhỏ nhất là 3,1m/s. Đặc điểm khí hậu và thời tiết ở huyện Châu Thành thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt, nhất là sản xuất nông nghiệp. Điều kiện khí hậu có thể phát triển nền nông nghiệp đa dạng với nhiều loại cây trồng nhiệt đới; mặt khác, với nền nhiệt đới, ẩm độ tương đối cao có tác động mạnh đến thúc đẩy tăng trưởng khối lượng, tăng năng suất các loại cây trồng. Thời tiết không có bão cũng là một thuận lợi trong sinh hoạt và phát triển sản xuất. Hạn chế lớn nhất là về mùa khô, lượng mưa ít, gây hạn ảnh hưởng đối với sản xuất. Địa hình: Toàn huyện có địa hình tương đối bằng phẳng, độ cao trung bình từ 70 – 200 cm. Địa chất được hình thành bởi các tầng địa chất chủ yếu là trầm tích mới. Độ sâu từ 0-20m phổ biến là đất sét pha thịt có độ dẻo cao mềm, chịu lực kém. Độ sâu từ 20-21 m là đất sét có độ dẻo trung bình và thấp, chịu lực tốt. Huyện có độ dốc chính nghiêng từ Đông sang Tây, với phần lớn diện tích đất nằm ở vùng tương đối cao, tập trung ở các xã Phú Tân, Phú Tâm, An Hiệp, An Ninh và Thị trấn Châu Thành. Phần diện tích còn lại nằm ở vùng trung bình đến thấp tập trung ở các xã Hồ Đắc Kiện, Thiện Mỹ, Thuận Hòa. Đặc điểm địa hình, đất đai tạo cho Châu Thành tiềm năng, thế mạnh về phát triển toàn diện các ngành kinh tế. Lợi thế tiềm năng về tài nguyên đất đai Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện Châu Thành là 23.632,43 ha, chiếm 7,14% diện tích tự nhiên toàn tỉnh Sóc Trăng. Trong đó, đất nông nghiệp là 21.098,94 ha,chiếm 89,28% tổng diện tích đất tự nhiên toàn huyện (đất sản xuất nông nghệp là 19.110,93 ha, chiếm 80,67%, chủ yếu trồng các loại cây hàng năm 17.323,32 ha, cây lâu năm 1.787,71 ha); đất lâm nghiệp là 788,64 ha và đất nuôi trồng thủy sản là 52,41 ha. Đất phi nông nghiệp là 2.466,93 ha, chiếm 10,44% so với diện tích tự nhiên (trong đó, đất ở 420,13 ha, đất chuyên dùng 1.591,34 ha); đất sông rạch và mặt nước là 333,3 ha, các loại đất phi nông nghiệp khác là 119,79 ha. Đất chưa sử dụng còn 66,56 ha. Theo kết quả điều tra thì trên địa bàn huyện Châu Thành có 03 nhóm đất chính: Một là, Nhóm đất phù sa: được bồi đắp chủ yếu bởi hệ thống sông Hậu, có hàm lượng phù sa dồi dào. Đây là nhóm đất phù sa ngọt không có phèn và ít bị nhiễm mặn, được bồi đắp hàng năm. Tập trung tại các xã có địa hình từ trung bình đến cao như xã Hồ Đắc Kiện, Thuận Hòa, Thiện Mỹ, An Ninh, An Hiệp và thị trấn Châu Thành. Hai là, Nhóm đất giồng cát: là sự hình thành các giồng cát, được cấu tạo bởi cát mịn thường có dạng vòng cung kéo dài chạy dọc theo các bờ biển hoặc sông. Phân bố dọc theo tỉnh lộ 932 của các xã An Hiệp, Phú Tân, Phú Tâm và dọc theo tỉnh lộ 938 của xã An Ninh. Thích hợp cho trồng các loại cây hoa màu. Ba là, Nhóm đất nhân tác: Được hình thành trong quá trình lên liếp, phân bố rãi rác toàn huyện, thích hợp cho các loại cây ăn quả. Nhìn chung, tài nguyên đất đai của huyện đã được khai thác sử dụng phù hợp với điều kiện tự nhiên trong vùng. Phần lớn diện tích đất nông nghiệp đã được đầu tư thâm canh, nâng cao mức thu nhập trên một đơn vị diện tích đất sản xuất; đồng thời, đang có xu hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng khối lượng các loại nông sản có giá trị kinh tế cao. Lợi thế tiềm năng về tài nguyên nước Một là, Nguồn nước mặt: chịu ảnh hưởng chủ yếu bởi sông Hậu, sông Mỹ Thanh theo kênh Phụng Hiệp – Sóc Trăng, sông Nhu Gia và qua sông Kế Sách vào các kênh 8 thước, 9 thước, Trà Cú,… cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn huyện. Ngoài ra còn có các ao, hồ, kênh rạch được phân bố rải rác và là tiềm năng lớn cho việc nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Chế độ thủy triều các sông rạch trên địa bàn huyện chịu ảnh hưởng chế độ bán nhật triều không điều của biển Đông với biên độ triều từ 0,4 – 1 m. Tuy nhiên, Châu Thành là vùng đất cao nên không bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn, nhưng khó khăn về nước trong mùa khô. Hai là, Nguồn nước ngầm: khá dồi dào, nước ngầm mạch sâu từ 100 – 180 m, chất lượng nước tốt để sử dụng cho sinh hoạt, nước ngầm mạch nông từ 5 – 30 m thường bị nhiễm mặn vào mùa khô. Lợi thế tiềm năng về tài nguyên rừng Diện tích đất lâm nghiệp của huyện có 788,64 ha, chiếm 3,34% diện tích đất tự nhiên toàn huyện. Rừng ở Châu Thành là rừng sản xuất, chủ yếu là rừng tràm. Tài nguyên rừng của huyện Châu Thành tập trung ở các lâm trường thuộc các phân trường Sóc Trăng. Rừng được trồng trên đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả. Lợi thế tiềm năng về tài nguyên du lịch Các đình chùa, làng nghề là những điểm du lịch có thể kết nối với các tour du lịch nội tỉnh và liên tỉnh để đón khách tham quan du lịch. Một là, các loại đình chùa mang nét văn hóa tâm linh: loại đình chùa mang nét văn hóa người Việt như Chùa Ni Cô và Tịnh xá Ngọc Hòa ở xã An Ninh; Chùa mang nét văn hóa dân tộc Khmer như chùa Bốn Mặt, Chăm Pa (xã Phú Tân), chùa Phnôrôka (xã Phú Tâm), chùa Peng Som Râth, Kom Pong Tróp (xã An Hiệp), chùa Tum Núp (xã An Ninh) đặc biệt là Dự án Khu văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên (xã Phú Tân). Hai là, làng nghề truyền thống: Châu Thành có nhiều làng nghề truyền thống có thể phục vụ khách tham quan du lịch và mua sắm các sản phẩm làm quà lưu niệm như Làng nghề lạp xưởng, bánh Pía ở Vùng Thơm; làng nghề đan lát ở xã Phú Tân,… Lợi thế tiềm năng về tài nguyên khoáng sản Châu Thành có nguồn đất sét, cát, các loại khoáng sản khác chưa được điều tra khảo sát. Nguồn đất sét có thể sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng như gạch, ngói,… Lợi thế tiềm năng về tài nguyên thủy sản Tiềm năng thủy sản là lợi thế lớn của huyện Châu Thành trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trong phạm vi toàn huyện. Châu Thành có tài nguyên thủy sản khá đa dạng và phong phú, chủ yếu là các loại thủy sản nước ngọt. Các loài thủy sản có giá trị như: các loại cá tra, cá mè vinh, rô phi, rô đồng, cá trê lai, cá lóc, tôm càng xanh,… ngoài ra còn có các loại đặc sản khác như Ba ba, rùa, lươn, ếch,… Lợi thế tiềm năng về tài nguyên sinh vật (cây trồng, vật nuôi) Châu Thành có tài nguyên sinh vật đa dạng và phong phú: Một là, về cây trồng: cây trồng truyền thống chủ yếu là cây lúa, với nhiều giống lúa thuần chủng có năng suất cao; đặc biệt có giống lúa đặc sản đang được trồng khá phổ biến. Các cây trồng khác như bắp, khoai lang, đậu xanh, đậu nành là những loại cây trồng chủ lực mang lại sản lượng và giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, Châu Thành còn có các loại rau thực phẩm bao gồm: cà chua, ớt, dưa hấu, hành lá, hành tím, hẹ, rau cần, rau muồng, rau thơm, cải bẹ xanh, cải ngọt,… và các loại rau nhập từ các vùng nhiệt đới như: bắp cải, su hòa, cà chua, khổ qua,…; cây lâu năm gồm các loại như: cam sành, quýt đường, bưởi, nhãn tiêu, long nhãn, xoài các loại,…. Hai là, về vật nuôi: ngoài các loại vật nuôi truyền thống như trâu, bò, heo, gà, vịt,… hiện nay huyện Châu Thành đang hình thành việc chăn nuôi bò sữa. Lợi thế tiềm năng về tài nguyên văn hóa nhân văn Lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Châu Thành gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của tỉnh Sóc Trăng cũng như vùng đồng bằng sông Cửu Long. Dân cư huyện Châu Thành chủ yếu là người Kinh, người Khmer, người Hoa và dân tộc khác Trong đó, người Kinh chiếm 47,87% dân số toàn huyện; Người Khmer chiếm 48,58%, người Hoa chiếm 3,47%, còn lại dân tộc khác chiếm 0,05% (năm 2021). Đa số người Kinh trong cộng đồng dân cư là người các vùng Đồng Nai, Gia Định, Tân An, Long Hồ đến trước, trong và sau cuộc nội chiến Tây Sơn – Nguyễn Ánh cuối thế kỷ XVIII cùng các cuộc di cư thời Minh Mạng, Tự Đức (1.800 – 1.848) và các cuộc di cư sau này. Người Khmer, người Hoa có mặt cũng khá sớm, họ là người dân lao động đến đây sinh cơ lập nghiệp. Qua bao nhiêu thâm trầm lịch sử, với hình thức sống cộng đồng, xen cư đã tạo nên mối quan hệ mật thiết trong cộng đồng ba dân tộc Kinh – Khmer - Hoa. Nét nổi bật của họ là yêu thiên nhiên, hào phóng, trọng nghĩa, hiếu khách, giàu lòng nhân ái, cần cù lao động, tôn trọng bản sắc, truyền thống của mỗi dân tộc. Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc có biết bao người con ưu tú của huyện tham gia đóng góp công sức và không ít trong số đó đã hy sinh anh dũng cho nền độc lập dân tộc. Trong lao động sản xuất, họ là những người cần cù sáng tạo vượt qua những gian lao thử thách để khai phá, cải tạo vùng đất này thành những xóm, ấp và những cánh đồng trù phú. Kế thừa và phát huy truyền thống ông cha, ngày nay Đảng bộ, nhân dân Châu Thành đang ra sức phấn đấu vươn lên, khai thác tốt tiềm năng thế mạnh của huyện, thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh”. Tuy nhiên, do yếu tố đa dân tộc, văn hóa nên quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Châu Thành cần có những chính sách quan tâm đến đồng bào dân tộc, đặc biệt là dân tộc Khmer trong những vấn đề giảm nghèo,… trong thời gian tới./. |